08 Gánh Nước Lên Đồi

24/12/201112:00 SA(Xem: 6891)
08 Gánh Nước Lên Đồi


NGƯỜI GÁNH NẮNG

Bút ký của Quách Giao
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Hà Nội 2006

 Gánh nước lên đồi

Khi bầu trời phía đông hừng sáng thì chiếc thuyền thúng đã được chất đầy các thùng chứa nước. Trên bầu trời xanh nhạt nhấp nháy đôi vị sao thưa thớt. Mặt biển yên lặng bao la.

Lặng lẽ đẩy chiếc thuyền thúng ra xa bờ, sư Viên Mãn ngước nhìn Hòn Đỏ in hình trên nền bầu trời bình minh. Một dải mây trắng nhẹ mỏng nằm lơ lửng giữa lòng trời nối liền với đảo. Không gian vắng lặng. Nhà sư im lặng đẩy nhẹ chiếc thuyền thúng. Bóng nước xao động rung rinh, bước chân nhẹ nhàng nương theo chiều trôi của chiếc thuyền thúng. Lòng vũng đầy đá và san hô. Bước chân lại càng khua nhẹ. Hai tay vin chặt vào miệng thúng, nhà sư vừa đẩy vừa nương mình theo trớn trôi của thuyền. Nhờ bám vào thuyền nên trọng lượng của thân mình nhẹ đi và bàn chân chỉ khẽ chạm nhẹ trên rặng đá san hô. Bàn chân đã có một vài mảnh san hô cắt phải, cảm giác đau rát cứ tăng dần cho đến lúc thuyền ra chỗ sâu. Vừa bơi hai chân, vừa đẩy thuyền tiến về phía đảo. Từ bờ ra đến đảo chỉ độ 800 mét mà phải gần đến nửa giờ đồng hồ mới tiếp cận được với rặng đá nhấp nhô quanh đảo.

Mặt trời đỏ hồng đã nhô cao trên mặt bể. Mây trắng từ xa lần lượt kéo về. Mặt biển đã nhấp nhô con sóng. Ven bờ đá, sóng đã vỗ cao. Chiếc thuyền thúng đã được đưa vào neo giữa hai tảng đá nằm sàng sàng gần mép nước. Thuyền được buộc vào một tảng đá có hình một chiếc yên ngựa nằm nép trong bờ.

Trước khi xuống nước đẩy thuyền, nhà sư đã bọc kỹ bộ quần áo nâu vào trong một tấm nhựa ni lông và chỉ bận vỏn vẹn có chiếc quần đùi.

Giấu cẩn thận chiếc bọc ni lông vào một hốc đá cao, sư Viên Mãn bắt đầu chuẩn bị cho việc gánh nước lên đồi. Đường đi từ bến nước lên đến đỉnh đồi là một con đường thiên nhiên nương theo một khe suối nước đã cạn giữa hai dãy đá chạy quanh co. Mùa mưa, đây là một khe suối. Mùa khô là lối đi thiên nhiên đầy đá và sạn. Một đôi đoạn bằng phẳng, mặt đất đầy những lùm gai khô cằn lá nhỏ li ti trông như những chiếc vảy cá dính vào các cành khẳng khiu. Lá lưa thưa và lác đác có một vài nụ hoa trắng. Hoa nở trông cô đơn và lẻ loi giữa hai vách đá. Tuy nhiên trong khung cảnh hoang sơ, những nụ hoa nhỏ bé rung rinh trước gió cũng đủ trang điểm cho buổi bình minh trên khe suối cạn của Hòn Đỏ đẹp đẽ vô cùng.

Cuộc chuyển vận nước bắt đầu. Hai đầu gánh là hai chiếc thùng dầu lửa đặt gọn vào hai chiếc gióng bằng mây, cao khoảng nửa mét. Đòn gánh là một thanh tre già hai đầu có móc và có dây buộc chặt vào đầu gióng. Khi đặt đòn gánh lên vai thì đáy hai thùng cách xa mặt đất, gọn gàng để dễ bề xoay trở theo thế đi lên theo triền dốc. Nước đựng trong thùng chỉ vào khoảng hai phần ba thùng để tránh nước tạt ra ngoài. Gánh nước đặt trên vai phải, tay trái chống một chiếc gậy tre vừa nhẹ vừa bền. Cuộc leo dốc bắt đầu.

Đường dốc nhiều đá và sạn. Hòn lớn, hòn bé, nhiều hòn có cạnh sắc bén đâm tua tủa buộc bước chân người đi phải cẩn thận, rón rén. Nhiều lúc cần phải bước dài như nhảy để qua các mỏm đá nhọn khó đặt chân lên. Nhiều khi phải rụt rè, nhẹ đặt bàn chân lên các khe đá để có thể lấy đó làm điểm tựabước lên thêm một bước nữa. Có nhiều lùm gai lúc ban đầu phải dùng chân giẫm lên, cắn răng chịu sự đau đớn do gai châm để rồi sau đó nơi lùm gai này sẽ trở thành một vùng êm mát cho cơn nóng của đá lúc trời trưa,

Đau chân, nhọc nhằn vị nắng gắt không làm nhà sư nản lòng, mà nhà sư chỉ sợ nước trong thùng rơi vãi ra ngoài. Vị thế cho nên tuy mỗi khi đạp nhằm một cây gai hay viên đá sắc cạnh nhà sư cố nén cơn đau mà không chồm lên hay nhảy vọt lên để tránh mà phải cắn răng chịu đựng để gánh nước khỏi phải chòng chành khiến cho nước tóe ra ngoài.

Nắng mai đã bắt đầu nóng bỏng. Mây trắng trên bầu trời đã trôi về tận cuối chân trời. Vách đá bắt đầu hừng hực nóng. Gió biển vẫn im lìm và chỉ hiu hắt trên đỉnh đồi. Đường dốc như một đường hầm lộ thiên. Sư Viên Mãn bước từng bước cẩn thận, nặng nề. Mồ hôi đã bắt đầu rướm trên chiếc lưng trần. Đầu đội một chiếc mũ ni màu nâu che kín chỏm đầu không tóc, nhà sư lặng lẽ chịu đựng sức nóng càng ngày càng gay gắt.

Tấm thân nhỏ bé, gầy còm như đang “đánh vật” cùng đôi thùng nước. Đường luôn luôn dốc, không có một đoạn phẳng nào để dừng lại, đứng nghỉ lấy sức. Nhất là không có được một nơi bằng phẳng để tạm đặt gánh xuống đứng nghỉ ngơi. Nhiều lúc quá mệt, nhà sư chỉ còn có thể dừng bước, chống gậy, để nguyên đòn gánh trên vai mà đứng nghỉ. Lúc ấy nhà sư mới biết được mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt, trên chiếc lưng trần. Bỗng một cơn gió dịu dàng thoảng đến. Cơn mệt nhọc như tan biến đi và cuộc hành hương lên dốc lại tiếp tục. Hai lần đứng nghỉ là hai lần được thay vai. Cái nặng và cái nhọc sau mỗi lần thay vai dường như được vơi bớt, nhưng nó lại nhanh chóng trở về trên đôi vai đang gánh, mà không hề vơi đi sự nặng nhọc.

Hai bàn chân không còn mang nặng cảm giác đau rát vị đá nhọn, sạn và gai. Sự mệt nhọc đã trung hòa sự đau rát. Chỉ một đôi khi, chân lỡ bước nhầm lên trên một mảnh đá nhọn thì sự đau nhói lại tràn về, bước chân đi chậm lại và cơn mệt như chợt tan đi, nhường chỗ cho cảm giác đau nhức hoành hành trong đôi chân. Rồi sự mệt nhọc lại trở về và cơn đau nơi bàn chân lại vơi bớt. Cứ như vậy liên tiếp, tiếp diễn cho đến khi lên được đến đỉnh đồi.

Vừa đặt đôi thùng xuống khỏi vai, nhà sư đã nhận thấy thân hình mình nhẹ nhõm. Mệt nhọc và đau nhức như tan biến. Gió từ biển khơi thoang thoảng thổi về. Cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng đến thật nhanh. Giờ đây nhà sư mới thấu hiểu được hạnh phúc trong cõi trần là ở tại đây, trong lúc này. Chân có giẫm trên gai, đá nhọn, vai phải quằn dưới gánh nặng, mồ hôi phải chảy giọt trên thân mình giữa một không gian cơ cực: nắng nung đến rát da mặt, cháy da lưng, thì khi lên được đến đỉnh dốc ta mới nhận ra được hạnh phúc của cần lao khi được ngơi nghỉ là quý đến dường nào.

Nghỉ chân được vài phút nhà sư lại xuống đồi để tiếp tục gánh nước. Mấy bận sau như đã quen với gian lao nên việc leo dốc thuận tiện, không vất vả như ban đầu. Ban đầu vì chưa quen với địa thế, nhưng sau khi đã quen với con đường, với gai, đá nhọn thì nhà sư lại còn nhận thêm cái nóng bức, cái nắng chói chang của ban trưa.

Nắng và nóng ở biển được phân chia theo từng vùng. Trên trùng dương, giữa biển khơi nắng dường như được chan hòa cùng với sắc xanh của biển nên sức nóng dịu dàng. Bao bọc lấy sức nóng như có một làn hơi nước che chắn. Cho nên cái nắng giữa trùng dương chỉ gặm mòn cơ thể một cách nhẹ nhàng và từ từ. Nếu con người đủ nước cho cơ thể thì việc chống chọi với sức nắng còn có thể chịu đựng dài lâu.

Cái nắng trên bãi tắm lại làm tăng sự mát lạnh của làn nước biển. Sau vài phút nằm tắm nắng rồi lao mình vào lòng biển, con người sẽ nhận được sự mát mẻ của biển khơi tăng gấp bội phần.

Còn cái nắng và nóng trên sườn đồi Hòn Đỏ thì khác hẳn với mọi nơi. Đường lên dốc trong lòng khe nhỏ hẹp, giữa những tảng đá phơi mình dưới nắng trưa. Khí nóng hừng hực tràn lan, toả rộng khắp nơi. Đá hấp thụ nhiệt khá nhanh và cũng tỏa nhiệt rất chóng. Dường như chúng thu nhiệt thì ít mà tỏa ra lại nhiều. Không khí trên mặt đá rung rinh, linh động như đang bốc hơi. Đá nằm trải dài nên không cho bóng mát. Đá uỡn mình như chờ đón nắng trời. Gió không về nên sức nóng đọng lại trên từng phiến đá. Trong lòng khe nhỏ hẹp, nóng và nắng đang cuộn mình giao nhau. Thuở xưa nơi trận Xích Bích, Chu Du đã đốt thuyền quân Tào Tháo nóng cháy đến độ đỏ cả vách đá. Trong lòng khe, nhìn sắc đỏ của đá chói chang và hừng hực nóng, sư Viên Mãn cũng có cảm tưởng như mình đang bị vây hãm vào cuộc chiến tàn khốc này.

Có những tảng đá nằm trải bằng phẳng giữa đường, song nhà sư không dám bước lên vị thân đá như đang nung lửa. Bên cạnh đá trải dài một đám cỏ gai. Đành phải bước lên gai để tránh cái nóng đến cháy bàn chân người. Chấp nhận cái đau nhức còn hơn giẫm lên cái nóng thiêu đốt. Trong cái đau nhức, bàn chân còn hy vọng được chạm đến sự mát lạnh của đất, của lá cỏ xanh. Mặc dù đó chỉ là cảm giác thoáng qua nhưng sự lựa chọn vẫn là cần thiết. Cho nên nhiều khi dừng chân đứng nghỉ, sư Viên Mãn đã đứng giữa một lùm gai để nghỉ chân tạm bợ.

Dưới chân thì đá đang đọng lửa, còn bên trên thì nắng chói chang như suối nóng đang rót xuống chiếc lưng trần. Những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt trên lưng như xoa dịu ít nhiều cơn nóng bức. Trời càng nóng thân thể càng đổ mồ hôi. Thế quân bình của phản ứng con người giúp cho nhà sư thích nghi với khắc nghiệt của thiên nhiên. Với lòng kiên nhẫn, với chiếc lưng trần, sư Viên Mãn lặng lẽ bước từng bước một như người đang gánh nắng đi hành hương. Trên chiếc lưng trần những giọt mồ hôi long lanh ánh nắng, nối tiếp nhau chảy dọc xuống ướt đẫm cả chiếc quần đùi màu nâu. Có nhiều giọt mồ hôi trên mặt, trên cổ chưa kịp chảy xuống đến thắt lưng đã khô đi dưới sức nóng hừng hực giữa ban trưa để nhường chỗ cho những giọt mồ hôi lớn hơn, nặng hơn nối tiếp nhau chảy xuống.

Trên đôi vai chật hẹp, xương xẩu, thịt da đỏ au lên vì chiếc đòn gánh đè nặng dù đã được sang vai nhiều lần. Càng lên cao sự trĩu nặng mỗi lúc một oằn thêm. Trong nắng nóng ban trưa trên lưng dốc Hòn Đỏ, sư Viên Mãn cặm cụi gánh nắng, cô đơn giữa bầu trời chói chang, lầm lủi giữa đá nóng lẫn cùng gai góc. Hai thùng nước chứa chan sắc nắng, sóng sánh theo bước chân đi chậm chạp. Trời cao lồng lộng như đang ngắm nhìn nhà sư gánh hai thùng nắng đọng lại thành nước, trong cái chói chang, oi bức, như cười cợt với tấm lưng trần thấm đẫm mồ hôi.

Trong công việc cần lao cực khổ, nét mặt của nhà sư vô cùng tĩnh lặng. Đôi mắt mở to nhìn thẳng về phía trước, không một nét băn khoăn, lo nghĩ. Lặng lẽ mà đi như một vị sư hành hương đi trong sa mạc vắng người. Sự cực khổ dường như chỉ tập trung trên đôi vai gầy đỏ au lên vì nắng, vì nặng. Đôi mắt lặng lẽ, cam chịu khác với những đôi mắt của các vị sư đang yên lặng quét sân chùa, lau bàn thờ hay gánh nước tưới rau, tưới cây kiểng của chùa. Đôi mắt sáng ngời trên khuôn mặt khắc khổ, gầy guộc đen đủi. Đôi mắt sâu thẳm như chỉ nhìn vào hư không, yên thắm của sự sống an lành. Có những vị sư trẻ ngồi bên bếp lửa nấu cơm với gương mặt bình thản, đôi mắt linh động thấp thoáng ánh lửa hồng. Có những vị sư già buổi sáng ngồi tụng kinh, ánh bình minh đã bừng trong đôi mắt. Trong đôi mắt của nhà sư lúc này đã hàm chứa tất cả ánh mắt của biết bao nhiêu vị sư đã từng chịu khổ hạnh trong việc tu hành. Vui có, khổ có song không hề có một chút gợn của sự thất vọng, của sự chán nản, của sự thiếu đi niềm hy vọng. Đôi mắt đã làm cho nét mặt của nhà sư Viên Mãn bình thản và an nhiên

Trong khung cảnh nắng nóng, đường dốc cheo leo, gập ghềnh gai góc mà sự mệt nhọc chỉ hiển hiện trên từng giọt mồ hôi, trên bước chân chậm chạp và trong hơi thở dồn dập nặng nề, còn nét mặt của nhà sư vẫn an nhiên bình thản. Nét mặt lúc bấy giờ giống tựa như nét mặt của các vị cha, mẹ đang cần cù lao động vì bầy con nhỏ. Những nét cơ cực như lắng xuống, tan biến đi vị tình thương con vô bờ bến của mẹ cha. Cuộc đời nếu vị một mục đích cao cả thì dù có cam khổ đến đâu nét mặt của những người cha mẹ vẫn an vui khi phải lao động cho con mình được hạnh phúc. Sự so sánh giữa nhà sư gánh nước lên trên đồi với cha mẹ lao động để nuôi con gần như chính xác. Tính chất vị tha vẫn luôn luôn trong sáng. Gánh nước lên xây dựng chùa cũng gian khổ như cha mẹ lao động nuôi con. Giọt mồ hôi nào chảy xuống trong lao động cũng là giọt mồ hôi vì ta, vì người, vì một mục đích cần thiết, cao cả.

Khi gánh được đôi nước lên đến đỉnh đồi, sư Viên Mãn ngồi trên một túm cỏ khô nhìn xuống mặt biển xanh bao la để thấy rằng lòng mình thênh thang nhẹ, tấm thân mình khoan khoái trước trời biển mênh mông. Những sự nhọc nhằn như thoát ra ngoài thân thể, hòa tan vào sắc biếc của trời biển. Cơn gió hiu hiu đã mang đi những giọt mồ hôi, làm dịu cái nóng nung giữa trưa nóng. Lòng nhà sư đằm thắm như sắc nắng dịu dàng không còn gay gắt nữa và thân thương trìu mến với người biết bao nhiêu. Nắng bây giờ không như nắng lúc gánh nước khi leo đồi. Cũng là cùng một luồng nắng nhưng tùy tâm con người, khi thì nắng nóng rát da khi thì nắng dịu dàng ấm áp.

Sau khi đem đôi nước đổ vào ba cái chum lớn kê trong một hốc đá là nơi an toàn cho việc trữ nước, nhà sư lại quảy đôi thùng tiếp tục xuống núi gánh nước. Khi lên có cái khó của người gánh nặng, khi xuống có cái khó của người xuống dốc mà phải gánh đôi thùng tuy nhẹ nhưng cồng kềnh. Nương vào cây gậy để giữ được thế thăng bằng và làm điểm tựa khi bước xuống dốc cao thẳng đứng. Lên cẩn thận thì khi xuống lại càng cẩn thận hơn. Lên dốc ít khi bị té song khi xuống dốc thì thường hay có lắm lúc lăn nhào.

Công việc gánh nước cứ tiếp tục mỗi lúc chậm dần. Khi đưa hai thùng nước cuối cùng lên đến đỉnh thì trời vừa đứng bóng. Ngồi nghỉ được một chốc thì buổi ăn trưa bắt đầu. Món ăn chỉ là một gói bắp nấu mà mẹ sư Viên Mãn đã nấu lúc ban chiều. Nhai chậm rãi từng hạt bắp, nhà sư cảm nhận được chất ngọt và vị bùi trộn lẫn vào nhau thấm dần vào vòm miệng. Đây là một phương thức ăn để cảm nhận được sự đầy đủ trong sinh hoạt ăn uống của người tu hành. Nhớ lại có một thời, sư đã được bổn sư giảng dạy về cách ăn uống trong việc tu hành và việc một nhà sư chỉ ăn mỗi ngày có một hột mè mà vẫn sống trong thời gian tu tập. Một vị sư chỉ ăn rau (ăn mỗi ngày một cọng rau) mà sống. Việc ăn rong biển để sống qua cơn thiếu thốn nhà sư đã thực nghiệm trên Hòn Đỏ trong những ngày bão tố khi không thể liên lạc được với đất liền. Anh Sáu Sài Gòn (người đã giúp nhà sư đi qua hải đảo) đã dạy nhà sư ăn món rong biển này.

Miệng nhai bắp, mắt nhìn ra biển khơi lồng lộng màu xanh thắm, lòng nhà sư thật thanh thản. Trong giây phút này nhà sư cảm nhận được tất cả hạnh phúc của riêng mình và tin tưởng nơi công việc mình đang làm sẽ không phí phạm (và nhất là sẽ) không vô nghĩa. Gánh được nước lên đồi là giải quyết được một phần cơ bản nhất cho công việc khai phá hoang đảo này. Mặc dù rất gian khổ song nhà sư vẫn tin rằng sức mình có thể thực hiện được.

Nước sinh hoạt cho mỗi ngày là một đôi, gồm để ăn uống và tưới cây. Như vậy mỗi tuần sẽ chỉ phải gánh nước có một lần và những ngày còn lại sẽ dồn hết cho lao động khai phá và trồng tỉa. Ngoài ra mỗi khi lên đảo thì nhà sư lại mang theo một phần nước cho việc sinh hoạt trong ngày đó. Thời gian lao động trên đảo rất cần nên mỗi tuần sư chỉ về đất liền một lần để lấy lương thực và tiếp tế nước.

Suốt 10 năm liền công việc gánh nước vẫn tiến hành đều đặn nhờ vào ý chítâm nguyện của nhà sư .





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/04/2015(Xem: 6619)
07/12/2018(Xem: 5325)
08/10/2014(Xem: 23708)
11/03/2019(Xem: 8932)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :