QUI Y
Chúng ta đã chia sẻ với
nhau tại sao chúng ta cần phải thanh tẩy và thanh tẩy như thế nào. Chúng ta
cũng hiểu rất rõ là chúng ta luôn tạo thêm những nghiệp mới qua thân khẩu và ý,
bởi vì chúng ta chưa thấu hiểu nguyên nhân nội tại, luật của nghiệp lực.
Có một sự
khác biệt rất lớn giữa sự hiểu biết thuần lý thuyết và sự hiểu biết bằng kinh
nghiệm sống thực. Một số học trò hiểu thấu đáo những lời dạy bảo về nghiệp và
tin tưởng mãnh liệt rằng “Điều đó rất đúng vì Lạt ma của tôi đã nói như vậy!”
Nhưng họ không có một chút kinh nghiệm sống nào, nên khi bị thử thách họ đã
thất bại. Họ không có một phương pháp giải quyết khi một vấn đề trầm trọng xẩy
ra. Họ rất thỏa mãn khi nói về nghiệp, họ còn khuyên cha mẹ và bạn bè họ:
“Thôi, như vậy đủ rồi ! ” nhưng họ không thể làm được những điều mà họ đã nói
vì họ chưa từng bao giờ thực hành.
Tuy nhiên,
một số học trò khác không hoàn toàn thỏa mãn với những lý thuyết mà họ đã học,
ngược lại, họ thực tâm muốn hiểu thấu vấn đề bằng chính kinh nghiệm sống của
họ. Có thể họ đã không học về nghiệp nhưng họ lại luôn luôn tỉnh thức trong mọi
hành động, như vậy họ đã thực sự nếm mùi vị của Phật Pháp, như nếm mật ngọt bằng
chính lưỡi của họ. Khi sự khó khăn xẩy đến, họ biết cách đối phó, biết cách
giải quyết. Chúng ta phải hiểu thấu vấn đề này. Thật là nguy hiểm, nếu chúng ta
chỉ bám víu, ôm giữ, tích tụ Phật Pháp mà không thực hành nó. Điều này không
giúp chúng ta được chút gì trong cuộc sống.
Rất nhiều
vị học giả, giáo sư, từ Đông sang Tây, đã giảng dạy về tất cả triết lý nhà
Phật, mà chưa hề thực hành chút nào. Đặt câu hỏi là họ trả lời ngay, nhưng
những câu trả lời của họ giống như những người hướng dẫn du lịch, họ chuyên
nghiệp như một cái máy. Khi một người thực sự kinh nghiệm Phật Pháp nói, lời
nói của họ tràn đầy sức mạnh của ơn phước, của chuyển hóa. Có thể họ cũng nói
cùng một vấn đề như những vị học giả nhưng khi họ diễn tả vấn đề là họ truyền
đạt đến tận con tim của thính giả, làm con tim của người nghe thực sự rung
động. Lời nói không có kinh nghiệm giống như một cơn gió thoảng qua tai.
Nếu không
hiểu luật nhân quả bằng chính kinh nghiệm bản thân, thì ta không thể tỉnh thức
trong bất cứ việc gì ta làm. Mặc dầu những người này có thể giảng dạy rất uyên
bác cho hàng ngàn thính giả, nhưng thính giả không cảm thấy gì, không tin được
những lời thuyết pháp, vì họ chưa thực sự nếm được mật ngọt của vấn đề. Họ đã
không thật sự sống với điều họ tranh luận. Đây là một điều đáng buồn. Khi được
hỏi một vấn đề thực tế của nghiệp quả như thế nào, các vị học giả chỉ có thể
dẫn chứng bằng những gì họ đã đọc trong một vài cuốn sách. Vì không có kinh
nghiệm nên họ không thể giải thích được một cách rõ ràng: quan sát nghiệp như
thế nào, làm thế nào để thực hành, cách chuyển hóa một hành động xấu qua tốt như
thế nào? Có những câu hỏi thực tế về nghiệp đến từ bên ngoài sách vở, nên những
học giả này không thể trả lời. Cuối cùng họ chỉ nói cho qua chuyện: “ Anh không
thể hỏi như vậy, Phật Pháp không có vấn đề đó.” Thực sự vấn đề không đơn giản
như họ đã đọc được trong sách vở.
Tôi chắc
chắn rằng phần đông chúng ta đã hiểu rõ những hành động xấu của thân khẩu và ý
là những chu kỳ tự nhiên, mang đến cho đời những đau khổ, những bối rối và
những xấu xa. Đây là sự thật chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa. Qúy vị có thể
giải thích vấn đề này rõ hơn tôi. Khi ngồi nghe cái giọng Anh văn què quặt của
tôi, qúy vị tự nghĩ: “Cái ngôn ngữ gì quái gở vậy? Nếu ông ấy để tôi nói, tôi
có thể giải thích hay hơn.” Đó là một sự thật. Nhưng tại sao chúng ta không thể
chấm dứt những thói quen tật xấu của chúng ta? Điều đó chứng minh hiểu biết
bằng lý thuyết thôi, không đủ, cần phải có thực hành.
Một số phật
tử tuy hiểu rất ít về Phật Pháp, nhưng họ có một trình độ tâm linh rất cao, vì
họ chú tâm chăm chỉ thực hành Phật Pháp. Nhưng có rất nhiều giáo sư, học gỉa uyên
thâm về lý thuyết nhà Phật, đã từng đi thuyết pháp nhiều nơi mà chẳng có một
trình độ tâm linh nào. Do đó, tôi khuyên qúy vị nên vô cùng thận trọng trong
vấn đề này. Khi chỉ nói về, chỉ bàn về những lời dạy bảo thì nó chẳng có ích
lợi gì. Chúng ta cần phải thực hành. Những lời dạy bảo phải mang những rung
động của ơn phước, của chuyển hóa trong từng kinh nghiệm cá nhân, và phải có khả
năng chuyển những nguồn năng lực đó đến người nghe.
Ở Tây Tạng,
trên con đường dạy bảo những phương pháp tu tập, những bậc thầy thường không
chú trọng dạy lý thuyết, mà đặc biệt chỉ chú tâm đến vấn đề thực hành Phật Pháp.
Ngay trong lúc thuyết giảng, họ cũng để học trò thiền định. Kết qủa là có một
số học trò đã chứng nghiệm ngay trong lúc nghe giảng. Thường thường một khóa
học là 20 ngày, sau 20 ngày học hỏi, họ đã hiểu trọn vẹn vấn đề từ đầu đến
cuối, tâm đầy tràn năng lực, họ gấp gấp rời bỏ tu viện, đi vào những hang động
trong núi thẳm để thiền định trong cô liêu. Nói khác đi, những vị học gỉa có
thể dạy chúng ta cả 20 năm mà không gây được một rung động nào trong trái tim
của chúng ta.
Tôi cũng đã
thấy một số học trò Tây phương rất phấn khởi trong phương pháp tu tập Lam-rim,
họ cũng muốn đi vào hang động để thiền định trong cô liêu. Tuy nhiên, tiếp tục kiên
nhẫn tu tập trong nhiều năm để thanh tẩy những nghiệp chướng thì vẫn tốt hơn là
đi vào núi thẳm để thiền định , vì sự thúc đẩy của cảm xúc hay của cảm hứng thì
nhất thời không bền lâu.
Vì thế, khi
qui y và phát tâm bồ đề, chúng ta không nên để một khoảng trống giữa chúng ta
và những công việc này. Nếu chúng ta không hợp nhất với những công việc này,
chúng ta sẽ không tẩy rửa được những nghiệp của chúng ta, như sự trình bày ở
trên kia. Khi qui y, chúng ta hãy trở nên làm một với việc qui y. Khi phát
nguyện tâm bồ đề, chúng ta hãy trở nên làm một với tâm bồ đề. Không phải khi
làm lễ qui y, ngồi trên tấm nệm mà tâm lại suy nghĩ những gì ở đâu đâu. Hãy để
tâm hoà nhập với Phật Pháp mà chúng ta đang thực hành. Điều này tuy khó nhưng
không phải là không làm được, điều này thực sự cần thiết nếu chúng ta
thực tập để mang lại lợi ích cho tâm hồn chúng ta và cho mọi người.
Bởi vì
không những chỉ nghe mà còn cố gắng thực hành, nên một số rất đông những người
Tây phương đã đạt được những thành qủa tốt trên đường tìm giác ngộ và họ đã có
những chứng nghiệm rất cao. Những học trò này rất thành thực và bén nhậy trong
lúc nói chuyện với Lạt ma Zopa và với cá nhân tôi, tâm của họ thực sự đã được
cảm hoá bởi những điều họ nghe. Nếu trong lúc học hỏi, người nói như cái máy
phát thanh, người nghe như bức tường, thì làm sao có được những ơn ích này? Nói
một cách sâu xa hơn, với bản tính đa nghi của người Tây phương, họ không dễ dàng
chấp nhận bất cứ điều gì cho đến khi họ đã hoàn toàn hiểu và thấm nhập những ơn
ích của lời dạy bảo. Tôi thích nghe họ phát biểu: “ Thầy nói như vậy, tôi không
chấp nhận.” Chúng tôi có cảm tưởng rằng họ ái mộ ông thầy vì lòng tin nhất thời
hơn là có sự hiểu biết sâu xa hầu có đủ điều kiện để nghe Pháp.
Qui y và phát tâm bồ đề
Nguyện mãi mãi, Con xin qui y Phật, Pháp, Tăng, Tăng sĩ trong cả 3 truyền thừa, cùng chư Nam Tiên và Nữ Tiên của mật chú, những vị Anh Hùng, Chư Thiên, Chư Bồ Tát và đăïc biệt là Thầy con
“Thừa” được phiên
dịch từ chữ Phạn yana, có nghĩa là “con đường, cỗ xe, phương tiện.” Theo nghĩa
rộng thì đó là một phương tiện để nâng tâm thức của chúng ta lên một cấp độ cao
hơn. Thí dụ, nếu chúng ta phát nguyện tâm bồ đề và thực hành sáu hạnh bồ tát,
chắc chắn chúng ta sẽ đạt giác ngộ. Cỗ xe lớn, Đại thừa, đưa chúng ta đi từ chỗ
khởi đầu, tâm bồ đề qua sáu hạnh và từ thập địa bồ tát lên đến giác ngộ. Nếu
chúng ta bắt đầu một cách thật hoàn hảo và hành động đúng, chắc chắn chiếc xe
sẽ đưa chúng ta đến chỗ mong muốn. Yana còn có nghĩa là con đường: con đường đi
đúng sẽ dẫn đến đúng chỗ. Nếu vì vô minh, chúng ta chọn con đường đi sai, chúng
ta sẽ đi lạc.
Ba cỗ xe
Phật giáo là hai cỗ thuộc Tiểu thừa và một cỗ thuộc Đại thừa. Chúng ta qui y
Tăng trong cả ba thừa. Mặc dù chúng ta đang theo truyền thống Đại thừa và đặc
biệt hơn, trong cái chiều hướng sâu thẳm nhất của Mật tông, chúng ta cũng không
nên kiêu ngạo mà nghĩ rằng “ Tôi thuộc Đại thừa, tôi không cần qui y Tăng bên
Tiểu thừa.” Mặc dầu chư vị La hán bên Tiểu thừa còn bám víu vào sự giải thoát
cho riêng họ, nhưng họ cũng đã vượt thoát khỏi ngã chấp để chứng nghiệm tánh
không và họ cũng có khả năng hướng dẫn chúng ta ra khỏi kiếp luân hồi. Vì thế,
chúng ta không nên kỳ thị mà chúng ta nên qui y các ngài.
Tiểu thừa
và Đại thừa không phải là những phát minh của các vị Lạt ma Tây Tạng. Hai
truyền thống Phật giáo này được sáng lập bởi chính Đức Phật và như vậy nó đã
tồn tại từ lâu đời trước khi được truyền vào Tây tạng. Có một số người nghĩ
rằng Đức Phật chỉ truyền dạy bằng tiếng Pali và cho rằng những bản kinh được
ghi chép bằng ngôn ngữ khác là sai. Có những người khác lại tin vào tiếng Phạn
(Sanskrit). Cả hai luận cứ này đều sai lầm. Một khi Phật pháp được truyền sang
nước khác, được thực hành bởi các vị hành giả, thì nó vẫn được giữ nguyên vẹn lời
dạy bảo, nhưng rồi dần dần được làm cho thích hợp với tâm hồn dân địa phương,
và vì vấn đề truyền thông sao cho dễ hiểu. Như vậy, có một sự khác biệt lớn
giữa xứ tuyết Tây tạng và bình nguyên nóng cháy Aán độ, do đó chúng ta có thể
hiểu được sự thay đổi của Đạo Pháp khi nó di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác.
Ngày xưa,
có một ông vua là môn đệ của Đức Phật, một đêm vua mơ thấy 18 người tranh giành
nhau một cuộn vải, ai cũng cố gắng tranh phần thắng về mình. Sau cùng, ai cũng
chiếm được trọn cuộn vải. Vua đến hỏi Phật về ý nghĩa của giấc mơ đó. Ngài giải
thích rằng cuộn vải tượng trưng cho những lời dạy bảo của Ngài, sau khi Ngài
qua đời, mười tám trường phái sẽ nắm giữ theo sự hiểu biết riêng của họ để giải
thích giáo lý của Ngài. Mỗi người nhận được một cuộn vải có nghĩa là mỗi một
tông phái sẽ nắm giữ một con đường đúng riêng và sẽ thực hành theo để đi đến
giải thoát. Như vậy, sự thành lập mười tám tông phái Tiểu thừa là do lời tiên
tri của Đức Phật.
Tông phái Phật giáo
nguyên thủy (Theravada) là một trong 18 tông phái đó. Một số tín đồ của Tiểu
thừa cảm thấy buồn khi được gọi là “ tín đồ Tiểu thừa” và yêu cầu được gọi là
Phật giáo nguyên thủy -- điều này vô lý, vì Phật giáo nguyên thủy chỉ là một
trong số 18 tông phái kia, Thevada không nắm giữ tất cả triết lý của Tiểu thừa,
nên không thể coi như bằng nhau –Ngược lại, một số khác lại tự đắc khi nghĩ
mình thuộc Phật giáo Đại thừa. Sự phân biệt nhị nguyên này phát khởi do tâm vô
minh và đi ngược hẳn lại sự an bình nội tại của Phật Pháp.
Sự khác
biệt căn bản giữa Tiểu thừa và Đại thừa nằm ngay tại tâm của họ. Nguyên tắc căn
bản của Tiểu thừa là chú trọng vào sự giải thoát một mình họ, trong khi đó
những người theo Đại thừa quan niệm đạt giác ngộ để giải thoát tất cả muôn loài
chúng sinh. Một số người phân biệt mặc áo màu vàng là Tiểu thừa, áo màu đỏ là
Đại thừa, nhưng đó là một sự sai lầm. Tất cả những ai tu tập không vì sự giác
ngộ cho riêng mình mà cho muôn loài chúng sinh thì là Đại thừa, không phân biệt
họ mặc áo mầu gì. Nếu ai mặc áo đỏ mà chỉ tu tập cho riêng họ, lo giải thoát khỏi
luân hồi sinh tử cho riêng cá nhân họ thì đó chính là môn đồ của Tiểu thừa.
Chúng ta
qui y Tăng thuộc Đại thừa cũng như Tiểu thừa, chư vị thần tiên và chư vị bồ tát
- tất cả những vị này đã chứng nghiệm và thành tựu con đường cao nhất của Mật tông.
Có vị xuất hiện như một vị thần từ bi, có những vị xuất hiện dưới dung mạo giận
dữ.
Khi một vị
bồ tát thị hiện dưới hình thức giận dữ, chúng ta không nên nghĩ rằng họ phải
luôn luôn hiền hòa. Ngay cả trong đệ nhất địa của thập địa bồ tát, được gọi là
“Hoan Hỉ Địa”, họ cũng có thể thị hiện ra hàng trăm cách khác nhau. Từ những
hình dạng này, những lời dậy bảo có thể thị hiện từ Báo Thân Phật ra 100 vị
Phật khác nhau hoặc hóa hiện ra 100 cảnh giới khác nhau để giáo hóa chúng sinh.
Trong tiến trình bồ tát hạnh, khả năng của họ tăng lên gấp mười ở mỗi một cấp
bậc; những gì họ có thể làm được vượt xa sự lý giải của chúng ta. Vì thế, chư
vị bồ tát có thể thị hiện ra trong bất cứ dung mạo nào, một vị thần hiền lành
hay một vị thần hung dữ ...vân vân..., chúng ta nên qui y các ngài.
Thực ra,
chư bồ tát có thể thị hiện ra là người Đông phương hay người Tây phương, người
da mầu hay người da trắng, người Thiên chúa giáo, người Hồi giáo hay người Do
thái giáo - bất cứ hình dạng nào. Ngày nay, có quá nhiều tín đồ tôn giáo với
tâm hẹp hòi, họ không muốn đến với những vị thầy tâm linh khác chủng tộc, khác
màu da, khác tôn giáo hay khác quốc gia. Khi họ đã theo một vị thầy riêng, đã
trở thành đệ tử của vị thầy đó, họ cho tất cả những vị thầy khác và tín đồ của
ông ta là quỉ ma. Tôi gọi những người này là “chủ nghĩa Thầy.” Đây thật là một
điều sai lầm, họ qui y với một tâm kỳ thị. Đây không phải là đường lối qui y
của Phật giáo.
Dĩ nhiên,
một số khác lại tự tôn mình là vị thầy số một và độc nhất trên thế giới, rồi đồ
đệ của họ cũng tự nhiên tin như vậy. Trong trường hợp này, thay vì trở nên một
chiếc xe chuyên chở tín đồ đến giải thoát, tôn giáo mà họ rao giảng lại làm
ngộp thở tín đồ, họ trở nên hẹp hòi hơn và sau cùng trở thành một loại cuồng
tín. Tốt hơn hết là không theo một tôn giáo nào, còn hơn là có đạo theo kiểu
này. Ít ra, những người vô tôn giáo không có những quan điểm quá khích như vậy,
với họ, họ nghĩ rằng chỉ cần trở nên một người bình thường là quá đủ, quá tốt
rồi.
Chúng ta qui y phật và bồ tát trong 10 phương, qui y những vị đã đạt ngộ tánh không, bất kể họ thuộc màu da nào, quốc gia nào hay tín ngưỡng nào. Hãy nhớ rằng, cấp bậc thứ nhất trong hàng bồ tát có thể là người Phi châu đàn ông hay đàn bà, có thể là một bác tài xế lạc đà Ả Rập, cũng có thể là một tên khủng bố, khi nghĩ được như vậy, chúng ta sẽ phục vụ người khác tốt hơn.
Sau cùng, như trong lời
cầu nguyện, chúng ta qui y vị thầy của chúng ta, đặc biệt hơn nữa là vị thầy
nguyên thủy của chúng ta, người sẽ hướng dẫn chúng ta trên con đường đến giải
thoát. Hãy luôn luôn nhớ rằng vị thầy duy nhất của chúng ta theo phương pháp
này là Heruka Vajrasattva (Ngài Kim Cang Tát Đỏa) Danh từ Tây tạng Lob-pon có
nghĩa là một người chỉ cho chúng ta con đường ngay thật và hướng dẫn chúng ta
đi theo con đường đó, Ngài uốn nắn những hành động của thân khẩu ý của chúng ta
và đem chúng ta ra khỏi những hành động mù quáng, vô minh. Ngài có thể hướng
dẫn chúng ta đến giác ngộ ngay trong đời hiện tại hoặc chỉ trong ba năm. Hãy
gọi tên Ngài bằng một tiếng tôn kính và qui y Ngài mãi mãi.
Khi qui y,
chúng ta hãy quán tưởng như sau, bên phải là cha tôi, bên trái là mẹ tôi. Kẻ
thù số một của tôi, người nào gây trở ngại cho chúng ta nhiều nhất, ở ngay
trước mặt tôi. Người bạn thân nhất của tôi, người mà gắn bó với ta nhất, ở đằng
sau tôi. Tất cả những chúng sinh khác ở chung quanh tôi.
Theo Đại
thừa, đây là sự quán tưởng tốt nhất. Nếu chúng ta thắc mắc chúng ta nên đặt
người bạn thân của chúng ta ở đâu? Chúng ta thường trả lời “ Ồ, ngay ở đây, trước
mặt tôi !” và kẻ thù ở sau lưng hoặc tít ngoài xa kia. Thay vì làm như vậy, khi
qui y, chúng ta nên đặt kẻ thù ở ngay trước mặt. Hãy nhìn họ, hãy chiêm nghiệm
đời sống của họ. Nói một cách chân thành, chúng ta hãy nghĩ đến những vấn đề
riêng tư của chúng ta, trong cái riêng tư này có những nguyên nhân gây ra những
hành động không thể kiểm soát được, rồi chúng ta hãy nghĩ rằng kẻ thù của chúng
ta cũng ở trong hoàn cảnh đó. Hãy nghĩ như vậy cho kẻ thù của ta, “Tôi nghĩ
rằng, người này xấu nhưng những khó khăn của họ cũng giống y hệt của tôi, thì
tại sao tôi lại nổi giận mỗi khi tôi thấy họ? Vấn đề xấu nhất của họ chính là
ngã chấp vô minh. Nghĩ rằng ghét cái gì thì sẽ ghét cái đó. Tôi không nhìn thấy
tâm vô minh của họ thì tại sao tôi lại có những hành động xấu khi thấy họ? Thân
xác của họ chỉ đại diện cho một cái tâm xấu, tôi không thích họ chỉ vì cái tâm
xấu này sao? Họ có thể nhìn ra điều này nếu tâm vô minh của họ được thanh tẩy rồi
họ cũng sẽ được giải thoát.”
Do đó,
chúng ta nên phát tâm từ bi đến kẻ thù của chúng ta khi chúng ta qui y. Đây là
một quan niệm đúng đắn nhất, tuyệt vời nhất của qui y. Thực hành qui y theo
đường lối này là cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề của tham sân si. Nếu
không, chúng ta lại tích tụ thêm âu lo cho hiện tại và lại làm tăng thêm những
bám viú, những ràng buộc trong lúc qui y. Chúng ta nói rằng chúng ta đang thực
hành Phật pháp, nhưng Phật pháp mà chúng ta đang thực hành chẳng mang lại ơn
ích gì mà chỉ tăng thêm sự ràng buộc cho cuộc sống. Với thái độ như vậy, niềm
an lạc của Phật sẽ trở thành một vật sở hữu, thay vì giải thoát chúng ta ra khỏi
những phiền toái, những khó khăn của cuộc sống thì lại ràng buộc và gây cho
chúng ta nhiều phiền toái hơn nữa. Lúc đó họ sẽ bực tức: “ Phật Pháp của ông
như cục cứt!” Như vậy cái ngã lại tăng lên.
Đối tượng quán tưởng khi qui y
Phương pháp thực hành
quán tưởng Ngài Kim Cang Tát Đỏa khác với phương pháp mà chúng ta thường quán
tưởng trên con đường tiệm tu đến giác ngộ, trong phương pháp tiệm tu đối tượng chính
để quán tưởng là Đức Phật Thích Ca. Nhưng Đức Phật mà chúng ta quán tưởng ở đây
là Heruka Vajrasattva (Kim Cang Tát Đỏa) hay Vajradhara (Kim Cang Thủ), tùy
theo vị nào dễ cho chúng ta quán tưởng.
Hãy quán
tưởng Ngài Kim Cang Tát Đỏa màu xanh, đứng, đang ôm choàng nữ Phật tính của
Ngài, Vajra Varahi màu đỏ (có nơi dịch là Phật Mẫu --Dg). Chung quanh Ngài là
chư tiên nam và nữ, 62 vị thần trong mạn đà la Heruka, cùng vô lượng Phật, vô
lượng Bồ Tát và các vị A la hán đã chứng ngộ cảnh giới an lạc bất diệt.
Nếu chúng
ta chọn Vajradhara để quán tưởng thì Ngài ngồi trên tòa sen ôm choàng nữ Phật
tính của Ngài, Vajradhatu Ishvari. Ngài mang màu xanh, nữ Phật tính màu đỏ,
chung quanh Ngài cũng giống như sự thị hiện ở trên, ngoại trừ không có 62 vị thần
của Heruka mạn đà la. Tuy nhiên, dù quán tưởng Heruka hay Vajradhara, hãy nhớ
kỹ một điều là vị thầy của chúng ta cũng xuất hiện y như vậy. Vị thần này là
đối tượng chính để chúng ta quán tưởng khi qui y và chúng ta sẽ trở nên làm một
với Ngài (thầy của chúng ta.) Như vậy, Vajrasattva hay Vajradhara chính là
Phật; chư vị thần tiên, chư tăng của ba dòng truyền thừa chính là Tăng và
Phật Pháp chính là Trí Huệ của các Ngài.
Ơn phước
của sự quán tưởng Heruka trong tư thế đứng sẽ được ban phát, sẽ được thấm vào
hệ thần kinh của chúng ta và nó sẽ đánh thức nguồn năng lực nội tại (kundalini,
tâm hỏa) của chúng ta. Công việc này giúp chúng ta trong việc thực hành
maha-anuttara yoga mật tông. (maha là vĩ đại, to lớn; anuttara là không gì sánh
bằng, tối thượng, Trung hoa dịch là A Nậu Đa La. Trong Kim Cang Thừa có tất cả
6 thừa, bậc hạ: Kriyayoga, Upayoga và yoga. Bậc thượng: Mahayoga, Anuyoga và Atiyoga.
Anuttara yoga là sự tổng hợp của ba tầng yoga bậc hạ -- Dg).
Sự quán
tưởng không phải là công việc của đôi mắt, chúng ta không thể nhìn đăm đăm vào
hình ảnh của Ngài để ở trước mặt chúng ta. Thần xác của Heruka là sự thị hiện chân
bản thể của Ngài trong hình tướng thần linh trước mặt chúng ta. Do đó, sự quán
tưởng là một sự biến đổi, là một sự chuyển hóa để trở nên làm một với tâm bản nhiên
an lạc, đó là chân tính. Chúng ta không thể cảm nhận chân tính bằng con
mắt trần hay bằng giác quan của chúng ta. Vì thế, để cảm thông với chúng ta,
nguồn năng lượng siêu việt mới thị hiện thành hình dáng này, trong suốt như ánh
sáng. Sự thị hiện không xuất hiện thường xuyên nhưng đột khởi như một hình ảnh
trên màn ảnh hoặc như một người đột nhiên thoáng đi qua cửa sổ. Qua sự quán
tưởng này, chúng ta sẽ dễ dàng liên lạc được với Pháp Thân Phật (Dharmakaya).
Sau khi qui
y, chư Phật và Tăng trong ba thừa -- Thần Tiên, chư Bồ Tát trong hình thể
an lạc hoặc hung dữ cùng các vị Hộ Pháp...vân...vân -- sẽ hòa tan trong ánh
sáng và hòa nhập trong vị thần chính Heruka. Vajra Varahi cũng trở nên ánh sáng
rồi hòa nhập trong Heruka. Cuối cùng, chính Heruka cũng hòa tan trong ánh sáng
rồi kết tụ lại ở trái tim của Ngài thành một qủa cầu sáng. Quả cầu sáng này sẽ
đến trên đỉnh đầu (luân xa 7) của ta và tuôn chảy vào đường kinh mạch chính, đi
qua luân xa cổ họng (luân xa 5) để hòa tan vào luân xa trái tim (luân xa 4) của
ta. Như thế là toàn thể con người của ta trở nên làm một với ánh sáng, đó là vị
thầy nguyên thủy Heruka của chính ta. Tiếp tục tập trung vào đó càng lâu càng
tốt, đừng để những tư tưởng nhị nguyên, cái này cái kia, quấy phá
ta.
Khi thực
hành, chúng ta có thể tập trung vào một điểm như vậy khoảng nửa giờ. Khi những
ý niệm xấu bắt đầu xuất hiện, hãy ngưng thiền và phát nguyện Tâm Bồ Đề:
Con muốn trở nên Heruka để hướng dẫn muôn loài chúng sinh đến cảnh giới an lạc của Heruka.
Ba phương pháp qui y
Có ba phương pháp
qui y: bên ngoài, bên trong và bí mật. Thông thường, phần đông chúng ta nghĩ
rằng kinh điển hay Ba la mật, là phương pháp duy nhất để qui y. Đó là phương
pháp mà chúng ta gọi là qui y bên ngoài, hiện nay phương pháp này thường được
giảng dậy. Theo cách này, qui y Phật là một vị Phật ở bên ngoài chúng ta: một
người đạt quả vị Phật, như Phật Thích Ca. Qui y Pháp là những lời dạy bảo của
vị đó. Qui y Tăng là qui y các vị đã được chỉ định hay các vị đã chứng ngộ được
pháp tánh trong sự dạy bảo, như tôi đã giải thích ở trên. Phật, Pháp và Tăng
đã hiện diện như vậy thì sẽ có đầy đủ quyền lực để hướng dẫn chúng ta là những
kẻ sợ hãi luân hồi sinh tử, chúng ta nên qui y các Ngài.
Còn lại hai
phương pháp qui y kia là của Mật tông. Qui y ở bên trong là qui y đức Phật mà
chính ta sẽ trở thành. Đối tượng Trí Huệ, Phật Pháp tương lai, là chính
Phật Pháp nội tại. Khi ta chứng ngộ được cảnh giới đó, chính ta sẽ trở thành
Tăng: đó là đối tượng, vị Tăng nội tại. Theo phương pháp qui y này thì ta không
chỉ là một vị Tăng mà thực ra ta đã hợp nhất với Tam Bảo và ta cũng không cần
phải qui y một cách riêng biệt nào bên ngoài nữa.
Khi qui y
theo phương pháp nội tại này, tâm của ta sẽ trở nên làm một với chân tâm; tất
cả đều chuyển thành cảnh trí của Heruka hay của Vajradhara, cùng với chư
Bồ Tát, Thần Tiên như đã trình bày ở trên. Để theo phương pháp này, ít nhất ta
cần phải có một sự hiểu biết sâu rộng về những ý niệm sai lạc và những phóng chiếu
của bản ngã, như thế ta mới có thể thanh tẩy được những vấn đề khi ta qui y.
Đây không phải là một điều dễ dàng.
Qui y bí
mật là phương pháp thứ ba. Phương pháp này là phương pháp khó nhất. Ta phải
biết rằng khi đã qui y hệ thần kinh của ta đã được thấm nhập bởi những nguồn
năng lượng an lạc thay vì những nguồn năng lượng ô nhiễm của những lôi kéo, của
những bám víu vào cảm giác. Ở đây ta sử dụng cái nguồn năng lượng đã sẵn có
trong hệ thần kinh của ta, để phát khởi cùng một lúc với niềm hỷ lạc và hợp
nhất với chân tính để tiến lên con đường giải thoát. Kinh nghiệm này sẽ thực sự
giải thoát ta khỏi những bất mãn và trí phân biệt nhị nguyên. Phần đông chúng
ta không ai ý thức được cái nguồn năng lượng đã sẵn tiềm ẩn ở bên trong chúng
ta. Nhưng khi chúng ta đã tạo được một trạng thái đúng qua việc thực hành, như
phương pháp thiền này hoặc phương pháp thiền Tum-mo (luyện tâm hỏa) là chúng ta
có thể kinh nghiệm được sự hoạt động của nguồn năng lượng an lành này mà trước
đây chúng ta không bao giờ nghĩ đến nó. Tôi được nghe có nhiều người đã đạt
được những kinh nghiệm vĩ đại về nguồn năng lượng này ở bên trong hệ thần kinh
của họ khi họ thực tập phương pháp tu dưỡng Chu-len của tôi.
Đây là ba
phương pháp qui y mà chúng ta không còn phải thảo luận thêm gì nữa, nó đã được
dạy bảo để cho những người muốn thực hành Đạo pháp chọn lựa phương pháp nào
thích hợp nhất trên con đường phát triển tâm linh của họ. Phương pháp qui y bên
ngoài phổ thông nhất, phương pháp bí mật dành cho những người có cơ duyên, cho
những người có căn cơ.
Nếu chúng
ta hiểu được ý nghĩa chân thực của sự qui y, chúng ta sẽ nhận được kết quả tốt
đang xẩy ra trong tâm chúng ta và sẽ kinh nghiệm được những ơn phước của nó.
Như vậy chúng ta sẽ thực sự hạnh phúc khi qui y và mỗi lần chúng ta làm việc
này, nguồn năng lượng hỷ lạc sẽ lớn dần trong trái tim của chúng ta. Nếu chúng
ta không biết qui y thì dù thiền bất cứ cách nào đi nữa cũng chỉ như tuyết rơi
trên đường, nhìn thì hấp dẫn lắm, đẹp lắm nhưng sẽ tan biến mau. Giống như vậy,
sự thiền định của chúng ta sẽ không có kết quả lâu dài. Với sự hiểu biết sâu xa
về qui y, chúng ta sẽ bắt đầu nếm mật ngọt của Phật quả.