- Mục Lục
- Quyển Thứ Nhất
- Quyển Thứ Hai
- Quyển Thứ Ba
- Quyển Thứ Tư
- Quyển Thứ Năm
- Quyển Thứ Sáu
- Quyển Thứ Bảy
- Quyển Thứ Tám
- Quyển Thứ Chín
- Quyển Thứ Mười
- Mục Lục - Tập Ii
- Quyển Thứ Mười Một
- Quyển Thứ Mười Hai
- Quyển Thứ Mười Ba
- Quyển Thứ Mưới Bốn
- Quyển Thứ Mười Lăm
- Quyển Thứ Mười Sáu
- Quyển Thứ Mười Bảy
- Quyển Thứ Mười Tám
- Quyển Thứ Mười Chín
- Quyển Thứ Hai Mươi
- Mục Lục - Tập Iii
- Quyển Thứ Hai Mươi Mốt
- Quyển Thứ Hai Mươi Hai
- Quyển Thứ Hai Mươi Ba
- Quyển Thứ Hai Mươi Bốn
- Quyển Thứ Hai Mươi Lăm
- Quyển Thứ Hai Mươi Sáu
- Quyển Thứ Hai Mươi Bảy
- Quyển Thứ Hai Mươi Tám
- Quyển Thứ Hai Mươi Chín
- Quyển Thứ Ba Mươi
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập - Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Viện Phật Học Phổ Hiền Xuất Bản PL. 2530 DL 1986 (Trọn bộ 3 tập)
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn hành P.L 2539 DL. 1995 (Trọn bộ 3 tập)
QUYỂN THỨ MƯỜI LĂM
PHẨM KINH NHĨ VĂN TRÌ
THỨ BỐN MƯƠI LĂM
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập - Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Viện Phật Học Phổ Hiền Xuất Bản PL. 2530 DL 1986 (Trọn bộ 3 tập)
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn hành P.L 2539 DL. 1995 (Trọn bộ 3 tập)
QUYỂN THỨ MƯỜI LĂM
PHẨM KINH NHĨ VĂN TRÌ
THỨ BỐN MƯƠI LĂM
Lúc đó Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn nghĩ rằng: “Nếu thiện nam, thiện nữ nơi tai được nghe Bát nhã ba la mật, thời người nầy đã ở chỗ Phật đời trước tu tạo các công đức, đã gần gũi thiện tri thức. Huống là người thọ trì, thân cận, đọc tụng, chánh ức niệm, đúng như lời mà tu hành Bát nhã ba la mật nầy.
Phải biết thiện nam, thiện nữ đây đã thân cận nhiều đức Phật.
Người có thể được nghe thọ, đọc tung, chánh ức niệm, tu hành như lời và có thể hỏi, có thể đáp Bát nhã ba la mật nầy. Phải biết người đây đời trước đã nhiều lần cúng dường thân cận chư Phật.
Người nghe Bát nhã ba la mật nầy mà chẳng kinh sợ. Phải biết người đây đã từ vô lượng ức kiếp thật hành Đàn ba la mật, Thi ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật”.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Có thiện nam, thiện nữ nghe Bát nhã ba la mật thậm thâm nầy mà chẳng kinh sợ. Nghe rồi thọ trì, thân cận, đúng như lời mà tu tập. Phải biết người đây như bực đại Bồ Tát bất thối chuyển.
Tại sao vậy?
Bạch đức Thế Tôn! Vì Bát nhã ba la mật nầy rất sâu.
Nếu là người đời trước thật hành sáu ba la mật chưa được lâu, thời không thể tin được.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào khinh chê thâm Bát nhã ba la mật. Phải biết người đây đời trước cũng đã từng khinh chê thâm Bát nhã ba la mật.
Tại sao vậy?
Lúc nghe nói thâm Bát nhã ba la mật, người đây không tin ưa, lòng không thanh tịnh. Người đây đời trước chẳng thưa hỏi chư Phật và đệ tử Phật phải thật hành sáu ba la mật thế nào, phải tu tập nội không đến vô pháp hữu pháp không thế nào, phải tu tứ niệm xứ đến bát thánh đạo thế nào, phải tu thập lực đến mười tám pháp bất cộng thế nào”.
Thiên Đế nói với Ngài Xá Lợi Phất: “Nếu có thiện nam, thiện nữ đời trước chẳng lâu ngày tu tập sáu ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng. Những người nầy nghe nói Bát nhã ba la mật đây không có lòng tin hiểu, thời có gì đáng lấy làm lạ.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Tôi kính lễ Bát nhã ba la mật. Kính lễ Bát nhã ba la mật tức là kính lễ nhứt thiết trí”.
Đức Phật nói: "Đúng như vậy. Kính lễ Bát nhã ba la mật tức là kính lễ nhứt thiết trí.
Tại sao vậy?
Vì nhứt thiết trí của chư Phật đều phát sanh từ Bát nhã ba la mật. Nhứt thiết trí tức là Bát nhã ba la mật.
Thế nên, nầy Kiều Thi Ca, thiện nam, thiện nữ muốn trụ nhứt thiết trí, thời phải trụ Bát nhã ba la mật. Muốn sanh đạo chủng trí thời phải tập hành Bát nhã ba la mật. Muốn dứt tất cả kiết sử và tập khí thời phải tập hành Bát nhã ba la mật. Muốn chuyển pháp luân thời phải tập hành Bát nhã ba la mật.
Thiện nam, thiện nữ muốn được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, quả Bích Chi Phật, thời phải tập hành Bát nhã ba la mật.
Thiện nam, thiện nữ muốn giáo chúng sanh cho được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả Bích Chi Phật thời phải tập hành Bát nhã ba la mật.
Thiện nam, thiện nữ muốn giáo hóa chúng sanh cho được Vô thượng Bồ đề, muốn tổng nhiếp Tỳ Kheo Tăng, thời phải tập hành Bát nhã ba la mật”.
Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Lúc muốn thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát thế nào gọi là trụ Bát nhã ba la mật, Thiền na ba la mật, Tinh tấn ba la mật, Nhẫn nhục ba la mật, Trì giới ba la mật, Bố thí ba la mật? Thế nào trụ nơi nội không đến vô pháp hữu pháp không? Thế nào trụ tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, ngũ thần thông? Thế nào trụ tứ niệm xứ đến bát thánh đạo? Thế nào trụ thập lực đến pháp bất cộng?
Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát thế nào tập hành Bát nhã ba la mật đến Đàn na ba la mật, thế nào tập hành nội không đến mười tám pháp bất cộng?”
Đức Phật nói: "Lành thay, lành thay, nầy Kiều Thi Ca! Ông có thể hỏi được những điều như vậy. Đó là do thần lực của Phật cả.
Nầy Kiều Thi Ca! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát nếu không an trụ trong sắc, trong an tru trong thọ, tưởng, hành, thức, không an trụ trong nhãn, nhĩ, nhẫn đến không an trụ trong ý thức giới, thời là tập hành Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát nếu không an trụ trong Bát nhã ba la mật thời là tập hành Bát nhã ba la mật. Không an trụ trong Thiền na ba la mật thời là tập hành Thiền na ba la mật. Không an trụ trong Tỳ lê gia ba la mật thời tập hành Tỳ lê gia ba la mật. Không an trụ trong Sằn đề ba la mật thời là tập hành Sằn đề ba la mật. Chẳng an trụ trong Thi la ba la mật thời là tập hành Thi la ba la mật. Không an trụ trong Địa ngục ba la mật thời là tập hành Địa ngục ba la mật.
Đây gọi là đại Bồ Tát không an trụ trong Bát nhã ba la mật thời là tập hành Bát nhã ba la mật.
Nầy Kiều Thi Ca! Chẳng an trụ trong nội không thời là tập hành nội không. Nhẫn đến không an trụ trong vô pháp hữu pháp không thời là tập hành vô pháp hữu pháp không.
Chẳng an trụ trong tứ thiền thời là tập hành tứ thiền.
Chẳng an trụ trong tứ vô lượng tâm thời là tập tứ vô lượng tâm.
Chẳng an trụ tứ vô sắc định thời là tập hành tứ vô sắc định.
Chẳng an trụ trong ngũ thần thông thời là tập hành ngũ thần thông.
Chẳng an trụ trong tứ niệm xứ thời là tập hành tứ niệm xứ. Nhẫn đến chẳng an trụ trong bát thánh đạo thời là tập hành bát thánh đạo.
Chẳng an trụ trong thập lực thời là tập hành thập lực. Nhẫn đến chẳng an trụ trong mười tám pháp bất cộng thời là tập hành mười tám pháp bất cộng.
Tại sao vậy?
Nầy Kiều Thi Ca! đại Bồ Tát nầy, nơi sắc, chẳng được chỗ an trụ được, chẳng được chỗ tập hành được. Nhẫn đến nơi mười tám pháp bất cộng, chẳng được chỗ trụ được, chẳng được chỗ tập được.
Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát chẳng tập hành sắc nhẫn đến tập hành pháp bất cộng, đây gọi là tập hành sắc nhẫn đến gọi là tập hành mười tám pháp bất cộng.
Tại sao vậy?
Đại Bồ Tát nầy, nơi sắc, tiền tế bất khả đắc, trung tế bất khả đắc, hậu tế bất khả đắc. Nhẫn đến pháp bất cộng cũng như vậy”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật nầy rất sâu!”
”Đức Phật nói: "Vì sắc như rất sâu, nhẫn đến vì bất cộng pháp như rất sâu nên Bát nhã ba la mật”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bát nhã ba la mật nầy khó đo lường được!”
Đức Phật nói: "Vì sắc khó đo lường được, nhẫn đến pháp bất cộng khó đo lường được nên Bát nhã ba la mật khó đo lường được”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bát nhã ba la mật nầy vô lượng”.
Đức Phật nói: "Vì sắc vô lượng, nhẫn đến pháp bất cộng vô lượng nên Bát nhã ba la mật vô lượng.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, nếu đại Bồ Tát chẳng thật hành sắc thậm thâm thời là hành Bát nhã ba la mật, chẳng hành sắc khó đo lường thời là hành Bát nhã ba la mật, chẳng hành sắc vô lượng thời là hành Bát nhã ba la mật.
Tại sao vậy?
Vì tướng thậm thâm của sắc là chẳng phải sắc, nhẫn đến tướng thậm thâm của pháp bất cộng là chẳng phải pháp bất cộng.
Vì tướng khó đo lường của sắc là chẳng phải sắc, nhẫn đến tướng khó đo lường của pháp bất cộng là chẳng phải pháp bất cộng.
Vì tướng vô lượng của sắc là chẳng phải sắc, nhẫn đến vô lượng của pháp bất cộng là chẳng phải pháp bất cộng.
Chẳng hành như vậy là hành Bát nhã ba la mật”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật nầy rất sâu. Tướng rất sâu, khó thấy, khó hiểu, chẳng nghĩ lường được. Chẳng nên đem nói với hàng Bồ Tát mới phát tâm.
Tại sao vậy?
Hàng Bồ Tát mới phát tâm nghe Bát nhã ba la mật rất sâu, hoặc sẽ kinh sợ rồi sinh lòng nghi hối mà chẳng tin, chẳng tu hành.
Bát nhã ba la mật rất sâu nầy nên nói với bực Bồ Tát bất thối chuyển. Nghe Bát nhã ba la mật rất sâu, bực đại Bồ Tát nầy chẳng kinh sợ, chẳng sanh lòng nghi hối, tất có thể tin và hành”.
Thiên Đế hỏi Ngài Xá Lợi Phất: “Nếu đối với hàng Bồ Tát mới phát tâm mà nói Bát nhã ba la mật rất sâu, thời sẽ có lỗi thế nào?”
Ngài Xá Lợi Phất nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Nghe Bát nhã ba la mật rất sâu nầy, hàng Bồ Tát mới phát tâm hoặc có thể sẽ kinh sợ hũy báng chẳng tin; hủy báng chẳng tin Bát nhã ba la mật rất sâu nầy thời là gieo nghiệp nhơn ba ác đạo. Do nghiệp nhơn nầy nên khó được Vô thượng Bồ đề”.
Thiên Đế hỏi: “Có Bồ Tát chưa được thọ ký nào nghe Bát nhã ba la mật rất sâu nầy mà chẳng kinh sợ chăng?”
Ngài Xá Lợi Phất nói: “Thật vậy, nầy Kiều Thi Ca, nếu có Bồ Tát nào nghe Bát nhã ba la mật rất sâu đây mà chẳng kinh sợ, thời nên biết đó là bực Bồ Tát chẳng bao lâu sẽ được thọ ký Vô thượng Bồ đề, chẳng quá một hai đức Phật”.
Đức Phật nói: "Đúng như vậy. Nầy Xá Lợi Phất! Bực Bồ Tát đó từ lâu đã phát tâm thật hành sáu ba la mật, đã cúng dường nhiều đức Phật, nghe Bát nhã ba la mật rất sâu nầy, chẳng kinh sợ, nghe rồi thọ trì, tu hành đúng như lời nói trong Bát nhã ba la mật”,
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi muốn nói tỉ dụ.
Như thiện nam, thiện nữ cầu Bồ Tát đạo, trong chiên bao thấy mình tu hành Bát nhã ba la mật, nhập thiền định, siêng tinh tấn, đầy đủ nhẫn nhục, giữ gìn cấm giới, thật hành bố thí, tu tập nội không, ngoại không nhẫn đến ngồi đạo tràng. Phải biết thiện nam, thiện nữ nầy gần đạo Vô thượng Bồ đề, lúc thức, chơn thiệt tu hành Bát nhã ba la mật, nhập thiền định, siêng tinh tấn, đầy đủ nhẫn nhục, giữ gìn cấm giới, thật hành bố thí mà lại chẳng mau thành Vô thượng Bồ đề ngồi đạo tràng.
Bạch đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ thành tựu thiện căn nên được nghe Bát nhã ba la mật liền thọ trì và tu hành đúng như lời.
Phải biết người nầy là bực đại Bồ Tát, đã phát tâm từ lâu, gieo trồng căn lành, đã cúng dường nhiều đức Phật, gần gũi thiện tri thức.
Người nầy có thể thọ trì đến chánh ức niệm Bát nhã ba la mật. Phải biết đó là bực gần được thọ ký đạo Vô thượng Bồ đề. Phải biết người nầy như bực đại Bồ Tát bất thối chuyển.
Người nầy chẳng thối chuyển đạo Vô thượng Bồ đề, có thể được Bát nhã ba la mật rất sâu. Được rồi có thể thọ trì, đọc tụng nhẫn đến chánh ức niệm.
Bạch đức Thế Tôn! Ví như có người đi qua trăm do tuần, hoặc hai trăm, ba trăm, bốn trăm do tuần đường hiểm trở hoang vắng. Người nầy trước tiên thấy người chăn súc vật, hoặc thấy ranh giới, hoặc thấy vườn tược, thời đã biết là đã gần thành ấp, xóm làng. Lòng người nầy an ổn, chẳng còn sợ ác thú, độc trùng, giặc cướp, đói khát.
Bạch đức Thế Tôn! Cũng vậy, đại Bồ Tát nếu được Bát nhã ba la mật sâu xa nầy mà thọ trì, đọc tụng nhẫn đến chánh ức niệm, thì biết là gần được thọ ký Vô thượng Chánh giác, thì biết đại bồ tát nầy chẳng còn sợ sa vào bực Thanh văn hay Bích Chi Phật. vì đã phát hiện những tướng tiên khởi, đó là được nghe thấy, được thọ trì nhẫn đến chánh ức niệm Bát nhã ba la mật sâu xa nầy vậy”.
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Đúng như vậy. Nếu người thích nói thí dụ nữa thì nên nói”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Như người mưốn lấy biển cả mà đi về hướng biển cả. Đến lúc chẳng còn thấy cây, chẳng còn thấy núi thì biết là đã gần đến biển cả mặc dầu chưa thấy biển cả, vì mặt biển cả bằng phẳng, không cây, không núi.
Cũng vậy, đại Bồ Tát được nghe Bát nhã ba la mật sâu xa nầy rồi thọ trì, đọc tụng nhẫn đến chánh ức niệm, thì biết là gần được thọ ký Vô thượng Chánh giác.
Như đầu xuân, trên các cây lá cũ đã rụng hết thì biết những cây ấy sẽ nẩy lộc, trổ lá, đơm bông, kết trái. Mọi người thấy tướng lá cũ rụng hết đều sanh lòng vui mừng.
Cũng vậy, đại Bồ Tát được nghe Bát nhã ba la mật sâu xa nầy rồi thọ trì, đọc tụng nhẫn đến chánh ức niệm và thực hành đúng như lời. Phải biết đại Bồ Tát nầy đã thành tựu thiện căn, cúng dường nhiều đức Phật. Đại Bồ Tát nầy nên nghĩ rằng mình nhờ thiện căn hướng về Vô thượng Chánh giác đời trước theo dõi nên nay được nghe Bát nhã ba la mật sâu xa nầy rồi thọ trì, đọc tụng nhẫn đến chánh ức niệm, thật hành đúng như lời. Chư Thiên Tử đã từng thấy chư Phật đều vui mừng mà nghĩ rằng các vị Bồ Tát trước cũng có tướng tiên khởi được thọ ký như vậy. Hiện nay đại Bồ Tát nầy chắc sẽ gần được thọ ký Vô thượng Chánh giác.
Bạch đức Thế Tôn! Như người mẹ mang thai, thân thể nặng nhọc, đi đứng bất tiện, ngồi nằm chẳng an, ăn ngủ càng kém, chẳng ưa nói cười, chán việc quen trước. Có những người mẹ khác thấy biết bà nầy sắp sanh sản.
Cũng vậy, đại Bồ Tát gieo thiện căn cúng dường chư Phật nhiều, thật hành lục độ, gần gũi thiện tri thức, nay thiện căn thành tựu, được nghe Bát nhã ba la mật sâu xa, thọ trì, đọc tụng nhẫn đến chánh ức niệm, thật hành đúng như lời. Mọi người cũng biết đại Bồ Tát nầy sắp được thọ ký Vô thượng Chánh giác”.
Đức Phật phán: "Lành thay, lành thay! Lời của Xá Lợi Phất vừa nói đều là Phật lực cả”.
Bấy giờ Ngài Tu Bồ Đề bạch rằng: “Đức hi hữu Thế Tôn Vô thượng Ứng cúng đẳng Chánh giác rất khéo phó thác sự việc của chư đại Bồ Tát!”
Đức Phật phán: “Nầy Tu Bồ Đề! Chư đại Bồ Tát phát tâm Vô thượng Chánh giác, an ổn đa số chúng sanh, làm cho vô lượng chúng sanh được lợi lạc vì đại Bồ Tát thương xót hàng Trời, Người vậy.
Lúc thật hành Bồ Tát đạo, chư Bồ Tát nầy dùng bốn sự kiện để nhiếp độ vô lượng chúng sanh. Đó là bố thí, ái ngữ, lợi ích và đồng sự.
Chư Bồ Tát nầy cũng đem pháp thập thiện để thành tựu chúng sanh. Tự mình tu sơ thiền nhẫn đến phi phi tưởng định. Cũng dạy mọi người tu sơ thiền nhẫn đến phi phi tưởng định. Tự mình thật hành Bố thí ba la mật nhẫn đến Bát nhã ba la mật, cũng dạy mọi người thật hành Bố thí ba la mật nhẫn đến Bát nhã ba la mật.
Chư Bồ Tát nầy được Bát nhã ba la mật, dùng sức phương tiện dạy cho chúng sanh được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán mà tự mình chẳng chứng lấy quả ấy. Cũng dạy cho chúng sanh được quả Bích Chi Phật mà tự mình chẳng chứng lấy quả ấy.
Chư Bồ Tát nầy tự tu sáu ba la mật, cũng dạy Vô lượng Bồ Tát khác tu sáu ba la mật, tự trụ bực bất thối, cũng dạy người khác trụ bức bất thối, tự tịnh Phật độ, cũng dạy người khác tịnh Phật độ, tự thành tựu chúng sanh, cũng dạy người khác thành tựu chúng sanh, tự được thần thông, tự được môn đà la ni, cũng dạy người khác được đà là ni, tự đầy đủ biện tài vô ngại, cũng dạy người khác đủ biện tài vô ngại, tự thọ sắc thân trọn vẹn ba mươi hai tướng, cũng dạy người khác thành tựu sắc thân ba mươi hai tướng, tự thành tựu bực đồng chơn, cũng dạy người khác thành tựu bực đồng chơn. Tự thành tựu thập trí lực, cũng dạy người khác thành tựu thập trí lực, tự thành tựu tứ vô úy, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi, cũng dạy người khác thật hành tứ vô úy, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi, tự được nhứt thiết chủng trí, cũng dạy người khác được nhứt thiết chủng trí, tự rời lìa tất cả kiết sử và tập khí, cũng dạy người khác rời lìa tất cả kiết sử và tập khí, tự chuyển pháp luân, cũng dạy người khác chuyển pháp luân”.
Ngài Tu Bồ Đề bạch rằng: “Đức Thế Tôn hi hữu! Chư đại Bồ Tát thành tựu đại công đức, vì tất cả chúng sanh mà thật hành Bát nhã ba la mật để được Vô thượng Bồ đề.
Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là chư đại Bồ Tát tu hành Bát nhã ba la mật đầy đủ?”
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Nếu lúc tu hành Bát nhã ba la mật, Bồ Tát chẳng thấy tướng tăng cũng chẳng thấy tướng giảm của sắc, của thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến của nhứt thiết chủng trí, đó là lúc Bồ Tát đầy đủ Bát nhã ba la mật.
Lại Nầy Tu Bồ Đề! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, Bồ Tát chẳng thấy là pháp, là phi pháp, cũng chẳng thấy pháp quá khứ, pháp vị lai, pháp hiện tại, pháp thiện, pháp ác, pháp vô ký, pháp hữu vi, pháp vô vi, cũng chẳng thấy cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, cùng chẳng thấy Bố thí ba la mật, Trì giới ba la mật, Nhẫn nhục ba la mật, Tinh tấn ba la mật, Thiền na ba la mật, Bát nhã ba la mật, nhẫn đến chẳng thấy nhứt thiết chủng trí. Đó là Bồ Tát tu hành đầy đủ Bát nhã ba la mật.
Tại sao vậy? Vì các pháp đều không có tướng, các pháp là không, là hư giả, là chẳng bền chắc, không có giác tri, không có thọ mạng.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Lời phán dạy của đức Thế Tôn quả thật chẳng thể nghĩ bàn”.
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Vì sắc chẳng thể nghĩ bàn nên lời Phật nói chẳng thể nghĩ bàn. Vì thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến nhứt thiết chủng trí chẳng thể nghĩ bàn nên lời Phật nói chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Tu Bồ Đề! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, nếu đại Bồ Tát biết sắc là chẳng thể nghĩ bàn, biết thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến nhứt thiết chủng trí là chẳng thể nghĩ bàn thì Bồ Tát nầy chẳng đầy đủ được Bát nhã ba la mật”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật sâu xa nầy ai là người sẽ tìm hiểu?”
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Nếu có đại Bồ Tát nào từ lâu đã thật hành sáu ba la mật, gieo căn lành, cúng dường chư Phật nhiều, gần gũi thiện tri thức luôn, Bồ Tát nầy tin hiểu được Bát nhã ba la mật sâu xa”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ Tát tu hành sáu ba la mật lâu, gieo căn lành, cúng dường chư Phật nhiều, gần gũi thiện tri thức luôn?”
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Nếu đại Bồ Tát chẳng phân biệt sắc, chẳng phân biệt sắc tướng, chẳng phân biệt sắc tánh, nhẫn đến chẳng phân biệt nhứt thiết chủng trí, chẳng phân biệt nhứt chủng tướng, chẳng phân biệt nhứt thiết chủng tánh.
Tại sao vậy? Nầy Tu Bồ Đề! Vì sắc chẳng thể nghĩ bàn nhẫn đến vì nhứt thiết chủng trí chẳng thể nghĩ bàn.
Thế nên đại Bồ Tát trên đây được gọi là tu hành lục ba la mật lâu, gieo căn lành, cúng dường chư Phật nhiều, gần gũi thiện tri thức luôn”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Vì sắc rất sâu nên Bát nhã ba la mật rất sâu. Vì thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến nhứt thiết chủng trí rất sâu nên Bát nhã ba la mật rất sâu.
Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật nầy là kho trân bảo, vì nơi đó báu Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, Bích Chi Phật, Vô Thượng Chánh Giác. Vì nơi đó có báu tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, ngũ thần thông, tứ niệm xứ nhẫn đến bát chánh đạo, thập trí lực, tứ vô ý, tứ vô ngại trí, đại từ đại bi, thập bát bất cộng và nhứt thiết chủng trí vậy.
Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật nầy là kho thanh tịnh. Vì sắc thanh tịnh nên Bát nhã ba la mật là kho thanh tịnh. Vì thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến nhứt thiết chủng trí thanh tịnh nên Bát nhã ba la mật là kho thanh tịnh.
Bạch đức Thế Tôn! Rất quái lạ, lúc nói Bát nhã ba la mật nầy lại có nhiều sự lưu nạn”.
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Đúng như vậy. Nầy Tu Bồ Đề! Bát nhã ba la mật rất sâu nầy có nhiềusự lưu nạn. Vì lẽ ấy nên lúc thiện nam, thiện nữ nào muốn biên chép Bát nhã ba la mật nầy thì nên biên chép mau đi. Lúc muốn đọc tụng, tư duy, giảng nói, chánh ức niệm, tu hành thì nên tu hành mau đi.
Tại sao vậy? Vì lúc biên chép, đọc tụng nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật rất sâu nầy chẳng muốn có các lưu nạn phát khởi vậy.
Thiện nam, thiện nữ nào nếu có thể một tháng, hai tháng, ba tháng hoặc nhẫn đến một năm biên chép xong thì nên siêng cần chép cho xong. Nếu đọc tụng nhẫn đến tu hành trong một tháng hoặc một năm được thành tựu thì nên siên cần cho thành tựu. Vì kho trân bảo nầy có nhiều lưu nạn phát khởi vậy”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Trong Bát nhã ba la mật rất sâu nầy ác ma ưa làm lưu nạn, chẳng cho biên chép, đọc tụng, tư duy, giảng nói, chánh ức niệm, tu hành”.
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Dầu ác ma muốn làm lưu nạn Bát nhã ba la mật rất sâu nầy, chẳng cho biên chép nhẫn đến tu hành, nhưng ác ma cũng chẳng phá hoại được sự biên chép nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật của chư đại Bồ Tát nầy”.
Bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch đức Thế Tôn! Do sức lực nào làm cho ác ma chẳng lưu nạn được chư đại Bồ Tát biên chép nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật rất sâu nầy?”
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Đó là do Phật lực làm cho ác ma chẳng lưu nạn được chư đại Bồ Tát biên chéo nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật rất sâu nầy”.
Nầy Xá Lợi Phất! Cũng do thần lực của chư Phật hiện tại ở mười phương quốc độ hộ niệm cho đại Bồ Tát nầy nên ác ma chẳng lưu nạn được.
Nầy Xá Lợi Phất! Thiện nam, thiện nữ phải nghĩ rằng tôi biên chép nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật sâu xa nầy đều là do thần lực của mười phương chư Phật”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ biên chép nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật sâu xa nầy đều do thần lực của chư Phật nên biết rằng những người nầy được chư Phật hộ niệm”.
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Đúng như vậy. Nầy Xá Lợi Phất! Vì biên chép nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật sâu xa nầy đều do Phật lực nên biết rằng cũng được hư Phật hộ niệm”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Hiện tại mười phương vô lượng vô biên vô số chư Phật đều biết, đều thấy lúc thiện nam, thiện nữ nầy biên chép nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật sâu xa nầy?”
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Đúng như vậy. Nầy Xá Lợi Phất! HIện tại mười phương vô lượng vô biên vô số chư Phật đều biết, đều thấy lúc thiện nam, thiện nữ nầy biên chép nhẫn đến lúc tu hành Bát nhã ba la mật sâu xa nầy”.
Nầy Xá Lợi Phất! Trong thiện nam, thiện nữ cầu đạo Bồ Tát mà biên chép nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật sâu xa nầy, nên biết rằng những người ấy đã đến gần Vô thượng Chánh giác.
Nầy Xá Lợi Phất! Thiện nam, thiện nữ biên chép nhẫn đển chánh ức niệm Bát nhã ba la mật sâu xa nầy, những người đây đối với Bát nhã ba la mật sâu xa có nhiều tin hiểu, lại cũng cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi. Chư Phật đều biết đều thấy thiện nam, thiện nữ nầy.
Do công đức cúng dường mà thiện nam, thiện nữ nầy sẽ được lợi ích lớn, sẽ được quả báo lớn.
Nầy Xá Lợi Phất! Do công đức cúng dường nầy mà thiện nam, thiện nữ ấy chẳng sa vào ác đạo, không bao giờ xa rời chư Phật cho đến chứng được bất thối địa.
Nầy Xá Lợi Phất! Do nhơn duyên căn lành mà thiện nam, thiện nữ ấy mãi đến khi được Vô thượng Bồ đề vĩnh viễn chẳng xa rời sáu ba la mật, chẳng xa rời nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không, chẳng xa rời tứ niệm xứ nhẫn đến bát thánh đạo, chẳng xa rời mười trí lực nhẫn đến Vô thượng Chánh giác.
Nầy Xá Lợi Phất! Sau khi Phật nhập diệt, Bát nhã ba la mật sâu xa nầy sẽ đến cõi nước phương Nam. Nơi đó, các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di sẽ biên chép, sẽ thọ trì, đọc tụng, tư duy, giảng nói, chánh ức niệm, tu hành Bát nhã ba la mật sâu xa nầy.
Do nhơn duyên căn lành đây mà tứ chúng ấy chẳng còn sa vào ác đạo, được hưởng phước vui cõi Trời, cõi Người, thêm lớn sáu ba la mật, cúng dường, cung kính ngợi khen chư Phật, lần lần đắc quả Thanh văn, Bích Chi Phật và Phật thừa.
Nầy Xá Lợi Phất! Bát nhã ba la mật sâu xa nầy sẽ từ phương Nam truyền đến phương Tây, từ phương Tây sẽ truyền đến phương Bắc, hàng tứ chúng ở các cõi nước ấy sẽ biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, giảng nói, chánh ức niệm, tu hành, Bát nhã ba la mật sâu xa nầy. Do nhơn duyên căn lành ấy mà họ chẳng còn sa vào ác đạo, hưởng phước vui cõi Trời, cõi Người, thêm lớn sáu ba la mật, cúng dường, cung kính, ngợi khen chư Phật, lần lần đắc quả Thanh văn, Bích Chi Phật và Phật thừa.
Nầy Xá Lợi Phất! Bấy giờ ở phương Bắc, Bát nhã ba la mật sâu xa nầy sẽ làm Phật sự tại đó.
Bởi vì sao? Nầy Xá Lợi Phất! Thời kỳ pháp của ta thạnh hành không có tướng diệt hoại.
Nầy Xá Lợi Phất! Ta đã nhớ đến các thiện nam, thiện nữ thọ trì nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật sâu xa nầy. Các thiện nam, thiện nữ ấy có thể biên chép và cung kính, cúng dường, ca ngợi Bát nhã ba la mật sâu xa nầy.
Các thiện nam, thiện nữ ấy do nhơn duyên căn lành trên mà chẳng sa vào ác đạo, được hưởng phước vui cõi Trời, cõi Người, thêm lớn sáu ba la mật, cúng dường, cung kính, ngợi khen chư Phật, lần lần đắc quả Thanh văn, Bích Chi Phật và Phật thừa.
Nầy Xá Lợi Phất! ta dùng Phật nhãn thấy các người ấy, ta cũng ngợi khen các người ấy. Vô lượng vô biên vô số chư Phật ở mười phương cũng thấy, cũng ngợi khen các người ấy”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật sâu xa nầy về sau sẽ thạnh hành ở phương Bắc ư?”
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Đúng như vậy. Bát nhã ba la mật sâu xa nầy về sau sẽ thạnh hành ở phương Bắc.
Nầy Xá Lợi Phất! Sau nầy ở phương Bắc, nếu thiện nam, thiện nữ nghe Bát nhã ba la mật sâu xa nầy mà biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, giảng nói, chánh ức niệm, tu hành như lời, phải biết các người ấy từ lâu đã phát tâm Đại thừa, đã cúng dường nhiều chư Phật, gieo căn lành, luôn gần gũi thiện tri thức”.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Sau nầy ở phương Bắc có bao nhiêu thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo mà biên chép nhẫn đến tu hành Bát nhã ba la mật sâu xa nầy?”
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Sau nầy ở Bắc phương dầu có nhiều thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo nhưng ít có người nghe Bát nhã ba la mật sâu xa nầy mà không kinh sợ.
Tại sao vậy? Vì các người nầy gần gũi cúng dường nhiều chư Phật, nhiều học hỏi nơi chư Phật. các người nầy có thể đủ sáu ba la mật, đầy đủ tứ niệm xứ nhẫn đến đầy đủ mười tám pháp bất cộng.
Nầy Xá Lợi Phất! Các người nầy nhờ căn lành thuần thục vì Vô thượng Bồ đề, mà có thể đem lợi ích nhiều cho chúng sanh.
Nay ta cũng như chư Phật quá khứ vì thiện nam, thiện nữ nầy mà nói pháp nhứt thiết chủng trí. Do nhơn duyên đây nên đời sau các người ấy tiếp nối được Vô thượng Chánh giác rồi cũng vì người khác mà nói pháp Vô thượng Chánh giác.
Các thiện nam, thiện nữ ấy đều nhứt tâm hòa hiệp. Ma và dân ma còn không phá hoại được tâm Vô thượng Bồ đề của họ, huống là những người ác chê bai người thật hành Bát nhã ba la mật sâu xa nầy mà phá hoại được tâm Vô thượng Bồ đề của họ.
Nầy Xá Lợi Phất! Các thiện nam, thiện nữ cầu Bồ Tát đạo, nghe Bát nhã ba la mật sâu xa nầy được pháp hỉ lớn, được pháp lạc lớn, cũng gầy dựng nhiều người ở nơi căn lành để được Vô thượng Bồ đề.
Các thiện nam, thiện nữ nầy ở trước Phật tuyên thệ rằng lúc tôi thật hành Bồ Tát đạo sẽ độ vô số chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh giác, dạy bảo cho họ được lợi ích vui mừng nhẫn đến thọ ký bực bất thối. Phật biết rõ tâm nguyện của họ và Phật cũng tùy hỉ.
Các thiện nam, thiện nữ nầy ở trước chư Phật quá khứ đã từng tuyên thệ như trên và cũng được chư Phật quá khứ biết rõ tâm nguyện của họ mà tùy hỉ cho họ.
Nầy Xá Lợi Phất! Vì các thiện nam, thiện nữ ấy tâm nguyện của họ lớn nên sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp của họ hưởng thọ cũng lớn, họ cũng có thể bố thí lớn, gieo căn lành lớn. Họ gieo căn lành lớn xong được quả báo lớn. Vì để nhiếp chúng sanh nên họ lấy quả báo lớn. Ở giữa chúng sanh họ có thể xả thí những vật sở hữu trong ngoài thân. Do nhơn duyên căn lành nầy họ phát nguyện muốn sanh về quốc độ phương khác, nơi mà chư Phật hiện đương nói Bát nhã ba la mật sâu xa. Ở trước chư Phật nghe Bát nhã ba la mật sâu xa rồi, họ cũng dạy lợi ích vui mừng cho trăm ngàn muôn ức chúng sanh nơi đó, đều khiến phát tâm Vô thượng Bồ đề”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đức Phật đối với những pháp quá khứ, vị lai, hiện tại không gì chẳng biết, không pháp như nào mà Phật chẳng biết, tất cả hạnh nghiệp của chúng sanh không sự nào mà chẳng biết. Nay đức Phật biết rõ chư Phật và Bồ Tát, Thanh văn quá khứ. Đức Phật cũng biết rõ chư Phật và Bồ Tát, Thanh văn hiện tại, biết rõ chư Phật và Bồ Tát, Thanh văn vị lai.
Bạch đức Thế Tôn! Đời vị lai những thiện nam, thiện nữ cần cầu sáu ba la mật để thọ trì, đọc tụng nhẫn đến tu hành có được hay chẳng được?”
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Nếu thiện nam, thiện nữ nhứt tâm tinh tấn cần cầu sẽ được các kinh đúng sáu ba la mật sâu xa”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Các thiện nam, thiện nữ cần hành như vậy sẽ được kinh đúng sáu ba la mật sâu xa ư?”
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Các thiện nam, thiện nữ ấy được kinh đúng sáu ba la mật sâu xa nầy. Tại sao vậy? Các thiện nam, thiện nữ ấy vì Vô thượng Chánh giác mà thuyết pháp lợi ích vui mừng cho chúng sanh an trụ sáu ba la mật. Do đây nên các thiện nam, thiện nữ ấy chuyển sanh đời sau để được kinh đúng sáu ba la mật sâu xa. Khi được rồi họ tu hành đúng như sáu ba la mật đã được nói. Họ tinh tấn chẳng nghĩ nhẫn đến tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, chứng Vô thượng Chánh giác”.
PHẨM MA SỰ
THỨ BỐN MƯƠI SÁU
THỨ BỐN MƯƠI SÁU
Lúc bấy giờ Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đức Phật đã ngợi khen, đã nói công đức của các thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Bồ đề thật hành sáu ba la mật, thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ.
Bạch đức Thế Tôn! Các thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo sanh ra những lưu nạn như thế nào?”
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Lạc thuyết biện tài chẳng liền phát sanh, phải biết đây là ma sự của Bồ Tát.
Tại sao vậy? Vì có đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật khó đầy đủ sáu ba la mật. Thế nên Lạc thuyết biện tài chẳng liền phát sanh là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lạc thuyết biện tài vụt khỏi cũng là ma sự của Bồ Tát.
Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát thật hành sáu ba la mật ham thích thuyết pháp. Thế nên Lạc thuyết biện tài vụt khỏi cùng ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc biên chép kinh Bát nhã ba la mật mà khinh lờn ngạo mạn, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc biên chéo kinh nầy mà cười cười đùa loạn tâm, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc biên chép kinh nầy mà khinh cười, chẳng cung kính, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc biên chép kinh nầy nếu tâm loạn bất định, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc biên chép kinh nầy nếu các người chẳng hòa hiệp, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Thiện nam, thiện nữ nào nghĩ rằng tôi không được tự vị trong kinh rồi bèn bỏ đi, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc thọ trì, đọc tụng, giảng nói, chánh ức niệm khinh lờn ngạo mạn, đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc thọ trì kinh nầy, lúc gần gũi, chánh ức niệm nếu cùng nhau ra dấu cười cợt, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc thọ trì nhẫn đến tu hành kinh nầy nếu khinh miệt lẫn nhau, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc thọ trì nhẫn đến chánh ức niệm kinh nầy nếu tâm tán loạn, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc thọ trì nhẫn đến chánh ức niệm Bát nhã ba la mật mà tâm chẳng hòa hiệp, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Như đức Phật phán dạy rằng thiện nam, thiện nữ tự nghĩ tôi không được tư vị trong kinh rồi bèn bỏ đi.
Bạch đức Thế Tôn! Do cớ gì Bồ Tát chẳng được tư vị trong kinh nói rồi bèn bỏ đi?”
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Bồ Tát nầy đời trước chẳng dày công thật hành sáu ba la mật, nên nghe nói Bát nhã ba la mật nầy liền nghĩ rằng tôi chẳng ghi nhận Bát nhã ba la mật, tôi chẳng thanh tịnh, bèn đứng dạy bỏ đi”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Cớ sao chẳng thọ ký cho người nghe Bát nhã ba la mật đứng dậy bỏ đi?”
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Nếu Bồ Tát chưa vào trong pháp vị thì chư Phật chẳng thọ ký Vô thượng Bồ đề.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu lúc nghe nói Bát nhã ba la mật mà nghĩ rằng trong đây không có nói đến danh tự của tôi, do đó mà tâm chẳng thanh tịnh, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “cớ sao trong Bát nhã ba la mật sâu xa nầy chẳng nói danh tự của Bồ Tát ấy?”
Đức Phật nói: “Chư Phật chẳng nói danh tự của Bồ Tát chưa được thọ ký.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc nghe Bát nhã ba la mật mà nghĩ rằng trong đây không nói đến tên xứ sở của tôi sanh, người nầy không muốn nghe bèn đứng dậy rời pháp hội bỏ đi. Lúc người nầy đứng dậy, cứ mỗi niệm phải một kiếp tinh tấn cầu Vô thượng Bồ đề trở lại.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Bỏ Bát nhã ba la mật mà học các kinh khác, Bồ Tát nầy trọn không thể đến nhứt thiết chủng trí, đây là bỏ gốc mà níu nhánh lá, phải biết đó là sự của Bồ Tát”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Những kinh gì mà thiện nam, thiện nữ học theo trọn chẳng đến được nhứt thiết chủng trí?”
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Đó là những kinh hàng Thanh văn thật hành. Như là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát thánh đạo, không, vô tướng, vô tác, giải thoát môn. Các thiện nam, thiện nữ an trụ trong pháp trên đây được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, đây là chỗ của hàng Thanh văn đi, không thể đến được nhứt thiết chủng trí.
Nầy Tu Bồ Đề! Trong Bát nhã ba la mật xuất sanh chư Phật Bồ Tát thành tựu pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Lúc học Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát cũng học pháp thế gian và pháp xuất thế gian.
Nầy Tu Bồ Đề! Ví như con chó chẳng theo chủ nhà để đòi ăn mà theo gã cần vụ. Cũng vậy, đời sau có thiện nam, thiện nữ bỏ Bát nhã ba la mật sâu xa cội gốc, trở lại nắm lấy kinh pháp sở hành của Thanh văn, Bích Chi Phật nhánh lá, hải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Như có người muốn thấy voi, được thấy voi rồi trở lại nhìn dấu chân voi. Theo ý người, kẻ đó có không chăng?”
Bạch đức Thế Tôn! Người ấy chẳng khôn.
Cũng vậy, Nầy Tu Bồ Đề! Thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo được Bát nhã ba la mật sâu xa lại bỏ đi cầu lấy kinh pháp sở hành của Thanh văn, Bích Chi Phật, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Nầy Tu Bồ Đề! Như có người muốn thấy biển lớn trở lại tìm nước đọng ở dấu chân trâu mà nghĩ rằng nước biển lớn có bằng nước dấu chân trâu chăng? Ý ngươi thế nào, người ấy có khôn chăng?
Bạch đức Thế Tôn! Người ấy chẳng khôn.
Cũng cậy, nầy Tu Bồ Đề! đời sâu có thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo được Bát nhã ba la mật sâu xa lại bỏ đi cầu lấy kinh pháp sở hành của Thanh văn, Bích Chi Phật, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Nầy Tu Bồ Đề! Như thợ vẽ nghĩ muốn vẽ thắng điện của Thiên Đế mà trở lại vẽ cung điện nhựt nguyệt. Ý ngươi thế nào, thợ vẽ nầy có khôn chăng?
Bạch đức Thế Tôn! Thợ vẽ nầy chẳng khôn.
Nầy Tu Bồ Đề! Cũng vậy, đời sau có thiện nam, thiện nữ phước đức mỏng cầu Phật đạo được Bát nhã ba la mật sâu xa nầy lại bỏ đi cầu các kinh hàng Thanh văn, Bích Chi Phật, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Như có người muốn lấy Chuyển Luân Thánh Vương, được gặp mà chẳng biết, về sau thấy các Tiểu Quốc Vương cho rằng không khác Chuyển Luân Thánh Vương. Ý ngươi thế nào, người nầy có khôn chăng?
Bạch đức Thế Tôn! Người nầy chẳng khôn.
Nầy Tu Bồ Đề! Cũng vậy, đời sau có thiện nam, thiện nữ phước đức mỏng cầu Phật đạo được Bát nhã ba la mật sâu xa nầy lại bỏ đi cầu các kinh sở hành của hàng Thanh văn, Bích Chi Phật, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Như có người đang đói, bỏ cơm sốt ngon đi ăn cơm thiu lâu ngày. Ý ngươi thế nào, người đó nầy có khôn chăng?
Bạch đức Thế Tôn! người đó nầy chẳng khôn.
Cũng vậy, nầy Tu Bồ Đề! Đời sau có thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo được nghe Bát nhã ba la mật sâu xa nầy lại bỏ đi lấy các kinh sở hành của Thanh văn, Bích Chi Phật để cầu được nhứt thiết chủng trí, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Như có người được châu ma ni vô giá lại đem sánh với châu thủy tinh. Ý ngươi thế nào, người nầy có khôn chăng?
Bạch đức Thế Tôn! Người nầy chẳng khôn.
Cũng vậy, nầy Tu Bồ Đề! Đời sau có thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo được nghe Bát nhã ba la mật sâu xa nầy lại bỏ đi lấy các kinh sở hành của Thanh văn, Bích Chi Phật, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Các thiện nam, thiện nữ ấy lúc biên chép Bát nhã ba la mật nầy ưa nói những sự chẳng đúng pháp, biên chép Bát nhã ba la mật sâu xa nầy chẳng thành. Những gì là ưa nói những sự chẳng đúng pháp? Đó là ưa sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Ưa nói trì giới, các thiền, các định. Ưa nói sáu ba la mật. Ưa nói tứ tứ niệm xứ nhẫn đến Vô thượng Bồ đề.
Tại sao vậy?
Nầy Tu Bồ Đề! Trong Bát nhã ba la mật nầy không có tướng ưa nói.
Nầy Tu Bồ Đề! Bát nhã ba la mật là tướng bất khả tư nghì, là tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh bất loạn, bất tán. Bát nhã ba la mật là tướng không nói, không dạy, không lời, không nghĩa. Bát nhã ba la mật là tướng vô sở đắc.
Tại sao vậy? Vì trong Bát nhã ba la mật không tất cả các pháp ấy.
Nầy Tu Bồ Đề! Nếu có Thiện nam cầu Phật đạo, lúc biên chép kinh Bát nhã ba la mật nầy mà tâm tán loạn duyên theo các pháp ấy, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật nầy biên chép được chăng?”
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Biên chép không được. Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật tự tánh không. Vì Thiền na ba la mật nhẫn đến nhứt thiết chủng trí tự tánh không. Tự tánh đã không thì chẳng gọi là pháp. Không pháp chẳng thể biên chép được không pháp.
Nầy Tu Bồ Đề! Nếu thiện nam, thiện nữ cầu Bồ Tát đạo nghĩ rằng không pháp là Bát nhã ba la mật sâu xa, phải biết đó là ma sự của Bồ Tát”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ cầu đạo Bồ Đề, dùng văn tự để biên chép Bát nhã ba la mật, tự nghĩ rằng mình biên chép Bát nhã ba la mật, dùng chữ đặt Bát nhã ba la mật, phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.
Tại sao vậy? Bạch đức Thế Tôn! Vì Bát nhã ba la mật không có văn Thiền na ba la mật nhẫn đến Thiền na ba la mật không có văn tự, sắc thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến nhứt thiết chủng trí không có văn tự.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu chấp không văn tự là Bát nhã ba la mật nhẫn đến chấp không văn tự là nhứt thiết chủng trí, cũng là ma sự của Bồ Tát.
Như biên chép, đọc tụng, giảng nói, chánh ức niệm, tu hành đúng như lời đúng như vậy”.
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo, lúc biên chép Bát nhã ba la mật mà tưởng nhớ quốc độ, thành ấp, phương hướng, nghe hủy báng thầy mình mà nghĩ đến hoặc nghĩ đến cha mẹ; anh em, chị em, bà con, nghĩ đến kẻ giặc cướp, nam nữ, nghĩ đến những sự khác như vậy sẽ bị ác ma xúi nghĩ nhớ thêm, phá hư công việc biên chép Bát nhã ba la mật, phá hư công việc đọc tụng, giảng nói, chánh ức niệm, tu hành Bát nhã ba la mật. Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.
Lại nầy Tu Bồ Đề! Thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo, lúc biên chép nhẫn đến lúc tu hành Bát nhã ba la mật, ác ma tìm phương tiện đem những kinh sâu xa khác đến tặng cho. Người có sức phương tiện chẳng nên ham muốn những kinh sâu xa khác của ác ma đem đến vì những kinh ấy không đưa người đến nhứt thiết chủng trí.
Kẻ không đủ sức phương tiện, nghe nói những kinh sâu xa khác bèn bỏ Bát nhã ba la mật sâu xa nầy. Trong Bát nhã ba la mật sâu xa nầy, đức Phật đã giảng dạy nhiều phương tiện của đạo Bồ Tát. Chư đại Bồ Tát nên tìm ở trong đây. Nếu thiện nam, thiện nữ cầu Bồ Tát đạo mà bỏ Bát nhã ba la mật sâu xa nầy, đi cầu phương tiện nơi những kinh sâu xa của Thanh văn, Bích Chi Phật, phải biết cũng là ma sự của Bồ Tát”.