Ở lại bên này sông

17/08/20173:45 SA(Xem: 4773)
Ở lại bên này sông

Ở LẠI BÊN NÀY SÔNG
Nhất Tâm - Quyết Vãng Sanh

 

Ông ta tên là Nguyễn Văn Tân. Một cái tên bình thường, nhưng công việc làm ăn của ông ta thì chẳng bình thường chút nào.

Mặc dù khuôn mặt hung dữ, thoạt trông dáng vẻ bên ngoài thì chẳng một ai có thể nghĩ rằng ông ta đã từng sống nhờ vào một cái nghề hạ tiện, độc ác và tàn nhẫn hiếm có. Nghề này quả thật ít ai làm được, và cũng chẳng có ai muốn làm.

Nghề chi mà khủng khiếp, dễ sợ rứa? Bộ dọa người ta phải không?

Đó là nghề chuyên đấm đá, đánh đập tất cả những kẻ không bao giờ thù oán với mình: Ông ta là chuyên viên tra tấn của chính quyền thực dân dưới thời thuộc Pháp, sau này là chính phủ Diệm và các chính quyền kế tiếp.            

Công việc hàng ngày của ông ta là đánh đập theo lệnh. Nghĩa là, đánh đập theo yêu cầu của cấp trên. Ví dụ: Lệnh trên bảo: Đánh vừa phải để nó khai. Nếu nó chưa khai thì đánh nữa. Ví dụ: Lệnh trên bảo: Phải đánh dở sống dở chết, thì phải đánh cho nạn nhân phun máu, ngất xỉu vài ba lần. Nếu nạn nhân cứng đầu, tỏ vẻ ươn ngạnh thì đánh thả giàn, đánh cho chết đi sống lại...

Cứ thế, ông Tân cứ đánh và đánh, đánh mãi không thôi.

Nạn nhân của ông là những nhân vật có cùng tên gọi “Con người” như bản thân ông vậy, nhưng ông ta sống trên xác thân bầm tím, ứa máu của họ.   

Bổn phận của ông là làm cho đối tượng không còn ra hồn người nữa. Hoặc là những người yêu nước chẳng may bị bắt, quần chúng tham gia biểu tình chống đối thực dân, hoặc bọn lưu manh côn đồ, trộm cướp... Ông ta lãnh lương bằng việc đánh đập sao cho nạn nhân chịu cung khai tất cả mọi chuyện. 

Thời gian đầu, ông ta chỉ vì miếng cơm manh áo, vì nhiệm vụ, vì lệnh cấp trên... nhưng lâu dần, công việc đã trở thành thói quen thường nhật - nếu hôm nào không được đấm đá thì ông ta chẳng mấy vui, ăn cơm không biết ngon.

Rốt cuộc, sau gần ba mươi năm hành nghề, một loại nghề nghiệp dã man nhất thế giới này, khuôn mặt của ông ta trở nên dữ dằn, hiểm ác vô cùng, khiến trẻ con trông mặt ông đều tự nhiên khiếp hãi, run rẫy, người lớn thì kiêng dè, lảng tránh ra xa...

 Nhưng nhân duyên cũng có những quy luật hết sức kỳ cục, khó hiểu, và trêu chọc lý trí con người bằng những đột biến khó lường, luôn tạo ra sự cốchúng ta cho là bất ngờ, nhưng đối với luật nhân-duyên-quả thì nên hiểu rằng, lẽ đương nhiên...          

Chẳng biết tại sao, hôm nọ ông ta đi làm việc trở về thì trời đổ mưa. Mưa rất lớn. Ông đành ghé tạm bên hiên nhà ở dọc đường để đụt mưa. Bình thường thôi mà!

Tình cờ, một ông sư cũng vừa đến đứng ở đó để tránh cơn mưa xối xả. Cũng bình thường thôi mà!

Trong quang cảnh thê lương của buổi chiều sắp tàn, dưới cơn mưa nặng hạt, dai dẳng, hai người làm quen với nhau. Không biết ông sư đã nói những gì, thuyết giảng ra làm sao, gây ấn tượng cho vị thí chủ bất đắc dĩ này ra làm sao, làm sao chúng ta biết được? Bởi vì sau cơn mưa thì ông ta ra đi, và nhà sư cũng ra đi.

Nhưng đêm ấy sau bữa cơm tối, ông bảo vợ:

- Nghề của tui ác lắm, thiệt ác. Ngày mai tui xin nghỉ việc. Bà hãy tự lo liệu lấy.

Rồi ông đi nằm. Bà vợ lặng lẽ rình xem chuyện gì sẽ xảy ra với ông nữa đây? Suốt đêm ấy, bà chỉ thấy ông thở dài sườn sượt và trăn qua trở lại, dường như không thể ngủ được và cũng không muốn ngủ thì phải.

Và ông bỏ nghề thật.

Cả nhà cũng như tất cả mọi người quen biết xúm lại can ngăn. Nhưng làm sao lay động được một người đã quyết chí? Ai hiểu nổi lòng ông như đại dương đang dậy sóng? Đang phủ kín những đợt thủy triều ngút ngàn?

Rồi, ông ta lại đòi đi tu. Tui phải làm ông thầy tu, nhất định.

Cả nhà cũng như tất cả mọi người quen biết lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông nằng nặc đòi xuất gia, đi tu theo đạo Phật.

Rứa mà ông ta đi tu thật.      

Trên cuộc đời này, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra cả. Một tên ngợm có tâm địa hết sức ngu độn, lì lợm và hành động tràn trề ác hiểm, thế mà có lúc hắn cũng trở thành một bậc tu sỹ chân chánh.

Sau hai năm hành điệu, thực tập nếp sống tăng sỹ tại một tịnh xá khất sỹ ở nam bộ, ông Tân được thọ giới Sa-di, với pháp danh Thiện Hướng. Phải thành thật công nhận rằng, ông sa-di lớn tuổi này quả nhiên xứng đáng khoác chiếc áo cà sa nhà Phật, bởi vì đã tỏ ra quyết liệt khi thực hiện cuộc sống mới mẻ dưới ánh sáng nhà Phật.

Thiện Hướng vô cùng dũng mãnh tinh tấn trên bước đường thực sự cầu đạo với những thao thức tâm linh khá thâm trầm. Thức khuya dậy sớm, khất thực, hành thiền, tụng kinh lễ bái, chấp tác tạp dịch, hầu thầy học hỏi, ôn nhu tùy thuận bạn đồng tu.

Thêm ba năm tiếp theo, sa di Thiện Hướng đã được phép về Sài-gòn thọ giới Tỳ-kheo, và cơ duyên này khiến vị tân tỳ-kheo kết giao với nhiều vị xuất gia khắp lục tỉnh, thuộc đủ loại thành phần. Sự kiện này đã giúp ông có dịp bôn ba khắp nơi để cầu đạo. Qua một thời gian lặn lội năm non bảy núi, chân rảo khắp nam kỳ lục tỉnh, để tu học đủ loại pháp môn của Phật giáo cũng như thần quyền, bùa chú, “trưởng dưỡng thánh thai”, “trảm xích long” của tà giáo ngoại đạo, tỳ-kheo Thiện Hướng cảm thấy càng lúng túng hơn trên con đường tâm linh cũng khá chông gai và đầy rẫy chướng ngại này.

Tâm hồn ông ta vẫn u tối, tri thức vẫn ì ạch nặng trĩu với những bóng ma quá khứ đè lên niềm tin còn non yếu của mình. Chữ nghĩa không bao nhiêu, nếu không nói là ông mới vượt qua giai đoạn vỡ lòng bậc tiểu học. Tuổi tác thì khá bộn, trên đầu mái tóc sắp chuyển màu... bạch kim. Đôi lúc tỳ-kheo Thiện Hướng tỏ ra hoang mang, mất phương hướng trước vô số ngả bảy ngả tám nằm choán lối cản nẻo, dọc đại lộ tu hành.

Giữa lúc tỳ-kheo Thiện Hướng sắp sửa thối bước cùng ý định hoàn tục, (hơn năm chục tuổi rồi, hoàn tục để làm gì? trở lại cái nghề hung ác ngày xưa chăng?) thì may thay, ông gặp một vị khất sỹ trong khuôn viên một tịnh xá nọ, vị khất sỹ thấy vị tỳ-kheo Thiện Hướng này loay hoay lúng túng trong việc tu học, bèn gật gù, nói:           

- Theo chỗ hiểu biết cạn cợt của tôi, một người như ông thì rất cần nương tựa vào một bậc đạo sư chân chánh. Hiện nay, tôi đã vân du khắp nửa miền đất nước mà rốt cuộc tôi chỉ thấy có một Ông Thầy có đầy đủ tư cáchnăng lực của bậc đạo sư, may chăng có thể hướng dẫn ông trong công việc tu tập...

Thiện Hướng mừng quá, còn hơn là bắt được vàng:

- Tôi vô cùng cảm kích và sẽ vâng theo lời chỉ dẫn của Sư. Ai vậy? Ai là người có thể bày đường chỉ lối cho tôi tiếp tục tu hành?

- Ông hãy lặn lội lên tỉnh Lâm Đồng, tìm cho ra địa chỉ này: Thôn Phú An, xã Phú Hội, tịnh viện Hương Nghiêm, và xin được bái kiến Ông Thầy Niệm Phật.- Rồi ông sẽ được toại nguyện. Ờ... mà nhớ rằng, qua khỏi cầu Đại Ninh thì xin dừng xe. Ngay đó, là thôn Phú An, đúng chỗ rồi...!

Và như vậy, định mệnh hầu như vẫn còn tỏ ra ưu ái đối với con người dũng mãnh và tràn đầy thao thức tâm linh này.

Sau khi trải qua ba ngày ngồi trên xe đò, tỳ-kheo Thiện Hướng đã bắt gặp đúng địa chỉ mà mình đang nhắm tới.

Và ông được cơ duyên mở ra cánh cửa đạo lý mà ông ngỡ rằng đã khép kín trước tiền đồ tăm tối của mình. Ông đã diện kiến thầy Thích Thiền Tâm, giới tăng sĩ gọi biệt danh “Ông Thầy Niệm Phật”, và với chút ít trực giác tâm linh khiêm tốn, ông đã nhận ra đây là bậc thầy mà mình khao khát và đợi chờ từ lâu lắm rồi!

Kia kìa, tịnh viện Hương Nghiêm thâm nghiêm, trầm mặc đang sừng sững trước mắt, tỳ-kheo Thiện Hướng bồi hồi hỏi thăm chỗ trú của Ông Thầy Niệm Phật.

Thế rồi, chẳng mất công chút nào, cánh cửa gỗ thông từ từ hé ra cùng với lời chào mời giọng Gò Công ân cần ngọt lịm. Một nhà sư mảnh khảnh, tầm thước, đôi mắt sáng quắc như điện trời, khuôn mặt rực cháy niềm tin và nụ cười ngập ngụa yêu thương đang hiện ra trước mắt. Thiện Hướng chỉ còn biết cúi đầu đảnh lễ trong dàn dụa nước mắt.

Sau khi bỏ ra khoảng gần hai tiếng đồng hồ ngồi lắng nghe tỳ-kheo Thiện Hướng trình bày cái quá khứ chẳng mấy tốt lành của mình cũng như tâm sự về những trắc trở gian lao trên nẻo tu hành nhọc nhằn suốt mấy năm qua, Ông Thầy gật đầu:   

- Không phải riêng cá nhân ông, mà tất cả chúng ta đều chỉ có một con đường giải thoát duy nhất: Niệm Phật!

Đây là pháp môn duy nhấtchúng ta có thể thực hiện nổi. Ông hãy chuyên cần xưng niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật từ nay cho đến khi lâm chung, dẫu xảy ra bất kỳ sự cố nào, cũng quyết không bỏ sót, thì ông sẽ cảm nhận được hạnh phúc ngay trong cuộc sống và gặt hái kết quả chứng ngộ vào thời điểm kết thúc sinh mạng của mình. Bản thân tôi cũng chỉ biết tu hành bằng pháp môn niệm Phật này thôi, ngoài ra tôi chẳng có gì để truyền thụ cho ông cả!      

Ông xúc cảm vô cùng, thưa:

- Con giờ đây chỉ biết tin tưởng tuyệt đối vào Thầy, và sẽ niệm Phật trọn đời đúng như lời Thầy dạy. Nhưng con cũng còn một thỉnh cầu nho nhỏ: Con xin được nhận Thầy làm Y Chỉ Sư, được sống bên cạnh Thầy để tu họckết thúc cuộc sống thế gian tại ngôi chùa này.

Thầy cười:              

- Đây không phải là tu viện, mà chỉ là một cái tịnh thất, chỗ ẩn tu của tôi, cho nên tôi không thể thu nhận đệ tử. Nhưng, nếu ông quá khẩn khoản thì tôi khuyên ông bỏ chút ít tiền ra mua một khoảng đất nhỏ, ở quanh đâu đây, đủ để xây một cái am cốc để có thể tiện việc hành trì Niệm Phật như là tôi vậy.

Ông cứ an lòng xưng niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, còn nếu có thắc mắc gì về giáo lý thì đã có tôi bên cạnh. Tôi cũng chỉ có khả năng trả lời những vấn nạn bình thường mà thôi. Còn những vấn đề cao siêu, bí nhiệm thì đã có đức Phật A Di Đà trả lời cho ông.

Còn vấn đề lương thực hàng ngày thì... khà khà (cười), nếu chúng ta thực sự tu hành thì lo gì thiếu cơm gạo? Một ông thầy tu chân chánh thì không bao giờ chạy chọt kinh doanh tôn giáo, làm vừa lòng bổn đạo trong những công tác cúng kỵ như là một kế mưu sinh. Chỉ ngại rằng mình không chịu thực tu thực học, thì không những thế nhân xa lánh, mà ngay cả Long Thiên Hộ Pháp cũng sẽ bỏ rơi mình thôi!      

Tỳ-kheo Thiện Hướng nói:             

- Vâng. Tùy Thầy thương xót và liệu thu xếp, bởi vì được tu học bên cạnh Thầy quả là niềm hạnh phúc lớn lao của con. Con không còn đòi hỏi gì thêm nữa!

Như vậy, tỳ-kheo Thiện Hướng liền trở về miền Nam, xin vợ con và bạn bè giúp đỡ. Mấy đứa con của tỳ-kheo Thiện Hướng nay đã khôn lớn và làm ăn khá giả, cho nên việc quyên góp cũng không mấy khó khăn. Cuối cùng tỳ-kheo Thiện Hướng trở lại với số tiền khá lớn đến nỗi ông ta đã mua được một mảnh đất bao la cách xa cái thất của Thầy khoảng gần 500 mét.

Mảnh đất rộng lớn gần như một đồn điền hoang vu bạt ngàn, gồm cả chục mẫu tây, bởi vì hồi đó, đất đai rất rẻ, rẻ như là cho không. Đó là vùng đất ba-zan màu đỏ, pha lẫn đá tổ ong và ít cây cối. Tỳ-kheo Thiện Hướng xây một cái am thất nhỏ và đào giếng, cơm nước tự túc.

Trong mấy năm đầu, tỳ-kheo Thiện Hướng tu hành vô cùng tinh tấn. Mới 3 giờ sáng đã thức dậy tụng kinh A Di Đàniệm Phật.

Tiếng niệm Phật của ông rất hùng tráng, vang khắp thôn Phú An. Rồi đến 8 giờ sáng, tỳ-kheo Thiện Hướng ghé qua vấn an Thầy và học hỏi giáo lý. Khoảng 10 giờ, ông trở về chuẩn bị bữa ngọ trai. Nghỉ trưa xong, ông ra vườn dọn dẹp cây cối và làm đẹp cảnh quan...

Sẫm tối, ông chui vào mùng ngồi niệm Phật, bởi vì vùng này muỗi mòng rất nhiều (muỗi kêu như sáo thổi), cho nên nhà tu nào cũng sắm cho mình một cái mùng để tiện việc hành trì, cho tới khi mỏi mệt quá thì buông chuỗi an giấc.

Cứ thế, tỳ-kheo Thiện Hướng tự cảm thấy mình là kẻ hữu phước hữu duyên, có được pháp môn để tu hành, nhất là được dẫn dắt bởi một bậc thầy chân chánh, xung quanh mình là những người quyết chí với lý tưởng Niệm Phật Vãng Sanh! Nhiều đêm giật mình thảng thốt, nước mắt tràn đầy mặt, bởi vì ông không bao giờ ngờ được rằng, một người như mình mà lại có được cái hạnh phúc vô biên bất tận như hôm nay! 

Nhưng khúc quành của nhân duyên, nghiệp lực thì đố ai mà biết trước được? Nếu chúng ta thiếu tỉnh giác thì bị lâm vào mê hồn trận của... chính Ta, khó lòng vượt thoát, nếu chúng ta không chịu nương vào bàn tay đầy uy lực của đức Phật A Di Đà! Nếu chúng ta quên đặt tất cả tâm niệmchí nguyện vào sáu chữ hồng danh thì chắc chắn sẽ bị sa vào trận địa “thập diện mai phục” của một tư tưởng tham lam, một ý định bành trướng bản ngã, thì khi ấy... vô phương cứu chữa.

Hôm nọ, một buổi sáng đẹp như trăng, tỳ-kheo Thiện Hướng thay vì tạt qua tịnh thất của Thầy Thiền Tâm để học hỏi hoặc là nghe pháp như thường lệ, thì ông lại mày mò bước ra thăm vườn. Nói là thăm vườn, cho có vẻ văn chương một chút, chứ thực sự phải nói: tỳ-kheo Thiện Hướng nẩy ý định đi “thẩm tra” cái cơ ngơi bao la bạt ngàn của mình đã mua từ lâu nhưng chưa có dịp khảo sát tường tận đến từng gốc cây ngọn cỏ.

Và như thế, ông đi dọc suốt chiều ngang, rồi trọn cả chiều dọc, để ý xem xét thổ nhưỡng, địa chất, phong thủy, diện tích, hoa màu, củi đóm...

Bây giờ tỳ-kheo Thiện Hướng mới bắt gặp và có dịp nhìn rõ hàng muôn triệu tảng đá tổ ong đang nằm chình ình trên mặt đất, phơi lồ lộ giữa không gian. Đa số các tảng đá ong đều có chung dáng vẻ: một nửa tảng thì bị lún sâu dưới đất, một nửa tảng thì lại ló lên khỏi mặt đất. Khắp nơi, đây đó, toàn là đá ong và đá ong. Hèn chi họ bán cho mình với giá rẻ mạt! Đất đai vùng này toàn là ba-zan pha lẫn tổ ong, chẳng có chỗ thoáng mát cho cây cối gì có thể mọc lên và trở nên tươi tốt nổi!

Tỳ-kheo Thiện Hướng bỗng nổi lên một ý tưởng: hay là mình thử bứng một tảng đá ong này lên, và đặt xuống đó một gốc chuối, xem cây chuối có thể mọc trên vùng đất ba-zan trộn lẫn đá ong này chăng?

Lập tức, ông liền thực hiện ngay ý tưởng sáng tạo vô cùng mới mẻ của mình.

Và ông vội xắn quần, cởi áo thầy tu, phô tấm lưng trần dưới ánh nắng vàng nhạt, rồi hì hục xeo, nạy, bắn và kích tảng đá văng khỏi chỗ đứng của nó. Cuối cùng di chuyển được tảng đá ong khá bự lên khỏi mặt đất, lộ ra một lỗ hổng to tướng.    

Công việc kế tiếp là bứng một gốc chuối mật mốc và đặt vào lỗ hổng ấy, phủ kín đất lại. Thế là ổn.

Ngày hôm sau và những ngày sau nữa, ngoài những thời khóa công phu được quy định trước, tỳ-kheo Thiện Hướng ra vườn tiếp tục công việc trồng chuối, như là một thú tiêu khiển vô vụ lợi. Tỳ-kheo Thiện Hướng cũng tự nhủ như vậy. Rảnh rỗi thì làm việc lao động chân tay cho vui, thư giãn gân cốt.

Ông tự nhủ: Sau những giờ ngồi lì trên bồ đoàn để niệm Phật, thì mình cũng nên lao động chân tay khiến cho thân thể mạnh khỏe, vẫn không thuận lợi cho việc tu hành hay sao?

Càng ngày, ông càng trở nên say sưa, hứng thú trong công việc trồng trọt. Ông siêng năng cải tạo lại vuông sân, sửa sang lại căn bếp, dựng một hòn non bộ bên cạnh cái ao nhỏ phía trước tịnh thất của mình, lặn lội rảo quanh vùng hỏi xin vài ba cây tùng bách tán rồi đem trồng quanh sân, bố trí thêm vài chậu bông đủ loại nữa. Bây giờ nom cảnh quan của trụ xứ này đã ra vẻ “thiền môn” lắm rồi!

Tháng ngày vun vút trôi nhanh, lại một mùa an cư lại tới. Suốt trong ba tháng an cư kiết hạ, tịnh viện Hương Nghiêmtruyền thống tập trung tăng chúng trong vùng để học kinh, hoặc nghe giảng, hoặc thảo luận những khúc mắc trong sự nghiệp tu hành. Người xuất gia mà, luôn luôn lấy câu “Duy Tuệ Thị Nghiệp” để tự răn nhắc bản thân, cho nên tất cả tăng ni khắp nơi tề tựu về đây thực hiện an cư, và cũng để bái kiến Thầy, lắng nghe giáo huấn của Thầy qua những buổi giảng, những buổi luận đạo đàm thiền vô cùng thú vị, nhưng cũng dễ gây... buồn ngủ!

Thay vì rảo mấy bước sang tu viện Hương Nghiêm để nghe Thầy giảng những kinh điển Tịnh Độ, thì kỳ an cư này, tỳ-kheo Thiện Hướng bận bịu với công việc trồng trọt, sửa sang khu vườn, bứng tảng đá ong này lên, chôn gốc chuối kia xuống. Mặc dù nói rằng làm cho vui, nhưng mọi người vẫn thấy tỳ-kheo Thiện Hướng lúc nào cũng tất bật, tíu tít cùng công việc của mình. Nhưng, không sao. Những người khác đều bận rộn với sự tu của họ, cho nên chẳng có ai quan tâm đến cuộc sống riêng tư của người khác.

Mùa an cư năm ấy rồi cũng qua đi, mọi sự đều qua đi. Chỉ có tỳ-kheo Thiện Hướng là kẻ ở lại.

Một hôm, tỳ-kheo Thiện Hướng tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi trông thấy lùm chuối của mình sao mà xanh tươi đến thế: thân cây to lớn, thẳng ro, mập mạnh - còn buồng chuối thì ôi thôi, quá sức tưởng tượng! Quả nào quả nấy như cánh tay người, và sây trĩu. Ông nhủ thầm: chà, mình có mấy buồng chuối đẹp để dâng cúng Phật rồi.

Nhưng, chuối chín nhiều quá, cúng Phật hoài cũng chẳng hết. Ngày nào tỳ-kheo Thiện Hướng cũng thay quả bồng cũ, hạ nải chuối hôm trước và đơm nải chuối mới lên bàn thờ. Thế mà chuối trong vườn vẫn liên tục liên tục chín tới. Làm sao bây giờ?

Giữa lúc tỳ-kheo Thiện Hướng băn khoăn về việc thanh toán những buồng chuối, thì tiếng gọi của nhân duyên nghiệp lực bỗng dưng xuất hiện!

Ngoài đường xóm, bỗng dưng một tiếng nói hết sức thân thương vang lên lanh lảnh:

- Nhà ai có chuối bán… kh… ông...khô..ông?

Đang lúi húi nhóm bếp, mà nghe được tiếng gọi kia, tỳ-kheo Thiện Hướng vô cùng mừng rỡ, suýt chút nữa thì ngã lăn vào đống lửa củi đang cháy hừng hực. Ông chồm dậy, la lớn:

- Có! Tui có chuối bán đây!!!         

Chuyện nhỏ. Dễ thôi mà!

Sau mấy phút thương lượng chóng vánh, tỳ-kheo Thiện Hướng đã đẩy mấy chục buồng chuối ra khỏi đầu óc lo lắng đến độ khô khốc của mình, với số tiền kha khá trong tay. Người khách mua hàng hẹn ngày mai trở lại để ẵm nốt số lượng mấy trăm buồng chuối còn treo lơ lửng trên thân cây.             

Tỳ-kheo Thiện Hướng lòng vui như mở hội. Thật không ngờ, mình trồng trọt cho vui mà thu được kết quả như thế kia! Từ nay, khỏi sẽ băn khoăn về vấn đề kinh tế cho cái am thất nhỏ bé của mình. Cứ thong thả tu hành, chẳng còn lo chuyện tiền nong, chẳng cần xin xỏ con cái, chẳng cần trông ngóng bạn cũ, chẳng cần bổn đạo tín thí gì ráo. Mình cứ trồng chuối lai rai, thu hoạch lai rai, cũng thừa tiền để mua sắm gạo cơm, đậu khuôn, tương chao xì dầu vân vân... 

Nói vậy, chứ từ đó trở đi, tỳ-kheo Thiện Hướng không thể lai rai được nữa! Cây chuối nào đã trót cho ra trái chín, thì trở nên già cỗi, cần phải thay thế bằng một gốc chuối con khác. Cứ thế, tỳ-kheo Thiện Hướng vừa lo lắng bứng tất cả tảng đá ong đang nằm vưởng vất trong đồn điền của mình, vừa tính toán công việc trồng thêm cây chuối mới. Rồi sau khi bán được một vạt chuối sắp chín, thì tỳ-kheo Thiện Hướng lại lao vào trồng một vạt chuối mới.

Công việc càng ngày càng bề bộn cho nên tỳ-kheo Thiện Hướng buộc phải mướn thêm nhân công quanh vùng. Mà quanh vùng này có bao nhiêu người thất nghiệp chịu làm công cho ông đâu? Tỳ-kheo Thiện Hướng phải mướn những người Thượng-du đến làm thuê cho mình, và trả lương hàng ngày (bây giờ thì gọi là người dân tộc).

Khi mặt trời sắp lặn, thì bọn nhân công Thượng-du kia gác bỏ công việc, và nhao nhao lên:

- Trả tiền cho mình, để mình về nhà!

Thế là tỳ-kheo Thiện Hướng vội vàng vén áo nhật bình, rút hầu bao ra trả tiền công cho tụi chúng.

Bây giờ, cái am thất của tỳ-kheo Thiện Hướng được bao bọc bởi một khu rừng chuối mênh mông, bát ngát, cò bay thẳng cánh.            

Và nỗi lo toan, tính toán tiền bạc, cũng dài theo những cơn mất ngủ. Bán xong rồi lại trồng. Trồng xong lại bán. Tỳ-kheo Thiện Hướng bỗng dưng trở thành một Ông Chủ hồi nào không hay.                

Đúng thật như vậy, bộ y cà sa suốt cả năm luôn luôn bị bỏ quên, ít khi được khoác lên thân hình của vị tỳ-kheo tinh tấn ngày xưa. Tỳ-kheo Thiện Hướng vẫn duy trì những buổi công phu sớm tối, nhưng bây giờ không còn nồng cháy, đậm đà, như xưa nữa. Mọi người quanh vùng vẫn nghe tiếng niệm Phật vang ra từ am thất của tỳ-kheo Thiện Hướng nhưng âm thanh không còn lảnh lót, hùng tráng như ngày nào.

Điều này cũng dễ hiểu thôi mà. Khi một người tu hành đã trót đặt tâm niệm vào công việc làm ăn, kinh doanh, thì chất liệu tâm linh chắc chắn phải bị giảm sút, phai nhạt dần. Khi một ai chỉ biết dốc toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp tiền bạc, thì tất cả những tư tưởng giải thoát chắc chắn buộc phải... đi chỗ khác chơi. Thế thôi! Tội nghiệp cho tỳ-kheo Thiện Hướng, bây giờ ông ta chỉ tu hành lấy lệ, niệm Phật cho vui.

Ông ta lỡ bỏ gia đìnhxuất gia, lỡ khoác áo tỳ-kheo và lỡ tuyên bố tu tịnh độ thì trót phải công phu qua loa như người ta, phải duy trì hình thức của ông thầy tu thứ thiệt, chứ lẽ nào một ông tỳ-kheo mà lại bỏ bê hành trì niệm Phật tụng kinh?      

Tuy vẫn niệm Phật nhưng tâm hồn của ông lại đầy ắp tính toán, lo nghĩ, chỉ ưu tư hoàn toàn về tiền bạc lỗ lãi, chứ không phải niệm Phật và luôn luôn “tưởng nhớ tới A Di Đàcõi tịnh độ trang nghiêm” như trước nữa”!

Ông chủ Thiện Hướng đã đến lúc phải về Sài-gòn tậu cho kỳ được một cái két sắt, bởi vì tiền bạc nhiều quá, nhiều quá, không lẽ cứ mang kè kè bên hông, thì nghĩ cũng kỳ kỳ. Cho nên bây giờ đi đâu, ông chủ Thiện Hướng chỉ đeo một xâu chìa khóa lủng lẳng nơi thắt lưng.

Dĩ nhiên ai cũng hiểu rằng, xâu chìa ấy chắc chắn quan trọng hơn lý tưởng vãng sanh, chí nguyện xuất gia, giải thoát. Bao nhiêu bài học cơ bản của Phật giáo, bao nhiêu giáo nghĩa uyên áo, súc tích của Tịnh Độ, đều bị tỳ-kheo Thiện Hướng gởi trả cho sư phụ cả rồi. Mới học chưa chín mà đã vội quên béng đâu mất rồi!

Nếu bất kỳ ai trong chúng ta rơi vào trường hợp như thế này thì buộc phải xử sự như vậy. Xâu chìa khóa có thể bị mất trộm, cho nên phải giữ gìn cẩn thận. Còn cái chí nguyện tu học, niềm tin vãng sanh chứng ngộ thì có bao giờ bị ai âm mưu đánh cắp đâu mà phải chăm chăm lo giữ cho cho thêm nhọc? Phải không?

Lại nữa, đã trở thành ông chủ lớn mà không có một mống đệ tử nào để sai vặt, thì đâu phải lẽ. Cực kỳ vô lý.

Vậy nên bây giờ ông chủ Thiện Hướng đành thâu nhận một chú điệu nhỏ, để nấu cơm, pha trà, tiếp khách và quan trọng nhất là coi sóc cơ ngơi khi ông ta vắng nhà. May mắn làm sao, ông ta lại vớ được một thiếu niên khôi ngô, mặt mày coi được, đến xin làm chú điệu nhỏ!

Và, sự kiện phải xảy ra thì trước sau chi cũng phải xảy ra.

Một bữa chiều nọ, như lệ thường, bọn nhân công vào sân để đòi tiền công trong ngày. Thay vì tiếp bọn chúng tại ngạch cửa, rồi vào phòng trong mở két sắt lấy tiền, và ra trao đủ cho chúng nó. Nhưng lần này, vì bận rộn hoặc do vì lơ đễnh trong giây lát, ông chủ Thiện Hướng lại kéo bọn chúng vào tận phòng trong, mở két sắt trước sự chứng kiến của những người dân rừng rú, thô mộc, vô cùng chất phác này.

Thiện Hướng đút chìa khóa vào. Cạch. Và két sắt mở toang ra. Ôi chao. Tiền đâu mà lắm dzậy? Ngăn nào cũng đầy ứ tiền là tiền. Bọn người Thượng vô cùng kinh ngạc trước gia tài đồ sộ của ông sư Thiện Hướng này. Không thể tưởng tượng nổi, một vị thầy tu lại lắm tiền nhiều của như vậy ! Đương nhiên tỳ-kheo Thiện Hướng chỉ cần lấy ra một xấp bạc mỏng, cũng đủ trả công cho bọn thợ kém văn minh kia. Xong.

Chúng nó quay trở ra vẫn còn lưu luyến cái két sắt với những ánh mắt vô cùng ngơ ngác và thèm thuồng. Tiền nhiều vậy, ai mà chẳng ham?         

Khuya ấy, một vài tên trong số những người Thượng-du kia, đã rủ nhau lén lút đến am thất của tỳ-kheo Thiện Hướng.            

Vách ngăn bằng gỗ thông mỏng tanh chắc chắn không ngăn được bàn tay và khí giới thô sơ của những người chưa hề quen sống với pháp luật. Bọn chúng đã đồng loạt phá cửa, xông vào tận phòng ngủ của Thiện Hướng với ý đồ đơn giản của mình: Lấy tiền!

Thiện Hướng vừa choàng dậy khỏi giường thì đã bị bọn chúng tặng ngay một nhát rựa cực mạnh. Rồi vô số nhát rựa, nhát cuốc tiếp tục nhắm vào ông chủ thầy tu. Máu. Một thân xác đổ xuống chỉ sau mấy giây đồng hồ.

Với khí cụ thường sử dụng hàng ngày, bọn chúng phá vỡ két sắt không mấy khó khăn, và vét sạch tất cả những xấp tiền trong đó.          

Xong, gọi nhau tháo chạy. Chú điệu nghe tiếng động cũng thức dậy, thì lãnh ngay một nhát dao vào cánh tay phải. Cánh tay đứt lìa, máu me dàn dụa. ngất xỉu trước bàn thờ đức Phật. Bọn chúng tưởng rằng chú điệu đã chết, cho nên lặng thinh biến mất trong trời đêm câm nín như bóng tối vô minh.

Màn sương dày dặc của cao nguyên vô tình đồng lõa cho bọn tội phạm. Xung quanh am thất, không có nhà dân chúng, nên chẳng bị ai phát giác.

Dường như đâu đây văng vẳng tiếng dộng chuông của vài tu sỹ nào đó dậy sớm và bắt đầu thực hiện thời khóa công phu.

Chen lẫn trong hồi chuông ngân nga, người ta thoáng nghe:

Văn chung thanh, phiền não khinh.

Trí tuệ trưởng bồ đề sanh.

Ly địa ngục, xuất hỏa khanh.

Nguyện thành Phật,

độ chúng sanh... 

 

Nhất Tâm - Quyết Vãng Sanh

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/03/2023(Xem: 1764)
01/09/2014(Xem: 16949)
27/02/2018(Xem: 14116)
26/10/2021(Xem: 3873)
20/01/2013(Xem: 17656)
28/06/2017(Xem: 8126)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.