Sn 4.1 -- Kama Sutta: Kinh Về Tham Dục & Sn 4.2 -- Guhatthaka Sutta: Kinh Về Thân Giam Trong Hang Động

30/10/20184:43 SA(Xem: 5649)
Sn 4.1 -- Kama Sutta: Kinh Về Tham Dục & Sn 4.2 -- Guhatthaka Sutta: Kinh Về Thân Giam Trong Hang Động

cover-book-bia-sach_Kinh-Nhat-Tung-So-Thoi_Nguyen-GiacLời Ban Biên Tập: Chúng tôi xin đặc biệt giới thiệu hai bài kinh đầu tiên trong tổng số 36 bài, trích từ "KINH NHẬT TỤNG SƠ THỜI" vừa được Cư sĩ Nguyên Giác dịch và chú giải từ các bản Anh ngữ và do nhà xuất bản Ananda Viet Foundation xuất bản phát hành trên mạng Amazon cùng các nhà sách ở Hoa Kỳ, Âu Châu và Úc Châu vào đầu tháng 11 năm 2018.

Nội dung hai bài kinh này nói rằng cần phải tỉnh thức thường trực để xa lìa tham dục, để không dính mắc vào bất cứ những gì thấy, nghe, chạm xúc, khởi tưởng, không tiếc quá khứ, không vọng tương lai và không mong muốn gì trong hiện tại. Nói gọn là vô sở trụ.

Sn 4.1 - KAMA SUTTA: KINH VỀ THAM DỤC 

Nguyên Giác dịch Việt và chú giải

 

Bài kinh này nói rằng cần phải tỉnh thức để xa lìa tham dục. Trước tiên là cần xa lìa tài sản thế gian này, như nhà đất, ruộng vườn, vàng bạc, phụ nữ, người hầu, người thân, và tất cả tài sản – nghĩa là buông bỏ tất cả những gì là “cái của tôi.” Bởi vì xả bỏ ái là gỡ một mắc xích trong mười hai nhân duyên, và không bị ràng buộc nữa.

Tóm lược ý kinh: Tỉnh thức, xa lìa tham dục.

Kinh này gồm các bài kệ từ 766 tới 771.

766

Khi ước muốn tham dục đạt được,
người đó sẽ hoan lạc vì có điều ước muốn.

767

Với người tham dục đó, khi hoan lạc tan biến
sẽ đau khổ như bị mũi tên xuyên trúng.

768

Với người tránh tham dục,
hệt như đưa chân tránh giẫm đầu con rắn
sẽ tỉnh thức vượt qua, rời tham dục cõi này.

769

Ai tham luyến ruộng đồng, nhà đất, vàng, gia súc và ngựa,
đầy tớ, người hầu, phụ nữ, người thân,
và nhiều niềm vui tham dục.

770

Sẽ bị gục ngã vì yếu đuối,
sẽ bị đè bẹp vì tai họa,
sẽ bị tràn ngập khổ đau,
hệt như nước tràn vào ghe lủng.

771

Do vậy, người thường trực tỉnh thức hãy tránh tham dục,
khi xa lìa tham dục, sẽ vượt qua trận lụt
hệt như ghe được tát nước và qua tới Bờ Bên Kia.

Hết Kinh Sn 4.1

Sn 4.2 -- GUHATTHAKA SUTTA: KINH VỀ THÂN GIAM TRONG HANG ĐỘNG

Nguyên Giác dịch Việt và chú giải

Kinh này nói về chúng sinh bị giam trong hang động của si mê, tham dục. Hầu hết các dịch giả đều dịch là “hang,” trong khi Gil Fronsdal dịch là “nơi ẩn núp” -- hiding place. Nói trong hang, còn có nghĩa là không thấy ánh sáng của mặt trời trí tuệ. Xa lìa tham dục nơi đây có nghĩa là chớ nuối tiếc hoan lạc quá khứ, và chớ mong đợi niềm vui tương lai; còn có nghĩa là chớ tham gì trong cõi này hay cõi tương lai.

Chính tham dục là vui với chạm xúc của sáu căn, là khởi tâm chấp rằng có một cái tôi đã là, một cái tôi đang là và một cái tôi sẽ là. Do vậy, tham dục nơi đây còn có nghĩa là tham muốn cái cõi Hữu (hiện hữu) hoặc tham muốn cái cõi Vô (phi hiện hữu) – becoming và nonbecoming (bhava và abhava). Đó là lý do tại sao ngài Trần Nhân Tông viết là “chớ dựng lập có, không” (hữu vô câu bất lập). Đức Phật dạy trong kinh này rằng hãy tỉnh giác, chớ trụ vào bất cứ những gì thấy nghe, chớ mong muốn gì trong hiện tại và tương lai.

Đoạn cuối kinh này, Đức Phật dạy phải “hiểu tận tường các tưởng, các khái niệm” (bản dịch Bodhi: having fully understood perceptions; bản dịch Fronsdal: fully understanding concepts; bản dịch Mills: the sage has known perception) – nơi đây có nghĩa là tỉnh thức, nhận diện các tập khởi và biến diệt trong tâm. Nơi đây là sự tỉnh thức (mindfulness) thường trực không đối tượng, không thấy có tôi hay của tôi, không dính mắc gì dù có hay không, dù đã qua hay sẽ tới, dù thấy hay nghe, dù niệm khởi hay diệt. Ngắn gọn, là vô sở trụ.

Tóm lược ý kinh: Tỉnh thức, lìa tham dục, chớ tiếc quá khứ, chớ vọng tương lai, không dính mắc gì ở thấy, nghe, chạm xúc, khởi tưởng…  

Kinh này gồm các bài kệ từ 772 tới 779.

772

Người thích ẩn trong hang, chìm vào si mê đắm say 
sẽ thấy rất xa bờ tịch lặng.
Tham dục thế giới này, không dễ gì xả buông.

773-774

Người vương vào ước muốn, bị buộc vào niềm vui của hiện hữu
sẽ không giải thoát  nổi, vì không ai cứu được mình.

Người nuối tiếc quá khứ, hay mong đợi tương lai
người ưa tìm hoan lạc dù đã qua hay sẽ tới
bám chặt vào tham dục, lo săn tìm niềm vui
trong mê mờ và ích kỷ tằn tiện
là đã rơi vào lối gian nan

Khi gặp khổ đau, mới than thở:
Mình sẽ là gì, khi mãn kiếp này.

775

Do vậy ngay trong thế giới này, hãy tự rèn luyện
với những gì mình biết là sai trái,
chớ làm những điều sai trái
Vì người trí nói, đời sống ngắn ngủi.

776

Ta thấy chúng sinh cõi này
cựa quậy, tham muốn các cảnh giới của hiện hữu
không thoát nổi ước muốn tái sinh (Hữu) và ước muốn không tái sinh (Vô)
Người thấp kém than khóc trước hàm răng tử thần.

777

Hãy nhìn họ kìa
cựa quậy trong tài sản “những cái của tôi”
như cá trong vũng nước cạn.
Thấy như thế
hãy sống với xa lìa “những cái của tôi”
và chớ dính mắc những gì trong cõi hiện sinh.

778

Chớ tham muốn bất cứ những gì ở cả hai phía (dù đã qua hay sẽ tới)
hãy hiểu các xúc chạm của [sáu] căn
hãy xa lìa tham muốn
và không làm những gì sau này sẽ ân hận.
Người trí không dính mắc vào những gì được thấy, được nghe.

779

Hiểu được tận tường các tưởng
người trí có thể vượt qua trận lụt
không vương vào tài sản “những cái của tôi”
Gỡ bỏ mũi tên sầu khổ, sống tỉnh giác
người trí không muốn gì trong cõi này hay cõi mai sau.

Hết Kinh Sn 4.2 



Trích từ sách sắp xuất bản:

"Kinh Nhật Tụng Sơ Thời" Nguyên Giác dịch Việt và Chú Giải

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/08/2017(Xem: 7664)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.