- Mục Lục
- Quyển Thứ Nhất
- Quyển Thứ Hai
- Quyển Thứ Ba
- Quyển Thứ Tư
- Quyển Thứ Năm
- Quyển Thứ Sáu
- Quyển Thứ Bảy
- Quyển Thứ Tám
- Quyển Thứ Chín
- Quyển Thứ Mười
- Mục Lục - Tập Ii
- Quyển Thứ Mười Một
- Quyển Thứ Mười Hai
- Quyển Thứ Mười Ba
- Quyển Thứ Mưới Bốn
- Quyển Thứ Mười Lăm
- Quyển Thứ Mười Sáu
- Quyển Thứ Mười Bảy
- Quyển Thứ Mười Tám
- Quyển Thứ Mười Chín
- Quyển Thứ Hai Mươi
- Mục Lục - Tập Iii
- Quyển Thứ Hai Mươi Mốt
- Quyển Thứ Hai Mươi Hai
- Quyển Thứ Hai Mươi Ba
- Quyển Thứ Hai Mươi Bốn
- Quyển Thứ Hai Mươi Lăm
- Quyển Thứ Hai Mươi Sáu
- Quyển Thứ Hai Mươi Bảy
- Quyển Thứ Hai Mươi Tám
- Quyển Thứ Hai Mươi Chín
- Quyển Thứ Ba Mươi
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập - Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Viện Phật Học Phổ Hiền Xuất Bản PL. 2530 DL 1986 (Trọn bộ 3 tập)
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn hành P.L 2539 DL. 1995 (Trọn bộ 3 tập)
QUYỂN THỨ NHẤT
PHẨM TỰ
THỨ NHỨT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập - Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Viện Phật Học Phổ Hiền Xuất Bản PL. 2530 DL 1986 (Trọn bộ 3 tập)
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn hành P.L 2539 DL. 1995 (Trọn bộ 3 tập)
QUYỂN THỨ NHẤT
PHẨM TỰ
THỨ NHỨT
Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ đức Phật ở trong núi Kỳ Xà Quật tại thành Vương Xá cùng với đại Tỳ Kheo Tăng trên năm ngàn người, đều là những bậc A La Hán đã hết hữu lậu dứt phiền não, tâm được giải thoát, huệ được giải thoát, tâm ý điều nhu, là bực đại long tượng, chỗ làm đã xong, lợi mình đã được, sạch hết kiết sử, bỏ gánh hoặc nghiệp, kham gánh chánh pháp, do chánh trí mà được giải thoát. Riêng Ngài A Nan là còn ở bực hữu học, chứng quả Tu Đà Hoàn.
Lại có năm trăm Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thấy được thánh đế.
Lại có hàng đại Bồ Tát đều được những môn đà là ni và những môn tam muội, thật hành không, vô tướng, vô tác, đã được đẳng nhẫn và vô ngại tổng trì. Đây đều là bực ngũ thần thông không còn giải đãi, đã rời bỏ danh lợi, thuyết pháp không cầu báo, lời nói ra tất được mọi người kính tin, chứng thâm pháp nhẫn được sức vô úy, giải thoát tất cả ma hạnh nghiệp chướng, khéo tuyên nói pháp nhơn duyên. Từ vô số kiếp đến nay, các Ngài phát thệ nguyện lớn, nhan sắc hòa vui thường thưa hỏi trước, lời nói dịu dàng, ở giữa đại chúng tự tại không sợ, từng khéo thuyết pháp từ vô số ức kiếp, biết rõ các pháp như ảo, như diệm, như bóng trăng trong nước, như hư không, như vang, như bóng, như mộng, như thành càn thát bà, như tượng trong gương, như biến hóa, đã được vô ngại vô úy biết rõ tâm hành của chúng sanh dùng trí huệ vi diệu mà cứu độ chúng. Các Ngài đã thành tựu đại nhẫn vô ngại như thật, nguyện lãnh thọ vô lượng thế giới của chư Phật, tưởng niệm đến vô lượng thế giới, chư Phật chánh định thường hiện tiền, có thể thỉnh vô lượng chư Phật, có thể dứt những kiến chấp và các phiền não, xuất sanh và du hí trăm ngàn muôn tam muội. Hàng đại Bồ Tát đây thành tựu vô lượng công đức như vậy. Danh hiệu của các Ngài là: Bạt Đà Là Bồ Tát, Kế Na Na Dà La Bồ Tát, Đạo Sư Bồ Tát, Na La Đạt Bồ Tát, Tinh Đắc Bồ Tát, Thủy Thiên Bồ Tát, Chủ Thiên Bồ Tát, Đại Ý Bồ Tát, Ých Ý Bồ Tát, Tăng Ý Bồ Tát, Bất Hư Kiến Bồ Tát, Thiện Tấn Bồ Tát, Thế Thắng Bồ Tát, Thường Cần Bồ Tát, Bất Xả Tinh Tấn Bồ Tát, Nhựt Tạng Bồ Tát, Bất Khuyết Ý Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Chấp Bửu Ấn Bồ Tát, Thường Cử Thủ Bồ Tát, Từ Thị Bồ Tát, có trăm ngàn muôn ức na do tha đại Bồ Tát như vậy. Hàng đại Bồ Tát nầy đều là bực nhất sanh bổ xứ nối ngôi Phật.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn tự trải tòa sư tử rồi ngồi kiết già ngay thẳng nhiếp niệm nhập tất cả môn vương tam muội. Sau đó đức Phật an tường xuất định dùng thiên nhãn nhìn xem thế giới trọn thân mỉm cười, từ tướng thiên bức luân dưới lòng bàn chân phóng ra sáu trăm muôn ức quang minh. Từ mười ngón chân, hai mắt cá, hai bắp chân, hai gối, hai vế, eo, lưng, rún, bụng, hông, ngực, chữ vạn, vai, cánh tay, mười ngón tay, cổ, miệng, bốn mươi răng, mũi, mắt, tai, bạch hào, nhục kế, mỗi chỗ trên thân Phật phóng sáu trăm muôn ức quang minh. Từ những quang minh nầy phát ra quang minh lớn chiếu khắp Đại Thiên thế giới, rồi chiếu đến hằng sa thế giới của chư Phật ở mười phương, từ đây quang minh lại chiếu vượt qua hằng sa thế giới khắp mười phương. Nếu chúng sanh nào gặp được quang minh nầy thời quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Tất cả lỗ lông khắp thân của Phật cũng đều mỉm cười phóng quang minh chiếu khắp cõi Đại Thiên suốt đến hằng sa thế giới ở mười phương. Nếu chúng sanh nào gặp được quang minh nầy thời quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Đức Thế Tôn lại phóng quang minh thường chiếu khắp cõi Đại Thiên suốt đến hằng sa thế giới ở mười phương. Nếu chúng sanh nào gặp được quang minh nầy thời quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Đức Thế Tôn mỉm cười vui vẻ hiện tướng lưỡi rộng dài trùm khắp Đại Thiên thế giới, phóng ra vô lượng ngàn muôn ức quang minh. Mỗi quang minh nầy hóa thành hoa báu ngàn cánh màu hoàng kim. Trên hoa báu đều có Hóa Phật ngồi kiết già tuyên nói sáu phép ba la mật. Chúng sanh nào nghe được thời quyết định được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Quang minh nầy cũng chiếu đến hằng sa thế giới ở mười phương và cũng hiện hoa báu Hóa Phật thuyết pháp như vậy.
Bấy giờ đức Phật vẫn ngồi trên tòa sư tử mà nhập sư tử du hí tam muội. Do thần lực của Phật, cả Đại Thiên thế giới đều chấn động sáu cách, làm cho mọi loài đều hòa vui.
Trong cõi Đại Thiên nầy, hàng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và bát nạn đều được sanh lên cõi trời Tứ Vương đến trời Tha Hóa Tự Tại. Các vị Thiên Tử nầy tự biết túc mạng đều rất vui mừng đồng đến chỗ đức Phật ngự, đảnh lễ chân Phật rồi ngồi qua một phía. Hằng sa thế giới ở mười phương cũng chấn động sáu cách, các loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và bát nạn đều được sanh lên sáu cõi trời Dục Giới.
Bấy giờ chúng sanh ở cõi Đại Thiên nầy, kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ điên được tỉnh, kẻ loạn được định, kẻ bịnh được lành, kẻ tàn tật được hết tật nguyền, kẻ rách được được mặc, kẻ đói khát được ăn uống.
Tất cả mọi loài đều phát thiện tâm xem nhau như cha mẹ, anh em, chị em ruột thịt, đồng thực hành mười nghiệp đạo lành, tịnh tu phạm hạnh không phạm lỗi lầm, lòng họ điềm nhiên khoái lạc như Tỳ Kheo nhập đệ tam thiền. Họ đều được trí huệ tốt giữ mình theo giới luật không làm tổn não kẻ khác.
Đức Thế Tôn ngự trên tòa sư tử, quang minh sắc tướng oai đức nguy nguy tôn nghiêm bực nhứt, hơn cả Đại Thiên cùng hằng sa thế giới ở mười phương, như núi Tu Di cao sáng hơn tất cả núi non.
Lúc đức Thế Tôn đem thân thường hiển thị cho chúng sanh trong cõi Đại Thiên, nhơn chúng cùng hàng phi nhơn và chư Thiên ở Dục giới, Sắc giới đem những thiên hoa, thiên hương, thiên anh lạc đến rải trên đức Phật. Những hoa hương báu nầy dừng ở hư không hóa thành đài báu lớn thòng những chuỗi ngọc cùng lọng báu nhiều màu giăng trùm Đại Thiên thế giới, do đây nên toàn cõi Đại Thiên thành màu hoàng kim, đến hằng sa thế giới ở mười phương cũng như vậy.
Chúng sanh ở cõi nầy và chúng sanh ở thế giới mười phương đều tự cho là đức Phật chỉ riêng thuyết pháp cho mình.
Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười, miệng Phật phóng quang minh chiếu khắp Đại Thiên thế giới. Do quang minh nầy mà chúng sanh đồng thấy chư Phật và Tăng chúng trong hằng sa thế giới ở mười phương. Chúng sanh ở hằng sa thế giới ở mười phương kia cũng thấy Phật Thích Ca Mâu Ni và đại chúng ở cõi Đại Thiên nầy.
Phương đông qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Đa Bửu của Phật Bửu Tích. Đức Phật đây hiện đương giảng Bát nhã ba la mật cho chư Đại Bồ Tát. Nơi đó có Bồ Tát hiệu Phổ Minh thấy quang minh thấy chấn động lại thấy thân Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài liền đến bạch hỏi duyên do với Phật Bửu Tích. Đức Phật Bửu Tích bảo đó là thần lực của Phật Thích Ca Mâu Ni ở cõi Ta Bà cách đây hằng sa thế giới về phương Tây. Đức Thích Ca Mâu Ni sắp vì chúng đại Bồ Tát mà tuyên nói Bát nhã ba la mật. Phổ Minh Bồ Tát bạch đức Phật Bửu Tích rằng nay tôi muốn đến lễ bái cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni và gặp gỡ các vị đại Bồ Tát. Phật Bửu Tích thuận cho và trao hoa sen ngàn cánh màu hoàng kinh cho Phổ Minh Bồ Tát mà dặn rằng ông đem hoa nầy cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni. Ông nên nhứt tâm trân trọng đến cõi Ta Bà. Các vị Bồ Tát sanh vào cõi đó thật là khó bằng khó hơn.
Phổ Minh Bồ Tát lãnh hoa sen ngàn cánh màu hoàng kim từ tạ Phật Bửu Tích rồi cùng vô số đại chúng đem những hoa hương phan lọng đến chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni đảnh lễ bạch rằng, đức Phật Bửu Tích gởi lời thăm và dâng hoa cúng dường.
Phật Thích Ca Mâu Ni nhận hoa sen ngàn cánh màu hoàng kim rồi rải vụt qua phương Đông cúng dường hằng sa chư Phật. Hoa sen ấy hóa thành hằng sa đóa hoa khắp cả hằng sa thế giới ở phương Đông. Trên mỗi đóa hoa sen đều có Hóa Bồ Tát ngồi kiết già nói sáu pháp ba la mật, ai nghe được tiếng pháp nầy thời quyết định đến vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Đại chúng theo Phổ Minh Bồ Tát cũng đem hoa hương phan lọng của mình dâng cúng Phật Thích Ca Mâu Ni.
Phương Nam qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Ly Nhứt Thiết Ưu của Phật Vô Ưu Đức. Nơi đó có Bồ Tát hiệu Ly Ưu.
Phương Tây qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Diệt Ác của Phật Bửu Sơn. Nơi đó có Bồ Tát hiệu Nghĩa Ý.
Phương Bắc qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Thắng Quốc của đức Phật Thắng Vương. Nơi đó có Bồ Tát hiệu Đức Thắng.
Hạ phương qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Thiện Quốc của đức Phật Thiện Đức. Nơi đó có Bồ Tát hiệu Hoa Thượng.
Thượng phương qua khỏi hằng sa thế giới có cõi Hỉ Quốc của đức Phật Hỉ Đức. Nơi đó có Bồ Tát hiệu Đức Hỉ.
Chư Bồ Tát trên đây ở cõi mình thấy quang minh thấy chấn động.v.v…liền cùng đại chúng cầm hoa hương phan lọng đến Ta Bà thế giới kính lễ cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni đồng như Phổ Minh Bồ Tát ở phương Đông.
Lúc bấy giờ Đại Thiên thế giới thành trang nghiêm vi diệu như Hoa Tích thế giới cùng Phổ Hoa thế giới.
Đức Như Lai biết hàng đại Bồ Tát cùng chư Nhơn Thiên Bát bộ ở hằng sa thế giới đều đã vân tập bèn gọi Ngài Xá Lợi Phất mà dạy rằng: “Đại Bồ Tát muốn dùng nhứt thiết chủng trí để biết tất cả pháp, thời phải tu tập Bát nhã ba la mật”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát muốn dùng nhứt thiết chủng trí để biết tất cả pháp, thời phải tu tập Bát nhã ba la mật như thế nào?”
Phật dạy: “Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát dùng phương pháp chẳng an trụ mà an trụ trong Bát nhã ba la mật.
Bởi không có pháp để xả bỏ nên được đầy đủ Đàn ba la mật, vì người cho, kẻ nhận và tài vật đều bất khả đắc.
Vì tội và không tội đều bất khả đắc nên đầy đủ Thi ba la mật.
Vì tâm chẳng động nên đầy đủ Sằn đề ba la mật.
Vì thân tâm tinh tấn chẳng giải đải nên đầy đủ Tỳ lê gia ba la mật.
Vì chẳng tán loạn, chẳng say mê nên đầy đủ Thiền na ba la mật.
Vì chẳng chấp trước tất cả pháp nên đầy đủ Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát dùng phương pháp chẳng an trụ mà an trụ trong Bát nhã ba la mật. Vì bất sanh nên đầy đủ bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bẩy giác phần, tám thánh đạo phần, không tam muội, vô tướng tam muội, vô tác tam muội, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, tám bội xả, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười nhứt thiết xứ.
Cũng đầy đủ chín pháp tưởng thây chết: Tưởng sình, tưởng nứt, tưởng máu chảy, tưởng thúi rã, tưởng bầm xanh, tưởng dòi trùng ăn, tưởng nát, tưởng xương trắng, tưởng cháy tan.
Cũng đầy đủ tám chánh niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí xả, niệm thiên, niệm xuất tức, nhập tức, niệm chết.
Cũng đầy đủ mười pháp quán: Quán vô thường, quán khổ, quán vô ngã, quán món ăn nhơ nhớp, quán thế gian tất cả đều không đáng vui ưa, quán chết, quán bất tịnh, quán đoạn trừ, quán ly dục, quán diệt tận.
Cũng đầy đủ mười một trí: Pháp trí, tỷ trí, tha tâm trí, thế trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sanh trí, như thiệt trí.
Cũng đầy đủ ba môn tam muội: Tam muội có giác có quán, tam muội không giác có quán, tam muội không giác không quán.
Cũng đầy đủ ba căn: Căn chưa biết sắp biết, căn biết, căn đã biết.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn biết tất cả công đức của Phật như mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn trí vô ngại, mười tám pháp bất cộng, đại từ, đại bi, thời phải tu tập Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn đầy đủ đạo huệ, muốn dùng đạo huệ để đầy đủ đạo chủng huệ, muốn dùng đạo chủng huệ để đầy đủ nhất thiết trí, muốn dùng nhất thiết trí để đầy đủ nhất thiết chủng trí, muốn dùng nhất thiết chủng trí để dứt tập khí phiền não, đều phải tu tập Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát phải học tập Bát nhã ba la mật như vậy.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn lên địa vị Bồ Tát, muốn hơn bực Thanh Văn, Duyên Giác, muốn trụ bực bất thối chuyển, muốn có lục thần thông, muốn biết chí hướng của tất cả chúng sanh, muốn có trí huệ hơn tất cả của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật, muốn được những môn đà la ni, những môn tam muội, đều phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn dùng tâm tùy hỉ để hơn trên những sự bố thí, trì giới, tam muội thiền định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, giải thoát tam muội của tất cả những người cầu Thanh Văn, Bích Chi Phật, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát thật hành phần ít bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, mà muốn do sức phương tiện hồi hướng để được vô lượng vô biên công đức, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn thật hành Đàn na ba la mật, Thi la ba la mật, Sằn đề ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật, Thiền na ba la mật, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn đời đời thân thể giống như thân Phật đủ ba mươi hai tướng đại nhơn, tám mươi tùy hình hảo, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn sanh nhà Bồ Tát, muốn được bực đồng chơn, muốn chẳng rời Phật, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn đem những thiện căn cúng dường chư Phật và cung kính tôn trọng tán thán tùy ý thành tựu, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn làm cho chúng sanh thỏa nguyện về những thứ uống, ăn, y phục, giường nệm, đèn đuốc, phòng nhà, xe cộ, thuốc men, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh ở hằng sa thế giới đứng vững nơi sáu môn ba la mật, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn gieo một thiện căn ở trong phước điền của Phật còn mãi đến khi được vô thượng chánh đẳng chánh giác vẫn không hết, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn chư Phật ở mười phương ca ngợi danh hiệu của mình, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn vừa phát ý thời thân liền đến hằng sa thế giới ở mười phương, muốn vừa phát âm thời tiếng vang đến hằng sa thế giới ở mười phương, đều phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn thế giới của chư Phật chẳng dứt diệt, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn an trụ nơi nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, tự tướng không, chư pháp không, vô sở đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn biết nhơn duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên và tăng thượng duyên của các pháp, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn biết pháp như, pháp tánh và thiệt tế của các pháp, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát phải như vậy mà an trụ trong Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn đếm biết số vi trần của những hòn núi, của những quả đất trong Đại Thiên thế giới, muốn phân tích một sợ lông làm trăm phần rồi lấy một phần lông chấm hết nước của những suối ao, sông ngòi, biển cả trong Đại Thiên thế giới mà không kinh động đến loài thủy tộc, muốn thổi một cái liền tắt ngọn lửa cháy khắp Đại Thiên thế giới như hỏa tai lúc kiếp tận, muốn lấy một ngón tay ngăn dừng những cơn gió lớn có thể làm tan nát Đại Thiên thế giới đến tất cả những núi Tu Di như thổi tan đống cỏ mục, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn một lần ngồi kiết già có thể làm cho thân thể khắp tất cả không gian trong Đại Thiên thế giới, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn lấy một sợ lông vít những núi Tu Di trong Đại Thiên thế giới ném qua khỏi vô số thế giới phương khác mà không kinh động đến chúng sanh trong đó, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn đem một suất ăn, một bộ y phục, một nén hương, một cành hoa, một cây đèn, một tràng phan, một bảo cái mà có thể cúng dường đầy đủ khắp chư Phật cùng chư Tăng trong hằng sa thế giới ở mười phương, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương đều đủ giới hạnh, tam muội, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, cùng làm cho được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, nhẫn đến được vô dư Niết Bàn, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật lúc bố thí nên biết rõ rằng: Bố thí như vậy được quả báo rất lớn, bố thí như vậy được sanh vào giòng quý hiền, bố thí như vậy được sanh lên trời Tứ Vương, trời Đao Lợi, trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa, bố thí như vậy được nhập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, nhơn bố thí nầy được bát thánh đạo phần, nhơn bố thí nầy được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả Phật, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, lúc bố thí, do nơi sức huệ phương tiện nên có thể đầy đủ Đàn na ba la mật, Thi la ba la mật, Sằn đề ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật, Thiền na ba la mật và Bát nhã ba la mật”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ Tát lúc bố thí, do nơi sức huệ phương tiện nên đầy đủ sáu ba la mật?”
Đức Phật nói: “Nầy Xá Lợi Phất! Do vì người bố thí, kẻ thọ và tài vật đều bất khả đắc nên có thể đầy đủ Đàn na ba la mật. Vì có tội cùng chẳng tội đều chẳng dính mắc nên đầy đủ Thi la ba la mật. Vì tâm bất động nên đầy đủ Sằn đề ba la mật. Vì thân tâm tinh tấn nên đầy đủ Tỳ lê gia ba la mật. Vì chẳng tán loạn chẳng say đắm nên đầy đủ Thiền na ba la mật. Vì biết tất cả pháp đều bất khả đắc nên đầy đủ Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn được công đức của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn đến bờ kia của pháp hữu vi và pháp vô vi, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn biết pháp như, pháp tướng và biên tế vô sanh của các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn đứng trước tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác, muốn hầu hạ chư Phật, muốn làm nội quyến của chư Phật, muốn được quyến thuộc lớn, muốn được quyến thuộc Bồ Tát, muốn thanh tịnh báo đại thí, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn những tâm xan lẫn, phá giới, sân khuể, giải đãi, tán loạn, ngu si đều chẳng phát khởi, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn làm cho tất cả chúng sanh đứng vững nơi phước bố thí, nơi phước trì giới, nơi phước tu tập thiền định, nơi phước khuyến đạo, nơi tài phước và pháp phước, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn được ngũ nhãn thời phải học Bát nhã ba la mật. Đây là ngũ nhãn: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn.
Đại Bồ Tát muốn dùng thiên nhãn thấy chư Phật trong hằng sa thế giới, muốn dùng thiên nhĩ nghe pháp của chư Phật ở mười phương tuyên nói, muốn hiểu biết tâm của Phật, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn nghe được pháp của chư Phật ở mười phương tuyên nói, nghe xong nhớ mãi đến khi thành Vô thượng Bồ đề vẫn không quên, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn thấy thế giới của chư Phật ở quá khứ, thấy thế giới của chư Phật vị lai và thế giới ở mười phương của chư Phật hiện tại, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn nghe mười hai bộ kinh, từ khế kinh trường hàng đến luận nghị kinh mà hàng Thanh Văn nghe cùng chẳng nghe, nghe xong đều muốn đọc tụng, thọ trì trọn vẹn, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Chánh pháp của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai trong hằng sa thế giới đã tuyên nói, hiện nay nói và sẽ nói, được nghe xong đều muốn tin lãnh thọ trì, thật hành và giảng nói lại cho người khác, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn đem quang minh chiếu khắp những chỗ mà mặt nhựt mặt nguyệt chẳng chiếu đến trong hằng sa thế giới ở mười phương, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn làm cho tất cả chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, những nơi không có danh hiệu Phật, Pháp, Tăng, đều được chánh kiến nghe danh hiệu Tam Bảo, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, do năng lực của ta mà kẻ mù được thấy, kể điếc được nghe, kẻ rách được lành, kẻ đói khát được no đủ, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, do năng lực của ta mà những loài trong ba ác đạo đều được thân người, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, do năng lực của ta mà được đứng vững nơi giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả Vô thượng Bồ đề, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn học oai nghi của chư Phật, muốn nhìn ngó như tượng vương, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát nguyện rằng khiến cho tôi lúc đi, chân tôi cách đất bốn ngón tay không đạp trên đất, tôi sẽ được vô lượng chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc, từ Tứ Thiên Vương đến Sắc Cứu Cánh Thiên cung kính vây quanh cùng đi đến dưới cội bồ đề. Tôi sẽ ngồi dưới cội bồ đề và chư Thiên sẽ trải tòa cho tôi. Muốn được như vậy, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Lại nguyện lúc tôi thành Phật, chỗ tôi đi đứng ngồi nằm đều sẽ là Kim cang. Muốn được vậy, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nếu muốn ngày xuất gia liền thành đạo Vô thượng Bồ đề, liền chuyển pháp luân có vô lượng vô số chúng sanh xa lìa trần cấu ở trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh, có vô lượng vô số chúng sanh vì chẳng thọ tất cả pháp nên được vô lậu giải thoát, có vô lượng vô số chúng sanh được bất thối chuyển Vô thượng Bồ đề, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn lúc thành Phật sẽ dùng vô lượng vô số Thanh Văn làm Tăng, lúc nói một thời pháp, tất cả chư Tăng nầy liền được quả A La Hán, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn lúc thành Phật, sẽ dùng vô lượng vô số Bồ Tát làm Tăng, lúc nói một thời pháp, tất cả chư Tăng nầy đều được bất thối chuyển, được vô lượng thọ mạng đầy đủ quang minh, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn lúc thành Phật, trong thế giới không có danh từ tam độc, dâm dục, sân khuể, ngu si, tất cả chúng sanh đều thành tựu chánh trí huệ, thiện thí, thiện giới, thiện định, thiện phạm hạnh, thiện từ bi, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn lúc thành Phật, sau khi nhập Niết Bàn, chánh pháp không diệt tận, cũng không có danh từ diệt tận, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát muốn lúc thành Phật, chúng sanh ở hằng sa thế giới ở mười phương nghe danh hiệu của ta quyết định sẽ được Vô thượng Bồ đề, thời phải học Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn được những công đức như vậy, thời phải học Bát nhã ba la mật.
PHẨM PHỤNG BÁT
THỨ HAI
THỨ HAI
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Nếu đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật có thể làm những công đức ấy thời bốn vị Thiên Vương đều rất vui mừng mà nghĩ rằng chúng ta phải đem bốn cái bát dâng lên Bồ Tát như những bát mà chư Thiên Vương thuở trước đã dâng cho Phật thuở trước.
Lúc đó trời Đao Lợi nhẫn đến trời Tha Hóa Tự Tại cũng rất hoan hỷ mà nghĩ rằng chúng ta phải hầu hạ cúng dường Bồ Tát để hàng Thiên chúng được thêm đông và giảm bớt hàng A tu la.
Chư Thiên trong cõi Đại Thiên, từ cõi Tứ Vương đến cõi Sắc Cứu Cánh đều rất vui mừng mà nghĩ rằng chúng ta phải cẩn thỉnh Bồ Tát chuyển pháp luân.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc vị đại Bồ Tát nầy thật hành Bát nhã ba la mật Tăng ích sáu ba la mật, các thiện nam tử và thiện nữ nhơn đều tự vui mừng mà nghĩ rằng chúng ta phải làm cha mẹ, vợ con, thân tộc, họ hàng cho người nầy.
Lúc đó trời Tứ Vương nhẫn đến trời Sắc Cứu Cánh đều rất vui mừng mà tự nghĩ rằng chúng ta phải tìm cách làm cho Bồ Tát nầy xa lìa dâm dục, từ sơ phát tâm luôn là đồng nhơn, chớ để vị nầy hội hiệp với sắc dục, nếu hưởng thọ ngũ dục thời sẽ chướng ngại sanh về Phạm Thiên huống là quả Vô thượng Bồ đề.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát cần phải là người đoạn dục xuất gia mới đáng được Vô thượng Bồ đề, chẳng phải là người không đoạn dục mà được”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát cần phải có cha mẹ, vợ con, thân tộc, họ hàng chăng?”
Đức Phật nói: “Nầy Xá Lợi Phất! hoặc có Bồ Tát có cha mẹ, vợ con, thân tộc. Hoặc có Bồ Tát từ khi sơ phát tâm đoạn dục tu hạnh đồng nhơn mãi đến thành Vô thượng Bồ đề chẳng phạm sắc dục. Hoặc có Bồ Tát dùng phương tiện lực hưởng thọ ngũ dục xong mới xuất gia thành Vô thượng Bồ đề.
Ví như nhà ảo thuật giỏi khéo dùng phương ảo thuật hóa ra cảnh ngũ dục rồi vui đùa trong đó. Ý ông nghĩ thế nào, nhà ảo thuật có thiệt hưởng thọ cảnh ngũ dục ấy chăng?”
- Bạch đức Thế Tôn! Không ạ.
- Nầy Xá Lợi Phất! cũng vậy đại Bồ Tát dùng phương tiện lực hóa ra cảnh ngũ dục rồi ở trong đó hưởng thọ để độ chúng sanh.
Đại Bồ Tát nầy chẳng nhiễm ngũ dục, lại dùng nhiều cách quở trách ngũ dục: Ngũ dục là lửa cháy, ngũ dục là nhơ nhớp xấu xa, ngũ dục là thứ phá hoại, ngũ dục như oán thù.
Do đây nên biết rằng vì độ chúng sanh mà Bồ Tát hưởng thọ ngũ dục.
- Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát phải thực hành Bát nhã ba la mật thế nào?
- Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng thấy danh tự Bồ Tát, chẳng thấy Bát nhã ba la mật, cũng chẳng thấy là mình có thật hành Bát nhã ba la mật cùng không thật hành Bát nhã ba la mật.
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát là danh tự Bồ Tát, tánh vốn rỗng không. Trong tánh không chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, rời lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng có tánh không, tánh không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Tại sao vậy? Vì chỉ có danh tự gọi là bồ đề, chí có danh tự gọi là Bồ Tát, chỉ có danh tự gọi là tánh không.
Tại sao vậy? Vì thật tánh của các pháp vốn là không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh.
Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật như vậy cũng chẳng thấy sanh, chẳng thấy diệt, cũng chẳng thấy cấu, chẳng thấy tịnh.
Tại sao vậy? Vì danh tự là những pháp do nhơn duyên hòa hiệp làm thành, chỉ do nhớ tưởng phân biệt giả danh mà nói thôi.
Vì thế nên đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật chẳng thấy tất cả danh tự. Vì chẳng thấy nên chẳng chấp trước.
PHẨM TU TẬP ĐÚNG
THỨ BA
THỨ BA
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát phải suy nghĩ như thế nầy:
Bồ Tát chỉ có danh tự, Phật cũng chỉ có danh tự, Bát nhã ba la mật cũng chỉ có danh tự, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chỉ có danh tự.
Nầy Xá Lợi Phất! Như ngã chúng sanh thọ giả, mạng giả, sanh giả, dưỡng dục giả, tác giả, sử tác giả, khởi giả, sử khởi giả, thọ giả, sử thọ giả, tri giả, kiến giả đều là bất khả đắc tất cả. Vì là bất khả đắc nên rỗng không. Vì rỗng không nên chỉ dùng danh tự để tuyên nói.
Đại Bồ Tát cũng thật hành Bát nhã ba la mật như vậy: Chẳng thấy ngã, chẳng thấy chúng sanh, nhẫn đến chẳng thấy tri giả, kiến giả. Nhữnh danh tự tuyên nói đó cũng chẳng thấy.
Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật như vậy hơn trên tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, trừ trí huệ của Phật, do vì tánh không, tác dụng bất khả đắc.
Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy đối với những pháp danh tự cùng chỗ mà danh tự dính đến, tất cả đều bất khả đắc.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát có thể thật hành như vậy đó là thật hành Bát nhã ba la mật.
Ví như số Tỳ Kheo nhiều bằng số tre, lau, mía, mè, lúa, đậu, lùm rừng đầy cả cõi Diêm Phù Đề, tất cả đều có trí huệ như Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, đem tất cả trí huệ ấy muốn so sánh với trí huệ của Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, thời không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn ức, nhẫn đến không bằng một phần ví dụ.
Tại sao vậy? Vì dùng trí huệ nầy mà Bồ Tát độ thoát tất cả chúng sanh.
Nầy Xá Lợi Phất! Không nói đến như Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên đầy cõi Diêm Phù Đề, mà ví như đầy cả cõi Đại Thiên, hoặc nhẫn đến đầy cả hằng sa thế giới ở mười phương, đem tất cả trí huệ ấy muốn so sánh với trí huệ của Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật cũng không bằng một phần trăm, nhẫn đến không bằng một phần ví dụ.
Nầy Xá Lợi Phất! “Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, một ngày tu tập trí huệ hơn trên tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Trí huệ của hàng Thanh Văn, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, trí huệ của hàng Bích Chi Phật, trí huệ của Phật, những trí huệ nầy không sai biệt, không chống trái nhau, đều là vô sanh tánh không. Nếu đã là tánh vô sanh tánh không, chẳng trái nhau thời là không sai khác nhau. Cớ sao đức Thế Tôn lại dạy rằng Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật một ngày tu tập trí huệ hơn trên tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật?”
Phật nói: “Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật một ngày tu tập trí huệ, tâm niệm rằng: Ta hành đạo trí huệ lợi ích tất cả chúng sanh, ta sẽ dùng nhứt thiết chủng trí biết rõ tất cả pháp, độ thoát tất cả chúng sanh.
Nầy Xá Lợi Phất! Ý của ông nghĩ thế nào, trí huệ của hành Thanh Văn, Bích Chi Phật có những sự như vậy không?”
-Bạch dức Thế Tôn! Không ạ.
-Nầy Xá Lợi Phất! Hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật có quan niệm nầy: Ta sẽ thành Vô thượng Bồ đề độ thoát tất cả chúng sanh, làm cho họ đều được vô dư y Niết Bàn, như chư đại Bồ Tát không?
-Bạch đức Thế Tôn! Không ạ.
-Nầy Xá Lợi Phất! Do những cớ trên đây nên biết rằng trí huệ của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật sánh với trí huệ của đại Bồ Tát không bằng một phần trăm, nhẫn đến không bằng một phần thí dụ.
Nầy Xá Lợi Phất! Hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật có quan niệm nầy: Ta thật hành sáu ba la mật, thành tựu chúng sanh, trang nghiêm Phật độ, đầy đủ mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn vô nggại trí, mười tám pháp bất cộng, độ thoát vô lượng vô số chúng sanh đến quả Niết Bàn như chư đại Bồ Tát không?
-Bạch đức Thế Tôn! Không ạ.
-Nầy Xá Lợi Phất! Ví như loài đom đóm kia chẳng bao giờ nghĩ rằng mình như mạt nhựt mọc lên chiếu ánh sáng khắp Diêm Phù Đề.
Cũng vậy, hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật chẳng có quan niệm như đại Bồ Tát: Ta thật hành sáu ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng được Vô Thượng Bồ đề, độ vô lượng vô số chúng sanh đến quả Niết Bàn”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “ Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ Tát hơn bực Thanh Văn, Bích Chi Phật mà đến bực bất thối chuyển thanh tịnh Phật đạo?”
Đức Phật nói: “Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát từ lúc sơ phát tâm thật hành sáu ba la mật, an trụ nơi pháp không, vô tướng, vô tác, có thể vượt hơn bực Thanh Văn, Bích Chi Phật mà đến bực bất thối chuyển thanh tịnh Phật đạo”.
-Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát an trụ bực nào mà có thể làm phước điền cho hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật?
-Nầy Xá Lợi Phất! Từ lúc sơ phát tâm thật hành sáu ba la mật nhẫn đến lúc ngồi đạo tràng thành Vô thượng Bồ đề, trong khoảng thời gian ấy, luôn thường làm phước điền cho hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Tại sao vậy? Vì do có nhân duyên của đại Bồ Tát nên những thiện pháp của thế gian phát sanh. Như những pháp thập thiện, ngũ giới, bát quan trai, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần, bát thánh đạo phần, lục ba la mật, thật bát không, thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng, đại từ, đại bi, nhứt thiết chủng trí, do nhơn duyên của đại Bồ Tát mà những pháp nầy hiện ra trên thế gian. Cũng do nhơn duyên của Bồ Tát mà những đại tộc Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Cư Sĩ, Tứ Thiên Vương nhẫn đến Phi Phi Tưởng Thiên, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật và Phật Đà đều xuất hiện trên thế gian.
-Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát có thanh tịnh xong phước bố thí chăng?
-Nầy Xá Lợi Phất! Không có. Vì bổn lai đã thanh tịnh xong.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát là vị đại thí chủ bố thí những thiện pháp như thập thiện, ngũ giới nhẫn đến nhứt thiết chủng trí”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thế nào đại Bồ Tát tu tập đúng Bát nhã ba la mật tương ứng với Bát nhã ba la mật?”
Đức Phật nói: “Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tu tập đúng sắc không, tu tập đúng thọ, tưởng, hành, thức không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tu tập đúng nhãn không, tu tập đúng nhĩ, tĩ, thiệt, thân, tâm không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát tu tập đúng sắc không, tu tập đúng thinh, hương, vị, xúc, pháp không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát tu tập đúng nhãn giới không, đúng sắc giới không, nhãn thức giới không, nhãn đến tu tập đúng ý thức giới không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát tu tập đúng khổ không, tu tập đúng tập, diệt, đạo không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát tu tập đúng vô minh không, tu tập đúng hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát tu tập đúng tất cả pháp không, hoặc hữu vi hoặc vô vi, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tu tập đúng tánh không, tự tướng không, chư pháp không, vô sở đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không bảy môn không, đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc tu tập bảy môn không, đại Bồ Tát chẳng thấy sắc hoặc tương ứng hay không tương ứng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc tương ứng hay không tương ứng, chẳng thấy sắc hoặc sanh tướng hay diệt tướng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc sanh tướng hay diệt tướng, chẳng thấy sắc hoặc cấu tướng hay tịnh tướng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc cấu tướng hay tịnh tướng, chẳng thấy sắc hiệp với thọ, chẳng thấy thọ hiệp với tưởng, chẳng thấy tưởng hiệp với hành, chẳng thấy hành hiệp với thức. Tại sao vậy? Vì tánh của các pháp vốn rỗng không nên không có pháp nào hiệp với pháp nào.
Nầy Xá Lợi Phất! Trong sắc không chẳng có sắc, trong thọ không, tưởng không, hành không, thức không chẳng có thọ, tưởng, hành, thức.
Nầy Xá Lợi Phất! Vì sắc rỗng không nên không có tướng não hoại, vì thọ rỗng không nên không có tướng thọ, vì tưởng rỗng không nên không có tướng biết, vì hành rỗng không nên không có tướng tác giả, vì thức rỗng không nên không có tướng tri giác. Tại sao vậy? Vì chẳng phải sắc khác với không, cũng chẳng phải không khác với sắc, mà sắc chính là không và không chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức chính là không và không chính là thọ, tưởng, hành, thức.
Nầy Xá Lợi Phất! Tướng rỗng không của các pháp vốn chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiên tại, vì thế nên trong không pháp ấy không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý, không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, nhẫn đến không có ý thức giới, không có vô minh cũng không có vô minh tận, nhẫn đến không có lão tử, cũng không có lão tử tận, không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí cũng không có đắc, không có Tu Đà Hoàn và quả Tu Đà Hoàn, không có Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và Phật, cũng không có quả Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A Na Hán, quả Bích Chi Phật và quả Phật.
Đại Bồ Tát tu tập đúng như vậy gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng thấy Bát nhã ba la mật hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng, cũng chẳng thấy Đàn na ba là mật, Thi la ba la mật, Sằn đề ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật và Thiền na ba la mật hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng. Đại Bồ Tát cũng chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thấy nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý, chẳng thấy sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, chẳng thấy nhãn giới nhẫn đến ý thức giới hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng. Đại Bồ Tát cũng chẳng thấy tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng.
Như trên đây, nầy Xá Lợi Phất! Phải biết đó là đại Bồ Tát tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, không chẳng hiệp với không, vô tướng chẳng hiệp với vô tướng, vô tác chẳng hiệp với vô tác. Tại sao vậy? Vì không, vô tướng, vô tác chẳng có hiệp với chẳng hiệp.
Đại Bồ Tát tu tập đúng như vậy gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát nhập vào tự tướng không của các pháp, nhập xong nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, Bồ Tát chẳng cho là hiệp chẳng cho là chẳng hiệp, sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng hiệp với tiền tế cũng chẳng hiệp với hậu tế, chẳng hiệp với hiện tại. Tại sao vậy? Vì Bồ Tát chẳng thấy tiền tế, chẳng thấy hậu tế cũng chẳng thấy hiện tại.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật, vì tham tế là danh từ rỗng không, nên tiền tế chẳng hiệp với hậu tế, hậu tế chẳng hiệp với tiền tế, hiện tại chẳng hiệp với tiền tế, hậu tế, tiền tế với hậu tế cũng chẳng hiệp với hiện tại. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật. Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, nhứt thiết trí chẳng hiệp với đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại. Tại sao vậy? Vì đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại đều còn chẳng thể thấy huống là có hiệp. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể thấy, vì nhãn đến ý chẳng thể thấy, vì sắc nhẫn đến pháp chẳng thể thấy, vì nhãn thức nhẫn đến ý thức chẳng thể thấy nên sắc, thọ đến ý thức đều chẳng hiệp với nhứt thiết trí. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, vì Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật đều chẳng thể thấy nên Đàn na đến Bát nhã ba la mật chẳng hiệp với nhất thiết trí. Vì tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần nhẫn đến thập lực, thập bát bất cộng pháp đều chẳng thể thấy nên tất cả đều chẳng hiệp với nhất thiết trí. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng tu tập sắc là hữu hay là vô, chẳng tu tập sắc là vô thường hay là vô thường, chẳng tu tập sắc là khổ hay là lạc, chẳng tu tập sắc là ngã hay là phi ngã, chẳng tu tập sắc là tịch diệt hay là chẳng phải tịch diệt, chẳng tu tập sắc là rỗng không hay là chẵng phải rỗng không, chẳng tu tập sắc là hữu tướng hay là vô tướng, chẳng tu tập sắc là hữu tác hay là vô tác; thọ, tưởng. hành. thức cũng như vậy. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng có quan niệm là ta thật hành hay chẳng thật hành Bát nhã ba la mật, cũng chẳng có quan niệm chẳng phải thật hành cùng chẳng phải chẳng thật hành. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Chẳng vì Bát nhã ba la mật mà đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật. Cũng chẳng vì Đàn na, Thi la, Sằn đề, Tỳ lê gia, Thiền na ba la mật, cũng chẳng vì bực bất thối chuyển thành tựu chúng sanh thanh tịch Phật độ, cũng chẳng vì thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng pháp mà đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật. Cũng chẳng vì nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, chư pháp không, tự tướng không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, cũng chẳng vì như pháp tánh, thiệt tế mà đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật. Tại sao vậy? Vì lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng phá hoại tướng của các pháp. Tu tập đúng như đây thời gọi là tương ứng vơi Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Chẳng vì thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, thần túc, lậu tận sáu môn thần thông mà đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật. Tại sao vậy? Vì lúc thật hành, đại Bồ Tát còn chẳng thấy Bát nhã ba la mật huống là thấy Bồ Tát thần thông. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng quan niệm rằng ta dùng như ý thần thông bay đến phương Đông cùng bay đến khắp mười phương để cúng dường hằng sa chư Phật, cũng chẳng quan niệm rằng ta dùng thiên nhĩ nghe hằng sa chư Phật mười phương thuyết pháp, dùng tha tâm thông trí biết tâm niệm của hằng sa chúng sanh mười phương, dùng túc mạng trí biết việc làm của vô lượng đời của hằng sa chúng sanh ở mười phương, cũng chẳng nghĩ rằng ta dùng thiên nhãn thấy hằng sa chúng sanh chết đây sanh về nơi kia. Như đây gọi là đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật tương ứng với Bát nhã ba la mật và cũng có thể độ thoát vô lượng vô số chúng sanh.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát có thể thật hành Bát nhã ba la mật như vậy thời ác ma không hại được, tất cả sự việc thế gian đều tùy ý muốn, hằng sa chư Phật mười phương đều ủng hộ cho Bồ Tát nầy chẳng sa vào hành Thanh Văn, Bích Chi Phật. Chư Thiên từ Tứ Vương đến Sắc Cứu Cánh Thiên cũng đều ủng hộ Bồ Tát giúp thêm tự tại. Nếu Bồ Tát nầy đã có trọng tội thì hiện đời bị báo nhẹ. Tại sao vậy? Vì Bồ Tát nầy dùng lòng bình đẳng lợi ích chúng sanh. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát mau được các môn đà la ni và các môn tam muội, sanh về đâu cũng thường gặp được chư Phật mãi đến khi chứng quả Vô thượng Bồ đề không bao giờ rời chư Phật. Đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng nghĩ rằng có pháp nầy với pháp nầy hoặc hiệp hay chẳng hiệp nhau, hoặc bằng hay chẳng bằng nhau. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát chẳng thấy có pháp nầy cùng những pháp khác hoặc hiệp hoặc bằng hay chẳng hiệp chẳng bằng. Đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng nghĩ rằng ta sẽ chóng được pháp tánh hoặc chẳng được. Tại sao vậy? Vì pháp tánh chẳng phải là tướng được. Đây gọi là tu tập tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng thấy có pháp nào ra ngoài pháp tánh, cũng chẳng nghĩ rằng pháp tánh khác với các pháp, cũng chẳng nghĩ rằng pháp nầy có thể được pháp tánh hay chẳng được. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát chẳng thấy dùng pháp nầy có thể được pháp tánh hay chẳng được pháp tánh. Đại Bồ Tát tu tập đúng như đây thời gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, pháp tánh chẳng hiệp với không, không cũng chẳng hiệp với pháp tánh. Đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, nhãn giới chẳng hiệp với không, không cũng chẳng hiệp với nhãn giới, sắc giới chẳng hiệp với không, không cũng chẳng hiệp với sắc giới, nhãn thức giới chẳng hiệp với không, không cũng chẳng hiệp với nhãn thức giới, nhẫn đến ý giới, pháp giới và ý thức giới chẳng hiệp với không, không cũng chẳng hiệp với ý giới, pháp giới và ý thức giới. Tương ứng không như vậy gọi là tương ứng đệ nhứt.
Nầy Xá Lợi Phất! Bồ Tát thật hành pháp không chẳng sa vào hành Thanh Văn, Bích Chi Phật, có thể thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh, chóng được Vô thượng Bồ đề.
Nầy Xá Lợi Phất! Trong các môn tương ứng, thời tương ứng với Bát nhã ba la mật là tối đệ nhứt, là tối tôn, tối thắng, tối diệu không có gì trên. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy thật hành tương ứng với Bát nhã ba la mật, chính đó là không, vô tướng, vô tác. Phải biết rằng Bồ Tát nầy như đã được thọ ký hoặc đã gần được thọ ký.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tương ứng như vậy có thể làm lợi ích cho vô lượng vô số chúng sanh. Đại Bồ Tát nầy cũng chẳng nghĩ rằng ta tương ứng với Bát nhã ba la mật, chư Phật sẽ thọ ký cho ta, ta sẽ gần được thọ ký, ta sẽ thanh tịnh Phật độ, sẽ thành Phật chuyển pháp luân. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy chẳng thấy có pháp nào ra ngoài pháp tánh, cũng chẳng thấy có pháp nào thật hành Bát nhã ba la mật, chẳng thấy có pháp nào được Phật thọ ký, chẳng thấy có pháp nào thành Phật chuyển pháp luân. Tại sao vậy? Vì lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng sanh tướng ngã, tướng chúng sanh nhẫn đến chẳng sanh tướng tri giả, tướng kiến giả. Tại sao vậy? Vì chúng sanh rốt ráo bất sanh bất diệt, chúng sanh không có sanh, không có diệt. Nếu các pháp đã không có tướng sanh diệt thời làm sao lại có pháp thật hành Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Thế nên vì đại Bồ Tát chẳng thấy chúng sanh đó chính là thật hành Bát nhã ba la mật. Tại sao vậy? Vì chúng sanh là bất thọ, là bất khả đắc, là ly, chính đây là thật hành Bát nhã ba la mật.
Nầy Xá Lợi Phất! Trong các môn tương ứng của đại Bồ Tát, tương ứng với không là tối đệ nhất. Tương ứng với không đây hơn tất cả các môn tương ứng.
Đại Bồ Tát tu tập pháp không như vậy có thể phát sanh đại từ, chẳng sanh những tâm san lẫn, phạm giới, sân hận, giải đải, tán loạn, vô trí”.