KHEN CHÊ PHẢI RÕ RÀNG Quảng Tánh
Trong cuộc sống hàng ngày, người con Phật luôn tâm niệm phải tạo ra phước báo để vun bồi công đức cho bản thân và gia đình. Có rất nhiều việc tạo ra phước báo mà không cần bỏ ra của cải hay là công sức. Đó là chánh niệm trong lời nói, phát ngôn của mình, một trong những pháp môn tu tập cần thiết và căn bản nhất. Ai cũng biết lời nói có khả năng kiến tạo hiểu biết, tin cậy, hạnh phúc thật kỳ diệu Người con Phật luôn tỉnh giác trước mọi lời khen chê của thế gian và cẩn trọng với phát ngôn khen chê của riêng mình. Thế Tôn đã dạy, ai khen chê một cách thành thật, đúng đắn thì “được phước vô lượng”. Ngược lại nếu khen chê không thành thật, không đúng đắn thì tự mình “chịu tội vô lượng”. “Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Có hai hạng người gặt hái được phước vô lượng. Thế nào là hai? Với người đáng khen ngợi thì khen ngợi, người không đáng khen ngợi thì không khen ngợi. Đó là hai hạng người được phước vô lượng. Lại có hai hạng người chịu tội vô lượng. Thế nào là hai? Nghĩa là người đáng khen ngợi lại phỉ báng, người không đáng khen ngợi mà lại khen ngợi. Các Tỳ-kheo, chớ học điều này! Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”. (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tàm quý, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.296)
Thường thì ai cũng thích được khen, thèm nghe tiếng khen nhưng không vì thế mà lúc nào ta cũng khen, chỉ gặp “người đáng khen ngợi thì khen ngợi”. Vì tiếng khen, những lời có cánh trong đời vốn mang nhiều dụng ý khác nhau. Chỉ có bậc Thánh mới biết được ẩn giấu phía sau lời khen là gì. Nên khen ngợi đúng người, đúng việc cũng không phải là điều dễ làm. Lời khen đúng, thật lòng có tác dụng khích lệ rất lớn cho người được khen đồng thời khiến cho người khen trở nên bao dung, hoan hỷ hơn nên cả hai đều “được phước vô lượng”. Điều đáng lưu tâm là lời dạy: “Với người không đáng khen ngợi thì không khen ngợi”. Không khen ngợi thôi chứ không phải là chê bai. “Nhân vô thập toàn”, mình đã hoàn hảo đâu mà vội chê người. Ta không khen vì người đó, việc đó không đáng khen mà thôi. Thường thì gặp trường hợp không đáng khen thì chúng ta lập tức chê trách không thương tiếc. Dù chê trong trường hợp này vốn không sai nhưng nếu biết dừng lại ở chỗ không khen là cách ứng xử hay, tinh tế nhất. Ngược lại, người đáng khen thì ta lại chê và người đáng chê thì ta lại khen. Người đáng khen mà ta lại phỉ báng, chê trách thậm tệ, rõ ràng ta thiếu trí tuệ trong trường hợp này. Hoặc giả ta cũng biết người đó, việc đó đáng khen nhưng vì tâm đố kỵ, ghen ăn tức ở xâm chiếm tâm hồn nên không khen nổi. Gặp người và việc đáng chê mà ta lại khen thì rõ ràng tâm ta chất ngất những điều ác độc. Cổ xúy và khen ngợi người xấu, điều ác là dấu hiệu rõ nhất tố cáo ta không phải là người tốt. Với cách khen chê ngược đời này, nếu không sớm chuyển hóa thì tự thân phải “chịu tội vô lượng”. Vẫn biết lời chê thì chẳng ai muốn nghe nhưng chê đúng người, đúng việc, đúng lúc và đúng liều lượng lại có tác dụng tích cực, nhằm góp ý và xây dựng để cho người trở nên hoàn thiện. Cũng như tiếng khen, lời chê có mang chất liệu từ bi - trí tuệ thì tác dụng trị liệu và chuyển hóa rất cao. Chê người cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại mình. Nên khen chê đúng đắn là một cách tu, giúp mình và người đều hoàn thiện và thăng hoa trong cuộc sống.
|
- Từ khóa :
- Khen chê