KINH PHÁP CÚ TÂY TẠNG
Tôn giả Pháp Cứu (Dharmatrāta) tuyển soạn
Nguyên Giác dịch và ghi nhận
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation
Phẩm 27
CÁI THẤY
_____________________________________
Ghi nhận: Bài kệ số 6 nói rằng những người không nhận ra chân lý vô ngã (không có tôi, không có cái của tôi) sẽ nhầm rằng nhân loại là tự sanh ra, hoặc do một đấng nào sanh ra. Các bài kệ 10-13 nói rằng người khổ hạnh và người tham dục đều là hai cực đoan sẽ sinh tử luân hồi mãi, vì đều là chấp có thân (để khổ hạnh, hoặc để tham dục); người thấy vô ngã sẽ xa hai cực đoan đó, vì không thấy có thân nào cần để tra tấn, và không thấy có thân nào cần cho hưởng lạc. Có thể nhìn thế này: người tham dục là nhiều tâm tham, người khổ hạnh khắt khe là dạng khác của tâm sân, trong khi người trí (lìa tâm si) sẽ thấy hai cực đoan kia là 2 dạng của tâm tham và tâm sân; cả hai dạng này đều tự chạy theo chính họ.
Hai bài kệ 14 và 15 nói lên như Kinh Kim Cương, rằng ai xem thân và thế giới như bọt nước, như ảo ảnh sẽ giải thoát.
Đức Phật nói bài kệ 26 là khi một vị tỳ khưu trở lại đời thường (tượng trưng cho rừng tham dục).
Bài kệ 27 nói lên hình ảnh người phụ nữ áo trắng không tội lỗi với tứ chi đẹp đẽ là nói về giải thoát.
Bài kệ 33 nói về “thấy cái được thấy” là nhận ra cảnh qua mắt, nhưng “thấy cái không được thấy” là nhận ra cái lý vô ngã từ những cái được thấy, theo chú giải của Sparham.
Bài kệ 34-37 nói về cái thấy của mắt là cái được thấy, tức là hình thể, là sắc (form), nhưng cái thấy của mắt tuệ là “thấy cái không được thấy” – tức là “thấy cái vô tướng” (sees not form). Nghĩa là sắc tức thị không, không tức thị sắc. Pháp ấn vô ngã nhận ra từ mắt tuệ, không phải từ mắt thường.
1 (252) Dễ thấy lỗi người khác, hơn thấy lỗi của mình; dễ thấy lỗi người vì như sàng trấu trong gạo, trong khi lỗi mình khó thấy ra. Cũng như người cờ gian bạc lận, chỉ ra con xúc xắc của đối thủ và giấu con xúc xắc của mình, gây chú ý tới lỗi người khác, cứ liên tục nghĩ chuyện moi lỗi người; người như thế sẽ xa rời việc thấy chánh pháp, và càng tăng sầu khổ.
2 (244) Sống dễ dãi là kẻ huênh hoang, trộm cắp, trơ tráo, theo bản năng xấu như một con quạ, sống đầy tội lỗi và không biết xấu hổ.
3 (245) Sống gian nan là người luôn luôn tìm tới thanh tịnh, người này sống tự chế, trong sạch, biết đủ, không say mê.
4 (174) Thế giới này trong bóng tối; chỉ vài người có mắt tuệ, họ như chim thoát khỏi lưới, lên vui nơi cõi trời.
5 Người ngu bị trói trong thân, như quấn người trong bóng đêm; họ thèm tài sản thế gian và mọi thứ tương tự.
6 Có người nghĩ rằng họ tự sanh ra, có người nghĩ họ do đấng nào đó sanh ra; người tin thật những điều không thật sẽ không thế thấy gì; cũng không thấy rằng họ không đồng thuận về điểm này, họ không thể thấy sầu khổ. (ý nói: ai nghĩ rằng chúng sanh do tự sanh hay do tha sanh đều không nhận ra lý vô ngã).
7 Người ưa mê đắm cảm giác không thấy rằng khổ đau họ gặp sau này là do chính họ tự gây ra; họ cũng không hiểu người khác khi thọ khổ cũng do tự người khác tương tự gây ra.
8 Những người sống ích kỷ, ưa thói ích kỷ, bị giam trong vòng ích kỷ, cũng như những người có quan kiến tranh cãi (62 dị kiến) sẽ không thoát nổi sinh tử luân hồi.
9 Hãy biết rằng những kiếp quá khứ mình đã trải qua, và những kiếp tương lai mình sẽ tới, đều quấn phủ trong tội lỗi; tất cả đều sẽ suy diệt.
10 Có những người thực tập giới hạnh, giữ hành vi tốt, sống đời thánh hạnh; và cũng có những người cực đoan, tự sống khổ hạnh.
11 Và có một cực đoan khác, họ nói tham dục là thanh tịnh, nói người tham dục là người đạo đức, nói tham dục là để vui sướng, nói tham dục không có gì tội lỗi. Những người đó sẽ bị tham dục cuốn trôi. Những người ở hai cực đoan đó (khổ hạnh, tham dục) đều thường xuyên đi ra nhà mồ (luân hồi).
12 Hai cực đoan đó đều không thấy nguyên nhân khổ; trong khi người đầy tham dục, người lại chạy lòng vòng hoang mang. Những người có thể thấy rõ, sẽ nhận ra những người đó đầy lòng tham, và về cách họ chạy lòng vòng.
13 Người có thể thấy sẽ nhận ra rằng nếu 2 nhóm người cực đoan kia có thể thấy, thì họ sẽ rời bỏ tham và ngưng chạy lòng vòng (theo chính họ); từ đó họ sẽ hết tham, và thấy không cần chạy lòng vòng (tự khổ hạnh). Những người không làm và không nghĩ như hai cực đoan đó sẽ không bị trói buộc, và sẽ đoạn tận sầu khổ.
14 (170) Ai nhìn thế giới này như bọt nước, xem thế giới này như ảo ảnh, sẽ không bị Thần Chết nhìn thấy.
15 Ai nhìn thân mình như bọt nước, xem thân mình như ảo ảnh, sẽ không bị Thần Chết nhìn thấy.
16 (171) Hãy luôn nhìn thân này như xe vua lộng lẫy; kẻ ngu say đắm thân này, người trí chẳng mê đắm chi.
17 Hãy luôn nhìn thân này như xe vua lộng lẫy; kẻ ngu bị nó lừa gạt, người trí không bị gạt lừa.
18 Hãy luôn nhìn thân này như xe vua lộng lẫy; kẻ ngu bị nó kéo xuống thấp, như voi già bị lún dưới bùn.
19 Hãy luôn nhìn thân này như bệnh và sẽ tan hoại, và như một người bị thương, đang biến đổi và vô thường.
20 Hãy nhìn thân này, trang sức với ngọc quý, dây chuyền và bông tai, như là bệnh và sẽ tan hoại, đang biến đổi và vô thường.
21 Kẻ ngu lo làm đẹp các lọn tóc, tô màu quanh mắt, và không lo tìm tới thế giới khác.
22 Kẻ ngu lấy màu sơn lên thân thể, lấy ngọc quý phủ lên tấm thân tan hoại này, và không lo tìm tới thế giới khác.
23 Kẻ ngu lấy nước hoa xoa vào thân, sơn màu son lên bàn chân, và không lo tìm tới thế giới khác.
24 Người sống tận lực cho tham dục, và người không thấy tội lỗi trong tận lực đó, sẽ không thể với tận lực tham như thế mà vượt qua được dòng sông lớn và vô tận.
25 Người khởi sự xa lìa tham dục, và tận cùng buông bỏ hết, người nhìn thấy không “tôi” hay “của tôi” sẽ vượt qua dòng sinh tử luân hồi, và sẽ không còn tái sinh nữa.
26 (344) Người đã tự mình rời khỏi rừng (tham dục), sống không cần rừng, rồi chạy lại về rừng, cho dù đã tự đưa mình giải thoát; hãy nhìn người đàn ông tội nghiệp kia, đã rời bỏ tự do để về với trói buộc.
27 Hãy nhìn người phụ nữ không tội lỗi kia, với tứ chi dịu dàng, như cỗ xe khéo làm tận cả các căm xe, hãy nhìn cô đó trong trang phục trắng. Ngươi hãy tự mình ra khỏi dòng sông trói buộc.
28 (188) Loài người sợ hoảng hốt, tìm nhiều chỗ quy y, hoặc rừng rậm, núi non, hoặc vườn cây, đền tháp.
29 (189) Quy y ấy không ổn, không quy y tối thượng. Quy y các chỗ ấy, không thoát mọi khổ đau.
30 (190) Ai quy y Đức Phật, Chánh pháp và chư tăng, ai dùng chánh tri kiến, thấy được bốn Thánh đế.
31 (191) Thấy khổ và khổ tập, thấy sự khổ vượt qua, thấy đường Thánh tám ngành, đưa đến khổ não tận.
32 (192) Thật quy y an ổn, thật quy y tối thượng, có quy y như vậy, mới thoát mọi khổ đau.
33 Người nhận ra những gì mắt thấy, cũng có thể nhận ra những gì mắt không thể thấy; người không nhận ra cái không được thấy sẽ không nhận ra những gì người này nên thấy; mắt thường và mắt tuệ trong bản chất dị biệt như ngày và đêm, không bao giờ xảy ra cùng lúc.
34 Với mắt thường, sẽ không thể nhận ra bằng mắt tuệ; nếu thấy [với tuệ nhãn], người này sẽ mất cái được thấy về sắc; với cái thấy của mắt tuệ, người này nhận ra cái vô tướng; với mắt thường, sẽ không nhận ra cái gì hết.
35 Người không thấy gì, sẽ chỉ thấy sắc thôi; người thực sự thấy, sẽ thấy cái vô tướng (sees not form); như thế, người nào thấy vô tướng sẽ tự giải thoát ra khỏi cái thấy bình thường (tức là, được pháp nhãn).
36 Người thấy không khổ, sẽ xem xét như có ngã; nhưng người nhận ra khổ, thì sẽ nhận ra cái vô tướng.
37 Trong bóng đêm của liên tục tái sinh, người nào không nhận ra sầu khổ của các uẩn, là người chỉ có mắt thường, và không nhận ra cách để chấm dứt của sắc.
Hết Phẩm 27, về Cái Thấy