Thư Viện Hoa Sen

Quyển Thứ Mười Chín

29/04/201012:00 SA(Xem: 14567)
Quyển Thứ Mười Chín
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập - Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
 Viện Phật Học Phổ Hiền Xuất Bản PL. 2530 DL 1986 (Trọn bộ 3 tập)
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn hành P.L 2539 DL. 1995 (Trọn bộ 3 tập)


 QUYỂN THỨ MƯỜI CHÍN

 PHẨM KIÊN CỐ
 THỨ NĂM MƯƠI SÁU

 Đức Phật phán dạy: “Lại Nầy Tu Bồ Đề! Ác ma đến Bồ Tát, muốn phá hoại tâm của Bồ Tát mà bảo rằng: Nhứt thiết chủng trí đồng với hư không rỗng không, chẳng có tướng, các pháp đồng với hư không rỗng không, chẳng có tướng. Ở trong các pháp đồng với hư không rỗng không, chẳng có tướng ấy, không có ai được Vô thượng Bồ đề, cũng không có chẳng được, các pháp ấy đều như hư không, chẳng có tướng. Ngài luống chịu khổ siêng tu vô ích. Vô thượng Bồ đề của Ngài nghe đó đều là ma sự, chẳng phải lời của Phật dạy. Ngài luôn bỏ tâm nguyện ấy đi. Ngài chớ mãi thọ lấy sự khổ, lo lắng chẳng an ấy mà phải đọa vào ác đạo.

 Lúc nghe llời trách cứ ấy, Bồ Tát nầy nên nghĩ rằng đây là ác ma muốn phá hoại tâm Vô thượng Bồ đề của tôi.

 Các pháp dầu như hư không, chẳng chỗ có, tự tướng rỗng không, nhưng chúng sanh chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu.

 Tôi cũng do đại thệ trang nghiêm rỗng không, chẳng có tự tướng, đồng như hư không mà được nhứt thiết chủng trí rồi vì chúng sanhthuyết pháp cho họ được giải thoát, chứng quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả Vô thượng Bồ đề.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát từ lúc sơ phát tâm về sau, nếu nghe sự việc trên tự phải vững tâm, chẳng động chuyển. Do tâm vững chắc, chẳng động chuyển nầy mà thật hành sáu ba la mật tất sẽ được vào Bồ Tát vị”.

 - Bạch đức Thế Tôn! Vì bất chuyển mà gọi là bất thối chuyển hay là vì chuyển mà gọi là bất thối chuyển?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vì bất chuyển, vì chuyển cũng gọi là bất thối chuyển.

 Tại sao vậy?

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát chẳng bị chuyển nơi bực Thanh Văn, bực Bích Chi Phật thì gọi là bất thối chuyển. Nếu đại Bồ Tát chuyển bực Thanh Văn, bực Bích Chi Phật thì cũng gọi là bất thối chuyển.

 Do những hạnh, loại, tướng mạo trên đây mà được gọi là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển lúc muốn nhập sơ thiền đến diệt tận định liền được nhập. Lúc muốn tu tứ niệm xứ đến ngũ thần thông liền có thể tu. Dầu tu tứ niệm xứ đến ngũ thần thông, nhưng đại Bồ Tát nầy chẳng thọ lấy tứ niệm xứ, dầu tu các thiền mà chẳng thọ lấy các thiền, nhẫn đến chẳng thọ lấy quả A La Hán, quả Bích Chi Phật. Đại Bồ Tát nầy vì chúng sanh mà thọ lấy thân để tùy theo chỗ đáng, chỗ nên hầu làm lợi ích họ.

 Do hạnh, loại, tướng mạo nầy mà được gọi đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát bất thối chuyển thường nghĩ nhớ Vô thượng Bồ đề, trọn chẳng xa lìa tâm nhứt thiết chủng trí.

 Vì chẳng xa lìa tâm nhứt thiết chủng trí nên chẳng quý sắc, chẳng quý tướng, chẳng quý Thanh Văn, Bích Chi Phật, chẳng quý sáu độ, chẳng quý tứ thiền, tứ vô lượng tâm nhẫn đến ngũ thần thông, chẳng quý tứ niệm xứ đến bát thánh đạo, chẳng quý mười trí lực đến mười tám pháp bất cộng, chẳng quý tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, chẳng quý thấy Phật, chẳng quý chủng thiện căn.

 Tại sao vậy? Vì tất cả pháp tự tướng không, chẳng có pháp quý được và tâm hay quý. Tất cả pháp vô sở hữu, tự tướng không như hư không.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát bất thối chuyển nầy thành tựu tâm như đây ờ trong bốn oai nghi của thân thể: đi, đứng, nằm, ngồi, tới lui, ra vào luôn nhứt tâm bất loạn.

 Do những hạnh, loại, tướng mạo nầy mà gọi là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát hiện thân tại gia vì lợi ích chúng sanh mà thọ lấy ngũ dục để bố thí cho chúng sanh: người cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần y phục, ngọa cụ, thuốc men đều cung cấp cho. Đại Bồ Tát nầy tự làm đàn ba la mật và dạy người làm Đàn ba la mật, khen ngợi pháp Đàn ba la mật, cũng vui mừng khen ngợi người làm Đàng ba la mật, nhẫn đến Bát nhã ba la mật cũng vậy. Ở tại gia, đại Bồ Tát nầy đem trân bửu đầy Diêm Phù Đề, đầy cõi cõi Đại Thiên để cấp thí cho mọi loài chúng sanh, chẳng tự vì mình mà thường tu phạm hạnh, chẳng hiếp đáp, khinh dễ, cướp giựt của kẻ khác cho họ phải sầu lo.

 Do những hạnh, loại, tướng mạo nầy mà gọi là bực bất thối chuyển đại Bồ Tát.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Chấp Kim Cang Thần Vương nhẫn đến Ngũ Tánh Chấp Kim Cang Thần thường theo kề cận thủ hộ đại Bồ Tát nầy mà nghĩ rằng: Đại Bồ Tát nầy sẽ được Vô thượng Bồ đề. Do đây nên hoặc chư Thiên Tử, hoặc hư Ma Vương, Phạm Vương, hoặc người thế lực ở nhơn gian đều chẳng phá hoại được tâm nhứt thiết trí của đại Bồ Tát nầy, nhẫn đến thành Vô thượng Bồ đề.

 Đây gọi là tướng đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thường đầy đủ ngũ căn của bực Bồ Tát: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn. Đây gọi là tướng bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát bất thối chuyển làm thượng nhơn chớ chẳng làm hạ nhơn.

 - Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là thượng nhơn?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát nhứt tâm thật hành Vô thượng Bồ đề, lòng chẳng tán loạn thời gọi là thượng nhơn.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thường nhất tâm niệm Phật đạo, vì sanh hoạt thanh tịnh nên chẳng làm những nghề chú thuật, hòa hiệp, thuốc men, chẳng phù chú quỷ thần, sai nhập nam nữ để hỏi sự kiết hung, phước lộc, sống chết. Tại sao vậy? Vì rõ biết các pháp tự tướng không, chẳng thấy các tướng nên chẳng làm việc tà mạng mà làm chánh mạng. Đây gọi là tướng bất thối chuyển đại Bồ Tát.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nay Phật sẽ lại nói hạnh, loại, tướng mạo của đại Bồ Tát bất thối chuyển, ngươi nên nhứt tâm lắng nghe.

 Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật. Vì thường chẳng xa rời Vô thượng Bồ đề nên chẳng nói sự ngũ ấm, chẳng nói sự thập nhị nhập, chẳng nói sự thập bát giới. Tại sao vậy? Vì thường quan niệm ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới tướng không.

 Đại Bồ Tát nầy chẳng thích nói đến việc quan. Tại sao vậy? Vì an trụ trong tướng không của các pháp nên chẳng có sự sang, sự hèn.

 Chẳng thích nói việc cướp trộm, vì các pháp tự tướng không nên chẳng thấy hoặc được hoặc mất.

 Chẳng thích nói việc quân trận, vì các pháp tự tướng không nên chẳng thấy hoặc nhiều hoặc ít.

 Chẳng thích nói việc chiến đấu, vì các pháp tự tướng không nên chẳng thấy hoặc thương hoặc ghét.

 Chẳng thích nói việc phụ nữ, trụ trong pháp không nên chẳng thấy việc đẹp hoặc xấu.

 Chẳng thích nói việc xóm làng, vì các pháp tự tướng không nên chẳng thấy hoặc hiệp hoặc tan.

 Chẳng thích nói việc thành thị, vì trong thiệt tế chẳng thấy hoặc thắng hoặc thua.

 Chẳng thích nói quốc sự, vì an trụ trong thiệt tế chẳng thấy có pháp thuộc nơi đó hoặc chẳng thuộc nơi đó.

 Chẳng thích nói đến chính mình, vì an trụ trong pháp tánh nên chẳng thấy có pháp nào là ngã hoặc là vô ngã, nhẫn đến chẳng thấy có ai biết, ai thấy.

 Như vậy, đại Bồ Tát chẳng thích nói các sự việc thế gian, chỉ ưa nói Bát nhã ba la mật, chẳng xa rời tâm nhứt thiết trí.

 Lúc làm Đàn ba la mật chẳng làm sự xan tham, lúc làm Thi ba la mật chẳng làm sự phá giới, lúc làm Nhẫn ba la mật chẳng làm sự giận tranh, lúc làm Tấn ba la mật chẳng làm sự giải đãi, lúc làm Thiền ba la mật chẳng làm sự tán loạn, lúc làm Huệ ba la mật chẳng làm sự ngu si.

 Đại Bồ Tát nầy dầu thật hành tất cả pháp không, nhưng thích chánh pháp, mến chánh pháp. dầu thật hành pháp tánh nhưng thường tán thán pháp bất hoại mà mến tích thiện tri thức như là chư Phật và chư Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật. Có thể giáo hóa người ưa muốn Vô thượng Bồ đề.

 Đại Bồ Tát nầy thường muốn thấy chư Phật. Khi nghe nói Phật hiện ở cõi nước nào liền nguyện vãng sanh. Ngày đêm luôn tưởng niệm Phật.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát nầy nhập sơ thiền đến phi phi tưởng xứ định, vì dùng sức phương tiện nên phát khởi tâm cõi Dục, thác sanh vào trong hàng chúng sanh hay thật hành thập thiện nghiệp, và trong chỗ hiện tại có Phật ở.

 Do những hạnh, loại, tướng mạo trên đây, phải biết đó là bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát an trụ nơi một không, ngoại không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không, an trụ nơi tứ niệm xứ nhẫn đến ba môn giải thoát: không, vô tướng, vô tác. Với trong địa vị của mình tự biết rất rõ, chẳng còn nghi là phải hay không phải bậc bất thối chuyển.

 Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy chẳng còn thầy có chút pháp nào ở trong Vô thượng Bồ đề hoặc chuyển hay bất thối chuyển.

 Nầy Tu Bồ Đề! Ví như có người được quả Tu Đà Hoàn, an trụ trong bậc Tu Đà Hoàn, tự biết rõ ràng, trọn chẳng nghi ngờ. Cũng vậy, an trụ trong bất thối chuyển, đại Bồ Tát nầy tự biết rõ ràng, trọn chẳng nghi ngờ. An trụ trong bậc nầy, đại Bồ Tát thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh. Lúc các ma sự phát khởi thì hay biết, cũng chẳng theo ma sự phá hoại ma sự.

 Nầy Tu Bồ Đề! Ví như có người phạm tội ngũ nghịch, tâm tội ngũ nghịch luôn theo dính người đói cho đến chết chẳng rời, dầu có nghĩ việc khác cũng vẫn không ngăn cách tâm tội ấy. Cũng vậy, đại Bồ Tát nầy tự an trụ trong địa vị của mình, tâm thường bất động. Tất cả Thiên, Nhơn, A Tu La trong đời không làm động chuyển được tâm Bồ Tát nầy. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy vượt trên tất cả hàng Thiên, Nhơn, A Tu La mà vào trong địa vị chánh Pháp, an trụ nơi bực mình đã chứng, đầy đủ thần thông Bồ Tát, hay tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh, từ một Phật độ đến một Phật độ. Ở chỗ chư Phật mười phương gieo trồng những thiện căn, hầu gần thưa hỏi chư Phật. Đại Bồ Tát nầy an trụ như vậy, lúc có ma sự phát khởi liền hay biết mà chẳng theo, dùng sức phương tiện đặt ma sự vào trong thiệt tế. Với địa vị tự chứng, đại Bồ Tát nầy chẳng nghi ngờ, hối tíếc. Rõ biết thiệt tế nầy chẳng phải một, chẳng phải hai. Do cớ trên đây mà đại Bồ Tát nầy nhẫn đến lúc chuyển thân, trọn chẳng hướng về bậc Thanh Văn, Bích Chi Phật.

 Trong các pháp tự tướng không, đại Bồ Tát nầy chẳng thấy có pháp nào hoặc sanh hoặc diệt hoặc cấu hoặc tịnh.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nhẫn đến lúc chuyển thân, đại Bồ Tát nầy trọn chẳng nghi rằng mình sẽ được hay chẳng được Vô thượng Bồ đề. Vì các pháp tự tướng không chính đó là Vô thượng Bồ đề.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát nầy an trụ trong địa vị của mình chứng, chẳng theo lờingười khác, không ai phá hoại được. Vì bực nầy đã thành tựu trí huệ bất động vậy.

 Do những hạnh, loại, tướng mạo trên đây, phải biết đó gọi là bực đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu có ác ma hiện thân Phật đến bảo đại Bồ Tát nầy rằng: Nay Ngài ở trong đây chứng lấy quả A La Hán, Ngài cũng chẳng được thọ ký Vô thượng Bồ đề, cũng chưa được vô sanh pháp nhẫn, Ngài không có hạnh, loại, tướng mạo của bực bất thối chuyển, cũng không có tướng để được thọ ký Vô thượng Bồ đề. Lúc nghe lời nói như trên, đại Bồ Tát nầy trọn không kinh sợ, nghi ngờ và tự biết quyết định sẽ được chư Phật thọVô thượng Bồ đề. Tại sao vậy? Vì chư Bồ Tát do pháp ấy mà được thọ ký, nay tôi cũng có pháp ấy tất được thọ ký.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu ác ma hoặc người bị ma sai hiện hình Phật đến thọ ký quả Thanh Văn, Bích Chi Phật cho đại Bồ Tát nầy.

 Đại Bồ Tát nầy liền tự nghĩ rằng đây là ác ma hoặc người bị ác ma sai hiện hình Phật đến làm như vậy. Vì chư Phật chẳng bao giờ bảo Bồ Tát xa lìa Vô thượng Bồ đề để an trụ bực Thanh Văn, Bích Chi Phật.

 Do những hạnh, loại, tướng mạo như trên mà gọi là bực đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Ác ma hiện thân Phật đến chỗ Bồ Tát mà bảo rằng: Kinh sách của Ngài học chẳng phải của Phật nói, cũng chẳng phải của Thanh Văn nói, đó là của ma nói.

 Đại Bồ Tát nầy liền tự nghĩ biết là ác ma hiện ra bảo tôi xa rời Vô thượng Bồ đề.

 Nầy Tu Bồ Đề! Phải biết đại Bồ Tát nầy đã được chư Phật quá khứ thọ ký cho, đã ở bậc bất thối chuyển.

 Tại sao vậy? Vì chư đại Bồ Tát có bao nhiêu hạnh, loại, tướng mạo bất thối chuyển thì đại Bồ Tát nầy cũng có đủ những hạnh, loại, tướng mạo ấy. Đây gọi là bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát nầy vì hộ trì chánh pháp mà chẳng tiếc thân mạng huống là những vật khác. Lúc hộ trì Phật pháp, đại Bồ Tát nghĩ rằng chẳng phải vì hộ trì chánh pháp của một đức Phật mà vì hộ trì chánh pháp của thập phương tam thế tất cả chư Phật nên chẳng tiếc thân mạng.

 Nầy Tu Bồ Đề! Như lời Phật đã dạy: Tất cả pháp chơn không.

 Lúc có kẻ ngu si phá hoại, chẳng lời của Phật mà tuyên nói rằng đó là phi pháp, là chẳng lành, chẳng phải lời dạy của Phật.

 Nầy Tu Bồ Đề! Vì hộ trì pháp chơn không như vậy mà đại Bồ Tát chẳng tiếc thân mạng.

 Đại Bồ Tát cũng tự nghĩ rằng tôi cũng ở trong số chư Phật vị lai, đã thọ ký trong số đó, pháp chơn không ấy cũng là pháp của tôi. Tôi vì hộ pháp ấy mà chẳng tiếc thân mạng.

 Nầy Tu Bồ Đề! Vì thấy sự lợi ích quan hệ như vậy nên đại Bồ Tát chẳng tiếc thân mạng để hộ trì.

 Do những hạnh, loại, tướng mạo ấy mà biết là tướng của bậc bất thối chuyển .

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nghe đức Phật huyết pháp, đại Bồ Tát chẳng nghi hối, nghe xong ghi nhớ, thọ trì, trọn chẳng quên mất. Tại sao vậy, vì đại Bồ Tát đã được đà la ni.

 - Bạch đức Thế Tôn! Được đà la ni gì mà khi nghe đức Phật thuyết các kinh pháp lại chẳng quên mất?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vì Bồ Tát được văn trì đà la ni nên chẳng quên mất các kinh pháp của đức Phật đã dạy và chẳng nghi hối.

 - Bạch đức Thế Tôn! Chỉ chẳng quên, chẳng nghi kinh pháp của đức Phật dạy, còn Thanh Văn, Bích Chi Phật, Thiên Long, Bát Bộ nói có được chẳng quên, chẳng nghi chăng?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Tất cả lời nói về các sự việc, Bồ Tát được đà la ni nầy đều chẳng quên, chẳng nghi.

 Nầy Tu Bồ Đề! Những hạnh, loại, tướng mạo như vậy, phải biết đó là bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển”.

 

 PHẨM THÂM ÁO
 THỨ NĂM MƯƠI BẢY

 Lúc ấy Ngài Tu Bồ Đề thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát bất thối chuyển thành tựu đại công đức, thành tựu vô lượng công đức, thành tựu vô biên công đức”.

 Đức Phật phán dạy: “Đúng như vậy. Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát bất thối chuyển thành tựu đại công đức, thành tựu vô lượng công đức, thành tựu vô biên công đức.

 Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát bất thối chuyển được vô lượng vô biên trí huệ, chẳng đồng với hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

 An trụ trong trí huệ ấy, đại Bồ Tát nầy phát sanh bốn trí vô ngại. Vì được bốn trí vô ngại nầy nên tất cả Trời, Người, thế gian không thể cùng tận được”.

 Ngài Tu Bồ Đề thưa: "bạch đức Thế Tôn! đức Phật có thể hằng sa kiếp khen ngợi những hạnh, loại, tướng mạo của đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát bất thối chuyển nầy an trụ trong chỗ thâm áo nào mà lúc thật hành sáu ba la mật được đầy đủ tứ niệm xứ nhẫn đến đầy đủ nhứt thiết chủng trí?”

 - Lành thay, lành thay! Nầy Tu Bồ Đề! Người vì đại Bồ Tát bất thối chuyển mà hỏi chỗ thâm áo đó.

 Nầy Tu Bồ Đề! Chỗ thâm áo đây nghĩa của nó là không, là vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô nhiễm, là ly, là tịch diệt, là như, là pháp tánh, thiệt tế, là Niết Bàn. Những pháp trên đây là nghĩa của thâm áo.

 - Bạch đức Thế Tôn! Chỉ có không, vô tướng, vô tác nhẫn đến Niết Bànthâm áo, còn tất cả pháp là chẳng phải ư?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Tất cả pháp cũng là nghĩa thâm áo cả: sắc cũng thâm áo, thọ, tưởng, hành, thức cũng thâm áo, nhẫn đến ý cũng thâm áo, sắc đến pháp cũng thâm áo, nhãn giới đến ý thức giới cũng thâm áo, Đàn na ba la mật đến Vô thượng Bồ đề cũng thâm áo.

 - Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là sắc nhẫn đến Vô thượng Bồ đề cũng đều thâm áo?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vì sắc như thâm áo nên sắc cũng thâm áo, nhẫn đến vì Vô thượng Bồ đề như thâm áo nên Vô thượng Bồ đề cũng thâm áo.

 - Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là sắc như thâm áo nhẫn đến Vô thượng Bồ đề như thâm áo?

 - Nầy Tu Bồ Đề! sắc như dó chẳng phải sắc chẳng phải rời sắc, nhẫn đến Vô thượng Bồ đề như đó chẳng phải Vô thượng Bồ đề chẳng phải rời Vô thượng Bồ đề.

 - Bạch đức Thế Tôn! Thật là hy hữu. Đức Phật dùng sức phương tiện vi diệu làm cho đại Bồ Tát bất thối chuyển rời sắc xứ Niết Bàn, cũng làm cho rời tất cả pháp xứ Niết Bàn.

 - Đúng như vậy. Nầy Tu Bồ Đề! Đức Phật dùng sức phương tiện vi diệu làm cho đại Bồ Tát bất thối chuyển rời sắc xứ Niết Bàn, cũng làm cho rời tất cả pháp xứ Niết Bàn.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có pháp thâm áo như vậy cùng Bát nhã ba la mật tương ứng, quan sát, tính lường, suy gẫm, nghĩ rằng: Tôi phải thật hành như thế, đúng như lời dạy trong Bát nhã ba la mật, tôi phải học tập như thế, đúng như trong Bát nhã ba la mật đã nói.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát có thể làm, có thể học đúng như lời, quán sát đúng như trong Bát nhã ba la mật, siêng năng tinh tấn đầy thì lúc phát khởi một niệm sẽ được vô lượng vô biên vô số phước đức, siêu việt vô lượng kiếp, gần quả Vô thượng Bồ đề, huống là thường thật hành Bát nhã ba la mật đúng với niệm Vô thượng Bồ đề.

 Ví như người tánh nhiều dâm dục hẹn ước với cô gái xinh đẹp, đến giờ hẹn cô gái vì trở ngại nên không đến được. Ý ngươi thế nào? Nầy Tu Bồ Đề! Chỗ nhớ tưởng của gã đàn ông đó sẽ ở đâu?

 - Bạch đức Thế Tôn! Gã ấy niệm niệm luôn nhớ đến cô gái, mong cô sẽ đến để cùng ngồi, cùng nằm, cùng vui.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Trong một ngày đêm, nơi tâm gã ấy có mấy niệm phát sanh?

 - Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát niệm Bát nhã ba la mật đúng như lời trong Bát nhã ba la mật, thật hành trong klhoảng một niệm sẽ siêu việt số kiếp cũng như số tâm niệm trong một ngày đêm của gã đó.

 Đại Bồ Tát nầy thật hành Bát nhã ba la mật, xa rời những tội Vô thượng Bồ đề.

 Đại Bồ Tát nầy trong một ngày thật hành Bát nhã ba la mật được thiện căn công đức chẳng giảm, công đức đầy cả hằng sa cõi Đại Thiên. Với những công đức kém khác sánh chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, nhẫn đến toán số thí dụ cũng chẳng bằng công đức nầy.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu có người xa rời Bát nhã ba la mậtcúng dường Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp BảoTăng Bảo trong thời gian hằng sa kiếp được phước nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều, được vô lượng vô biên vô số phước.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vẫn không bằng phước đức của đại Bồ Tát ở trong Bát nhã ba la mật hành đúng như lời.

 Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật là đạo chư đại Bồ Tát. Thừa đạo nầy mau được Vô thượng Bồ đề.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu có người xa rời Bát nhã ba la mật, trải qua số kiếp như hằng sa cúng dường các bực Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, Bích Chi Phật và chư Phật. người nầy được phước nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vẫn không bằng phước đức của đại Bồ Tát ở trong Bát nhã ba la mật tu hành đúng như lời.

 Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật nầy thì hơn hẳn bực Thanh Văn, Bích Chi Phật, nhập địa vị Bồ Tát, sẽ được Vô thượng Bồ đề.

 Nầy Tu Bồ Đề! Có người xa rời Bát nhã ba la mật, trong khoảng thời gian hằng sa kiếp tu tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Người nầy được phước nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Phước đức đó vẫn không bằng phước của đại Bồ Tát ở trong Bát nhã ba la mật đúng như lời trong một ngày bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.

 Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật là mẹ của chư đại Bồ Tát, hay sanh thành chư đại Bồ Tát. Vì chư đại Bồ Tát an trụ trong Bát nhã ba la mật thì đầy đủ được tất cả Phật pháp vậy.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát xa rời Bát nhã ba la mật, trong khoảng hắng sa kiếp làm việc pháp thí. Người nầy được phước nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Được rất nhiều.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vẫn không bằng phước pháp thí trong một ngày của người ở trong Bát nhã ba la mật thật hành đúng như lời.

 Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy chẳng xa rời Bát nhã ba la mật thì chẳng xa rời nhứt thiết chủng trí, chẳng xa rời nhứt thiết chủng trí thì chẳng xa rời Bát nhã ba la mật.

 Thế nên đại Bồ Tát muốn được Vô thượng Bồ đề thì chẳng xa rời Bát nhã ba la mật.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu có đại Bồ Tát xa rời Bát nhã ba la mậttu hành tứ niệm xứ đến nhứt thiết chủng trí trải qua hằng sa kiếp người nầy được phước nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vẫn không bằng một ngày tu tập tứ niệm xứ đến nhứt thiết chủng trí của người ở trong Bát nhã ba la mật thật hành đúng như lời.

 Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát chẳng xa rời Bát nhã ba la mật thì không bao giờ thối chuyển nhứt thiết chủng trí. Còn xa rời thì có thể thối chuyển.

 Thế nên, Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành chẳng nên xa rời Bát nhã ba la mật.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát xa rời Bát nhã ba la mật, trải hằng sa kiếp thật hành tài thí, pháp thíthiền định, rồi đem công đức hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Người nầy được phước nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vẫn không bằng phước một ngày tài thí, pháp thí, thiền định, hồi hướng Vô thượng Bồ đề của thiện nam, thiện nữ ở trong Bát nhã ba la mật thật hành đúng như lời.

 Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật hồi hướnghồi hướng đệ nhứt. Nếu rời Bát nhã ba la mật hồi hướng thì chẳng gọi là hồi hướng. Thế nên muốn được Vô thượng Bồ đề, đại Bồ Tát phải học Bát nhã ba la mật hồi hướng.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát xa rời Bát nhã ba la mật, trải hằng sa kiếp hòa hiệp, tùy hỉ thiện căn của tam thế chư Phật và của hàng đệ tử Phật rồi hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Người nầy được phước nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nhiều không bằng phước một ngày tùy hỉ thiện căn, hồi hướng Vô thượng Bồ đề của thiện nam, thiện nữ ở trong Bát nhã ba la mật thật hành đúng như lời.

 Thế nên muốn được Vô thượng Bồ đề, đại Bồ Tát phải học phương tiện trong Bát nhã ba la mật hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

 - Bạch đức Thế Tôn! Cứ theo lời đức Phật đã phán dạy thì các pháp do nhơn duyên khởi tác đều từ vọng tưởng sanh ra, chẳng phải chơn thiệt, thế sao thiện nam, thiện nữ lại được phước đức lớn?

 Bạch đức Thế Tôn! Vì là pháp nhơn duyên khởi tác thì chẳng nên được chánh kiến nhập pháp vị, chẳng nên được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến chẳng nên được Vô thượng Bồ đề.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Vì là pháp nhơn duyên khởi tác thì chẳng nên được chánh kiến, nhập pháp vị, nhẫn đến chẳng nên được Vô thượng Bồ đề.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật biết pháp nhơn duyên khởi tác cũng không, chẳng kiên cố, hư dối chẳng thiệt. Vì đại Bồ Tát nầy khéo học nội không nhẫn đến khéo vô pháp hữu pháp không. An trụ trong mười tám pháp không nầy, đại Bồ Tát quán sát pháp khởi tác không, bèn chẳng xa rời Bát nhã ba la mật, lần lần được vô lượng vô biên vô số phước đức.

 - Bạch đức Thế Tôn! Vô số cùng vô lượng với vô biên có gì khác nhau?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vô số là nói chẳng ở trong số những pháp hữu vi hoặc vô vi. Vô lượng là nói chẳng lường được hoặc là quá khứ hoặc là vị lai hoặc là hiện tại. Vô biên là nói các pháp không thể được bờ mé.

 - Bạch đức Thế Tôn! Vả có sắc, thọ, tưởng, hành, thức nào cũng vô số vô lượng vô biên chăng?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Có nhơn duyên mà sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vô số vô lượng vô biên.

 - Bạch đức Thế Tôn! Do nhơn duyên gì mà sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vô số vô lượng vô biên?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vì sắc không, vì thọ, tưởng, hành, thức không nên cùng chúng sanh vô lượng vô biên.

 - Bạch đức Thế Tôn! Chỉ sắc không, chỉ thọ, tưởng, hành, thức không mà chẳng phải tất cả pháp đều không cả ư?


 - Nầy Tu Bồ Đề! Phật thường nói tất cả pháp không ư?

 - Bạch đức Thế Tôn! Đức Phật thường phán dạy tất cả pháp không.

 Bạch đức Thế Tôn! Các pháp không thì tức là vô tận vô số vô lượng vô biên.

 Bạch đức Thế Tôn! Trong không đó, số chẳng thể được, lượng chẳng thể được, biên chẳng thể được. Thế nên vô tận vô số vô lượng vô biên nghĩa không khác nhau.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Những pháp ấy nghĩa chẳng khác biết nhau.

 Nầy Tu Bồ Đề! Pháp ấy chẳng nói được. Đức Phật dùng sức phương tiệnphân biệt tuyên nói, đó là vô tận, vô số, vô lượng, vô biên, vô trước, không, vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô diệt, vô nhiễm, Niết Bàn. Dùng sức phương tiệnđức Phật phân biệt tuyên nói.

 - Bạch đức Thế Tôn! Thật là hỉ hữu. các pháp thiệt tướng chẳng nói được mà đức Phật dùng sức phương tiện tuyên nói.

 Cứ theo chỗ tôi hiều nghĩa của đức Phật dạy thì tất cả pháp cũng chẳng nói được.

 - Đúng như vậy. Nầy Tu Bồ Đề! Tất cả pháp chẳng nói được. Tướng chẳng nói được của tất cả pháp tức là không. Tướng không đó chẳng nói được.

 - Bạch đức Thế Tôn! Nghĩa chẳng nói được có tăng, có giảm chăng?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nghĩa chẳng nói được chẳng tăng, chẳng giảm.

 - Bạch đức Thế Tôn! Nếu nghĩa chẳng nói được đó chẳng tăng chẳng giảm thì Đàn ba la mật cũng chẳng tăng giảm, nhẫn đến mười tám pháp bất cộng cũng chẳng tăng giảm.

 Bạch đức Thế Tôn! Nếu sáu ba la mật nhẫn đến pháp bất cộng chẳng tăng tại sao đại Bồ Tát lại được Vô thượng Bồ đề?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Nghĩa chẳng nói được đó chẳng tăng, chẳng giảm.

 Đại Bồ Tát lúc tu tập Bát nhã ba la mật, vì có sức phương tiện nên chẳng nghĩ rằng tôi làm tăng Bát nhã ba la mật nhẫn đến tăng Đàn na ba la mật, mà quan niệm rằng chỉ vì danh tự mà gọi là Đàn na ba la mật thôi.

 Đại Bồ Tát lúc thật hành Đàn na ba la mật, tâm và thiện căn hồi hướng đúng như tướng của Vô thượng Bồ đề, nhẫn đến lúc thật hành Bát nhã ba la mật, tâm và hồi hướng đúng như tướng của Vô thượng Bồ đề.

 - Bạch đức Thế Tôn! Những gì là Vô thượng Bồ đề?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Tất cả pháp như tướng, đây gọi là Vô thượng Bồ đề.

 - Bạch đức Thế Tôn! Những gì là tất cả pháp như tướng gọi là Vô thượng Bồ đề?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Sắc như tướng, thọ, tưởng, hành, thức như tướng, nhẫn đến Niết Bàn như tướng là Vô thượng Bồ đề. Tướng như ấy cũng chẳng tăng, chẳng giảm.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát chẳng rời Bát nhã ba la mật thường quán sát pháp như ấy chẳng thấy có tăng, có giảm. Thế nên nghĩa bất khả thuyết không tăng giảm, Đàn na ba la mật nhẫn đến pháp bất cộng cũng không tăng giảm. Đại Bồ Tát do vì pháp bất tăng giảm nầy ứng với hạnh Bát nhã ba la mật.

 - Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát dùng sơ tâm được Vô thượng Bồ đề hay là dùng hậu tâm được Vô thượng Bồ đề?

 Bạch đức Thế Tôn! Sơ tâm ấy chẳng đến hậu tâm, còn hậu tâm kia chẳng ở tại sơ tâm. Tâm và tâm sở chẳng cùng chung như vậy thì làm sao thiện căn lại tăng ích. Nếu thiện căn chẳng tăng thì sao lại được Vô thượng Bồ đề?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vì người mà Phật sẽ dùng ví dụ. Người có trí được ví dụ thì dễ hiểu được nghĩa.

 Nầy Tu Bồ Đề! Như thắp đèn, là dùng ngọn lửa ban đầu để đốt cháy tim đèn hay là dùng ngọn lửa lúc sau?

 - Bạch đức Thế Tôn! Chẳng phải ngọn lửa ban đầu cháy tim đèn, cũng chẳng phải rời ngọn lửa ban đầu. Chẳng phải ngọn lửa lúc sau cháy tim đèn, cũng chẳng phải rời ngọn lửa lúc sau.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Tim đèn ấy có bị đốt cháy không?

 - Bạch đức Thế Tôn! Tim đèn ấy thiệt bị đốt cháy.

 - Cũng vậy, nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát chẳng dùng sơ tâm được Vô thượng Bồ đề, cũng chẳng rời sơ tâm được Vô thượng Bồ đề, chẳng dùng hậu tâm hậu tâm cũng chẳng rời hậu tâm được Vô thượng Bồ đề mà thiệt được Vô thượng Bồ đề.

 Nầy Tu Bồ Đề! Trong đại Bồ Tát từ sơ phát tâm thật hành Bát nhã ba la mật đầy đủ thập địa, được Vô thượng Bồ đề.

 - Bạch đức Thế Tôn! Những gì là thập địađại Bồ Tát đầy đủ rồi được Vô thượng Bồ đề?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát đầy đủ Càn Huệ địa, Tánh địa, Bát Nhơn địa, Kiến địa, Bạc địa, Ly Dục địa, Dĩ Tác địa, Bích Chi Phật địa, Bồ Tát địaPhật địa. Đầy đủ những địa đó rồi đại Bồ Tát được Vô thượng Bồ đề.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát học đủ mười địa đó rồi, chẳng phải sơ tâm cũng chẳng rời sơ tâm, chẳng phải hậu tâm cũng chẳng rời hậu tâm được Vô thượng Bồ đề mà thiệt được Vô thượng Bồ đề.

 - Bạch đức Thế Tôn! Pháp nhơn duyên ấy rất sâu: chẳng phải sơ tâm cũng chẳng rời sơ tâm, chẳng phải hậu tâm cũng chẳng rời hậu tâm được Vô thượng Bồ đề, mà đại Bồ Tát được Vô thượng Bồ đề.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nếu tâm đã diệt, tâm ấy có sanh trở lại chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Tâm sanh có phải là tướng diệt chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Là tướng diệt.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Tâm tướng diệt đó, tâm là diệt chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Cũng trụ như vậy chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Cũng trụ như vậy, như như trụ.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Tâm đó như như trụ sẽ chứng thiệt tế chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Như thế có phải là rất sâu chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! thiệt là rất sâu.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Chỉ tâm như vậy thôi ư?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Rời tâm như vậy ư?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát có thể hành như vậy có phải hành sâu Bát nhã ba la mật chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Đó là hành sâu Bát nhã ba la mật.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát hành như vậy, đó là hành chỗ nào?

 - Bạch đức Thế Tôn! Đó là hành mà không có chỗ hành được. Vì đại Bồ Tát nếu hành Bát nhã ba la mật thì trụ trong các pháp như, không có quan niệm như thế: không chỗ quan niệm, không ai quan niệm.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát hành như vậy, đó là hành chỗ nào?

 - Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy hành chỗ như vầy: hành trong đệ nhứt nghĩa, vì không có tướng sai biệt vậy.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát hành trong đệ nhứt vô niệm, đó là tướng hành ư?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát ấy có hoại các tướng chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Thế nào là không hoại các tướng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy hành Bát nhã ba la mật chẳng quan niệm tôi sẽ hoại các pháp tướng. Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật mà chưa đầy đủ mười trí lực, bốn vô úy, bốn trí vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp bất cộng thì chẳng được Vô thượng Bồ đề.

 Bạch đức Thế Tôn! Do vì sức phương tiện nên đại Bồ Tát đối với các pháp cũng chẳng nắm lấy tướng, cũng chẳng phá hoại tướng.

 Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát rõ biết tất cả pháp tự tướng không.

 An trụ trong tự tướng không, đại Bồ Tátchúng sanh mà nhập ba tam muội. Dùng ba tam muội đó để thành tựu chúng sanh.

 Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát nhập ba tam muội thành tựu chúng sanh như thế nào?

 - Nầy Tu Bồ Đề! An trụ trong ba tam muội, đại Bồ Tát thấy chúng sanh đi trong pháp tạo tác, bèn dùng sức phương tiện dạy cho họ được vô tác. Thấy chúng sanh đi trong ngã tướng, bèn dùng sức phương tiện dạy cho họ đi trong không. thấy chúng sanh đi trong tất cả tướng, bèn dùng sức phương tiện dạy chọ đi trong vô tướng.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đó là đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật ba tam muội rồi dùng ba tam muội để thành tựu chúng sanh”.

 

 PHẨM MỘNG HÀNH
 THỨ NĂM MƯƠI TÁM

 Lúc đó Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Nếu đại Bồ Tát lúc chiêm bao nhập ba tam muội: không, vô tướngvô tác tam muội, chừng có lợi ích nơi Bát nhã ba la mật chăng?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nếu lúc ban ngày, đại Bồ Tát nhập ba tam muộilợi ích nơi Bát nhã ba la mật thì ban đên trong chiêm bao cũng sẽ có lợi ích. Tại sao vậy? Vì ngày, đêm chiêm bao đồng nhau không khác.

 Thưa ngài Xá Lợi Phất! Nếu bna ngày đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mậtlợi ích Bát nhã ba la mật thì trong chiêm bao, hành Bát nhã ba la mật cũng phải có lợi ích”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Trong chiêm bao, đại Bồ Tát hành động tác nghiệp, những nghiệp đó có hợp thành chăng? Cứ như lời đức Phật dạy thì tất cả pháp như chiêm bao, vì thế chẳng nên có hợp thành. Tại sao vậy? Vì trong chiêm bao không có pháp hợp thành, lúc thức nhớ tưởng, phân biệt mới nên có hợp thành”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nếu người trong chiêm bao giết chết chúng sanh, khi thức dậy nghĩ nhớ, phân biệt hành động đó: tôi giết như thế được lắm!

 Thưa ngài Xá Lợi Phất! Sự việc đó như thế nào?”

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Không có cảnh duyên thì nghiệp chẳng sanh, không có cảnh duyên thì tư chẳng sanh. Có duyên thì nghiệp sanh, có duyên thì tư sanh.

 Tâm phát sanh ở trong kiến văn, giác tri, chớ tâm chẳng sanh từ nơi chẳng có kiến văn, giác tri.

 Trong đây có tâm tịnh, có cấu. Thế nên vì có cảnh duyên mà nghiệp sanh, nghiệp chẳng sanh nơi không có duyên. Vì có cảnh duyên mà tư sanh, tư chẳng sanh nơi không có duyên”.

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Như lời đức Phật nói: Tất cả nghiệp, tất cả tư đều là tự tướng ly, sao lại bảo rằng vì có duyên nên nghiệp sanh, không duên thì nghiệp chẳng sanh. Vì có duyên nên tư sanh, không duyên thì tư sanh chẳng sanh?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Vì nắm lấy tướng nên có duyên thì nghiệp sanh, không duyên thì chẳng sanh. Vì nắm lấy tướng nên có duyên thì tư sanh, không duyên thì chẳng sanh”.

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Nếu đại Bồ Tát trong chiêm bao bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, đem thiện căn phước đức nầy hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Đây có phải là thiệt hồi hướng chăng?”

 Ngài Tu Bồ Đề! Nói: “Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Hiện đây có Di Lăc Bồ Tát đã được đức Phật thọ ký bất thối chuyển, sẽ thành Phật, Ngài nên hỏi Di Lặc Bồ Tát sẽ giải đáp”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Di Lặc Bồ Tát: “Thưa Ngài Tu Bồ Đề vừa bảo rằng hiện đây có Di Lặc Bồ Tát đã được đức Phật thọ ký bực bất thối chuyển, sẽ thành Phật. Ngài Di Lặc Bồ Tát sẽ giải đáp”.

 Di Lặc Bồ Tát bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Sẽ dùng danh từ Di Lặc để đáp chăng? Hoặc là sắc, thọ, tưởng, hành, thức để đáp chăng? Hoặc dùng sắc, thọ, tưởng, hành, thức không để đáp chăng?

 Sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể đáp được. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không chẳng thể đáp được. Tôi chẳng thấy pháp ấy có thể đáp được, cũng chẳng thấy ai hay đáp được. Tôi chẳng thấy người ấy được thọ ký, cũng chẳng thấy pháp có thể thọ ký, chẳng thấy nơi chỗ thọ ký.

 Tất cả các pháp ấy đều không hai, không khác”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Như lời của Ngài nói đó, là được pháp tác chứng chăng?”

 Ngài Di Lặc Bồ Tát nói: “Như pháp của tôi nói đó, như vậy chẳng chứng”.

 Lúc đó Ngài Xá Lợi Phất nghĩ rằng: Di Lặc Bồ Táttrí huệ sâu xa, từ lâu đã thật hành sáu ba la mật, vì dùng vô sở đắc nên hay nói như vậy.

 Bấy giờ đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Ngươi dùng pháp ấy được A La Hán, ngươi có thấy pháp ấy chăng?”

 Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Chẳng thấy”.

 Đức Phật dạy: “Nầy Xá Lợi Phất Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật cũng như vậy, chẳng nghĩ rằng pháp ấy sẽ được thọ ký, pháp ấy đã được thọ ký, pháp ấy sẽ được Vô thượng Bồ đề.

 Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật chẳng nghi ngờ rằng tôi được hay chẳng được mà tự biết mình thiệt được Vô thượng Bồ đề.

 Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Có đại Bồ Tát lúc hành bố thí ba la mật, hoặc thầy chúng sanh đói rét, y phục rách rưới, phát nguyện rằng: Trong thời gian tôi hành bố thí ba la mật đó, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi không có sự đói rét như vậy. Những đồ dùng, đồ uống ăn, y phục, như cõi Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự tại.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ bố thí ba la mật, gần kề Vô thượng Bồ đề.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành trì giới ba la mật, đại Bồ Tát thấy chúng sanh sát sanh, trộm cướp nhẫn đến tà kiến, bị chết yểu, nhiều bịnh, xấu tướng, thiếu oai đức, nghèo hèn, tàn tật, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành Trì giới ba la mật đây, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi không có nghiệp ác và báo xấu như vậy.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ Trì giới ba la mật, gần kề Vô thượng Bồ đề.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành Nhẫn nhục ba la mật, đại Bồ Tát thấy chúng sanh giận thù, mắng nhiếc, đánh đập, tàn sát lẫn nhau, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành Nhẫn nhục ba la mật đây, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi không có những sự đó, tất cả đều xem nhau như cha, như mẹ, như anh chị em, như thiện tri thức, đều có lòng từ bi.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ Nhẫn nhục ba la mật, gần kề Vô thượng Bồ đề.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc thật hành Tinh tấn ba la mật, đại Bồ Tát thấy chúng sanh lười biếng, chẳng siêng tu pháp lành, rời bả ba thừa Thanh Văn, Bích Chi Phật, Phật thừ, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành Tinh tấn ba la mật, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi không có sự như vậy, tất cả đều siêng tu tinh tất, đều được đắc độ nơi pháp Tam thừa.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy có thể đầy đủ Tinh tấn ba la mật, gần kề Vô thượng Bồ đề.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành Thiền ba la mật, đại Bồ Tát thấy chúng sanh bị ngũ cái che trùm: dâm dục, ngủ nghỉ, điệu hối, nghi ngờ, mất thiền, mất định, mất vô lượng tâm, phái phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi tu Thiền ba la mật, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi đều không có sự như vậy.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy có thể đầy đủ Thiền ba la mật, gần kề Vô thượng Bồ đề.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát thấy chúng sanh ngu si, mất chánh kiến thế gian, xuất thế gian hoặc cho rằng không nghiệp, không nhơn duyên nghiệp, hoặc cho rằng thân là thường còn, hoặc cho rằng đoạn diệt, hoặc nói là vô sở hữu, phải phát nguyện rằng: Theo tời gian tôi hành Bát nhã ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi không có sự như vậy.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ Bát nhã ba la mật, gần kề Vô thượng Bồ đề.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành sáu ba la mật, đại Bồ Tát thấy chúng sanh antrụ nơi ba tụ: một là chánh định tụ, hai là tà định tụ, ba là bất định tụ, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành lục ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật. chúng sanh trong cõi nước tôi không có tà định tụ, cũng không có danh từ tà tụ.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần kề nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc thật hành sáu ba la mật, đại Bồ Tát thấy chúng sanh Địa ngục, Ngạ quỷSúc sanh, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, trong cõi nước tôi không có ba ác đạo, cũng không có danh từ ba ác đạo.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần kề nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành sáu ba la mật, đại Bồ Tát thấy mặt đất gai chông, hầm hố, gò mương rãnh nhơ uế, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi không có như vậy, mặt đất bằng phẳng như bàn tay.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành tư như vậy có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần kề nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành sáu ba la mật, đại Bồ Tát thấy cõi nầy thuần đất, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi toàn vàng ròng làm cát trải khắp.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần kề nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành sáu ba la mật, đại Bồ Tát thấy chúng sanh luyến trước, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi không có luyến trước như vậy.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần kề nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc thật hành sáu ba la mật, đại Bồ Tát thấy bốn giai cấp trong chúng sanh: Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Tỳ Xá, Thủ Đà La, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, trong cõi nước tôi không có danh từ bốn giai cấp.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần Vô thượng Bồ đề.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành sáu ba la mật, đại Bồ Tát thấy chúng sanh có những hạng hạm trung, thượng, có nhà hạ, trung, thượng, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi không có ưu liệt như vậy.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanhthân hình dị biệt, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi không có thân hình biệt dị nhau, tất cả đều xinh đẹp, đoan trang, sạch sẽ, đầy đủ tướng mạo.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanh có chúa có tôi, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi không có danh từ chúa tôi, cũng không có hình tượng dị biệt, chỉ trừ đức Phật Pháp vương.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy, thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanh chia ra sáu loài khác nhau, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi không có sáu loài, cũng không có danh từ sáu loài: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Nhơn loại, Chư Thần, chư Thiên, tất cả chúng sanh trong nước tôi đều đồng tu hành tứ niệm xứ đến bát thánh đạo.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanhbốn loài: noãn, thai, thấp và hóa sanh, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, trong cõi nước tôi tất cả chúng sanh chỉ có hóa sanh mà không ba thứ sanh kia.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanh không có ngũ thần thông, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước tôi đều được ngũ thần thông.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanh đại tiểu tiện ô uế, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước tôi đều dùng pháp hỉ làm sự ăn, trọn không có đại tiểu tiện ô uế.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanh không có quang minh, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu Ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước tôi thân thể đều có ánh sáng.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy có thời tiết giờ ngày, tháng, năm, phải phát nguyện rằng: Lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi không co danh từ giờ, ngày, tháng, năm.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanh yếu mạng, phải phát nguyện rằng: Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước tôi đều sống lâu vô lượng kiếp.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanh không có tướng hảo, phải phát nguyện rằng: Lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi đều đầy đủ ba mươi hai tướng hảo.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanh rời lìa thiện căn, phải phát nguyện rằng: Lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi đều thành tựu thiện căn, do phước đức ấy mà có thể cúng dường chư Phật mười phương.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanhba độc, bốn định, phải phát nguyện rằng: Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước tôi không có bốn bịnh hàn, nhiệt, phong, đàm, không có ba độc tham, sân, si.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, thấy chúng sanhba thừa, phải phát nguyện rằng: Lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi không có danh tự hai thừa, chỉ có thuần một thừa.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành sáu ba la mật, thấy chúng sanhtăng thượng mạn, phải phát nguyện rằng: Lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi không có danh từ tăng thượng mạn.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, nghĩ quang minh, thọ mạng của tôi hữu lượng số tăng thêm hữu hạn, phải phát nguyện rằng: Lúc tôi thành Phật, quang minh, thọ mạng vô lượng số tăng thêm vô hạn.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc hành sáu ba la mật, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi hành sáu ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi hằng sa quốc độ của chư Phật.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành sáu ba la mật, đại Bồ Tát nên nghĩ rằng dầu đường sanh tử dài, chúng sanh tánh nhiều, nhưng bờ sanh tử như hư không, bờ chúng sanh tánh cũng như hư không. Trong đó thiệt không có sanh tử qua lại, cũng không có ai giải thoát.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tu hành như vậy thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhứt thiết chủng trí.
Tạo bài viết
25/02/2015(Xem: 10045)
25/02/2015(Xem: 18283)
18/10/2010(Xem: 50107)
07/05/2018(Xem: 9817)
07/09/2011(Xem: 59986)
10/05/2010(Xem: 328233)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: