Thư Viện Hoa Sen

Lên Phây

12/11/20181:49 SA(Xem: 7726)
Lên Phây

LÊN FÂY

like comment facebookHai cô đi chợ miền quê. Sau những chuyện trò nồi niêu soong chảo về mùa màng, làng nước cho đến khi rẽ vào hai đầu xóm chia tay, còn hẹn với:

            - Tối về, lên “phây” gặp tao sẽ biết hết “mặt mày” của tụi nó!

            Bà cụ bán quán đầu đường nghe lóm, cứ thắc mắc hoài mà không tự trả lời được cái “phây” đó là cái gì: Cái nhà, đồi hoang, độn cát hay là một sào huyệt, mật khu bí hiểm nào chăng…?

            Bà cụ nôn nả tìm hỏi ông cụ:

            - Ông ơi! Làng xã mình có cái “phây” là cái chi?

            Ông cụ suy nghĩ một hồi, lắc đầu:

            - Phây? “Phây phây sung sướng” thì có chớ ở vùng nầy cả đời tui có nghe ai nói “phây” là cái chi chi!

            Hai ông bà cụ đóng quán sớm hơn thường lệ, báo quanh cho bà con lối xóm cùng đi rình bắt… phây. Cái mới xuất hiện ở vùng quê bao năm lặng lờ sau lũy tre xanh thường dễ trở thành biến cố như “biến cố” bịt răng vàng, tóc phi dê, áo quần hở da thịt, đàn bà cỡi xe máy, đàn ông nấu ăn rửa chén…

            Đêm mùa Thu trời tối và gió lạnh. Hai nhóm người chia nhau đi tắt, lặng lẽ tới rình hai nhà có kẻ… lên phây.

            Chờ hoài, chỉ thấy hai người mẹ tuổi trung niên mỗi nơi ngồi gật gù thích thú trước màn hình máy vi tính; chẳng có cuộc chạm trán đụng độ nẩy lửa như trong tưởng tượng của mỗi người đang rình. Người mẹ xóm Đông nửa chừng bị cô con gái ngắt ngang:

            - Mẹ ơi! Mẹ cho con lên phây đi. Bạn con nó đang chờ.

            Người mẹ lưỡng lự như tiếc rẻ, gõ lóc cóc dăm chữ báo với bạn xóm Đoài, rồi  nhường máy computer cho con, nói nho nhỏ: “Cả nhà năm người, ai cũng có phây riêng mà chỉ có cái máy cũ chạy chậm như rùa làm mình mất hứng.”

            Ông bà già bán quán đầu đường và lực lượng rình bắt phây đều lúng túng, ngẩn ngơ. Cả làng gần hai trăm nóc nhà mà chỉ đâu được vài ba chục nhà có sắm máy vi tính cho con đi học nên những khái niệm về mạng vi tính vẫn còn lập lòe trong góc khuất.

            Ngay tối hôm đó, họ tìm thầy học đạo mới vỡ lẽ ra rằng: “Phây” là “Facebook” (phiên âm tiếng Việt là /Phây-xơ-búc/; và từ đây, trong những dòng phiếm bàn tiếp theo  người viết xin được gọi là “Fây” lẫn lộn với Facebook cho vui, bạn nhé!). 

Fây là một mạng lưới xã hộì đang thịnh hành nhất ở địa cầu nầy với 2.3 tỷ người dùng trên tổng số 7.6 tỷ người, dân số toàn thế giới. Riêng ở Việt Nam, năm 2018 có 65 triệu người dùng Facebook trên tổng số 96.5 triệu người dân. Hơn 50 phần trăm… lên Fây. Cao quá! Nhưng so với Mỹ thì có tới 79% dân số lên Fây. Cao hơn! Theo Facebook thông báo thì trung bình mỗi phút có 400 người mới gia nhập cư dân làng Fây.

Tuy theo thống kê chuyên môn quốc tế như PEW hay World Bank thì Việt Nam hiện có khoảng 49 triệu người dùng internet nhưng số người dùng Facebook lên tới 65 triệu vì có thể chỉ một đường dây internet nhưng có nhiều người dùng Fây như trong trường hợp câu chuyện vừa kể ở trên.

Tính đến nay, toàn thế giới có đến hơn 100 Trang Mạng Xã Hội (Social Networks) nhưng thường người ta chỉ quan tâm đến 10 trang mạng dẫn đầu như sau:

Facebook là trang mạng xã hội dẫn đầu về số lượng người theo và tốc độ phát triển. Facebook được thành hình ngày 4-1-2004 do Mark Zuckerberg và các cộng sự viên như Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz, Chris Hughes… khi đang còn theo học ở đại học Harvard. Công ty kinh doanh thu nhập bằng tiền quảng cáo còn tất cả các trương mục thành viên đều miễn phí.

Mỗi thành viên trong số hơn 2.3 tỷ người tham gia Facebook đều có quyền kết bạn tối đa là 5000 người. Quá số nầy, nếu muốn kết bạn thêm thì mở trang Page. Thực sự thì số người có 5000 bạn trên Facebook tổng số chưa tới 1000 thành viên. Con số trung bình thì mỗi thành viên hiện nay có chừng 330 người bạn trong “account” của mình.

            Trong số những trang mạng xã hội hàng đầu thế giới, Facebook có được ưu thế như ngày nay là nhờ 5 đặc tính: Bình dân, sinh động, dễ điều khiển, rộng khắp và không xung khắc với chính quyền của từng nuớc.

 

Làng Fây Việt Nam có gì lạ.

 

            Tại sao một nước còn bị giới hạn nhiều mặt như Việt Nam mà lại có tỷ số người tham gia chơi Facebook đứng vào hàng thứ 7 của thế giới như thế? Có điều gì nghịch lý ở đây chăng hay tại người Việt thuộc vào hàng siêu đẳng về vi tính - mạng internet?

 

            Câu trả lời không dễ nhưng cũng chẳng khó khi đem phân tích 5 đặc tính của Facebook vừa nêu trên, áp dụng vào hoàn cảnh văn hóa, tâm lý, giáo dụcxã hội Việt Nam.

Trước hết, muốn vào làng Fây tìm hai cô đi chợ Xóm Đông, Xóm Đoài hẹn nhau… lên Fây thì phải tìm hiểu “lệ làng” trước đã:

Rằng là: người… lên Fây không cần phải có tiền bạc rủng rỉnh, chữ nghĩa hoa hòe, xe cộ rổn rảng, địa vị xã hội cao sang hay một phẩm chất gì đó… hơn người cả. Tất cả mọi người đều bình đẳng lên Fây và hoàn toàn tự do khai báo tên tuổi, trình diễn mặt mày hay chọn hình ảnh đại diện cho mình. Mặc dầu thôn trưởng làng Fây Zuckerberg và hội đồng làng Fây không không đưa ra những điều kiện khó khăn tới xin cư trú làng Fây nhưng cũng có những quy định căn bản để nhập chúng làng Fây. Nếu cư dân làng Fây rắn mắt một chút thì một người có thể tự sáng chế ra thành nhiều người, nhiều dáng vẻ xuất hiện trên Fây. Cho nên trên mâm chiếu làng Fây, một người tự phân hóa ra hai, ra ba, ra bốn… nhân vật như Tôn Ngộ Không để tự mình đem ảnh, đem lời trình làng, ca nhau hay chống nhau với chính mình cho thêm phần rôm rả cũng là chuyện thường tình, lệ làng Fây không xử phạt.

            Đã có rất nhiều trường hợp một đứa con trong gia đình có chút khả năng vi tính đã mở cho mỗi người trong nhà một trương mục Facebook và biến nó thành một tập album lưu động. Hơn một nửa khách hàng người Việt trên Facebook mới chỉ ứng dụng Face (mặt mày, hình ảnh) mà không dùng đến Book (sách vở, chữ nghĩa). Nghĩa là ngày ngày đem hình ảnh của mình hay bà con, bằng hữu của mình hiện tại hay từ thuở hoa niên lên Fây rồi khen nhau là “trẻ”, là “cute”, là “hoành tráng”, là “cặp đôi hoàn hảo”… thì cũng chẳng có gã Mỹ con nào quan tâm hay phiền hà.

            Lại nữa, cũng có những hiền nhân tâm huyết đem những áng văn thơ ruột gan, những bài viết thiên cổ hùng văn, những bút luận thiên hạ danh văn… của mình lên Fây cho bàng dân thiên hạ thưởng lãm chơi thì cũng “trên cả tuyệt vời” thôi chứ chẳng làm đụng chạm đến ả Tây nào cả!

            Làng Fây rộng mênh mông cả địa cầu, nhưng nếu bạn muốn khu nhà vườn của bạn chỉ một mình riêng tư không ai có quyền lai vãng cũng được; hoặc ngược lại muốn chu du khắp thiên hạ cũng chẳng sao. Ưa ai thì để cho họ vô nhà. Không ưa thì mời đi như:

Xoá lời comment (delete, hide), xoá tên người kết bạn không ưa trong danh sách Facebook (unfriend), chận không cho vào Messenger nữa (block); hoặc sửa đi sửa lại hình ảnh hay bài vở đã lên Fây (edit), bày tỏ ý kiến nhanh mà không cần viết chữ nào cả thì dùng hình biểu thị (emoije), chuyển các tài liệu hình ảnh bài viết cùng lúc cho nhiều người thì chọn rồi gởi (send), thích kết bạn với ai thì mời kết bạn (add friend), nhận ai yêu cầu mình kết bạn thì xác nhận (confirm), từ mặt ai vĩnh viễn thì “tày mặt” (spam) và thông dụng nhất là nút “Like” ( Like là đã xem, thích thú, đồng ý) và thích thú ở mức độ trên cả “like” nữa thì “yêu mến” = (Love với hình trái tim)…

            Với cái điện thoại thông minh nhỏ nhắn nằm trong lòng bàn tay, bất cứ lúc nào người chủ điện thoại cũng có thể chụp hình, quay phim, thu lượm tin tức ngay ở hiện trường và gởi tới bạn bè khắp năm châu với tốc độ trong vòng nháy mắt.

            Một người có tầm nhận biết trung bình có thể chọn hình ảnh, bài viết, tài liệu… mình thích và chuyển lên mạng cho làng Fây cùng xem chỉ mất chừng vài phút.

            Và bất cứ giờ nào thấy nốt xanh trên địa chỉ của hình Fây thì biết là người bạn bên kia đang lên Fây. Nếu muốn thì bạn cũng có thể lập tức cùng lên Fây hay gọi điện thoại miễn phí xuyên bang, xuyên quốc gia, xuyên lục địa – kể cả điện thoại truyền hình – mà nói chuyện thoải mái không lo tốn một xu nào.

facebook 2Và còn nhiều chức năng đa hiệu nữa mà dân cư làng Fây chưa khai thác hết. Nói tóm lại là Facebook đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt thuộc phạm vi giải trí, vui chơi của mọi người, mọi giới không phân biệt để giải trí, chia sẻ, giao lưu, quảng bá và học tập. Facebook đã mang đến cho người Việt, nhất là người dân trong nước phương tiện thoải mái, miễn phí, hiện đạiđơn giản, kỹ thuật cao cấp mà dễ nắm bắt như chuyện đời thường nên Làng Phây Việt Nam rộn ràng và trù phú không thua gì ngày Tết đồng áng được mùa là vậy.

facebook 4Facebook đã cung cấp một phương tiện giải trí, thông tin, chia sẻ, kết bạn… dễ có trong tầm tay mà hầu như mọi người trong xã hội Việt Nam xưa nay từng mơ ước: Làm sao để bày tỏ tiếng nói của mình với xã hội bên ngoài; làm sao để viết lên báo chí những sáng tác nho nhỏ, những câu hỏi đời thường, những trăn trở tâm tình của mình trong giây phút hiện tại mà không cần phải cậy đăng trên báo chí có khi cả tuần, cả tháng sau mới phát hành; làm sao để nắm bắt và chia sẻ tức thời hình ảnh của mình, của bạn, của muôn vàn sinh hoạt quanh mình mà không chịu phiền hà hay tốn kém…? Facebook sẵn sàng làm những công việc ấy của bạn mà không đòi hỏi gì cả, kể cả một lời cám ơn.

            Tuy nhiên, vẫn có những hiện tượng “cuồng Fây”, giận Fây, bỏ Fây hay hành Fây đáng tiếc. Đó là những người đã sử dụng hết cả thì giờ lên Fây để “Like”, “comment” và “share” chi li, bao biện, tranh cãi triền miên như một người cuồng nên gọi là cuồng Fây (crazy Facebook users). Hoặc có người ngồi lặng lẽ một mình trong phòng kín với cái điện thoại thông minh hay chiếc máy vi tính để lên Fây mà cứ tưởng nhầm là mình đang ở trong một thế giới “riêng tư”; nhưng thật ra bạn đang xuất đầu lộ diện 100% trước bên ngoài xã hội. Lại có người lên Fây để chửi đổng, mạ lỵ người khác hay bày tỏ những hình ảnh ngôn ngữ thiếu đạo lý, phạm pháp dưới tên giả, hình giả, lý lịch gỉả… và yên chí mình đang là kẻ “hành động vô hình” nhưng thật ra là đang “thưa ông tôi ở bụi nầy” trong tầm mắt và lăng kính chuyên môn.

            Theo những nhà chuyên môn về các trang mạng xã hội thì những người đến và ra đi bất thường với Facebook vì chưa dùng đúng chức năng của nó nên hoặc là đặt nó quá cao, hoặc quá thấp hay đầu tư quá nhiều thì giờ cho nó. Lời khuyên cho một “người dùng Facebook lành mạnh” là xem nó như một sân chơi có ích và mỗi ngày 24 tiếng thì nên sử dụng tối đa là dưới 10%, nghĩa là không quá 2 giờ để lên Fây (và xuống Fây!)

            Cái thế giới sinh hoạt đa năng, đa dạng, thông minhbình dân, nặng phần trình diễn mà không rẻ tiền, đấu đá mà không sứt đầu mẻ trán, tình cảm mà không đến nỗi lãng mạn chìm xuồng... của Facebook đã thu hút cả giới trẻ lẫn giới già trên toàn thế giới. Với 101 ngôn ngữ kết hợp với một lực lượng thông dịch 300.000 người thông thạo ít nhất là hai thứ tiếng ở đằng sau và 25.000 nhân viên trực tiếp, doanh thu 40 tỷ và thu nhập 16 tỷ đôla năm 2017… là những con số đầy thú vị làm hứng khởi làng Fây.

Sinh hoạt làng Fây rộn ràng đã thế mà tác dụng của làng Fây lại càng kỳ thú hơn.

Trong hoàn cảnh chiến tranh và hòa bình lập lại, người dân Việt xao xác khắp nơi khi rời chiếc nôi quê hương của mình để di cư vào Nam, ra Bắc và các nước trên khắp địa cầu.

Trong rất nhiều trường hợp, Facebook đã giúp những người thân lưu lạc tìm gặp lại được nhau. Có không ít những trường hợp tình cờ người yêu, kẻ ghét nhận diện ra nhau sau bao nhiêu năm dài vắng bóng

Có thể nói Facebook là một sân chơi vĩ đại. Vĩ đại ở đây không phải là chiều cao, độ sâu hay bề mặt rộng rãi bao la mà về tính đại chúng. Hầu như tất cả mọi người không có ai là kẻ lạc lõng khi lên Facebook. Người nào bạn nấy. Khuynh hướng nào thì có đối tượng ấy. Khả năng nào thì có đối tác nấy.

            Nhà tâm lý học Andy Emerson, đưa ra một câu hỏi thuộc vào hàng “lẩm cẩm” nhưng xét ra thì cũng có cái lý của nó chớ: “Tuổi trẻ mê chơi game mà không mê Facebook. Tuổi già lên Facebook mà không mê chơi game. Vì sao như thế?”

Bởi vì Facebook là một cuộc chơi nhưng không phải là một trò chơi. Cuộc chơi khác với trò chơi cũng giống như một cuộc cờ và trò chơi nhảy cò cò của trẻ nhỏ. Cuộc chơi đòi hỏi người chơi phải dấn thân lâu dài và đầu tư nhiều công sức mới có ý nghĩa. Trái lại, trò chơi thì chỉ là cái vui lướt qua.

Với sinh hoạt Facebook, có lẽ đây là lần đầu tiên có hiện tượng người bình dân sinh hoạt ngang tầm với giới trí thức và quý tộc… đại gia trong xã hội Việt Nam. Ai cũng có quyền bình đẳng “trình làng” tiếng nói của mình qua hình ảnh và lời viết. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng, trình độ văn hóa hay học vấn hiển thị rõ ràng qua hình ảnh chọn lựa, ngôn ngữ “comment” hay các hình thức “tác phẩm” trình làng.

fabook 3Câu hỏi lớn nhất hiện nay của giới lên Fây Việt Nam là luật An Ninh Mạng đã được Quốc Hội Việt Nam thông qua và những nghị định của Nhà Nước sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-1-2019, liệu rồi đây Facebook nếu còn tồn tạiViệt Nam sẽ gặp những khó khăn và thuận lợi gì?

 

 Luật An Ninh Mạng (Liên Hiệp Quốc dịch ra tiếng Anh là “Cybersecurity Law”) là một hệ thống luật phápquy ước mang tính chất quốc tế và quốc gia  đã do Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 12-6-2018. Luật sẽ được chính thức áp dụng thi hành từ ngày 1-1-2019.

Google đã đặt 70 văn phòng đại diện và Facebook đã đặt 85 văn phòng trên thế giới. Riêng tại Việt Nam Facebook đã đặt 441 máy chủ; nghĩa là trước những điều kiện luật An Ninh Mạng quy định, mạng Xã hội Facebook có khả năng sẽ không rút lui trước những yêu cầu của chính phủ Việt Nam về những điều kiệnquy định theo luật An Ninh Mạng. Tự bản chất, Facebook là một đại công ty kinh doanh. Zuckerberg và hội đồng lãnh đạo Facebook là những doanh nhân nên họ sẽ hành xử mạng xã hội nầy như một thương vụ. Bà con làng Fây không nên nhận diệnsuy diễn xa hơn về vai tròthái độ của họ khác với thế đứng bắt buộc của giới kinh doanh trong mối quan hệ kinh tế thị trường với chính quyền các nước.

            Mong rằng, dù dưới bất cứ điều kiệnhoàn cảnh nào, làng Fây sẽ không vắng bóng tại Việt Nam trong thời gian sắp tới để:

            Còn trời còn nước còn non,

            Còn in-tơ-nét ta còn lên Fây!

 

Sacramento, 11-11-2018

Trần Kiêm Đoàn

 

Tạo bài viết
22/02/2017(Xem: 6731)
24/09/2016(Xem: 8156)
08/03/2017(Xem: 9982)
24/11/2014(Xem: 8335)
23/09/2018(Xem: 9834)
22/02/2016(Xem: 8935)
29/04/2016(Xem: 7140)
15/05/2024(Xem: 1609)
01/05/2014(Xem: 11304)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: