Lời Nói Đầu

11/04/201112:00 SA(Xem: 7911)
Lời Nói Đầu

RYOKAN GÃ THIỀN SƯ ĐẠI NGU
CÔ ĐƠN TRÊN CON ĐƯỜNG TRỐNG KHÔNG (CUỘC ĐỜI VÀ THI PHÚ)

Hoang Phong
Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn 2009

LỜI NÓI ĐẦU

Nếu Dogen (Đạo Nguyên, 1200-1253) là một thiền sưtư tưởng gia lớn nhất nước Nhật, thì Ryokan (Lương Khoan, 1758-1831) là một thiền sư thi sĩ được người dân Nhật quý chuộng nhất. Ngày nay, nếu tư tưởng của Đạo Nguyênhọc phái Tào Động trong Thiền học Zen đã lan tràn và ảnh hưởng sang các nước Tây phương và cả thế giới, thì thi ca của Ryokan ngày càng làm say mê những người phương Tây. Sách nói đến cuộc đời và thi phú của Ryokan bằng các ngôn ngữ phương Tây thật hết sức phong phú.

hoangphong-ryokan-01Trước hết phải nói ông là một thiền sư ngoại lệ, một con người khác thường, gần như suốt đời sống ẩn dật, trong đơn sơcô quạnh. Chẳng những ông không thích cuộc sống thế tục đầy giả dối, nhưng ông cũng không chịu nổi cả cuộc sống của tăng đoàn nơi tu viện.

Ngày còn nhỏ trong gia đình, ông đã mơ tưởng một cuộc sống ẩn dậtphiêu bạt của một nhà sư. Năm 1776, vào lúc nước Mỹ tuyên bố độc lập thì ông mới mười bảy tuổi, và còn là một viên chức tập sự trong xã nhưng đã thốt lên một câu như sau: “Thế giới này đã lầm lẫn rồi khi xem nghệ thuật lường gạt là biểu hiện của trí thông minh”. Có phải ông muốn nhắn nhủ với những người của thế hệ ông hay là cho cả chúng ta hôm nay? Sau đó ông đã quyết định xuất gia.
Mười bảy tuổi, ông từ giả cha mẹ để vào chùa. Hai mươi mốt tuổi theo thầy đi về phương nam và sau này ông đã nhắc lại phút giây từ biệt ấy trong một bài thơ:

Tôi từ biệt mẹ và nói với mẹ rằng:
“Biết đâu đây là lần cuối cùng,
Hai mẹ con ta nhìn nhau”.
Mẹ tôi khóc,
Nắm lấy tay tôi và nhìn tôi thật lâu.
Và lúc này trước mắt tôi,
Gương mặt mẹ vẫn còn đó.
Khi bước vào chào cha,
Cha bảo với tôi rằng:
“Con nhớ đừng để cho thiên hạ
Bảo rằng con từ bỏ thế tục một cách vô ích”
Và tiếng cha vẫn còn văng vẳng bên tai.

hoangphong-ryokan-02
Ryokan, tranh của Kawai Gyokudo (1873-1957)

Ryokan đi tu để chọn một kiếp sống ẩn dật, hoàn toàn ẩn dật:

Trong cảnh rừng xanh mướt,
Là chiếc am cỏ của tôi.
Chỉ có những người đi lạc đường,
Mới tìm ra được nó.
Chẳng một tiếng ồn ào của thế tục,
Họa chăng thỉnh thoảng,
Mới nghe thấy tiếng hát của một gã tiều phu.
Một nghìn đỉnh núi cao, một vạn con suối chảy,
Chẳng có một bóng người ”.

Tuy thế một hôm chiếc am cỏ cũng bị trộm và tên trộm đã vơ sạch những vật dụng nghèo nàn của ông. Ông lấy bút viết một câu thơ như sau:

"Tên trộm đã bỏ quên
khuôn trăng
bên thềm cửa sổ”
(musibito
tori nokosareshi
mado no tsuki)

Cũng thật khó hiểu, không biết Ryokan là một thiền sư, hay một thi sĩ. Tâm hồn thi sĩ đã biến Ryokan thành một thiền sư, hay sự giác ngộ đã biến ông thanh một thi sĩ. Có thể đấy chỉ là hai khía cạnh của một tâm hồn bén nhậy. Ông đã để lại cho chúng ta hơn 2800 bài thơ:

Có ai dám bảo thơ tôi là thơ,
Thơ tôi đâu phải thơ,
Khi nào anh hiểu được thơ tôi không phải là thơ,
Lúc ấy chúng ta mới có thể đàm đạo về thi phú với nhau”

Cái tánh Không trong Phật pháp đã đạt đến chỗ tuyệt đỉnh trong lòng Ryokan. Thật vậy, thơ Ryokan không phải là thơ, vì nó quá giản dị để có thể gọi là thơ, nó chỉ là những gì sờ sờ ngay trước mặt: một cọng cỏ, một hạt mưa, con chim cu trong bụi tre, manh áo cà-sa bạc màu hay chiếc bình bát khất thực trên tay, những xúc cảm trần trụi, đơn sơ, mong manh như hơi thở của rừng thu, như tiếng gõ nhẹ của một hoa tuyết đập vào tấm phên của cửa am khi ông ngồi thiền trong đêm,... tất cả tạo thành những xúc cảm vô hình, len rất sâu vào tim ta và tan đi trong tận cùng của tâm hồn ta. Tất cả đều tan biến, không còn gì cả để gọi là những vần thơ. Nếu có thể gọi là thơ thì đấy chỉ là những gì thật lung linh, thật nhẹ nhàng, vô hình nhưng đầy ắp rung động và xót xa... Tất cả những thứ ấy đều nằm bên ngoài những dòng chữ mà ông viết, và hình như đang nằm thật sâu trong tim ta.

Ngoài ra cũng phải nói là thơ của ông lạnh lắm, lạnh như cái nồi đất bám đầy bụi bặm đặt trên chiếc bếp lạnh tanh, lạnh như những giọt mưa đêm lăn trên mái cỏ của chiếc am trong rừng núi Kugami, hoặc buốt như cơn rét của những luồng gió cuối thu luồn vào chiếc áo cà-sa mong manh của ông.

Không những ông là một thi sĩ mà còn là một nhà thư pháp tuyệt vời. Thư pháp là một kỹ thuật thiền định: những nét bút chính xác, lưu loát, phản ảnh sự tập trung tâm thức và cách điều hoà hơi thở của một người hành thiền. Những tờ thư pháp của Ryokan còn lưu giữ đến ngày nay đã trở thành vô giá. Các bảo tàng viện trên thế giới tìm mua với bất cứ giá nào.

Trên đây là những khía cạnh của cuộc đời ông, của thiên tài Ryokan mà người ta có thể ghi nhận được, nắm bắt được. Nhưng có những “ thể dạng” khác của tâm hồn Ryokan mà ngươi ta đành chịu thua, không hiểu được, không với tới được, chúng vượt hẳn ra ngoài sự hiểu biết công thức của chúng ta. Cái vô minh của sự hiểu biết quy ước không cho phép chúng ta nhìn thấy cái bản thể đích thực của một con người giác ngộ. Cái bản thể ấy Ryokan cũng không thể bày tỏ hay nói ra được bằng lời hay bằng những vần thơ:

Trong khóm liễu bên bờ suối, tiếng côn trùng khóc than
Con chó sủa dưới trăng trong ngôi làng ngủ yên
Không có gì làm dao động được dòng cảm nhận thanh thoát của tôi
Xúc cảm trong những giây phút này, biết làm sao ghi lại?

Ryokan có rất nhiều tên gọi hay biệt danh. Tên cha mẹ đặt cho ông là Eizo, có nghĩa là nơi an trú của sự thành đạt. Nhưng thật ra thuở nhỏ ông là một đứa trẻ thật ngây ngô và khờ khạo, chậm chạpđần độn đến đáng thương. Cả nhà và dân làng đều nhìn nhận điều ấy. Sau khi xuất gia và được thụ phong tỳ kheo thì ông mang pháp danh là Ryokan, có nghĩa là từ tâmrộng lượng.

Nhưng khi đắc đạo thì thầy ông lại gán cho một “pháp danh” khác là Taigu (Daigu), tức là Đại Ngu. Quả thật như thế, khó tìm thấy ai có thể “ngu” hơn ông. Thầy ông ban cho ông cái biệt danh Đại Ngu, nhưng đồng thời ông cũng là người duy nhất thấy được những gì phía sau cái “đại ngu” của Ryokan. Sau đây là những lời trích trong tờ ấn tín do thầy ông viết để chứng nhận sự đắc đạo của ông: “... con giống như một thằng Đại Ngu, nhưng con đường của con thênh thang... Ngoài ta ra chắc chẳng có người nào khác có thể nhìn thấy điều ấy...”


Dân làng chung quanh khu rừng nơi ông ẩn dật đều gọi ông là “nhà sư chơi bóng ném” (temari-shônin), vì ông rất thích chơi ú-tim, vật lộn và nhất là ném bóng với bọn trẻ con trong làng. Họ còn gọi ông là lão già ngô nghê hay gã thiền sư khùng... Tuy thế cũng có người cho ông là “kẻ ngay thật”, “nhà tu hành khiêm tốn”, “nhà sư có tâm hồn trẻ con”. Đám người trí thức đôi khi gọi ông là tên “khinh khỉnh”, hay tên “bất cần”.

Tóm lại khó có thể xét đoán được ông bằng sự hiểu biết công thức của chúng ta. Khi đọc qua tiểu sử của ông, mỗi người trong chúng ta sẽ tự đánh giá ông theo sự hiểu biết của chính mình. Thiền sư người Pháp Dominique Blain vừa xuất bản một quyển sách nói về Ryokan, khi người ta phỏng vấn và hỏi ông nghĩ gì về Ryokan, ông trả lời rằng theo ông thì Ryokan là “sự tượng trưng đẹp nhất của trí thông minh con người”.

Sự thông minh đó có lẽ chúng ta không cần biết, vì nó không giống với sự thông minh của chúng ta, rất khác với sự hiểu biết trong sách vở, khác với những gì tiếp nhận từ giáo dục, gặt hái từ kinh nghiệm của bản năng. Thôi ta hãy cứ xem ông như một gã ngô nghê cũng chẳng sao:

Có những đêm
 ngồi đếm rận
 mãi cho đến hừng đông”

Có một giai thoại kể rằng vào những ngày đẹp trời, ông ngồi phơi nắng trước cửa am, bắt những con rận trong áo cà-sa cho chúng sưởi ấm, tối lại nhặt vào.
Ngoài phần mở đầu và vài lời cuối sách, quyển sách nhỏ này gồm có ba phần chính. Phần thứ nhất tóm lược tiểu sử của Ryokan. Tiểu sử của ông rất đầy đủ và phong phú, phong phú vì có rất nhiều giai thoại về ông. Điểm nổi bật nhất trong cuộc đời Ryokan là khó có thể tìm thấy một người nào khác nghèo khổ, khiêm tốn và cô đơn hơn ông, nhưng chính sự nghèo khổ và khiêm tốn đến cùng cực đã biến ông thành một một con người cao cả và khác thường, làm cho mọi người biết đến và kính nể.

Rất có thể ông chọn một kiếp sống nghèo khổcô đơn không phải chính vì mục đích muốn nghèo khổcô đơn, nhưng ta cũng không nên xem đấy là phương cách làm cho kẻ thế tục chú ý để ngưỡng mộ ông. Lý tưởng và hoài bão của ông đứng ra ngoài những thứ ấy và cũng là những gì mà chúng ta khó thấy nhất nơi ông, như đã trình bày trong phần trên đây. May ra ta có thể hé thấy và thoáng nhận ra một chút nào những hoài bão đó trong ông qua một vài thi chứng của ông:

“... tôi nguyện cầu
chiếc áo cà-sa của một người tu hành như tôi
sẽ trở nên thật rộng lớn
để có thể gom lại và quàng lên tất cả chúng sinh
đang đau khổ trong thế gian này” 

Hoặc một hôm ông ngồi nhớ đến những đứa trẻ đã chết trong dịch đậu mùa từ năm ngoái:

Này các em bé đã chết vì dịch đậu mùa.
Kìa xuân đã đến rồi,
Mầm non đâm chồi trên cành lá,
Trăm hoa rồi lại nở.
Nhưng các em đã nằm xuống,
Với những chiếc lá vàng cuối cùng,
Của mùa thu năm ngoái,
Các em sẽ không bao giờ trở lại”.

Phần thứ hai của quyển sách này dành cho một số bài thơ của Ryokan. Nếu viết về tiểu sử của ông là một công việc không đến nỗi quá khó nhờ vào tài liệu phong phú, chỉ cần gạn lọc, thì dịch thơ của ông là một chuyện có thể nói là liều lĩnh. Nói chung thơ không thể dịch được, làm thể nào “dịch” được một xúc cảm. Một cách tổng quát, thơ gồm có ba thành phần: ý, xúc cảm và kỹ thuật. Xúc cảm và kỹ thuật không thể chuyển dịch một cách trung thực bằng một ngôn ngữ khác ; ý thì may ra, nếu ta đủ sức nắm bắt được những gì sâu kín trong một vần thơ.

Nếu dịch thơ là một sự đánh liều, thì dịch thơ đã dịch sang một ngôn ngữ khác là một sự điên rồ. Các vần thơ góp nhặt trong tập sách này được căn cứ trên các tài liệu bằng ngôn ngữ Tây phương. Ngay khi so sánh cùng một bài thơ nhưng do nhiều tác giả dịch, ta cũng có thể thấy sự bén nhậy khác nhau giữa các dịch giả, nếu không muốn nói là có nhiều người dịch không đúng nghĩa lắm.
Thơ xưa của Nhật cũng như thơ cổ Việt Nam gồm có hai loại: loại thứ nhất bằng Hán văn, loại thứ hai bằng tiếng Nhật thông dụng, đối với Việt Nam loại thơ thứ hai là thơ tiếng Nôm. Tuy thơ bằng Hán văn của Ryokan rất phong phú, nhưng ông cũng để lại rất nhiều thơ bằng tiếng Nhật. Mỗi nền văn hoá đều có những kỹ thuật làm thơ đặc thù. Đối với ngôn ngữ Việt Nam thơ lục bát chẳng hạn là thể thơ tiêu biểu nhất, trong thi ca Nhật bản thể thơ 5-7-5-7-7, gọi là thơ waka là một thể thơ rất xưa và rất được phổ biến. Một loại thơ tiêu biểu khác của ngôn ngữ Nhật là thơ haiku, một thể thơ rất ngắn xuất phát từ thể thơ waka, bằng cách chỉ giữ lại ba câu đầu là 5-7-5. Vì tiếng Nhật đa âm, nên tuy là một chữ nhưng cũng gồm có nhiều âm vận, do đó 5-7-5 cũng đủ tạo ra nhạc tính cho một bài thơ. Nếu dịch sang một ngôn ngữ độc âm, chẳng hạn như tiếng Việt, bài thơ chỉ còn có vài vần và nhạc tính sẽ biến mất hẳn. Thơ haiku của Ryokan tương đối hiếm, ông chỉ viết độ một trăm bài trong thể thơ này. Nói chung, thơ của ông thường không mang tựa, ông chỉ viết vì xúc cảm mà thôi, không có một chủ đích gì cả.

Sở dĩ phải dông dài như trên đây cũng vì người dịch muốn nhắn gởi người đọc hãy tha thứ khi xem những dòng thơ dịch. Người đọc cần lắng mình trong ý thơ đã được chuyển ngữ để tự tìm thấy xúc cảm cho riêng mình. Mặc dù cố gắng, nhưng người dịch không thể chuyển tải những xúc cảm của một bài thơ sang một ngôn ngữ khác. Chỉ có xúc cảm mới có thể tìm thấy xúc cảm để hội nhập trực tiếp với xúc cảm mà thôi.

Thông thường các bài thơ dài hoặc các câu thơ dài và gồm nhiều chữ là các bài thơ viết bằng tiếng Hán, các bài thơ viết bằng tiếng Nhật thường ngắn hơn, mỗi câu cũng ít chữ hơn. Một vài bài thơ tiếng Nhật và vài câu thơ haiku sẽ được trình bày kèm theo tiếng Nhật bên cạnh để những người đọc nào muốn thưởng thức nhạc tính nguyên thủy của bài thơ.

Phần thứ ba của quyển sách nêu lên một vài biến cốgiai thoại trong cuộc đời của Ryokan. Nếu tiểu sử trong phần một của sách được viết dựa trên xúc cảm và những ảnh hưởng sâu kín nhất trong một kiếp người, đồng thời cố ý xoá mờ đi bối cảnh và những tình tiết phụ thuộc, thì trong phần ba của sách cũng sẽ có một phân đoạn nhỏ ghi chép lại những biến cố trong cuộc đời của Ryokan, nhưng lại được viết một cách ngược hẳn lại, cố gắng trình bày một cách vô tư cuộc đời của ông qua những biến cố dính liền với không gianthời gian, trong mục đích tạo ra một bối cảnh trung thực để người đọc tự tìm lấy xúc cảm cho chính mình.

Một số thư pháp của Ryokan cũng được chọn lựa và trình bày chen kẽ trong trong sách. Sau hết là vài lời cuối sách thay cho phần kết luận.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
05/12/2012(Xem: 49598)
26/11/2013(Xem: 37183)
20/11/2010(Xem: 51929)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.