DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ
PHẬT GIÁO KIM CƯƠNG THỪA LẦN THỨ TƯ
Diễn đàn Quốc tế Phật giáo Kim cương thừa lần thứ tư được tổ chức tại thủ đô Thimphu, vương quốc Bhutan, từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 10 năm 2022. Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và Chỉ số hạnh phúc quốc gia (CBS) cùng Trung ương Giáo hội Phật giáo Bhutan, Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) cùng tổ chức diễn đàn này.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Modernity of Buddhism”. Chủ đề năm nay tương đối rộng mở so với ba kỳ trước, nhằm tạo điều kiện cho sự đóng góp đa dạng hơn của các diễn giả từ các truyền thống Phật giáo khác nhau trên thế giới. Các bài thuyết trình, các phiên hội đàm và thực hành nghi thức tập trung vào những phương thức mà Phật giáo Kim cương thừa đã phát triển trong lịch sử, sự lan tỏa Phật giáo Kim cương thừa trong một xã hội đa văn hóa, bị chi phối bởi khoa học công nghệ và đầy thách thức về môi trường như thế nào, những phương thức mà triết lý và phương thức thực hành của Phật giáo Kim cương thừa có thể đóng góp cho phúc lợi, an lạc toàn cầu, đặc biệt sau giai đoạn đại dịch Coivd.
Trong bốn ngày hội đàm, diễn đàn tập trung vào các chủ đề Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số, Phật giáo Kim cương thừa và xã hội hiện đại, phụ nữ trong Kim cương thừa, các ứng dụng của Kim cương thừa trong đời sống thường nhật, đạo đức, giá trị và các phương thức hành thiền. Ngoài ra còn nhiều các chủ đề chuyên biệt khác như: các kỹ thuật thiện xảo của Phật giáo Kim cương thừa, đóng góp về mặt xã hội của Phật giáo, các khái niệm cốt lõi của Phật giáo, như tính không, sự tiến hóa của các hình thức Phật giáo Kim Cương thừa trong lịch sử và trong thời hiện đại, tiểu sử của các hành giả Kim cương thừa: bài học cho sự tu trì trong xã hội hiện đại v.v…
Các chủ đề chính được thảo luận trong diễn đàn bao gồm:
-Chánh niệm và tỉnh thức là nền tảng của con đường thực Phật giáo, và là phương thức kết nối trí tuệ cổ đại với tâm lý học hiện đại.
-Những tương đồng giữa Phật giáo Kim Cương thừa với khoa học thần kinh và tâm lý học phương Tây.
-Trí tuệ khởi sinh từ văn, tư, tu và sự hành trì trong Phật giáo: trì giữ các truyền thống, phân loại lý nghĩa và tái tạo lại các phương thức tu trì qua mỗi thế hệ.
-Phụ nữ và những nữ hành giả (yoginis) trong Phật giáo.
-Phật giáo trong kỷ nguyên kỹ thuật số: những cơ hội truyền tải giáo pháp và những thách thức khi bị phân tâm.
-Sự khác biệt và điểm chung giữa Phật giáo tại tự viện và đời sống thường nhật.
-Sự thích nghi toàn cầu và các hình thức phát triển của Phật giáo Kim cương thừa ở phương Tây.
-Vấn đề dịch thuật, dịch giả và xuất bản các bản kinh văn Phật giáo bằng nhiều ngôn ngữ.
-Định nghĩa lại các giá trị và những ưu tiên trong một thế giới đầy hỗn loạn ngày nay: những năng lực suy tư mà Phật giáo mang lại về đời sống, trưởng thành, bệnh già, cái chết và nhiều vấn đề khác của thế giới.
-Tiến trình tan rã các sắc tướng (thân trung ấm), bao gồm cả sự hòa tan Thân Cầu vồng.
-Lý duyên sinh, từ bi tâm và Phật giáo nhập thế.
-Học cách sống để kiến lập một nền văn minh bền vững thực sự: Khám phá lại các đức hạnh trong Phật giáo về sống an vui, tri túc và thiểu dục.
-Những tri kiến nền tảng của Phật giáo Kim cương thừa.
-Tìm hiểu về Huyền ký trong Văn học Phật giáo.
-Nhận thức luận Phật giáo
-Những đặc trưng của Thiền Đại Thủ ấn (Mahāmudrā) và Đại Toàn thiện (Dzogchen).
-Những truyền thống Kim cương thừa tại Châu Á.
-Những nghiên cứu so sánh về triết lý và thực hành mật truyền.
-Vấn đề dinh dưỡng, rèn luyện thân và y dược trong Phật giáo
-Nghiên cứu về lối sống và sự tu trì qua các tiểu sử trong Phật giáo và sự ứng dụng trong đời sống hiện đại
-Những nguồn năng lượng trên thân và các phương pháp thực hành hơi thở, khí mạch trong Phật giáo Kim cương thừa.
-Các phương diện của pháp thực hành sáu Du già của Naropa.
-Thực hành nội hỏa (tummo), so sánh và những điểm chung giữa các phương pháp hành trì nội hỏa trong Phật giáo Kim cương thừa.
-Môi trường thiên nhiên và Phật giáo.
-Nghệ thuật thị giác và hội họa.
-Xã hội học và kinh tế của Phật giáo và các tổ chức Phật giáo.
-Nghệ thuật và kiến trúc.
Sau gần ba năm bị gián đoạn do đại dịch, diễn đàn lần này thu hút một số lượng đông đảo các diễn giả từ các hành giả, bậc thày, học giả Phật giáo Kim cương thừa. Theo ban tổ chức khoảng 400 thành viên đăng ký tham dự, bao gồm 250 thành viên tới từ 41 quốc gia.
Rất hoan hỷ khi theo chương trình của Ban tổ chức, có 6 diễn giả là người Việt tham dự bao gồm: diễn giả Phuong Minh Nguyen, bài thuyết trình: “Buddha and Nature as Depicted in Aśvaghoṣa’s Buddhacarita”, diễn giả Minh Nhan (tu sĩ), bài thuyết trình: “A Comparative Study of Dāna in Monastic and Lay Traditions”, diễn giả Duong Thi Kim Uyen, bài thuyết trình: “The Path to Wisdom through the Threefold Wisdom of Listening, Reflection, and Practice in Buddhism”, diễn giả Nguyen Thi Hanh, bài thuyết trình “Conceptualizing Emptiness in Early Buddhist Literature”, diễn giả Phan Anh Duoc và Ha Thi Kim Chi, bài thuyết trình: “Concept of True Mind in Three Buddhist Traditions: A Critical Analysis.”. Các bài thuyết trình của các diễn giả Việt Nam phần đa nhấn mạnh nhiều hơn trong chủ đề phụ của diễn đàn, liên quan tới Phật giáo ứng dụng hay đề cập tới các khái niệm của Hiển giáo mà chưa liên quan nhiều tới Phật giáo Kim cương thừa. Mong rằng trong các kỳ diễn đàn tới, sẽ có thêm nhiều các diễn giả người Việt tham dự, đặc biệt các bài thuyết trình tập trung vào chủ đề chính diễn đàn, ví dụ như: có thể chia sẻ kinh nghiệm, các phương pháp tu tập có yếu tố Mật, hay kết hợp Thiền-Tịnh-Mật trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Từ năm 2016, Trung tâm nghiên cứu Bhutan và GNH cùng với Trung ương Giáo hội Phật giáo Bhutan đã tổ chức diễn đàn Phật giáo Kim cương thừa với mục đích chia sẻ tuệ kiến về những đặc trưng của Phật giáo Kim cương thừa. Rất nhiều các chủ đề đã được các diễn giả từ nhiều truyền thống Phật giáo Kim cương thừa thuyết trình, thảo luận, phô diễn như: các phương pháp thiền quán, khai mở năng lực tiềm ẩn nơi thân tâm, phương pháp tu trì trưởng dưỡng tâm từ bi, tâm tỉnh thức, ảnh hưởng và kết quả của các phương pháp thiền quán, yoga trong Kim cương thừa, các triết lý, nghi quỹ tu trì giữ gìn sức khỏe thân tâm, nghi quỹ trường thọ, sự tương đồng của triết lý Phật giáo Kim cương thừa với Khoa học thần kinh và tâm lý học hiện đại, Nghệ thuật Phật giáo Kim cương thừa v.v…
La Sơn Phúc Cường
-Tổng hợp từ Centres for Bhutan and GNH studies, Fourth International Vajranayana Buddhism Conference.
-Trang web của diễn đàn: https://www.bhutanstudies.org.bt/
-Trang facebook diễn đàn:
https://www.facebook.com/photo?fbid=761054975316692&set=pcb.761060005316189
https://www.facebook.com/cbsgnh
Đính kèm chương trình tiếng Anh
2022-vajra-Program-FINAL-1