Thư Viện Hoa Sen

Chương 9 Pháp Thân

20/05/201012:00 SA(Xem: 9738)
Chương 9 Pháp Thân

THẮNG MAN GIẢNG LUẬN
Śrīmālā-siṃhanāda-sūtra-vyākhyā
Tuệ Sỹ dịch và giảng

 

CHƯƠNG IX:
PHÁP THÂN

1. NHƯ LAI THƯỜNG HAY VÔ THƯỜNG

Đập vỡ vỏ trứng vô minh, để thấu triệt căn nguyên thế giới, thấu suốt tất cả biên tế tối sơ và tối hậu của sinh tử, bấy giờ Như Lai tạng không còn bao phủ trong vô số phiền não ô nhiễm, và Thánh thaiBồ tát nuôi lớn trong suốt quá trình tu dưỡng của mình đến đây đã được hiển lộ. Đó là sự xuất hiện của Pháp thân, bản thân của chân lý.

Thắng Man phu nhân nói: 

«Bạch Thế Tôn, do thành tựu Phật pháp bất tư nghị vượt quá số cát sông Hằng, vốn không ly, không thoát, không dị biệt, do thế mà nói Pháp thân Như Lai

Ca ngợi những phẩm tính siêu việt của Như Lai; ca ngợi trí tuệ vô biên, Phật pháp vô biên, cảnh giới bất khả tư nghị nơi đức Phật; đối với một người phàm phu, tất cả giống như một người nghèo ngồi tính những bảo vật vô giá đang được cất giữ trong hoàng cung. Tính toán, hay tưởng tượng, nhiều lắm thì cũng chỉ thỏa mãn sự hiếu kỳ hay thèm khát nhất thời mà thôi. Nhưng nếu người nghèo đó biết rằng bản thân là một hoàng thái tử đang lỡ vận. Thế thì sự tính toán không đơn giản chỉ là những tưởng tượng hiếu kỳ. Sự tính toán ấy có thể làm cho một ngày nào đó giang sơn phải thay ngôi đổi chủ. Cũng thế, ca ngợi Pháp thân Như Lai đối với những vị đã phát bồ-đề tâm là nói lên những ước nguyện không cùng tận của mình.

Thế nhưng, các chúng Thanh văn ít khi ca ngợi Phật, và nếu có thì cũng tán thán vùa phải. Đức Thích Tôn, đối với các chúng Thanh văn, trước sau như nhất vẫn chỉ là một con người sinh ra với tất cả hệ lụy và khổ đau, sợ hãi, như tất cả những con người khác. Nhưng, đó là một con người phi thường. Một người đã chiến thắng khổ đau.

Thế rồi, cho đến một lúc, đức Thích Tôn cũng phải chết. Ngài sẽ đi vào thế giới vĩnh cửu của hư vô, hay đi vào một thế giới tịch diệt vô ngôn nào đó? Đối với các vị Đại Thanh văn, đó không phải là những thắc mắc gay cấn. Vì đó là quy luật.»[239] Tuy vậy, đối với các đệ tử chưa chứng Thánh quả, sự vắng bóng vĩnh viễn của đức Thích Tôn cũng như sự vắng bóng của người cha già thân yêu đối với đàn con trẻ dại. Điều đó không phải không để lại trong lòng những ấn tượng tiếc thương vô hạn. Trong tâm tư phàm tục, thương yêu và gần gũi là hai ý niệm không thể tách rời. Cho nên, mặc dù Phật đã từng nhắc nhở «Pháp và Luật mà Ta đã giảng dạy và thiết chế, sau khi Ta diệt độ, sẽ là Đạo sư của các ngươi»[240] các Phật tử Đại thừa tuy cách Phật khá xa về sau vẫn không nguôi với hoài vọng về hình ảnh đấng Đạo sư tôn quý. Những lời dạy của Ngài, những pháp môn tu tập mà Ngài để lại, vẫn còn rực sáng trong tâm họ, nhưng đồng thời chính bản thân của Ngài cũng từ trong những lời dạy ấy cũng phải trở nên sáng ngờibất diệt

Vậy thì, «có thật sự đức Phật vĩnh viễn biến mất sau khi nhập Niết-bàn?»[241] Câu hỏi được gặp rất nhiều lần trong kinh điển nguyên thủy, nhưng Phật không hề trả lời dứt khoát. Các chúng đệ tử cũng bằng lòng với sự im lặng đó.

Cho nên, Thuần-đà trong kinh Niết-bàn nguyên thủy hài lòng với công đức bố thí của mình, nhưng Thuần-đà xuất hiện trong kinh Niết-bàn Đại thừa, trước biến cố trọng đại đã dám thách thức trí tuệ của Bồ tát Văn-thù: 

«Thưa ngài Văn-thù, ngài biết mà nói thế, hay không biết mà nói thế, rằng Như Lai cũng đồng với các hành vô thường? Như Lai là bậc Chí tôn… diệt trừ phiền não… chiến thắng Ma quân… thành tựu vô lượng công đức chân thật… sao lại có tuổi thọ ngắn thế?… Cho nên, không thể nói Như Lai cũng đồng với hết thảy các hành.»[242] 

Khi biết chắc sau bữa cúng dường cuối cùng của mình, đức Phật sẽ nhập Niết-bàn, Thuần-đà bỗng nhiên tự thấy hoang mang, im lặng; rồi cất cao tiếng khóc, kêu gào: «Khổ thay, khổ thay! Thế gian này trống rỗng!» Đức Phật giảng giải: «Các hành là vô thường, là pháp sinh diệt. Sau khi sinh, chúng diệt. Sự vắng lặng của chúng là an lạc.»[243]

Tất cả những ai suy tư trong giới hạn con người đều có thể hiểu tâm trạng Thuần-đà lúc bấy giờ.

Một cách thực tế, ý nghĩa Niết-bàn là thế nào? 

Pháp hoa nói: «Vì mục đích dắt dẫn chúng sinh mà Ta thị hiện Niết-bàn địa. Ta nói đó là phương tiện. Thật sự Ta không hề biến mất trong thời gian này. Ta vẫn ở đây thuyết pháp.»[244]

Ý tưởng về một Phật thân biến hóa như vậy không phải là điều xa lạ trong kinh điển nguyên thủy. Phật có lần nói với A-nan: Ngài đã nhiều lần xuất hiện trong các hội chúng sát-đế-lị, bà-la-môn, cho đến chư thiên Đao-lị, chư thiên trên cõi Phạm thiên. Ngài xuất hiện với dung sắc, với y phục, với cử chỉ tập quán y như họ. Trong khi Ngài thuyết pháp, họ không biết Ngài là ai, từ đâu đến. Sau khi thuyết pháp xong, Ngài biến mất; họ cũng không biết Ngài là ai, biến mất đi đâu.[245]

 Dù sao, đối với một vị Đại Thanh văn, thấy Phật hay không thấy Phật, không phải là điều quan trọng. Quan trọng chính là có hiểu và có thấy được pháp hay không.[246] Nhưng đối với một vị Bồ tát sơ phát tâm, ước vọng được gặp mặt đấng mà mình tôn sùng, kính ngưỡng là nguồn khích lệ vô cùng cần thiết

2. TÍN TÂMPHẬT TÍNH

Chúng ta nói, Bồ tát khởi đầu sự nghiệp với chí hướng cao xa, với thệ nguyện không cùng tận. Nhưng chúng ta cũng nên biết rằng Bồ tát bắt đầu phát khởi tâm nguyện Bồ-đề với tâm tư rất thân và rất gần gũi với người thường. Cho nên, Thắng Man phu nhân khi vừa nghe nói về Phật, vừa sinh lòng kính ngưỡng thì ước vọng đầu tiên của Bà là muốn được chiêm ngưỡng tôn nhan của Phật. Mặc dù kinh Kim cang có nói: Những ai thấy Phật qua dung sắc; nghe Phật qua âm thanh; những người ấy đi theo con đường tà vạy, không thấy Phật.[247] Nhưng, cái mầu nhiệm đầu tiên ngay sau khi Bà vừa mới biết đến Phật chính là hóa thân Phật với ánh sáng rạng ngời. Tất nhiên điều đó có thể hiểu một cách hình ảnh, mà cũng có thể hiểu cụ thể. Đó là sắc thân mầu nhiệm, thuần khiết, siêu việt thế gian; không phải chỉ «đãy da hôi thối» chứa đầy những hữu lậu, ô nhiễm bất tịnh. Đó là sắc thân mầu nhiệm xuất sinh từ kho tàng trí tuệ vô biên, là nguồn lưu chuyển thường hằng của Pháp tính thường trụ.

Những điều mà Thắng Man phu nhân ca ngợi về sắc thân mầu nhiệmtrí thân siêu việt của Phật không phải là những điều khoa đại. Chúng cũng đơn giản như khi người ta ca tụng vầng trán cao rộng của một nhà thông thái, đôi mắt rực sáng tinh anh của một nguời đầy nghị lực.

Từ tâm tình ngưỡng mộ rất người thường ấy, Thắng Man phu nhân phát Bồ-đề tâm, lập Bồ tát nguyện, bước thẳng lên con đường Bồ tát hành. Sự kiện diễn ra rất đơn giản, nhưng quá trình chuyển đổi tâm tính, từ phong cách tư duy của một chúng sinh phàm phu cho đến tâm nguyện bao la hoằng vĩ của Bồ tát, quá trình chuyển đổi ấy diễn ra không đơn giản. Dù cho ngay sau khi Phu nhân vừa mới phát Bồ-đề tâm Phật thọ ký liền rằng Bà sẽ thành Phật

Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng theo sự tính toán của các nhà luận giải Đại thừa, thì thời gian đó đã trải dài thành hai vô số kiếp. Thời gian dài hay ngắn tùy theo tâm lượng, nhưng con số cũng cần thiết để hình dung những đức tính cao vời, và những công hạnh hoằng vĩ mà Bồ tát đã thành tựu. Từ khi phát Bồ-đề tâm, cho đến khi tin chắc rằng «Ta là con đích thực của Như Lai, kẻ thừa tự gia nghiệp của Như Lai», cần phải một vô số kiếp. Thời gian không đủ dài thì tâm tư chưa đủ chín, và công đức tích lũy không nhiều. Bấy giờ Bồ tát vào Sơ địa, với một niềm hoan hỷ vô biên. Con đường vô lậu của bậc Thánh bấy giờ mới thực sự được thấy rõ là đang trải dài ra trước mắt

Từ đó Bồ tát tích cực tu tập, tích lũy công hạnh từ thực hành các ba-la-mật, các nhiếp pháp, cho được thành tựu trọn vẹn. Trải qua một số kiếp nữa, bấy giờ Bồ tát mới thôi hết dao động giữa sinh tử và Niết-bàn; hết nhìn thấy nỗi khổ trầm luânthỉnh thoảng sợ hãi, có khi cảm thấy chán nãn, bất lực, muốn chứng nhập Niết-bàn cho nhanh chóng. Bằng ý sinh thân, chịu chìm nỗi với chúng sinh trong đại dương sinh tử khốn nạn, nhưng không hề sợ hãi, không hề có ý tưởng thoát ly, thủ chứng Niết-bàn để yên nghĩ. 

Đó là Bồ tát vào Bất động địa. Phật bảo Thắng Man: 

«Bằng vào các thiện căn ấy, trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp con sẽ là Tư tại vương ở giữa chư thiênnhân loại.»[248] 

Vận dụng công hạnh một cách thong dong. Thọ sinh một cách tự tại. Và chính từ địa vị này trở lên, Bồ tát mới thực sự nhìn thấy Pháp thân Phật; nói theo mô tả của Hoa nghiêm:[249] nhận biết được mười thân của Phật. 

Từ đây trở đi, còn một vô số kiếp nữa thì thành Phật

Trọn cả con đường thời gian thăm thẳm ấy được bắt đầu từ một cái nhìn, một cái thấy. Từ đó khơi lòng kính yêu vô hạn. Từ kính yêu, tâm tư mở rộng cho tin và hiểu. Phật bảo Thắng Man phu nhân

«Nếu đệ tử của Ta là hạng tùy tín tăng thượng, sau khi y vào minh tín, bằng tùy thuận pháp tríđạt đến cứu cánh

Phật chỉ cho Thắng Man bằng cách nào, bằng tâm tư nào, để có thể thể hiện tâm tình nguyện vọng của Bồ tát

Trước hết, căn vào tín tâm. Vì, tín tăng thượng, nghĩa là tâm có ưu thế hơn hết. Đây cũng là chỗ khác biệt với các chúng Thanh văn.[250] Trong hàng Thanh văn có vị không có trí tuệ nhạy bén nên chỉ y trên tín tâm, nghe và tin những điều được Phật giảng giải, rồi cứ theo đó mà tu tập cho đến khi thấy được Thánh đế. Nhưng cũng có vị do trí tuệ nhạy bén, sau khi nghe, đủ khả năng tự mình quán sát, phân tích, rồi theo đó mà tu tập để thấy được Thánh đế

Những vị tu tập Bồ tát đạo không phải tất cả đều không có trí tuệ nhạy bén. Trái lại, trí tuệ còn là yếu tố chủ đạo trong sự phát triển Bồ tát đạo. Nhưng vì các giáo pháp như Chân như, Thật tính, Tính không, Như Lai tạng, không thể chỉ hiểu và chấp nhận bằng tư duylý luận suông mà được. Do đó, để có thể hiểu và thâm nhập các giáo lý này, nhân cách Phật và Bồ tát, nói chung là năng lực gia trì hay hộ trì, thật vô cùng cần thiết. Vì vậy, Đại trí độ nói biển Phật pháp mênh mông nhưng có thể thâm nhập bằng tín. Hoa nghiêm[251] cũng nói: «Tín là căn nguyên của đạo, là mẹ của công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ lưới nghi, đưa vượt qua dòng nước ái dục, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết-bàn.»

Ở Thắng Man, để tu tập những giáo lý được thuyết giảng trong đó, tín tâm cũng rất cần thiết. Vì, như lời Thắng Man phu nhân nói: 

«Bạch Thế Tôn… Tự tính thanh tịnh mà có ô nhiễm, thật là khó thấu triệt. Duy chỉ Phật Thế Tôn, là con mắt của sự thật, là trí tuệ chân thật, là căn bản của Pháp, là bậc thấy suốt Pháp, là nơi nương tựa của Chánh pháp, mới có thể thấy và biết như thực.»

3. TỰ TÍNH THANH TỊNH

Sư kiện thật khó hiểu, vì Như Lai tạng vốn là tính thanh tịnh nhưng làm sao để có thể bị quấn chặt trong các lớp vỏ phiền não, vô minh. Đối với phàm phu, để có thể chấp nhận điều đó, rồi nỗ lực tu hành cho tới khi phá vỡ vỏ trứng mà tự mình chui ra ngoài, khởi đầu chỉ có thể dựa vào tín tâm mà thôi. Tin vào lời nói của đấng mà mình tôn thờ, kính ngưỡng. Thắng Man nói: 

«Nếu đối với Như Lai tạng đang bị bọc kín trong vỏ phiền não mà không nghi hoặc, thì đối với Pháp thân vốn siêu xuất vô lượng phiền não tạng cũng không nghi hoặc

Tin rằng Pháp thân hiện hữu, tức là tin rằng Như Lai tính hay Phật tính cũng thường hằng hiện hữu trong mỗi chúng sinh. Nếu không tin được như thế thì không thể phát Bồ-đề tâm, không có ý hướng mong cầu thành Phật. Như vậy, Bồ tát đạo không có ý nghĩa gì cả.

Ở đây, Như Lai tạng chỉ có thể được nhận thức, được xác tín là hiện hữu, bằng vào Không trí, là tuệt quán chiếu Không tính nơi hết thảy các pháp. Bằng trí tuệ quán chiếu này, tuy nói Như Lai tạng bị bọc kín trong vỏ phiền não, nhưng phiền não vốn không có tự tính, không thực hữu. Nhận thức về sự hiện hữu của Như Lai tạng trong trường hợp này được gọi là Như Lai tạng không trí, tức nhận thức về Không tính nơi tự thể Như Lai tạng.

Nếu phân tích tâm thể, thì tâm vốn không tương ưng với phiền não. Tâm là dòng chảy liên tục, lưu chuyển từ đời này sang đời khác. Tự thể của tâm sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, trong từng sát-na tiếp nối không gián đoạn. Cũng như như một đốm lửa được quay rất nhanh sẽ tạo thành một vòng lửa liên tục và khép kín. Vòng lửa chỉ là ảo ảnh ngoại hiện, không có tự thể. Cũng vậy, tâm thể sinh diệt trong từng sát-na, dòng tương tục của tâm chỉ tồn tại do phân biệt vọng tưởng. Chỉ có dòng tương tục của tâm được nhận thức là có bị nhiễm ô bởi phiền não, nhưng tự thể của tâm là Không tính, do đó không hề chịu ảnh hưởng tác động gì của phiền não ô nhiễm. Phiền não như vậy được gọi một cách rất hình tượng là «khách trần», hạt bụt trên đường đời, người lữ khách đến rồi đi trong thoáng chốc. 

Thắng Man nói: 

«Như Lai tạng với tự tính thanh tịnh này tuy bị bẩn bởi phiền não khách trầnphiền não hiện khởi, nhưng vẫn là cảnh giới bất tư nghị của Như Lai. Vì sao? Thiện tâm trong từng sát-na không hề bị ô nhiễm bởi phiền não. Bất thiện tâm trong từng sát-na cũng không hề ô nhiễm bởi phiền não. Phiền não không xúc tâm. Tâm không xúc phiền não. Vậy, đâu có thể pháp không xúc lại có thể nhiễm ô tâm được.»

Như Lai tạng, một mặt là Không, và mặt khác là Bất không. Đó là mặt tích cực của Như Lai tạng, dung chứa và làm xuất sinh vô lượng phẩm tính, «vô lượng Phật pháp, vượt qua số cát sông Hằng, vốn không ly, không thoát, không dị biệt, bất tư nghị.» Trong đó bao hàm ý niệm tiền tếhậu tế, là biên tế vô tận của thời gian quá khứbiên tế suốt vô cùng tận vị lai. Trong quá khứ, Như Lai tạng mặc dù là với tự tính thanh tịnh nhưng bị quấn chặt bởi phiền não, không thể nhận ra được. Tự tính ở đây hàm ý nghĩa bản hữu, chỉ cho yếu tính vốn có sẵn. Như Lai tạng lúc bấy giờ được ví như hạt minh châu vô giá bị vùi trong hầm xí. Tuy có lấy lên được, nhưng những uế tạp bao ngoài chưa được trừ bỏ, thì ánh sáng của minh châu vẫn chưa thể tỏa sáng. Nó cũng giống như viên ngọc Phác trên núi, mà thợ ngọc tầm thường chỉ nhìn thấy nó là viên đá chứ không gì khác. Cho đến khi một thợ ngọc có con mắt tinh vi nhận ra giá trị của nó, đem về dâng nạp cho vua. Nhưng vì chưa được mài gọt, với con mắt dung tục, đó chỉ là viên đá tầm thường mà thôi. Người thợ dâng ngọc bị chặt chân vì tội dối gạt vua. Phải đợi đến khi có người thợ ngọc khéo léo mang đi mài gọt, lúc bấy giờ viên ngọc mới bộc lộ tất cả giá trị tuyệt vời của nó. Cũng vậy, sau khi được nhận biết, và sau quá trình tu tập, Như Lai tạng trở nên thuần tịnh, lúc bấy giờ Như Lai tạng cần dược nhận thức bằng Bất không. Đó là một tự thể vừa được phát hiện như là mới, gọi là thủy hữu. Nhưng cũng không phải là mới, vì tất cả vốn được tàng ẩn trong tự tính từ tiền tế.

Như Lai tạng như vậy là pháp giới tạng. Vì hàm chứa tất cả mầm giống hiện hữu của pháp giới, là phôi thai sẽ nảy sinh thành vô số pháp giới. Nếu thế giới này được nhận thức như là tồn tại vô nghĩa; dòng tương tục của sự hữu tiếp nối sinh diệt không mục đích; ấy là do bởi mầm giống của pháp giới chân thực còn đang bị vùi, như hạt gạo còn bị bọc trong vỏ trấu, chưa được chà xát, cho nên không thể trở thành thức ăn tối thượng vi diệu được.

Như Lai tạng cũng là Pháp thân tạng, vì đó là kho tàng chân lý. Vì chính từ nơi đó mà tất cả ý nghĩagiá trị của tồn tại được tìm thấy; và vì đó là thai bào đang cưu mang vị Chuyển luân pháp vương, sau này sẽ vận chuyển bánh xe chân lý, chinh phục những vương quốc chí thiện, là thực tế để vô lượng chúng sinh sống trong quốc độ bình an và phước lạc.

4. TÍN VÀ HÀNH

Cũng như một người đàn bà nghèo hèn sống trong một túp lều tồi tàn xiêu vẹo, trên một vùng đất cằn cỗi chỉ thích hợp cho sỏi đá và gai góc; nếu không thể tin được rằng chính ngay bên dưới nền nhà của vùng đất hoang này là một kho tàng bảo vật vô giá, thì sẽ không bao giờ cố công đào xới để khai quật kho tàng. Cũng vậy, Thắng Man phu nhân nói: 

«Bạch Thế Tôn, nếu khôngNhư Lai tạng thì không thể có sự nhàm chán khổ lạc mà mong cầu Niết-bàn. Vì sao? Đối với sáu thức và tâm pháp trí, bảy pháp này không đình trụ trong từng sát-na, không gieo trồng các khổ, cho nên không thể nhàm chán khổ mà mong cầu Niết-bàn.»

Nhận thức về sự tồn tại bản hữu của Như Lai tạngđộng lực chính cho nỗ lực mong cầu giải thoát. Cũng như người đàn bà nghèo khốn kia, nếu luôn sống với ý tưởng rằng «Định mệnh của ta là như vậy», không hề nhận biết khả năng cải thiện đời sống của mình, không tin tưởng kho tàng vô giá ngay trong lòng đất của mình, thì suốt đời sẽ sống như vậy, bằng lòng với số phận nghèo hèn như vậy. 

Để có thể khai quật thành công, cần phải nhận định phương hướng chính xác, và ước lượng bề dày của các tầng đất. Ở đây, Phật chỉ cho Thắng Man phu nhân năm sự quán sát thiện xảo: «quán sát căn thi thiết và cảnh giới ý giải; quán sát nghiệp báo; quán sát giấc ngủ của A-la-hán; quán sát sự an lạc của tâm tự tại và sự an lạc của thiền; quán sát thánh tự tại thông của A-la-hán, Bích-chi-Phật và Đại lực Bồ tát

Năm sự quán sát này là năm giai đoạn diệt trừ chín nhóm phiền não, tương ứng với chín thí dụ về Như Lai tạng được nêu lên trong Vô thượng y và được hệ thống hóa bởi Phật tính luận.

5. CHÍN THÍ DỤ VỀ NHƯ LAI TẠNG

Chín nhóm «khách trần phiền não» được hệ thống hóa bởi Phật tính luận tương ứng với chín thí dụ của Như Lai tạng kinh như sau: 

1. Hoá Phật ngự trên hoa héo,[252] thí dụ tương ứng với phiền não tham dục,[253] cũng nói là tham sử[254] phiền não. Trong thí dụ này, hoa sen đang nở rộ và thơm ngát, bỗng nhiên héo úa và hôi thối. Nhưng hóa Phật xuất hiện ngự trên hoa sen vẫn thanh tịnh ngời sáng, không thay đổi. Tham dục phiền não như hoa sen. Khi nở, thì hương sắc rất khả ái. Nhưng khi héo uá thì rất đang nhàm tởm. Tham dục, với công năng mang lại một chút hạnh phúc, rồi đau khổ, và một chút hạnh phúc khác rồi đau khổ tiếp, đã bao phủ không để cho Pháp thân được hiển lộ.

Pháp thânlý tính chân thật, là thể đồng nhất của ta và thế giới. Lý tính đó từ trước bị các phiền não che lấp như mặt gương bị đóng bụi. Nhưng phiền não không có bản chất chân thật. Chúng là những đóa hoa của ảo ảnh xuất hiện trong hư không che phủ cặp mắt không cho nhìn thấy sự thực của thế giới. Tính chất của các phiền não ô nhiễm như vậy là tinh không, hay không nghĩa. Như Lai tạng khi còn bị che phủ bởi các phiền não thì được gọi là Không Như Lai tạng. Đó là Như Lai tạng xét về mặt nhiễm. Nhưng vì bản chất các phiền não vốn không cho nên Như Lai tạng trong ý nghĩa bị che lấp ấy được gọi là Không Như Lai tạng. Về mặt tịnh, nó được gọi là Bất không Như Lai tạng, cũng chỉ cho Pháp thân. Hoạt động hay tác dụng của các phiền não ô nhiễm là những tác dụng bất thực, những đau khổ vô biên do chúng chỉ là những đau khổ của một người nằm mộng. Trái lại, hoạt dụng của Pháp thân là những tác dụng thực tiễn. An lạc đạt được với Pháp thân là nguồn an lạc cụ thể do chứng nghiệm bốn Thánh đế vô tác. Như vậy, với Thắng Man, đau khổ là những ảo ảnh không thực chất, chỉ có an lạc mới là sự thật tuyệt đối.

2. Đàn ong và tổ ong mật,[255] thí dụ tương ứng sân phiền não hay sân sử phiền não. Như đàn ong mật bu quanh tổ ong. Bên trong tổ ong là khối mật ngạt ngào. Muốn lấy được tổ mật ong thì trước phải diệt trừ đàn ong bu quanh.

3. Võ trấu và hạt gạo,[256] tương ứng si phiền não hay vô minh hoặc, bao phủ Như Lai tạng như vỏ trấu bao bọc hạt gạo quý. Cần phải chà xát kỹ, bỏ đi vỏ trấu để có được hạt gạo thơm ngon.

Ba loại phiền não này có mặt trong tất cả chúng sinh phàm phu. Với những chúng sinh tuy còn bị chi phối bởi chúng nhưng do sự phát triển của thiền và định, làm tăng trưởng hạt nhân gọi là nghiệp bất động,[257] sẽ từ Dục giới tái sinh vào các cõi Sắc và Vô sắc giới bên trên. Nếu tu tập phát triển giới, định, tuệ cho đến khi thành tựu xuất thế gian vô phân biệt trí,[258] thì bằng trí này mà diệt trừ chúng. Đó là quá trình tu tập bằng quán sát nghiệp báodiệt trừ ba độc tố tham, sân, si, làm hiển lộ một phần Như Lai tạng.

4. Thỏi vàng trong hầm xí.[259]Thượng tâm phiền não,[260] bao gồm ba độc tố vừa kể nhưng ở mức độ độc hại hơn, tồn tại trong dòng tương tục của chúng sinh hoàn toàn bị tác động bởi những khát vọng thuộc Dục giới, chịu sự lôi cuốn của nghiệp báo thiện và bất thiện tội và phước, để sinh và chết trong phạm vi dục giới. Loại phiền não này cần được đối trị bằng các phương pháp tu như quán bất tịnh chẳng hạn. Đây là quá trình tu tập bằng cách quán sát tính chấthoạt động của căn, cảnh, và những yếu tố chức năng tâm lý. Nói rộng ra, quán sát mười tám giới.

Trường hợp này được ví dụ với thoi vàng bị rơi vào hầm xí.

5. Kho báu trong nhà nghèo.[261] Vô minh trụ địa, yếu tố duy trì sinh tử biến dịch. Là vi tế phiền não còn tàn dư nơi A-la-hán, khiến tạo các nghiệp vô lậu, dẫn đến quả báoý sinh thân. Thí dụ ở đây là kho báu trong nhà của một người nghèo khó. Cũng như các hàng Nhò thừa, do bị che lấp bởi vô minh trụ địa nên không thấy khả năng thành tựu Phật quả của mình, chấp nhận một cách vô tri bốn loại sinh tử. Đây là trường hợp quán sát Niết-bàn của A-la-hán. Khi thành tựu Bồ-đề trí của Như Lai, bằng kim cang dụ địnhvô minh trụ địa bị đoạn trừ.

6. Mầm giống và hột xoài.[262] Kiến đế hoặc, các phiền não gần với nhóm kiến sở đoạn hoặc được nói đến trong Câu-xá.[263] Nhóm này được ví với hột của quả yêm-la.[264] Hột của quả yêm-la khi nảy mầm, nó làm vỡ lớp vỏ ngoài, để hạt nhân bên trong lộ ra. Phàm phu đã qua quá trình tu tập, mà trong Thanh văn thừa, cho đến lúc bắt đầu bước vào Thánh đạo vô lậu, thấy cái chưa hề thấy từ trước. Đây là nhóm phiền não mà khi diệt trừ chúng thì Bồ tát bước vào Sơ địa, vượt ngoài tam giới.

7. Bảo vật bọc trong giẻ rách.[265] Tư duy hoặc phiền não, hay nhóm phiền não thuộc tu sở đoạn hoặc.[266] Ví dụ ở đây là bảo vật được bọc kín trong tấm vải xấu. Đây là nhóm phiền nãoBồ tát tu tập viên mãn sáu ba-la-mật để đối trị sau khi đã nhập Sơ địa, tiếp tục phát triển nhận thức về Chân như cho đến địa thứ sáu. Tức loại phiền não còn tàn dư nơi Bồ tát từ Sơ địa cho đến Thất địa.

8. Người đàn bà xấu xí mang thai vua.[267] Bất tịnh địa hoặc, là những phiền não thuộc sở tri chướng từ địa thứ bảy trở xuống. Ví dụ như người đàn bà nghèo hèn và xấu xí nhưng lại đang mang thai một vị Chuyển luân vương tương lai. Thánh thaiBồ tát gieo phôi cho đến nay đã thành hình, nhưng vẫn còn nguy hiểm dọa trụ thai. Nghĩa là, nhóm phiền não chi phối từ phàm phu cho Bồ tát địa thứ bảy, nếu để cho tự do phát triển, thì Bồ tát vẫn là phàm ngu chúng sinh. Nếu đọan trừ hết, Bồ tát sẽ nhập Niết-bàn, bỏ rơi sinh tử, không còn cơ duyên thành Phật

Cả ba nhóm phiền não chi phối từ Bồ tát địa thứ bảy xuống đến phàm phu thấp kém nhất tồn tại trong giai đoạn được nói là quán sát sự an lạc của tâm tự tại và sự an lạc của thiền. Vì đấy là giai đoạn Bồ tát phát triển tăng thượng giới, tăng thượng tâmtăng thượng tuệ. Tức càng lúc càng đạt được trình độ cao của tâm tự tại, và những những lạc thọ phát sinh do chứng được các thiền định, tam muội.

9. Pho tượng trong khuôn đúc.[268] Tịnh địa hoặc, nhóm phiền não còn tàn dư nơi Bồ tát từ địa thứ tám trở lên. Như Lai tạng ở đây được ví dụ như pho tượng vàng đang ở trong khuôn, đã được đúc thành hình, chỉ chờ ngày dở khuôn thì xuất hiện. Vào giai đoạn chót, bằng kim cang tâm, Bồ tát đoạn trừ nhóm phiền não này, chứng thành Phật quả. Như Lai tạng hoàn toàn hiển lộ. Đây là giai đoạn tu tập mà Thắng Man nói là quán sát Thánh tự tại thông của A-la-hán, Bích-chi-Phật và Đại Lực Bồ tát

6. BỐN ĐỨC CỦA PHÁP THÂN

Như Lai tạng bấy giờ hoàn toàn được phôi mở, Pháp thân xuất hiện đồng thời với bốn ba-la-mật: chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh. Thắng Man nói: 

«Chúng sinh điên đảo. Đối với năm thủ uẩn vốn là vô thường mà tưởng là thường; vốn khổ mà tưởng là lạc; vốn vô ngã mà tưởng là ngã; bất tịnh mà tưởng là tịnh. Tịnh trí của hết thảy A-la-hán, Bích-chi-Phật, hoặc có chúng sinh do tin lời Phật, đối với cảnh giới của Nhất thiết tríPháp thân của Như Lai vốn chưa từng được thấy, mà khởi lên ý tưởng về thường, lạc, ngã, tịnh; đấy không phải là kiến chấp điên đảo, cho nên gọi là chính kiến. Vì sao? Pháp thân của Như Lai là thường ba-la-mật, ngã ba-la-mật, tịnh ba-la-mật và lạc ba-la-mật.»[269]

Nghĩa là, chúng sinh do nhận thức sai lầm về bản chất tồn tại, nên y trên năm thủ uẩn này, trên tập hợp thêm tâm giả hợp này, mà tìm cho mình những thứ được vọng tưởng tưởng là vĩnh hằng, là tồn tại một bản ngã hay một linh hồn bất diệt, những lạc thú và những cái được gọi gọi là đẹp. Nhưng bản chất của năm thủ uẩn vốn là ô nhiễm, cho nên những cái săn tìm thực sự là vô thường, khổ, vô ngãbất tịnh. Khi nhìn thấy được bốn dấu ấn này của sự tồn tại, vị Thanh văn trở nên bình thản, tâm tư vắng lặng. Và quyết định vĩnh viễn an trụ trong cõi vắng lặng, tịch nhiên ấy. Nơi các Thanh văn, nhận thức như vậy cũng là điên đảo. Như vậy, có tất cả tám nhận thức điên đảo. Bốn nhận thức thuộc phàm phu chưa hề thấy dấu vết của Thánh đạo. Bốn nhận thức điên đảo khác của các Thánh giả Thanh văn. Siêu việt tất cả tám điên đảo, là nhận thức chân chính về hiện hữu của Pháp thân.

Đau khổảo ảnh. Mà hạnh phúc ước mơ cũng chỉ là ảo ảnh. Cũng như một người trong đêm tối đạp nhằm sợi dây tưởng mình dẫm lên rắn độc mà nổi lên sợ hãi. Đó là đau khổ. Nhưng khi nhìn kỷ lại, thấy rõ đó chỉ là sợi dây. Người ấy có cảm giác thoát nạn, vô cùng mừng rỡ. Thực chất hạnh phúc là thế. Từ ảo ảnh này xoay chuyển thành ảo ảnh khác. Vẫn chỉ một con người ấy, và cũng vẫn chỉ một thực tại ấy. Điên đảochân thật; Như Lai tạngphiền não tạng; một tâm thể duy nhất, thường hằng bất biến. Nhưng người đã đánh mất một cái gì đó rất quý giá, rất cần thiết, để khiến cho không nhận ra đâu là điên đảo, Đâu là chân thật. Người đã mất đi chỗ dựa, mất đi chỗ quy y tối thượng an ổn. Phật nói: «Hãy tự mình là nơi nương tựa của chính mình.» Nhưng con người đâu đã thực sự biết «mình là cái gì?» Nào đã biết «Ta là ai?» Cho nên, vẫn cảm thấy mình bơ vơ, như trẻ nhỏ lạc loài mất mẹ hay mất cha.

Pháp hoa[270] kể chuyện: Một y sĩ đi xa, để lại đàn con thơ dại. Nhưng ông là một y sỹ giỏi. Ông đã hiểu tất cả tâm tư và thể chất của các con mình, nên khi ra đi, đã để lại những phương thuốc cần thiết. Trong khi vắng bóng cha, đàn con không nơi nương tựa; tinh thần sa sút, buồn rầu, bịnh hoạn. Chúng muốn tìm một cái gì đó của người cha để lại, như là kỹ vật làm chỗ dựa cho tình cảm bơ vơ ấy. Chúng tìm thấy các thang thuốc. Chúng hiểu sự hiện diện của người cha, luôn luôn bên cạnh mình, dù nay đang ở một nơi xa xôi nào đó. Chúng uống các thang thuốc. Tinh thần sung mãn, thể lực khôi phục. 

Cũng vậy, làm sao để nhận ra Pháp thân thường trụ; là Như Lai tạng tồn tại ngay trong mỗi chúng sinh; tồn tại như là bào thai che chởnuôi dưỡng cho phôi thai sống còn và phát triển một cách tự nhiên. Thắng Man nói: «Đối với Pháp thân của Phật mà thấy như vậy thì gọi là chính kiến. Ai có chính kiến tức là con chân thật của Phật, từ miệng Phật sinh, từ Chánh pháp sinh, được hóa sinh bởi Pháp, thừa hưởng di sản pháp.»

Phát hiện ra mình là ai có nghĩa là phát hiện ra ta là con của ai; cha mẹ đích thực của ta là ai. Với con trẻ bơ vơ thì sự phát hiện ấy nhất định làm thay đổi định hướng cả một đời người.

[239] Mahāparinibbānasutta, D.ii. tr 157: khi đức Thế Tôn vừa nhập diệt, các tỳ-kheo chưa diệt trừ tham ái thì vật vã khóc lóc; còn các tỳ-kheo đã ly dục thì với chánh niệm, chánh trí, bình thản chấp nhận: anicca vata saṅkhārā, taṃ kutettha labbhā, «Ôi, các hành là vô thường; ở đâu trong đời này có thể tránh?»

[240] Mahāparinibbānasutta, D..ii., tr. 154: Yo vo, Ananda, mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto, so vo mamaccayena satthā.

[241] Câu hỏi định hình theo văn chuẩn Pāli: kiṃ nu kho hoti tathāgato param maraṇā…, «Như Lai có tồn tại sau khi chết?» với bốn trường hợp.

[242] Niết-bàn 2, lược dẫn, Đại 12, tr. 373b-375a.

[243] Pāli: aniccā vata saṅkhārā, uppādavayadhammino, uppajjitvā nirujjhanti, tesaṃ vūpasamo sukho ti. Cf. D.ii.157; S.i. tr. 6, 158.

[244] Saddh., tr. 193.1: nirvāṇabhumiṃ cupadarśayāmi vinayārtha sattvāna vadāmy upāyam/ na cāpi nirvāmy ahu tasmi kāle ihaiva co dharmu prakāśayāmi. Cf. Pháp hoa, Đại 9, tr. 43b16.

[245] Trường «2. Du hành kinh» phần 2; Pāli: Mahāparinibbāna-sutta, D.ii.109.

[246] Vakkali-sutta, S.iii. 119 ff: tỳ-kheo Vakkali bịnh nặng, rất muốn nhìn thấy Phật. Phật xuất hiện, nói với Vakkali: alaṃ Vakkali kiṃ te pūtikāyena diṭṭhena. Yo kho Vakkali dhammaṃ passati so maṃ passati. Yo maṃ passati so dhammaṃ passati, «Ích lợi gì cho ngươi, này Vakkali, với thân hư hoại này của Ta? Ai thấy Pháp, này Vakkali, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp.»

[247] Vajra. tr. 88.22 : Ye maṃ rūpeṇa cadrākṣur ye māṃ ghoṣeṇa cānvaguh/ mithyā­prahā­ṇaprasṛtā na māṃ drakṣyanti te janāḥ.

[248] Daśa, tr. 48.7, Hoa nghiêm (Phật) 26, tr. 566b6; Hoa nghiêm (Thật) 38, tr. 201a6: «Bồ Tát an trụ trong địa này, phần nhiều thọ sinh làm Đại phạm thiên, Thiên chúa của nghìn thế giới, tối thắng tự tại (bhūyastvena Mahābrahmā bhavati sāhasrādhipati, abhibhur…)».

[249] Hoa nghiêm (Phật) 26, TR. 565b17: «Bồ Tát nhận biết chúng sinh thân, quốc độ thân, nghiệp báo thân, Thanh văn thăn, Bích-chi-Phật thân, Bồ Tát thân, Như Lai thân, Trí thân, Pháp thân, hư không thân.» Cf. Hoa nghiêm (Thật) 38, tr. 200a 20. Cf. Daśa, tr. 45.17: sa sattvakāyaṃ ca prajānāti, kṣetrakāyaṃ ca…, karmavipākakāyaṃ… śrāvakakāyaṃ… pratyeka- buddha-kāyaṃ…bodhisattvakāyaṃ…tathāgatakāyaṃ…jñānakayaṃ… dharmakāyaṃ… ākāśa­kāyaṃ…

[250] Câu-xá 23, tr. 122b15: (lược dẫn) «Trong kiến đạo (darśanamārga), có hai hạng Thánh giả: 1. Tuỳ tín hành (śraddhānusārin), những vị có căn tính chậm lụt, do tùy theo tin mà thực hành. 2. Tùy pháp hành (dharmānusārin), những vị có căn tính nhạy bén, trước đó tự mình tìm tòi, nghiên cứu trong các kinh điển, rồi y theo pháp mà tu hành.» Kośa, tr. 354.16.

[251] Hoa nghiêm (Phật) 6, tr. 433a; Hoa nghiêm (Thật) 14, tr. 72b.

[252] Như Lai tạng, Đại 16, tr. 457b, 461b.

[253] Bảo tính luận, Đại 31, tr. 837b20.

[254] Sử, nghĩa là sai sử, một từ khác để chỉ phiền não. 5 lợi sử (nhạy bén): hữu thân kiến (sat-kāya-dṛṣṭi), biên chấp kiến (anta-grāha-dṛṣṭi), tà kiến (mithyā-dṛṣṭi), kiến thủ (dṛṣṭi-parāmarśa), giới cấn thủ (śīla-vrata-parāmarśa). Có 5 độn sử (chậm lụt): tham (rāga), sân (pratigha), si (mùđha), mạn (māna), nghi (vicikitsā).

[255] Đại 16, tr. 462a.

[256] Đại 16, 462b.

[257] Câu-xá 15, Đại 29, tr. 81a.5: «Thuộc về Dục giới, nghiệp thiện được gọi là phước nghiệp (puṇya-karma)…, nghiệp bất thiện được gọi là phi phước (apuṇya). Nghiệp thiện thuộc hai giới trên gọi là bất động (āniñjya).»

[258] Đây chỉ căn bản vô phân biệt trí, hay nói gọn, căn bản trí (mūla-jñāna). Về vô phân biệt trí (nir-vikalpa-jñāna), Nhiếp luận thích (Huyền) 6, tr. 351c29: «Lúc bấy giờ vô phân biệt trí của Bồ Tát khởi lên, đối với sở duyênnăng duyên đều bình đẳng, bình đẳng. Sở duyên ở đây là Chân như. Năng duyênChân tríVô phân biệt trí có ba: gia hành vô phân biệt trí, căn bản vô phân biệt trí và hậu đắc vô phân biệt trí. Về căn bản vô phân biệt trí, Nhiếp luận thích (Huyền) 8, tr. 366a.22: «Vô phân biệt trí như hư không, phổ biến, vô nhiễm, không phải năng phân biệt cũng không phải sở phân biệt

[259] Đại 16, 462b.

[260] Bảo tính luận, tr. 837b: tăng thượng tham sân si kết sử phiền não, chỉ hành các nghiệp phước và phi phước, chỉ dẫn đến quả báoDục giới.

[261] Đại 16, tr. 462c. Niết-bàn 7, Đại 12, tr. 407b12, thí dụ là một người đàn bà nghèo khốn.

[262] Đại 16, tr. 463a.

[263] Xem cht. 150, Ch.vi, tr. 120 đoạn trên.

[264] Yêm-la (Skt. āmra), hoặc amra, amalaphala, amarapuspa, amarapuṣpaka, cũng phiên âm là yêm-ma-la, yêm một la. Chú Duy ma kinh 1 nói: «Yêm-la, trên quả một loại cây. Hình dáng như quả đào, nhưng không phải đào.» Tên khoa học, Mangifera indica, thường gọi là Mango, tức quả xoài. Mochiyuki.

[265] Đại 16, tr. 463b.

[266] Xem cht. 150, Ch. vi, tr. 120 đoạn trên.

[267] Đại 16, tr. 463c.

[268] Đại 16, tr. 464a.

[269] Về ý nghĩa đối trị của bốn ba-la-mật này, Phật tính luận 2, tr. 797a ff: Tu hành bốn nhân, đối trị bốn chướng, thành tựu bốn đức Pháp thân. 1. Tín lạc Đại thừa, đối trị hạng nhất-xiển-đề (icchantika) tức hạng chúng sinh thuộc nhóm tà định chủng tính không bao giờ chấp nhận có Niết-bàn, thành tựu tịnh ba-la-mật (śuci-pāramitā); 2. Tu vô phân biệt bát-nhã, đối trị ngoại đạo chấp ngã (ātmagrāha), thành tựu ngã ba-la-mật (ātma-pāramitā); 3. Phá hư không tam-muội, đối trị tâm trạng sợ sinh tử của Thanh văn muốn chứng Niết-bàn nhanh chóng, thành tựu lạc ba-la-mật (sukha-pāramitā); 4. Tu đại bi của Bồ Tát, đối trị tâm trạng ưa tịch tĩnh cô độc của Bích-chi Phật không quan tâm đến lợi ích của chúng sinh, thành tựu thường ba-la-mật.

[270] «Phẩm 16.Như Lai thọ lượng», Đại 9, tr. 42a ff.

 

 

Tạo bài viết
07/06/2010(Xem: 60557)
09/06/2010(Xem: 33427)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: