Nhật Ký Một Phật Tử (5)

14/12/20224:08 SA(Xem: 2339)
Nhật Ký Một Phật Tử (5)

NHẬT KÝ MỘT PHẬT TỬ (5)
Thanh Nguyễn

 

nhat kyNgày làm cuối, tháng này, năm nay

Hôm nay thứ sáu, ngày làm cuối của tuần, rất may tuần này họ không bắt buộc phải làm thêm giờ. Mình không thích làm thêm vào thứ bảy, một phần mệt mỏi , một phần thì cũng thấy “biết đủ”. Hãng khi cần thì họ mới buộc phải làm, còn không cần lắm thì tự chọn. Khi họ buộc phải làm mà không làm thì có thể bị đuổi việc. Khi mình ở trong một nhóm nào đó thì mình phải chịu cái luật chung của nhóm. Mình không thể đứng ngoài hay đứng trên được! Nói cách khác đó cũng là cộng nghiệp.

Việc mưu sinh chẳng dễ tí nào, nên khi có việc thì phải giữ việc, về mặt lý thuyết thì tiền bạc là vật ngoại thân, phù du nhưng ở đời không có tiền thì làm sao sống nổi? Tiền không thể mua được sức khỏe hay hạnh phúc nhưng không có tiền thì khó mà sống an ổn được giữa cuộc đời ngũ trược ác thế. Đừng nói là ở ngoài đời, ngay cả trong đạo mà không có tiền thì cũng không thể nào xây chùa, đúc chuông, tô tượng, in kinh hay tổ chức những hoạt động khác. Đành rằng việc tu học giải thoát không nệ ở cơ sở vật chất, nhưng để độ sanh thì cần có cơ sở vật chấthình thức.

Mưu sinh không chỉ để nuôi bản thân, gia đình, đóng góp cho xã hội mà cũng còn để góp chút ít vào những việc thiện khác, tuy nhiên mình không thể dốc hết sức khỏe để đổi lấy tiền để rồi sau này hối hận tiền không mua lại được sức khỏe.

Thế gian này hầu hết mọi người đều mưu sinh vất vả, chỉ có một số ít, rất ít người không cần phải mưu sinh mà vẫn sống sung túc, tháng ngày sống trong hoan lạc, những người này có lẽ dư phước từ tiền kiếp rất lớn. Cuộc đời này mưu sinh khổ, xung đột khổ, tình yêu và gia đình cũng khổ ( không khổ thì đã không cãi cọ, ly thân, ly hôn), thân khổ, tâm khổ, khổ vì sinh- lão- bệnh -tử; khổ vì cầu không được; khổ vì ghét lại gần mà thương thì phải xa; khổ vì thấy khổ mà không thoát khỏi khổ; khổ chồng khổ, khổ đi đến khổ; khổ vì hoại khổ… Tóm lại đời là bể khổ! Bạn mình nhìn mình rồi cười cười:” Đạo Phật bi quan yếm thế quá! Đành rằng có khổ nhưng đời có bao nhiêu thứ vui thú, cứ hưởng thụ đi, cớ sao cứ nhìn cái khổ để rồi khổ?”. Mình cũng cười cười nhìn bạn mình:” Chính vì những thú vui hưởng thụ ấy mà khổ. Phật chỉ nói sự thật ( diệu đế) mà mình không thấy, không biết. Phật chỉ ra nguyên nhân của khổ ( tập đế). Chẳng có gì bi quan, Phật chỉ ra sự thật và chỉ con đường đi đến thoát khổ ( đạo đế, diệt đế). Mình chỉ nhìn một nửa rồi la lên bi quan, con đườngphương pháp thoát khổ đã có, còn đi hay không và đi đến được mức độ nào là ở bản thân chúng ta. Phật chỉ chỉ đường chứ không thể đi giúp, ai đi nấy đến, ai ăn nấy no. Phật, Bồ Tát, thầy lành bạn tốt… là trợ duyên”

Đạo Phật là đạo giác ngộ, khác với các tôn giáo khác, trong các tôn giáo khác có ban phước giáng họa, có thưởng có phạt, có cứu vớt có đày địa ngục...Đạo Phật thì dễ dàng và đơn giản  hơn, ai uống thuốc thì hết bệnh, muốn hết khổ thỉ y cứ theo chánh pháp mà hành. Phật là người chỉ đường, pháp là cách thức thực hành, tăng chỉ là hướng đạo, trợ duyên… Đạo Phật có thiên kinh vạn quyển, nhiều tông môn pháp phái, nhiều dòng truyền thừa...ấy là vì tính khế cơ khế lý, vì phải phù hợp với tập quán văn hóa bản địa, phải tương ưng với trình độ căn cơ của người nơi ấy… Dù có nhiều khác biệt nhưng vẫn giữ cái cốt lõi căn bản: Tứ diệu đế, bát chánh đạo, thất bồ đề phần, lục độ ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo… và người thực hành dù là tu sĩ hay cư sĩ tại gia vẫn không ngoài văn - tư – tu.

Ở xứ Cờ Hoa này có thể nói là giàu mạnh nhất thiên hạ, cuộc sống vật chất phủ phê sung túc, con người không bị nạn quan quyền nha môn hà hiếp, khoa học kỹ thuật tân tiến nên đời sống tương đối dễ dàng thuận tiện, nghĩa là có phước báo lớn hơn so với người dân ở các xứ độc tài, lạc hậu, nghèo đói. Tuy nhiên cái khổ của bệnh tật, già, chết thì vẫn không sao tránh khỏi. Vẫn phải bệnh, già, chết như mọi chúng sanh khác. Sự giàu có, tân tiến hiện đại chẳng giúp được gì trong vấn nạn khổ này. Rốt cuộc cũng chỉ có trung đạo mới có thể giải thoát con người ra khỏi sanh tử luân hồi. Mình cũng như những Phật tử khác, không dám cao vọng cuồng ngôn nói chuyện thoát ly sanh tử luân hồi. Mình học Phật chỉ là để tìm sự an lạc tạm trong cuộc đời này, chỉ để gieo cái nhân lành cho việc tái sanh, gieo cái duyên tốt cho những kiếp sau này còn gặp chánh pháp, gặp thầy lành bạn tốt. Điều căn bản nhất và có khả năng nhất ấy chính là giữ năm giới một cách tốt nhất mà mình có thể, để làm cơ sở cho sự tái sanh làm người. Niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn quả là không dễ, niệm Phật để vãng sanh thì thế gian này có được bao nhiêu người? Nói đơn giảnthực tế nhất thì niệm Phật để tâm bớt dính mắc vào sáu trần. Câu Phật hiệu như sợi xích buộc cổ con khỉ ý thức lại, là dây cương để kềm chế con ngựa hoang. Niệm Phật để gieo duyên, luyện cái tậm mình. Chuyện vãng sanh rất khó dám nói đến, ngay cả những vị xuất gia cũng vậy, khi lâm chung phụ thuộc rất lớn ở cái ngiệp nào khởi phát mạnh và trước.

Niệm Phậtpháp môn phù hợp và dễ nhất cho những người phật tử hàng ngày phải đi làm. Việc niệm Phật, nghĩ Phật, tưởng Phật trong lúc làm việc không ảnh hưởng gì đến công việc cũng như những người làm chung, tất nhiên cũng còn tùy thuộc vào loại công việc nữa. Với thiền thì đòi hỏi phải có một chỗ ngồi yên tịnh, một địa điểm cụ thể, một không gian thích hợp và đôi khi còn phải có thầy hoặc bạn trợ giúp, lễ lạy thì không thể áp dụng ở chỗ làm. Tóm lại trong các phương pháp thì niệm Phật là tối ưu hơn. Mình chỉ dụng tâm, trong làm việc vẫn niệm Phật được như thường, cho dù công việc có bận rộn nhưng chí ít trong một ngày làm việc vẫn có thể có những khoảng thời gian lặng để niệm Phật. Niệm Phật là một cách để luyện tâm, thanh lọc tâm, huân tập chủng tử Phật trong tâm, làm cho chủng tử Phật nhiều hơn, mạnh hơn những chủng tử của tài, sắc, danh, thực, thùy.

Mình đã đọc qua, đã nghe thấy những lời chê bai:” Niệm Phật là việc dành cho ông già bà cả, những người học vấn thấp, ít chữ nghĩa...” Nhưng mình cũng được biết có những khi chỉ với nồi nước xông, một lát gừng hay một viên thuốc cảm xoàng nhưng cứu được mạng người, thôi thì mượn tạm câu nói của các vị thiền sư:’ Nước nóng lạnh ai uống nấy biết, thức ăn ngon dở ai ăn nấy hay”. Ai tài cao đức lớn thì cứ dụng những pháp môn khác, mình sơ cơ trí thiển, tài sơ, phước mỏng, bản lãnh không có thì chấp nhận niệm Phật, một lòng niệm Phật, niệm Phật mọi lúc mọi nơi khi mà mình có thể. Mình đã quyết tâm như thế rồi,dù gì cũng cứ niệm Phật, tuy nhiên khi gặp pháp hội trì chú hay ngồi thiền thì mình vẫn tham gia với mọi người. Chính thiền quán tứ niệm xứ lại trợ giúp đắc lực cho việc niệm Phật. Có quán tứ niệm xứ mới biết thân bất tịnh như thế nào, tâm vô thường, thọ khổ, pháp vô ngã. Biết tâm bất tịnh để mà quyết tâm niệm Phật để sau này không quyến luyến cái thân này nữa, dễ dàng buông bỏ trong giờ phút cuối của cuộc đời.

 

Thanh Nguyễn

Ất Lăng thành, 04/22

Nhật Ký Một Phật Tử (5)
Nhật Ký Một Phật Tử (4)
Nhật Ký Một Phật Tử (3)
Nhật Ký Một Phật Tử (2)
Nhật Ký Một Phật Tử (1)





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/12/2019(Xem: 12446)
15/11/2012(Xem: 17109)
14/10/2010(Xem: 34514)
01/04/2014(Xem: 8761)
06/01/2017(Xem: 10314)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.