Đức Đạt Lai Lạt Ma
“Trước tiên, tôi muốn chào hỏi các anh chị em của tôi, đặc biệt là các anh chị em người Hán của tôi. Chúng ta đã có những sự liên kết chặt chẽ trong nhiều thế kỷ. Chúng ta có thể đã từng chứng kiến những sự thăng trầm về chính trị, nhưng tình cảm thân thiết của anh chị em vẫn còn. Người Tây Tạng và người Hán chúng ta có điểm chung là kính ngưỡng Phật pháp. Khi tôi đến viếng thăm Trung Quốc đại lục, tôi đã nhìn thấy rất nhiều ngôi chùa và tượng của Đức Phật. Rõ ràng là chúng ta có những sự liên kết về tôn giáo rất gần gũi.
“Tất cả chúng sinh, không chỉ là con người, mà cả chim chóc và động vật, đều muốn sống trong hòa bình. Trong số tất cả những sinh vật này, con người có lẽ là tinh quái nhất. Chúng ta có một trí thông minh tuyệt vời, nhưng đôi khi nó bị định hướng sai lệch bởi những cảm xúc tiêu cực. Các loài động vật ăn thịt như sư tử và hổ có móng vuốt và răng nanh trang bị cho chúng để săn, giết mồi và ăn thịt. Tuy nhiên, chúng chỉ săn mồi những động vật khác khi chúng cần thức ăn. Ngược lại, con người gây ra rắc rối ngay cả khi chẳng có lý lẽ nào.
“Chúng ta có thể thay đổi điều này không? Tôi tin rằng chúng ta có thể làm được, bởi vì bản chất thiết yếu của chúng ta là từ bi. Ngay từ khi ta được sinh ra, mẹ chúng ta đã chăm sóc cho ta. Nếu không có sự chăm sóc này, chúng ta sẽ không sống sót. Trải nghiệm này là cơ hội đầu tiên của chúng ta để học được rằng, lòng từ bi là gốc rễ của mọi hạnh phúc. Tuy nhiên, sự cảm kích tự nhiên này về lòng từ bi dường như sẽ phai nhạt khi chúng ta đến trường. Chúng ta cần được nhắc nhở rằng sức khỏe tốt và trạng thái an lạc nội tâm đều được dựa trên tình yêu thương và lòng từ bi.
“Một khi chúng ta nhận ra rằng sự tức giận, luyến ái và thù hận làm phát sinh nỗi sợ hãi và lo lắng; và làm xáo trộn sự an lạc nội tâm của chúng ta, ta phải sử dụng trí thông minh của mình để chống lại những cảm xúc tiêu cực. Việc thực hành lòng từ bi (‘karuna’) và bất bạo động (‘ahimsa’) ở Ấn Độ đã thịnh hành ngay cả trước thời Đức Phật và vẫn còn mạnh mẽ và phù hợp cho đến ngày nay.
“Tất cả các truyền thống tôn giáo của chúng ta đều dạy về tầm quan trọng của việc đối xử với nhau bằng tình thương yêu. Đức Phật cũng dạy rằng tâm có kỷ luật là nguồn vui, trong khi tâm phóng túng chỉ mang lại đau khổ.
“Tôi đã bị mất đi Tổ quốc của mình và trở thành người lưu vong, nhưng nhờ sự thực hành của mình, tôi không tức giận về điều đó. Ngay từ lúc thức dậy vào buổi sáng, tôi đã cống hiến bản thân mình để phát triển tình yêu thương và lòng từ bi. Tôi tu tập dòng truyền thừa của tri kiến thâm sâu, dòng truyền thừa của hạnh vi quảng đại, cũng như dòng truyền thừa của sự thực hành mang cả hai lại với nhau. Trong điều này, tôi thấy những bài Kệ của bậc thầy Ấn Độ - Ngài Tịch Thiên - là hữu ích nhất.
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
"Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân." (8/130)
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
....
(Bản tin gốc: dalailama.com)
Phiên dịch viên tiếng Việt: SC Thích Nữ Nhật Hạnh