Thương Nhớ Ba

18/06/20233:53 CH(Xem: 1107)
Thương Nhớ Ba

THƯƠNG NHỚ BA
Tiểu Lục Thần Phong

 

Dòng đời lặng lẽ trôi không một phút ngừng nghỉ, người sanh diệt đến đi cứ như áng mây trời, thoạt có thoạt không. Cái hình hài nhân dáng này coi vậy chứ vô thường lắm, có đấy mất đấy không hẹn kỳ hạn định. Cuộc trăm năm ngỡ dài nhưng thật sự chẳng mấy chốc, ấy là chưa nói đến những bất ngờ không biết trước được. Người đến thế gian này vì ân oán, vì duyên nợgặp nhau để làm cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè...những mối ân tình sâu đậm ràng buộc chúng ta với nhau.

Dòng đời trôi miên viễn, dòng tử sanh bất tận, cuộc mưu sinh vất vả và bận rộn, có đôi khi chúng ta quên những mối ân tình, hoặc giả không quên nhưng vì xa cách hay vì hoàn cảnh nào đấy mà không thể sống trọn tình với những mối ân tình. Cũng may thế gian này thiên hạ đặt ra những ngày lễ để nhắc nhở, để tưởng nhớ những kỷ niệm, những mối ân tình. Âu - Mỹ có những ngày lễ rất đẹp, rất hay mang đậm tính nhân văn: Ngày lễ Mẹ, lễ cha, lễ tình nhân…

 

**

Ngày lễ cha lại về, con vẫn tận chân trời góc bể, nhớ ba, thương ba, muốn ôm ba một cái cũng không sao làm được! Nhân duyên quá khứ thế nào không biết nhưng quả hiện tại thật xa cách, không thể nào cưỡng lại được nghiệp lực. Ba đã già yếu và nhiều chứng bệnh, thời gian không còn nhiều nhưng giờ biết làm sao đây? Ơn ba má là một trong tứ trọng ân mà nhà Phật vẫn thường nhắc nhở chúng ta. Không phải đến ngày lễ cha con mới nhớ ba, ngày nào cũng nhớ cả, hình bóng ba luôn ở trong con, tuy nhiên khi ngày lễ cha lại về thì nỗi niềm nhớ lại lung linh lay động mạnh hơn, cứ như gió thổi làm cho lửa âm ỉ trong tro bùng lên,

Thế gian này ai cũng thương ba má mình, người mình vốn là cư dân nông nghiệp lúa nước, đời sống quây quần bên xóm làng, gia đình, dòng tộc...cho nên tình cảm ông bà, cha mẹ gắn bó chặt chẽ với nhau. Sau này chịu ảnh hưởng văn hóa phương tây, cuộc sống hiện đại nghiêng về chủ nghĩa cá nhân, tuy vậy tình cảm cha mẹ và con cái không vì thế mà suy giảm. Tiếng Việt mình phong phú lắm, tùy từng vùng và tập quán văn hóa địa phương mà cách gọi ba cũng rất đa dạng, nào là: Cha, ba, bố, thầy, cậu, tía, ông thân…
Ngày xưa khi nền Hán học và tư tưởng Nho giáo còn thống trị thì cha là một trong tam cương: Quân – sư – phụ. Chữ phụ trong Hán tự vẽ người đàn ông hai tay cầm hai roi, ngụ ý việc dạy dỗ con cái. Điều này cũng tương ưng với tục ngữ Việt ta: “mẹ sanh cha dưỡng”. Ca dao Việt có câu: “công cha như núi Thái sơn”, núi Thái lớn lắm, cao lắm nhưng vẫn còn đo và ước lượng được, công cha thì làm sao mà đong đếm đo lường đây?

Ngày lễ cha, con nhớ ba, thương ba. Con vẫn thường hồi tưởng lại lúc tuổi thơ êm đềm trong sự yêu thương bảo bọc của ba má. Ba dạy con học vỡ lòng, tập đọc, tập viết trước khi đến trường. Ba cầm tay con tập từng nét chữ, tiếc là con quá hậu đậu không theo kịp ba. Chữ viết của ba đẹp tuyệt vời, nét chữ mà người đời thường khen tụng là: “rồng bay phụng múa”, nét chữ thường được dùng để viết văn bằng. Ba đẹp trai và hào hoa, con chẳng bằng ba, người ta nói: “con hơn cha nhà có phúc”, vậy là nhà mình không có phúc rồi! Mặt nào con cũng hổng bằng ba hết trơn! Có một điều này thì con giống hệt ba, giống y chang, giống như đúc luôn. Con và ba rất hậu đậu và lận đận. Con như thể là bản sao của ba, hổng biết nghiệp lực gì mà giống nhau như vậy! Ba hào hoa, phong nhã, đọc sách ngấu nghiến dù là sách ngoài đời hay kinh sách nhà Phật, ba tài hoa nhưng chưa đến độ chín mùi và cũng lỡ vận. Nhiều lúc con cảm nhận ba ở trong con, thương ba nhiều lắm.

Nhà Phật bảonhân duyên, vì cùng tâm thức tương ưng mà sanh vào một nhà làm cha mẹ, con cái với nhau. Con với ba có lẽ là một minh chứng đây! Cái sở thích, điều quy hướng và cái quả hiện tại của con và ba giống nhau lạ lùng. Ngày lễ cha, nhớ ba, thương ba nhưng con chẳng làm được gì để ba má nở mày nở mặt, chẳng làm được gì để gọi là chút báo hiếu. Con hậu đâu, lận đận, ngoài mớ chữ nghĩa ẩm ương ấm ớ này ra con chẳng được tích sự gì!

Ngày lễ cha khác với ngày lễ mẹ, thiếu hẳn sự sôi động rộn ràng, hoa và quà cũng ít hơn. Có lẽ thiên hạ vẫn quan niệm cha là đàn ông, trượng phu nên ít sắc thái màu mè. Mặt khác cũng cần phải nhìn nhận là người mẹ gắn bó với con cái sâu đậm hơn cha, ngoài việc mang nặng đẻ đau ra người mẹ còn chăm sóc, nuôi nấng từ lúc sơ sinh đến lúc trưởng thành, vì thế con người ta gần gũi và gắn bó với mẹ hơn là với cha.

Xứ mình không có ngày lễ mẹ hay lễ cha. Xứ mình trọng ngày tử (giỗ) hơn là ngày sinh, tuy nhiên những năm gần đây, ảnh hưởng văn hóa phương tây mà giới trẻ thích thú và hưởng ứng ngày lễ mẹ, lễ cha, lễ tình nhân… Cái hay, cái đẹp, điều nhân văn càng lan tỏa càng tốt cho xã hội.

Ngày lễ cha, con lại nhớ về kỷ niệm ngày xưa lúc con còn nhỏ, ba thường chở con về quê nội chơi. mùa hè cũng là mùa mía, nhà nội có rẫy mía lớn nhất vùng, mía đem ép để nấu đường. Về rầy mía tha hồ ăn mía, uống nước mía, ăn kẹo đậu phộng, kẹo dừa… Ba đi loanh quanh những chỗ mía vừa cắt để nhặt chim non, ba đem đặt chúng ở những cây cao hay bụi rậm. Ba chở con đi khắp đồng quê, những cánh đồng xanh bát ngát và cò trắng chao lượn đẹp như cổ tích, từ rẫy mái nhà nội đi qua gò Đu để đến chùa Bàu Lương, những con đường mòn nhỏ xíu chạy quanh quất qua gò Đu sao mà đẹp lạ thường. Ông sư già chùa Bàu Lương lông mày bạc trắng rớt che cả mắt, nhìn ông cười hiền từ ngỡ như ông tiên trong truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa. Ba chở con đi chơi khắp nơi, đi lòng vòng rồi viếng mộ tổ, ngôi mộ to như ngọn đồi, xây bằng đá ong đỏ quạch dù nắng mưa tháng năm thế nào cũng không làm phai màu, mộ tổ đã sụp đổ một phần theo lẽ vô thường của cuộc bể dâu. Ba kể chuyện ngày xưa dòng họ vốn từ ngoài bắc đã theo quân Nguyễn Huệ vào nam lập nghiệp, tính ra cũng gần ba trăm năm rồi. Hồi ấy vùng này là hoang vu, tổ đến đây và quyết định dựng lập tại đây! Từ đó dòng họ phát triển ra khắp vùng, cách đấy không xa mấy là tiểu trấn Phù Dung. Đất xứ này không phải địa linh nhưng có thể bảo là đất lành, người trong thiên hạ vẫn thượng tụ về. Thời cổ đại thì người Lâm Ấp, kế đến là người Chăm, sau đó Việt và người Tàu cùng hội tụ ở đây để sinh sống. Trấn nhỏ, dân ít ấy vậy mà số dòng họ người Tàu còn nhiều hơn số người Việt, nào là: Họ Hàn, Thái, Hoàng, Khưu, Diệp, Tạ, Hứa…

Con dân một nước thì ắt phải chịu hậu quả hay hưởng thành quả của xã hội đó! Xưa tổ từ vượt sông Gianh chia cắt để vào nam lập nghiệp. Đến đời nội thì nội lại vượt sông Bến Hải để đi tập kết ra bắc. Nước mình cứ lẩn quẩn trong vòng chiến chinh chia cắt. Sông Gianh hay sông Bến Hải tuy khác danh tự nhưng sự chia ly, ngăn cách, tang thương thì chẳng khác gì nhau. Thực tế hiện tại không còn sự chia cắt của sông Gianh hay sông Bến Hải nhưng lòng người vẫn có sự chia cánh, phân biệt chia cắt rất rõ ràng.

Cái vòng sanh tử liên lỉ, sự đời ly tán hợp tan. Ngày xưa khi tổ vào nam chắc cũng biền biệt cách xa những mối ân tình thâm trọng, đến đời nội thì ba và nội cũng chia cách hai mươi mốt năm ròng, đến lượt con thì con và ba cũng xa xôi vạn dặm, muốn gặp nhau thật chẳng dễ tí nào. Nhân quả thế nào? Nghiệp lực ra sao? Thật không sao biết được! Ngày lễ cha, con nhớ ba, thương ba nhiều lắm.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, 0623

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/10/2018(Xem: 6826)
23/09/2020(Xem: 3853)
18/09/2016(Xem: 11843)
14/08/2017(Xem: 7055)
Trong tập san Sagesses bouddhistes (Trí tuệ Phật giáo) của Tổng hội Phật giáo Pháp, số mới nhất tháng tư năm 2024, với chủ đề Tìm kiếm một nền hòa bình cho mình, cho thế giới (Trouver la paix pour soi, pour le Monde), trong mục ‘Tin ngắn’ có nêu lên hai mẫu tin đáng cho chúng ta suy nghĩ. Mẫu tin thứ nhất như sau :
Hôm nay, 29-4 (21-3-Giáp Thìn), tại chùa Thiên Mụ (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), môn đồ đệ tử Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã trang nghiêm tổ chức tưởng niệm 32 năm ngày ngài viên tịch. Đông đảo chư Tăng Ni, Phật tử đã đến tham dự, đảnh lễ tưởng niệm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang ngày 26/4 khởi tố bị can và bắt tạm giam Facebooker Dương Hồng Hiếu, 46 tuổi, về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì chỉ trích một chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.