Phần Thứ Ba

04/10/201012:00 SA(Xem: 19157)
Phần Thứ Ba

SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
Nhẫn Tế Thiền Sư
Tây Tạng Tự 2548 - 2004

3

Ngày 25 Juillet 1936 – 8-6-â.l.

Sáng thức thường lệ. Điểm tâm bột với cải chua, 8 giờ trời còn mưa rầm rỉ, đường xá khắp thành Lhassa, lầy lút chưn, nước ngập linh láng. Bữa nay không đi mua hàng bông. Mười một giờ ăn ngọ bột với cải bẹ của mấy huỷnh xào với thịt, dưng cho bần đạo một dĩa cải không có thịt. Ấy là rau gởi gần với thịt đó…

Chiều 3 giờ trà sữa xong, huynh Samdhen kêu bảo coi tay giùm con trai của Thừa tướng, 13 tuổi, kế đi hành hương chùa chợ : chùa lớn Chôkhăng (Thích Ca) với Samdhen. Đã mấy lần đi mà bất ý xem tại cửa chánh có treo một tấm biển của Tàu cúng có bốn chữ : tây trúc chánh tông , hèn chi huynh Samdhen trước nói : Tibet gọi Chôkhăng Gompa, nghĩa là Thích-Ca-Mưu-Ni tự, là trọn thờ chánh pháp của đức Thế-tôn. Hai huynh đệ vào đi cúng các điện từ từng dưới cho tới từng thứ ba như mấy lần trước, đoạn cùng nhau đi về gặp một vị Lama người xứ Lhassa mà ở nhà thiền Lađặt, đến xin coi tay. Hoan hỉ coi giùm. Kế vợ huynh Đầu bếp đem ra hai bắp cải nói hộ cho Bần đạo. Hồi nãy đã gặp Đầu bếp trước cửa có nói rồi. Tôi hỏi mua bao nhiêu, Samdhen rằng : của Quan lớn, gần nhà có vườn trồng hàng bông. Bần đạo cám ơn cô Đầu bếp và nói : Quí lắm, đất nầy trồng được thiệt quí quá. Samdhen nói : Hôm qua huỷnh hộ thịt cho chúng tôi, còn thầy không dùng thịt, nên Đầu bếp hộ hai bắp cải ấy, một bông cải và một bắp cải. Lúc nghèo gặp bạc, lúc khát gặp nước.

Ngày 26 Juillet 1936 – 9-6-â.l.

Điểm tâm cải bắp ăn sống với muối. Trưa ngọ bột với cải bông chấm nước muối ớt. Samdhen và Sonnam cũng xề lại ăn ít lá cải bắp chấm muối hột. Mười hai giờ có vị Lama mập quen (của Quan) lại thăm và dưng một sợi anh lạc. Đàm đạo vui cười, huỷnh xề lại ngồi gần Bần đạo, nắm lấy tay bần đạo vào lòng bàn tay huỷnh một cách thâm mến. Samdhen thông ngôn rằng : Lama đây muốn thầy ở lại Lhassa chung liêu cùng huỷnh một năm. Bần đạo nói : Bất tiện ! (theo lời tiên tri của Đại đức Quốc Vương gởi ý điển vào trí-não bần-đạo), nay bần-đạo lớn tuổi, ở lại học hành không bao nhiêu mà làm cho mất ngày giờ của huynh, lại mất ngày giờ độ Thiện nam tín nữ tại bổn-quốc-độ đang trông đợi. Để sau về Đạo tràng, như có đạo đồng nào có tín lực mộ Đại đạo Tây-tạng Pháp môn, thì Bần tăng sẽ cho đi ở tại Lhassa nầy mười năm học đạo, tả kinh, như vậy sau về truyền bá lâu dài. Còn Bần đạo tuổi cao, ngày tịch gần, truyền đạo có bao lâu đâu. Nghe lời Samdhen thông ngôn thì Lama nói : Phải, phải vậy ngày nào thầy cho Đạo đến, tôi xin bảo lãnh dạy dỗ. Đoạn hỏi thăm sự cúng dường và nhà thiền ra thế nào ? Tốt lắm, cách cúng dường tinh khiết và nhà thiền đẹp đẽ huyền vũ tinh anh. Chuyện vãn khắn khít, đoạn Isess sửa soạn đi chợ, hỏi bần đạo đi không ? Samdhen vui miệng bảo bần đạo đi chơi cho khoảng khoát. Lama nói : Tốt lắm, tôi cũng đi với, nói rồi huỷnh kiếu Samdhen đi cùng bần đạo có Choundouss theo. Bốn người ra đi, thì lama cặp kè nắm tay bần đạo cách yêu thiết mà đi. Giáp vòng chợ không hở tay, cùng cực chẳng đã, gặp mấy chỗ sình nẩy lầy án buộc huỷnh phải buông tay bần đạo một cách tiếc rời trong lúc đàng hẹp. Lúc về tới nhà quen của Choundouss thì huỷnh trẽ vào đó cùng Isess. Lama nắm tay đi thẳng cùng Bần đạo tới ngõ Quan Thừa-tướng, dừng bước ý không muốn rời tay, nhưng một chập lâu, huỷnh nói : Sérang phết, rồi buông tay bần đạo, hai đàng ngó nhau rồi phân nhau về nghỉ. Vá dù, may sổ. Tối nay lại thiền tụng rồi ngủ, khuya trời mưa rỉ rả. Samdhen nói : Có hai Lama Dzesbung đến lúc thầy nghỉ trưa, tôi không cho kêu, họ mời huynh đệ mình đến ngày hát rằm, đến xem.

Ngày 27 Juillet 1936 – 10-6-â.l.

Nhựt thường lệ, sáng có hai vị Lama đến ở đàng trước đơn cùng Samdhen tụng kinh (bị mưa liêu dột, nên Samdhen che vải trước sân liêu, đem đơn ra ngoài nghỉ ba, bốn ngày rày, có một mình chỗ bần đạo không dột, nếu trời mưa to thì có chút ít, nên một mình bần đạo ở trong liêu). Bần đạo còn ngồi trong đơn lần chuỗi, nghe tụng kinh chớ không thấy mặt, đến lúc rồi sự, ra ngoài mới thấy hai vị Lama, một vị là chủ liêu ngụ khi nọ tại Pithu Khampa và một vị nhỏ. Thấy bần đạo liền mừng chào, bần đạo cũng mừng đáp lễ cách yêu thiết. Mời ngồi, bần đạo kiếu đi ngoài, ra gặp Samdhen cũng đi ngoài, rồi đi vô, huỷnh thấy hai con cẩu phải lẹo, liền chỉ và hỏi Bần đạo thấy cái chi không ? Và hỏi và cười. Bần đạo rằng : Cả thảy chúng sanh (nhơn vật) trên mặt đất Diêm-phù nầy, vì có bao nhiêu đó mà phải khổ sở, mà ham sống, và nói và đi. Tiểu rồi vào, tới đơn Samdhen, bèn kêu huỷnh mà nói : Huynh thấy không ? Rõ không ? Biết không ? Cả thảy chúng sanh loại, vì đó mới có sanh, sanh ra mới có khổ, lão, bịnh. Người như thú, thượng cầm, hạ thú đến loài cá, côn trùng, ham sống cũng vì tham dục. Cái khổ nhân, tham dục vi bổn. Lama khách hỏi, Samdhen thông ngôn. Lama gật đầu khen phải. Bần đạo rằng chỉ có Phật đệ tử biết cái dâm dục là nguồn cội sự sanh, nên lánh đó cho tuyệt sanh, hễ sanh tuyệt thì lão dứt, lão tuyệt, bịnh đoạn, bịnh tuyệt thì tử vô do nhi hữu, thì ưu bi khổ não đâu còn theo. Lama khách nghe thông ngôn, lắc đầu, ngó bần đạo rồi nói phải quá…

Sẵn đó, một đám nam nữ gia quyến của Đầu bếp và người sai nha của quan lớn với các huynh nội bọn đứng nghe. Bần đạo thừa thử nói : Loài người hiếm kẻ biếm nhẻ chư Lama (thầy tu) rằng : ăn no, mặc ấm, không làm gì hết, ngồi chờ của tín thí đàn na. Đó là họ ngạo báng Phật đệ tử làm biếng, ấy họ không biết kinh Phật bảo, chư đệ tử y Pháp tu hành mà làm ruộng tốt cho chúng sanh gieo giống lành mà họ không rõ lại chê cười, mà họ có ngờ rằng họ không phải chê cười chúng tăng, ấy là chê cười Phật đó… Đến lúc họ đau ốm, nằm rên siết, nhớ tới lời chúng tăng y lời Phật giảng thuyết, họ ăn năn lắm, khi bịnh hành quá nhức đau thì họ kêu Phật trời ôi cứu tôi, thương tôi. Miệng kêu réo liền đeo. Đến lúc hết đau, ngũ dục dập dồi, họ quên hết lúc đau lúc khổ. Cả thảy nghe lời thông ngôn, lắc đầu, ngó bần đạo, dường có vẻ lạ lùng như vẹt mây thấy trời xanh. Cười cười mà có ý tỏ nơi mặt chút nét hổ ngươi. Đoạn Bần đạo tiếp : Nầy huynh Samdhen, bần đạo thấy hiếm người chết vì đờn bà, nghèo khổ vì đờn bà, cũng như một ngày kia bần đạo gặp một người ăn mày đui hai con mắt, người vợ dắt đi xin, bần đạo bảo : Thôi hai ông bà vào chùa của tôi mà ở thọ tam qui ngũ giới tu hành, cơm sẵn ăn, quần áo sẵn bận, chết chôn cất tử tế. Nhưng người khất cái ấy lắc đầu nói : Tôi tu không đặng, nói rồi dìu dắt nhau đi. Đó huynh có đến đỗi mù quáng, ăn mày, lúc đói, lúc lạnh mà không rời đờn bà, thà cùng nhau ngày bò mo, lết mủng xin ăn, miễn tối cùng nhau đặng gần gũi. Nghe thông ngôn, ai nấy đều cười rộ mà có vẻ hổ ngươi, dòm Bần đạo và đi dang hết. Sam-dhen gục đầu nói : A băng Losang. Bần đạo rằng : A băng Losang ninh done. Cười xòa. Samdhen rằng : Thầy không rõ : A băng Losang là một vị Đại lão Lama tại Dzêsbung tu hành kiên cố, mấy ngàn Đại chúng kính phục, thuyết-pháp như lưu, nghe qua ai cũng nhờ đó mà tỏ đạo mầu. Nên gọi là Thiện xảo thuyết. Kiếu vào đơn, ngồi trà nước một chập, huynh Choundouss hộ một chén cơm đường và một chén trà dehi chế beurre đặng điểm tâm. Hoan hỉ… Đoạn 11 giờ rưỡi ăn ngọ bột và bông cải với nước muối. Ăn rồi, có cô bạn của lại quan đàng dinh quan lại xin xem tay. Samdhen dắt vào, xem rồi dưng 2 trăng nga. Bần đạo hiến lại Sam-dhen rằng tiền nhang (cũng như lúc ở Pithu Kham trzanh, tiền xem tay của một vị Lama dưng, bần đạo hiến lại Choundouss, bảo huỷnh đem hộ cho các Lama nghèo, vì có một lúc một vị Lama có tiền, đến xem tay, dưng tiền thì bần đạo không lấy, Choundouss và Samdhen rằng : Thầy lấy rồi cho Đạo nghèo hay cúng chùa tốt hơn, vì họ có tiền. Nếu người nghèo đến coi tay thì thôi, còn người có tiền phải lấy), vì lời ấy mà bần đạo giao tiền xem tay cho các huỷnh. Chiều lệ thường. Học thêm tiếng Tây-tạng.

Ngày 28 Juillet 1936 – 11-6-â.l.

Nhựt thường lệ. Trưa ngọ bột với bắp cải nấu cà-ri. Chiều y lệ, học, không chi lạ. Đổi 2 rupee, đếm lại thiếu 7 yôgăng. Ấy là Sonnam đi mua thịt về, Choun-douss đếm đưa cho bần đạo, song thôi cũng hoan hỉ. Cho họ ăn xôi chùa cho êm.

Ngày 29 Juillet 1936 – 12-6-â.l.

Hai huynh Lađặc về Dzêsbung. Sớm điểm tâm bột khô với trà Tây-tạng. Đoạn cùng Samdhen đi chợ, mua một cục savon thơm 6 trăng nga (4 annas) một cục savon đá 5 yôgăng 2 sous (5A), một cái hộp quẹt, một bắp cải bông 4 trăng nga (2A.3P) sữa 1 trăng nga. Đi chợ, có hơi lâu vì Sonnam đi cùng phường phố, lại lúc về gần tới nhà còn trở ra mua savon đá. Khi về, họ ở nhà ăn cơm với thịt xào rồi, Sonnam về, không ai bảo ăn cơm, nên huỷnh ăn bột với nước trà, cách buồn xo. Isess kêu Bần đạo rằng : Cơm còn hiếm, thầy ăn ngọ tốt lắm. Bần đạo rằng : Cám ơn, bần đạo không dùng cơm, để dùng bột vì lâu ngày không ăn cơm, nay ăn e đau bụng, để đó các huynh ăn. Đoạn tới ngọ, nhồi bột với nước trà cúng dường rồi dùng với cải chua mua sớm mơi 2 trăng nga. Ngọ rồi nghỉ một chập, rồi thẳng xuống bến sông, giặt áo quần rồi tắm.

Đêm nay ra ngoài sân ngủ với Samdhen vì ở trong liêu rệp lung quá, ai nấy ngủ ở ngoài, một mình chịu không nổi rệp ở quanh vách, chấu lại cắn quá ngủ không đặng. Khuya lại trời mưa, có che vải, nhưng vải mỏng ré và gió tạt, ướt lớp mền ở ngoài hết. Tuy mưa nhưng mền nhiều lớp (bốn lớp) ba lớp mền và Choundouss cho mượn một cái áo bố Tây-tạng, dày lắm, đắp ngoài nên ấm áp và nhờ có tắm đặng hồi trưa, nên khỏe xác ngủ êm đềm. Sáng còn mưa rỉ rả.

Ngày nay cũng gặp Tổ sư dạy bảo tại góc núi gần mé sông…

Ngày 30 Juillet 1936 – 13-6-â.l.

Sáng thức dậy, trời còn mưa rỉ rả. Điểm tâm trà Tây-tạng, ăn bột khô rồi, 8 giờ rưỡi có nắng. Mền, áo ướt át, các huỷnh lấy trọn cả đồ ngủ ấy đem lên rầm phơi giùm.

Đoạn có một vị Lama ở Galden đến viếng, ngựa chở một bao bột đem hộ Samdhen. Samdhen hộ lại một bao gạo và đãi cơm. Sonnam xin 2 trăng nga đặng mua savon đặng mai đi chùa Galden dưng cho Lama thiền chủ của huỷnh. Hoan hỉ, và cho luôn ba huynh kia 4 trăng nga, tùy ý ăn uống.

Trưa ngọ bột với cải bông nấu cà-ri. Đoạn Choun-douss rủ đi chợ, lúc vào phường phố, tới sở tuần cảnh, gặp Isess đang đứng xem đám đông người, dừng bước một chập rồi đi, đoạn gặp người quen bảo huynh Choundouss nán xem lịnh Thừa tướng phán xử đòn hai người tù nhơn đờn ông với một người tội đờn bà, tại trước sân sở Tuần cảnh. Thiên hạ lao xao, già trẻ nữ nam nhóm đông dày. Choundouss nói với Bần đạo sự ấy, đoạn rủ lại hè phố ngồi chờ. Lâu hoắc mà không tới giờ phạt, Isess, Choundouss và bần đạo thả đi dạo phường hai vòng mà cũng chưa thấy lịnh quan đến, nên đồng về. Lúc về tới nhà quen Choundouss thì hai người quen khi nãy cũng đồng theo sau, nói chi không rõ, Choundouss rủ bần đạo vào nhà quen chơi. Bần đạo rằng : Không, tôi về luôn, huynh ghé chơi với Isess. Isess cũng nài bần đạo ghé chơi. Chối từ đôi ba quận rồi Choundouss rằng : Có hai người hồi nãy muốn mời thầy vào chơi. Nói quá cũng xuôi lòng, vào đó, thì hai người đờn ông khi nãy đứng dậy mời lại đơn ngồi, đoạn cô tình của Choundouss đi mua xăng đem về rót mời uống. Bần đạo biết thứ ấy uống không ra chi hết, uống trà còn quí hơn. Song các huỷnh mời quá thôi cũng thuâïn tình, vài từng xăng, thì huynh già đi theo đó, xin coi giùm tay, coi rồi, thì bần đạo muốn về, bỗng có Issê lại kêu hai huỷnh rằng Samdhen quở trách. Hai huỷnh về cùng bần đạo, tới cửa, họ sợ, bảo bần đạo đi trước. Samdhen thấy bần đạo bèn nói : Thầy theo họ không tốt, và nhà ấy không nên lại đó chơi. Đoạn rầy hai huynh kia bằng tiếng Tibet. Kế sai Issê và Choundouss đi chùa Séra, không rõ đi chi. Trời mưa rỉ rả, hai huynh ra đi. Bần đạo lấy mủng bánh của huynh nhỏ xem tay sớm mơi mua dưng cho bần đạo cho huynh Samdhen ăn, ban đầu huỷnh từ chối không xơi, nhưng bần đạo giả đò không rõ rằng huỷnh từ chối, bảo Isess đi lấy dĩa nhỏ đặng sắp bánh ra tử tế.

Isess không rõ, bần đạo bèn đi lấy rồi sắp bốn bánh bốn thứ để trên tợ của huỷnh. Huỷnh trăm với Isess và huynh Lađặc ở Dzêsbung mới đến lúc vắng mặt mấy huynh đệ tôi, rằng : Cách của thẩy nghiêm trang vậy. Đoạn huỷnh ăn bánh, còn bánh trong mủng thì cho Isess và huynh Lađặc. Lúc chiều tối, bần đạo trong đơn bước ra thấy huynh Lađặc kiếu về, còn Isess thì ngồi trong bếp, bần đạo hỏi Samdhen rằng : Trời đã tối mà chưa dùng bột sao ? Samdhen rằng : Bữa nay không có mua thịt đặng, nên không có đồ ăn. Bần đạo nói : Vậy huynh muốn ăn bắp cải bông chăng ? Tôi sẽ nấu cháo bắp cải bông theo kiểu China cho huynh ăn. Huỷnh rằng : Tôi ăn bột chớ không ăn cơm, bần đạo tưởng huỷnh từ chối cháo bông cải, bèn vào đơn ngồi, chập lâu, huỷnh kêu bần đạo rằng : Thầy không nấu bắp cải sao ? – Ủa huynh muốn ăn sao ? Bần đạo ngỡ huynh nói ăn bột với trà. Thôi để bần đạo nấu. Đoạn lấy cải bông xắt rồi nấu cà-ri, khi cải gần chín bần đạo đổ nước lung và đi lấy bột mì con chút đỉnh trong thau, bảo Isess nhồi nấu bánh canh. Huỷnh nhồi rồi lăn con bột bỏ vào, lúc chín múc cho Samdhen ăn, huỷnh đói quá mà gặp bánh canh, ngon ăn no cành, mỗi người kia Isess và Sonnam đều một chén. Đoạn trời còn mưa rỉ rả, Samdhen ra ngoài ngủ, bần đạo nói lạnh lắm không ngủ. Huỷnh bảo Sonnam trải đồ ngủ giữa liêu cho bần đạo ngủ, vì tại đơn nhiều rệp. Kế Issê về còn Choundouss ngủ tại nhà quen.

Ngày 31 Juillet 1936 – 14-6-â.l.

Sớm điểm tâm trà rồi ăn bột với cải chua rồi uống một ca trà sữa của Đầu bếp hộ. Mượn cô Đầu bếp mua sữa và đường. Samdhen rằng : Mua đường đừng mua sữa vì bữa nay đi Galden. Hôm qua đã mua một bắp cải kế đầu bếp cho một bắp nữa, nên hôm qua nấu một bắp, sáng nầy còn một bắp, nấu cà-ri nửa bắp chia nhau ăn, còn nửa bắp cất đó. Đậy điệm dọn dẹp hẳn hòi, chừa hai cái mền đặng đem theo đắp. Chín giờ cùng các huỷnh lên đường, lội bộ đi, lội qua không biết mấy bàu(1) mấy suối, ướt át quần áo, nước lạnh như đồng, tê tái hai chưn. Mười một giờ rưỡi tới bến đò, ngồi đợi ước 1 giờ, con đò đôi, đò da tới, xuống đò đi qua sông, lên đi riết 1 giờ rưỡi đã tới xóm nhà gần đường, các huỷnh vào hỏi chỗ tạm nghỉ, song không nhà nào có chỗ tử tế, nên họ từ khách, huynh đệ đành trải lá lót ngủ ngoài sân (cũng có bộn khách đi đường ngồi trước uống trà uống xăng) cùng nhà xúm xích ngồi nghỉ, đợi Isess đi mướn nấu trà (trà, beurre, muối của mình) đem ra dùng. Chập lâu trà xong, Isess đem ra, đồng uống trà ăn bánh bột chiên (hình như chiếc dép) của Issê hôm qua đi chùa Séra đem về. Ăn rồi trả tiền nấu trà 1 yôgăng, đoạn 2 giờ 15 lên đường, trải qua khe suối, lúc 4 giờ rưỡi bần đạo đuối giò, hết gân hết cốt, cẳng hết muốn bước, song cứ niệm Phậtđi theo họ. Họ đi bộ giỏi lắm, song cũng ráng bước, lúc tạm nghỉ xả hơi, thì lo bóp cẳng o bế, rốt việc cũng kịp bước như họ. Năm giờ rưỡi, phút tới làng Đê-xanh, còn chừng ngàn thước tới chợ, thì cho Sonnam đi trước hỏi nhà ngụ. Huynh đệ đi sau, lần lượt đã tới chợ, thì Sonnam hỏi chỗ ngụ đặng, bèn đứng nơi đường đón rước. Vào nhà ngụ, thẳng lên lầu vào phòng đã dọn dẹp sẵn. Tạm nghỉ uống trà ăn bột rồi mượn chủ nhà mướn giùm hai con ngựa. Mướn đặng, đỡ quá. Samdhen rằng : Tôi mỏi cẳng quá lẽ, nếu không ngựa thiệt khổ lắm. Thầy cũng mỏi như tôi.

Ngày 1er Aouât 1936 – 15-6-â.l.

5 giờ thức, Samdhen kêu huynh đệ, bảo Sonnam đi hối ngựa, Sonnam đi vừa khỏi ngõ, thì gặp chủ ngựa, đem hai con ngựa vào, lên lầu lấy hành lý xuống gác yên, đoạn trả tiền phòng cho chủ nhà rồi xuống hai huynh đệ lên ngựa đi, cách chợ 100 thước thì có ba cái suối nước chảy như cắt, hai con ngựa qua suối nước tới gối, qua rồi, dòm lại bốn huynh kia đang xăn quần túm áo, cởi giày, bần đạo động lòng thương xót, trời còn sa mù lạnh lẽo mà băng qua ba cái suối và mấy đầm nước linh láng ấy, lạnh hai chơn lắm. Các huỷnh lần lượt đi sau, hai huynh đệ đi ngựa tới trước, trải qua khe suối mấy lần, phút tới xóm đã 8 giờ. Tạm ghé, sai Sonnam đi hỏi chỗ tạm nghỉ mướn nấu trà (lúc đi còn chừng ít ngàn thước) thì Samdhen bảo Sonnam lên ngựa ngồi sau huỷnh. Hai người một ngựa thấy thương con loại vật, miệng đổ bọt, trời lạnh mà đổ mồ hôi, vì vậy mới có Sonnam đi một lượt. Hỏi đặng chỗ rồi, vào nhà ấy tạm ngồi, đợi nấu trà, chập lâu trà sôi thì bốn huynh kia đã tới. Muối, beurre bỏ vào ống, cô chủ nhà thục xong, đổ vào bình đem lên, huynh đệ đồng uống điểm tâm và ăn bột, các huỷnh uống xăng trước, hai huynh đệ tôi uống trà. Xong trả 1 trăng nga tiền nấu trà, 9 giờ rưỡi lên ngựa. Lúc khi nãy đã thấy phan lọng của Đại đức Lama hòa thượng Galden, đi Lhassa về, còn đi sau xa, khi tạm dùng trà thì toán Đại đức đã đi qua khỏi trước. Lên ngựa đi ước nửa giờ, ngó tới trước thấy toán của Hòa thượng Lama, đóng liêu vải gần mé đường tạm nghỉ. Samdhen nói rằng : Thôi xuống ngựa, đợi các huỷnh tới giao ngựa cho mã tử rồi đi bộ qua khỏi toán của Đại Lama rồi sẽ lên ngựa. Đồng xuống ngựa, ngồi nghỉ một chập, phút mã-tử tới. Samdhen trăm với người một hồi, mã-tử quần ngựa theo lề ruộng cho ăn, kế bốn huynh kia tới, cùng nhau đi bộ qua khỏi trại liêu Thượng tọa cách 500 m ngồi nghỉ chờ mã-tử. Samdhen nói với Bần đạo rằng : Lama cả đây thiệt một vị Đức hạnh tu hành, ngài quản xuất 3.300 Lama tại Galden, trên Quốc Vương Lama dưới là ngài. Ngài đi yết lễ vua tại Lhassa nay về Galden. Bần đạo thấy toán hành khách và các lama khác đi ngang qua đó đều sập dù xuống ngựa cả, khen thay ! Đoạn mã-tử tới, hai huynh đệ lên ngựa, bốn huynh kia cùng mã-tử lần lượt đi bộ theo sau. Từ đây, ngựa lần hồi từ bước lên dốc núi, ngựa thở ra khói, còng xương sống phình hông chỏi cẳng, ngồi trên lưng ngựa, những thảm thương thân loại vật, nhưng nếu không cậy sức đó, thì bữa nay chỉ nằm dọc đường, chớ chắc đi không nổi vì ngày hôm qua đi cả ngày hết gân cẳng. Tuy mượn lưng ngựa mà lòng vẫn đáo đáo niệm Phậtchú nguyện cho hai con ngựa nầy, kiếp nầy hết nghiệp, kiếp tới nguyện đó tái sanh vi nhơn, độ đó tam qui ngũ giới cho khỏi thân anh phụ trọng. Lần lượt lúc nghỉ lúc đi, phút tới đảnh núi, khúc đường bình địa, ngựa đỡ chưn ước 1.000 thước, phút tới xóm đảnh. Xuống ngựa, trả tiền mã tử, vì tới đây còn 1.000 thước nữa sẽ tới chùa ở phía bên kia đảnh, ấy là địa phận của chùa, bất câu vua, quan, dân, tăng chúng, tới đây cũng phải xuống ngựa, dắt ngựa đi bộ, chớ không đặng ngồi trên lưng ngựa. Đợi chập lâu các huynh đệ tới, Samdhen bèn bảo Isess đi vào xóm đảnh gởi con dê con mượn nuôi ít bữa sẽ trở lại trả tiền công (ấy là lúc dưới chơn núi trẻ nhỏ đôi ba la lối đuổi quạ và ó bay đáp trên lưng một con dê lạc mẹ, cắn mổ, lúc Samdhen đi bộ vừa tới hỏi cái chi, trẻ bé chỉ con dê con và quạ ó mà thuật việc ấy, rồi cho tiền trẻ bé, bảo Sonnam ẵm dê con đi tới xóm trước gởi nuôi, sau đem về Calcutta). Bần đạo lần hồi đi xuống dốc núi tới đường bằng qua đảnh bên chùa, bèn ngồi nơi thạch bàn chờ các huỷnh. Biết phận mình đi dở, nên lo đi trước cho đỡ chưn, nếu để đi một lượt thì đi không lại họ vì họ quen chưn đi núi, đi mau lắm. (Tiếp điển tại Galden trên Thạch bàn.) Nghỉ chừng 1 giờ, kế các huỷnh tới. Issê Sonnam trễ ở lại đặng chờ thay y phục lama mới dám vào chùa vì trước huỷnh có ở Đạo tu tập tại Galden tự nơi nhà thiền, đồng hương của huỷnh là : Sêconn-Khâm-trzanh của người Khâm-pá, nhưng khác quận với Choundouss. Mấy huynh đệ đi vòng qua đường đi đến chùa, trải qua mấy cấp nhà thiền trên đảnh ước 500 thước mới tới nhà thiền người Khampa đồng quận cùng Choundouss, lên mấy cấp mệt le lưỡi, vào liêu của huynh Guêgam đỗ ngụ. Guêgam mừng rỡ chào hỏi, lo sắp đặt đơn tợ mời ngồi. Đoạn huynh lo thục(1) trà cho chư huynh giải lao. Bần đạo ngồi nghỉ một chập, ngó qua đồng hồ reo của Samdhen thì đã 1 giờ rưỡi. Trà rồi, bần đạo nằm vì bị răng cùng chuyển, chửa(2) chưn nướu nên nhức nổi hạch cổ, nuốt nước miếng đau thấu óc. Nóng lạnh, trùm nằm mê mết, còn Samdhen lo mượn một vị Lama đem y phục lama cho Sonnam thay. Tuy nằm mà nghe các huỷnh bàn luận sự cúng dườnghành hương ngày mai. Bần đạo bèn chỗi dậy, Samdhen hỏi bớt nhức răng không ? Còn nhức lắm. Huỷnh bảo nằm nghỉ và bảo hút thuốc cho đỡ nhức, nhưng đau quá bần đạo cứ trùm mà nghỉ. Qua 5 giờ rưỡi các huỷnh ép ăn bột với nước trà, bần đạo ráng nuốt vài muỗng bột cho đỡ đói, dường nuốt đá, bột qua mụt hạch cổ, nhức đau quá lẽ. Đoạn trùm nữa, 8 giờ tối đi tiểu rồi vào đơn nói với Samdhen rằng : Mai sẽ hết đau, huỷnh rằng : Xem thầy đau lung quá, e mai không hết, nếu đặng y lời thầy nói, thì rất quí và đáng kính lời tiên tri. Bần đạo cười và nói : Chắc lắm, sẽ hết đau, vì ngày mai là ngày hành hương, Phật sẽ cho hết đau. Nằm ngủ thẳng ống tới sáng.

Ngày 2 Aouât 1936 – 16-6-â.l.

Sáng thức sớm, ngồi niệm Phật, kế Samdhen thức cùng các huỷnh hỏi hết nhức chăng ? Hết rồi, khi qua đã nói bữa nay hết đau, thì đâu còn nhức. Đoạn huynh đệ lo điểm tâm, rồi Samdhen bảo Bần đạo trao 4 săng (40 yogăng = 1R.10A.2P) đặng đưa cho Choundouss đem đi qua Điện thiền cúng dường tiền trà cho chư Lama Khampa. Ba huynh đệ Samdhen, Choundouss và bần đạo mỗi người y số chung đậu cúng tiền trà. Choun-douss lấy tiền lo đi đưa trước cho Thiền chủ mua trà, beurre đặng 3 giờ cúng dường. Xẩn bẩn tới ngọ, ăn bột với nấm mèo xào, đoạn tới 3 giờ, Choundouss mời Samdhen và bần đạo qua Điện thiền cúng dường. Samdhen bảo một huỷnh đi đủ, mời bần đạo thì Bần đạo cũng nói y vậy. Choundouss đi rồi, Samdhen nói rằng : Mình cúng dường chút ít, qua đó làm rộn cho họ phải đãi trà nước không ích. Đoạn Sonnam bước vào, mặc đồ lama, ngồi nói chi lăng xăng với Samdhen, 4 giờ Choundouss cúng rồi về liêu ngụ thuật việc cho Samdhen rõ. Huỷnh bèn nói với Bần đạo rằng : Tôi cúng rồi và nói với Thiền chủ rằng : Để sau sẽ cúng tiền cho chư Lama, lúc nầy còn nghèo cúng không nổi. Nhà thiền Khampa Lama có trên bốn trăm lama tăng, y như nhà thiền Trzăngpá Khâmtrzanh của của thầy tại Dzêsbung. Nếu cúng y như thầy thì tôi không có tiền, nói rồi cười xòa. Samdhen bèn sửa soạn đi hành hương ba chùa, đem bình tô-du theo (bần đạo có mượn của Samdhen 2 rupee vì hết tiền lẻ, hùn 1 rupee tiền tô-du cúng dường, còn 1 rupee để cúng dường và trong lưng cũng còn một mớ). Có một vị lama theo dẫn lộ, huynh đệ cùng đi, qua tới khúc quẹo, Sonnam chạy vào đường hẻm trốn và nói Bơda Lama đi gần tới kia, Samdhen cũng đứng ẩn cùng các huynh đệ, thấy cách họ cung kính chư Đại đức như thế cũng đáng khen và mừng cho Phật đạo xứ nầy còn thạnh hành. Kế Đại đức đi ngang qua, bần đạo xem hình mạo cũng chưa mấy già, tuổi lối năm mươi, ngài đi thẳng với một tiểu Lama bưng một mâm lễ vật trên trùm vải trắng. Khi ngài qua khỏi rồi, huynh-đệ bước ra chỗ ẩn, đồng đi. Samdhen rằng : Thượng tọa nầy cai quản hai chùa bốn nhà thiền. Đoạn đi tới chùa lớn trước vào lễ bái cúng dường các điện, mỗi điện đều chút ít tiền nhang khói cầu phúc cho đàn-na. Trước cửa chánh chùa lớn có treo một tấm biển của China cúng, có bốn chữ vàng : tuyên từ phu phúc . Đi cúng đủ bốn cảnh tự, trải qua các điện, xem nguy nga rực rỡ, tượng Phật đồ sộ, tượng Tổ sư Lama cũng to tát, các tháp Tổ sư rực rỡ, trân châu mã não, gắn mấy từng, thiệt Đàn-na cúng dường rất long trọng, đất Phật phải lắm. Khi đi cúng các điện, thì mỗi điện huynh Samdhen đều có cắt nghĩa cho Bần đạo rõ. Khi vào Điện Phật tổ Thích Ca rồi qua điện Hậu tổ Sungapa,(1) thì Samdhen rằng : Đây là Sungapa Buddha oanh ấp tari nghĩa là Phật Thích Ca niết-bàn tại Kusinara rồi, sau đến Tây-tạng tới xứ Khampa giáng sanh vào một nhà phước-đức thường nhơn, tên là Sungapa. Ngài tu và tịch tại Galden đại già lam nầy. Hậu tổ để dấu tích tại núi nầy nhiều lắm. Ngày mai sẽ dẫn thầy đi kỉnh xem các nơi cổ tích của Hậu-tổ, theo chung quanh triền núi. Tuy có chùa, nhưng bình sanh của ngài, tối không ngủ trong chùa, cứ ra ngoài ngồi theo các thạch đơn mà thiền định, nên để nhiều cổ tích chung quanh. Trời chen lặn về tới ngụ liêu, cùng nhau trà giải lao. Kế các huỷnh ăn tối, phận bần đạo y lệ lần chuỗi thiền định rồi nghỉ.

Ngày 3 Aouât 1936 – 17-6-â.l.

Sớm điểm tâm trà bột, kế 9 giờ rưỡi có một vị Lama già đến làm hướng đạo đem đi nhiễu Thánh-địa cổ tích của Hậu tổ Sungapa. Ban đầu viếng chỗ Thạch bàn, Lama hướng đạo chỉ và nói cắt nghĩa sử tích chỗ ấy. Samdhen thông ngôn lại cho bần đạo rằng : Đây là chỗ Sungapa, Tổ sư hay ngồi thiền định lúc đêm tốt trời. Ngài lúc đại định một đêm kia, biết thành Lhassa phải bị lụt, bèn ấn chú lấy đá thạch bàn quăng qua hướng nguồn nước chảy về Lhassa thành mà cản ngọn nước đặng cứu thành Lhassa khỏi lụt. Thầy dòm xuống triền thì biết, bần đạo y lời dòm xuống triền, hằng thấy không biết mấy nguồn suối chấu chảy về hướng Lhassa, trông xa cái hẻm hai đảnh núi còn cổ tích Thạch bàn cản ngang đã trải qua 2.000 năm rồi, nay thành hòn núi nhỏ băng ngang hẻm núi lớn, nằm cản ngọn nước. Bần đạo bèn thầm vái ngài và xin thỉnh một cục đá nhỏ tại đó làm kỷ niệm. Kế sang qua chỗ ngài nhập định bị người phá, ma-vương hóa mưa đá, đến đỗi chung quanh chỗ ngồi đá bị nước mưa xoi lủng như mặt rây, lỗ lớn và tròn bằng đầu ngón tay út, thấy lấy làm lạ quá. Kế đến chỗ ngài để xâu chuỗi, còn dấu hột chuỗi mòn lủng mặt đá và láng cuộn, bần đạo bèn đảnh lễ và để xâu chuỗi của bần đạo trên dấu cổ tích, đoạn thỉnh một miếng đá mẻ tại đó làm kỷ niệm. Kế đó, có một vừng đá lớn có ba lỗ lở mỗi lỗ bằng miệng thúng giạ. Samdhen thông ngôn rằng : Một ngày kia đức Ca-diếp, từ Nalanda thần thông đi một ngày tới núi nầy, lấy tay xoi đá để vào lỗ ấy một cái ốc-lị-pháp, rồi trở về Nalanda mà hội chư La hán đặng chép tam tạng kinh. Lúc sau Hậu tổ Sungapa tới núi nầy, bèn đến tại chỗ nầy nói với chư tăng chúng rằng : Đức Ca-diếp trao ốc-lị cho ta, đặng xuy pháp lị tại xứ Tibet nầy, sau trong lục thú chúng sanh ai nghe đặng tiếng Pháp lị nầy đều đặng phước cả. Nói rồi bèn lấy tay đập vào đá, đá giăng ra lòi ba lỗ, mỗi lỗ là một con ốc, ngài lấy ba ốc lị ấy vuốt ra dài thành ba cây kèn, để vào ba cảnh đại tự là : Dzêsbung, Séra và Galden. Kế đến chỗ, ngày kia ban ngày Hậu tổ ngồi nhập định, có một con quạ bay lại đậu trên vai kêu, thì ngài nói ấy là tin mẹ ngài đến viếng, bèn lấy tay chỉ trên đảnh núi thành hang có thạch bàn cho mẹ ngồi. Ông Lama già chỉ chỗ ấy trên cao, ai ai đều ngó theo ngón tay lama thì thấy chỗ ấy, có hang cạn có hình một vị đờn bà ngồi, chung quanh đá dựng như vách không đường lên đặng. Kế tới chỗ ngài ăn bột ngọ, xem chỗ ngồi láng cuộn chung quanh đá cục lòn hòn dính nhau màu như bột sadou xám xám, thật lạ quá, bột rớt thành đá… Kế đến chỗ hai cục đá nằm dài hình như trâu li, nói rằng cặp trâu của ngài lúc từ giã Khampa qua Lhassa. Sử tích ấy sau sẽ thuật. Kế đến chỗ ngài thiền định, bị ma vương xô đá, xeo đá ngã lăn, nhưng không chận ngài đặng, ngài biết nếu để tới cục đá lớn nhào xuống triền, thì mất chỗ trụ các đá trên đảnh phải nhào theo thì chùa sập ngã theo phía bắc đó. Ngài bèn chú niệm dĩ Phật lực kề vai chỏi tay chống ngăn cục đá đó lại, dấu bụng và tay còn y đó, sau tăng chúng lập miễu nhỏ trên cục đá ấy làm kỷ niệm, huynh đệ đồng theo chơn hướng đạo vào miễu đảnh lễ và cúng tiền dầu, có hai ông đạo lama thường ở đó. Có lên cốt ngài để thờ tại miễu. Rốt rồi, Samdhen chỉ hai lỗ tại cục đá phía trong miễu cho bần đạo xem và nói : hai tay Hậu tổ quấu vào đá kéo lại. Bần đạo bèn rờ hai lỗ ấy, lạ thay còn dấu bốn ngón tay ở trong lỗ, còn một dấu ngón cái ở ngoài, trải 2.000 năm mà còn y nguyên. Bần đạo ngẩn ngơ tư tưởng rằng : Đá cứng mà sao có dấu đặng, y như tay thọc vào đất mềm vậy. Đoạn hướng đạo đi ra, huynh đệ đồng theo, đến chỗ ngài lấy đá làm thuyền đi khi nước ngập, cục đá vẫn giống như chiếc đò da đời giờ tại xứ Tây-tạng, tới chỗ ngài chỉ cho chư lama rằng : Đó là tam tạng kinh ngài làm rồi sắp đó. Xem ra đá chồng in như kinh Tây-tạng trong một tấm vách đá cao ước 100 thước, lớn ngang ước vài trăm thước, đá nứt từ lớp từ chặn y như từ cuốn kinh sấp chồng nhau vậy. Samdhen rằng : Ngài có mắt thánh, xem là kinh, còn chúng ta còn phàm tục, tu chưa thành thục nên xem ra là đá. Ông lama hướng đạo nói : Nơi nào ngài ngồi cũng có sử tích, ngài biên vào lịch sử của ngài, di tại đại điện. Đoạn đi thẳng qua xóm con buôn, quẹo lại chỗ miễu nhỏ, ngó ngay qua chùa. Trong có ba tượng rằng : Sơn thần miếu, nói trước khi đức Sungapa tịch diệt ba ngày, thì ngày đêm phía nầy có luồng gió thổi qua chùa, trong gió có tiếng nói : Thượng-tọa Thánh-tổ tiền Thích Ca hậu Sungapa sẽ tịch diệt. Đoạn lên theo đường hẻm cách 100 thước tới đường bằng, con buôn che trại vải buôn bán đủ vật, nội hóa và ngoại hóa. Đi dọc xem, Sonnam đi sau với Bần đạo bỗng gặp lama quen dừng bước nói chuyện, lâu quá, bần đạo thừa dịp chờ huỷnh xem họ buôn bán, thấy phần nhiều đồ Anglais lung, còn nội hóa chỉ có vải sồi chút ít. Kế mượn Sonnam mua một cái hộp quẹt. Huỷnh vát hất tuông vào trại quán, đi đá nọc cột dây chằn, trại tróc lên, làm xê một mé trại vải, cô chủ quán cự và bắt đóng nọc lại. Bần đạo đứng xem và than : tiểu nhơn láo táo vô ý dường ấy thiệt khổ quá, đã mặc áo Lama mà không đĩnh đạt, để cho đờn bà không cung kỉnh y phục nhà đạo. Đóng nọc thẳng dây chằng rồi, huynh ra trao hộp quẹt cho Bần đạo rồi đi thẳng lại chỗ Samdhen đang đứng chờ. Sonnam tới, huỷnh rầy quở rồi cùng nhau đi thẳng về liêu ngụ. Đến nơi thì 12 giờ rưỡi, trà bột ăn ngọ rồi lo sắp đặt hành lý đặng về Lhassa. Ba giờ trời mưa đi không đặng. Sai Isess che dù đi bắt con dê con và trả tiền công nuôi mấy ngày. Bốn giờ có một vị lama đưa đi và mang giùm valise. Đi qua khỏi chùa 100 thước, tới đường quẹo dưới triền, dừng bước cho Sonnam thay y phục thế gian, trả đồ lama cho huynh đi đưa đó. Kế Isess đi tới, bọc con dê con trong áo, kế Choundouss xách bình Lạc nhũ tới, hiệp nhau đi qua chùa nhỏ cách đây sáu ngàn, bảy ngàn thước, 7 giờ mới tới chùa, bần đạo hỏi tên thì Isess rằng Lốt-trắc Bumpa, 7 giờ nhưng ở núi trời vẫn như 6 giờ còn sáng, xem ra là cái Tháp xây bằng đá, chớ không phải chùa, cận bên đó cất nhà cho lama ở giữ tháp. Vào đó, thì lama từ tiếp rước trải đơn đặt tợ mời ngồi, một cô đầu bếp đem trà cho huynh đệ giải lao. (Lúc dọc đường trời mua rỉ rả, Isess cằn rằng và nói với Bần đạo rằng : Samdhen gấp đi quá, để sáng đi cũng đặng. Ngủ nghỉ trà nước tại Galden tốt quá, tối niệm kinh cũng quí, qua chùa nhỏ làm gì bây giờ cực khổ, có đờn bà chớ có cái gì quí.) Khi thấy cô đầu bếp thì bần đạo trực nhớ những lời Isess nói. Thiệt vậy, tới nơi, hai huynh đệ tôi dùng trà, còn bốn huỷnh ở dưới bếp uống xăng, nhứt là Choun-douss và Issê mê mết với cô đầu bếp ấy, uống xăng tới khuya, mới hết cười giỡn. Đồng ngủ thẳng giấc.

Ngày 4 Aouât 1936 – 18-6-â.l.

Thức sớm ra suối nhỏ rửa mặt, đoạn vào điểm tâm trà vài chén rồi đi nhiễu tháp. Thấy một tháp lớn ở giữa, còn hai tháp nhỏ bên tả, hai cái nhỏ bên hữu, trước tháp lớn có xây một tấm tường đá, giữa tường có xây cái điện nhỏ, có chạm hình Tổ sư vào đá. Samdhen rằng : Tổ sư khi còn sanh tiền tên là Nămkhá Gialsanh, ngài tu hang khi tới đây áo không bâu, ngồi đây mà tịch diệt. Chỗ nầy thường chư Lama các chùa thường đến nhiễu tháp, có kinh của ngài để lại. Chốn nầy linh lắm. Tổ sư phù hộ kẻ nhiễu tháp, trong kinh nói, đau thứ bịnh chi đến đây cũng thuyên giảm. Trong tháp có hộp đựng tóc, xương và y phục của ngài. Nhiễu bảy vòng, vào điểm tâm thì lúc ấy Lama từ lên mời ở lại một ngày, thuận tình. Tám giờ có hai cô tới, một cô Kalimpong chủ tiệm bánh quen trước, còn một cô cao lớn đen đúa ở Calcutta mới biết lần nhứt nầy. Vào chỗ ngụ, Samdhen tiếp rước nhượng đơn nhượng tợ phía Isess nằm ngồi cho hai cô, trà nước giải lao rồi, hai cô đi lễ tháp, cách họ lạy nằm dài dưới đất, giáp vòng rồi vào nghỉ. Trưa ngọ bột với canh rau, ăn rồi ra ngoài kiếm đặng một tấm bảng đá ardoise,(1) bèn đem vào lấy mũi dao chạm tên tự di lưu tại tháp. Chiều nhiễu tháp rồi tối nghỉ. Không chi lạ hơn là các huỷnh cả ngày ở nhà bếp uống xăng, Sonnam say xiêu tó ngả ngớn. Samdhen cùng hai cô đàm đạo, lo làm quen cùng cô Calcutta vì cô là người hào hộ, phòng ngày về Calcutta tạm ngụ nương cậy… Tối lại huynh Samdhen muốn nhượng đơn cho hai cô và gia quyến cô nghỉ. Song hai cô từ rằng : Thầy và ông sư (là bần đạo) cứ việc nghỉ đó, chị em tôi nội đơn nầy đủ rồi và bọn tùy tùng đều có chỗ, không hệ chi.

Ngày 5 Aouât 1936 – 19-6-â.l.

Sớm điểm tâm rồi 7 giờ từ giã Lốt-trắc tháp, kỉnh tiền cho Lama từ rồi ra lễ tháp từ biệt lên đường, hai cô đi ngựa, còn đang gác yên, bọn tôi thả bộ đi trước. Hôm qua đi giày cao-su, cấn đá, nên đau cái gót bàn chơn mặt, bần đạo ráng đi cà nhắc theo họ, đường đi cũng dễ, nhờ qua ít cái suối, nước lạnh quá làm cho cẳng bớt đau, lần hồi tới 10 giờ, thì hai cô đi ngựa đã đi kịp, bèn chào và đi trước. Bọn gia quyến đi bộ sau với huynh đệ tôi. Tội nghiệp có một con nhỏ con của cô ở theo, đi đường rên mỏi như séo, réo kêu má mãi. Lần lượt cà nhắc, nhiều lúc vấp đá đau thấu ruột, ráng theo các huynh, lên đèo xuống ải, trải suối qua đầm 4 giờ đi tới Đê xanh vào nhà ngụ, cô chủ chào rước vào đơn. Isess lo nấu trà, mua trước một bình xăng, các huỷnh giải lao. Trà thục rồi, Samdhen và bần đạo mới uống và ăn bột với lạc khô. Tối nghỉ vì mỏi mê, cẳng ê đầu nhức, trọn đêm bần đạo ngủ vùi.

Hai cô Kalimpong và Calcutta cùng gia quyến cũng đồng đi Lhassa. Hai cô cỡi ngựa đi trước, tới Lổ-trắc ở nhà ngụ khác.

Ngày 6 Aouât 1936 – 20-6-â.l.

Sáng thức sớm điểm tâm trà bột rồi 6 giờ rưỡi mang hành lý đến bến đò cách chợ 2.000 thước. Đến bến chờ đến 8 giờ rưỡi mới xuống đò da, đi về Lhassa, đò trải qua chỗ cạn chỗ sâu, chỗ nước chảy như cắt, chỗ nước vận bình bòng, chỗ hẹp như rạch nhỏ, chỗ hà lản như sông to, chỗ bị hàn nước đổ ầm ào, nổi sóng thấp cao. Lần theo dòng nước, đò lần lượt xuôi dòng. Mười hai giờ đã tới bến đò Lhassa. Đường bộ đi hôm nọ cả ngày, nay về đường thủy trong ít giờ đã tới, đó là nhờ nước xuôi đổ về Lhassa. Lên bến về nhà ngụ, Choundouss đã đi đò về trước nên sửa soạn rồi. Có huynh đầu bếp giúp nấu trà rồi. Về tới tọa đơn uống trà giải lao rồi ăn ngọ bột với cải bông trộn salade, cải chua của đầu bếp hộ, rồi tráng trà ngọt. Đầu bếp lăng xăng han hỏi, chùa Galden thế nào ? – Rằng, tốt lắm, quí lắm. Tối nghỉ, ra ngoài ngủ vì ở trong bỏ mấy ngày, rệp đói chích quá, cả đêm tuy lạnh mà không hay ngủ vùi tới khuya, thức tiểu, thì rờ lớp mền ngoài sương sa ướt mẹp. Ngủ đến sáng.

Ngày 7 Aouât 1936 – 21-6-â.l.

Điểm tâm bột và cải bông xào rồi. Trời mưa rỉ rả, Samdhen bị dột mưa, chạy vào liêu tạm nghỉ, đọc kinh mơi, bần đạo ra ngoài ngồi, huynh đệ họ chuyện vãn lăng xăng, bỗng kêu bần đạo rằng : Thầy cho tôi mượn 15 rupee đặng tôi có việc dùng đem lại Quan lớn, đặng chăng ? Bần đạo rằng : Tốt đặng. Trời cứ mưa riết cứ mưa hoài Samdhen sắm sửa hoài mà đi không đặng. Vào đơn ngồi tụng kinh. Choundouss và Isess lấy kinh ngồi trước cửa sổ tụng reo tuồng như tụng kinh cầu bớt mưa vậy. Kế chập lâu, tụng kinh rồi Samdhen nhắc sự mượn tiền, bần đạo nói, tiền lẻ không còn, bèn móc giấy 100 rupee trao cho huỷnh, huỷnh bảo Choun-douss đem đổi… Huynh trăm lia với bần đạo rằng : Để sau tôi mua y phục lama, bình bát, trượng mão, giày cho thầy, tôi lo đủ món cho thầy, đoạn hối Sonnam kêu Isess, Issê rót trà cho bần đạo lăng xăng ân cần. Hai lần rồi, bần đạo biết ý, lúc ở Ghoom hết tiền cũng vậy, lúc ở Bhutan cũng vậy, hết tiền thì tỏ lòng ân cần thết đãi đặng mượn bạc. Bần đạo thấy vậy cũng thương đời sống vì tiền. Trưa bần đạo lo trộn salade, nửa cái bông cải còn lại hôm tuần rồi của Đầu bếp hộ, lúc đi Galden cất trong nồi nhôm. Nay về lấy ra còn tươi chong nhờ xứ lạnh, trộn với cải chua ăn ngọ. Các huỷnh đồng ăn hùn, bần đạo hộ mỗi vị một dĩa nhôm nhỏ. Ăn khen đẹp miệng. Lúc Choundouss đổi bạc về thì bần đạo còn đang xắt cải. Samdhen sai đi mua đồ. Ăn ngọ rồi, Sam-dhen trao cho bần đạo 40 rupee giấy bạc Tây-tạng, gói trong giấy, bạch rằng : Đây thầy cất 40 rupee nầy đừng xài tới, còn 10 rupee là năm tấm giấy bạc 2R Tây-tạng đây thầy bỏ túi xài. Trăm lia, ân cần căn dặn như lời bảo trẻ nhỏ, bần đạo nực cười trong dạ, ừ chừng. Huỷnh nói còn 30R nữa mai sẽ đem lại đưa cho thầy. Đoạn Choundouss đem beurre về, hai thầy trò chuyện vãn rồi nói với tôi rằng : 4 rupee beurre đó. Samdhen nói : Chiều nay đi chùa có beurre sẽ đổ vào đèn đem vào chùa chế mỗi điện cúng dường. Bần đạo trả cho huỷnh 4 rupee mượn đi Galden. Đoạn 4 giờ rủ đi hành hương. Bữa nay đi tới cửa chánh chùa, để ý dòm lên mới thấy tấm biển chữ Tàu treo trên, đề bốn chữ : phước tư vạn hữu , vào tới cửa nhì là biển : “Tây Trước Chánh Tông” thấy lúc trước. Lúc mới đến ngốp mặt đi cứ ngó ngay nên không thấy, nay quen mặt dòm cùng. Vào cúng dường các điện y như mấy kỳ trước, tiền dầu cầu phúc cho Đàn-na trong các điện. Trở về tới khúc quẹo mua 1 trăng nga bánh bột-chiên, Choundouss nói, thầy thấy bánh cũng mua in như con nít nhỏ đòi ăn, bần đạo rằng : Không hiểu bánh ra sao, mắc rẻ, mua cho biết. Đem về tới nhà ngụ chia cho các huỷnh và vợ chồng đầu bếp với hai con của huỷnh, bần đạo còn tấm giấy không… Cười ngất. Đầu bếp mời uống trà. Hoan hỉ ! Tối nay ngủ trong, trải lá lót trên hai cánh cửa làm đơn ngủ, bỏ chỗ cũ trống, khá, rệp không có nghỉ êm. Khuya thức đi tiểu thì trời mưa rỉ rả. Samdhen ngủ lì mặc tình dột ướt.

Ngày 8 Aouât 1936 – 22-6-â.l.

Sớm lo điểm tâm, sữa nấu với đường đỏ mượn mua hôm qua, ăn bột khô. Bữa nay Isess thức trưa kêu ba quận mà còn dụ dựa, nên nấu trà trễ vì bần đạo đợi lò trống đặng nấu sữa đường, bỗng có đầu bếp qua thấy sữa trong xon nhôm với đường đỏ, ngỡ trà sữa, hỏi trà ngon không ? Thừa dịp, ý muốn đã lâu nên trả lời : Tôi không biết cách nấu trà sữa nên chi bữa ngọt bữa lạt, bữa hôi khói nên không bằng trà của huynh. Đoạn nói : Ý tôi muốn gởi tiền cho cô nấu trà giùm cho tôi uống mỗi ngày. Đầu bếp vui lòng nói đặng. Bần đạo bèn bước qua nhà lấy một tấm giấy bạc Tây-tạng 2 rupee trao cho cô đầu bếp nói : Tiền nầy cô cất mỗi ngày mua sữa, đường nấu giùm trà. Cô nghe tiếng đặng tiếng mất, huynh đầu bếp nói lại, cô bèn hiểu, vui lòng cất tiền. Trưa lại ăn ngọ, bần đạo có mượn Issê Sonnam mua cải chua về chiên ăn với bột nhồi. Ngọ rồi, lo nghỉ trưa vì xác tục bị mấy ngày đi đường mỏi mê, 2 giờ thức dậy lo viết nhựt ký. Trọn ngày lo viết. Bốn giờ huynh Samdhen lên rầm nhà kêu bần đạo lên xem chư Lama cúng dường ngoài đồng cỏ gần đó. Bần đạo ngừng viết, chìu ý lên rầm xem, một tốp Lama đứng một hàng, có Lama cả tụng kinh chú niệm đứng trước, chư Lama sau cầm trống và chập chỏa với hai cây kèn dài. Inh ỏi trống kèn cúng dường, ấy là một cuộc xô giàn vì thấy một cỗ bánh sadou dựng trước đó, cúng rồi bó rơm nổi lửa đốt. Samdhen nói : Quan Thừa tướng cúng dường và Lama cả đó ở nhà gần bên dinh quan, là em của tiền Quốc Vương Tả-lê Lama. Hèn chi hổm rày nghe đàng dinh Quan kèn trống chập chỏa inh-ỏi, trước khi đi Galden, lúc về hôm qua còn nghe cúng dường, bữa nay xô giàn rồi việc. Y như Nam Việt cúng dường làm chay nhỏ. Xem lối năm phút thì rồi. Xuống thang, vào đơn lo viết nhựt ký. Samdhen khi qua nói còn 30 rupee, bữa nay sẽ có, mà cả ngày không thấy, nhưng cũng không nói tới. Bần đạo cũng không nhắc để xem cử chỉ tình ý cư xử của huỷnh thế nào.
Sai-nha đằng dinh Quan lớn sai đem beurre và trà hộ nội bọn.

Ngày 9 Aouât 1936 – 23-6-â.l.

Sớm điểm tâm trà sữa và bột khô, đoạn đi theo Issê hành hương nơi chùa Chô-khăng. Y lệ như mấy lần trước vào lễ bái các điện và dưng tiền dầu chút ít, nghĩ vì mình ít đức nên cầu ở nơi Phật cho Đàn-na có phúc hậu. Lúc trở về ghé mua một cây cải bẹ xanh đặng về nấu canh, qua 11 giờ cúng ngọ và ngồi tợ luôn. Lúc đang ăn ngọ, Choundouss đi chợ về, có mua củi phân bò ít bao, nhưng Samdhen cũng đi chợ chưa về nên không tiền trả phải hỏi bần đạo. Bần đạo bèn luôn dịp ấy xuất 32 trăng nga mua phân củi ấy. Lúc Sam-dhen về trả tiền lại cho bần đạo, nhưng bần đạo từ rằng : phân củi ấy tôi mua. Nghĩ vì mình cũng có nấu chút đỉnh, xử thế cho tròn cho sạch nghiệp trần duyên.

Ngọ rồi nghỉ mùi chút ít, thức dậy Samdhen nói sáu bữa nữa sẽ đi chùa Dzêsbung dự cuộc hát rằm. Bần đạo cũng ừ ừ hoan hỉ. Ôi ! nhập giang tùy khúc chớ biết sao, phận nước lòng sông, lớn ròng cong quẹo, tùy hỉ cho qua. Kế huỷnh khoe hai chai xì yểu mới mua đặng Tết quan Thừa tướng. Còn 50 rupee trong số đổi bạc giấy cent hôm kia thì huỷnh mượn luôn vì không thấy nói tới. Hoan hỉ, để đó còn đó, còn ngày đối đãi hậu lai…

Nghĩ vì, bần tăng lắm nhờ Phật lực, xuôi cho huỷnh đem đi Tây-tạng, muôn điều xuôi xếp, lại đặng nhập Long-thiền đảnh lễ Lama Quốc Vương, đặng vào các tự hành hương, đặng gần Quan tứ trụ, thong thả vào ra, phố phường biết mặt, không trở ngại một điều chi, không bị nhục ném đá quăng gạch như người Anglais kia tự thuật trốn đi Lhassa cực khổ thân hình, tốn bạc ngàn mà làm đầy tớ cho kẻ tùng nhơn Hindou, mướn làm hướng đạo. Cực lực mà lúc đến tới Lhassa chỉ dừng bước đặng có một ngày, rồi sáng ra phải theo vòng binh xuất ngoại. Nghĩ vậy, bần-đạo so lại thân nầy hèn mọn, nhờ Phật lực nên đặng vua quan dân-giả, tăng tục đều hỉ kiến, cho phép các chùa hành hương, khắp nơi thăm viếng. Thì dầu cho tốn hao chút ít thật chẳng phiền, vui lòng nhịn ăn, nhịn mặc để tiền cúng dường cầu phúc cho Đàn-na và xử sự cùng người thi ân cho mình, dường ấy mới sạch nghiệp hậu lai, mới giũ trần bất nhiễm. Có câu : Nhất trần bất nhiễmtham hà thọ. Đều có sự bắt buồn cười là : Huynh Sam-dhen đã ra công khó đi đến Lhassa đặng cầu Quốc Vương Lama giúp sức đặng cất nhà Thiền tại Phật-đà-gia, kẻ công người của, phước hậu hưởng chung, nhưng huỷnh còn đắm sự ăn, mặc quá, thấy vậy cũng thương tâm cho kẻ tiểu-thừa. Tu hành không nên quá bảo trọng kỳ thân, vừa đủ nuôi sống đặng bòn công đức, nhược hữu chư phước thiện hồi hướng chúng sanh đồng cộng thành Phật đạo, ấy mới phải Phật đệ tử. Phật tử chẳng nên môi miếng, tỉ như huỷnh mấy bữa hết tiền, tiện tặn và coi cử chỉ đối đãi với bần đạo rất ân cần bù bặt, bảo uống trà ăn bột, ăn lung, ngủ thì bảo lấy thêm vải đắp lăng xăng, ấy là ý muốn cậy mượn. Làm như vậy một hai ngày trước khi hỏi cậy. Đến bữa hỏi đặng tiền, thì ăn uống phủ phê quên mình là thầy tu… tội nghiệp.

Ngày 10 Aouât 1936 – 24-6-â.l.

Sớm lo điểm trang y phục chỉnh tề, rửa mặt, súc miệng, tay chơn tẩy uế, rồi uống một ca trà sữa, đoạn ra đi hành hương. Khi tới Chô-khăng tự thì để ý coi cả thảy ba từng chùa là mấy điện. Từng dưới cả thảy là mười bảy điện trong và ba điện ngoài. Trước hết điện Tổ sư Lama, kế điện Phật tổ Thích Ca, kế đó là điện chư Long-thiên Hộ-pháp Bồ-tát, kế đó là điện chư Bồ-tát kiểu Tây-tạng, kế đó là điện lớn thờ. Trong là tượng Phật tổ to lớn, sau bàn chánh tượng Phật tổ nhỏ ngồi sau lưng một tượng Bồ tát áo mão mỹ lệ nghiêm trang châu ngọc, điện chạm rồng sơn son phết vàng pha lê lưu ly, ngọc thạch gắn cùng, đèn lưu ly lớn nhỏ để dài phía trước toàn bằng vàng và bọc khảm bông vàng. Chung quanh là chư vị Bồ-tát tượng đứng, có hai vị Long-vương Hộ-pháp đứng hai bên gần cửa điện. Trước cửa điện có bốn vị Tổ sư Lama, có treo hai bên bốn, năm cái tiểu chung. Hỏi ra là : Phật tổ hậu kiếp giáng sanh vị Bồ-tát Quốc-vương tại Lhassa nầy, nên gọi Thích Ca nhứt thể. Chỗ nầy thiện nam tín nữ, tăng tục hằng bữa tới cúng dường lung lắm. Đi khắp các điện thì duy có điện nầy là lớn hơn hết. Thường có ba ông sư Lama hầu sự tại điện. Có mâm cúng tiền, một vị lama ngồi phía hữu trong góc trước điện, cầm tịnh bình hầu rót vào tay mặt đàn na chút tịnh thủy gọi ẩm phước cam lồ. Một vị đứng trước hàng đèn và bông hoa lễ vật, đặng tiếp tô-du và lễ vật, một vị ngồi dưới một cái ghế phía tả tay cầm tịnh bình cúng chư Bồ tát và một tay cầm cái mâm cỗ cúng tiền cho đàn na tùy hỉ và cũng rót vào tay đàn na chút nước cúng rồi trong tịnh bình ấy. Đàn na hữu nhiễu rồi ra tới vị lama nầy là hườn tất. Đoạn tới điện đức Phật mẫu Chuẩn-đề, tới điện Tiền Tả-lê Lama vân vân… Các điện sau đó cũng là điện Phật-tổ, Tổ-sư, Long-thần, Hộ-pháp, Bồ-tát. Từng nhì cũng vậy, ban đầu là điện Tổ-sư, kế Phật-tổ, kế Long-thiên, đoạn tới điện Phật-mẫu, chỗ nầy thiện nam tín nữchư tăng hay đến cúng đông lắm, có gần bên điện một căn trù phòng, có để sẵn xăng trong bình cây, đặng cho Đàn na thỉnh lại điện cúng dường, rồi tùy hỉ từ 1 yogăng (là giá một bình xăng) đổ lên tùy ý trao tay cho ông sư hằng ở tại điện lo tiếp lễ cúng và tụng kinh cúng dường. Rốt hết là điện Long-thiên, Hộ-pháp, thường có bốn, năm sư Lama ngồi trước tợ phía trước điện kinh kệ cả ngày và hầu tiếp lễ cúng bằng tiền. Đoạn lên từng thứ ba có một chỗ rầm trống có xây tháp hương cho Đàn na thiêu hương vì tục Tây-tạng, không có đốt hương cắm trong bàn Phật như xứ Annam có lư để sẵn trên bàn điện, có chỗ riêng trống trải ngoài trời trống để đốt hương, trầm, tóc, lá mộc bá, lá thơm tùy hỉ, và bột sadou, lớp đổ vào lò hương, lớp đổ chung quanh, rồi rải gạo quanh rầm chim chóc hưởng hậu (nhứt là tại điện Phật-mẫu, chuột lắc cả trăm, bò láng trên điện ăn gạo cúng, uống tô-du mập tròn và tại điện chót Long-thiên cũng vậy).

Đoạn đốt hương rồi, lại nhà trù lấy xăng đem lại điện Phật mẫu, hai điện thờ Tổ sưQuan âm, cũng có thầy Lama tiếp lễ cúng. Tới đây hết, quanh lại thang xuống, quanh qua bên tả chỗ đốt hương, xuống thang đi cúng xăng nơi điện Hương vân Bồ tát, gần đó phía tả của điện có lò hương cho Đàn na đốt hương. Chỗ nầy thường có kẻ bần nhơn ngồi trước và dưới lầu chực của bố thí. Cúng rồi chỗ nầy là hết ra cửa đi ra phường buôn, đi thẳng lại chùa nhỏ, chỉ có một chỗ Tổ sưHộ pháp, vào cúng tiền xăng rồi ra về luôn. Lúc về ghé mua 1 yôgăng khoai lang tây chín về chấm muối ăn điểm tâm. Trưa lại cúng ngọ với cải bẹ xanh xào với bột sết-sết. Ăn rồi lo đi xuống sông giặt đồ. Chiều Samdhen rủ đi dạo phường rồi vào nhiễu chùa,đi chung quanh xem các lớp vẽ trên vách tích Phật tổ và tích tại Kỳ-thá-quất-sơn, Nalanda. Cách vẽ thiện nghệ lắm và vẽ bằng màu dầu. Chung quanh chùa có ống lục tự Quan âm cho Thiện-nam tín-nữ quây gọi là chuyển pháp luân. Xong ra cửa chùa vào điện Phật mẫu lễ bái. Đoạn Samdhen rủ vào chùa thì bần đạo từ chối vì mang giày da đóng cúc vào chùa bất tiện, Sonnam cũng vậy. Huỷnh thấy hai, ba phen từ hẳn, bèn bảo : thôi ra ngoài chơi đợi huỷnh. Ra chùa, bảo Sonnam ở trước sân chùa đợi, bần đạo về luôn đi vòng quanh phường về thẳng nhà ngụ. Sáu giờ huỷnh về tới hỏi sao không đợi về một lượt cho vui, về một mình rủi đi lạc mất ắt khó cho tôi phải thường mạng cho hội Đại-bồ-đề, nói cợt rồi cười xòa. Tối kinh kệ rồi nghỉ.

Ngày 11 Aouât 1936 – 25-6-â.l.

Sớm cũng như hôm qua, trà một ca rồi cùng Issê và Choundouss đi hành hương, hai huỷnh ra cửa rồi còn vô lấy tiền, bần đạo đi luôn một mình riết tới chùa, vào điện Tổ-sư lễ Tổ, đoạn qua điện Phật tổ vân vân… Hai huỷnh đến đây theo kịp, đồng đi hành lễ các điện. Xong rồi qua chùa nhỏ cúng tiền xăng rồi bảo hai huỷnh về luôn, một bần đạo trở lại mua hàng bông. Choundouss rằng : Thôi để tôi đi theo mua cho dễ. Cám ơn, tôi mua đặng, hôm qua cũng đi một mình và biết nói chút ít, họ hiểu, thôi hai huynh về trước. Đoạn đi quanh lại đường hẻm, lối 100 bước gặp Samdhen và Lại quan thơ ký cùng đầu bếp với Isess đi đâu về không rõ, hỏi tôi đi đâu ? – Mua hàng bông, Samdhen bảo Isess đi theo mua giùm. Bần đạo rằng : Thôi, một tôi cũng đặng vì biết mua, hai, ba lần từ chối, họ cười rồi đi về. Bần đạo thẳng lại cô bán rau quen, đã có mua một lần, lại mua hai cây cải bẹ xanh và trắng giá 1 yogăng, đoạn về ghé quán mua 1 yogăng khoai lang tây chín rồi vòng qua đường hẻm ngay cầu về nhà, đi lại tiệm bánh mua 2 trăng nga bánh in China. Về ăn khoai chấm muối ớt điểm tâm, Samdhen thấy về vào đơn bảo : Thầy lấy bột ăn. – Rằng có khoai lang đây, huỷnh bảo Sonnam đem tương ớt vào bảo ăn. – Rằng có ớt trái rồi. Họ trăm với nhau, ý nói bần đạo từ hôm qua nay không ăn bột, mua khoai lang ăn. Đoạn sắp khoai cúng dường tiểu trai rồi điểm tâm. Trưa lại lo xắc cải nấu như hôm qua nhưng không bỏ bột. Samdhen bước vào lúc đang xắc cải thì huỷnh bảo xào với cải chua đây, huỷnh để cải chua trên tợ, ấy là cải mua khi nãy họ ăn bột với cải ấy còn dư. Bần đạo ừ chừng chớ không dùng, vì đồ nấu sẽ còn trước cúng dường, nên không dùng đồ dư của họ. Đoạn tới lúc nấu rồi, huỷnh vào bếp dở vung xem với đầu-bếp cũng có đó. Đầu bếp rằng : Không tốt, để tôi mua giùm cải bắp tốt lắm. – Cám ơn, đặng vậy quí lắm. Đoạn rồi việc, nhắc quánh vào đơn, lo cúng ngọ, tội nghiệp Samdhen bảo lấy bột cho bần đạo ăn ngọ, thì bần đạo rằng : có bánh China đây (parlếp) bữa nay tôi dùng bánh, không dùng bột. Huỷnh nín thinh bảo chi cũng không đặng, xem họ không mấy vui, trà không dùng, bột không dùng, chỉ dùng riêng. Ngọ rồi, bần đạo nghỉ sơ lưng, đoạn 1 giờ ra ngoài xem Samdhen cùng Choundouss Isess đánh hột theo Tây-tạng. Mỗi người chín đồng tiền đặt cấp theo số hai hột lúc lắc đã đổ, có 59 con ốc để làm số đặt tiền, ai nhảy cấp mau, trọn số chín đồng tiền thì ăn. Kế một chập Samdhen thôi, hai huynh kia đổ nữa, Samdhen rủ đi dạo phường nhiễu tự như hôm qua. Bần đạo từ kiếu.

Ngày 12 Aouât 1936 – 26-6-â.l.

Bữa nay không tiền lẻ, nên không đi chùa, để một mình Issê đi. Điểm tâm trà sữa và bánh China. Đoạn một chập sắm sửa đi chợ mua vật thực. Bỏ cái son nhôm nhỏ vào túi dết, xách đi cho tiện. Đi ra tới đơn của Samdhen, có huynh đầu bếp ngồi đó, thấy bần đạo xách dết, hỏi đi đâu ? – Đi chợ mua hàng bông. – Thôi ngồi lại đây, để tôi hộ bắp cải, đừng đi, bèn kêu vợ bảo đi lại nhà bếp đằng dinh, lấy một bắp cải. Cô đi. Đoạn huỷnh nói với tôi rằng : Đừng đi một mình không tốt… nói tới đó huỷnh không biết nói Hindou nhiều, nên day qua Samdhen trăm tiếng Tây-tạng, Samdhen cũng trả lời bằng Tây-tạng rồi day nói với bần đạo rằng : Tôi bảo thầy đừng đi chợ một mình vì xứ nầy có thứ người hì hợm, biết ai lạ biết có tiền thì nó theo kéo niếu xin tiền, mà xin chẳng ít bốn, năm chục bạc, không cho không thả, tôi có bị rồi một phen cho nó 5, 7 săng mà còn không chịu. Thầy không tin tôi, bây giờ đầu bếp nói đó y như lời tôi nói… Bần đạo nghe qua lấy làm bất bình cho xứ, tiếng gọi đất đạo Phật, sao còn thứ dân hèn mạt ấy. Huỷnh có bảo đừng đi một mình, chớ không có nói sự người xấu ấy. Bần đạo rằng : Có tiền thì cho bằng không thì thôi… Phải, xứ bên Tàu cũng có một thứ người, rình kẻ có tiền đi chỗ vắng lơ thơ một mình thì bắt đem dấu trên núi trong rừng, rồi bảo viết thơ cho thân tộc đem tiền chuộc bằng không thì nó bỏ khát bỏ đói. Chuyện vừa dứt cô đầu bếp ôm bắp cải về trao cho Đầu bếp, huỷnh bèn hộ cho tôi… Cám ơn huynh, bắp cải quí quá, lớn và nặng quá. Kế đó huynh đầu bếp đi lại dinh, Sam-dhen đi xóm, bần đạo muốn đi chợ, cô đầu bếp nói Choundouss thông ngôn : Để cô đi giùm cho, bần đạo thấy tình hai vợ chồng ở bù bặt quá, nên cũng thuận tình nói : Tốt lắm. Bèn lấy giấy bạc 2 rupee trao cho cô rằng : Không có tiền lẻ đủ, vậy cô mua giùm bánh China (parlếp) mua 3, 4 trăng nga cho họ thối và mua giùm cải chua với hành. Cô bèn đi, chập lâu về, trao tiền 44 trăng nga, mua hết 6 trăng nga (4A). Bần đạo bèn lấy cải bẹ xanh còn lại nửa cây xắc nhỏ và thêm ít lá cải bắp xắc, xắc một tép hành và một mớ cải chua, ớt, trộn salade cúng ngọ với bánh, xong ngồi ăn ngọ luôn. Ăn rồi lấy dĩa sắp ba bánh in hộ Samdhen, hai bánh cho cô đầu bếp, một bánh cho Issê. Chiều như lệ.

Ngày 13 Aouât 1936 – 27-6-â.l.

Sớm điểm tâm trà bánh, đoạn xem kinh, trưa cúng dường ngọ bột và cải xào. Ngày không chi lạ, chỉ lo phận sự là rồi ngày.

Ngày 14 Aouât 1936 – 28-6-â.l.

Sớm điểm tâm bột với cải xào bún. Đoạn mượn cô đầu bếp mua giùm : bún, dầu, savon, hộp quẹt và thuốc hết thảy là 18 trăng nga. Đưa 2 rupee giấy, thối lại 32 trăng nga. Choundouss mượn 10 trăng nga. Trưa ngọ cúng dường bột không với trà rồi ăn ngọ với cải dưa còn dư. Nghe Samdhen bàn luận ngày mai sẽ đi Dzêsbung đặng dự cuộc hát mặt nạ tại chùa, ý bần đạo không hạp sự hí kịch, nên trọn buổi chiều trùm mền cáo bịnh, vì bị ăn bột sình ruột. Tối lại, Samdhen thấy bần đạo nằm cả ngày, cho rằng đau bụng, huỷnh lo lắng lắm, lấy hương xông tẩy uế, coi cử chỉ huỷnh lo giùm thì cảm tâm quá. Đoạn bần đạo nói : bây giờ bớt rồi thì huỷnh với đầu bếp mừng vui. Samdhen rằng : Thầy đau tôi buồn quá và lo sợ hết sức. Thầy đi đến Lhassa chỉ quen với nội bọn. Thôi, tứ cố, thầy mạnh khỏe, anh em tôi vui, thầy đau thì như cả thảy đau. Cả đêm an nghỉ…

Ngày 15 Aouât 1936 – 29-6-â.l.

Sáng dậy nghe trong bụng hơi chứa no dẫy, ngồi vuốt chà bụng một hồi rồi đi ngoài, vào nhẹ nhàng trong ruột, nhưng mỏi mê cả mình mẩy. Uống hai chén trà sữa rồi nằm. Samdhen và đầu bếp hỏi bớt chăng ? – Bớt, nhưng nhức mỏi lắm. Bảo : Ăn chi không ? – Không, bụng không tốt, vỗ bụng bình bình cho họ nghe, họ hết bảo ăn. Đoạn huynh Samdhen rằng : Hôm qua tôi lo sợ quá, nếu thầy có gì thì tôi lúc trở lại Phật-đà-gia, biết nói với hội Đại-bồ-đề làm sao ? Thầy rán ăn chút đỉnh mai đi Dzêsbung chơi. Còn hai chùa tại Dzêsbung chưa hành hương, sẵn dịp đi cho hết vì năm cái mà khi nọ đi có ba. Bần đạo rằng : Không sao, tôi đau bớt rồi ở nhà nghỉ, còn chư huynh mai đi cũng đặng. Samdhen rằng : Thầy không đi, thì bọn tôi cũng không đi, ở nhà cùng thầy, nếu bỏ thầy mà đi, thì Quan Thừa tướng hay đăïng ắt trách bọn tôi không hết lòng cùng thầy, vì tôi khi mơi lại viếng Thừa-tướng có nói chuyện thầy đau, ngài chắc hít thương thầy…

Bần đạo thấy lòng huỷnh ân cần tưởng đến, thì lấy làm thương, bước ra ngoài đơn huỷnh ngồi đàm đạo giây lát. Huỷnh nói hôm qua Lama Lađặc thiền chủ tới đem chai dầu ăn, hộ và ân cần mời, mấy bữa trước Lama nhà thiền Trzăng-pá đem chuông và Phật biểu hiệu lại, cũng mời, họ ân cần quá. Bần đạo ngồi chuyện vãn, hỏi thăm qua sự giấy tờ, thì huỷnh rằng xong hết, còn đợi gởi đi các nơi đem tiền đến, thì lãnh số bạc đi. Cả thảy là ba ngàn đồng. Bần đạo bèn kiếu vào đơn nghỉ, uống vài chén trà. Đoạn mượn Issê đi mua 2 yogăng khoai lang nấu, cúng dường rồi ăn ngọ, ăn rồi, kế có tiểu Lama Lađặc tới, đặng mời mai đi Dzêsbung. Samdhen bước vào nói : Đó thầy thấy không, họ sai tới mời nữa. Vậy mai bớt thầy đi, tôi mướn hai con ngựa, tôi và thầy cỡi đi. – Để mai coi trong mình bớt sẽ hay.

Chiều lại Samdhen vào nói : Thôi bãi việc đi Dzêsbung, mai cho Issê đi một mình với Lama Lađặc đặng trả lời hồi kiếu. Mốt lối 9 giờ đi yết kiến Quốc Vương Lama, đặng lo việc của chúng ta cho rồi. Tối lại còn mỏi mê, nhưng nhờ ơn Phật tổ ủng hộ, sở nguyện đã toại, ý muốn đã thỏa, vì đi Dzêsbung dự hí kịch, thật không vui lòng Thích-tử.

Ngày 16 Aouât 1936 – 30-6-â.l.

Sáng nghe trong mình khỏe khoắn như thường, điểm tâm trà sữa, đoạn mượn Sonnam mua giùm 2 yogăng khoai nấu đặng tiểu trai. Issê và Lama Lađặc đã đi Dzêsbung. Samdhen nhắc lại, mai 9 giờ đi yết lễ Lama Quốc Vương (Gia-bô). Trưa ngọ khoai lang nấu với cải xào. Kế đó Sonnam và Choundouss đánh lộn, Samdhen ra đánh la cả hai, đoạn đuổi hết cả hai. Sonnam thì đi Galden, Samdhen cho 2 rupee và bần đạo cho chút ít không ai thấy. Issê về nghe thuật chuyện và thấy Sonnam quẩy gói đi coi bộ mừng vui. Isess cũng vậy. Choundouss đi cả ngày không thấy về. Rủi mà may, hai người đánh lộn xô ngã một cục đá xanh vách rớt gần đầu con của Đầu bếp đang ngủ, đứa nhỏ mới một tuổi. Thiệt phước nhờ Phật đỡ, cách đầu đứa nhỏ chừng một tấc. Samdhen rằng : nếu rủi ro thì bọn ta mang họa, lại lỡ vỡ việc Phật sự cả. Bần đạo xem thấy cục đá cũng ngẩn ngơ. Tối lại không chi lạ.

Ngày 17 Aouât 1936 – mùng 1-7-â.l.

Sớm điểm tâm bánh lạt với trà sữa đoạn sắm sửa 9 giờ đắp y cùng Samdhen, Issê, Isess đem một giạ gạo, đi thẳng đến nhà thiền Quốc Vương. Chờ một chập, có vị Quan-lại bước đến hỏi han, rồi đi bạch giùm với Thượng tọa Lama Thiền chủ hay. Ngài xuống lầu chào hỏi rồi bảo vị Quan ấy dắt đến Long-thiền, giao cho Lama hầu cận tâu giùm. Huynh đệ ngồi phòng trà chờ ước nửa giờ thì có lịnh triệu lên Long-đơn. Samdhen đảnh lễ rồi, kế bần đạo, kế Isess và Issê, mỗi người lại Long đơn dưng anh lạc. Quốc Vương rờ đầu ban niệt điều rồi chỉ đơn trước phán : tọa đơn. Đoạn lịnh Quốc Vương lấy kinh Phật-đà-gia tụng, bốn huynh đệ cúi đầu bắt tay nghe, 15 phút thì xong. Trong khoảng ấy Bần đạo lét xem kỹ lưỡng hơn kỳ trước, vì khớp sợ luật nước người, phần lễ rồi thối liền. Nay đặng 15 phút ngồi hầu thính kinh, nên liếc xem kỹ lưỡng. Long đơn chạm trổ, rầm lót giá tị bản mỏng. Gần đơn có tủ để bình sành Tàu chưng bông, có đồng hồ cẩm thạch để trên, quanh vách sơn vẽ, có tủ đựng hình Di-lặc Tàu, Phước, Lộc, Thọ bằng sành. Xong việc kinh thì Lama hầu mời ba huynh đệ xuống phòng trà, còn Samdhen còn nán lại đặng bạch mọi việc. Trong 15 phút, huỷnh xuống phòng trà hiệp nhau đi về. Bữa nay đi trưa hơn khi trước, nên hai bên phố chợ, họ xem bần đạo và trăm lia với nhau. Lúc về đi vòng phố đường xá phố xá đông đảo, kẻ lạ người quen (biết mặt) thấy đi chợ đã nhiều lần rồi, mặc sức họ ngó, kẻ nói vầy người nói khác. Samdhen thông ngôn lại và cười với nhau. Bần đạo cứ vững tâm đi như thường. Về tới nhà thì có Đầu bếp nói : Quan lớn muốn xem cái máy chụp hình. Bần đạo lấy trao cho huỷnh và ba cái film chụp ảnh rồi Samdhen dành đem máy chụp ảnh đi lại dinh. Chập lâu chừng 1 giờ về đem máy chụp ảnh về và sáu tấm hình nói Quan lớn tặng hai tấm Quốc Vương hai tấm Tả lê Lama và hai tấm nội gia quyến Quan lớn. Chia cho bần đạo ba và huỷnh ba. Thiệt lòng người rất tử tế, lại còn cho ba cái film mới và rửa film giùm. Đoạn ăn ngọ cải xào bún với khoai lang. Qua 2 giờ Samdhen rủ đi xem rước cốt đồng tượng ở phía đường đi Séra-tự. Đến đó thiên hạ đông đảo. Chờ ước một giờ ngoài, thì thấy các quan và chư Lama chừng mười vị cỡi ngựa, có kẻ cầm cờ giáo, mang mặt nạ đi trước, kế các quan nhỏ, kế có một cái hình nộm cốt tướng đồng, sau đó ít vị Lama và Quan đi thẳng đến Potala (đền vua). Có bao nhiêu vậy mà thiên hạ coi chật đường. Về dọc đường Samdhen rằng : Lúc nầy tại Lhassa thiên hạ đau và chết lung nên đi rước cốt đồng Tả lê Lama về đặng trị bịnh cho nhơn dân, cho mùa nầy lúa né ăn không bịnh. Về tới ngõ quan lớn chừng 4 giờ, cô đầu bếp đón nói Quan lớn mời Samdhen, huỷnh đi vào dinh, một chập về bảo bần đạo rằng : Uống trà rồi đi cùng huỷnh lại dinh quan lớn chơi, vì ngài muốn nói chuyện và xem hình rửa đã rồi. Đi cùng huỷnh lên lầu, chào hai ông bà rồi, mời ngồi, ngài lấy ba film chỉ và hỏi Samdhen chỗ nào chỗ nào và nói có bốn, năm tấm xấu vì không rõ (ấy là ảnh Choundouss chụp), đoạn ngài cắt ra từ tấm, bỏ vào bao thơ rồi trao cho Bần đạo. Bỏ túi rồi, ngồi uống trà, đoạn ngài đem ra một tấm hình chùa bên Burma, hỏi bần đạo biết chữ Burma chăng ? – Thưa không. – Samdhen có đi Burma nên biết chùa ấy, nói chuyện và cắt nghĩa cho ngài nghe. Đoạn bà lớn mượn bần đạo xem tay giùm, xem rồi, kế cô em của Quan lớn. Đoạn chập lâu kiếu về. Samdhen nói : Thiệt hai vợ chồng Quan-lớn tử-tế quá. Ngài có hứa sẽ ghi passeport của thầy và đem lên Quốc Vương ghi nữa. Tôi có nói chuyện sẽ đi cùng thầy đến nước Tàu, Nhựt, Annam, Cambodge, Xiêm, thì ngài hứa sẽ tâu Quốc Vương cho passeport và ngài sẽ ghi bằng chữ Anglais cho hai huynh đệ mình đi. Bần đạo rằng : Đặng vậy quí lắm. Samdhen nói : Khi mơi Quốc Vương hỏi thăm thầy, thì tôi đọc chuyện của thầy, nghe qua Quốc Vương khen thầy lắm, và nói tướng mạo của thầy phải kẻ tu hành đắc đạo. Tối không chi lạ, lệ thường.

Ngày 18 Aouât 1936 – 2-7-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm trà sữa bánh lạt, đoạn ở không, xin Samdhen miếng vải, may túi đựng hộp máy chụp ảnh. Trưa ngọ cải bắp xào với khoai, hổm rày không ăn bột, chỉ ăn khoai nấu với bánh lạt, nghe bụng êm ả. Một giờ Samdhen rủ dạo chợ. – Không đi. – Mắc may, may rồi túi đựng chụp ảnh, lại may thêm một cái túi đựng tiền Tây-tạng, vì tiền Tây-tạng lút chút như sous xứ ta. Ngày nay Choundouss về hòa hảo như thường. Không có Sonnam, thì ít sanh chuyện. Bần đạo khuyên Choundouss rán ở nhà kinh kệ vì tuổi 31 (Ngọ) năm nay xấu lắm, e đi ra sanh chuyện buồn. Tháng nầy qua rồi bị buồn thì không đau. Đừng đi ngủ bậy nữa. Khá, ngày nay huỷnh nghe lời ở nhà, tối tụng kinh và ngủ tại nhà ngụ. Ngày nay hết củi phân. Samdhen mua.

Ngày 19 Aouât 1936 – 3-7-â.l.

Nhựt thường lệ. Trà sữa và bột điểm tâm, đoạn ở không, lấy vớ ra mạng mấy lỗ rách và khăn lông. Trưa ngọ bột với bắp cải xào bún, nấm mèo. Chiều 3 giờ đi dạo chợ vì ở nhà mấy ngày rày tù túng. Gặp tên bán dạo sữa khô Tây-tạng (churi) thấy họ mua rẻ, cũng y họ mua 2 trăng nga 22 miếng, lệ quán bán 18 miếng nghĩa là 1 trăng nga chín miếng. Tối lại ngâm nước tám miếng đặng sáng mai thử xào với bắp cải.

Ngày 20 Aouât 1936 – 4-7-â.l.

Sớm điểm tâm bột trà Tây-tạng. Mười giờ Sam-dhen bảo nấu đồ chay, ăn ngọ rồi đi xem hát (tamô) của đức Quốc Vương, hát bốn ngày. Y lời, lo xắc cải bắp, ngâm bún hùn với họ, sẵn họ có nấm mèo ngâm, cho bần đạo chút ít, xắc sữa ngâm, xào chung. Mười một giờ cúng dường với bột nhồi. Sữa khô ngâm, xào ăn nghe cũng đặng, y như mì-căn xứ mình, nhưng có mùi vị hơn, nhưng nay ngâm không đặng mềm lắm, ngày sau sẽ biết ngâm với nước nóng. Đoạn 1 giờ rưỡi đi cùng huynh đệ, đến sân hát cách chợ chừng một ngàn thước. Bần đạo có đem máy chụp hình theo. Đến nơi thì tại nhà ngự, trên ba từng lầu chót (rầm) có che nhà vải cửa vẽ rồng cho đức Quốc Vương ngự có Quan tứ-trụ em của Talê Lama hầu cận. Từng giữa chư Lama quan và quan Thừa-tướng, Nguyên-nhung, Thượng-thơ, một quan một Lama. Từng dưới, Nhứt phẩm, Nhị phẩm, quan lại. Hai dãy lầu hai bên và phía trước ngự hí kịch, lầu là chỗ chư Phu nhơn và các quan nhỏ. Nhơn dân, tăng tục nữ nam lớn nhỏ, lớp đứng lớp ngồi dưới đất quanh hai bên sân khấu. Khi huynh đệ đến đó, thì Quốc Vương đã ngự đến rồi, các quan đều đủ mặt. Samdhen cùng bần đạo, Issê và Isess cùng nhau xúm một chỗ, ngồi dưới đất xem. Muốn chụp hình mà chỗ ngồi bất tiện, nên bần đạo lần hồi mở túi máy, đoạn đi lại chỗ khác, dấu máy chụp trong áo, đứng chỗ ngách ngự lầu và sân khấu đợi lúc lính và quan tuần cảnh đi chỗ khác mới ló mặt hộp chụp ảnh ra, không cho kẻ đứng gần ngó thấy, bèn mở máy cách lẹ làng. Xong rồi, lần đi lại chỗ Samdhen vì sợ lạc. Trời nắng chang chang mà không dám che dù, ngồi lì mà chịu. Bần đạo muốn về nhưng một mình không biết đường, còn mấy huynh kia thì mê mẩn xem, mình không hạp nhưng cũng phải chờ họ. Cách hát múa như con mên, ít người mang mặt nạ, ít người mặt vẽ kiểu Tàu, ít người mặt thiệt, có đào, trên đầu kết bông giấy. Hát một chập rồi múa, có một cái trống lịnh đánh khi múa, dứt trống dứt múa tới hát, cứ bao nhiêu vậy hoài. Có hai người mặc áo, nón kiểu Tàu, hai anh hề. Thật không có chi khoái mắt phàm, hà huống là người tu hành. Bốn giờ lối đó, có bàn vong đức Tả lê Lama đến, phan, cái, kèn trống inh-ỏi, chư Lama mươi người cầm phan, thổi kèn, còn bốn vị Quan lại khiêng kiệu vong, bốn vị Quan-hầu, khi tới cửa, thì có Quan trong ngự lầu và bốn người kép đào ra rước, đến sân khấu đi một vòng rồi để đó chập lâu, đoạn đi ba vòng rồi khiêng thẳng vào ngự lầu, lúc ấy bần đạo muốn chụp hình, nhưng không có thế hướng và kẻ gần vai nhiều nên không dám. Lối 4 giờ rưỡi cùng Samdhen đi về. Ôi đường sá bị mưa, lầy án dơ-dáy quá, về tới nhà 5 giờ. Trà giải lao rồi lo niệm Phật rồi nghỉ. Sáng sẽ hay.

Ngày 21 Aouât 1936 – 5-7-â.l.

Bữa nay điểm tâm phủ phê, bánh mì chiều hôm qua đầu bếp hộ 1/3 ổ để dành mơi nầy xơi với đồ xào hôm qua còn lại. Ăn rồi, hỏi vần Tibet học chơi. Samdhen rủ đi xem hát, từ kiếu ở nhà, vì hôm qua bị nắng quá nhức đầu và xem một ngày đầu cũng đủ biết. Huynh đệ họ đi hết. Samdhen rằng : Bữa nay ngồi trong nhà không có nắng, thầy đi chơi vui, tốt lắm, hay lắm, hay lắm, ngộ lắm. – Huynh đi, tôi xin kiếu. Huỷnh nói : Thôi thầy ở nhà, chúng tôi đi, thầy ra trước đơn tôi ngồi chơi mát mẻ. Đoạn họ đi. Một mình ở nhà học vần Tây-tạng. Chín giờ mượn cô cư-sĩ ở gần, đi chợ mua giùm 1 trăng nga khoai lang nấu (Nimola, sô-dỉ-xê, nga alou gôgiu, sêrăng nhôla đôghêrê. Sô-dỉ-xê). Cô hoan hỉ lấy tiền đi. Một chập về. Mười củ khoai cô nấu còn nóng. Cô Đầu bếp hỏi sao chưa nấu đồ ăn ? – Bữa nay hết cải bắp (longgôbêza) hết hàng bông (xớt-ma) nên không nấu, để ăn khoai lang nấu (alou) cũng đủ, mai (săng-nhi) sẽ đi mua hàng bông. Cô nói, có, có (nga longgôbêza têta doghêing). Cô bèn ra dấu bảo coi giùm nhà, về khép cửa rồi đi lại nhà bếp đàng Dinh, một chập đem về hộ cho Bần đạo một bắp cải. Cám ơn. Cô bảo đi nấu đồ ăn. Cô nhúm lửa giùm. Nga mé tăng sô dỉ xê ngả tăng. Đoạn lo xắc cải với khoai nấu canh. Mười một giờ cúng ngọ rồi ăn với bột. Ăn rồi học vần và tập viết, trọn ngày xong 30 chữ đầu bài. Sáu giờ nghỉ, tụng kinh, niệm Phật. Sáu giờ rưỡi Samdhen xem hát về, họ lo xơi bột. Chín giờ bần đạo nghỉ, họ còn xầm xì chuyện vãn vì có huynh Thiền chủ Lađặc đến ở nghỉ đêm đặng sáng xem hát.

Ngày 22 Aouât 1936 – 6-7-â.l.

Không chi lạ, điểm tâm trà bột rồi lo hỏi thăm thêm ít chữ vần, học mấy dấu. Huynh-đệ họ lo ăn bột rồi 9 giờ họ đi xem hát. Samdhen rủ nữa. Từ quyết. Mười giờ nhúm lửa, nấu chút nước lã, ngâm bún nấm mèo, rồi mượn đứa ở của Đầu bếp đi mua khoai lang. Lo nấu đồ cúng ngọ. Nay cúng dường canh cải, bún, nấm mèo và khoai. Ăn ngọ rồi bèn nói với huynh Đầu bếp, đi giùm lại dinh chụp ảnh Dinh, sẵn quan đi xem hí-kịch dễ chụp, huỷnh hoan-hỉ đem đi lại trước Dinh chụp hai lần ảnh. Đoạn về, lo học chữ Tây-tạng, mấy dấu, chữ khó học, nhưng bền chí cũng phải xong. Khó vì cái giọng của họ trắc trở quá. Cô đầu bếp rót trà Tây-tạng cho giải lao. Bần đạo trù nghỉ cả ngày nay không có trà sữa, chắc số tiền đưa bữa 8 Aouât đã tất, vì đã 15 bữa rồi, 2 rupee là 50 trăng nga, cho mỗi ngày tiền trà sữa 3 trăng nga (2 annas) thì hết 45 trăng nga, tiền lửa củi công cán thì còn đâu. Vì vậy, bần đạo chiều lại đưa thêm cho cô 2 rupee nữa. Nghĩ vì vợ chồng huỷnh có lòng giúp trợ, hộ hàng bông, mua chợ giùm từ ngày trú ngụ tại dinh, nên tốn kém chút ít không phiền, của một đồng công một lượng. Tối 7 giờ Samdhen mới về tới nhà, đoạn rủ bần đạo mai đi chụp ảnh hí kịch, vì hai bữa rồi huỷnh có chỗ ngồi mát mẻ gần sân khấu, không phải như bữa đầu đâu phòng sợ nắng. Còn có một bữa chót, thầy đi chơi. Thôi cũng hoan hỉ, e họ nói mình chê thói tục, lại là hí kịch quốc gia, nên buộc lòng phải hứa đi.

Ngày 23 Aouât 1936 – 7-7-â.l.

Hôm qua hứa đi xem hí kịch, sớm mơi nầy lo ăn lót lòng bột với đồ xào hôm qua, vì biết ngày nay đi nên hôm qua xào đồ ăn lung, để dành tới mơi dùng và chia các huỷnh ăn. Đoạn 8 giờ đi, đến hí kịch lầu thì Quốc Vương chưa ngự đến, lầu dưới các Quan hạ phẩm đã tựu đông đầy. Từng trên Quan thượng phẩm chưa tựu. Issê đã đi trước đặng trải vải ngồi choán chỗ gần sân khấu và hướng tây mát mẻ. Lúc đi tới chợ, đưa tiền cho Isess 2 trăng nga mua giùm bánh lạt, 1 trăng nga đường cát và 1 trăng nga đường phèn đặng đến đó dùng lúc khát nước. Chín giờ Quốc Vương ngự đến, khởi hát, các quan đủ mặt. Khán giả tăng tục lần lượt đến chật, trên lầu ba phía các vị Phu nhơn cũng đông chật lầu. Nay hát cũng có mặt nạ, mặt thiệt, đào, múa hát y như bữa trước không chi lạ. Ngồi gần sân khấu tới 1 giờ thì nắng đã tới, Samdhen bèn rủ đi lại ngồi dưới cội cây cùng thầy ký của Quan Thừa-tướng cũng ở gần nhà ngụ nên biết nhau. Ba giờ bốn giờ lối đó, trời âm cang mát mẻ, kiếu thầy ký lại chỗ cũ ngồi đặng dùng trà, vì Isess đã có nấu nhờ ở trong nhà Lama quen. Lại ngồi uống vài chén trà ăn ít cái bánh lạt. Ôi ! Cả ngày ngồi lì, không đi tiểu đặng. Tới 5 giờ bạn hát dâng lễ hiến Quốc Vương : một bao gạo (một giạ), một cái ngà voi bịt bạc, ba vóc gấm, một cái da beo, một cây cờ giảng, lễ bái hườn cuộc đoạn Quốc Vương Lama đáp lễ : mười bao bột, một vóc hàng bông trắng, rượu xăng và thịt trừu quay. Đoạn sai quan lama và Quan nhơn đem niệt và anh lạc ban cho mỗi kép hát rồi ban cho các chức sắc đại tiểu trong sở tuần cảnh công khó giúp việc. Ban rồi các quan tuần cảnh và sai nha sắp hai hàng nơi sân khấu đảnh lễ Lama Quốc Vương. Đoạn 6 giờ, trên ngự lầu chỗ Quốc Vương ngự quăng anh lạc xuống sân khấu (một đầu anh lạc có cột tiền thưởng) rồi tuần thượng phẩm quan, tới trung, hạ đều quăng anh lạc trắng sâu khấu. Kép hát ra lượm, rồi đi chung quanh ba từng lầu, quyến thuộc các quan Phu nhơn đều quăng anh lạc thưởng. Sáu giờ rưỡi hườn tất. Huynh đệ về tới nhà 7 giờ. Samdhen hỏi ra thế nào ? ¬– Cũng đặng, cũng tốt, cũng hay… chừng nào huynh đi các nước khác xem hí kịch mới rõ, mới so sánh chỗ hay dở, tốt xấu. Bây giờ không biết sao mà nói đặng chỗ tốt xấu, còn hay dở tiếng hát thì không nói đặng, nước nào theo tục nước nấy, chỉ có cách múa men, nhạc và y phục cùng rạp hát tốt xấu, hay dở thì biết đặng nói đặng. Đoạn bần đạo giải lao một chén trà sữa rồi lo tụng kinh rồi nhựt ký sự đã qua.

Ngày 24 Aouât 1936 – 8-7-â.l.

Sớm điểm tâm trà sữa bột rồi hỏi Isess vần học. Samdhen đi lại Dinh về nói : Giấy tờ gần rồi, giấy tờ về tới Quốc Vương rồi. Huỷnh mừng lòng. Bần đạo nghe cũng vui dạ, vì ở lâu quá tốn hao. Samdhen cùng huynh đệ Issê, Isess đi chợ và xem nhà nước Tibet rước bốn vị Quan Anglais. Choundouss ngày hôm qua đi Séra Gompa thăm anh huỷnh, 2 giờ về tới. Trưa nay ngọ bột với cải bắp nấu canh. Samdhen 4 giờ về tới. Chiều Samdhen rủ đi dạo phường, đi hai vòng, lúc về ghé mua 1 trăng nga khoai nấu. Mượn huỷnh thỉnh một bộ kinh chữ Tây-tạng. Huỷnh nói : Sau huỷnh sẽ mua nhiều rẻ tiền rồi chia cho thầy mấy bộ cũng đặng. Xuôi sự. Về lo tụng kinh.

Ngày 25 Aouât 1936 – 9-7-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm bột, trà sữa, trà Tây-tạng. Chín giờ rưỡi huynh Samdhen sửa soạn đi Dzês-bung với Isess. Huỷnh đã đặng một tờ ban hành của bốn quan tứ trụ Tibet chịu cúng dường cho huỷnh lo cất nhà thiền tại Phật-đà-gia một số tiền là 3.000 rupee. Huỷnh mừng lắm, còn đợi một tờ của đức Đại Lama Quốc Vương nữa thì rồi việc, lo thâu số bạc tại Lhassa và các quận trấn dọc đường. Ngày nay lo viết vần Tây-tạng. Mười một giờ nấu canh cải. Mười một giờ rưỡi cúng ngọ, rồi dùng bột với canh. Viết tới chiều rồi khoản dần. Nhựt ký, rồi lo tụng kinh niệm Phật, tối nghỉ. Samdhen mai mới về.

Ngày 26 Aouât 1936 – 10-7-â.l.

Điểm tâm trà Tây-tạng và bột, ăn rồi viết vần Tây-tạng. Mười giờ rưỡi nấu đồ cúng ngọ. Mười một giờ ăn ngọ bột với canh cải và khoai. Nghỉ một chập, 1 giờ không thấy Samdhen về. Cho hai huynh đệ Choundouss và Issê 1 trăng nga mua dưa cải ăn bột. Hai giờ đi chợ, hỏi thăm hình châu thành Lhassa mua, nhưng hình xấu, có một tiệm hứa mai mốt sẽ có. Bữa nay chụp ảnh cả vòng thành mặt tiền Sharông-zimsắcla của quan Thừa tướng. Có hỏi thăm giá một cái nón thứ Lama cả đội đi đường cỡi ngựa. Tiệm nói 8 rupee. Bần đạo trả 5 rupee, thì tiệm nói giá ấy mua tại Calcutta còn hết 5 rupee 8 anna. Nhờ vậy mới biết nón ấy của China làm đem đến Calcutta, rồi đem đến Lhassa. Chừng về Calcutta sẽ kiếm mua. Năm giờ rưỡi có Lama đằng Dinh chùa của Thừa-tướng lại thăm. Chuyện vãn có Choundouss thông ngôn. Chiều thường lệ : tụng niệm rồi nghỉ. Hết savon, đem cục savon đá ra xài. Samdhen không về.

Ngày 27 Aouât 1936 – 11-7-â.l

Sớm điểm tâm bột trà sữa, đoạn viết vần Tây-tạng. Mười giờ đi chợ mua 1 trăng nga khoai, 2 trăng nga dầu ăn cho hai huỷnh 1 trăng nga mua cải dưa ăn bột vì Samdhen không về, họ không tiền. Mười giờ rưỡi có hai lama Thiền-chủ ở Trzăngpá Khâmtrzanh đến thăm, nói : Hôm Dzêsbung hai anh em tôi sắm sửa dọn dẹp, sắm đồ ăn, chờ thầy đến, đợi hoài không thấy, huynh đệ tôi lấy làm buồn. Choundouss thông ngôn : Tôi cũng đã sửa soạn trước rồi và Samdhen đã có bàn soạn cùng tôi sự đi dự cuộc hí-kịch ấy. Ruổi thay đến ngày ấy bị bịnh, nên đi không đặng, lấy làm tiếc lắm. Qua bữa sau, tôi bớt đau, nói với Samdhen mướn ngựa đi, ai ngờ Sandhen lại dinh thì Thừa tướng bảo đừng đi, vì ngày mốt bữa ấy sẽ đi yết kiến Quốc Vương. Hai huỷnh nghe qua chắc hít, dường tiếc lắm. Ba hồi trà, ba hồi hít Nađặc rồi bèn kiếu về, hai vị nắm tay Bần-đạo dường triều mến lắm. Mười một giờ nấu canh cải bắp, chiên khoai lang. Ngọ cúng dường bột nhồi. Nghỉ một chập, một mình bỏ máy chụp hình vào áo, đi thẳng đến choporé (lama thầy thuốc) nơi đồng rộng chụp hình cảnh choporé, là nhà dưỡng bịnh của Quốc Vương. Đi chụp rồi quây lại đường cũ về, phút gặp một Tibetain nhỏ, quải giỏ và đi ngó theo bần đạo, đến khi thấy bần đạo trở lại, thì ngỡ cho bần đạo muốn đi đâu mà chẳng biết đường nên hỏi “Capa phêghêung.” Biết nói sao, lắc đầu : “Minhdou” đi luôn,trẻ thơ lấy làm lạ, cứ ngó theo. Muốn dừng bước nơi khoảng trống chụp hình phía chợ vì thấy nóc chùa, nhà cầu, nhưng bị thằng bé đó mà phải đi luôn, lại thêm nhà gần đó có vài người đứng trước dòm cử chỉ bần đạo. Khổ quá, về luôn. Lhassa lúc nầy, chiều lối 6 giờ khí hậu lạnh lẽo như lập đông tại Bodhgaya, Sarnath. Tối đắp bốn, năm cái mền mới chịu thấu. Chư huynh đệ nói rằng : trong tháng tám tại Lhassa lạnh nứt da mặt, nên trong tháng bảy nầy thu xếp công việc đặng cuối tháng về Bodhgaya, chớ ở trễ tới tháng tám chịu không thấu. Lúc nầy sớm mơi tới 10 giờ còn lạnh, trưa tới chiều mặt trời thạnh vượng đỡ đỡ, nhưng không ai rời áo cặp,(1) cả ngày nai nịch luôn.

Ngày 28 Aouât 1936 – 12-7-â.l.

Sớm điểm tâm bột trà sữa Tây-tạng. Đoạn hỏi thăm vần cùng thầy lại quan ở gần. Cho hai huỷnh 1 trăng nga, gởi mua 2 trăng nga khoai lang sống, 1 trăng nga cải 1 kama hành. Mười giờ rưỡi, nấu chay cúng ngọ. Canh cải bẹ trắng, khoai chiên, đoạn ăn ngọ 11 giờ rưỡi. Một giờ rưỡi Samdhen về. Tục ở Lhassa thường có những người ở xa tới, như Khampa, Giangsê, Nhạp rốc vân vân đến chùa Kinh-đô, thì họ thường sớm mơi rảo khắp cúng kinh nhà nầy sang nhà kia đặng cầu vật thực, nhứt là bột champa. Còn đờn bà hoặc Lama, hoặc cư-sĩ đoàn năm, lũ bảy cũng khắp xóm nhà nào cũng vô ngồi trước cửa, hoặc hàng ba, cùng nhau cúng kinh, tùy hỉ chủ gia, vật thực, tiền ít nhiều. Từ đầu tháng bảy thì tục Tây-tạng, bọn hát chập mang mặt nạ, đội mão tì lư, trống chập chõa đi khắp châu thành, trước vào nhà các quan, hát múa, thì cũng tùy chủ gia hoan hỉ. Coi cách phong tục ưa lắm, đám nào cũng thấy chúng nam nữ, hễ nghe trống thì tựu coi đông đặc, bần đạo ít để ý cùng bọn nầy. Nay mua cải, khoai 3 trăng nga 2 kama. Mua củi phân 28 trăng nga = 1R.2A.

Chi xài chút đỉnh cho vui lòng người. Đều thấy lòng người bắt thương thầm chỗ nghiệp lực, lòng tham dục không tắt, cái ta là bản ngã khươi giữ chặt, bỉ thử ôn tồn. Huynh Issê than rằng : “Củi phân còn chút ít không đủ nấu mà thầy Samdhen không thấy về đặng xuất tiền mua.” Nghe qua bần đạo rằng : “Đừng lo, có tiền đây, hãy đi mua củi phân.” Một chập Choundouss ngủ ở đằng nhà tình nhơn cách nhà Dinh vài trăm bước về, Issê nói lại, thì huỷnh lãnh đi mua. Bần đạo đưa 2 rupee giấy bạc Tây-tạng, huỷnh đi chập lâu về với một cô mang một bao củi phân. Issê hỏi bao nhiêu ? – Nói 1 săng (10 yoyăng). Issê bèn nói với tôi rằng : mua không có củi, nên mua có 1 săng. Choundouss bước vào trả tiền cho cô bán phân rồi day qua nói cùng bần đạo rằng : Bị trời mưa nên không có củi phân vì họ ở xa lắm. Nói rồi vô ra, lẽ thì trả tiền còn dư cho Bần đạo, vì 1 săng củi nấu cũng đặng ít ngày đỡ, Samdhen về mua cũng đặng. Vì hôm trước 9 Aouât bần đạo đã mua rồi 32 trăng nga (1R.4A.2). Qua bữa 24 Aouât thì hết củi. Cũng Choundouss mua lối 1 săng rưỡi vài săng, lúc ấy Samdhen đi lại Dinh về rồi đi hoài, Choundouss không dám hỏi tiền, bần đạo bèn hỏi cô ở gần mượn đỡ, vừa nói thì Samdhen bước vô hỏi rồi trao tiền trả – trong bốn bữa hết. Nay bần đạo mua nữa có lẽ người biết xét thì hẹp lòng cho Bần đạo, cái nầy huỷnh bọc tiền vào ra, trả thì tiếc, còn bần đạo không hỏi đều để xem tình ý. Cách lâu huỷnh đi nữa, đi đôi ba lần, quận chót mua đặng củi phân đem về. Chửng mới ưng lòng cộng là 28 trăng nga (1R.2A) còn lại 22 trăng nga. Ấy là lòng tham, tiền chẳng phải của mình, mua cho lung… cũng đặng, bần đạo vẫn giữ một lòng vững nhẫn, mặc tình gió động tứ phương, tấm lòng Phật tử mực thường không lay. Tiền của đàn na, bần đạo lo sợ từng chút, sợ ít đức hạnh thọ tín thí cúng dường, nên ăn mặc đơn sơ đạm bạc, để dành cần dùng trong sự hữu ích… Huynh Samdhen cũng vậy, tu hành còn non quá, nên lòng còn ham hố tiền tài, nhiều phen bần đạo thử… thấy vậy cũng thương… Thôi, phận lưu linh đất khách như nước trong lòng sông rạch, phải chiều lối quanh co, lần hồi xoi mấy chỗ doi đấp qua khúc vịnh. Qua 1 giờ rưỡi, Samdhen về, huynh-đệ mừng rỡ hỏi thăm nhau, xông.

Ngày 29 Aouât 1936 – 13-7-â.l.

Không chi lạ, trà bột điểm tâm, lo học chơi cho qua ngày, ngồi không, ngán nỗi thì giờ, kiếm nghĩa chữ Anglais trong cuốn Guide Tibetan, English et Hindi mượn của huynh Dhammajoti đặng học luôn ba thứ tiếng vì vần Tibet đã biết ráp đọc chút ít. Trưa 10 giờ lo nấu đồ cúng ngọ, 11 giờ rưỡi ngồi tiểu quả đường bột cải bẹ, khoai xào sơ. Ăn rồi học. Lúc 2 giờ có tiểu lại đằng Dinh lại xin xem tay, hoan-hỉ, tùng dịp khuyên người cầu phước cúng dường, niệm Phật. Qua 5 giờ có bốn vị Lama Khampa ở Galden đến, cùng nói với Samdhen, xin nói với Bần đạo xem giùm tay. Hoan hỉ xem, nhờ Phật lực nói đâu họ đều đổi sắc mặt đó, quá khứ, hiện tại niên, ngoạt, nhựt, thời, tánh tình đều hòa hiệp, sang vị lai, dùng phương tiện theo thời khắc khuyên các huỷnh tu hành. Bàn luận một hai chuyện Phật đạo. Rốt có một vị lãng trí, hằng bị đại chúng hiếp đáp. Bần đạo thừa dịp nói sự trả nghiệp tất, kiếp sau sẽ cao vị và thuật lúc tiền kiếp Phật Như-lai làm một vị Tì kheo trả nghiệp tên Bất-khinh bồ tát lễ bái khắp đại-chúng, bị họ đánh, chửi mà không giận, tất lòng nhẫn nhục khư khư… Ba vị kia, dường có vẻ để ý những lời mà cung kỉnh khiếm lệ. Từ ngày đến Tây-tạng, bần đạo đi các chùa, không chùa nào không coi tay, có hằng trăm người, thừa dịp khuyên lơn tu hành. Chiều rảnh rang, tụng kinh niệm Phật, tối lo nghỉ, vì không có đèn sáng mà học, có một cái đèn lồng của bần đạo đem theo, nhưng Samdhen hằng chiếm cứ… Thôi, họ dùng mình khỏi dùng. Xứ nầy, dầu hôi mắc lắm vì ở Calcutta chở đến. Cả thảy dân đều dùng dầu trái cầy hay là tô du (beurre) vì nhiều bò lắm. Đèn thép như xứ ta đời xưa. Trọn ngày Samdhen lo giấy tờ dưng lên Thừa tướng đặng Ngài đệ lên Quốc Vương. Ấy là giấy tờ cầu tài lập nhà Thiền tại Phật-đà-gia không chi lạ.

Ngày 30 Aouât 1936 – 14-7-â.l.

Sớm điểm tâm bột trà Tây-tạng rồi lo kiếm nghĩa cuốn Guide tới 10 giờ rưỡi, nấu canh cải bẹ trắng, chiên khoai lang, 11 giờ rưỡi nhồi bột cúng ngọ. Rồi cũng lo viết học, 1 giờ bỗng có một vị Lama ở Dzêsbung đến nói với Samdhen xin nói giùm với bần đạo xem tay. Samdhen nói thì bần đạo hoan hỉ. Lama vào, để 2 trăng nga trên tợ, rồi sè tay xin coi, đoạn người từ giã về. Bần đạo kêu trả tiền lại nhưng người từ hẳn xin cúng dường rồi đi về luôn. Bần đạo bèn đem 2 trăng nga ấy ra đưa cho Samdhen nói ấy là tiền cúng dường nhang khói. Huỷnh cười và trăm với mấy huynh kia lia rồi thâu số tiền. Lúc coi tay, Issê làm thông ngôn mà không đặng hưởng tiền, coi bộ buồn, trọn buổi chiều không ngó bần đạo. Kế lo viết nữa, Samdhen lúc 4 giờ rủ đi dạo chợ, hoan hỉ đi, về viết học nữa, tối lệ thường rồi nghỉ. Trời lúc nầy lạnh lẽo quá. Nhắc lại lúc 3 giờ Samdhen rồi việc sắp kinh cùng các huynh vào rương, thì huỷnh kêu đem bột ăn, lúc ngọ thời bần đạođể dành cho huỷnh một chén canh cải bẹ và bún Tây-tạng với khoai chiên, vì thấy mấy bữa rày huỷnh cứ bảo mua cải chua ăn bột, sớm mơi, chiều cũng y lệ, không có thịt bò như mọi bữa, nên chi bần đạo hộ cho huỷnh. Khi bưng chén ấy ra, thì huỷnh đang nhồi bột, hỏi : “Cái gì đó thầy ?” Đồ chay bần đạo để dành hộ cho huynh. – Cám ơn, tốt quá… Mấy huynh kia trong bếp cũng đang nhồi bột ăn với cải, nước trà, ngó bần đạo, có ý cầu thực, nhưng hết rồi, vì nấu đủ ăn, 1 trăng nga cải mà ăn ba bữa, thì mỗi bữa có đâu cho nhiều. Chập lâu Isess tổng khậu là tay bạo nhục thực, ưa thịt sống, mà mấy ngày rày không thịt cùng vật thực khác, cứ cải chua hoài nên có ý thèm, bèn vào hỏi xin bần đạo. – Hết, có chút đó dưng cho Samdhen, không còn… Các huỷnh đều có ý buồn. Gẫm các huỷnh làm biếng, chớ cải dưa đó xào mà dùng thì ngon miệng lắm không ra công khó, cứ để ăn sống thì ngán quá. Hai tháng trời họ ngồi không ăn lụng, Samdhen cũng ngán vì ló đồng nào thì hết đồng nấy. Lấy của bần-đạo ra 50R lớp lo lễ mễ đầu nầy, đầu kia, đi chỗ nầy chỗ kia, lớp ăn uống. Nội một cái uống trà, tiền beurre Tây-tạng cũng lung, 1 tháng ít nữa là 10 đồng rupee. Nghĩ lại 50R chắc gần tất nên huỷnh mới bóp lại.

Ngày 31 Aouât 1936 – 15-7-â.l.

Điểm tâm trà bánh ngọt Tây-tạng, rồi lo viết học cho tiêu ngày giờ. Lúc mới tới còn lo đi đầu nầy đầu kia, đi chùa, đi ra mắt các nơi, xem chỗ nầy, coi chỗ nọ, nay đã đủ nẻo, hết muốn đi đâu, nên ngồi không chờ ngày về thì cái không nhưng ấy làm cho thấy ngày giờ dài đăng đẳng, nên chi bần đạo học chữ Tây-tạng, kiếm nghĩa cuốn Guide là vậy. Nhờ đó mà ngày qua không hay, tới tối mà còn tiếc không đủ thì giờ. Tối ngủ êm giấc.

10 giờ rưỡi lại lại dinh xem giùm một cô sai nha đau bệnh rồi đi chợ mua cải bẹ. Ngọ bột canh cải.

Ngày 1er Septembre 1936 – 16-7-â.l.

Nhựt thường lệ. Điểm tâm trà bột rồi học. Trưa ngọ bột canh cải bẹ xanh khoai chiên. Mượn Isess mua 1 trăng nga dầu 2 kama hành. Cho hai con đầu bếp 1 trăng nga, thằng ở 1 yoyăng. Chiều học, tối tụng kinh rồi nghỉ.

Ngày 2 Septembre 1936 – 17-7-â.l.

Nhựt thường lệ. Điểm tâm rồi học. Trưa ngọ bột canh cải bẹ trắng, khoai lang, có để dành hộ Samdhen một chén, chiều học. Năm giờ rưỡi đi chợ một mình, mua bánh, viết chì, hộp quẹt 4 trăng nga. Ghé tiệm chụp hình mua sáu tấm hình 48 trăng nga, đưa 2R thối 2 trăng nga. Tối lo tụng niệm rồi nghỉ, trời lúc nầy tại Lhassa bớt mưa, khí hậu khởi sự lạnh lần.

Ngày 3 Septembre 1936 – 18-7-â.l.

Điểm tâm trà, bột, bánh rồi học. Trưa ngọ bột với ragouât khoai. Bữa nay hết củi phân. Chiều cũng học, tối tụng niệm rồi nghỉ. Tối bữa nay dông gió mưa rỉ rả, lạnh quá.

Ngày 4 Septembre 1936 – 19-7-â.l.

Sớm thức, trời vẫn còn mưa rỉ rả. Điểm tâm trà sữa bột. Học, trời lạnh lẽo, ngồi lì một chỗ học nghĩa chữ Tây-tạng, quên ngày giờ, phút tới 11 giờ. Samdhen bị trời mưa lạnh nên vô trong ngồi, huỷnh bèn nhắc : Đã 11 giờ mà thầy chưa lo nấu chay ăn ngọ sao ? – Ý ! đã tới giờ mà quên phức. Trời còn mưa rỉ rả, hôm qua nay hết cải rau, chỉ còn ít mớ khoai lang, bèn gọt khoai nấu canh, rồi cúng ngọ với bột. Hôm qua có để hộ cho Samdhen một chén ragouât mà huỷnh quên ăn, nay bảo Isess hâm nóng cho huỷnh dùng. Ăn xong rồi cũng lo học. Trời mưa thì đường xá khắp châu thành đều lầy án đi chợ không đặng mua ăn. Hai giờ đi rảo chơn trước đồng trống, có đem máy chớp ảnh theo, bèn chụp ảnh thành thị Lhassa, rồi thẳng xuống mé sông chụp sông và đảnh núi trên chót đảnh có một cái nhà thiền của Đại đức Tả lê Lama tên là Bunpari, khi còn sanh tiền thì hằng lên đó nhập định, cúng dườngtruyền pháp cho chư Lama. Nay thì đức Quốc Vương Lama kế thế, lâu lâu cũng đến đó nhập định. Mưa một đêm, sáng ra dòm các đảnh bao quanh thành Lhassa đều mù-mịt, mây trùm đoanh các đảnh, trời cùng núi dính nhau, lúc ra chụp hình, thì thấy các chót đảnh đều trắng phao, tuyết đóng như vôi, còn một hai đảnh núp trong mây chỗ thấy chỗ không. Ấy là điềm tỏ lập đông, hèn chi khí hậu lạnh lẽo quá. Samdhen rằng : Ngày nay giấy tờ đã đệ lên Quốc Vương hầu ngọc ấn thì rồi chuyện, và Quan Thừa tướng nay đi diễn thuyết về vụ nhà thiền Bodh Gaya, có sai người lại lấy giấy lý lịch xưa nay tại Phật-đà-gia và chủ yếu cất nhà Thiền tại đó. Xong việc mới tỏ sự thâu tiền cúng dường phụ cất nhà thiền, vậy quan dân mới rõ cốt yếu chỗ thâu tiền. Chiều 5 giờ đi chợ một mình mua một sợi dây lưng kiểu Tây-tạng 3 trăng nga. Cô chủ tiệm nói 5 trăng nga, trả 3 trăng nga cô đành bán, đoạn lại dãy hàng bông thấy còn một anh bán cải, còn carotte mua 1 trăng nga và 1 kama cải củ, về. Cô đầu bếp thấy nói thứ cải đó không ngon, huynh đầu bếp nghe cũng qua xem, nói thứ carotte nầy ít ngon. Bần đạo nói cũng khá và rẻ hơn ở Calcutta. Đoạn chiều tụng độc niệm rồi nghỉ. Mấy ngày rày răng cùng chuyển nhức, trời lạnh nhức khá khá.

Ngày 5 Septembre 1936 – 20-7-â.l.

Khuya 2 giờ trời mưa, bị nhức răng, nằm đó chịu lì không ngủ. Sáu giờ chỗi dậy súc miệng mước lạnh tê tái, ê óc răng cỏ nhờ đó mà bớt nhức. Đoạn trà bánh điểm tâm, lúc sáng, tục người tu Tây-tạng thường tụng kinh mơi, bần đạo cũng quen tục mấy tháng nay. Tám giờ hết mưa, Samdhen đi lại Lama quan (em của Tả-lê Lama) cận thần, đặng hầu lấy giấy tờ vì Ngài có cho hay trước rằng bữa nay rồi. Học nghĩa chữ Hindou, Anglais và Tây-tạng. Chín giờ Samdhen về nói : Lama quan nói giấy ấy viết không đúng, nên ngài bảo thơ ký làm lại cho phải phép vì đệ lên Quốc Vương chẳng phải chơi. Mười một giờ rưỡi ngọ bột khô với trà, vì bị nhức răng quá, ba cái răng đồng một lượt chửa chưn hành nổi hạch hàm, phần 10 giờ rưỡi tổng khậu còn nấu mặn tới 11 giờ rưỡi còn nấu, nên bần đạo e quá ngọ, bèn dùng sơ, lại hiệp với ba cái răng đau nhức, nhai không đặng đồ rau nấu, bột trà mà nuốt còn muốn không vô. Ăn ngọ, rồi ngồi lì viết học tới 6 giờ rưỡi nhức đôn, bèn dẹp sách vở đi rửa mặt, vào ngồi tụng kinh niệm Phật tới 8 giờ rưỡi bớt nhức, ngồi một hơi nữa tới 9 giờ hết nhức, nghỉ êm.

Ngày 6 September 1936 – 21-7-â.l.

Sáng thức khỏe khoắn như thường, điểm tâm vài chén trà Tây-tạng, vài chén trà sữa, rồi lo tập học. Trưa ngọ cơm với canh cải carotte, cải trắng, khoai lang. Bữa nay hết bột, họ nấu cơm có hộ bần đạo một dĩa, bần đạo hộ lại đồ ăn. Ăn rồi học. Chiều 4 giờ đi dạo phường, mua 2 trăng nga bánh, 1 trăng nga trái hạnh, 3 trăng nga bonbon. Về còn sớm học tới 6 giờ rưỡi nghỉ tụng niệm rồi ngủ. Đêm nay hết mưa không lạnh lắm. Phong tục người Tây-tạng và Bửu-tạng khác nhau. Đờn ông Tây-tạng xỏ lỗ tai đeo hoa tai đá ngọc xanh bên trái một cái hoa tai lớn hoặc tròn, hoặc dày, bên hữu một cục nhỏ bằng chỉ, đeo sát nơi lỗ tai. Áo bận thả dài chí mắt cá, mang giày đội nón, tay áo không xăn, đầu để tóc, vóc một bính hoặc thắt củ tỏi, gắn ngọc thạch-xanh (ấy là bực quan và nhà giàu), còn bính ở chính giữa gắn ngọc là bực sai nha tiểu lại. Đờn bà cũng để tóc vóc hai bính (có đám tiệc) thì đội cung ngọc là nhà giàu, còn đội ngôi sao ba chia gắn ngọc là vợ con của nhà quan. Tai không đeo bông tai, để không phòng lúc đội cung, đội sao mới đeo hai tấm ngọc thạch xanh lớn lấp lỗ tai, cổ đeo ngọc điệp, hộp vàng gắn ngọc xong, tòng tụi toàn vàng ngọc. Đội ngôi sao thì có tóc mượn giắt lên hai chia phía trước rồi vòng ra sau vóc bính cột chung với hai bính tóc của họ, đoạn cột một sợi ngọc điệp chính giữa hai cái bính, dưới bính tụi tơ đỏ thả tới gót. Áo mặc thì dài nhưng không tay, như áo lá, trong mặc áo màu nhỏ có tay đặng ló hai tay màu ra, nơi cườm tay đeo trọn một con ốc trắng, khâu cà rá có ngọc xanh, mang giày, dưới cột một tấm tã rằn màu, hai chéo trên chỗ kết dây lại có hai tấm góc thêu kim tuyến. Tục của họ thường lấy thuốc bột hòa nước vẽ mặt, coi kỳ quá, cách bôi thuốc trên mặt nhiều kiểu, kẻ thì nơi sống mũi một lằn dài đen thui, người thì hai con mắt, xa ngó ngỡ là đeo kiến đen, kẻ thì hai gò má, người lại trên trán. Ngày bình thường, họ đội ngôi sao không có dắt tóc trên hai góc, còn cần cung thì không trang sức ngọc điệpngọc thạch lớn nơi bản chính giữa cung. Đờøn ông phần nhiều lai kiểu Tàu, tiếng nói của họ thì tựa tựa Tàu quảng đông còn chữ của họ lai Hindou. Xứ Tây-tạng vua quan dân đều ăn thịt bò trâu, dê, trừu, trứng gà, còn cá chim lại cấm, gà, vịt thì ít kẻ dùng, chỉ dùng trứng mà thôi. Thường thấy nhơn dân hay ăn củ cải trắng sống như ăn bánh. Vật dùng phần nhiều như quần áo hàng vải thì của Tàu, chén bát cũng vậy. Còn đồ : ly tách, bồn, chậu, phần nhiều của Anglais. Các quan ưa dùng giày vớ của Âu-châu. Từ bốn năm về trước thì Quốc gia cấm ngoại quốc vào nước, cấm hút thuốc, ăn trầu. Từ Đại đức Tảlê Lama tịch diệt, Tân Quốc Vương Lama kế vị đã bốn năm nay, thì ngài mở cửa rước các nước và cho nhơn dân hút thuốc, nhưng trầu không ăn. Cho chư Lama hít thuốc bột, cho bọn con buôn bán thuốc.

Ngày 7 Septembre 1936 – 22-7-â.l.

Bữa nay ăn bột sớm, 8 giờ cùng chư huynh-đệ đi đến đồng lập trận gần trại lính, cách chợ lối ba cây số ngàn ở gần chùa Séra cách chừng một kilômet. Chín giờ khởi nhiễu binh. Quan binh ăn mặc y binh Anglais, kèn trống cũng y Âu-châu, cách hô hấp y Âu-châu, xem ra được quá. Có bốn vị Đại thần Tibet dự khán, các quan đủ mặt, trừ ra Quốc Vương không ngự đến. Có một vị quan binh Anglais đến hôm trước, có dự khán và điều đình nội cuộc. Có dựng bia bắn súng nhỏ rồi tới bắn súng liên thinh. Một giờ nghỉ, 3 giờ nhiễu binh lại có bắn súng đồng, 4 giờ hườn cuộc. Về tới nhà 5 giờ. Samdhen có chụp hình ba lượt, bần đạo lúc nghỉ có đi chụp cảnh chùa Séra. Khi rồi việc thì có Quan Lama thay mặt Quốc Vương cùng quan hầu Thượng phẩm Đại thần ra khao binh, ban anh lạc cho Quan binh. Đoạn kèn trống đưa tứ vị Đại thừa về, kế đó có Quan Khâm sứ Tàu đem lễ vật ra khao binh, rồi binh quan kèn trống kéo vào trại. Nhơn dân Tăng tục già trẻ nam nữ dự khán, lần lượt kéo về. Dân Tây-tạng dường như thuở nay chưa từng thấy nên súng bắn vào bia, rùm tiếng la lối khen ngợi. Cuộc diễn binh gọi Kavạda, 4 giờ bãi binh. Về đến nhà 5 giờ.

Ngày 8 Septembre 1936 – 23-7-â.l.

Sớm điểm tâm trà bánh ngọt, đoạn lo học cho qua ngày tháng, 10 giờ nấu đồ cúng ngọ. Mười một giờ cúng dường bột, canh cải carotte và khoai lang. Ăn rồi học, nhờ có sự mê học nầy mà ngày tháng qua chẳng hay. Tới 2 giờ nghe trong mình ngứa ngẩm bèn xếp sách, đi thẳng xuống bến tắm, nước lạnh như đồng, tắm sơ rồi lên, về cũng lo sự ôn cố học hành cho mở thêm trí não, và cũng tiện bề ăn nói nơi đất khách. Bốn giờ rưỡi dẹp sách muốn đi chợ, bỗng Samdhen rủ đi ra trước chơi cho khoản khoát. – Cả ngày tôi thấy thầy ngồi tối ngày từ bữa 21 Aouât tới nay, nhằm 5-7 annam nay 23-7 annam gần 20 ngày rày. Vừa nói vừa cặp kè đi ra ngõ, thỉnh thoảng đi ra đồng trống, huỷnh bèn dừng bước ngó bần đạo hỏi rằng : Sao ? theo kiến trúc quan sát của thầy, xứ Lhassa tốt xấu, đẹp cùng không ? Bần đạo rằng : Cũng đẹp xinh. – Huỷnh hỏi : nhiều hay ít ? – Bần đạo rằng : Vừa vừa chỉ có đạo Phật, tăng tự thật là quí đẹp lắm, các nước không sánh, còn kỳ dư các sự khác, dinh dãy nhà cửa, phố phường, đường sá, đồ nội hóa cả thảy đến phong tục quan dân tăng tục đều khó sánh các nước. Huỷnh nói : Thiệt vậy, y lời thầy nói, vì tôi có đi Ấn-độ, Calcutta, Darjeeling, Gaya, Bénarès thì đủ hiểu, xứ Tây-tạng còn thua sút, nhưng chỉ có về Phật đạo thì không nơi nào sánh kịp. Đoạn huỷnh nói qua đức Quốc Vương, tánh tình tốt lắm, đối theo trong đạo làm một vị Lama cả cũng đúng, đáng kế vị Thượng tịch Tả lê Lama, còn về việc nước cũng đúng một vị Quốc Vương, thương dân, trọng quan mở cửa cho các nước vào ra không sợ sệt. Các quan thì có Trật phẩm Tể-tướng Hữu-thừa-tướng là em của Thượng tịch Tả lê cũng là người cang trực giúp nước phò vua, thương dân, mến nước, hiền hậu tánh tình, không hề hiếp đáp kẻ dưới. Gặp chi sái quấy hoặc trong chùa hoặc ngoài thế thì lấy lời quở trách răn he chớ không phạt hay đánh đập ai cả. Còn quan Thượng thơ mà chúng ta nương ngụ nơi dinh đây, ngài cũng tử tế hiền hậu, trong nước ngài cũng là một cây trụ thứ nhì, Quốc Vương giao quyền ngoại giao nội vụ ngân khố, Quan binh, hình bộ một tay ngài. Từ ngày thầy đến thành Lhassa nầy thì đã biết rồi. Kỳ dư các quan kia tuy tánh tình khác nhau, nhưng có hai vị quan lớn ấy điều đình nên cũng chẳng có chi quá trớn. Mai đây tôi đợi giấy tờ nơi quan-nha nhứt-phẩm mà tôi đã có nói với thầy rằng : Ngài có ý gắt gao khắt trách tôi hôm kia đó, tôi vì muốn mau mau giấy tờ, nghe đàng dinh Thượng thơ nói giấy nay đã tới tay vị Quan ấy, liền lo lễ vật ra mắt ngài, xin giùm giúp mau mắn, song ngài có ý phiền rằng : Trước chẳng tới ngài để tới ngày giấy tờ tới tay mới đến. Thầy nghĩ coi, việc làm phước trong Phật đạo, trên Quốc Vương cùng các vị Đại thần đều vui lòng thuận ý mau mau phê chuẩn rồi, còn Ngài là một vị quan bực dưới mà không có ý hoan hỉ cùng Phật sự, hờn trách tôi thì tôi cũng không nao. Đợi ngày mai không có giấy tờ gởi lại Thượng-thơ nha, thì mốt tôi đi yết kiến Quốc Vương. Bần đạo cười. Huỷnh rằng : Thiệt, thiệt, tôi sẽ đi… Hai huynh đệ và chuyển vãn và trở vô tới cửa nha ngụ. Bỗng có một vị Lama đến viếng huỷnh, nên lo tiếp mời, thừa dịp ấy, bần đạo rãnh thả luôn ra chợ lối 6 giờ, quán xá dọn dẹp, tiệm phố lần lượt đóng cửa, bần đạo ghé tiệm Népali mua 2 trăng nga bonbon, về tới cầu gần dinh thì nghe kèn thổi 6 giờ rưỡi, rao cho tiệm quán đóng cửa, ấy là lệ Quốc-gia. Vào nhà ngụ, thì thấy Samdhen cùng Lama khách còn nơi đơn chuyện vãn. Thẳng vào đơn ngồi tụng niệm. Tám giờ Samdhen tụng niệm rồi ăn bột, rồi họ lần hồi lo nghỉ. Bần đạo cũng lo ngủ.

Ngày 9 Septembre 1936 – 24-7-â.l.

Điểm tâm trà sữa rồi nhựt ký với học, bần đạo không muốn dùng bột và bánh sớm mơi nữa vì muốn tập cho quen dạ vì ngày về hầu gần, nếu ăn quen, khi dọc đàng không có thì hành khó chịu. Trưa ngọ bột, canh carotte và khoai lang. Học tới 6 giờ nghỉ. Tụng niệm rồi ngủ.

Ngày 10 Septembre 1936 – 25-7-â.l.

Điểm tâm vài chén trà sữa rồi học. Chín giờ đi chợ, mua 1 trăng nga 1 kama cải bẹ trắng vài cải củ đỏ, về 10 giờ lo nấu canh. Mười một giờ cúng ngọ với bột rồi học. Chiều hai đứa con của đầu bếp lại giỡn mặt và đem trà sữa lại bảo uống, cho hai trẻ 1 trăng nga. Học tới 6 giờ nghỉ lo tụng niệm. Chín giờ ngủ. Ngày giờ như thoi.

Ngày 11 Septembre 1936 – 26-7-â.l
.
Vài chén trà điểm tâm rồi học. Trưa 10 giờ nấu canh cải bẹ trắng với cải củ bào. Mười một giờ cúng dường ăn ngọ bột với canh rồi học. Bữa nay lấy nghĩa cuốn Guide 4 giờ thì hườn tất. Lấy nghĩa đủ rồi học mới dễ, cực mấy bữa mà rất tiện sự học.
Tiếp lời dặn :
Về nước thâu người phụ nữ đã viết thơ cho người tại Lộc giả viên đặng đền nghiệp trước. 15 tháng sẽ hết nghiệp với người. Chút ít thị phi . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Ngày 12 Septembre 1936 – 27-7-â.l
.
Vài chén trà điểm tâm. Học ba thứ tiếng. Mười giờ nấu ăn 11 giờ ngọ bột với canh cải bẹ trắng. Mỗi bữa, mười bữa rồi hằng hộ cho Samdhen chút ít đồ ăn. Ăn no rồi học.
Tiếp điển :
Hai năm 5 tháng sẽ tiêu nghiệp. Kiếp xưa theo ứng phó. Kiếp nầy cũng còn trợ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Ngươi phải tùy cơ xa cách đặng xem lòng xuất gia cư-sĩ nữ họ xâm loạn. Yếu lý họ không muốn tước nữ bỉnh phò, cho dễ họ… Để ý… Tái nhập.

Ngày 13 Septembre 1936 – 28-7-â.l.

Trà lót lòng. Học. Chín giờ đi chợ, mua 2 trăng nga dầu ăn, 3 trăng nga cải bẹ, khoai lang và hành, ớt khô 1 yogăng, một cái hộp quẹt 1 yogăng. Thuốc lá 2 trăng nga. Về nấu ăn. Mười một giờ cúng dường ngọ bột nhồi với canh cải bẹ trắng và khoai chiên. Samdhen rủ lại thăm cô vú của bà-lớn, cô đau đã nửa tháng nay, lâu lâu ít bữa bần đạo lại thăm một lần cho vui lòng người. Gặp bà-lớn cũng có tại đó, lần trước cũng gặp bà lớn, coi bộ bà vui lòng, bà rầy con của cô vú rằng sao không đem ghế trải tapis cho bần-đạo và Samdhen ngồi. Đoạn về học, kế Samdhen rủ đi chợ, bần đạo từ kiếu, ở nhà học, huỷnh rủ đi dạo vườn cải rau đằng Dinh, bần đạo nói có đi xem rồi. Học tới 3 giờ, trời có hơi lạnh lấy tấm tã lên rầm nằm học và phơi nắng. Bốn giờ Samdhen về kêu om sòm bảo xuống uống trà. Bần đạo cười ngất. Học tới 6 giờ nghỉ tụng niệm rồi 9 giờ nghỉ. Lúc nầy không còn đi đâu, các nơi đều có đi viếng, chùa miễu khắp Lhassa đều có đi, chư Đại-đức đều có ra mắt rồi.
Tiếp điển . . . . .

Ngày 14 Septembre 1936 – 29-7-â.l.

Lót lòng trà mỗi thứ vài chén. Học. Mười một giờ ngọ bột, canh cải bẹ trắng, khoai chiên. Học. Samdhenđi Quan nha lấy giấy tờ về, còn một tờ nữa chưa rồi. Có một tờ chèque huỷnh đem lại quan Thượng thơ xin lãnh bạc. Bốn giờ có sai nha lại kêu lại Dinh lãnh đem về giấy bạc. Huỷnh có ý mừng mà bần-đạo cũng vui dạ vì công việc gần hườn tất đặng đi về Phật-đà-gia, lo thu xếp về Sarnath, vì tạm cách đạo tràng Sarnath từ ngày 2 Novembre 1935 tới ngày nay. Tiền bạc tốn kém cũng đã lung rồi, ấy là nhờ dựa hơi huynh Sam-dhen mà đi thì sự tốn kém cũng đỡ đỡ, nhưng cũng đã xuất 400 rupee rồi. Ngày nay huỷnh hứa sẽ cho bần đạo một bộ Lama y phục và kinh Tây-tạng và hứa sẽ trả 50R mượn hôm nọ, chừng về Giăng-sê trả, bây giờ tiền lãnh để thỉnh kinh và mua ngựa cùng các món khác. Bần đạo cũng ừ cho vui lòng huỷnh, huỷnh hảo tâm cũng tốt, bánh sáp đi thì bánh qui lại, đời không chi lạ. Huỷnh rằng : Bây giờ tôi hộ cho thầy, ngày sau đi đến xứ thầy, thầy hộ lại không sao. Không hợp ý một điều là huỷnh lúc có tiền thì sài lả lê, quên mình là kẻ tu hành, xong sự của người, mình cũng chẳng nên dụ tấn vào mà sanh nghịch lòng. Tiền của Phật mà . . . . . . . .
Tiếp điển . . . . . .

Ngày 15 Septembre 1936 – 30-7-â.l.

Tráng sơ vài chén trà Tây-tạng, một ca trà sữa. Trưa ngọ bột với canh cải với đậu Tây-tạng chiên, tráng miệng bánh ngọt rắc đường. Samdhen đi chùa, một mình ở nhà. Samdhen lúc về, thuật việc Taxi Lama(1) bị bọn cướp Mahamôden đâm chém chết và đoạt tài sản của chùa ngọc, châu lung lắm. (Taxi là chức lớn hơn hết trong đạo Phật về việc kinh sách, còn Tả lê là vua thượng hoàng, lớn theo trần thế quốc sự.) Chiều đi nhiễu chùa và dạo phường với Samdhen, ghé tiệm mua 3 trăng nga bonbon, 1 trăng nga bánh ngọt, sớm mơi mua 1 trăng nga bánh và 1 kama đậu chiên. Choun-douss nay có tiền, trả 10 trăng nga mượn sau.

Luận sự giặc Tàu cùng Tây-tạng, thì bần đạotư duy trước rằng : Tàu không thắng đặng vì Tây-tạng là xứ tồn Phật đạo, Hộ pháp, Long thiên hết lòng gìn giữ, nếu để China đoạt Tây-tạng ắt Phật đạo suy đồi.

8 giờ tối, đầu bếp hộ bốn trái cà.

Tiếp điển :

Ba bữa rày bần-đạo mỗi bữa lên rầm nhà, một mình ngồi tiếp điển của một vị La hán, biết bao sự dạy bảo, biết bao sự Phật-đạo pháp môn giải thoát. Nhứt là Ngài bảo phải về Việt Nam Quốc độ, nơi ấy còn nhiều nhân duyên tiếp độ, nhứt là trong bọn Cao-đài, nhân duyên kiếp trước lời hứa nguyện cùng nhau. Từ ngày Cao-đài phổ hiện Nam-kỳ, nhơn dân phần nhiều biết sống bằng tinh thần, bớt sự sát sanh, biết yêu nhau, không rối loạn. Nhưng ban đầu yên ổn, tư tưởng tốt, sau bị Tha-Hóa-Tự-Tại quyến thuộc độn nhập làm loạn lòng kẻ lớn tới kẻ nhỏ, phần tiểu nhơn đem tư tưởng xấu dối cùng chánh trị. Ấy là Ma-vương muốn phá.
Nhứt thiết pháp giai thị Phật pháp, nhứt thiết đạo giai thị Phật đạo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ngày rằm tháng rồi, bần-đạo nhờ điển của Ngài, nên biết đường đi cả một buổi, tới một góc núi, Ngài ngồi chờ, Ngài nói tiếng Hindou giỏi, đảnh lễ rồi bảo ngồi, Ngài làm cho bần-đạo mê mẩn tinh thần, đoạn lấy một tấm đá khắc ít chữ rồi trao cho bần-đạo dạy . . . . . . . . . . . và một cục đá in như chiếc giày, bảo thọ đó thì nhớ pháp môn đức Đạt-Ma chính lý . . . . . . . . Đoạn đem Tâm-kinh . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Ôi nhờ Ngài chuyền tư tưởng mở cả trí não của bần-đạo, làm cho bần-đạo đoạt lý tâm kinh, mới biết đó là đại-thần-chú của tam thế chư Phật. Đảnh lễ cảm ơn giáo hóa. Ngài cười rồi đứng dậy rờ đầu bần-đạo rằng : Nhân duyên trong đạo nhiều kiếp qua rồi, nay gặp nhau cũng còn dìu dẫn. Bông ưu đàm nải búp chẳng bao lâu sẽ trổ. Ngài nhắc cọng cỏ may tình tánh hỏi có nhớ hay chăng ? Ôi ! trực nhớ hết hồn ngơ ngẩn . . . Ngài có phép làm cho tâm tánh vui vẻ, bình tĩnh rồi rằng : Phật đạo cũng vậy. Ngài vẽ bông sen trên bàn tay mặt bần-đạo rồi nói Kinh tên bông nầy có tụng đọc mà không đoạt lý hay sao ? Y như trạng cỏ may. Nói rồi Ngài chuyền minh tánh làm cho bần đạo rõ lý Pháp-Hoa kinh. Đoạn Ngài chỉ nóc chùa (Tây-tạng nóc chùa nào cũng phết vàng cả) rằng : Kinh tên ấy, Bànđakitàbe nam Sona Kara . . . tụng đọc mà chẳng đoạt lý hay sao ? Nãi gianh ta ? rồi ngài móc một cục đất dưới chơn (đất mềm), bèn nắn ra hình một cái chén, đoạn Ngài thổi một hơi khô queo. Ngài hỏi cái chi ? Bần-đạo nói : Đất . . . . . . . Ngài nói : Đúng lắm . . . trước nó đất, bây giờ ra hình là cái chén . . . Kinh Kim Cang Phật dạy có khác nào . . . . . . . Đoạn Ngài ngó bần đạo làm phép chuyền trí, như mấy lần trước làm cho bần-đạo thấu đáo Kim Cang kinh nghĩa lý nhiệm màu. Ôi ! tu trong mấy kiếp, đoạt lý một giờ. Bần đạo vừa muốn hỏi thăm Đạo Minh-lý, chưa mở lời mà Ngài đã trả lời rằng : Dharam mẻ quít chờ admi ghamăndi hay – sochơna Bànda Dhrama mẻ sappê gianhta . . . . . . . . . Oh ! Giancvar man hay ! Lékina (but) quíchchờ admi piarre carơ, ap carơ piarre hay . . . . . . Dứt lời Ngài nói qua việc khác rằng : Nhiều bạn Lama trí thức muốn cho ngươi ở lại Lhassa, nhưng ngày giờ hoằng hóa đã hầu đến, ở sao đặng. Còn sẽ gặp nhau. Lhassa có nạn. Dứt lời Ngài xây lưng bước lên núi, mịt mờ bần đạo không thấy chi cả, hình dạng Ngài đâu mất.
(Hai phen đảnh lễ Tổ sư. Rằm tháng 5, 12 tháng 6, còn tiếp điển, nhiều phen nhờ chuyền trí thông đạt.)

Bần đạo bươn bả về nhà ngụ, Samdhen hỏi thầy đi đâu về đó ? – Đi dạo dưới mé sông… Huỷnh nói : Đi một mình không tốt, e gặp kẻ hung hoang… Bốn chữ Lhassa có nạn, nay mới rõ, vị Đại-đức Taxi Lama bị hại… ấy cũng qua rồi nghiệp kiếp…
Tiếp điển : Lời căn dặn :
Về vụ đạo tràng biến đổi. Ấy nghiệp kiếp tội tiêu . . . .

Ngày 16 Septembre 1936 – mùng 1-8 Bính-tý.

Điểm tâm vài chén trà Tây-tạng và Hindou. Tám giờ đi chợ với Samdhen, qua phường nhỏ, huỷnh mua hai cái chai đồng bạch, bạc xi vàng đồ Lama đựng nước phép, huỷnh rằng : hộ cho bần-đạo một cái huỷnh một cái. Trả tiền huỷnh không lấy, giá 2R.8A mỗi cái. Sang qua phường lớn mua hột thơm cà-ri và carotte 2 trăng nga. Về tới nhà 10 giờ nấu cà-ri khoai, carotte, củ cải trắng và cà tomate cải bẹ trắng. Ngọ bột với cà-ri. Hộ đầu bếp một dĩa, một dĩa cho Issê, và một chén cho Samdhen, ai nấy đồng khen cà-ri ngon quá. Tráng miệng bánh ngọt.

Đêm nay khuya 2 giờ trời mưa. Sáng thức ra tiểu thấy tuyết đóng đầy non phía Nam.
Tiếp điển : Lời căn dặn :
Cư-sĩ đệ tử sẽ tấn phát nhờ đức lực, ngươi sẽ thấy tự nhiên.
Đái thân thượng Tam thập lục thần danh tự hộ tam qui, ngũ giái thọ nhơn.

Ngày 17 Septembre 1936 – mùng 2-8 Bính-tý.

Lót lòng vài chén trà, học. Samdhen lo phận sự đi dưng lễ vật Quốc Vương đặng cầu Lama chức-sắc, phòng sau đi các nước cho dễ. Mười giờ lo nấu cà-ri bún, khoai, carotte và cải củ, đặng cúng dường và hộ cho các huỷnh, vì bữa nay không có nấu ăn. Bảo Issê đi mua 2 trăng nga dầu ăn, 1 trăng nga cải chua, và 1 trăng nga bánh. Mười một giờ ngọ bột với cà-ri. Học. Chiều đi chùa với Samdhen, y như mấy lần trước cúng dường. Đến chùa trời mưa, cúng rồi về hết mưa, nhưng tuyết chồng thêm làm cho khí hậu thêm lạnh.
Tiếp điển : lời căn dặn :
Ngoại đạo lẫn vào cũng vui lòng bàn luận, có Phật tổ sẽ phóng quang tiếp trợ . . . đừng chê . . . . . . . . . . . . . . . .

Ngày 18 Septembre 1936 – mùng 3-8 Bính-tý.
Vài chén trà điểm tâm rồi học. Chín giờ đi chợ mua rau cải bẹ trắng, cải củ, hành, khoai lang, bánh và đậu chiên, cả thảy là 4 trăng nga 1 yogăng 1P. Mười một giờ ngọ bột với canh cải bẹ và đậu chiên, hộ Sam-dhen một dĩa. Bà lớn viếng chị vú bịnh, sai người lại mời đến đó khám bịnh thì hôm qua khá hơn bữa nay, ít sưng tay chơn, nay sưng lớn hơn, mạch nóng hơn. Samdhen hỏi : Vậy thì làm sao cho bớt sưng. Bần đạo rằng : Ôi ! nói hoài mà không thực hành, nói nữa có ích gì . . . . . . Samdhen liền thông ngôn lại với bà lớn, bà liền quở trách người con cô bịnh mà bắt làm y lời bần đạo lấy bột, khuấy với xăng nóng đắp chỗ sưng. Về học, tối tụng niệm như thường.
Tiếp điển : lời căn dặn :
Lo bộ Qui Ngươn và Viên Giác thì tỏ thêm công đức chánh pháp. Trong toán hậu học sẽ thấy một người ngã mạn . . . . Sau thiệu long chánh pháp. Rán phục lòng người, cái ngã mạn đó sẽ tự nhiên hết sẽ trở nên người hộ Phật-pháp. Bậu bạn đám thông gia.

Ngày 19 Septembre 1936 – mùng 4-8-â.l.
Ít chén trà điểm tâm, học. 10 giờ nấu ăn, 11 giờ ngọ bột, canh cải bẹ trắng, khoai lang đỏ, tráng miệng trái hạnh Samdhen hộ bốn trái chiều hôm qua, hộ Sam-dhen một dĩa đồ ăn. Học. Bốn giờ đi chùa cúng dường một mình, có đem máy chụp hình theo tới Boudhavanh, lén vào một mình vì biết giờ ấy chư Lama nghỉ, lén chụp hình, cúng dường rồi về, dọc đàng phố gặp huynh Samdhen, về 6 giờ. Tụng niệm. Bà lớn mời xem cô bịnh, đến nơi, khán mạch đã lụn mòn, cấp sát như chỉ mành. Quang nhãn đã lờ, sắc mặt đổi rồi, nhưng không nên nói ra. Samdhen hỏi thăm thì bần đạo nói : ngày giờ đã đến, có bao nhiêu đó thôi.

Ngày 20 Septembre 1936 – mùng 5-8 Bính-tý.
Sáng nghe tin cô bịnh tị trần, khả thương ôi, thấy đó mất đó, kiếp trần như giấc chiêm bao, thôi niệm Phật cầu anh linh đó vãng sanh Tịnh-độ. Vài chén trà điểm tâm rồi lấy sách học. Ra ngồi nắng học, trời đã khởi lạnh rồi, khí hậu lần hồi lạnh tới ngày lập đông hầu gần mà công sự của Samdhen chưa rồi… đợi.
Trưa ngọ bột canh cải bẹ, khoai lang, hộ Sam-dhen một dĩa. Chiều đi dạo phường cho giãn gân cốt, ngồi cả ngày. Tối tụng niệm. Cho Choundouss mượn 2R đặng đi chùa Séra.
Tiếp điển : Lời căn dặn :
Tán-sa y pháp đủ 108 biến : “Am Á mộ dà vĩ rô ta nả ma ha mẩu nại ra ma nể bát nả, mạ nhập phạ lả bát ra dả miệt dả hồng.”
Mỗi câu họa chữ trên cát. Rốt niệm 108 Phật hiệu = 999 (Nam mô Vô ngại công đức quang minh Vương Phật).

Ngày 21 Septembre 1936 – mùng 6-8-â.l.

Nhựt thường lệ, trưa ngọ bột canh củ cải khoai lang, hậu tráng miệng bánh. Samdhen có hộ bốn cái bánh của một cô đến xem quẻ và xin coi tay giùm. Bần đạo hộ lại vợ chồng đầu bếp hai cái và hộ Samdhen một dĩa đồ ăn. Học tập cả ngày. Khí trời một ngày một lạnh rút tới. Samdhen bảo nhập định hỏi Như-lai coi sự quan bua của huỷnh chừng nào rồi.
Tiếp điển : 12 giờ khuya :
Người tín nữ gần lục tuần, giá phụ đã theo hộ ngươi mấy năm rồi là cư-sĩ đại đàn-na tại Patna Ấn-độ kiếp rồi. Hiện kiếp phát bồ-đề tâm, song bị con ma nghiệp chướng nhập vào làm nam-tử. Phá một lúc. – Hết điển.

Ngày 22 Septembre 1936 – mùng 7-8-â.l.

Không chi lạ vài chén trà điểm tâm, ngọ bột và canh cải củ với khoai, Samdhen đi lại Quan nha hỏi giấy tờ, về nói bữa nay mới viết, rồi huỷnh buồn, bần đạo khuyên lơn, đoạn huỷnh đòi đi Dzêsbung ít ngày, kêu Isess bảo sắm sửa đi, kế có Choundouss về khuyên lơn và đầu bếp cũng an ủi, huỷnh không đi. Huỷnh buồn vì công sự của huỷnh đâu đó đã an bài, từ Quốc Vương chí tứ trụ đều xuôi xếp mau chóng, chỉ còn có một vị quan trung đẳng làm ngặt, huỷnh cũng có sắm lễ vật đến, nhưng vị quan ấy không thâu nạp và nói : trước không đến, bây giờ đã muộn, mấy phen huỷnh tới hỏi, thì cứ nói việc quốc gia nhiều lắm, việc của thầy chưa tới phiên, thủng thẳng sẽ làm, không gắp chi việc Phật sự. Bị vậy mà huỷnh buồn, song bần-đạo có khuyên rằng : Tấm lòng Phật đệ tử một mực an-ổn không vui không buồn, không gấp không trễ trơ trơ không lay động, muôn việc xảy ra là lý tự nhiên, như mặt trời hằng chiếu rọi, hằng sáng, mặc tình mây phủ sương che cũng sáng vậy hoài . . . . . . . . Nghe đặng mấy lời an ổn. Bần đạo có tiếp lời rằng : Tôi vẫn biết tánh huynh nóng nảy, muôn việc đều muốn mau mau cho rồi. Huỷnh cười và đáp : Thật ý tôi y vậy. – Bần đạo tiếp, huynh bây giờ tuy ở Lhassa chớ lòng trí ở Bodhgaya, huynh lo, vì lúc nầy là lúc đông thiên hầu đến, chư thiện-nam, tín-nữ các nơi lần lượt tới Phật-đà-gia cúng dường, mà bây giờ huynh còn ở đây thì rối rắm quá, một lẽ chư cúng dường trông thầy mà không có, hai lẽ là lỡ việc bàn định sự nhà-thiền cùng đàn na. Huỷnh rằng : Phải lắm, y vậy, y vậy, tại Phật-đà-gia chỉ có tôi làm đầu trong bọn Lama cùng đàn na tín chủ trong bọn Tibet, mà vắng tôi thì rối quá, phương chi sự nhà đã bố cáo rồi… mùa nầy quyết bàn định cùng họ, mà bây giờ còn ở đây, mất ngày giờ vì một Tiểu quan nghiệp kiếp, để giấy tờ đó không phê nhận giùm, đến hỏi thì cứ nói việc quan nhiều lắm. Bần đạo rằng : Đường đi khi thẳng khi quanh, khi xuống dốc khỏe cẳng mà mau, khi gặp dốc đã mệt mà thêm chậm, muốn mau khó nổi. Việc nhà thiền không một năm mà rồi, không hai năm mà rồi, ít nữa là ba năm, bốn năm, khắp đất Phật đi quyên tiền, hành phước chúng đàn na, trong Phật đạo có cực mới có công, vậy huynh gấp mà làm gì. Huỷnh cũng mau nghe, bèn vui lòng. Bần đạo tiếp rằng : Đôi ba tháng ở đợi nổi, năm ba ngày nữa đợi không đặng sao ? Huỷnh cười, mừng nói : Thôi, phải, khá.

Không chi lạ, sớm, trưa, chiều và tối cũng y nhau, nhưng nay có khác là ngày tiếp điển Tổ-sư :

Tiếp điển Tổ-sư :
Ngài kêu và luận đạo, luận sự Samdhen. Samdhen phục lòng tu bần-đạo lắm, mấy phen nói sự quá khứvị lai.

ốm . gu . ru . ba jia . đa . ra . su . ma . đi . ki . đi . si . đi . hung . hung .
banhza Sungapa, niệm chuỗi.

Ngày 23 Septembre 1936 – 8-8-â.l.

Trà sữa tráng lòng, cùng Samdhen luận đạo, huynh đệ đồng hạp ý. Đoạn học, 11 giờ ngọ bột, Samdhen có hộ một dĩa đồ xào, cải, khoai bún. Ăn rồi ra ngoài nắng ngồi học vì khí hậu lạnh lùng. Tối tụng niệm rồi 9 giờ nghỉ.
Tiếp điển : Lời căn dặn :

Mỗi đệ tử đều phải thụ giới trước Thánh tượng, đừng làm theo nhà chùa trong quốc-độ Annam mà mang tội với luật Vô-vi. Cấp đủ phái phù tùy thân.

Ngày 24 Septembre 1936 – 9-8-â.l.

Y lệ, trà điểm tâm, học, 11 giờ ngọ bột với canh cải củ trắng bào, ăn rồi học, không chi lạ. Trời lần hồi lạnh lẽo. Samdhen đi bỏ thơ với Isess, uống xăng hơi ngà về ngủ nói với bần đạo rằng : Bạn Lama cho ăn nhiều Ghee nên mệt phải ngủ. Chiều y lệ.
Tiếp điển : Lời căn dặn :
Hàng đệ tử cựu rốt cuộc còn ba người đó Thọ, Pháp, Chơn. Còn chí thì đừng cho nhập, kiếm thế Phạm-đàn, kiếp sau sẽ độ, để kiếp nầy y bồi tội.
Thiệu long vậy vậy . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Mỗi người lực nghiệp tùy kiếp trước . . . . . 5 năm, 3 năm . . . không có . . . . .

Ngày 25 Septembre 1936 – 10-8-â.l.

Y lệ, ngọ bột với canh cải bào, hộ Samdhen, Issê, Isess cả. Chiều y lệ, bữa nay 3 giờ Samdhen đi đâu về với Isess, y như hôm qua say ngà ngà, ngủ. Công sự chưa rồi ý buồn, lấy xăng giải muộn. Bảo bần đạo nhập định tư tưởng van vái giùm. Tánh huỷnh còn nóng nảy quá, thôi cũng tự ý người, lần hồi sẽ sửa. Sáu giờ huỷnh thức, thấy bần đạo ngồi nơi đơn thì hỏi : Ủa thầy không ngồi định sao ? – Có, nhưng không có chi cả. Đức Như-lai biết cả . . . . . . . Buồn quá . . . . . . . . Huỷnh dường có ý thẹn mặt, vì ý huỷnh khi nãy bảo nhập định, hối đi ngồi, rồi bảo Issê đem nệm ngồi lên rầm, lăng-xăng, nhưng bần đạo không cho, tự lên rầm ngồi, đã một giờ ngồi mà không thấy chi cả, lòng bứt rứt, lương tâm nói rằng : Samdhen Lama lấy làm lạm dụng nhà ngươi mà giỡn với Phật . . . . . . . . . Nghe bao nhiêu đó bần đạo bèn chỗi dậy lại thang đi xuống, thì thang đã rút hạ dưới đất, bần đạo kêu Issê bảo bắt thang xuống vào đơn, thấy Samdhen ngủ khò thì hội ý, huỷnh bữa nay say nữa, sợ bần đạo biết lại bảo bần đạo đi ngồi đặng huỷnh ngủ cho êm . . . . . . . Té ra sự chẳng nhẹm huỷnh có ý mắc cở . . . . . . Còn bần đạo
thì tỏ ý buồn giùm cho huỷnh, cả buổi bần đạo nghiêm mặt không nói chuyện như mọi khi. Tối lại tụng kinh, bần đạo chỉ ngồi nơi đơn thầm niệm. Hai ngày rày huỷnh cùng Isess đi uống rượu . . . . . . . . . . . . .
Tiếp điển : Ngôi tam bửu có người lo cả . . . . . . . . . . . .
Tiếp lời căn dặn :
Trong một năm rưỡi trở về nước, sẽ có tiền kiếp trí thức thọ giới. Coi cánh tay mặt thì biết. Rán độ cả gia đình . . . . . . gặp ách nước đừng lo . . . . . . . . . Để ý . . . . .
Về xứ phải chịu ba năm dư nghiệp, rán cắn răng trả chớ phiền. Nên hư trong hội khảo. Phật tử nhờ nhẫn địa nên danh.
Các vai tuồng nặng nề đối với trần, còn sánh với Phật tử như thổi mảy lông.
Hoàn cảnh cũ xơ rơ, người tiêu nghiệp tán chớ nao lòng v.v.
Tay hộ pháp sẽ gánh vác giùm không chi lạ, sẽ kinh dinh Phật sự.
Hỏi trong 2 G. Đạo Phật có mòi thạnh. Năm M. không khỏi tai ách 2 G. nếu có nhiều người tu hành, đức ấy che cả 2 G. Đỡ chúng sanh.
Tiền kiếp huynh-đệ kẻ huệ người phước sẽ giúp giáo cho mau thành cơ sở Phật sự.

Ngày 26 Septembre 1936 – 11-8-â.l.

Sáng thường lệ. Samdhen nghĩ sự mình phạm giới có ý sợ, sáng lo tụng kinh rồi cùng Isess lo sắm sửa đi chùa sám hối. Trước khi đi hỏi bần đạo : Khi qua thầy ngồi định có ý không đặng tốt trong việc tri hiểu hé ? – Phải, vì có sự buồn Hộ pháp, Long thiên không đặng vui… Isess ngồi gần bên bần đạo, nghe Samdhen nói lại thì huỷnh nói : Sự không nên tin… Bần đạo biết lời nói ấy bèn nói : Phải, hôm qua huynh cười tôi ngạo tôi, nay huynh cho sự không có gì, huynh không tin Phật chỗ tri hiểu… để rồi huynh sẽ biết. Nếu huynh không tin Phật thì đi lạy Phật sống là vua Lama làm gì, đi cúng dường Tả lê Lama làm gì. Nói bao nhiêu đó, Samdhen bèn cằng rằng huỷnh và nói rằng : Họ không tu hành lòng dạ xấu xa, ăn nói điên cuồng. Thôi tôi đi cúng chùa. Huỷnh đi… Bần đạo ở nhà lo tụng niệm, 11 giờ ngọ bột canh cải bào và khoai, có để hộ cho Samdhen chút đỉnh vì không có nấu. Mười một giờ rưỡi huỷnh cùng Isess về hỏi rằng : Ủa huynh ăn ngọ rồi sao ? – Phải đã 11 giờ rưỡi rồi, huỷnh bèn bảo Issê đem bột ăn với đồ ăn để hộ cho huỷnh. Bần đạo bèn lên rầm ngồi cả ngày. Năm giờ xuống huỷnh hối Issê cho trà bần đạo dùng vì ngồi cả ngày. Tối bần đạo ngồi từ 6 giờ rưỡi tới 10 giờ. Tư duy nhiều sự Phật pháp rất đúng đắn . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tiếp điển :
Còn cô giá phụ nói hôm mùng 6 đó, ngươi rán độ hai người gái trước, sau tới cô mẹ. Gia đình hiền lương. Con trai sẽ nhờ cầu Phật hết nghiệp sẽ độ . . . .

Ngày 27 Septembre 1936 – 12-8-â.l.

Nhựt minh tướng thường lệ, kinh mơi, đoạn Sam-dhen 8 giờ 15 đi chùa, bần đạo ở nhà, huỷnh biết ăn năn sám hối cũng mừng cho huỷnh. Mười một giờ ngọ bột, canh cải bào, bị chửa chơn răng nhai không nhỏ. Hộ Samdhen một chén. Hai giờ nghe hơi sình ruột khát nước. Chiều 5 giờ trong mình nóng lạnh vì răng hành. Cả đêm trong mình nhức mỏi nhứt là cái thận tả mỏi lắm.
Tiếp điển :
Cám ơn Đại-đức, nhiều điều căn dặn lối hậu lai, nhờ ơn Phật tổ cho tái kiếp bỉnh phò đạo tràng với Thiện-tri-thức. Sẽ chấn hưng lực vô-vi, kẻ phước người huệ. Kiếp sau còn tái hiệp.

Ngày 28 Septembre 1936 – 13-8-â.l.

Thức nghe trong mình mỏi mê cũng gượng cho qua buổi. Trà điểm tâm. Nay đúng ba tháng ở tại Lhassa, đến 28 Juin – 10 tháng 5 nay 28-9. Ngày tháng như thoi, công sự của Samdhen chưa rồi, phải chờ, nhờ vậy mà bần đạo ở đặng lâu ngày nơi Kinh đô Tây-tạng, quan sát đáo tận phong hóa tăng, tục, các nơi đều để bước dòm xem, làm quen cùng chư Lama cũng bộn. Người tục cũng biết nhiều. Cái tên Lama Chef bay cùng thành thị Lhassa… Trưa ngọ bột với nước trà, mà nuốt còn muốn không vô. Răng hành còn nóng lạnh, cả mình nhức mỏi, nghe lại thì cái tì cũng không êm, cái thận tả nhức mỏi quá. Cả ngày nóng nảy mỏi mê. Tối lại nghe hỏa hậu xung lên tới óc, làm cho con mắt bên hữu lờ và đầu phía ấy cũng nhức. Bần đạo nhớ lại giựt mình, vì đã nhiều ngày nhập định tiếp điển, hỏa hầu hằng ngày lừng lẫy xung lên thức-cân chủ-não. Bần đạo nghĩ rằng : Răng bị chửa chưn nhức không bao nhiêu, sao lại nóng lạnh cách phi thường đây là bị cái ngọn hỏa hậu quá cao, xứ lạnh mà đến đỗi nghe nóng thì cái hỏa không vừa. Nghĩ vậy bèn ngồi đem tưởng vận hỏa hậu ra tứ chi và cho giáng xuống Địa-hạ cốc hậu, tức tốc trong giây phút nghe tì thận bớt đau, qua 10 giờ thì hết nóng. Nam-mô Thích-Ca-văn-Phật, nhờ Phật phóng quang cho sáng ý, dẫn hỏa hậu điện ra và giáng trí tại Địa-trung-ương, nếu không biết chắc bị cái hỏa hậu nầy nó đốt phải bỏ xác phàm. Khuya thức đi tiểu, nghe trong mình khỏe khoắn, nhưng cũng còn đau ran. Kẻ tu hành ai không rõ cái hỏa hậu (Kemdini) vận chuyển quá hốp phải chết vì nó.

Ngày 29 Septembre 1936 – 14-8-â.l.

Sáng nghe khỏe, nhưng cái tì, thận còn hơi ran. Trà điểm tâm rồi nghỉ, bèn trực nhớ lại số tiền trà sữa đưa cho cô đầu bếp 2 rupee hôm 22 Aouât tới nay là 28 Septembre, tính là một tháng ngoài, tội nghiệp mà cô cũng không nhắc nên chi bần đạo bèn đưa cho cô 2 rupee nữa, lỗ người ấy lỗi mình vô ý, vì họ thấy mình là kẻ tu hành không dám từ chối, chớ mỗi bữa dưng trà thiệt cũng cực lòng mà lại còn để cho người hao kém thì tội nghiệp. Trong mình còn mỏi mê lắm, răng hàm trên chửa chưn nay vừa hết, kế răng cùng hàm dưới (hữu) phát chửa chưn, ôi ! tuổi già đã đến, xác phàm chịu biết bao lão bịnh, lúc nằm, lúc ngồi, nhức mỏi cả hình tục, cắn răng, nhẫn nạn vô-vi. Trưa ngọ bột trà cúng dường rồi ăn, nuốt vừa muốn không vô, rán ăn như uống thuốc đắng cho đả tật ấy thôi. Tối hữu ngọa tới 1 giờ khuya, mảng(1) tư duy xác tục, quán tưởng thi hài lúc con người tắt hơi, mặt xanh, da lạnh, khi quá cử hình dạng gớm ghê, sình chương tanh thúi, quán lúc da thịt óc cân rời rã, tứ đại hườn nguyên, bày xương cốt trắng phau, trên sọ trống không, mắt mũi, tai, miệng tiêu trơn, dòm giữa bộng sườn không tâm phổi, quán tới khoản dưới, tì, trường, can, thận, bộng tiểu, tử cung, ngọc hành đều mất cả còn cái cốt bàn trắng bách. Ôi ! Lúc sống con người động tịnh dính dấp cõi trần chỉ cậy một tấc hơi. Thật không chắc chắn lâu dài, trong khoảng sống gởi chẳng biết bao đều cực khổ với sự giàu nghèo, mạnh, đau, còn, mất, sang, hèn. Quán tưởng tới đây, cả sự mỏi mê đau đớn của bần đạo đều đi mất, phút động tâm thương cả chúng sanh tạm ở cõi trần mỗi người mỗi loại đều gánh một vai tuồng giả hiệu nghiệp oan, in như lũ đào kép trên sân khấu, đội mũ, mang râu tùy vai phận, hết lớp vào buồng, mũ râu đều lột ai cũng như ai. . . .

Cột trói con người bằng tấc hơi,
Cõi trần phải trả vốn cùng lời,
Oan khiên buổi trước vay từng đống,
Quả báo thân sau nghiệp nối đời,
Sống gởi tung hoành trong địa cuộc,
Chết hầu khủng khiếp cõi tòa trời,
Do nhân kết án luận hồi kiếp,
Lục thú tùy duyên đội lớp trời…
. . . . . Ngủ . . .

Ngày 30 Septembre 1936 – 15-8-â.l. Trung thu.
Tibet cũng là rằm.

Sáng thức khỏe khoắn. Trà điểm tâm rồi 8 giờ rưỡi đi hành hương chùa Phật tổ. Ngày nay cả nhơn dân tăng tục vua quan đều đi cúng dường. Đến nơi thấy đàn na tín thí cùng chư Lama sư chật trong ngoài. Đi giáp ba từng chùa cúng dường các điện rồi tại từng chót trên rầm nóc chùa, bần đạo cùng Samdhen chụp ảnh làm kỷ niệm. Trở về tới khúc quẹo bảo Samdhen về trước vì còn mắc đi mua bánh với khoai nấu. Huỷnh về, một mình trở lại, lòng còn ức sự chụp ảnh đức Phật
Tây-tạng, hôm trước chụp một lần không biết tốt xấu ; nay muốn chụp một lần nữa cho chắc ý. Đã biết xứ nầy cấm chụp ảnh Phật trong xứ, nếu bắt đặng ai chụp ảnh thì trước đánh đòn sau bỏ tù đuổi ra khỏi xứ, nhưng nhờ Phật lực khiến tuy đông đảo trong ngoài mà lúc trở lại chùa thì nơi điện Tây-tạng Phật chẳng một ai. Bước vào gặp hai cô đi cúng dầu, bần đạo lễ bái van vái, hai cô cúng xong đi ra, một mình bần đạo đứng ngay điện, chậm rãi lấy máy chụp ảnh ra, khoan thai quan sát rồi chụp ảnh trong nháy mắt. Bần đạo thuật việc chụp ảnh cho Samdhen nghe, huỷnh rằng : Cha chả thầy đại phúc hạnh nhờ Phật lực giúp cho, nếu không thì ắt mang khốn, vì nếu tăng, tục, quan, lính thấy đặng thì còn chi thầy, dầu đức Lama Quốc Vương xin tội cũng không đặng, vì luật nước từ xưa tới nay không ai dám cãi. Choundouss nghe bèn hỏi xin một tấm lúc rửa hình, nhưng bần đạo không hứa cho. Samdhen lúc đi đường hai huynh đệ, mấy huynh kia về trước, thì huỷnh nói : Hình Phật Tây-tạng, sau rửa rồi đừng cho ai cả, thầy đem về xứ làm của quí vì Phật cho thầy . . . . . . . Bần đạo rằng : Phải, chỉ có một mình huynh sẽ đặng một tấm mà thôi, kỳ dư ai nấy cũng không đặng cả.

Về cúng ngọ bột với trà. Nay lấy tiền của Choun-douss 17 trăng nga tính với 3 trăng nga hôm trước là 20. Cúng dường (và mua bánh khoai 3 trăng nga 1 yogăng). Còn lại 6 trăng nga 1 kama.

Về coi tay cho hai người cháu kêu bằng dì của Bà lớn. Chiều tụng niệm rồi, bèn luận bàn sự du chư Phật quốc-độ cùng Samdhen và tính về trước với bọn Issê, Choundouss đặng lo sắp đặt các sự. Bần đạo tính về, tạm Calcutta vài bữa mua chút ít vật dụng hộ Sacretary(1) và chư tăng tại Sarnath và nếu dư tiền sẽ dưng cho hội 100R đền ơn cơm áo chín tháng trời, đoạn cậy Đại sư và Sacretary nói giùm với bọn Japan xin đến chùa Nhựt ở ít tháng công quả và học tiếng Nhựt phòng sau sang Nhựt quốc. Samdhen vui lòng lắm. Mười giờ ngủ, hữu ngọa quán tưởng tới 12 giờ ngủ êm.

Chiều hộ bánh nội bọn, bần đạo không dùng bánh nào cả. (Trước khi tụng niệm có chiếm quẻ keo Sam-dhen công sự giấy tờ bốn bữa nữa sẽ hườn cuộc.)

Ngày 1er Octobre 1936 – 16-8-â.l.

Điểm tâm trà sữa Tây-tạng. Còn lại một cái bánh hộ Samdhen, đoạn nhớ lại tối hôm qua có niệm quẻ keo giùm Samdhen bốn bữa xong giấy tờ, kể từ nay. Ngày nay trong mình khỏe khoắn. Mười giờ xếp sách lo nấu ăn. Mười một giờ cúng ngọ bột và cà-ri cải bào với khoai rồi hộ nội bọn với đầu bếp, họ rất vui lòng. Chiều y lệ.
Tiếp điển : 12 giờ khuya tiếp lời dặn :

Sau khi về nước 18 tháng thì lo khởi cất chùa. Ngươi chớ lo về sự phú quyến phiền lòng bá tánh. Có đệ tử tiền duyên nguyện lực, lo cho rồi chùa. Sau người đó sẽ đứng thế cho người làm chủ tự v.v. . . . . . . . . . .

Ngày 2 Octobre 1936 – 17-8-â.l.

Trà điểm tâm 11 giờ ngọ bột với khoai chiên. Bữa nay có cô đầu bếp hộ đồ ăn cho Samdhen mình khỏi hộ. Chiều 5 giờ Samdhen rủ đi nhiễu chùa và dạo phường cho giãn gân vì cả ngày ngồi lụn. Dạo phố mua một bộ chưng và nắp thau chén trà giá 17 trăng nga (11 annas 2P). Ba vòng chùa rồi ghé tiệm quen của người bản sở của Samdhen (người Lađặc) chuyện vãn vui vẻ vì người biết Hindou và Englis chút ít. Người nói : tháng nầy đã lạnh rồi sao thầy mặc đồ xem ít ấm vậy. Samdhen hớt nói và thuật rằng : Từ ngày phát ra đi, tại Ghoom đi tới Lhassa ba tháng trời thì ổng chỉ mặc một đồ y phục đó thôi, đến Pharigiông là nơi lạnh hơn hết thì cũng vậy, trải mấy tháng (ba tháng ngoài) tại Lhassa cũng vậy, không nghe than lạnh. Huynh chủ tiệm lắc đầu và vỗ vai bần đạo rằng : thầy thiệt tốt quá, tu hành cứng cỏi. Kế huynh Samdhen thuật sự ăn ngọ chay, y luật một ngày một bữa 11 giờ trưa thôi, chiều không một vật chi khác đút vào miệng khi quá 12 giờ. Sớm mơi thì chỉ dùng trà ít chén rồi thôi. Nghe qua chủ tiệm cũng khen ngợi và vỗ vai nói tu hành hạng nhứt. Về. . . . . . tới nhà cô đầu bếp dưng một bắp cải rằng : đầu bếp hộ. Cảm ơn.
Tiếp điển : Lời căn dặn :
Ngôi tam bửu e ngươi quên. 18 tháng là sửa soạn. Ngoài hai năm thì khởi sự. Đúng ngày 13-8 giờ mẹo động, thân xây.

Ngày 3 Octobre 1936 – 18-8-â.l.

Trà với bánh cỗ bột cúng dường của một vị Quan lại hộ cho Samdhen hôm qua, huỷnh hộ lại bần đạo. Chín giờ rưỡi mượn Isess đi mua 3 trăng nga vật thực, 11 giờ ngọ bột và cà-ri bắp cải, khoai lang, hộ nội bọn. Samdhen bảo xuất 2 rupee đặng huỷnh gói vào với anh-lạc làm vật lễ cầu Pháp với Đại Lama Quốc Vương, huỷnh sắm sửa trước đặng mai đi đảnh lễ Đức Thượng tọa, vì huỷnh có sai Issê đi đến Thơ ký quốc vương hỏi thăm rồi, người cho hay rằng : ngày mai 9 giờ nội bọn đặng lịnh phê cho triều yết. Chiều 4 giờ một mình dạo phường, quyết mua một cái chén trà cây Tây-tạng cho vừa cái chưng thau mua hôm qua, đi lựa ba, bốn quán mà không đặng, đi và dòm khắp, bỗng gặp Issê đi đổi tiền, huỷnh vào tiệm đổi, bần đạo đi luôn phút gặp một quán xề xuống lựa, Issê đổi rồi ra gặp, mua giùm, lựa giùm một cái rất bằng lòng bần đạo, đem về để vào chưng rất vừa vặn, ấy là một món kỷ niệm, giá 5 trăng nga (cộng với cái chưng thau là 22 trăng nga và 14 annas, ai nấy gọi rằng rẻ quá).

Ngày 4 Octobre 1936 – 19-8-â.l.

Chỉ trà điểm tâm rồi, 8 giờ mượn áo của Méchen mặc, sắm sửa như bực đại nhơn Tây-tạng đặng đi yết kiến Quốc Vương cầu Pháp. Tám giờ rưỡi cùng nội bọn Samdhen làm đầu, đi đến Thơ ký Lama Quốc gia, đợi một chập, đoạn người cho Lại quan dẫn lộ lại Ngự điện, đợi chập lâu, quan Lama hầu cận xuống cho hay rằng : Lịnh cho yết kiến. Huynh đệ đồng thượng ngự điện, lễ yết như hai lần trước. Bần đạo dưng anh lạc, Quốc Vương thủ hữu ma đầu rồi ban niệt, đoạn quan mời lui xuống phòng trà. Quốc vương cho Samdhen ở lại chầu tâu mọi việc. Chập lâu Samdhen xuống điện, mặt mày coi hớn hở, nội bọn ra đi lại Quốc gia thơ phòng đội. Samdhen rằng : Đợi lấy Passeport của bần-đạo, Quốc vương nhận ấn rồi sẽ phát lạc. Còn sự cầu Pháp danh nơi Quốc vương Lama rồi cũng sẽ có ngự bút ban lạc. Về ăn ngọ sơ sài bột và cải củ bào cà-ri, bần đạo nấu nhiều hộ nội bọn. Chiều Samdhen đi lấy giấy tờ về, Passeport đã ghi và ấn Quốc Vương trao cho bần đạo : Pháp danh : Thubten-Osall. Nay huỷnh đã đặng sắc Quốc Vương phong Lama-quan-chức kiêm vụ Phật sự tại Phật-đà-gia, bần đạo cũng mừng giùm cho huỷnh tùy ý muốn nay đặng như nguyện. Ba huynh đệ họ Isess, Issê và Choundouss mua bánh và lạc làm lễ mừng Tân quan dưng anh lạc. Đoạn Samdhen đáp lễ ít hồ xăng cho ba huỷnh, vui vầy cùng nhau. Bần đạo và Samdhen đàm đạo (sau khi tụng niệm tối rồi), bàn luận sự khi tới Phật-đà-gia. Bần đạo rằng : Nay huynh đã đặng phong chức Lama kiêm vụ Phật-đà-gia Phật sự cho đi khắp xứ có Phật đạo hành phước Đàn na, nay vưng lệnh đến Phật-đà-gia tấn vụ Phật sự lo lập nhà thiền tại đó, vậy phải ở lâu, chẳng phải năm, bảy tháng một năm mà rồi, ít nữa ba năm bốn năm mới rồi phận sự công quả. Vậy chẳng nên ở nhà hội Đại-bồ-đề, phải làm theo kiểu Tây-tạng Lama quan cho khỏi tồi tệ, khỏi hổ, phải sắm một cái nhà vải bố, y kiểu Lama quan, khi đến Calcutta thì mướn may hai cái, một cái cho huynh, một cái cho Lại quan giúp sự và chỗ nấu ăn cũng trong đó. Vậy tiện bề cho huynh ăn ở bao lâu cũng đặng khỏi xin phép chìu lụy hội Đại-bồ-đề và cũng ra vẻ nhà Lama quan xứ Tây-tạng. Nghe qua huỷnh vui lòng hết sức và cám ơn ý tứ bần đạo và nói rằng : Thầy lớn tuổi trí hóa đầy đủ ngó xa hiểu nhiều, lời bàn luận rất đáng, tới khuya huynh đệ nghỉ.
Có hỏi về Ngọc Phật đức Giabô, bảo về giao cho giáo sư, vì người đã có lập tháp sẵn rồi. . . Lạ quá.

Ngày 5 Octobre 1936 – 20-8-â.l.

Sáng điểm tâm bánh của Samdhen hộ hôm qua, rồi lo đi chùa cúng dường và xưng Pháp danh lễ bái bố cáo nơi các điện : “Đệ tử Việt-nam Bí-sô Pháp-danh Thích-tùng-huệ, đến Tây-tạng đã bá nhựt, cầu Pháp danh nơi Đại Thượng tọa Lama Quốc Vương, ngài ngự ý cho Pháp-danh là : Thubten Osall Lama (nghĩa là : Thubten là tên của đức Tả-lê Lama Thái-thượng-hoàng đã băng. Thubten là vòng cứng bền chắc Kim-cang. Còn chữ Osall là : ánh sáng mặt trời, tên của đương kim Quốc Vương Lama, nên bần đạo biết là : Huệ-nhựt). Nay đi chùa lễ bái và bố cáo cho chư Bồ-tát tại tự Thinh-văn thánh hiền cập Lịch đại Tổ-sư đẳng đồng ủng hộ.”

Cúng dường rồi về, ghé tiệm bánh mua 5 trăng nga, ra quán mua nho khô và chà là khô 2 trăng nga, đậu phộng rang 1 trăng nga, sữa khô và bonbon đường 2 trăng nga. Về nhà mượn Isess đi mua một bình lạc 2 trăng nga và 1 trăng nga đường cộng là : 13 trăng nga 8A.2P, đoạn gói 2R và 1 săng, một sợi anh lạc, khi Samdhen đi lại dinh Thừa tướng về, bèn bày lễ mừng tân quan, huỷnh vui lòng và nói : Tôi cùng thầy là huynh đệ, lễ vật long trọng quá như vầy, thật lạ quá. Bần đạo rằng : tuy khác nước mà đồng đạo, lại cùng nhau sáu, bảy tháng trời chen vai, hiệp mặt ăn ở cùng nhau, thương nhau như ruột thịt, nay huynh đặng phong quan, bần đạo mừng, ấy là tốt huynh là tốt tôi, xấu huynh là xấu tôi, vậy chẳng phải lễ vật là trọng, chỉ hưởng tấm lòng của bần đạo là đạo bạn cùng nhau. Huỷnh nghe qua rưng nước mắt, vui cười…

Đoạn 11 giờ ăn ngọ bột với cà-ri cải bắp, khoai lang. Hai giờ huynh Samdhen đáp lễ lại bằng trà sữa, vui vẻ đàm đạo. Bốn giờ cùng huỷnh dạo phường ghé tiệm quen của huỷnh, coi tay giùm cô chủ tiệm. Thương ôi ! gia đạo nhiều sự phiền não, tình nghĩa lợt lạt . . . . Cô hỏi vậy phải làm sao ?. . . . Bần đạo chẳng hứa chi hết, chỉ bảo cúng dường cầu vái nơi chùa. Về. . . . . Tối lại y lệ. . .

Ngày 6 Octobre 1936 – 21-8-â.l.

Điểm tâm rồi, đồng đi lên khúc đường xa thành 1 km, đặng tỏ lòng tiễn hành đức Quốc Vương, ngày nay di giá đi hành hương nơi chùa Đại tự Samgiass đi bốn ngày đường mới tới. Long giá sẽ ngự tại đó một tháng. Đến khúc đường gần đồng trống thì đã có toán binh bộ và pháo thủ, nhạc binh đã dàn cận lộ, dựng đại kỳ Tibet ba cây, hầu đóng tiễn hành, các quan mặc triều phục hầu đóng từ chặng, từ nhỏ tới lớn, thứ lớp dàn hầu, có hai vị Quan binh anglais và vị Consul(1) tàu cũng có đi dự cuộc tiễn hành. Các quan lớn đều đi xa cách thành bốn, năm cây số ngàn, đóng trại hầu, đóng tiễn lễ, còn quan nhỏ thì phân giai cấp từ đền vua cho tới chỗ Đại-thần. Chín giờ Long kiệu đi ngang toán binh, bèn dựng cờ nổi nhạc chào đưa. Samdhen lén chụp hình long giá hai lần. Về tới nhà 9 giờ 30. Ngọ 11 giờ bột với cải xào sơ sịa nửa sống nửa chín, vì đầu bếp gấp nấu trà nên bần đạo nấu sơ cho người nấu. Samdhen dòm biết, rầy đầu bếp sao hối gấp bần đạo, làm cho đồ ăn còn sống, bần đạo nói : dùng cũng đặng, nhưng đầu bếp là kẻ tiểu nhơn trở hờn Samdhen và bần đạo, song bần đạo vẫn vui lòng…… Chiều, sẵn Samdhen gởi thơ nên cũng viết một cái thơ gởi về Nam-Việt, thuật sơ sự trải qua trong ba tháng trời tại thành Lhassa. Tối nghỉ khỏe.

Ngày 7 Octobre 1936 – 22-8-â.l.

Trà điểm tâm, 9 giờ rưỡi đi chợ mua một lọn bún 1 trăng nga, bánh 1 trăng nga, ớt 1 trăng nga, 2 trăng nga khoai. Về xào cải ăn ngọ bột. Từ giờ nầy không dùng trà Tây-tạng, ý muốn tập cho quen trở lại như cũ và thừa dịp bình phục Isess. Samdhen bảo đừng ăn cải bắp vì tháng nầy ăn hàng bông thì bịnh. Bần đạo rằng : tôi ăn quen rồi không sao.
Tiếp điển :

Coi ý nhà ngươi quên tên tín-nữ giá phu đã nói trước, nên u ơ suy nghĩ hoài. Người trung, trắng trẻo, có con trai bỏ vợ, hai gái có chồng ngoại bang bạch hầu. Ba mẹ con sẽ là đệ tử ruột của ngươi, do tiền kiếp ngươi đã có độ ngũ giái. Người mẹ sẽ đắc quả cực-lạc, nhờ pháp môn ngươi phú . . . . . . .

Ngày 8 Octobre 1936 – 23-8-â.l.

Trà sữa điểm tâm, 11 giờ ngọ bột với cải bắp xào. Samdhen mất porte feuille, nghi cho chú nhỏ (Phon) mới ở. Issê và Isess đi kiếm chú nhỏ, bắt đặng đem về bèn thú tội trả bóp, xài hết 1 trăng nga 1 yogăng. Isess đánh vài roi da. Samdhen bảo cột thúc-ké(1) phạt một đêm. Issê bèn thộp ngực đem đi cột, vợ đầu bếp xin đuổi đi cho rồi. Chiều đi dạo phường mua 1 trăng nga 1 kama bột cà-ri, một cục kẹo Tây-tạng 1 kama. Về lo tụng niệm.
Tiếp điển :
Thơ sanh con bạn thông gia, rán độ cả chị em. Tiền kiếp phá Phật pháptà đạo bị nghiệp yểu tử. Chị cũng sẽ qua nghiệp, em sẽ nên đạo, nhưng phải khéo dạy dỗ, ngã mạntà đạo, nên đạo khỏi yểu tử. Lòng tà còn nhiều, sám hối một năm thì hết. Sau khi về nước rồi, chùa sẽ tới. Rán độ, đừng thối chí . . . . . . Trị tà . . . . . . y vậy . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Ngày 9 Octobre 1936 – 24-8-â.l.

Trà sữa điểm tâm. Samdhen hỏi sao không dùng trà Tây-tạng, trả lời rằng : hai thứ trà đau bụng, hai ngày rày không dùng nghe êm ả. Xuôi việc. Mười một giờ ngọ bột, cải xào 1 giờ có hai huynh Lađặt đến lễ mừng Samdhen, có tặng bần đạo một sợi anh lạc, mừng cho bần đạo đặng Đại đức Lama Quốc Vương cho Pháp danh, rằng : Thuở nay chưa có chư Lama nào đặng Quốc Vương Lama cho pháp danh cả, chỉ có cầu pháp nơi các Thượng-tọa các chùa mà thôi, không ai dám đến cầu pháp nơi đức Phật nối vị Quốc Vương đâu, chỉ mới thấy một lần thứ nhất mà Quốc Vương cho Pháp-danh thầy, anh em tôi lấy làm mừng cho thầy. Từ ngày đặng Pháp danh ấy, Samdhen khoe cùng, ai nấy nghe cũng lấy làm lạ và mừng giùm.

Chiều 3 giờ lo nấu cơm đãi bốn huynh khách. Isess bảo Issê hỏi bột kosali là bột ớt của bần-đạo. Samdhen nghe bèn rầy, các người cứ đồ của Guơlông hỏi hoài, xấu quá. Bởi Samdhen thường thấy hoài, hỏi vật nầy vật kia luôn luôn. Mà bần đạo chẳng hề hỏi cậy họ món chi cả. Samdhen có tánh khá, nhẹ ý, biết e lệ chớ không lì lợm quá như chư Lama hay người Tây-tạng khác, họ quen thói tục không sợ mích lòng ai cả, lạm dụng lòng tốt của người lắm. Tối lại Sam-dhen cúng nước rồi cáo bịnh, trùm nằm đó ngóc đầu chuyện vãn tới khuya. Chín giờ bần đạo nghỉ.

Ngày 10 Octobre 1936 – 25-8-â.l.

Tại Sarnath ngày nay cả ngàn người cúng vía kỷ niệm Xá-lợi Phật tổ.
Y lệ, 8 giờ Samdhen sai Choundouss đi đến Lama lão xem quẻ bịnh. Trở về nói : Đại đức nói bị mong vọng Phật-đà-gia, trong lòng nóng nảy sanh bịnh, vì ở Lhassa lâu, bỏ Phật-đà-gia đã lâu ý mau rồi việc trở về Dorjec đảnh cho mau. Samdhen nghe qua than với bần đạo rằng : Biết sao bây giờ, chỉ còn có một tờ bố cáo phê cấp số tiền quyên mà vị trung quan làm chưa rồi, để dây dưa lâu quá, làm cho chúng ta chờ đợi lâu ngày quá, tôi rất nóng lòng về Phật sự. Đoạn bảo Isess và Choundouss cầu kinh, giao phần nấu ăn phụng cấp ba huỷnh ẩm thực, mua lá trắc bá diệp xông hương một thau ngoài hàng ba. Hai người cứ ngồi tụng kinh, khát uống trà, đói ăn bột. Mười một giờ bần đạo y lệ cúng ngọ, bột với cải bắp xào. Chiều lại Samdhen sức lực hườn nhiên. Bước ra trước sân chơi mát. Bần đạo thử hỏi : nầy huynh, vậy chớ huynh có biết hướng nam nơi dãy núi từ Bumpari chạy dài theo mé suối lớn có vị Đại đức Lama ẩn dật tu hành nơi ấy chăng ? – Trả lời rằng : Khi tôi còn nhỏ trong khoảng chín năm trời ở tại chùa Dzêsbung thì nghe nói có nhiều vị Đại Lama ẩn dật trong hang tu hành cao pháp, nhưng ít ai gặp đặng. Bần đạo thử hỏi vậy coi cho biết huỷnh có phúc hạnh nào mà gặp các ông Đại đức ấy chăng ? Cũng biết rằng : theo cử chỉpháp môn của huỷnh hiện thì còn hẹp hòi hạ cấp, còn quá nuôi dưỡng xác phàm, ý tứ chưa lìa trần ngũ dục, thì không thể hữu duyên cùng chư vị Đại đức ấy. Huỷnh khi trả lời rồi trong giây lát bèn hỏi : Thầy hỏi đó có ý gì chăng ? Thầy sao biết vậy mà hỏi tôi ? – Nếu tôi không biết thì làm sao hỏi huynh đặng. Huỷnh nghe qua bèn nói : Sao thầy biết xin nói cho tôi rõ với. – Nầy huynh, hai phen đi tắm khi nọ, huynh gọi tôi đi đâu lâu làm cho huynh để ý sợ lạc bước, hoặc gặp bất tiếu hãm cầm… Lúc ấy tôi có gặp Đại lão Lama, người thông tiếng Hindou lắm, đàm đạo với tôi hai phen, người thông kinh Phật lắm . . . . . Huỷnh hỏi : Vậy chớ vị Đại Lama ấy có nói sự chi chăng ?. . . – Có, nhưng tôi không có thể nói lại cho huynh hiểu, vì huynh ít thông Hindou, chỉ biết đủ nói bập bẹ, chớ nói qua kinh Phật tôi cũng không đủ tiếng nói lại. Nghe qua thì hiểu mà nói lại thật khó lắm . . . Huỷnh nói : Nói sơ ý chỉ của Đại đức nói cho tôi nghe mà . . . Bần đạo chỉ cái ngực rằng : Ngài nhắc tích Phật nói cùng Xá-lợi-phất cái tâm hành đạo . . ., có lẽ huynh hiểu chút ít cái tâm-kinh mà . . . . . . . Hai huynh-đệ vừa nói vừa đi vô . . . Thôi các qui kỳ phận,(1) lo tụng niệm.

Ngày 11 Octobre 1936 – 26-8-â.l.

Y lệ, 9 giờ nấu cà-ri cải bắp, khoai và cải củ bào hộ cho các huỷnh đang tụng kinh. Chín giờ 15 Issê lo dưng bột cho các huỷnh, bần đạo bảo chậm chậm chờ đồ nấu chín một chút sẽ dưng bột, bần đạo sẽ hộ đồ ăn. Bây giờ ăn bột với nước trà và muối ớt chớ có ăn chi. Mười giờ thì cải bắp và cải củ bào chín, bần đạo bảo Issê dưng bột, bần đạo múc cà-ri hai thứ cải đã chín trước, duy khoai lang còn sồn sồn, nên chừa khoai lại, múc cải hộ các huỷnh. Bần đạo còn nấu thêm chập nữa cho chín khoai. Mười giờ 45 đã chín, nhắc xuống đem vào tợ, lo nhồi bột, rồi cúng ngọ. Bỗng có một vị sai nhơn của chị của Bà lớn, sai đem bún và một con dê thịt sống đến hộ huynh Samdhen, đó là lộc của họ. Mười hai giờ bỗng có hai vị Lama ở chùa Séra đến dưng anh lạclễ vật (một ổ beurre Tây-tạng với trà) mừng Samdhen đặng vua phong chức. Có tặng cho bần đạo một sợi anh lạc, mừng đặng Pháp danh nơi Quốc Vương sắc-tứ. Chiều y lệ.

Tiếp điển : Lời căn dặn 12 giờ khuya.

Cái am ở phía trên có một ni cô, lòng phát đạo tinh tấn, nhưng bị người chồng tà đạo và người anh cũng vậy nên che cái đức huệ. Có thầy mà không bố giới, nên sái mối đạo. Cũng bị cái pháp niệm nên lấp chơn tánh. Có người con trai, sau sẽ nhờ con chỉ đường chánh. Có cầu ngươi, ngươi phải độ. Hai năm ngoài sẽ tới kỳ duyên nghiệp, sau khi về xứ . . . . . .

Ngày 12 Octobre 1936 – 27-8-â.l.

Nhựt y lệ, 11 giờ ngọ bột, cải bún xào lăng. Sam-dhen hộ ba lọn bún. Chiều y lệ. Ngày tháng hao mòn không hay, nhờ thiền định và tiếp điển chư tôn đại đức. Xứ nầy nhiều tử tưởng lành bay khắp, chư tu hành nhập định, hạp quán thì tiếp không biết bao nhiêu điều mầu nhiệm trong pháp giới tánh. Kỳ thật, tu hành mà không có pháp quán khó mà dứt tam nghiệp, khó xô ngũ sanh căn, thì không thể sạch nghiệp.
Tiếp điển :
Bốn năm sau khi về nước có ba người đệ tử Trung.
1o sẽ nên chánh pháp trong một năm.
2o Ngã mạn
3o ba năm sẽ nên
1er nối kế chí đặng lắm.

Ngày 13 Octobre 1936 – 28-8-â.l.

Minh tướng y lệ ; ngọ thời y pháp : 11 giờ cúng ngọ bột, cà-ri cải bắp, bún (Samdhen hộ hai lọn nữa).
Mộ thời y tụng niệm, thiền định, quán tưởng.
Tiếp điển : 1 giờ sáng ; đích thân Thượng-sư tới.
Sửa chỗ sái : Nhứt là ngươi hay lộn cái Sơ-thiền quán niệm vậy vậy. . . Đình tâm, nhập bổn. Nhị-thiền trúng. Tam-thiền : nhập vô-sanh y vậy. . Tứ-thiền : Hoa khai... sau sẽ quán Kim thân, tức là kiến Phật ngộ vô sanh vân vân. . Y vậy. . .

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.