Thư Viện Hoa Sen

Nhật Ký Một Phật Tử (11)

25/02/20233:32 SA(Xem: 2943)
Nhật Ký Một Phật Tử (11)
NHẬT KÝ MỘT PHẬT TỬ (11)
Thanh Nguyễn

 

nhat kyNgày về, tháng này, năm nay

Sau bảy năm không về vì những lý do bất khả kháng, mình lại về thăm ba má, nhìn hình hài suy hao của ba má mà lòng xót xa dù vẫn biết rằng đó là lẽ thường của quy luật sinh trụ hoại diệt. Mình biết rằng thời gian còn lại trên đời này của ba má không nhiều nữa nhưng mình lại không thể ở bên cạnh để phụng dưỡng. Lòng mong mỏi lắm nhưng không làm được, chữ hiếu không tròn vì những lý do tế nhị riêng tư, vì nghiệp duyên quả báo của chính bản thân mình và cũng là của ba má.

Ngồi trên máy bay lòng vẩn vơ suy nghĩ đủ chuyện, con người ngày nay phước báo lớn, thọ hưởng bao nhiêu là tiện nghi của khoa học kỹ thuật. Cách nửa vòng trái đất mà về chỉ mất một ngày, ngày xưa muốn đi chỉ có đi bộ, đi ngựa hay đi thuyền và mất vài tháng hoặc cả năm trời.  Nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay thấy biển mây bồng bềnh mà cảm khái cứ ngỡ mình như Tề Thiên cân đẩu vân, lại nhớ ngày xưa ngài Huyền Trang từ Trung Hoa đi sang Ấn Độ để học Phật và thỉnh kinh, hành trình đi và về mất mười sáu năm ròng. Ngài vượt qua một chặng đường với những gian khó khó mà tưởng tượng nổi: Nắng nóng sa mạc, lạnh giá tuyết sơn, thức ăn, đồ uống, bệnh tật, sơn tặc, thảo khấu, vua quan và sứ quân dọc đường… Ngài một một thân một bóng trên con đường vạn dặm, đây là một việc phi thường của bậc phi phàm. Ngài đi thỉnh kinh với ý chí kim cang, tinh thần vô úy, trí huệ xuất chúng… muôn ngàn người chưa dễ được một, ngàn muôn năm đâu dễ tìm được hai. Cũng thân xác tứ đại như nhau nhưng mình chỉ là cái bị thịt, cái đãy da hôi thối còn ngài là bậc Bồ Tát, thương nhân xuất chúng siêu phàm. Nhờ công lao của ngài mà Phật pháp truyền bá rộng rãi khắp Trung Hoa cũng như nhiều nước châu Á khác. Cũng dặm đường thiên lý xa diệu vợi ấy, ngài Huyền Trang sang Ấn để thỉnh kinh học Phật thì các ngài Cưu Ma La Thập, Trúc Pháp Lan, Bồ Đề Đạt Ma…  lại lặn lội từ Ấn Sang Trung Hoa để hoằng pháp, truyền bá chánh pháp. Nghĩ nhớ các ngài mà lòng xúc động không sao tả được.

Còn đang miên man nghĩ tưởng thì giật mình vì máy bay đang vào vùng không khí loãng, đèn cảnh báo chớp chớp, máy bay dằn xóc dữ dội, trồi hụp, rung lắc thậm chí có lúc rơi tự do thật dễ sợ, mặc dù có tiếng loa trấn an của phi công trưởng nhưng mọi người đều sợ xanh mặt, trong giây phút này có lẽ tất cả mọi người đều cầu nguyện ( theo đức tin của họ). Mình thầm niệm Phật, mặc dù mình biết rõ Phật không phải là thánh thần nên không thể ban phước hay giáng họa. Phật không thể xìa tay ra cứu vớt người trong hoạn nạn. Trong lúc nguy hiểm đầy sợ sệt như thế này thì niệm Phật là cách tự trấn tĩnh, một phương pháp giữ chánh niệm để không hoảng sợ. Niệm Phật để cái tâm không tán loạnkhủng bố. Vạn nhất bất đắc dĩ nếu như có việc gì xảy ra thì cái dòng thần thức của mình sẽ nương theo cái tâm đang niệm Phật đó để hướng về cảnh giới an lành hơn.

Tình trạng rung lắc, giằng xóc kéo dài đến ba mươi phút mới chấm dứt. Mọi người thở phào và reo lên đầy mừng rỡ. Mình cũng thế và sau đó thì ngồi lặng yên và nghĩ về chữ nghiệp. Trên chuyến bay này có phi công, công nhân, bác sĩ, kỹ sư nghĩa là giàu-nghèo, sang - hèn, trí- ngu đều có đủ. Mỗi người vì nghiệp lựcphước báo của mình mà thọ sanh và hưởng thụ trong đời này, nay tất cả ngồi chung chuyến bay này, nếu lỡ có mệnh hệ gì thì cả mấy trăm con người có chung nghiệp vậy! Nghiệp là kết quả tạo tác của miệng nói, thân làm, ý nghĩ ( tam nghiệp). Nghiệp có tốt- xấu, thiện- ác, nhanh- chậm, dài- ngắn, chung - riêng, hoặc vô ký… Mình với mọi người ngồi chung chuyến bay này tức là cùng chịu chung cái nghiệp dù chỉ là trong hai mươi ba giờ bay.

Mình thương ba má nhiều lắm, sống với vợ con khăng khít, làm việc chung với bạn bè vui vẻ… tức cũng là chịu chung cái nghiệp trong những hoàn cảnh riêng. Mình không được ở gần để phụng dưỡng ba má ấy cũng là cái nghiệp riêng của mình mà cũng là nghiệp của cả ba má. Mình rất muốn được ở gần để chăm sóc ba má ở tuổi xế chiều nhưng không thể làm được vì mình lệ thuộc hoàn cảnh riêng, bất tài vô tướng, phước mỏng nghiệp dày và vài lý do cá nhân mà không thể nói ra. Nhà Phật vẫn nói muốn cũng không được mà không muốn cũng không được, tất cả tùy thuộc vào nghiệp báo và phước phần của mỗi người.

Thời gian ngắn ngủi ở quê hương, mình tranh thủ đưa ba má đi viếng chùa lễ Phật, quả thật không có thời gian để ngồi xuống tụng một biến kinh, chỉ có thể lễ lạy niệm Phật một tí rồi lại đi. Mình thấy nhiều ngôi chùa giờ lạ quá, chùa cổ LP vốn được xem như tiểu Thiếu Lâm Tự của Việt Nam, chùa NT là danh lam cổ tự có từ đời vua Lê Hiển Tông… giờ dựng thêm cái tháp cao nghễu nghện, màu sắc rực rỡ  trước sân trong khi ngôi chùa nhỏ bé rêu phong cổ kính, vô cùng tương phản và chói mắt. Rồi tịnh xá NL cũng xây hai cái tháp ngất ngưởng trước sân, xây mấy cái cốc sang trọng, gắn máy lạnh...Vị trụ trì nói:” các ngài tu khổ nhiều rồi, xây cốc tiện nghi một tí để các ngài nghỉ ngơi”. Quả thật mình không biết nói sao luôn. Ngày xưa các sư đầu trần chân đất đi khất thực, ngày ăn một bữa, giờ khác quá! Đã thế các Phật tử còn cho biết:” sư trụ trì vay tiền để xây tháp, giờ không có tiền trả, giang hồ và chủ thầu tới quậy mỗi ngày” thật hết biết luôn! Chùa một cột tên chữ Nam Thiên Nhất Trụ tự ở Thủ Đức do người bắc di cư năm 1954 dựng lên. Ngày xưa tôi thường đến đây vãng cảnh, nay về thấy giữa sân có cây thị to hai người ôm, cành bị cắt trụi, ngọn cưa thấp, gốc bị xén. Trên thân cây có tấm biển công đức ghi:” cây thị hơn trăm tuổi do ông Q chủ tịch cúng dường”. Thương cho cây thị, đang sống yên ổn trong rừng ngoài bắc bị người ta cắt ngọn, cắt cành, đẽo gốc… để chở vào đây cúng dường, cái này phải nói là công đứt chứ không phải công đức. Hiện tượng đào bứng cây cổ thụ để cúng chùa, làm bon sai để chưng mấy biệt phủ đang làn tràn khắp nơi. Người ta đang tâm đào bới cổ thụ tức là tàn phá hết những khu rừng ít ỏi còn sót lại ở VN. Trong chùa chưng một loạt đèn đá theo kiểu thức Hàn Quốc, quá nhiều, quá rãm rịt thành ra cứ như một xưởng sản xuất đá. Đèn đá ở Nhật, Hàn vốn nho nhỏ xinh xinh để rải rác trong vườn rất hợp cảnh hợp tình. Khi du nhập về Việt Nam thì cây cảnh bonsai phải to, bự, cao, phải “hoành tráng” mới chịu. Quê hương mình giờ lạ lắm, chùa chiền nhiều, người đi chùa đông nhưng chẳng chịu học, chẳng biết chánh pháp là gì, toàn làm những điều tà pháp mà cứ bảo là Phật pháp. Người ta mang cả heo quay đi lễ chùa, mang mân cỗ có rượu thịt, hàng mã...Hiện tượng bói toán, xin xăm, coi ngày giờ hay phong thủy, trục vong, mở ngải, trừ tà, đốt vàng mã… phát triển mạnh và sâu rộng. Càng có tiền, địa vị càng cao thì càng mê tín, đi chùa thì tiền hô hậu ủng để thiên hạ biết mình đi chùa. Cứ vào ngày mùng hai và ngày mười sáu âm lịch mỗi tháng là nhà nhà bày mân cỗ trước nhà, đầu xe, cửa hàng… để cúng bái, đốt vàng mã mù trời luôn. Người quê mình giờ gì cũng tin nhưng lại không tin ở chánh pháp. Người quê mình giờ gì cũng cúng bái từ cục đá, gốc cây, con vật lạ, hiện tượng lạ… Người quê mình giờ ăn nhậu kinh khủng lắm, ngày xưa nghèo khó thì chỉ cần ăn no mặc ấm, giờ thì ăn ngon mặc đẹp, ăn sung mặc sướng, ăn phải bổ dưỡng cường dương...Ăn tất cả mọi loài vật trên rừng dưới biển, con bay trên trời, con chui trong đất. Những con vật quý hiếm thì càng đắt giá và săn lùng bằng mọi giá. Người mình giờ uống kinh khủng lắm, lấy việc uống làm thước đo, uống nhiều, chịu uống được cho là dân chơi,sành điệu...ngoài đường thì cướp giật, xì ke ma túy như rươi. Người quê mình giờ tạo nghiệp bất thiện quá chừng, cứ tạo nghiệp dữ rồi đi cầu an thì an sao được? Cứ tạo nghiệp xấu mà cầu siêu thì làm sao siêu? Phật không cứu được, Bồ tát cũng không cứu được, thánh thần thì lại càng không thể vì chính bản thân họ còn chưa xong thì cứu gì được ai. Kinh suy niệm về nghiệp, đức Phật đã nói rõ:

Chúng sanh là kẻ thừa tự nghiệp, là chủ nhân của nghiệp. Nghiệp là thai tạng là quyến thuộc cho vạn loài. Chính nghiệp phân chia sự dị biệt cao thấp trong đời. Chính mình làm việc thiện nên khiến mình thanh tịnh. Chính mình làm việc ác nên khiến mình uế trược, thanh tịnh hay uế trược do mình, không ai có thể làm cho người khác thanh tịnh hay uế trược...”

Những ngày ngắn ngủi trên quê hương, lòng thây thương ba má, thương anh em, thương đất nước mình. Không biết vì nghiệp gì mà dân mình vẫn cứ nghèo khổ, chậm tiến, bất an, dân chủnhân quyền đều chỉ là khẩu hiệu… Nhìn sơ thì có vẻ đang phát triển và yên ổn nhưng nếu nhìn kỹ thì những nguy cơ bất ổn âm ỉ chờ chực bùng phát. Những nghiệp bất thiệnmọi người đang tạo tác là cộng nghiệp chung của cả dân tộc, cả cộng đồng, cả quốc gia. May mắn cho những ai biết Phật pháp, tin và hành theo chánh pháp đó chính là cách tạo thiện nghiệp, nghiệp riêng của bản thân mỗi người.

 

Thanh Nguyễn

Ất Lăng thành, 10/22

Nhật Ký Một Phật Tử (10)
Nhật Ký Một Phật Tủ (9)
Nhật Ký Một Phật Tử (8)
Nhật Ký Một Phật Tử (7)
Nhật Ký Một Phật Tử (6)
Nhật Ký Một Phật Tử (5)
Nhật Ký Một Phật Tử (4)
Nhật Ký Một Phật Tử (3)
Nhật Ký Một Phật Tử (2)
Nhật Ký Một Phật Tử (1)





Tạo bài viết
22/02/2017(Xem: 6731)
24/09/2016(Xem: 8156)
08/03/2017(Xem: 9981)
24/11/2014(Xem: 8334)
23/09/2018(Xem: 9833)
22/02/2016(Xem: 8935)
29/04/2016(Xem: 7140)
15/05/2024(Xem: 1609)
01/05/2014(Xem: 11304)
12/11/2018(Xem: 7726)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: