Hình hài hư hao

09/11/20223:15 SA(Xem: 2292)
Hình hài hư hao

HÌNH HÀI HƯ HAO
Tiểu Lục Thần Phong

 

Cổng chính chùa KLNhân chuyến về thăm ba má bệnh, tôi ghé thăm ngôi chùa xưa ở chốn làng quê ngày trước. Dân quanh vùng xưa nay quen gọi tên thông dụng là Bàu Lương, chẳng có mấy ai gọi tên chữ Khánh Lâm.
Chùa được tổ Toàn Tín khai sơn vào năm Tân Sửu đời Cảnh Hưng 1781, năm 1941 được vua Bảo Đại sắc tứ và đến 1952 thì Pháp dội bom phá hủy hoàn toàn. Năm 1955 hòa thượng Tấm Ấn từ tổ đình Hưng Khánh đứng ra tái thiết lại.

Kể từ đó tồn tại cho đến năm 2001 với dáng vóc cổ tự rất đẹp và hài hòa giữa chốn đồng quê. Chùa gồm chánh điện, hai dải đông và tây lang, phía sau là nhà trù, sân cát ( giếng trời) ở giữa có trồng cây ngọc lan thơm ngát. Chùa lợp mái ngói âm dương, đầu những máng xối gắn những con cá hoa long, mỗi khi trời mưa nước từ miệng các con cá tuôn ra xối xả trắng cả những giấc mơ. Trước chùa là một cánh đồng xanh ngát, những bầy cò trắng chao lượn làm cho cảnh vật đẹp đến nao lòng và thanh bình không sao tả nổi. Năm 2001 thì chùa bị phá để xây mới, với vốn tiền ít ỏi nên thiết kế và chất lượng công trình thật tệ, vừa xấu vừa kém chất lượng. Tất cả những hình ảnh cũ của chùa bị phá bỏ, điều này làm đau lòng rất nhiều những Phật tử gần xa quanh vùng.

Tôi đến viếng chùa vào một buổi chiều của tháng mười, nhìn vườn chùa hoang phế cỏ dại mọc cao đến bụng, chùa mới xây lại đã xuống cấp trầm trọng, nước dột hoen ố tứ tung, nhện giăng mắc khắp nơi, bụi bặm rác rưới tùm lum. Bàn thờ Phật cũng bụi bặm trông buồn làm sao! Mấy năm nay vị thầy đương trụ trì khắc khẩu và xung đột với các Phật tử quanh vùng làm cho số người đến chùa càng ngày càng ít đi.

Tôi vào lễ Phật mà lòng thấy ngậm ngùi thê thiết. Tôi vạch cỏ đi dạo vườn chùa thấy còn hai cổ tháp của tổ đời thứ 40 và bốn 41, có lẽ hai cổ tháp này là những di vật còn nguyên vẹn chưa bị tàn phá bởi bàn tay con người, duy dấu ấn thời gian thì không thể nào khác được, rêu phong phủ kín, cỏ dại ngập đầu. Chùi sơ tấm bia ở một cố tháp tôi còn đọc được dòng chữ: “Lâm Tế tứ thập nhất thế sắc tứ Khánh Lâm trụ trì Thiện Nguyên xà lê bảo tháp” (thật sự thì có sự trợ giúp của bạn bè chứ vốn chữ Hán của tôi chỉ còn đọc được lõm bõm:” Lâm Tế tứ thập nhất thế”). Tôi ngẩn ngơ trước bảo tháp của các tổ, lòng bùi ngùi tưởng nhớ dĩ vãng xa xưa, nhìn cảnh vật và con người hiện tại thì thấy buồn vô hạn. Lững thững nhổ cỏ dại và bẻ bỏ những cây dại mọc các kẽ quanh tháp. Tháp đối diện bên kia thì bia ghi: Lâm tế tứ thập thế… Hai ngôi bảo tháp nằm hai bên chánh điện với những trụ biểu đắp nổi búp sen, lân; Bình phong thì đắp nổi rùa chở cuốn thư… Vòng ra ngoài cổng mới mở, tôi đi xem cổng chính bị khóa đã lâu, dây thép ràng kỹ đã hoen rỉ. Ngày xưa trước mặt chùa là cánh đồng xanh ngát, giờ bị những đại gia hãng đá granite xây xưởng lấn sát cổng chùa. Con đường mòn trước chùa hầm hố ao tù nước đọng và rác rưới dơ dáy. Cả chánh điện và cổng chùa bí bách đối diện với bức tường cao nghễu nghện của xưởng đá granite. Chùa xưa đã mất hình hài, mất cả khung cảnh thiên nhiên thuở ban đầu, dẫu biết thế gian vô thường, sự thay đổi biến dịch gtrong từng phút giây, nhưng ở đây sự can thiệp thô bạo của con người đã phá hủy những hình bóng thân thương của một thời.

Bảng hiệu Khánh Lâm tự còn nguyên trên cổng chính nhưng giờ chỉ có lưng nhà máy đá Granite nhìn, con đường mòn trước chùa giờ cũng quạnh quẽ hoang vu, chẳng còn ai đi qua lối cũ. Hình hài ngôi chùa sắc tứ xưa giờ đã biến mất, chỉ còn hai ngôi tháp cổ may mắn chưa bị xâm hại nhưng không biết trong thời gian tới liệu có còn nguyên vẹn. Xứ mình giờ hai chữ trùng tu hay tu bổđồng nghĩa với làm mới di tích, một sự phá hoại đầy vô minh mà cứ ngỡ mình đang giữ gìn bản sắc. Có rất nhiều di tích cổ, tượng cổ sau khi trùng tu khiến người ta cứ liên tưởng đến những cô gái đi sửa nhan sắc.

Chùa xưa đã mất hình hài, chuyện xưa đã trở thành dĩ vãng, hồn xưa giờ trôi dạt phương nào?
 
Tiểu Lục Thần Phong
Đồ Bàn thành, 10/22

Tháp tổ dòng Lâm Tế đời 40
Tháp tổ dòng Lâm Tế đời 40
Cổng chính chùa KL
Cổng chính chùa Khánh Lâm
Cổ tháp chùa KL
Cổ tháp chùa Khánh Lâm
Bình phong bảo tháp
Bình phong bảo tháp
Bia mộ tháp dòng Lâm tế đời 41
Bia mộ tháp dòng Lâm tế đời 41




 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/03/2023(Xem: 1840)
01/09/2014(Xem: 17074)
27/02/2018(Xem: 14196)
26/10/2021(Xem: 3953)
20/01/2013(Xem: 17718)
28/06/2017(Xem: 8237)
Là một Phật tử dù đức tin có vững vàng đến đâu mà những hình ảnh, tin tức xấu xí về Phật giáo hàng ngày cứ đập vào mắt mình như thế, tôi cảm thấy rất đau lòng!
Những ngày gần đây lan truyền trên mạng xã hội hình ảnh một vị sư đầu trần chân đất đi bộ từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam. Xem qua nhiều clip và đọc một số bình luận thấy có người khen kẻ chê, người tán dương, kẻ dè bỉu.. Nhưng nói chung tôi thấy Thầy được cung kính nhiều hơn. Xin có những thiển ý như sau qua hiện tượng này.
Trong tập san Sagesses bouddhistes (Trí tuệ Phật giáo) của Tổng hội Phật giáo Pháp, số mới nhất tháng tư năm 2024, với chủ đề Tìm kiếm một nền hòa bình cho mình, cho thế giới (Trouver la paix pour soi, pour le Monde), trong mục ‘Tin ngắn’ có nêu lên hai mẫu tin đáng cho chúng ta suy nghĩ. Mẫu tin thứ nhất như sau :