Thư Viện Hoa Sen

Nhật Ký Một Phật Tử 15

14/07/20233:32 CH(Xem: 1816)
Nhật Ký Một Phật Tử 15

NHẬT KÝ MỘT PHẬT TỬ (15)
Thanh Nguyễn

 

nhat kyNgày bình thường, tháng này năm nay

Dòng đời lặng lẽ trôi qua, thời gian thấm thoát bốn mùa luân phiên, tháng ngày tuần tự như một vòng quay miên viễn. Mỗi ngày đều ăn, ngủ, cày… cứ lập đi lập lại như thế đôi lúc khiến mình thấy sao tẻ nhạt quá và tự hỏi: “Không lẽ đời chỉ nhiêu đó thôi sao? Chẳng lẽ cả đời này rồi đời khác cũng y như vậy sao?”. Mình nhớ trong kinh sách có câu: “Sinh ư hà xứ tử ư hà quy” nghĩa là sanh từ đâu đến chết đi về đâu?  Mình đến thế giới này vì nghiệp báo, mình thọ thân người kể cũng quý lắm rồi vì nhà phật nói: “Nhơn thân nan đắc Phật pháp nan văn”. Được thân người và ở mức trung vị không giàu không nghèo cũng là cái phước, vì trung vị dễ học Phật. Người giàu sang và bần cùng thì khó hơn nhiều, đời cũng có câu: “Bần cùng bố thí nan giàu sang học đạo khó”. Người giàu sang tháng ngày sống hưởng thụ vui chơi hoan lạc nên chẳng có tâm học Phật. Người bần cùng thì kiếm miếng ăn manh áo còn không ra thì làm sao mà bố thílòng dạ nào mà học Phật? Cũng vì cái lý này mà Phật pháp chỉ có tam châu cảm ứng, xứ Bắc Cu Lô Châu quá sung túc, ăm mặc tự nhiên, tuổi thọ dài lâu, người không biết khổ nên Phật cũng không sao thuyết pháp được.

Làm thân người là ở mức trung vị, phước tội quân bình kể như đời cũng có phước, đã vậy lại chịu học Phật, tin Phật và hành theo Phật thì kể ra cũng có phước báo lớn đấy chứ!

Đời người ngắn ngủi, chỉ là sự tồn tại mong manh giữa hai làn hơi thở, tháng ngày qua mau, chẳng mấy chốc rồi sẽ già và chết. Cái bệnh thì xuyên suốt cuộc đời từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến chết chứ chẳng phải theo trình tự đến già mới bệnh. Những ngày lễ lộc tết tư rồi cũng qua đi, trả lại cho đời những ngày tháng bình thường. Mình cũng như tất cả mọi người lại lao vào công việc mưu sinh. Những ngày thường ấy lại dễ học Phật pháp, dễ thực hành hơn vì những ngày tết rất chộn rộn. Những ngày ấy có đi chùa lễ Phật thì cũng chỉ đốt nén hương, lạy vài lạy chứ làm sao có thể ngồi tịnh tâm hay đọc kinh sách được! Chỉ có những ngày bình thường mới có thể học và hành Phật pháp một cách thuận tiện.

Những ngày bình thường nhưng không thường tí nào vì thế gian vô thường. Mọi vật, mọi việc thay đổi, biến dịch trong từng phút giây, ngay cả thân mình đây cũng thế, hàng tỉ tế bào sanh diệt liên lỉ, Giờ thì nó tạm là hình hài con người đây chứ một khi hơi thở không vào ra nữa thì tứ đại lại trở về với đất, nước, gió, lửa, lúc ấy thì biết tìm cái hình hài ở đâu bây giờ? Khi hơi thở dứt, cái thần thức (dân gian hay các tôn giáo khác gọi là linh hồn) như làn sóng điện nó sẽ theo nghiệp lực dẫn dắt để đi vào một bào thai hay một cảnh giới nào đó tương ưng với hành nghiệp của mình đã làm trong lúc sống hay của quá khứ.

Một ngày bình thường của tháng năm này hay của bất cứ thời gian nào cũng thế thôi, hễ nói gì, làm gì, nghĩ gì  thì cũng đều lưu vào tạng thức. Tạng thức là cái kho tàng không giới tuyến, không bờ mé, nó chứa tất cả hành nghiệp không chỉ của đời này mà còn của vô số đời trước. Rồi khi mình tắt thở thì những cái nghiệp từ tạng thức khởi phát, nghiệp nào mạnh và trội thì sẽ lôi thần thức mình đi tái sanh kiếp khác. Bởi vậy mà kinh Suy niệm về nghiệp có viết: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là  kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng là quyến thuộc của vạn loài”

Ngày bình thường như thế này, mình đã nhiều lần tự hỏi: “Không lẽ sanh ra lớn lên và cứ mãi vì cái ăn, cái mặc, cái ở và truyền giống thế thôi sao?” nếu vậy thì đời nhàm chán quá! Đã thế đời sau chắc gì bằng đời này vì kimh sách cũng nói: “Nhất đại bất như nhất đại”. Đôi lúc mình cũng có ý muốn đi theo lối của Thế Tôn, muốn thoát ra khỏi cuộc đời thế tục để làm du sĩ đi khắp mười phương. Hình ảnh những du sĩ tam y nhất bát luôn lung linh trong tâm tưởng của mình, hình ảnh các vị sao mà ung dung, tự tại đầy sức hấp dẫn. Các vị thoát khỏi những ràng buộc của ngũ dục lục trần, không dính mắc những phiền não triền phược mà người đời bị trói buộc trôi lăn. Mình muốn làm du sĩ, muốn sống đời du sĩ để một ngày hùng tâm tráng khí lên cao sơn hú một tiếng lay động trời mây, ra đại dương chèo một phát dậy sóng trùng dương, về đồng nội mỗi bước chân trần qua là bao nhiêu hoa cỏ mọc lên.

Rồi cũng ngày bình thường tháng này năm nay, khi nghe thấy những chuyện nhiễu nhương trong đời, những chuyên tầm phào trong đạo, cái ước mơ xuất gia hành du sĩ lại tăng thêm, thậm chí mình còn cao vọng sẽ chấn tác đạo pháp, chỉnh lại thiền môn, dựng lập thanh quy, phục hoạt những gì đã ngã đổ, thanh tẩy những cấu uế lệch lạc, gạt bỏ những gì mượn danh Phật pháp nhưng thực chất đang phá hoại pháp. Mình biết đó là vọng tưởng cuồng ngông vượt quá phận mình. Mình ý thức rất rõ ràng nhưng không thể ngăn mình mơ như thế. Mình biết con se sẻ không thể làm được việc của đại bàng, gà vịt không thể rời cái chuồng của nó, chuột nhắt không làm được việc của sư tử, kỳ lân… Mình tự cười mình, mình mắc cỡ với cái ước mơ ngông cuồng này, xưa nay chưa dám nói ra, rồi hôm nay một ngày bình thường nhưng tâm trí đang bay bổng nên buột miệng nói ra cái ước mơ này!

Sở dĩ mình có cái ước mơ này là vì mình thấy bây giờ các chùa (nhất là hệ bắc tông) nhiều việc bại hoại ghê gớm, những tà sư hồng tăng nặng danh văn lợi dưỡng đang cổ xúy những việc phá hoại đạo pháp, đang ngày đêm khuếch trương việc cúng vong, cúng sao, giải hạn, trừ tà, trục vong, bói toán, mở ngải, phong thủy, xem tướng… khiến của chùa thành nơi buôn thần bán thánh, phò quan gia thế tục, chính trị hóa Phật giáo, làm toàn những việc tà vạy dụ hoặc người mê. Hàng Phật tử sơ cơ vốn thiếu chánh kiến, thiếu hiểu biết giáo lý Phật đà lẽ ra phải chỉ dạy họ, đằng này lợi lợi dụng sự mê muôi của họ để đưa họ lún sâu vào sự mê tín, tà pháp. Lợi dụng người mê để trục lợi, nhiều tà sư kết giao với quan quyền, thế lực chính trị, xu phụ quyền thế, tham chính, thân chính ngày đêm đăng đàn nói xàm, nói nhảm. Nhiều tà sư đam mê mạng xã hội ngày ngày nói toàn chuyện bá vơ, dạy chuyện tình duyên gia đạo, chữa bệnh, thậm chí hướng dẫn cả tình yêu trai gái…

Nói đến đây mình chợt giật mình, mình đã để tâm ý rong ruổi như khỉ chuyền cành ngựa hoang chạy rông, như thế là thất niệm. Mình lấy lại chánh niệm nên không nói tiếp những việc ấy nữa, điều thực chất nhất, ý nghĩa nhất và có khả năng nhất là cố gắng học và hành Phật pháp làm sao để kiếp sau còn được thân người. Thân người tuy là cái đãy da hôi thối nhưng nhờ thân người mới có thể học và hành Phật pháp. Cơ sở để tái sanh làm người chính ở chỗ giữ ngũ giới: sát, đạo, dâm, vọng, tửu. Ngũ giới có thể xem là đạo đức căn bản của con người, dù mình có dán lên trán mình bất cứ nhãn hiệu tôn giáo nào, có vỗ ngực xưng tín đồ tôn giáo nào, đức tin gì nhưng việc không giết hại, trộm cắp, rượu chè, dâm dục, ai cũng cần phải giữ. Mỗi tôn giáoquan niệm khác nhau, đức tin khác nhau, cái nhìn khác nhau nhưng năm giới này thì có lẽ tôn giáo nào cũng dạy tín đồ mình không được vi phạm. Chẳng có tôn giáo nào chấp nhận tín đồ của mình sát, đạo, dâm, vọng, tửu; tuy nhiên việc thực hiện thì mức độ có khác nhau, nhìn chung chỉ có Phật giáotrọn vẹn nhất. Năm giới tưởng chừng quen thuộc, dễ dàng nhưng thực hiện nghiêm túc và trọn vẹn thì không hề dễ tí nào. Mình chỉ cố gắng thực hiện ở mức độ tốt nhất mà mình có thể. Phật dạy: “Thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính bản thân mình”, giữ trọn năm giới chính là chiến thắng bản thân mình.

Ngày bình thường tháng này năm nay nay cũng như vạn ngày đã qua và vạn ngày sắp tới. Mình đến thế gian này rồi sẽ sớm ra đi thôi! Vật chất, sắc dục thế gian này vô cùng, tranh đoạt lắm rồi cũng ra đi hai tay trắng, cái mang theo chỉ là nghiệp thiện - ác mà mình đã tạo. Điều mình chỉ có thể là làm sao mình hôm nay khá hơn hôm qua, này mai tốt hơn ngày nay. Cuộc sống này là một cuộc chiến đấu, chiến đấu chống chọi sự quyến rũ cám dỗ của ngũ dục: tài - sắc - danh - thực-  thùy, chiến đấu chống chọi lục trần: sắc - thanh – hương – vị – xúc – pháp, chiến đấu chống chọi những triền phượcphiền não vây quanh, chiến đấu với những nỗi thèm khát dục vọng, cuồng vọng của chính bản thân mình.

Thời đại hôm nay tài – sắc – danh – thực - thùy nó lẫy lừng lắm. Phương tiện truyền thông, mạng xã hội và những phương tiện kỹ thuật hiện đại nó kếch trương ngũ dục mộtc cách mãnh liệt và mọi lúc, mọi nơi. Nó tác động mạnh vào lục căn, làm tăng trưởng tâm tham của mình, nó quyến rũ mình, nó làm cho mình lệ thuộcchìm đắm sâu mà không hề hay biết. Chỉ có Phật pháp, chỉ có thực hành Phật pháp thì mới có thể vượt qua được vấn nạn này.

 

Thanh Nguyễn

Ất Lăng thành, 0423


Nhật Ký Một Phật Tử (15)
Nhật Ký Một Phật Tử (14)
Nhật Ký Một Phật Tử (13)
Nhật Ký Một Phật Tử (12)

Nhật Ký Một Phật Tử (11)
Nhật Ký Một Phật Tử (10)

Nhật Ký Một Phật Tủ (9)
Nhật Ký Một Phật Tử (8)
Nhật Ký Một Phật Tử (7)
Nhật Ký Một Phật Tử (6)
Nhật Ký Một Phật Tử (5)
Nhật Ký Một Phật Tử (4)
Nhật Ký Một Phật Tử (3)
Nhật Ký Một Phật Tử (2)
Nhật Ký Một Phật Tử (1)



 

Tạo bài viết
05/08/2023(Xem: 2956)
22/03/2021(Xem: 4770)
20/02/2019(Xem: 4854)
09/03/2016(Xem: 12985)
02/07/2024(Xem: 1561)
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.