NGÔN NGỮ CỦA TÌNH THƯƠNG
Huệ Trân
Ngôn ngữ thường được xử dụng để giãi bày tư tưởng, quan điểm, cảm xúc buồn vui thương ghét …v…v… qua âm thanh, qua giấy mực, hoặc nay thì internet trên mạng lưới toàn cầu… Dù có trải qua nhiều dạng thức khác nhau theo trào lưu thời đại nhưng đồng hành vẫn còn một loại ngôn ngữ nữa, thầm lặng mà linh động, mạnh mẽ mà nhẹ nhàng, chợt khởi mà bền bỉ … Loại ngôn ngữ này, dù khiêm nhường, nhưng thời đại nào, quốc độ nào cũng có. Đó là ngôn ngữ của Tình Thương.
Hai chữ “Tình Thương” dường như luôn được viết hoa khi ngôn ngữ này hiển lộ.
Câu chuyện bà lão cô đơn, nghèo khổ, suốt 13 năm kiên trì nuôi một bé gái bị cha mẹ bỏ rơi, là một, trong muôn cảnh đời lầm than khốn khó trên đất nước Việt Nam. Chỉ là tình quen biết trong xóm nghèo, hai vợ chồng trẻ, đến mướn phòng trọ gần bên, nhờ bà lão trông dùm đứa bé mới sanh để họ bương trải đi làm, tối sẽ về đón con và trả bà 50,000 đồng mỗi ngày.
Số tiền tuy ít ỏi, nhưng vừa nhìn gương mặt bé gái, bà lão thương ngay, nên đã nhận lời.
Nào hay, cuộc đời như dòng sông, khi êm ả, lúc phong ba, chỉ chưa đầy một tháng, người mẹ không thấy đến đón con nữa! Họ đã âm thầm rời phòng trọ, đi biệt tích!
Nhìn bà lão địu đứa bé trên lưng, đi lượm ve chai kiếm tiền mua sữa nuôi nó, lối xóm ai cũng xót thương nhưng cùng cảnh nghèo nên chỉ thỉnh thoảng có người đến chia sớt chén cơm, miếng bánh! Khi không có tiền mua sữa thì bà lão nấu cháo, chắt nước cho nó uống. Vậy mà đứa bé vẫn lớn dần, ít bệnh hoạn, lại ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Hàng đêm, bà lão quỳ dưới mái hiên dột nát, chắp tay cảm tạ Trời Phật đã xót thương mà che chở cho hai mảnh đời bất hạnh được gặp nhau mà thương yêu nhau.
Tấm lòng đôn hậu, bà lão chỉ nghĩ đơn giản như vậy, không hoa mỹ, không xa vời. Có lẽ cũng cảm nhận tình thương sâu đậm đó của bà lão nên con bé luôn phụ giúp việc lặt vặt trong nhà, chăm học, không hề nghe lời bạn cùng trường lớp rủ rê đi chơi đây đó, hay đua đòi những tiện nghi vật chất thời đại mà đa số bạn bè đều có.
Dường như cả hai, một già, một trẻ chỉ cùng xử dụng một ngôn ngữ. Đó là Tình Thương được viết hoa, nên dưới mái nhà dột nát đó, hạnh phúc luôn ấm áp, tràn đầy … Hạnh phúc này tuy âm thầm nhưng là biểu tượng làm đẹp xóm nghèo nên thoảng hoặc, lại có những người khách lạ, nghe tiếng mà ghé thăm. Có lần, một khách phương xa tặng hai bà cháu thùng mì và nhân dịp hỏi cô bé:
Cô bé 13 tuổi đó trả lời ngay:
- Con chỉ mong sau này được là một bác sỹ thú y.
-Sao lại là bác sỹ thú y?
- Vì con thương những con chó, con mèo hoang. Chúng bị chủ bỏ rơi, như con bị cha mẹ bỏ rơi vậy. Con may mắn được bà Sáu nuôi, còn chó hoang, mèo hoang không ai nuôi, chúng phải chết dần vì đói, vì bệnh, vì bị xe cán !
Người khách tình cờ ghé thăm hôm đó đã xúc động đến lặng người khi nghe cô bé thổ lộ mơ ước của mình. Lời tuy đơn sơ nhưng tình thương từ trái tim thì vô bờ bến ! Một cô bé bị bỏ rơi, sống với bà lão nghèo trong xóm lao động mà ước mơ không là nhà cao cửa rộng, áo quần đẹp đẽ, thực phẩm tươi ngon …. Mà lại chỉ ước mơ được là một bác sỹ thú y để trực tiếp chăm sóc, nuôi nấng những con thú hoang, đặc biệt là mèo hoang. Cô bé xác định như thế và chia sẻ thêm rằng những con mèo hoang, thể chất yếu ớt, biết an phận nên cô cảm thấy gần gũi với mình hơn.
Tiếng nói từ trái tim là như thế. Khi đặt mình vào đối tượng thì Hiểu và Thương sẽ hiển lộ tự nhiên.
Từ trời Âu tới trời Á, chuyện gần rồi chuyện xa, nhân loại chưa bị tiêu diệt vì Tình Thương vẫn thấp thoáng hiện diện. Và đây là câu chuyện được ghi trong Tập Đoàn Truyền Thông Đa Quốc Gia Epoch Media Group. Xin sơ lược thuật lại.
Hơn nửa thế kỷ trước – ít nhất là hơn 80 năm – là thời gian mà nền kinh tế của Mỹ-quốc suy sụp nhất ! Đặc biệt là sự đói khổ phơi bày ngay tại New York, một trong những thành phố tiêu biểu của Mỹ-quốc. Người không nhà, không tiền, không thực phẩm, lang thang đường phố cùng những người tạm còn áo, còn cơm và cả những người may mắn còn đủ áo, đủ cơm…
Trong cảnh đời bất định đó, một phiên toà vào một ngày cuối đông giá lạnh năm 1935 đã xử một vụ án ăn cắp vặt trong xóm nghèo. Ôi, xóm nghèo mà ăn cắp vặt, có lẽ quá thường tình, xong vụ này, xử tiếp vụ khác, chẳng có chi đáng nói, nếu phiên xử ngày cuối đông đó không là ông Fiorello LaGuardia , thị trưởng thành Phố New York đứng ở vị trí thẩm phán. Bị cáo là một bà lão thân hình tiều tuỵ, áo quần rách rưới, cứ cúi gầm mặt xuống, có lẽ vì xấu hổ!
Ông thị trưởng, đồng thời là quan toà, nhìn bà lão và hỏi:
- Bà bị tố cáo là lấy trộm một ổ bánh mì, đúng không?
Bà lão lí nhí:
- Thưa vâng, tôi lấy trộm một ổ bánh mì !
- Biết lấy trộm là có tội, sao bà vẫn lấy? Bà đói lắm ư?
Như vết thương bị bật máu, bà lão nấc lên:
- Vâng, thưa quan toà, tôi đói lắm! Nhưng tôi lấy trộm ổ bánh mì không phải cho tôi, mà tôi lấy trộm, định mang về cho hai đứa cháu ngoại không có gì ăn đã 2 ngày nay và mẹ chúng, là con gái tôi thì bệnh liệt giường, không dậy nổi mà đi kiếm cơm cho chúng!
Ông Fiorello LaGuardia nhìn bà lão nghèo khổ giây lát rồi cất tiếng, nghiêm nghị, rõ ràng:
- Xã hội phải có luật lệ. Dù bà lấy trộm vì bất cứ lý do gì, nhưng phạm tội là phải đền tội. Trường hợp này, bà sẽ bị phạt 10 đô la hoặc bị tù 10 ngày. Bà chọn điều nào?
Bà lão oà khóc:
- Thưa quan toà, nếu có 10 đô la thì tôi đã không lấy trộm ổ bánh mì ! Tôi xin nhận ngồi tù 10 ngày ! Nhưng trời ơi, còn đứa con gái bệnh và hai đứa trẻ đang chết đói thì tôi phải làm sao đây?
Ngài thị trưởng thành phố New York thời đó, mỉm cười, nhẹ nhàng rút 10 đô la trong túi ra , đặt lên bàn và nói:
- Đây, 10 đô la tiền phạt. Bà đã được tự do. Nhưng khoan đi !
Quan toà nhìn một lượt, nhìn khắp từng người tham dự phiên toà rồi mới chậm rãi nói:
- Tất cả quý vị đây, mỗi người hãy nộp phạt 50 xu. Đây là tiền phạt cho sự thờ ơ của chúng ta, đã để cho một bà lão nghèo khổ phải ăn trộm bánh mì để tạm cứu hai đứa trẻ đang đói lả! Chỉ cần một vài người trong quý vị đây có đôi chút quan tâm thì có lẽ bà lão đã không phạm tội ăn cắp.
Trong không gian bất ngờ với ngạc nhiên và xúc động thì vị quan toà lại phán thêm:
- Không phải chỉ trộm cắp mới có tội mà thờ ơ, hờ hững trước khổ đau của người khác cũng là tội. Vậy, quý vị hãy nộp phạt tội của mình và gom tất cả tiền phạt này, trao cho bà lão.
Quan toà nói xong, thì ngả chiếc mũ của chính mình, đặt ngửa trên bàn và móc túi, bỏ 50 xu vào đó.
Không gian phòng xử chợt im phắc, im tới mức mọi người như nghe được nhịp đập thổn thức trong trái tim mình ! Rồi giây phút lắng im kỳ diệu đó oà ra khi dòng người hiện diện nô nức hoan hỷ theo nhau, tuần tự bỏ tiền vào chiếc mũ đã quá tải. Từ các cảnh sát giữ trật tự, ông chủ lò bánh mì, tới người già, người trẻ … những người mấy giây phút trước đó tưởng là người vô tội, bất ngờ được khai tâm mà ý thức mình cũng là người có tội!
Ngày hôm sau, hầu như toàn bộ báo chí xuất bản tại New York đều đăng tin về phiên xử đặc biệt này và thị trưởng thành phố New York, ông Fiorello LaGuardia đã được ca ngợi là ngài thị trưởng vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ-quốc.
Thưa, ngôn ngữ ở đây có phải chỉ là lời bộc phát của cô bé mồ côi, lời quan toà phán xét với mọi người, hay ngôn ngữ này phải bắt nguồn từ Ngôn ngữ Của Tình Thương mới lập tức chiêu cảm những ai đủ duyên nghe thấy, đặt mình vào đối tượng để Hiểu và Thương hiển lộ?
Chúng sanh nhắc nhau xử dụng ngôn ngữ này, chắc chắn sẽ giảm thiểu không ít khổ đau cho muôn cảnh đời tang thương khắp cõi ta-bà tạm bợ này!
Mùa Xuân biểu trưng cho mùa hoa kết nụ, mùa trái nẩy mầm.
Xin hãy gieo xuống Đất Tâm những hạt mầm Tình Thương trong khả năng mình, để cùng nhau an lạc, vì Hạnh Phúc Nhận Về Là Khi Biết Cho Đi.
Huệ Trân
(Tào-Khê tịnh thất – Thời điểm giao mùa)