Cuộc Sống Cao Đẹp Và Sự Nghiệp Vĩ Đại Của Ht. Thích Minh Châu Chơn Tâm Lương Châu Phước Thuyết Trình Tại Buổi Lễ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu Tại Montréal.

25/09/201212:00 SA(Xem: 10599)
Cuộc Sống Cao Đẹp Và Sự Nghiệp Vĩ Đại Của Ht. Thích Minh Châu Chơn Tâm Lương Châu Phước Thuyết Trình Tại Buổi Lễ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu Tại Montréal.


CUỘC SỐNG CAO ĐẸP VÀ SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI
CỦA HT. THÍCH MINH CHÂU
Chơn Tâm LƯƠNG CHÂU PHƯỚC
Thuyết trình tại buổi lễ tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu tại Montréal.

Khi một vị tỳ kheo đức hạnh từ bỏ cõi đời, Phật tử như chúng ta thường cảm thấy thương tiếc và cầu mong vị ấy sớm đạt cõi niết-bàn. Khi một vị thầy cao thâm, một tỳ kheo lỗi lạc xả bỏ xác thân, những vị để tử và Phật tử còn phải học tập gương mẫu của vị ấy để củng cố niềm tín thành, để đáp lại một phần công ơn, để nỗ lực hành trì theo Chánh Pháp. Thầy Thích Minh Châu ra đi, chúng ta cùng họp với nhauđây, để tưởng nhớ Ngài và cùng nhau học tập gương mẫu của Ngài.

Ba giai đoạn tốt đẹp của cuộc đời

Cuộc đời của đại lão hòa thượng Thích Minh Châu (dưới đây gọi là Hòa Thượng, Đại Đức) có thểchia thành 3 giai đọan. Giai đọan I là từ thời trẻ đến tuổi 34. Mười năm đầu là tuổi trẻ lớn lên, đi học một cách bình thường ; mười năm tiếp là đời sống của một cư sĩ tích cực hoạt động ; những năm còn lại là sinh hoạt của một tu sĩ Bắc Tông dồi dào sinh lựctrí tuệ.

Thời kỳ thứ II là 12 năm du học. Ba năm đầu là tu học, rèn luyện trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy Tích Lan ; sáu năm tiếp tục trau dồi thêm kiến thức về ngôn ngữPhật Pháp ; ba năm tiếp theo là những thể nghiệmđầu tiên về khả năng dịch thuật, nghiên cứu.

Thời kỳ này ngắn nhưng có tính chất quyết định : nó hình thành nguyện vọng dịch và phổ biên Tam Tạng Pali, là mở trường Phật giáo cho quần chúng.

Thời kỳ thứ III là gần 50 năm còn lại, khi ấy Hòa Thượng đã là nhà sư chững chạc, là nhà giáo dục Phật học lớn, người đứng đầu các viện đào tạo tăng ni và trên hết là một dịch giả tạng Kinh Nikaya. Trong đó 11 năm là ở trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, 37 năm trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.

Cuộc đời của Ngài, tốt ở đoạn đầu, tốt ở đoạn giữa, tốt ở đoạn cuối. Hãy cùng đi vào chi tiết cụthể ở từng giai đọan.

Hòa Thượng Thích Minh Châu có tên thế tục làĐinh Văn Nam. Ông sanh ngày 20/10/1918, năm Mậu Ngọ, tại làng Kim Thành, tỉnh Quảng Nam. Gia đình ông là người gốc làng Kim Khê, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông xuất thân từ một gia đình vọng tộc. Dòng họ Đinh đã có 5đời liên tiếp đậu tiền sĩ. Thân phụ là cụ ông Đinh Văn Chấp đỗ tiến sĩ khoa năm 1913. Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Đạt. Ông là con trai thứ tư trong gia đình có 11 anh chị em. Tù thuở nhỏ, ông đã nổi tiếngcần mẫn, chăm chỉ học hành, có trí tuệ 1.

Năm 1939, ông đỗ bằng cao đẳng tiểu học Đông Dương ; năm sau, đỗ tú tài tại trường Khải Định (nay là trường Quốc Học - Huế ). Sau khi đỗ đạt, ông làm thư ký tòa Khâm Sứ, nhưng chỉ được một năm thì xin thôi việc.

Từ những năm 1930, ở miền Trung Việt Nam, có phong trào chấn hưng Phật Giáo mà người đứng đầu là cư sĩPhật tử lỗi lạc, bác sĩ Lê Đình Thám. Năm 1936, khi ấy mới 18 tuổi, ông Nam tham gia phong trào này, nhanh chóngđược giao trách nhiệm là Chánh Thư Ký. Rồi ông tham gia thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục và GiaĐình Phật Tử, lúc bấy giờ gọi là Gia Đình Hóa Phổ.

Năm 28 tuổi, ông vào chùa Tường Vân ở Huế, xin xuất gia làm chú “ điệu ” (tức sa-di) với pháp danh Tâm Trí. Hòa thượng tế độ là ngài Thích Tịnh Khiết, sau này là đệ nhất Pháp Chủ của Phật Giáo Việt Nam. Ba năm sau, ông được thọ đại giới Tỳ Kheo, với pháp tự Minh Châupháp hiệu Viên Dung. Từ đây Đại Đức Thích Minh Châu đi giảng pháp ở nhiều nơi, làm chủ bút tạp chí Vạn Hạnh (rồi đổi thành Tư Tưởng), rồi hiệu trưởng Trung học (Phật giáo) Bồ Đề 2.

12 năm du học ở Tích LanẤn Độ

thichminhchau-122medTrong khi nghiên cứu về kinh tạng, thấy những chữ, những tên chuyển dịch từ tiếng Pali, Sanscrit sang tiếng Việt có nhiều khó khăn, không đồng nhất, ông có ý định tìm hiểu vấn đề này và đi du dọc. Năm 1952 Đại Đức du học ở Tích Lan (Sri Lanka), vừa học tiếng Anh, tiếng Pali, vừa học giới luật, Giáo Pháp và tự rèn luyện thành một tỳ kheo theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy (PGNT) của Tích Lan. Từ đó cho đến cuối đời ông vẫn giữ chiếc áo vàng Nguyên Thủy.


Đại đức Thích Minh Châu, những năm 1960
Những năm 50 là bắt đầu thời kỳ phục hưng Phật Giáoở Tích Lan, với sự hiện hữu của nhiều trường sở,nhất là trường Phật Giáo mở cửa cho đại chúng. Xuất hiện những vị hòa thượng uyên thâm, nhiều học giảlỗi lạc. Nhiều học giả phương Tây, người Đức, người Anh đến đây cầu học. Tích Lan là nơi xuất phát tổ chức truyền bá kinh tạng Pali bằng tiếng Anh là Pali Text Society… Những sự kiên này đã nung nấu ước vọng dịch và phổ biến Tam Tạng Kinh gốc Pali, ra tiếng Việt và mở những trường Phật Giáo cho đại chúng của ĐạiĐức Minh Châu 3.

Năm 1955, sau khi đậu bằng Pháp Sư (Sadhammacariya), Ngài sang Ấn Độ, tiếp tục học tại Tân Tùng Lâm Nalanda (Nava Nalanda Mahavihara). Nơi đây Đại Đức tiếp cận với kho giáo lý khổng lồ bằng chữ Sanscrit. Đại Đức tiếp tục rèn luyện thêm khả năng về ngôn ngữ, về dịch thuật và nghiên cứu giáo pháp. Ngài đỗ cử nhân Pali, cử nhân tiếng Anh, đỗ thủ khoa cao học (M.A.) về Vi Diệu Pháp. Năm 1961, Ngài trình luận án tiến sĩ So sánh Kinh Trung A hàm chữ Hán và Kinh Trung Bộ chữ Pali.

so-sanh-a-ham-trung-bo
Hai công trình nghiên cứu so sánh kinh tạng

Luận án tiến sĩ của Đại Đức Minh Châu là một công trìnhýquí báu, hiếm có. Trước đó và cho đến 50 năm vềsau, gần như không có một công trình tương tự. Vì rất hiếm người vừa hiểu biết hệ phái Nguyên Thủy, hệphái Bắc Tông vừa thông thạo cả 2 ngôn ngữ Pali và Hán. Công trình nghiên cứu dày hơn 550 trang sách, đượcđánh giá rất cao. Ông S. Mookerjee, viện trường đại học Nalanda tán dương : “ Công trình của ông quả thựcđã mở rộng chân trời hiểu biết của chúng ta. Ông đãđề cập đề tài này với cái nhìn của học giả và với thái độ vô tư, cốt đề cao chân lý chứ không với mục đích dựng lên một giáo điều hay phân phái. ”(…) “ Tôi hết sức hài lòngtác phẩm này đãđược hoàn tất trong khuôn viên Tân tòng lâm Nalanda. Chúng tôi sẽ mãi mãi hãnh diện về những gì Tiến sĩThích Minh Châu và những người cộng sự của ông đã làm. ” 4

Là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ và với một luận văn xuất sắc, tu sĩ,tiến sĩ Thích Minh Châu được chính tay tổng thống nước này đứng ra trao văn bằng. Ngay sau khi tốt nghiệp, Ngàiđược trường đại học Bihar, Ấn Độ mời ở lại dạy học.

Trong thời gian ba năm ngắn ngủi, vừa dạy học, vừa nghiên cứu, Đại đức xuất bản 3 tập sách bằng tiếng Anh : Huyền Trang nhà chiêm báihọc giả, Pháp Hiển nhà chiêm bái khiêm tốn và Nghiên cứu đối chiếu Kinh Milinda vấn đạo chữ Pali và Kinh Na-tiên Tỷ kheo chữHán, một công trình nghiên cứu so sánh thứ hai về kinh tạng của 2 hệ phái.

Nếu Kinh Trung Bộlà then chốt trong việc tu tập, hành thiền mà Đại Đức đã phân tích, khảo sát trong luận án tiến sĩ, thì Kinh Milinda Vấn Đạo là một bộ kinh rất hay. Nó xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ I, dù không phải do Phật thuyết, nhưng được xếp vào thánhđiển. Tập kinh này giải quyết những vấn đề triết học phức tạp, khó hiểu bằng những thí dụ dễ hiểu, thú vị.

Công trình nghiên cứu này, cũng đã được đánh giá cao. Giáo sư Nalinaksha Dutt của đại học Calcutta, viết : “Tác giả là một tu sĩ Việt Nam, đã tinh thông cả hai ngôn ngữ Pali, Hán và đã hòan thành mọi kiến thức vềngôn ngữ Pali tại học viện Pali ở Nalanda. Vốn uyên bác cả hai ngôn ngữ ấy, ngài có thể so sánh cả hai bản này tận gốc trong từng vấn đề và nêu rõ các điểm tương đồng và dị biệt. Do vậy, các kết luận của ngài rất có giá trị. Cách trình bày các tài liệu của ngài thật sáng tỏ và gây ấn tượng. Qua tác phẩm này, ngài đã có một cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp nghiên cứu Phật học5.

Đại đức Minh Châu, bằng những tài liệu của 2 hệphái, đã chứng minh rằng, cả hai tập kinh này, có gốc gác xuất phát giống nhau, và có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau về nội dung.

Đại học Phật Giáo Vạn Hạnh

viendaihocvanhanh-logoTrong thời gian Đại Đức Minh Châu dạy học ở Ấn Độ,thời cuộcViệt Nam có những biến cố trầm trọng liên quan đến đời sống Phật giáo và đất nước Việt Nam sắp bước vào thời kỳ chiến tranh khốc liệt. ĐạiĐức rất quan tâm về những chuyển biến này. Năm 1964, khi đó đã 46 tuổi, Đại Đức quyết định về nước và được quần chúng đón chào rất nồng nhiệt, tại Sài Gòn và sau đó tại Huế 6. Đại Đức được giao ngay nhiều trách nhiệm quan trọngở Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam : Phó viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn, Tổng vụ trưởng Tổng VụVăn Hóa và Giáo Dục Gíao Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Năm 1965, Đại Đức tham gia thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh và là hiệu trưởng của Trường này cho đến năm 1975. Khác với các học viện Phật Giáo khác, thường chỉ dành cho tăng ni, Đại học Phật Giáo Vạn Hạnh mởrộng cho mọi người trong nỗ lực tìm hiểu giáo lý củaĐức Phật và những lãnh vực liên quan. Đây là mô hình gần giống như những đại học Phật Giáo “cộng đồng”ở Tích Lan như trường Vidyodaya Pirivena, hay Vidyalankara Pirivena. Trong suốt 10 năm hiện hữu, Đại Học Vạn Hạnhđã đào tạo được trên 4500 người, trong đó có 215 tốt nghiệp bậc cao học, 568 người bậc cử nhân 7.

Khi chiến tranh chấm dứt, nước Việt Nam bước vào một giai đọan mới. Nhà nước đã nắm hết việc quản lý các trường sở. Đại Học Vạn Hạnh, vốn là một cơsở của Bộ Giáo Dục Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa, phải trả lại cho nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa. ĐạiĐức chỉ còn giữ cơ sở đường Võ Duy Nguy, để rồi sau này trở lại thành những cơ sở phật học.

Do những duyên lành, nhất là do sự hỗ trợ đắc lực của người em là ông Minh Chi, là một cán bộ kinh tếkhá cao cấp của nhà nước mới, đồng thời là một cưsĩ Phật Giáo, năm 1976 Đại Đức “ lập lại ” Thiền Viện Vạn Hạnh.

Năm 1981, cùng với chư tăng, ni khác, trong Nam, ngoài Bắc,Đại Đức tham gia thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Ngài làm Tổng Thư Ký ; thành lập Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, cơ sở 1 ở Hà Nội ; 3 năm sau, mởthêm cơ sở II tại Thành Phố Hồ Chí Minh tại đường Võ Duy Nguy, nay là Nguyễn Kiệm. Năm 1997, thành lập Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Và ngài làm viện trưởng của các viện Phật học này.

Tạng kinh Phật Giáo Nguyên Thủy

Trong thời gian làm viện trưởng và suốt cả 2 chế độ,dù bận rộn làm công việc giáo dục, đào tạo, ĐạiĐức bắt đầu một công việc quan trọng bậc nhất, là phiên dịch toàn bộ Tạng Kinh Nikaya, cũng gọi là Tạng Kinh Pali sang tiếng Việt.

truongbo-bia_0trungbo-biatuong-ung-biakinhtangchibo-bia_0tieubo-bia
Tạng Kinh gốc Pali gồm 5 bộ

Tháng 5 1965, tập I của Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) rađời. Tập sách dày 220 trang, chỉ có 3 bài kinh song ngữ: tiếng gốc Pali và tiếng Việt. Đến tháng 8, 1972, tức 7 năm sau, tòan bộ 4 tập Trường Bộ Kinhđược hoàn thành. Sau 4 tập gộp lại thành 2 tập và lần này không còn bản gốc tiếng Pali. Năm 1978 Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya), bộ kinh quan trọng hàng đầu trong tạng Pali đã xuất bản. Tiếp theo đó, lần lượt các bộ kinh còn lại ra đời. Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya) (4 tập), Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya) (5 tập), Kinh Tiểu Bộ(Khuddaka Nikaya)…

Ít lâu sau khi được xuất bản, các bộ kinh được tái bản nhiều lần. Ở những lần xuất bản đầu tiên, mỗi tập kinh đều có lời nói đầu, nói rõ mục đích, kểlại những khó khăn, nêu ra những nhận xét. Rất tiếc rằng, trong những lần tái bản sau này, và khi phổ biến trên internet, những lời nói đầu hữu ích đó đã khôngđược giữ lại.

Kinh Tiểu Bộ là bộ phức tạp nhất, dài nhất, gồm nhiều phần độc lập với nhau. Do tuổi tác đã cao và bệnh Parkinson đã bắt đầu phát triển vào cuối những năm 90 (khi ấy Ngài đã 81 tuổi), sức làm việc đã giảm, chỉ có 10 trong 18 phần là được hoàn thành. Và những tập cuối cùng là có sự góp sức của một vị đệ tửcư sĩ, giáo sư Anh văn Trần Phương Lan.

Đến năm 2004, công trình Tạng Kinh đã xuất bản gồm 24 tập, khoảng hơn 20 000 trang. Lần đầu tiên trong lịch sửViệt Nam, pho sách những lời dạy đầy đủ của Đức Phật được xuất bản bằng tiếng Việt.

Trước đây, mặc dù cũng có giáo lý nhà Phật trong các kinh tạng Bắc Tông, trong Hán Tạng, nhưng không đầy đủ.Người đọc các kinh Đại Thừa thông dụng như Diệu Pháp Liên Hoa, Bát Nhã, Kim Cương, A-di-đà…sẽ không tìm thấy những giáo lý căn bản nhất như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Pháp Duyên Khởi, 37 Phẩm Bồ Đề… .Những ý niệm này chỉ tồn tại rất “mơ hồ” trong quần chúng Phật tử và ngay cả trong hàng tăng, ni.

Kinh kệ Nikaya và ngôn ngữ Pali cũng đã được Đại Đức mang vào dạy ở các cơ sở đào tạo tăng ni, và ở Đại Học Vạn Hạnh. Đại Học này còn là nơi tập hợp nhân tài, trí thức Sài Gòn. Trong thời kỳ chiến tranh, nó còn là mái nhà che chở cho nhiều người tránh bị lôi kéo vào cuộc chiến. Như các tu sĩ Tuệ Sĩ, Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Trí Hải, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Hữu Ba, Kim Định, Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư…

30 tác phẩm khác còn để lại

Song song với Tạng Kinh, Hòa Thượng Thích Minh Châu đã đểlại khoảng 30 đầu sách nghiên cứu, sách dịch, bài giảng. Trong đó có 2 tập Thắng pháp tập yếu luận,Đại Thừa và sự liên hệ với Tiểu Thừa (sách dịch, nguyên tác của N. Dutt), Từ điển Phật Học Việt Nam (Minh Châu& Minh Chi), Sách học tiếng Pali (3 tập), Lịch sử Đức Phật Thích Ca, Chánh Pháphạnh phúc,Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Hành thiền, Đường về xứ Phật…8

Trong các tập sách, các bài giảng, Hòa Thượng truyền dạy giáo pháp của đức Phật, mở lòng từ ái, vun bồi trí tuệ, tinh tấn tu tập và hành thiền, diệt trừ khổ đau, hướng đến giải thóat. Ngài chỉ khuyên mọi người sống có đạo đức, giữ giới luật để có thể có mộtđời sống trong sạch, hạnh phúc. Ngài dạy hành thiềnđể thanh tịnh tâm. Ngài dạy thực hành Giới Định Tuệ để giải thoát khỏi vòng luân hồi.

Văn của Hòa Thượng trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu, có sức thuyết phục. Các bài giảng đều toát lên lòng từái ; nhưng đôi lúc nó là lời phê bình nghiêm khắc, trước những tà kiến (như bài Dịch kinhđại học), hay chan chứa những tình cảm yêu nước, thương dân (nhưbài Chùa Việt Nam) và có lúc dạt dào tình cảm khi nó nói về dân tộc, về mẹ cha (như bài Người Việt Nam thương mẹ kính cha)

Từ ngày về nước, Ngài dịch kinh, giảng dạy giáo lý Nguyên Thủy. Ngài hoàn toàn những lời dạy của Phật, căn cứ theo kinh tạng Pali. Nhờ Ngài, kinh tạng Nguyên Thủyngôn ngữ Pali được đưa vào hệ đào tạo chính thức các tăng ni, Bắc Tông cũng như Nam Tông. Và dưới sự chỉ đạo của Ngài, chư tăng 2 phái đều sinh hoạt hòa hợp với nhau.

Đệ tử từ nhiều nguồn

Ngài là vị hòa thượng có nhiều đệ tử nhất ở Việt Nam, trong Nam, ngoài Bắc, thuộc hệ Bắc Tông, Nam Tông, tu sĩ, cư sĩ… Ngài đã nhiều lần bao bộc, chở che cho nhiều người, nhiều nhân tài, tránh được hoàn cảnh trắc trở, có cơ hội làm việc… Nhưng dường như không có nhiều đệ tử đi theo con đường giống như Ngài, vốn rất tế nhị, phức tạp, khó khăn.

Một số đệ tử hỗ trợ những công việc của Ngài ; một số khác họat động trong lãnh vực riêng của mình. Có người dịch, nghiên cứu kinh tạng Pali, như Sư cô Thích nữ Trí Hải, cư sĩ Trần Phương Lan, hòa thượng Thích Chơn Thiện (viện trưởng Viện Phật Học, Huế).Có người soạn lịch sử, văn hóa Phật Giáo Việt Nam, như thầy Lê Mạnh Thát (Phó viện trưởng Việc Phật Học, TP HCM), có người dịch kinh từ tạng chữ Hán, nhưthầy thầy Tuệ Sĩ. Có người lo tổ chức lo dạy học, dạy thiền viện như thầy Tâm Đức (Phó viện trưởng Viện Phật Học, TP HCM), sư Bửu Chánh (Trụ trì thiền viện Phước Sơn, trưởng khoa bộ môn Pali, Viện Phật Học, TP HCM), sư cô Tịnh Vân (giáo sư tiếng Pali, Viện Phật Học, TP HCM)…


HT Thích Minh Châu, năm 1995,ảnh LTC

Ngài cũng có nhiều hoạt động đối ngoại, giao lưu quốc tế. Như một đại diện, một sứ giả Phật Giáo Việt Nam, Ngài đã tham gia nhiều hội nghị, hội thảo quốc tếvề Phật Giáo, về Hòa Bình, về Giáo Dục ở hầu hết các châu lục … Trong các hội nghị đó, Hòa Thượng hô hào loại bỏ mọi hình thức chiến tranh, mọi biểu hiện bạo lực, hoan nghênh mọi nỗ lực hòa bình, động viên Phật tử tham gia các phong trào đó, cổ vũ tiến trình dân chủ hóa, nhân bản hóa ở mỗi nước cũng như trong quan hệ giữa các nước. Ngài kêu gọi :

Đạo Phật đề cao nỗlực toàn thểcá nhân, hướng tới tạo ra giữa các dân tộc giữa các quốc gia cũng như giữa con người với nhau một bầu không khí thông cảm lẫn nhau, tin tưởngkính trọng lẫn nhau, loại bỏ mọi thành kiến, như tự ti mặc cảm, tự cao tự đại, rất hại đến nhân phẩm và giá trịcon người.

Chúng tôi, những người Phật tử xem là hết sức khẩn thiết xây dựng một nền kinh tế mới, một nền trật tự đạo đức mới có khả năng làm lắng dịu mọi sân hận và mọi biến động, làm lành mạnh hóa không khí chính trị quốc tế hiện tại, chuẩn bịcho một kỷ nguyên mới nhân đạo hơn và có ý nghĩa hơn.” 9

Với những công việc to lớn đã làm, Ngài được tặng thưởng tiến sĩ danh dự, nhiều loại huân chương, và tuyên dương công đức. Đấy là phần việc của xã hội, của người đời, Ngài không quan tâmđến những chức danh, và những lợi lạc đời thường.

Công trình vĩ đại, sự nghiệp độc đáo

Có thể nói một cách tóm tắt rằng vai trò, đóng góp của Hòa Thượng Thích Minh Châu cho Phật Giáo Việt Nam là rất độc đáo và cũng rất vĩ đại.

Độc đáo vì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có cả hai hệ phái, Phật Giáo Bắc TôngPhật Giáo Nguyên Thủy, dù hệ phái Bắc Tông là chủ đạo. Và Hòa Thượng Thích Minh Châu là người làm cái gạch nối hết sức cần thiết giữa hai hệ phái này. Ngài là vị hòa thượng Bắc Tông, có vai trò lãnh đạo của Giáo Hội, nhưng ăn mặc, sinh sống theo Nam Tông, dịch kinh sách Nguyên Thủy và giảng dạy, truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy. Ngài là vị tu sĩ duy nhất, ở Việt Nam cũng nhưtrên thế giới, có một thế đứng và một cách sinh sống, tu tập hết sức đặc biệt.

Ngài Minh Châu có nhiều đóng góp đa dạng cho Phật Giáo Việt Nam, nhưng chỉ với công trình tạng kinh Pali, nhiều người đã gọi ngài là Huyền Trang của Việt Nam. Điềuđó quả không quá xa với thực tế.

Hãy nói một chút về việc dịch kinh của Ngài. Việc này không phải dễ dàng, ít gặp thuận lợi. Vào những năm 1960, ở Việt Nam, chỉ có tu sĩ gốc người Cam Bốt mới biết tiếng Pali, kinh kệ Pali. Nói chung Phật tử Việt Nam chưa biết gì nhiều về kinh kệ gốc Pali. Trong hệphái Bắc Tông gần như không có người nào thành thạo tiếng Pali. Trong hệ phái Nam Tông, thì giáo hội Phật Giáo Nguyên Thủy mới được thành hình, các vị tăngđang tập trung xây dựng công việc nội bộ. Có dịch kinh từ nguồn Pali thì chủ yếu để tụng đọc khi làm lễ. Do đó, Đại Đức Thích Minh Châu phải làm việc một mình, hay gần như một mình gần suốt 50 năm.

Cũng không có nhiều tài liệu sẵn có để có thể nương tựa. Bản tiêng Hán thì “tối nghĩa” và không thống nhất, chỉ dùng được những từ ngữ đã dịch sẵn.Đại Đức phải dựa vào bản ghi chép riêng (khi còn họcở Colombo), bản tiếng Anh của Pali Text Society và bản tiếng Nhật 10.

Ngài lại có quá ít thì giờ cho dịch thuật, luôn luôn bân bịu với các công việc của các viện Phật Học. Ngài tranh thủ từng giờ khắc, những lúc đáng lý được nghỉ ngơi : “ Chúng tôi chỉ có thể để dành những ngày nghỉ, những buổi sáng thật sớm và những buổi tối (nếu không quá mệt mỏi vì những công việc ban ngày), để phiên dịch11.

Và một trong những khó khăn không kém quan trọng là dưluận, những dèm pha, chỉ trích về tại sao lại đi dịch,đi truyền bá kinh tạng Nam Tông. Đáp lại, Ngài khẳngđịnh :

“ Có người sẽ cho, dịch Tạng Pāli là tuyên truyền cho Tiểu Thừa, phản lại tư tưởng Đại Thừa. Chúng ta nên chấm dứt ngay thái độ ngây thơ và buồn cười này. Đạo Phật không có Đại Thừa, Tiểu Thừa, không có Nam Tông, Bắc Tông. Đạo Phật gồm có một số giáo lý căn bảnhọc phái nào cũng phải tôn trọng, một số pháp môn thiết yếu mà đệ tử Phật tử nào cũng phải y cứ đểtu hành, nếu không muốn lạc vào tà giáo, ngoại đạo. Cho dịch Tạng Pāli là chúng tôi muốn giới thiệutìm hiểu số giáo lý căn bản ấy và số pháp môn thiết yếuấy.” 12

Ngài xác định mục đích của việc chuyển dịch kinh tạng Pali:

Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những Kinh điển có thể được xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dầu là Ấn Độ, Trung Hoa hay Việt Nam. Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên chođộc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sau khi tự mìnhđọc, từ mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thểtự mình tìm hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhântrách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì Đạo Phật là Đạo đến để mà thấy chớkhông phải Đạo đến để nhờ người thấy hộ, Đạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải Đạo của người nhắm mắt ; Đạo của người thấy, của người biết (Passato Jànato), không phải là Đạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm. ” (…)

“ Ở nơi đây, chúng tôi cố gắng dịch trọn vẹn, không bỏ qua một kinh nào, và dịch có in nguyên bản Pàli đối chiếu với dụng ý để người đọc có thể tự mình tìm hiểu nguyên nghĩa của từng chữ từng câu, khỏi rơi vào những giải thích hay lệch lạc của người dịch ”.13

Càng đi sâu vào viêc phiên dịch, Ngài càng khám phá ra những thâm ý của những người có tà kiến, những xu hướng chống đối lại Phật Giáo, có từ thời Đức Phật và còn hiện hữu đến ngày nay. Ngài viết :

“ Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại,đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ,bị che giấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành14

Cũng không phải dễ dàng hiểu hết được hiện tượng Thích Minh Châu, một vị chức sắc thuộc vào hàng lãnhđạo của Phật Giáo Bắc Tông, nhưng lại đổ hết tâm sức vào việc phiên dịch, truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy. Hãy nghe lời đôi lời tâm sự của Ngài :

“ Tôi tự đánh dấu hỏi, làm Viện Trưởng hay làm một vị dịch kinh, làm chức vụ nào có lợi cho Phật Giáo hơn ? Và tôi phải tự thẳng thắn để trả lời, dịch kinh có lợi hơn ! Và tôi chỉ có thể vớt vát, bằng cách để những thời giờ thong thả, chú tâm vào vấn đềphiên dịch. Chúng tôi viết những dòng chữ này vừa đểsám hối, vừa mong các Phật tử và các Học giả thông cảm cho.” “Cứ xem thời gian hoàn thành từng tập một, mới thấy chức vụ đa đoan của một Viện Trưởng làm trở ngại cho sự phiên dịch như thế nào. Về nước năm 1964, nếu tôi không nhận chức vụ Viện Trưởng ViệnĐại Học Vạn Hạnh thời nay tôi đã dịch ít nhất cũng trọn bộ Kinh Tạng Pāli rồi ” 15. Phần này, Ngài viết vào năm 1972.

Và khi càng đi sâu vào việc dịch dịch Kinh Pali, Ngài có một nhận xét rất thú vị, gần giống với nhận xét nổi tiếng của nhà bác học Einstein :

“ Hơn nữa, ngày nay người ta dần dần ý thức rằng chỉcó Đạo Phật Nguyên Thủy mới đáp ứng được nhữngđòi hỏi của một thế giới khoa học hiện tại. Một tôn giáo muốn được giới trí thức trẻ hiện tại chấp nhận, vừa phải không mâu thuẫn với những phát minh khoa học mới mẻ nhất, vừa phải giải quyết được những vấn đề thuộc phạm vi con người của con ngườiở thế kỷ thứ hai mươi, hai mốt này. Chỉ có Đạo Phật Nguyên Thủy mới may ra đáp ứng được những đòi hỏi trên.” 16

Ngày nay, dù rằng đọc các bản kinh Ngài dịch, người ta có thể thấy một số chỗ chưa chính xác hoặc còn chưa rõ nghĩa. Nhưng dù sao, bản văn đều thống nhất, trong sáng, chân phương, trung thực. Dù chưa phải là bản dịch chuẩn mực, cho đến nay, tạng kinh do ngài Thích Minh Châu dịch vẫn là kinh tạng chính yếu, cho đông đảo chư tăng, ni, sinh viên và người nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ dựa vào đó, để tìm hiểu, nghiên cứu, và thực tập giáo lý của Đức Phật.

Dù công sức của Ngài cũng chỉ có thể dịch được tạng kinh, nhưng nó đã làm viên đá tảng cơ bản đầu tiên, để dựa trên đó, những tập khác, những tạng khác, những công trình khác được bổ sung, được hoàn thành về sau này 17.

Tóm lại, cuộc đời của Hòa Thượng Thích Minh Châu là một tâm gương rất sáng cho việc phục vụ giáo pháp, phục vụ dân tộc, phục vụ loài người. Những đóng góp của ngài cho nên Phật Giáo Việt Nam là vĩ đại chưa từng có :

daithuavatieuthuatmcnambatmchautmcnamhai

Một số tác phẩm khác

1- Ngài đã phiên dịch khá đầy đủ, có hệ thống, trong sáng gần như toàn bộ 1 trong 3 Tạng Kinh Điển, là tạng Kinh, gồm những lời dạy suốt 45 năm hoằng pháp của Đức Phật.

2- Ngài đã góp phần so sánh, soi sáng những điểm giống và khác nhau trong một số tác phẩm lớn của 2 hệ phái Phật Giáo.

3- Ngài đã góp phần quan trọng vào việc xóa đi nhữngđịnh kiến sai lầm về “ Tiểu Thừa ”, về Phật Giáo Nguyên Thủy.

4- Đã đem giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủyngôn ngữ Pali vào giảng dạy trong các trường đào tạo tăng ni, mà phần lớn thuộc hệ Phật Giáo Đại Thừa.

5- Đã đào tạo hàng chục ngàn tăng ni cho cả 2 miền Nam Bắc, cho cả 2 hệ phái PGNT và PGĐT.

6- Đã đưa giáo lý của Đức Phật vào quần chúng, bằng các trường, lớp, bằng việc phổ biến kinh sách, tổchức các buổi thuyết pháp và tập thiền hàng tuần cho công chúng.

Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài

Sau nhiều năm bệnh tật, nhiều năm nằm ngồi một chỗ,ngày 1/9/2012, tức ngày 16 tháng 7 âm lịch, PL 2556, Hòa Thượng Thích Minh Châu đã xả bỏ xác thân tại thiền viện Vạn Hạnh, với tuổi đời 95 năm và tuổi đạo 64 hạ. Hòa thượng Thích Minh Châu đã ra đi, để lại sựthương tiếc vô cùng lớn lao cho giới Phật Giáo, trí thức trong và ngoài nước. Trong những ngày đầu tháng 9, hàng trăm, hàng nghìn vòng hoa phân ưu, hàng vạn ngườiđủ các tầng lớp, nhiều đoàn thể, nhiều đại diện trong nước, ngoài nước đã đến thiền viện Vạn Hạnhđể tỏ lòng thương tiếc, kính yêu và biết ơn đối với Hòa thượng Thích Minh Châu.

Hòa thượng đã ra đi, nhưng những gì tốt đẹp nhất sẽcòn ở lại lâu dài, như Hòa thượng đã ghi lại trên bảo tháp của Ngài : “ Yo sāro thassati. Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài ”. Đó là tạng kinh, những công trình, bài giảng, lời dạy và cả một cuộcđời phục vụ giáo pháp, phục vụ dân tộc.


Chúng ta có mặt hôm nay ở đây, hầu hết không có may mắn được gặp mặt Ngài, không được trực tiếp đảnh lễ Ngài. Nhưng có thể nói, chúng ta đều là những đệtử của Ngài. Bởi vì, từ khi hiểu giáo pháp của Đức Phật, chúng con đã đọc tụng, nghiên cứu kinh kệĐại Tạng Kinh Việt Nam do Ngài Minh Châu chuyển dịch.

Như là đệ tử, chúng con xin cùng đốt nén hương tưởng nhớ ân đức của Thầy. Lát nữa đây, chúng con sẽ cùng tụng những lời Phật dạy do Ngài phiên dịch. Và chúng con nguyện sống trong Chánh Pháp, hành trì đúng Chánh Phápnương nhờ theo những lời dạy của Thầy, Hòa thượng Thích Minh Châu.

Chơn Tâm

Lương Châu Phước

Montreal, Canada, Tháng 9, 2012, PL 2556

(Bài thuyết trình tại buổi lễ tưởng niệm 15/9/2012, Montreal, Canada)

 

1 Theo Video Sen Vàng Ngát Hương, cuộc đờiđạo nghiệp Thích Minh Châu

2 Các chi tiết về tiểu sử, có dựa vào bản tiểu sử chính thức, báo Giác Ngộ điện tử 2/9/2012.

3 Thời đó kinh tạng được in ấn rất nhiều, các tu sĩ thâm sâu như HT Ananda Metteya, W. Rahula, Narada, học giả G.P Malalasekara, Guruge với nhiều tác phẩm, những học giả lớn phương Tây, như Nyanatiloka, Horner, Nanamoli, Nyanaponika…. Ngài U Silananda, tu sĩ Miến Điện, sang học ở Colombo năm 1954, sau này là viện trưởng viện đại học Phật Giáo Theravada…

4 Lời giới thiệu sách So sánh kinh Trung A Hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pali, bản dịch Thích NữTrí Hải.

5 Lời nói đầu, Nghiên cứu đối chiếu Milinda vấn đạo, chữ Pali và Kinh Na-Tiên tỷ kheo, chữ Hán. Bản dịch Trần Phương Lan.

6 Chuyến trở lại Việt Nam 1964, E. Wuff, www.thuvienhoasen.org/

- Lời nói đầu trong Pháp Hiển, nhà chiêm bái : “ Trong lúc soạn tác phẩm này trong bầu không khí thanh bình Đại Tồng Lâm Nalanda Mới, thì tại miền Nam Việt Nam, bi kịch của Phật giáo Việt Nam đang bùng nổ. Với lòng thán phục lẫn với lo lắng sâu xa, tôi đã theo dõi cuộc tranh đấu dũng cảm của Phật tử Việt Nam để bảo vệ tín ngưỡng mình, và sự đàn áp tàn bạo của chế độ Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo

7 Sự đóng góp về giáo dục Phật học của Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh 300 năm, Phần V, Thích Thiện Nhơn.

8 Danh sách đầy đủ các tác phẩm :

Đại Tang Kinh (gốc Pali) :
1. Kinh Trường Bộ (2 tập)
2. Kinh Trung Bộ (3 tập)
3. Kinh Tương Ưng Bộ (5 tập)
4. Kinh Tăng Chi Bộ (4 tập)
5. Kinh Tiểu Bộ (10 tập đã dịch
, gồm)

a. Tiểu Tụng,
b. Pháp Cú,
c. Kinh Phật Tự thuyết,
d. Kinh Phật Thuyết Như Vầy,
e. Kinh Tập,
f. Trưởng Lão Tăng Kệ,
g. Trưởng Lão Ni Kệ,
h. Truyện Thiên Cung,
i. Truyện Ngạ Quỷ,
j. Bổn Sanh (7 tập).

- Thắng pháp tập yếu luận (Abhidhamma Atthasangaha), hay Vi Diệu Pháp tinh yếu.

Khỏang 30 tác phẩm tiếng Việt, tiếng Anh:
-Phật Pháp (đồng tác giả),
-Đường về xứ Phật (đồng tác giả),
-Đại Thừa và sự liên hệ với Tiểu Thừa (sách dịch),
- Sách dạy Pàli (3 tập),
- Từ điển Phật Học Việt Nam (& Minh Chi),
- Chữ hiếu trong Đạo Phật,
- Hành Thiền,
- Lịch sử Đức Phật Thích Ca,
- Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi,
- Chánh Pháphạnh phúc,
- Đạo đức Phật Giáohạnh phúc con người, - Những mẫu chuyện đạo,
- Tâm từ mở ra, khổ đau khép lại (
trong đó có tác phẩm Trước sự nô lệ của con người, viết năm 1970),
- Những gì đức Phật đã dạy,
- Hiểu và hành Chánh Pháp,
- Chiến thắng ác ma,
- Tóm tắt Kinh Trung Bô,
- Dàn bài Kinh Trung Bộ, Tóm Tắt Kinh Trường Bộ.

-The Chinese Madhyama Àgama and the Pàli Mahjjhima Nikàya - A Comparative Study (So sánh Kinh Trung Bộcủa tạng Pali và kinh Trung A Hàm của tạng Hán. Bản dịch Trí Hải),
- H'suan T'sang, The Pilgrim and Scholar (Huyền Trang, Nhà Chiêm báiHọc giả.
Bản dịch Trí Hải),
- Fa-Hsien, the Unassuming Pilgrim (Pháp Hiển, Nhà Chiêm bái khiêm tốn.
Bản dịch Trí Hải),

- Milindapanha and Nàgasena-bhikhusùtra - A Comparative Study (Nghiên Cứu So Sánh Vua Mi Linh Đa vấn đạo và Kinh Na-Tiên Tỷ kheo. Bản dịch Trần Phương Lan),
- Some Teachings of Lord Buddha on Peace Harmony and Human dignity (Vài lời dạy của Phật về hòa bình, hòa hợp và nhân cách con người.
Sách song ngữ)

Ngòai ra còn một số tác phẩm chưa in:
-Từ điển Pali- Việt, Việt- Pali.

9 Đạo Phật và nền trật tự, đạo đức mới, 1989.

10Theo Lời nói đầu, Kinh Trung Bộ, bản in 1973 : Tôi dựa theo nguyên bản Pàli của Hội Pàli Text Society để phiên dịch và dùng ba bản dịch làm tài liệu. Tài liệu thứ nhất là những ghi chú bằng tiếng Anh và chữ Hán, tôi đã tựmình ghi vào bản Pàli, từng chữ, từng hàng, từng trang một, khi tôi theo học bản Pàli này, từ năm 1952 đến năm 1955 tại Hội Dharmaduta Vidhyalaya ở Colombo, Tích Lan, do Ngài Pannananda diễn giảng. Bản tài liệu thứ hai là bản dịch "The Middle Length Sayings" của Cô L. B. Horner, hội Pàli Text Society, một công trình dịch thuật rất chu toàn; và bản thứ ba là bản dịch ra tiếng Nhật của bộ Nam truyền Đại Tạng Kinh. Thỉnh thoảng tôi tham khảo các bản kinh Hán Tạng tương đương nếu thấy cần thiết.” (…)

Các bài Kinh chữ Hán tương đương trong bộ Trung A Hàm không giúp đỡ được nhiều (…) Cho nên, bản Hán Tạng nhiều khi tối nghĩa và dễ phát sinh hiểu lầm.

11 Lời giới thiệuKinh Trường Bộ, 1972.

12 Lời giới thiệu, Kinh Trường Bộ,tập IV, 1972

13 Dịch Kinh vàĐại học, trong Chánh PhápHạnh Phúc, 1996

14 Lời nói đầu, Kinh Trung Bộ, bản in 1986

15 Lời giới thiệu, Kinh Trường Bộ, tập IV, 1972

16 Như trên (15)

17Trong khi HT Thích Minh Châu dịch tạng Kinh Pali thì HT Tịnh Sựdịch toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp vào những năm 1975-1983, từ bản tiếng Thái. Các đệ tửcủa Ngài tu chỉnh và xuất bản vào những năm 2003-2005. Đại Đức Nguyệt Thiên đã dịch và xuất bản toàn bộ Tạng Luật, từ nguyên gốc Pali, vào những năm 2003-2005. Đại Đứcđang tiếp tục dịch những tác phẩm khác của Tam TạngChú Giải.

Trong khi đó thì Đại Tạng Kinh Việt Namcó gốc từ chữ Hán cũng đã bắt đầu được chuyển dịch và xuất bản, dưới sựchỉ đạo của các hòa thượng Thích Trí Tịnh, Thích Thanh Từ, Thích Đức Nghiệp…

 

(Nguồn: http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/cuoc-song-cao-dep-va-su-nghiep-vi-dai-cua-ht-thich-minh-chau )


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/09/2012(Xem: 12285)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.