Mở Cửa Mặt Trời Trường Ca Thánh Tăng Trần-huyền-trang Đường-tam -Tạng Thỉnh Kinh (Dựa Trên Sử Liệu) Từ Hoa

06/05/201112:00 SA(Xem: 7681)
Mở Cửa Mặt Trời Trường Ca Thánh Tăng Trần-huyền-trang Đường-tam -Tạng Thỉnh Kinh (Dựa Trên Sử Liệu) Từ Hoa

Từ Hoa
MỞ CỬA MẶT TRỜI
Trường ca

Thánh Tăng Trần-Huyền-Trang Đường-Tam -Tạng thỉnh kinh
(Dựa trên sử liệu)
Từ Hoa A lan nhã xuất bản 2005

Track 01
Track 02
Track 03
Track 04
Track 05
Track 06

Quý độc giả có thể vừa down load vừa nghe (Track-01 đến Track-06). Nếu muốn có nguyên CD để nghe với máy CD trong xe hay tại nhà có thể liên lạc với Đạo hữu Từ Hoa tại tuhoaalannha@yahoo.com Đạo hữu Từ Hoa sẽ gửi tặng qua hệ thống Bưu Điện Hoa Kỳ.

Thi ngâm: Đoàn Yên Linh & Hồng Vân

Đề tựa

...áo mặt trời ẩn hiện một bàn tay,
mười phương thế sự - một tâm nầy.

Tán thán công đức

Chép lời kinh mượn khuôn trăng làm giấy,
Cõi diêm phù đất vẽ dấu chân xưa
Đức ân Người sóng vỗ pháp âm đưa
Quy thân mạng mười phương con đãnh lễ.

Mở kệ

Trên tờ nguyệt mật hoa khai dòng kệ
Bút lan thơm từ thuở núi chưa già
Tiếng hạc chầu đêm rất thánh về qua
Quy niệm giác mười phương con đãnh lễ.

Dâng kệ

Khấu đầu lạy hoa rừng vui ứa lệ
Chim ngậm cành lá ngọc hát trên sương
Xuân thu nào trí tuệ mở dị thường
Quy ý pháp mười phương con đãnh lễ.

Khẩn nguyện

Dâng lời nguyện muôn thân quỳ dưới bệ
Với đại từ làm tông chỉ qui y
Ngã, Pháp không hóa hiện ứng duyên tùy
Như phương tiện huyễn thân làm diệu dụng.

Đất Lạc-Dương hóa sinh như huyễn dã (1,2)
Cũng như từng bao lần đã thọ thân
Đức mẫu từ trong giấc ngủ cùng trăng
Thấy đồng tử thiên y màu lụa bạch
Quang sắc lạ tỏa ngời đêm tịch tịnh
Đi về tây, đất trổ dấu hài in.

Tuổi mười ba, tay mở Niết-Bàn kinh
Đèn một ngọn, mặc tình muôn thế sự.
Đại-Từ-Ân mượn nơi làm tăng lữ (3)
Theo tôn sư học luận Nhiếp- Đại-Thừa (4)
Đọc dòng kinh lòng thoảng gió mây đưa
Ý siêu thoát, âm vang như đồng vọng

Trên pháp tọa lời lời tuôn châu ngọc
Nghe thuyết kinh tàng lọng tạ ân sâu
Suối ngừng reo, cây khép lá nghẹn ngào
Mười ba tuổi, vang danh từ thuở ấy.

Thắp đuốc pháp cho mặt trời thức dậy
Mở tâm người thủy nguyệt hiện toàn chân
Riêng một thân một ngựa đến Trường An (5)
Học kinh pháp với lòng vô phân biệt

Luận Câu-Xá đã hai lần quán triệt (6)
A-Tỳ-Đàm, tông Thành-Thật gẫm suy (7,8)
Vượt trùng quan vó biếc một thân Kỳ (9)
Trên muôn dặm một lòng mong thấy Phật.

Tờ kinh cũ, gió lay đêm huyền hoặc
Tự ngàn xưa dòng mực hiện pháp âm
Mà nơi đây chiếc bóng quyện hương trầm
Trí khao khát mơ thầm trăng Linh-Thứu. (10)

Đêm mộng lạ đỉnh Diệu- Cao ngọc báu (11)
Giữa đại dương ngời nước biếc hiện ra
Đóa sen vàng thay thuyền rước đưa qua
Nương lá gió mượn hoa vào đất Phật

Ôi đất cũ có nhớ lời hẹn gặp
Bến Lương- Châu mang giáo pháp dạy người
Lệnh vua truyền phong tỏa khắp nơi nơi
Giữa đêm lạnh âm thầm trên lưng ngựa

Đến Linh- Châu trải muôn vàn gian khổ
Đường quanh co còn lại chỉ một mình
Ngước nhìn trời, mây nước cũng lặng thinh
Ngọc-Môn ải đã đành xa vạn dặm.

Cây ngô đồng bắc cầu qua sông rộng
Hồ-Lư- Giang in bóng nước tăng bào
Mạc-Hạ-Diên cát lạnh với trăng sao
Đêm lạc bước giữa xương người, phân ngựa.

Ai bỏ xác trên đường đi quá nửa
Ngày lên cao sa mạc cháy xương da
Hơn bốn ngày Bạch-Mã hãy còn xa
Rơi bầu nước trên tay không một giọt.

Thiêm thiếp mộng nửa hồn như thanh thoát
Trên môi khô lời nguyện vẫn chưa quên
‘ Xin làm người thắp đuốc sáng trong đêm,
Xa đất Phật, nguyền không quay trở lại.’

Đêm yên lặng, nửa hồn xa trần giới
Thấy trong mơ thánh thể tỏa hào quang
Sương đêm buông sa mạc ngở đạo tràng
Gió mát dịu tưởng cành dương rưới nước.

Ngựa đưa người đến bên đồng cỏ ướt
Sau hai ngày dừng lại đất Y-Ngô
Vua quan cùng tăng sĩ đến dựng cờ
Đồng đãnh lễ dưới chân người tìm Phật

Đất vui trổ lá hoa mừng chánh pháp
Chim họp bầy tấu thiên nhạc trên không
Vua Cao-Xương gởi thiếp viếng hoàng cung
Đến Bạch-Lực sáu ngày băng sa mạc.

Tay thắp đuốc, tay cầm hương tiếp rước
Vua tự thân cung thỉnh đến đạo tràng
Cờ quạt bay rợp đất, trống chiêng vang
Tuôn mưa pháp thức muôn lòng say ngủ.

Đỉnh Linh-Sơn có còn như ngày cũ ?
Mây Kỳ-Viên phiêu bạt đã bao lần ? (12)
Dõi mắt nhìn sông nước cũng bâng khuâng
Hồn đất thánh giục thầm chân tăng lữ.

Vua xuống lệnh xây thêm đền điện mới
Chuốt đũa vàng, chén ngọc kính dâng lên
Khiến sai người cung kỉnh suốt ngày đêm
Tâm mến pháp sinh lòng lưu giữ lại

Hoa đại đạo nở cho ngàn thế giới
Ngọn lữa thiêng- tờ lá bối chép kinh
Từ tạ vua, dứt áo bỏ cung đình
Lìa thế tục cầu chi danh lợi hảo.

Xưa Thiện-Tài hơn trăm thành cầu đạo (13)
Mỗi tờ kinh mực đọng dấu hài ai
Ngài Ba-Luân khóc suốt bảy đêm ngày (14)
Cầu trí tuệ mở khai tâm bát nhã. (15)

Pháp bất-nhị nay đà chia đôi ngã (16)
Bắc và Nam hai mối đạo không đồng (17)
Người luận kinh sự, lý chẳng viên thông
Nhớ lời Phật, pháp truyền qua Đông độ. (18)

Xưa Ca-Diếp-Ma-Đằng vào Trung thổ (19)
Mang cho người trang Tứ-Thập-Nhị-Kinh
Vườn Tiêu Dao-vua dựng gác Tây-Minh
Ngài La-Thập từ Phạn-văn phiên dịch (20)
Cho người Hán hơn bốn trăm kinh quyển,
Trên đất Tần bút pháp kết ngọc hoa.
Pháp-Hộ đời Tây Tấn cũng tìm qua (21)
Mang lời Phật chép ra trang Hán tự.

Đỉnh Ngân-Sơn áo bay- vô trụ xứ (22)
Dòng A- Phu suối giữ bóng nguyệt tà.
Dấu tăng hài lá cỏ nép bên hoa
Phiến đá lạnh gối đầu đêm gió núi.

Hơn trăm dặm đồng cỏ xanh lầm lũi
Thành Khuất-Chi hùng biện trước đền vua
Người Cúc-Đa khinh mạn Luận-Du-Già (23,24)
Giữa pháp hội tỏ ra tăng-thượng-mạn.

Tâm từ ái đâu màng tranh sâu, cạn
Dẫn dắt người ví tát cạn ao sen
Như cánh vàng rực rỡ, nước bùn chen
Mang Tiểu, Đại hai thừa ra minh giải.

Kinh pháp Phật học khi còn thơ dại
Từ Thanh-Văn, Duyên-Giác đến Phật thừa.
Lời kinh nào chẳng phải pháp âm xưa,
Trí mê chấp mở bày tâm phân biệt.
Trí huệ Phật - ôi hai vầng nhật nguyệt.

Đi về tây, tìm đến thành Tô Diệp
Hai ngàn người Đột- Quyết cướp trên đường
Vào trại binh thuyết pháp giữa vòng gươm
Kinh Thập-Thiện dạy người xa nẽo dữ.

Sau bảy ngày lạc trong vùng núi tuyết
Vượt đại hồ, thành Tô Diệp dừng chân
Về phương tây, nghìn suối nước Bình-Tân
Hai trăm dặm đến thành đô Bạch-Thủy

Rời Cung-Ngự hơn dặm ngàn thiên lý
Đường tây nam sa mạc trải xương khô
Không dấu chân, không nước, cát xây mồ
Ai đã đến- nắm xương còn bỏ lại.

Vào cung điện trước quân thần thuyết giải
Mỗi bước đi tang hải cũng ngậm ngùi
Thiết-môn-quan ngàn dặm nước mây trôi
Sang sông lạnh tìm đến miền Hoạt quốc.

Người cầu pháp giữa đêm dài thắp đuốc
Đưa thiếp mời vấn Luận-Tỳ-Bà-Sa (25)
Đạt-Ma là tên gọi vị tăng già
Vang danh khắp vùng núi đồi Thông-Lĩnh.

Trước môn đệ phải cúi đầu cung kỉnh
Người dặm trường tìm Phật, trí như mây
Mỗi ngôn từ là mỗi pháp âm bay
Không chỗ trụ trên tờ kinh vô tự.

Thành Ba-Lợi tìm lại người huyền sử
Đến tháp thờ nhìn thấy dấu Thế Tôn
Chậu rữa tay, răng Phật, chổi cỏ rơm
Ôi đã phải vì người mà lưu lại.

Ka-pi-sa gặp nhiều tông lắm phái
Hoa như lai trổ đất Phật muôn mầu
Vua dựng tràng mở hội luận nông,sâu
Đại thừa giáo- ngài Ý Thanh, Huệ Tánh (26,27)

Nhất-Thiết-Hữu cùng Sa-Di-Tắc-Bộ (28)
Đồng uyên thâm kinh điển thuộc tông môn
Trước điện vàng, pháp Phật rộng càn khôn
Cả pháp hội phải một lòng qui phục.

Đại-Tuyết-Sơn giá băng tràn thung lũng
Gió rừng đêm rét lạnh mảnh tăng y
Trời mưa hoa tuyết trải trắng đường đi
Tiểu-Sa-Lãnh, núi Hắc-Sơn tiếp nối

Đồi gặp đồi, núi qua rồi lại núi
Sương mai về kết ngọc hạt long lanh
Người săn nai chỉ lối rẽ rừng xanh
Ngôi cổ tự Sa-Lạc-Ca dừng ngựa.

Na-ga-ra đất bùn ai trải tóc (29)
A-Dục-Vương tháp ngọc nhiễu quanh vòng (30)
Đăng-Quang-Thành mong thấy bóng Từ Tôn (31)
Trước thạch bích khấu đầu hơn trăm lạy

Đá nín lặng, đất trời như đọng lại
Cất lời than, cây cỏ cũng lặng im
Lệ tuôn dòng theo mạch máu về tim
Tiếng khẩn nguyện vọng từ hang núi lạnh.

Dường như đất vỡ ra thành muôn mảnh
Dường như trời khép lại một bầu không
Dường như trăng về hẹn giữa đêm rằm
Trên vách đá hiện một vòng ánh sáng.
Đầu đảnh lễ ánh từ quang tỏa rạng
Bóng Thế Tôn hiện rõ nếp kim lan
Chư Thanh-Văn, chư Bồ-Tát hai hàng
Động rêu đá hóa đạo tràng như huyễn.

Hơn ngàn dặm đi về miền Bắc Ấn
Ngựa dừng cương chùa Hộ-sắc-ca-la
Vòng tay cung, tăng chúng bước chân ra
Cùng đảnh lễ người phương xa cầu pháp.

Liền kể lại giữa khuya vừa khép mắt
Nghe trong mơ lời thúc giục tham thiền
Trên hư không hóa hiện dáng chư Thiên
Hoa trải lối, đèn đưa đường tìm Phật.

Vua nghe tiếng truyền ngựa xe tiếp rước
Đến kinh thành lưu lại viện Già-la
Trong hai năm cầu học vị tăng già
Ngài Tăng-Xứng, mỗi ngày ba thời pháp.(32)

Đồng thanh khí lời kinh tương hội nhập
Ngỏ lời khen : trí huệ sánh tiền nhân,
Đâu thẹn cùng ngài Vô-Trước, Thế-Thân (33,34)
Tiếc không sớm thấm nhuần hương vị đạo .

Bảy trăm dặm trèo non rồi lội suối
Về tây nam đến Yết-bổ-đà-la
Vượt dòng sông dùng lại đất Thước- ca
Đến học đạo với tông đồ Bồ Tát
Phái Trung-Luận tám trăm năm giáo pháp (35)
Dựng Không-môn miền Nam Ấn truyền thừa
Vị tăng già- đồ đệ của người xưa
Thông kinh tạng luận Bách-môn, Quảng-bách.(36,37)

Về phương đông đến Chi-na-phát-đế
Hơn một năm thọ pháp với tỳ khưu
Điều-Phục-Quang dạy Đối-pháp, Lý-môn (38,39,40)
Cùng chú giải ba mươi bài Duy-Thức.(41)

Mạt-thố-la tháp thờ môn đệ Phật
Trên lá hoa thấp thoáng đạo tràng xưa
Áo bày vai bên hữu, gối quỳ thưa
Như huyễn hiện vào ra ngôi tháp cổ.

Dừng chân đứng bên dòng sông cổ độ
Nước sông Hằng muôn thuở chảy về đâu
Bên dòng xưa dừng ngựa suốt mùa đông
Mở Kinh-Bộ Tỳ-bà-sa cầu học.( 42)

Đến Mạc-đế học Biện-chân, Phát-trí (43)
Khúc-nữ-thành ba tháng lại học kinh (44)
Tỳ-bà-sa ngài Nhật-Trụ thuyết minh (45)
Cuối mùa hạ, A-du-đà dừng lại.

Mỗi thánh địa buộc thuyền vào chiêm bái
Đến A-đề giặc cướp chận trên sông
Tế nữ thần, chọn làm vật thiêu thân
Tâm an định khiến cho người kinh ngạc.
Trời lộng gió thổi lật thuyền, bay cát
Cây hai bờ trút lá xuống lòng sông
Chừng thiên nhiên rúng động, nổi cuồng phong.

Đất Xá-vệ hơn dặm ngàn dừng ngựa (46)
Kỳ-thọ-viên vàng dát kín đất vua
Ca-tỳ-la đất cũ có bao giờ (47)
Thoáng nếp áo - tưởng người xưa cầm bát.

Rừng Sa-la vời bay đôi cánh hạc (48)


Gió hiu hiu làm động mấy tờ kinh
Câu-thi-na ba lần hiện hồi sinh (49)
Vườn Lộc-uyển lần đầu tiên chuyển pháp.

Phệ-xá-li, ứng thân Duy-Ma-Cật (50,51)
Ngài A-Nan xin bát sữa đề hồ (52)
Giường bệnh nằm hay thánh thất Tỳ-lô (53)
Pháp bất-nhị, vấn kinh không lời đáp.(54)
Ma-kiệt-đà tam tạng kinh kết tập (55)
Lần đầu tiên khi Phật nhập niết bàn
Cội bồ đề quỳ lạy, cất lời than
Cho dù biết Phật trên ngàn, dưới suối.

Nghìn cư sĩ kết hoa dâng pháp hội
Chư tăng ni cờ lọng chắp tay sen
Na-lan-đà bốn vị đại tỳ kheo (56)
Đến cung thỉnh rước về nơi tinh thất.

Chánh-Pháp-Tạng, ngài Giới-Hiền Bồ-Tát (57)
Hơn ba năm đã có ý đợi chờ
Người phương đông cầu pháp-thoáng trong mơ
Trên đất Ấn, dạy pháp môn Duy-Thức.

Na-lan-đà hơn năm năm dừng bước
Luận Bách-môn, Trung-quán,luận Du-Già
Một tờ kinh, một bóng, một đèn hoa
Ba lần giảng, ba lần nghe pháp vị.

Núi Hi-Lô kết hoa dâng lời nguyện
Tượng Quán-Âm hoa rải khắp trên thân
Nguyện mang kinh về đất cũ hoàn an
Như thật tướng nguyện tái sinh Đâu-Suất
Thấy Phật tánh, nguyện đời sau thành Phật
Nhận gia tài túi vải nặng hai vai (58)
Trên chiếc hài vương lá cỏ trần ai.

Kinh Vệ-Đà, tục truyền do thiên khải
Từ Phạm-Thiên, Đế-Thích xuống nhân gian
Mở tờ hoa tìm học những lời vàng
Mang so sánh với đạo tràng chư Phật.

Tâm bát ngát vượt trên Không và Sắc
Trí bao la đâu chấp Hữu hay Vô
Na-lan-đà cổng tu viện dựng cờ
Xé mảnh giấy của tông đồ ngoại đạo. (59)

Pháp chư Phật vượt trên tông và giáo
Lạ lùng thay- người chấp áo, chấp khăn
Dâng lên vua Giới-Nhật một bài văn
Cùng bài bác thuyết ‘Không’ như tà đạo.

Khúc-Nữ-Thành dựng hội trường luận thảo
Mười tám vua cùng chư vị tăng ni
Tượng Phật vàng voi trắng mở đường đi
Ngà chuốt cán, lọng tàng hoa kết ngọc.
Áo Đế-Thích, Phạm-Thiên làm sắc phục
Hai vì vua cầm lọng đứng hầu bên
Hoa trải đường, pháp nhạc trỗi trang nghiêm
Đồng cung thỉnh vào pháp đường an vị.

Chế-Ác-Luận phá trừ tâm nghi kỵ
Như mặt trời tỏ rạng ánh bình minh
Một bản văn truyền dán trước cổng thành
Ai bác được- nguyện dâng đầu chịu tội.

Một bản văn đọc bên trong pháp hội
Trước hàng ngàn tu sĩ cả đôi bên
Lời từ tâm vô ngại, trí vô biên.

Khắp hội trường không gian như chìm lắng
Các vì vua đồng hoan hỉ chắp tay
Hơn mười ngàn đại chúng suốt năm ngày
Cùng yên lặng không một lời vấn, đáp.

Vua khuyến khích ai người mong luận pháp
Được tự nhiên bày tỏ mối nghi nan
Đến cuối ngày bổng náo loạn hội tràng
Nhóm đối lập bày mưu toan hãm hại.

Vua xuống lệnh ai người không chính đại
Thiếu quang minh, hành động chẳng nghĩ suy
Y luật hình trừng trị chẳng kiêng vì
Buổi vấn pháp được duy trì tiếp tục.

Mười tám ngày số đông người qui phục
Trải thảm vàng, kiệu ngọc rước vòng quanh
Lời tung hô, chúc tụng khắp trong thành
Nêu danh hiệu ‘giải-thoát-thiên’ dâng tặng.

Đức khiêm cung từ tâm vô-sở-đắc (60)
Như- chân không. Thị- diệu hữu giả bày (61,62)
Lữa không sinh thiêu rụi chõng luận, suy
Gió chẳng trụ thổi tung sàn xuất, nhập

Tâm phân biệt sinh muôn vàn kiến chấp
Trí dở, hay toan lấy giả làm chân
Thuyền từ qua bể khổ cũng không hơn
Phương tiện hạnh mở bày như diệu dụng.

Tay nhân ái viết thiên Hội-Tông-Luận
Mong dung hòa nghịch, thuận- trí thế gian.
Cùng đồng qui Trung- quán với Du-già
Về nhất tướng- vẫn không ngoài Vô-Tướng.(63)
 
 

Chú thích

(1) Lạc-Dương : kinh đô nước Trung Hoa đời Hán.
(2) Huyễn dã : cánh đồng hư huyễn của sinh tử như mộng.
(3) Đại Từ Ân : Chùa Đại Từ Ân, năm Trinh Quán thứ 22, đời vua Đường thái Tông. Hoàng thái tử Trị dựng chùa cho mẹ là Văn Đức Hoàng Hậu. Ngài Huyền Trang đã xin vua Cao Tông xây tháp thờ bản tiếng Phạn của kinh luậnxá lợi Phật thỉnh từ Ấn Độ.
(4) Nhiếp-đại-thừa luận : Do bồ tát Vô-Trước soạn.
(5) Trường An : kinh đô nước Trung Hoa bắt đầu đời Hán, thuộc huyện Tây An, tỉnh Thiểm Tây.
(6) Câu xá luận : A tỳ đạt ma Câu xá luận do ngài Thế Thân biên soạn. Ngài Huyền Trang dịch ra 30 quyển.
(7) A-tỳ-đàm : còn gọi là A-tỳ-đạt-ma, tức Luận tạng.
(8) Thành-Thực-Tông: Tông phái Tiểu thừa, thành lậpẤn Độ. Tông nầy lấy Luận-Thành-Thực do ngài Ha-lê-bạt-ma (Harivarman) soạn làm tông chỉ. Ngài Cưu-Ma-La-Thập đã dịch tập luận nầy ra Hán văn vào cuối thế kỷ thứ 5.
(9) Kỳ : tên ngựa, có thể chạy ngàn dặm.
(10) Linh-Thứu : còn gọi là núi Kỳ- xà- quật, Linh sơn, nơi Đức Phật Thích Ca thuyết kinh Pháp Hoa.
(11) Diệu-Cao : núi Tu Di.
(12) Kỳ viên : vườn của thái tử Kỳ Đà, còn gọi là Kỳ-thọ viên. Ông Cấp-Cô-Độc dát vàng trên đất đổi cho thái tử, lấy khu vườn nầy cúng dường cho Phật làm đạo tràng.
(13) Thiện-Tài : vị đồng tử trong kinh Hoa-Nghiêm, phẩm Nhập-Pháp-Giới, người tham vấn 53 vị thiện tri thức để cầu học bồ tát hạnh.
(14) Ba-Luân : Bồ tát Tát-Bà-Ba-Luân, dịch là Thường-Đề.
(15) Bát-nhã : Trí tuệ siêu việt biết rõ thực thể của các pháp.
(16) Bất-nhị : lý như nhất, bình đẳng.
(17) Bắc tông : ngài Thần-Tú. Nam tông : Đức Lục-Tổ Huệ-Năng.
(18) Đông độ : chỉ phương đông Ấn Độ. Độ là cõi.
(19) Ca-Diếp-Ma-Đằng : Ngài Kasyapa- mantanga, thế kỷ thứ nhất, đến Trung Hoa vào thời vua Hán Minh Đế, dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương.
(20) Cưu-Ma-La-Thập : ngài Kumara-Jiva, thế kỷ thứ 4.
(21) Pháp-Hộ : cao tăng Ấn Độ, đến Trung quốc năm 266, dịch 175 quyển kinh sang Hán văn.
(22) Vô trụ xứ : Pháp không tự tính, không sinh, không diệt, theo duyên mà dấy lên.
(23) Cúc-Đa : tên vị tăng Mokshagupta dịch là Mộc-Xoa-Cúc-Đa.
(24) Luận Du-Già : Du-Già-Sư-Địa-Luận, bộ yếu chỉ của học phái Du-già, tục truyền do Bồ tát Di-Lạc giáng thần xuống chùa A-du-đà dạy cho Bồ tát Vô-Trước ghi chép lại vào thế kỷ thứ 5.
(25) Tì-bà-sa luận : Vibhasa, có nghĩa là Quảng thuyết, giảng về Pháp tướng của Nhất-thiết-hữu bộ, gồm có 4 bộ.
(26) Ý-Thanh : ngài Mano-jnaghosa
(27) Huệ-Tánh : ngài Prajnakara
(28) Nhất-Thiết-Hữu : Tát-bà-đa, một tông tiểu thừa.
(29) Nagara : xứ Nagarahara, nơi Đức Phật Thích-Ca khi còn là Bồ tát đã trải áo và tóc trên đường đất bùn lầy, ước nguyện được Đức Phật Nhiên-Đăng bước qua.
(30) A-Dục Vương : tên vua A-Cu-Da, dịch là Vô-Ưu.
(31) Đăng-quang-thành : Dipankara, có hang lưu ảnh.
(32) Tăng-Xứng : ngài Sanghakirti ở thành Bhalluka, lúc nầy đã 70 tuổi.
(33) Vô-Trước : vị tổ của Pháp Tướng tông, người soạn Du-già-sư-địa-luận.
(34) Thế-Thân : sinh 900 năm sau khi Phật nhập diệt, viết 1000 bộ luận.
(35) Trung luận : Trung-quán luận do bồ tát Long-Thọ soạn.
(36) Bách môn : bách luận, gồm khoảng 100 bài kệ do Đề-Bà bồ tát soạn, Thế-Thân bồ tát chú giải, Cưu-Ma-La-Thập bồ tát dịch ra Hán văn.
(37) Quảng Bách : bộ luận doThánh Thiên Bồ tát soạn, ngài Huyền Trang dịch ra Hán văn.
(38) Điều-Phục-Quang : ngài Vinitaprabha, người đã soạn hai bộ chú giải về Ngũ-Uẩn luận và Duy-thức-tam-thập-tụng. 
(39) Đối pháp luận : A tì đạt ma luận. 
(40) Lý môn luận : tên gọi tắt của Nhân-minh-chính-lý-môn-luận, là một trong ngũ minh, thuộc khoa học lý luận. Bồ Tát Trần-Na soạn.
(41) Duy-Thức : tất cả các pháp do Thức sinh.
(42) Kinh-Bộ : Kinh-lượng-bộ, là một trong 18 bộ của Tiểu thừa. Bốn trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt được tách rời từ Nhất-thiết-hữu bộ, lấy kinh làm chính. Người sáng lập là Kumara-ladha, dịch là Cưu-ma-la-đà.
(43) Phát-trí-luận : A-tì-đạt-ma-phát-trí-luận, 300 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, ngài Già-đa-diẽn-ni-tử soạn, 20 quyển. Ngài Huyền-Trang dịch ra Hán văn.
(44) Khúc-nữ-thành : đất Kanyakubja.
(45) Nhật-Trụ : ngài Suryavarman
(46) Xá-vệ : Sravasti, vua Ba-Tư-Nặc ở thành nầy.
(47) Ca-tỳ-la : Ca-tỳ-la-vệ, kinh đô của dòng Thích-Ca, vua Tịnh-Phạn trị vì. Đức Phật có lần cầm bát khất thực ở thành nầy khi về thăm hoàng tộc.
(48) Sa-la : rừng cây Ta-la long thọ. Loại cây nầy có hai thân song song. Kinh Niết Bàn nói rằng khi Đức Phật nhập diệt nơi rừng nầy, thân cây hóa ra đôi chim hạc nên còn gọi là cây Hạc.
(49) Câu-thi-na : nơi Phật nhập diệt.
(50) Phệ-xá-li : tên đất Vaisaki.
(51) Duy-Ma-Cật : ngài Vimala-kirti, dịch là Tịnh-Danh.
(52) A-Nan xin sữa : kinh Duy-Ma-Cật, phẩm Thanh-Văn.
(53) kinh Duy-Ma-Cật, phẩm Văn Thù Sư Lợi thăm bệnh.
(54) Kinh Duy-Ma-Cật : Ngài Văn-Thù- Sư-Lợi hỏi ngài Duy-Ma-Cật : ‘những gì là bất nhị pháp môn?’. Ngài Duy-Ma-Cật im lặng không đáp. Ngài Văn-Thù nói: ‘Hay thay !. Không ngôn tự, văn thuyết, đó thật là bất-nhị pháp môn’.
(55) Ma-kiệt-đà : tên một nước ở Trung Ấn, có thành Vương Xá
(56) Na-lan-đà : ngôi chùa lớn ở nước Ma-kiệt-đà, các vua đời sau tu sửa trở thành một ngôi tinh xá lớn nhất Thiên-Trúc.
(57) Giới-Hiền : ngài Silabhadra, trụ trì chùa Na-lan-đà.
(58) Cung trời Đâu-Suất là trú xứ của Bồ-tát Di-Lạc. Theo truyền thuyết, bồ-tát có thời kỳ thị hiện ứng thân ở huyện Thuận-Hóa (Trung-quốc) mà người đời gọi là Bố-Đại hòa thượng vì ngài thường hay mang chiếc bao bằng vải lớn trên vai.
(59) một người thuộc nhóm Lokayatika, dịch là Thuận-Thế, dán trước cửa tinh xá Na-lan-đà một mảnh giấy viết 40 quan điểm của phái nầy; đồng thời thách thức bất cứ ai có thể bác được lập luận nêu trên. Sau nhiều ngày không ai lên tiếng, Ngài Huyền-Trang cho người ra xé mảnh giấy ném xuống đất.
(60) vô-sở-đắc : trí tuệ thể hội được vô tướng, không còn gì để chấp giữ, phân biệt.
(61) Không trong phi không là Chân-không.
(62) Hữu trong phi hữu là Diệu-hữu.
(63) Vô-Tướng : ‘Nhất pháp tức là vô tướng’ ( kinh Vô-Lượng-Nghĩa).
 
 
 
 

Trần-Huyền-Trang

Trần-Huyền-Trang người Lạc Châu, tỉnh Hà Nam, sinh năm Khai Hoàng thứ 20 đời vua Tùy Văn Đế, tức năm 600.
Sau chuyến tham bái và cầu pháp ở đất Thiên Trúc, ngài để lại cho hậu thế một sự nghiệp vĩ đại qua 20 năm phiên dịch kinh điển, gồm có 76 bộ kinh, 1349 quyển. Ngoài những bộ kinh luận quan trọng về Duy ThứcTrung Quán, ngài đã hoàn tất bộ ‘ Đại Bát Nhã Ba La Mật ’ gồm 600 quyển trong những ngày gần cuối đời.
Năm 664 viên tịch tại cung Ngọc Hoa, thọ 65 tuổi. Vua Đường Cao Tông bãi triều 3 ngày làm lễ quốc táng.

Xem Thêm: Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh, Võ Đình Cường


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
22/06/2017(Xem: 12292)
10/05/2018(Xem: 12257)
31/10/2017(Xem: 10042)
02/09/2020(Xem: 4567)
17/05/2021(Xem: 3836)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.