10. Đi như một dòng sông

16/12/20186:11 SA(Xem: 3424)
10. Đi như một dòng sông
PHƯƠNG TRỜI LẠ
Sư cô Chân Vỹ Nghiêm
 
CHƯƠNG 10
Đi như một dòng sông

Đã nhiều lần Tâm Chánh, Tâm Từ, Tâm An nghe Thầy nhắc về Tu viện Bát Nhã. Dường như nơi đó đã in đậm trong trái tim Thầy. Hôm nay, Thầy ngồi chơi và kể cho các chú nghe về Tu Viện đã để lại trong lòng Thầy nhiều niềm vui, hạnh phúc và cũng lắm nỗi buồn đau. Thầy nhìn các chú với ánh mắt thương yêu, trìu mến, giọng Thầy trầm hẳn, tưởng chừng như Thầy đang nói chuyện với chính mình:

– Các con, Tu Viện Bát Nhã đẹp lắm, có những đồi chè xanh, có suối chảy quanh những con đường thiền hành. Mỗi buổi sáng mùa đông, sương giăng mờ cả núi đồi, người đi trước cách đó mấy mét mình cũng không nhận ra. Có những ngày đẹp trời, các con có thể nhìn bầu trời cao xanh, nhiều cụm mây trắng trôi bồng bềnh thanh thản. Có những đêm trăng u huyền, ánh trăng trải dài rộng mênh mông bao la. Phong cảnh đẹp lắm, mà con người cũng sống với nhau dễ thương, hết lòng tu tập. Thầy nhớ sáng sáng được nghe tiếng chuông đại hồng vang dậy thức tỉnh cả vùng đồi núi, nhớ con đường từ Rừng Phương Bối lên Thiền Đường Cánh Đại Bàng, nhớ con đường dẫn đến các xóm Mây Đầu Núi và Bếp Lửa Hồng, nhớ sân bóng Thạch Sỏi đã diễn ra các trận bóng đá xây dựng tình huynh đệ, nhớ những con đường thiền hành ven suối, xuyên qua đồi thông hay dọc theo đồi cà phê.

 

Tâm An nghe đến các cái tên là lạ nào là xóm Rừng Phương Bối, Xóm Bếp Lửa Hồng, Xóm Mây Đầu Núi, sân bóng Thạch Sỏi, Thiền đường Cánh Đại Bàng… trong đầu chú vẽ lên một tu viện rộng lớn. Thầy ngừng lại rồi hỏi:

– Đố các con thử đoán xem có bao nhiêu thầy, sư cô sống trong đó?

Tâm Từ nhanh nhẹn hỏi:

– Dạ con kính thưa Thầy, có cả quý sư cô trong tu viện nữa ạ?

Thầy gật đầu. Tâm Chánh đoán trước:

– Dạ thưa ba chục người.

Thầy cười lắc đầu.

– Dạ thưa bảy chục người ạ. Tâm Từ đáp.

Thầy cũng lắc đầu nói:

– Còn ít lắm.

Ba chú trố mắt nhìn nhau, bảy chục người mà còn ít. Vậy thì:

– Một trăm hai mươi người ạ. Tâm Từ đáp liều, chú nghĩ trong bụng Thầy sẽ nói nhiều quá.

Nhưng Thầy lại lắc đầu:

 

– Con số nó không chính xác lắm khoảng bốn trăm người. Số người tu tập, xuất gia lên đến năm trăm, nhưng mỗi năm mình điều đi các trung tâm khác của Làng để tu tập, nên con số thường xuyên khoảng bốn trăm người. Ở đó có hai xóm của quý sư cô tên là Mây Đầu Núi và Bếp Lửa Hồng, xóm của quý Thầy ở giữa tên là Rừng Phương Bối, gần Thiền đường Cánh Đại Bàng, thiền đường này lớn lắm có đủ cho hai ngàn người sinh hoạt.

Nghe các con số các chú cứ há hốc mồm kinh ngạc. Tại Việt Nam có một nơi như thế ư?

– Là một nơi mà các thầy, các sư cô trẻ đều mơ ước được đến đó tu học. Có các thời khóa đều đặn như ở chùa mình, cách thực tập không khác. Ngoài ra còn có các lớp học tổ chức đàng hoàng có kiểm tra và thi nữa. Họ chỉ có tu, học, chơi và làm việc với nhau, tạo ra một cộng đồng xã hội đẹp nhất, lý tưởng mà nền tảng căn bản của xã hội đó là chánh niệm. Có chánh niệm, cộng đồng đó sẽ hạnh phúc, tươi đẹp. Chính vì mô thức sinh hoạt này quá đẹp, nên thu hút bao nhiêu tầng lớp trí thức, giới trẻ tới đây cùng sống, thực tập. Cộng đồng đó Sư Ông gọi là Tăng Thân. Tăng Thân Bát Nhã đã sống đẹp cho đến những giây phút cuối cùng.

 

– Thưa Thầy, vậy Tu Viện Bát Nhã không còn nữa sao Thầy? Tâm An hỏi trong sự hối tiếc.

– Trên phương diện hình thức thì nó không còn sinh hoạt như xưa nhưng về mặt nội dung thì linh hồn của Bát Nhã đã có mặt tại đây rồi.

– Con thưa Thầy! Tại sao một nơi lý tưởng như vậy mà không được tu tập nữa.

– Các con à, cái gì nó cũng có hai mặt cả,  khi Tăng Thân thu hút nhiều người đến sinh hoạt, thì chính quyền cảm thấy lo lắngsợ hãi. Họ không thể kiểm soát được Tăng Thân, từ sợ hãi họ đã đi đến quyết định kìm hãm sự phát triển và chia rẽ Tăng Thân bằng nhiều cách khác nhau. Điều kỳ lạ là trước bao nhiêu áp lực từ bên ngoài như bị chửi mắng, bêu xấu, vu khống, quý thầy, quý sư cô vẫn không làm cho tình anh chị em sứt mẻ, mà lại gắn kết thương yêu nhiều hơn. Quý thầy, quý sư cô chia sẻ, bảo bọc cho nhau. Chính tình đoàn kết, tình đạo vịlý tưởng chung, cùng sống bên nhau tu tập đã giúp Tăng Thân cầm cự trước các chướng ngại, trước những cam go một thời gian khá dài. Nhìn lại, đó là giai đoạn đẹp nhất mà cuộc đời tu của Thầy đã được trải qua.

Thầy ngừng lại, uống một ngụm trà rồi tiếp tục kể:

– Khi sống với Tăng Thân, càng hiểu sâu hơn tại sao mình cần Tăng Thân đến như vậy. Giống như con cá yêu nước, con chim yêu bầu trời. Cho nên ước mơ, nguyện vọng lớn nhất của  mọi người lúc đó là được cùng ở chung với nhau, nương tựa nhau tu học, cùng đi như một dòng sông. Con có biết không? Lúc Tu viện gặp nhiều khó khăn, quý Ôn, các bậc tôn túc đã giúp đỡ xin bảo lãnh cho Tăng Thân tiếp tục tu học, nhưng chính quyền khắp nơi đều không đồng ý.

– Thưa Thầy, họ không cho mình ở, nhưng mình ở lì thì làm sao mà đuổi mình được chứ? Tâm Chánh chắp tay hỏi.

Thầy cười nhìn Tâm Chánh nói:

– Mình ở lì thì họ cho người vác mình quăng lên xe, không muốn đi cũng phải đi à.

Ba chú trố mắt kinh ngạc, có chuyện như vậy ư? Thầy ngồi im, quá khứ tràn về. Thầy muốn kể cho các chú biết những hành động bạo lực của những người chống đối Tăng Thân, nhưng Thầy im lặng, Thầy không muốn gieo vào tâm hồn trong sáng ngây thơ của các chú có cái nhìn không lành mạnh với những người đó. Chờ khá lâu, các chú vẫn thấy Thầy ngồi im. Tâm Từ chắp tay thưa:

– Con kính thưa Thầy, Thầy kể cho chúng con biết họ đã làm thế nào mà đuổi được Tăng Thân đi?

Câu hỏi của Tâm Từ cắt đứt dòng suy tư của Thầy, Thầy chợt nghĩ: Các chú cần phải biết sự thật, dù khắc nghiệt, nhưng mình sẽ kể như thế nào để tưới tẩm những hạt giống tốt, đẹp, những điều mà Tăng Thân đã làm khi bị đối xử như vậy. Các chú cần phải thấy nét đẹp của một người tu đầy đủ Bi, Trí, Dũng. Thầy hỏi:

– Các con muốn thầy kể hết chuyện Bát Nhã không?

– Dạ có ạ, ba chú đồng thanh trả lời, ánh mắt háo hức chờ đợi.

– Dài lắm, ngồi lâu mệt không?

– Dạ thưa không ạ.

Thầy cười hiền lành, rồi từ tốn chia sẻ:

– Chuyện bắt đầu từ năm 2008, vị Thầy đã bảo hộ, che chở cho Tăng Thân tu học mấy năm nay không còn muốn cho Tăng Thân tiếp tục tu tập tại Tu Viện Bát Nhã nữa. Thầy đã không đăng ký tạm trú, tạm vắng với chính quyền địa phương về số lượng tăng ni tu học. Đến tháng 8/2008, sự kiện diễn ra khá mạnh mẽ. Chính quyền địa phương gởi một tờ giấy báo mời Tăng Thân Làng Mai rời khỏi tu viện Bát Nhã với lý do người bảo trợ không còn bảo lãnh nữa. Lúc đó quý Thầy, quý Sư Cô phải làm mọi cách để có thể cứu vãn tình thế, xin quý Tôn Túc trong Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh Lâm Đồng bảo lãnh cho Tăng Thân tiếp tục tu học. Thật may mắn, có nhiều vị tôn túc khả kính yểm trợ, nâng đỡ Tăng Thân và anh chị em được bình yên tu tập cho hết mùa an cư đó. Những người chống đối Tăng Thân tiếp tục gây khó dễ bằng cách mở tiếng niệm Phật to suốt ngày suốt đêm, những cái loa to hướng về các cư xá, các thiền đường, nên việc ngồi thiền, học tập của quý thầy, quý sư cô hơi khó khăn một chút. Các con đường dành cho quý sư cô đi lại cũng bị chặn, không được phép đi nữa. Các con, trong lúc đó, nếu mình không biết tu tập, không biết quay về làm lắng dịu thân tâm thì tiếng niệm Phật sẽ làm mình khó chịu, sinh tâm bực bội, mình sẽ không dễ thương khi hành xử. Quý thầy, quý sư cô đã khéo léo sống chung an lạc với những điều kiện đó. Thầy rất cảm động khi nghe quí sư anh, sư chị, sư em chia sẻ: “Chúng con tập sống trên Tịnh độ, có tiếng chim ca lăng tần già hót ra tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, nhắc nhở mình tu tập. Cho nên chúng con vẫn thấy hạnh phúc”. Các con thấy sao?

– Dạ thưa, Quý Thầy, Quý Sư Cô hay thật, sống rất đẹp ngay trong những lúc khó khăn. Tâm Từ nói.

– Đúng vậy, hoàn cảnh đưa đẩy đến đủ chuyện, nhưng chúng ta phải biết đón nhận nó với tâm như thế nào? Cái tâm lành, đẹp thì đón nhận chuyện không hay cũng được chuyển thành hay, thú vị. Tiếng niệm Phật cũng chẳng làm khó dễ được Tăng Thân, nên họ nghĩ ra cách khác, hằng tuần cứ cho người đi kiểm tra tạm trú, tạm vắng. Giờ giấc kiểm tra thật bất thường, lúc chín giờ, khi mười giờ, mười một giờ, có khi kéo dài quá nửa đêm, làm cho anh chị em mệt nhoài. Lúc đầu tâm lý các anh chị em còn lo sợ này nọ, nhưng bị kiểm tra hoài, gặp công an hoài cũng quen, bớt sợ. Tội cho các sư anh sư chị lớn cứ bị mời lên đồn công an thường xuyên. Những thầy, sư cô có quốc tịch nước ngoài cũng không được cư trú nữa. Khó khăn dồn dập nhưng anh chị em vẫn vui sống bên nhau, cũng ngồi thiền, thiền hành tụng kinh mỗi sáng, các lớp học vẫn diễn ra đều đặn, tiếng cười vẫn vang lên dồn dã. Đó là một điều kỳ diệu của Tăng Thân, chỉ có Tăng Thân mới có đủ sức mạnh đi trong gian khó mà vẫn nở nụ cười. Một người không đủ sức, đủ lực làm điều đó. Mọi người cùng nương nhau tu tập, cùng dìu dắt nhau đi tới. Do đó quý thầy, quý sư cô càng thấy rõ thực tập “đi như một dòng sông” quá đẹp, rất cần thiết cho đời tu của mình.

 

 

– Lúc đó Tu Viện còn tiếp tục có những ngày quán niệm đầu tháng cho Phật tử khắp nơi về tu tập, mọi người đến với Tăng Thân càng đông, một phần thương, hiểu, quý mến Tăng Thân, một phần thì hiếu kỳ, lên xem có đúng như những gì họ nghe, họ đọc được hay không? Ai cũng cảm động. Đêm hôm đó, công an đã vào Tu Viện và mời họ về, cả một đêm không ngủ, quý Phật tử vẫn ở lại yểm trợ Tăng Thân, nhưng Tu Viện sẽ không được phép sinh hoạt ngày quán niệm nữa. Họ không cho, nhưng mình tu tập bình thường, quý Phật tử thuần thành, các cô chú Tiếp Hiện vẫn thường xuyên lên tu viện tu học với mình. Họ không ở lại mà xin trú tại một chùa khác để được tu chung với mình. Bởi chính những hành động, cách ứng xử đẹp của Tăng Thân đã củng cố niềm tin, khơi dậy niềm hy vọng vào đạo Pháp của Phật tử mà lâu nay đã bị bào mòn, tàn lụi.

Diễn biến Bát Nhã ngày càng tăng, những người chống đối đã mời Tăng Thân cùng họ nói chuyện trước chính quyền, trước ban trị sự. Đó là một cuộc biểu diễn lạ đời. Người ta thuê người ngoài vào đứng lên nói về Làng Mai đủ điều, rất chướng tai, gai mắt. Họ đã bêu xấu Tăng Thân. Thầy rất cảm phục anh chị em mình đã ngồi im lắng nghe không bạo động. Thái độ im lặng của mình đã làm cho Quý Tôn Túc cảm động đến rơi nước mắt. Họ không ngờ những con người rất trẻ, tuổi dưới ba mươi, chỉ mới tu có mấy năm thôi mà đã đón nhận những lời quá khích một cách bình an như vậy. Sự im lặng của Tăng Thân đánh động tâm hồn quý tôn túc, quý Phật tử. Có nhiều vị Phật tử chịu không nổi đã đứng lên nói, nhưng họ đã bị bên đối kháng không cho nói, làm át đi âm thanh của họ bằng những tiếng la ó. Tiếng nói của những vị ấy bị lạc lõng giữa âm thanh hỗn độn, không còn có hiệu lực. Tăng Thân vẫn ngồi im cho đến cuối buổi.

Tâm An nghe đến đây, cảm động muốn rơi nước mắt, chú nghĩ làm một người tu như thế mới xứng đáng. Sao quý thầy, quý sư cô tuyệt vời đến thế.

Qua đợt đó, cảm thấy sự bất bạo động, im lặng của Tăng Thân quá khó để phá. Họ đã hành động, họ vào cư xá Tâm Ban Đầu, nơi các em tập sự ở, đem hết đồ đạc của các em bỏ ra ngoài trời. Có nhiều sư em bất mãn trước hành động đó đã ra can ngăn, nhưng bị họ lấy cán cuốc hành hung đánh trả. Rất may, các sư anh, sư em ra kịp và ôm sư em lại, dắt về phòng. Sư em rất tức giận nhưng trước sự hòa ái, những lời chia sẻ chân tình của quý Thầy, sư em đã lắng dịu lại. Nếu không có Tăng Thân, có lẽ sư em đó đã đánh trả lại và làm nhiều điều không phải, nhờ có sự thực tập, có anh em giúp đỡ mà sư em kịp dừng lại. Các con thấy hiệu lực của Tăng Thân không?

– Dạ có ạ, dòng sông Tăng Thân hay quá Thầy ơi! Tâm Từ nói với lòng kính phục.

– Đúng vậy, dòng sông Tăng Thân rất đẹp, nó cuốn phăng đi những lo lắng, ưu sầu, khổ não. Các con hát bài “Xin nguyện làm dòng sông” đi.

Bốn Thầy trò cùng hát:

Xin nguyện làm dòng sông

Không làm hạt nước nhỏ

Trên đường về đại dương

Vầng trăng khuya sáng tỏ

Xin nguyện làm dòng sông

Không làm hạt nước nhỏ

Cuốn phăng trên đường đi

Bao niềm đau nổi khổ

Xin nguyện làm dòng sông

Không làm hạt nước nhỏ

Mỗi bước con đã về

Đây quê hương Tịnh Độ.

Ca từ thấm vào trái tim của các chú, lúc này đây bài hátý nghĩa vô cùng. Tâm Từ hát rất hết lònghạnh phúc trào lên trên ánh mắt.

– Thôi giờ mình nghỉ nghe, hôm khác kể tiếp được không? Sắp đến giờ các con chơi thể thao rồi.

– Thầy ơi! Kể tiếp đi Thầy, hôm nay chúng con không chơi bóng đá để nghe Thầy kể chuyện Bát Nhã. Giọng Tâm An nài nỉ, nhõng nhẽo một chút.

Thầy cười không nói. Tâm Chánh thưa:

– Con kính thưa Thầy, Thầy đang kể có cảm hứng, Thầy kể sẽ hấp dẫn hơn, lỡ hôm sau Thầy không muốn kể nữa thì sao, chúng con rất muốn nghe. Chơi bóng đá cũng thích nhưng chuyện Bát Nhã thích hơn.

Tâm Từ, Tâm An cũng gật đầu đồng ý lia lịa, ba chú đã hoàn toàn bị cuốn hút vào dòng sông Tăng Thân rồi. Thầy nhìn các chú rồi nói:

– Thầy chiều các con một lần này thôi nghe, lần sau không được vòi vĩnh nữa nhé!

Ba chú hạnh phúc vô cùng, nở hoa tặng Thầy, Thầy tiếp tục kể:

– Thế là Tâm Ban Đầu bị lấy, các em tập sự vào ở chung Tăng xá, cuộc sống vẫn tiếp tục, thời khóa đều đặn, nhưng tình hình an ninh giữa các xóm bắt đầu bất ổn. Trong tu viện xuất hiện nhiều thanh niên lãng vãng mỗi tối. Quý Thầy lo cho xóm quý sư cô, nên chia nhau canh gác bảo vệ xóm Bếp Lửa Hồng và Mây Đầu Núi. Nhớ lại cũng vui, thời gian đó chia sẻ pháp đàm rất hăng, ai cũng kể nhiều chuyện vừa buồn, vừa vui ở các xóm cho nhau nghe. Thương chi lạ. Tiếp đến họ lấy luôn nhà bếp và trai đường, họ đem nồi niêu, xoong, chảo, thau… đủ thứ vứt ở ngoài đường. Lúc đầu quý Thầy cũng không thèm lấy đem vô, nhưng sau nghĩ lại, mình phải bảo vệ đồ của Tam Bảo nên đem vô sử dụng. Quý Thầy che tạm một cái chòi làm bếp ngay trong cư xá.

Tháng 6/2009, một sự kiện đặc biệt nữa xẩy ra, bên chống đối Tăng Thân cúp điện, cúp nước, cắt đứt hết mọi liên lạc giữa Tăng Thân với bên ngoài. À! Thầy quên, trước đó vài hôm khi nghe Tăng Thân bị nhiều áp lực, Quý Tôn Túc cùng Phật tử khắp nơi lên thăm và cúng dường lương thực, bị những người quá khích, ném phân, chửi mắng và đánh đập đoàn cứu trợ. Ôn trụ trì chùa Phước Huệ bị đánh phải nhập viện, quý Tôn Túc, quý sư bà, ni sư bị ném phân khắp người khắp xe. Trước tình hình đó, dư luận đã bất bình lên tiếng giúp. Riêng Tăng Thân vẫn cam chịu, chấp nhận thực tại như vậy. Tiếp đến là cắt điện, nước, cắt đứt mọi sự tiếp tế lương thực, thực phẩm của Phật Tử. Thời gian đó, quý Thầy, quý sư cô đã hứng nước mưa để uống. Tắm giặt phải tiết kiệm tối đa, ba bốn ngày mới được tắm một lần, mỗi lần tắm phải tiết kiệm hết sức, có vị chỉ sử dụng hai ca nước để tắm thôi. Ăn uống cũng hạn chế lại, vì không biết tình trạng này kéo dài bao lâu, nếu quá lâu thì sẽ thiếu lương thực thực phẩm, đèn đuốc không có nên dùng nến để học. Bên cạnh đó còn bị khủng bố đủ thứ, nên quý sư cô phải dồn phòng lại ở chung cho an toàn, lúc trước ở Mây Đầu Núi chỉ có từ năm đến bảy người một phòng, giờ dồn hai ba phòng vào một phòng, nằm dưới đất sát nhau, nhưng cũng vui. Các con ạ, nếu mình thật sự tu tập thì có Bụt Tổ gia hộ, quý thầy, quý sư cô vẫn được tiếp tế thường xuyên. Có rất nhiều Phật Tử, các cô chú Tiếp Hiện đã hết lòng ngày đêm tìm mọi cách giúp Tăng Thân. Các con, trong cuộc đời tu, mình mang ơn rất nhiều người, bao nhiêu tấm lòng đã hướng về Bát Nhã.

Thời gian bị cấm vận ấy xẩy ra hơn một tuần, lúc đó ba xóm cũng không được qua lại với nhau, chỉ biết nhớ, thương và lo cho nhau thôi, xóm này có ai đem đồ cúng dường cũng nhường cho xóm khác, cứ sợ các xóm không đủ thức ăn. Tình huynh đệ thật đẹp!

Trước áp lực của các bậc Tôn Túc, những Phật tử yêu mến Tăng Thân, báo chí trên mạng đưa tin về Tăng Thân ngày càng nhiều, làm cho bên chống đối cũng giảm bớt căng thẳng. Ba xóm được gặp lại, sau hơn một tuần, được nhìn lại sư anh sư chị sư em, quý sư cô đã khóc, xúc động, họ càng thương nhau nhiều hơn. Thiền đường Cánh Đại Bàng không còn được sử dụng nữa.

Điểm mấu chốt cuối cùng là ngày 27/9/2009, đây là thời điểm chính thức Tăng Thân rời tu viện Bát Nhã. Sáng hôm ấy, trời mưa bão, đại chúng cùng đi thiền hành trong mưa, ngắm cảnh mưa trên núi đồi rất đẹp, áo ai cũng ướt mưa nhưng khuôn mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc. Đó là buổi thiền hành cuối cùng trên mảnh đất thân thương này.

Tám giờ sáng hôm đó, mọi thời khóa ngừng lại, ai về phòng nấy ở yên. Ngồi trong phòng, quý thầy, quý sư cô chờ đợi những trận tấn công, chửi mắng như trước. Chỉ biết ngồi yên, niệm Bụt cầu nguyện như những lần trước thôi.

Tám giờ ba mươi sáng tại Tăng xá xóm Rừng Phương Bối, hàng trăm người lớn, trẻ, thanh niên đã vào cư xá, thấy quý Thầy ngồi thiền, đắp y, họ ôm xốc quý thầy lên xe taxi đang chờ sẵn ngoài sân. Các anh em chạy ra kéo anh em mình lại, nhiều vị đã liều chết nằm ngang trước đầu xe để cản trở tài xế không cho họ chở quý thầy đi. Y áo, vật dụng đều bị nắm quăng ra ngoài mưa bão. Nhiều anh em bị bỏ lên xe, đã nhảy xuống đường để trở lại với anh em mình.

Đến mười một giờ, nhóm người đó đi xuống đến cư xá Mây Đầu Núi, vào đập kính ở các cửa phòng của quý sư cô, mở chốt khóa và đuổi hết xuống sân, ngoài mưa gió. Lúc đó quý thầy cũng xuống đến xóm Mây Đầu Núi, anh chị em đứng bên nhau, mặc cho họ xua đuổi, đánh đập, dội nước dơ vào người. Đứng dưới mưa mãi đên bốn giờ chiều, họ ùa ra xô toàn chúng ra khỏi tu viện. Đại chúng đã đứng dưới mưa trước cư xá, nhìn vào xóm Mây Đầu Núi, giờ biết phải đi về đâu? Đến bảy giờ tối, quý sư cô quyết định xuống ở tạm tại xóm Bếp Lửa Hồng, còn quý thầy đi bộ gần hai mươi cây số ra chùa Phước Huệ.

Thầy nghe quý sư cô kể lại, tối hôm đó chị em hai xóm nhìn nhau khóc, bởi cứ nghĩ rằng ngày mai mỗi đứa một phương, không biết khi nào gặp lại.

Sau đó, ngày 28/9/2009, quý sư cô rời xóm đến chùa Phước Huệ xin ở tạm qua ngày mưa bão rồi đi. Nhưng Ôn Phước Huệ đã dang cánh tay, từ bi che chở cho anh chị em được ở lại tu học đến ba tháng. Thời gianPhước Huệ, ai cũng sống hết lòng, trân quý sự có mặt của nhau, thật là hạnh phúc. Nhưng chính quyền gây nhiều áp lực cho Tăng Thân và cho Ôn Phước Huệ, anh chị em cũng không muốn gây khó xử cho Ôn, thầy trò, huynh đệ nước mắt lưng tròng chia tay nhau. Thầy về đây xin tạm trú để tu tập và làm lắng dịu lại những nỗi đau vừa qua, rồi được gặp các con. Thầy luôn có niềm tin sau này Bát Nhã hay một nơi nào đó sẽ được thành lậptoàn thể anh chị em được đoàn tụ bên nhau, lại cùng đi như một dòng sông. Dòng sông Bát Nhã bây giờ tạm chia ra nhiều nhánh để tiếp tục đi ra đại dương. Anh chị em Bát Nhã vẫn thường liên lạc với nhau và đang nỗ lực tìm mọi cách xây dựng lại Tăng Thân Làng Mai tại Việt Nam. Bởi lẽ ai cũng biết đó là một xã hội đẹp, văn minhlành mạnh nhất hiện nay, nền tảng căn bản để tạo nên một cộng đồng đó là chánh niệm. Rồi sau này, chính quyền sẽ hiểu rằng quý thầy, quý sư cô vô hại, họ chỉ muốn góp tay xây dựng cuộc đời thêm chân thật, lành mạnhtốt đẹp thôi. Chính quyền sẽ chấp nhận cho Tăng Thân sinh hoạt trở lại. Các con ơi! Ngày ấy không còn xa nữa. Các con có muốn cùng thầy về với Tăng Thân, chúng ta cùng hợp nhất các nhánh sông thành dòng sông lớn không?

– Dạ muốn ạ.

Thầy cười hiền lành rồi hỏi:

– Các con không còn đến trường, không còn ở lại nơi này nữa mà phải ở một nơi khác thì sao?

Tâm An trong lòng phân vân, không đến trường cũng buồn thật, ở một nơi nào đó xa ơi là xa, ba mẹ không lên thăm mình được còn buồn hơn nữa. Nhưng nghĩ về Tăng Thân, nghĩ về ước mơ cao đẹp của mình, nghĩ đến những điều đẹp đẽ mà Tăng Thân đã làm, chú cũng muốn mình được vào dòng, trở thành một hạt nước bé nhỏ chảy trong lòng Tăng Thân. Chú dũng mãnh hơn, gật đầu thưa:

– Con cũng sẽ đi với Thầy, về với Tăng Thân, con xin nguyện làm một giọt nước nhỏ chảy trong dòng sông lớn.

– Các con biết không, thầy rất thèm được sống với Tăng Thân, có huynh đệ nhắc nhở mình tu tập. Ở trong Tăng Thân, sống hết lòng dần dần chúng ta có thể gột rửa được các tập khí xấu, khi va chạm với sư anh, sư chị, sư em mình mới thấy rõ con người của mình, thấy rõ những tập khí được huân tập lâu đờichuyển hóa. Nhờ có pháp môn, nhờ có anh em, có tình huynh đệcon người chúng ta mỗi ngày một đẹp hơn. Tuy ở đây một mình với các con, thầy vẫn thường xuyên liên hệ với Tăng Thân khắp nơi trên thế giới. Hiện nay, mình có rất nhiều Tăng Thân ở các nước, có các trung tâm tu học như Làng Mai ở Pháp, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu ở Đức, Tu Viện Lộc Uyển , Bích Nham, Mộc Lan ở Mỹ, một trung tâm ở Úc, một trung tâm ở Hồng Kông, hiện giờ có thêm ở Thái Lan và sẽ có nhiều trung tâm khác mọc lên ở khắp nơi. Riêng Việt Nam, giọng Thầy trầm hẳn lại, chúng ta còn chờ đợi với một niềm tin, ôm ấp một lý tưởng cao đẹp vào ngày mai tươi sáng hơn. Tăng Thân sẽ đoàn tụsinh hoạt lại như xưa. Thầy giao Tăng Thân lại cho các con, các con cố gắng tu tập, nuôi lớn bồ đề tâm, Tăng Thân sẽ biểu hiện trở lại tươi đẹp, mới mẻ, trẻ trung mà các con là những người xây dựng nó, một Tăng Thân Việt Nam trong tương lai. Thôi cũng hết giờ rồi, chúng ta cùng đi ăn cơm. Thầy trò mình ăn ở ngoài vườn cho mát và ngắm hoàng hôn xuống. Phong cảnh ở đây cũng đẹp lắm. Thầy trò mình cũng là một Tăng Thân đó các con.

Các chú hạnh phúc vô cùng, điều làm các chú sung sướng là Thầy đã giao cho các chú một nhiệm vụ to lớn, cao cả, xây dựng lại Tăng Thân Việt Nam, một Tăng Thân đẹp như Tăng Thân Bát Nhã vậy. Chuyện về tu viện Bát Nhã đã nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm của các chú, mở ra cho các chú những ước mơ cao đẹp. Tự nhiên Tâm An cảm thấy mình được thổi lớn như Phù Đổng Thiên Vương, vươn vai đứng dậy như một thiên thần. Giờ đây ngoài tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương ba mẹ, Thầy Tổ và anh em, các chú còn để trong tim mình một khoảng trống lớn cho tình yêu Tăng Thân. Một thứ tình cảm được nối kết tất cả các tình kể trên bằng sợi dây thiêng liêng Bồ Đề Tâm.

Thái Lan, Tháng 3/ 2010.

Chương 10: Đi như một dòng sông là chương cuối của Phương Trời Lạ do sư cô Chân Vỹ Nghiêm viết tặng khung trời tuổi thơ
Nguồn: Làng Mai



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/03/2023(Xem: 1761)
01/09/2014(Xem: 16921)
27/02/2018(Xem: 14112)
26/10/2021(Xem: 3844)
20/01/2013(Xem: 17648)
28/06/2017(Xem: 8116)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.