C.2- Vị Thánh Hữu Học (Sekkhā).

05/10/201012:00 SA(Xem: 12328)
C.2- Vị Thánh Hữu Học (Sekkhā).

LUẬN GIẢI KINH CĂN BẢN PHÁP MÔN
(Mūlapariyāya Sutta)
Tỳ kheo Chánh Minh

C. LUẬN GIẢI

C.2) Vị Thánh Hữu Học (Sekkhā)

Đức Thế Tôn trình tự chỉ ra 24 điều, phàm phu nhận thức sai lầm dù chỉ một trong 24 điều này, cũng đủ làm sanh khởi ba pháp: kiến, mạn, ái. Tất cả đều xuất phát từ tưởng sai biệt (papañca).

Trong ba pháp kiến, mạn, ái thì thân kiến là một chướng ngại đầu tiên trong hành trình dẫn đến giác ngộ, thân kiến này hình thành từ tưởng sai biệt và được tăng trưởng qua sự chấp trước, gọi là kiến thủ (diṭṭhupādāna).

Nhưng thế nào được gọi là bậc Hữu học? Được gọi là bậc Hữu học là bậc đã thành tựu được Thánh Đạo tám ngành. Nghĩa là trên cơ bản vị ấy thành tựu được tám chi phần đưa đến diệt nghiệp luân hồi, nhưng chưa diệt trọn vẹn. Như vị Thánh Dự Lưu chỉ diệt được nghiệp đưa tái sanh về bốn khổ cảnh, vị Thánh A Na Hàm chỉ diệt tận những nghiệp đưa tái sanh về dục giới.

“Này các Tỷ kheo, có bốn nghiệp này được Ta chứng ngộ với thắng trí tuyên thuyết. Thế nào là bốn?

- Này các Tỷ kheo, có nghiệp đen quả đen....

- Này các Tỷ kheo, có nghiệp trắng quả trắng....

- Này các Tỷ kheo, có nghiệp den trắng ảu đen trắng...

- Này các Tỷ kheo, thế nào là nghiệp không đen trắng quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt?.

Đây là chánh tri kiến... chánh định.

Này các Tỷ kheo, đây là nghiệp không đen trắng quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt.”[1]

Đoạn kinh trên cho thấy: “Vị Hữu học là người chứng ngộ Thánh đạo bằng thắng trí (abhiññāṇa), nhưng là loại thắng trí của bậc này còn phải tu tập để hoàn thiện phận sự rốt ráo là “giải thoát khỏi luân hồi”.

Có một vị Tỷ kheo đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, sau khi ngồi vào nơi hợp lẽ, vị ấy bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, “hữu học, hữu học (sikkhatīti sekkha)”, được gọi như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn là bậc hữu học?”

- Này Tỷ kheo, ở đây tỷ kheo đầy đủ chánh kiến của bậc hữu học... đầy đủ chánh định của bậc hữu học. Cho đến như vậy, tỷ kheo ấy được gọi là bậc hữu học.”[2]

Ở đây, Hữu học là chỉ cho ba bậc Thánh đầu là: Tu Đà Hườn (Sotāpati), Tư Đà Hàm (Sakkāgāmi), A na Hàm (Anāgāmi).

Lại có câu hỏi: “Bậc Thánh Hữu học có thể bị hoại lìa quả vị không?”.

Trong bộ Luận điểm (Kathāvatthu), có vài bộ phái như: Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika), Nhất thiết Hữu bộ (Sartivāda), Độc Tử bộ (Vajjiputtaka), Chánh Lượng bộ (Sammityas) cho rằng “Vị thánh A la Hán có thể bị hoại quả vị”, điều này dẫn đến một hệ quả là “bậc Thánh Hữu học cũng có thể hoại quả vị”. Sở dĩ có luận điểm trên vì các bộ phái này y cứ vào các như sau:

“Này các Tỷ kheo, năm pháp này khiến vị tỷ kheo hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?.

“Ưa sự nghiệp (kammārāmatā), ưa đàm luận (bhassārāmatā), ưa ngủ, ưa có quần chúng (saṅgaṇikārāmato), không quán sát tâm như đã được giải thoát.

Này các Tỷ kheo, năm pháp này khiến tỷ kheo hữu học thối chuyển”[3].

Cũng có năm pháp khác khiến vị tỷ kheo hữu học thối chuyển là:

1- Vị tỷ kheo hữu học có nhiều công việc, có nhiều việc phải làm, khéo léo trong công việc phải làm, từ bỏ độc cư thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ nhất khiến tỷ kheo Hữu học thối chuyển.

2- Vị tỷ kheo hữu học suốt ngày làm những công việc nhỏ nhặt, từ bỏ độc cư thiền tịnh, không có chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ hai khiến vị tỷ kheo hữu học thối chuyển.

3- Vị tỷ kheo hữu học sống liên hệ nhiều với các tại giaxuất gia, hệ lụy với các sự việc tại gia không thích đáng (ananulomikena gihisaṃ saggena), từ bỏ độc cư thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ ba khiến tỷ kheo thối chuyển.

4- Vị tỷ kheo đi vào làng quá sớm, từ giả làng quá muộn, từ bỏ độc cư thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ tư khiến vị Hữu học thối chuyển.

5- Vị tỷ kheo hữu học đối với những câu chuyện nghiêm trang (abhisallekhikā), khai tâm (cetovivaranasappāyā) như các câu chuyện về ít dục, câu chuyện về ti túc, câu chuỵển về viễn ly, câu chuyện về không hội họp (asamsaggakahā), câu chuyện về tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Các câu chuyệ ấy, vị ấy có được có khó khăn, có được có mệt nhọc, có được có phi sức. Vị ấy từ bỏ độc cư thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm định tỉnh. Đây là pháp thứ năm khiến vị tỷ kheo hữu học thối chuyển.[4]

Hay bài kinh:

“Sáu pháp này, này các Tỷ kheo, đưa tỷ kheo hữu học đến thối đọa. Thế nào là sáu?

“Ưa công việc, ưa nói chuyện, ưa ngủ, ưa hội chúng, các căn không phòng hộ, ăn uống không tiết độ”[5]

Thượng Tọa bộ (Theravāda) bác bỏ luận điểm “Vị Thánh A La Hán có thể bị hoại quả vị” bằng cách chất vấn bốn bộ phái trên như sau:

“Vậy vị Thánh Hữu học có thể bị hoại quả vị chăng? Và vị Thánh Hữu học Dự lưu có thể trở thành phàm nhân khi bị hoại quả vị không? Những bộ phái trên thừa nhận các quả vị Hữu học không bị hoại. Nhưng như vậy thì: “Quả hữu học không bị hoại làm sao quả vị A La Hán bị hoại được.”[6]

“Này các Tỷ kheo, thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử là bậc Dự Lưu, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

- Này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với Đức Phật: “Đây là Thế Tôn... đức Phật, Thế Tôn”.

“Đối với Pháp... Đối với Tăng...”

“Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh tán thán... đưa đến thiền định”.

“Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự Lưu không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”[7].

Bốn pháp trên là bốn Dự lưu chi phần, người thành tựu được bốn pháp này là bậc Thánh Dự Lưu, vị ấy không còn bị thối đọa, tức là không bao giờ rơi vào bốn đọa xứ: Địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và A-tu-la.

Suy nghiệm về “hữu học” thì có hai loại hữu học, phàm hữu học và thánh Hữu học. Bậc Hữu học trong kinh Căn bản pháp môn ám chỉ Thánh Hữu học.

Phàm hữu học có thể rơi vào đọa xứ, nhưng thánh Hữu học không thể rơi vào thối đọa.

*

Trở lại kinh Căn Bản Pháp Môn, Kinh văn ghi:

“Này các Tỷ kheo, có vị Tỷ kheo, hữu học, tâm chưa thành tựu (appattamānaso), đang sống cần cầu sự vô thượng an tịnh các triền ách (anuttaraṃ yogakkhemaṃ viharati). Vị ấy biết rõ (abhijānāti) đất là đất.”

Giải:

“Tâm chưa thành tựu (appattamānaso)”.

Appattamānaso = na + patta + mānasa.

Pattaquá khứ phân từ của pāpuṇāti là: đã đắc được, đã đến nơi.

Na + patta: không đến nơi.

Mānasa theo nghĩa đentinh thần, có ý đến

Như vậy nghĩa đen của appattamānasa: chưa đến được nơi hướng đế, hay chưa thành đạt ý nguyện.

Nơi muốn đến” đó là gì? Là thoát khỏi ra mọi sinh hữu.

Bản Sớ giải, giải thích mānasa có ba: tham (rāga), tâm (citta) và Arahatta. Ở đây ám chỉ tâm của vị A La Hán.

Tâm chưa thành tựu” là tâm của vị Thánh hữu học còn bị tham trói buộc, nhưng loại tâm tham này không có tà kiến sanh khởi.

Tùy theo tầng Thánh của vị Hữu học mà loại tâm tham này thô hay vi tế, vị Thánh Dự Lưu còn tham luyến cõi Dục nên còn trở lại Dục giới nhưng không quá 7 lần, vị Thánh Tư Đà hàm tuy vẫn còn tham luyến Dục giới nhưng nhẹ hơn nhiều, nên chỉ trở lại cõi dục 1 lần, riêng bậc A Na Hàm không còn tham dục nên không tái sanh về Dục giới nữa, tuy vậy vị ấy vẫn còn tham luyến cõi Sắc và Vô sắc giới. Nói rõ hơn thì: Vị Thánh Dự lưuTư Đà Hàm còn tham luyến ba cõi, riêng vị Thánh Bất lai không còn tham luyến cõi Dục.

Sekkhā (hữu học): là bậc còn phải học, còn phải tu tiến (bhāvanā) lên cao. Thánh Hữu học là chỉ cho ba bậc: Dự lưu, Nhất laiBất lai.

Nghĩa là vị Hữu học ở khoãng giữa của phàm nhân và bậc Vô học (asekkha). Nói cách khác, bậc Hữu học là bậc đã vượt qua phàm tính đang tiến dần đến sự giải thoát hoàn toàn mọi sinh hữu, còn bậc Vô Học đã hoàn toàn thoát ra mọi sinh hữu.

So sánh về tri thức của bốn hạng thì:

- Phàm nhân không hiểu (pháp thực tính).
- Bậc Hữu học có thể hiểu (pháp thực tính).
- Bậc Vô học đã hiểu (pháp thực tính).

Bản sớ giải giải thích mānasa có ba là: rāga (khát ái), citta (tâm) và arahatta (phá ác – A la hán).

Appattamānasa: không đến nơi (quá nhiều) khát ái , nghĩa là tuy còn tham ái nơi năm trần sắc, thinh, hương, vị, xúc, nhưng không “quá quắt” như phàm nhân để phải rơi xuống khổ cảnh.

Appattamānasa: không đến nơi có định (citta) trọn vẹn, nghĩa là không thể nhập trọn vẹn vào ba định tướng: Vô tướng định, Vô nguyện định và Không tánh định.

Ba loại định này do nương vào ba tướng: Vô thường tướng (aniccalakkhaṇa), Khổ tướng (dukkhalakkhaṇa), Vô ngã tướng (anattalakkhaṇa).

An trú tâm vào tướng Vô thường gọi là Vô tướng định, an trú tân vào khổ tướng gọi là Vô nguyện định, an trú tâm vào tướng vô ngã gọi là Không tánh đinh.

Nhưng vì sao “không đến định trọn vẹn”?. Vì vị ấy còn phiền não, chưa ly dục hoàn toàn.

Lại nữa, ví như người bơi trong hồ nhỏ, tuy có giải trừ được nóng bức, nhưng sự bơi lội vẫy vùng còn hạn chế, chưa được thoải mái; nếu như người này có khả năng bơi lội trong sông lớn hoặc ở đại dương thì khả năng vẫy vùng rất thỏa thích và dễ dàng.

Cũng vậy, gọi là an trú trong định Tam tướng của bậc Hữu học chưa trọn vẹn vì trí của vị này chỉ thấu hiểu ý nghĩa một số pháp hữu vi, đối với một số pháp hữu vi khác thì các Ngài không am tường.

“Này các Tỷ kheo, y cứ vào núi Tuyết sơn, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đây chúng tăng trưởng tự thân, thu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống hồ nhỏ (kussubho), sau khi đi các sông nhỏ. Sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn, sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, đi ra đại dương”[8].

Đức Phậtgiải thích: “vị Tỷ kheo, dựa vào Giới bậc Thánh để tu tập (ví như dựa vào núi Tuyết sơn) Thánh đạo tám ngành”.

Hồ nhỏ ví như trí của bậc Tu Đà Hườn.

Hồ lớn ví như trí bậc Tư Đà Hàm.

Sông nhỏ ví như trí bậc A Na Hàm.

Biển ví như trí Thượng thủ Thinh văn hay bậc Độc giác.

Đại dương ví như trí bậc Chánh Đẳng giác.

Nghĩa là ngay bậc Chánh Giác khi còn Bồ tát, Ngài cũng nương tựa vào Giới để tu tiến. Và khi thành đạt, trí tuệ Đức Phật rộng lớn như đại dương.

Bậc Vô học ví như người bơi lội trong sông lớn vì trí của Ngài đã viên mãn nhiều pháp thực tính, nhưng cũng có một số pháp các Ngài không am tường, nhưng không còn bị chướng ngại khi trôi xuôi vào biển hay đại dương.

“An tịnh các triền ách (yogakkhemaṃ)”.

“Triền ách (yoga). Yoga có nghĩa là: liên kết, ràng buộc. ví như con bò phải mang cái ách vào cổ, nó không được tự do đi đâu cũng được, nó phải đi theo sự dẫn dắt của người chủ. Cũng vậy, chúng sanh cứ mãi chịu luân hồi, không thể giải thoát được cũng vì sự ràng buộc này, sự ràng buộc đó là gì? Là tham, tà kiếnvô minh. Vị chủ nhân ấy là ai? Chính là ái. Đôi khi yoga còn được dịch là “ách phược”, “kết”.

Pāli có giải chữ yoga như sau:

“Vaṭṭasmiṃ satte yojentīti = yoga.

Pháp nào sẽ đem chúng sanh ràng buộc trong luân hồi, gọi là triền ách (hay Kết).”[9]

Có bao nhiêu triền ách?

Có bốn triền ách là:

- Dục triền ách (kāmayoga), là sự ràng buộc trong cõi dục, chính là sự tham đắm trong dục giới.

- Hữu triền ách (bhavayoga), là sự ràng buộc trong trong các sinh hữu, hữu triền ách ám chỉ sự tham luyến cõi Sắc giớiVô sắc giới.

- Kiến triền ách (diṭṭhiyoga), là bị các kiến thức sai lầm trói buộc, không thể thoát ra được những kiến thức ấy.

- Vô minh triền ách (avijjāyoga), là do không thấu hiểu Tứ Thánh Đế, nên bị kết dính vào luân hồi.

“Này các Tỷ kheo, có bốn ách phược (yogo) này. Thế nào là bốn. Dục ách phược, hữu ách phược, kiến ách phược, và vô minh ách phược.Chính vì mục đích muốn thắng tri, muốn liễu tri, muốn đoạn diệt, muốn đoạn tận bốn áh phược này, này các Tỷ kheo, Thánh đạo tám ngành cần phải tu tập.”[10]

Như vậy, để thoát ra mọi triền ách, vị Thánh này cần phải tu tập Bát Thánh Đạo, do đó gọi là bậc hữu học “đang sống cần cầu sự vô thượng an tịnh các triền ách”.

Chi pháp của các triền ách là:

- Chi pháp của dục ách là: tâm sở tham (dục) (lobhacetasika).
- Chi pháp của hữu ách cũng là tâm sở tham (dính mắc trong các sinh hữu).
- Chi pháp của kiến ách là: tâm sở tà kiến (diṭṭhicetasika).
- Chi pháp của Vô minh ách là: tâm sở si (mohacetasika).

Vị Thánh Dự lưu, Nhất Lai thoát ra khỏi kiến ách, nhưng ba loại ách còn lại chưa thoát ra được, vị Thánh A Na Hàm thoát ra khỏi kiến ách với dục ách, còn lại hữu ách và vô minh ách.

“Vị ấy biết rõ đất là đất”.

Đối với bốn vấn đề sắc pháp: đất, nước, lửa, gió, Tập Sớ có giải thích: Vị Thánh Hữu học biết “đất, nước, lửa, gió” theo cách trực tiếp, tức là biết theo cách xúc chạm, biết theo “thực tính”, như vấn đề “đất” chẳng hạn, vị Thánh Hữu học không biết đất qua “chế định”, không nhận định đất qua sự “kết hợp” và cũng không hiểu đất theo cảnh Thiền chứng[11].

Nói rõ hơn, với năng lực của Thiền quán (vipassanā) vị Thánh Hữu học biết “đất” qua Tuệ phân tích (abhivisiṭṭhenañāṇena), đồng thời thấu rõ bản chất vô thường, khổ và vô ngã của “đất”.

Lẽ thường, bám chấp vào cái vô thường sẽ dẫn đến khổ và những gì vô thường, khổ cái ấy là vô ngã.

Rất nhiều đoạn kinh, Đức Thế Tôn nói lên điều này:

“Này các tỷ kheo, sắc là vô thường. Cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã. Cái gì là vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi”[12].

và:

“Này các tỷ kheo, sắc là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sinh khởi, cái ấy cũng vô thường. Sắc đã được cái vô thường làm cho sanh khởi. Này các tỷ kheo, từ đâu có thể là thường được?”[13]

Người có Tuệ phân tích, là người không tách rời thực tính của các pháp, không bị lệch hướng mục tiêu do sự hiểu sai (tà kiến) tạo ra. Với trí văn (sutaññāṇa) sung mãn, vị ấy quán xét đất, để rồi “biết rõ” đất.

Abhijānāti (thắng trí hay biết rõ) không phải là loại trí của phàm nhân (abhi = cao tột, jānāti = biết).

Abhijānāti (Thắng trí) về đất, là trí biết rõ “đất” là vô thường, khổ, vô ngã, sự biết này có được do từ bỏ được tưởng sai biệt, (tưởng sai biệt là một thành phần của tưởng uẩn – saññākkhandha), tức là trừ được thân kiến qua sự thành tựu Thánh Đạo tám ngành.

Vị ấy không nghĩ tưởng đất là đất (paṭhaviṃ māmaññi).”

Nên ghi nhận rằng: đối với phàm nhân Đức Phật dùng: “pathaviṃ maññati: suy tưởng đến đất (là đất)”.

Đối với vị Thánh hữu học, Đức Phật dùng: “pathaviṃ māmaññi: không suy tưởng đất(là đất)”.

Hậu Sớ giải (Ṭīkā) có giải chữ māmaññi = mā + amaññi.

: điều ấy, điều đó.

Amaññi = na + maññi: không do tưởng.

Māmaññi: là điều nghĩ đến không do tưởng tượng. Hay: “điều được biết do đã từ bỏ những hình thức của tưởng tượng”.

Hoặc māmaññi là mệnh lệnh ngăn cắm hành động phóng túng của ý nghĩa.[14] (mā có nghĩa là dừng lại, đừng). Nghĩa là không được tưởng tượng quá xa, thoát ra ngoài quỷ đạo của chân pháp, ví như cha mẹ cho phép đứa con mình vui đùa trong khuôn viên, nhưng không được vượt qua vòng rào đã quy định.

“Sự biết” về chân pháp của bậc Hữu học vượt lên trên sự biết của phàm nhân, vì phàm nhân không từ bỏ bất cứ một sự tưởng tượng nào. Nhưng “sự biết” của vị Thánh Hữu học cũng không thể là “sự biết” hoàn toàn thoát ra khỏi tưởng (saññā) như vị Thánh A La Hán. “Sự biết” của vị A La hán không còn bị “cái biết của tưởng chi phối” cho dù đó là tưởng đúng (sammā saññā), sự biết của vị A La Hán là cái biết hoàn toàn do trí..

Biết hoàn toàn do trí” là cái biết luôn luôn tỉnh thức (sampajaññā), mặc dù trong tâm vị Thánh Lậu tận vẫn có tưởng, nhưng nó không thể vẽ ra cảnh quá khứ hay cảnh vị lai làm xáo trộn, mê mờ trí của vị ấy.

Như vậy, “sự biết” của vị Thánh hữu học là sự biết do ba loại: tưởng, thức và trí. Trong đó có loại tưởng sai biệt (papañca) dẫn đến tà kiến, gọi là tưởng kiến (saññādiṭṭhi) đã bị từ bỏ hoàn toàn, còn hai nhóm tưởng sai biệt dẫn đến mạn và ái thì vị Thánh Hữu Học chưa từ bỏ được.

Trái lại, “sự biết” của vị Thánh A La Hán hoàn toàn do trí, không còn là sự biết do tưởng hay do thức.

Thắng trí (abhijānāti) thấp nhất trong các thắng trí là thắng trí của bậc Dự lưu, nhưng trí này đã diệt trừ mọi nguyên nhân dẫn đến tà kiến mà trong đó tưởng là một.

Có 8 nhân phát sanh tà kiến là:

1- “Chấp giữ năm uẩn” là nhân sanh tà kiến. Vì 5 thủ uẩn (pañcupādānakkhandha) là điểm tựa của 20 thân kiến (sakāyadiṭṭhi). Chánh tạng có ghi: “Này các tỷ kheo, bất kể những sa môn, Bà la môn nào, khi quán xét tự ngã cũng thường quán xét năm uẩn này”.

2- “Vô minh” là nhân sanh tà kiến, vì là pháp đối nghịch với trí, người bị vô minh bao phủ ví như người bị mù mắt, không thấy rõ các sắc. Cũng vậy, do vô minh nên chân tướng các pháp không được nhận ra, do đó thấy sai lạc về thực tính pháp.Chánh tạng có ghi “kiến này đang sanh khởi do nương vào giới hạ liệt là vô minh”.

3- “Xúc” là nhân sanh kiến, vì cho rằng “có người (tự ngã) xúc chạm”. Chánh tạng có ghi: “Những Sa môn, Bà la môn đề cập đến quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai. Chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với 62 luận chấp. Tất cả những vị này có những cảm thọ (những chủ trương trên) do có sự xúc chạm nối tiếp qua sáu xứ.”[15]

4- “Tưởng” là nhân sanh của kiến, vì tưởng dẫn đến tưởng sai biệt.

5- “Tầm” (vitakka) là nhân sanh tà kiến, vì các loại kiến đang sanh khởi do tìm đến hành tướng của đối tượng. Một khi gặp một hành tướng của đối tượng thì tưởng sai biệt lại khởi lên dẫn đến tà kiến. Bậc trí biết rõ những tà tầm (micchāsankappa) dẫn đến tà tưởng và kiến nương theo đó hình thành. Tầm chỉ hướng đến hai loại đối tượng: sự thật (sacca) và hư ngụy (musā) mà thôi.

6- “Phi như lý tác ý”. Không có tác ý đúng phương pháp hiệp theo trí tuệ là nền tảng cho tất cả bất thiện pháp, nên phi như lý tác ý cũng là nhân sanh kiến.

7- “Ác hữu” cũng là nhân sanh tà kiến. Ác hữu có hai loại:

- Người thiên chấp về tà kiến.
- Người có sở hành ác, bất thiện.

Trong hai loại ác hữu này sự thân cận với người thiên về tà kiến nguy hiểm hơn nhiều.

“Với người có tà kiến, này các tỷ kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh ra, các pháp bất thiện đã sanh được tăng trưởng quảng đại”[16]

8- “Truyền thuyết” ám chỉ những truyền thuyếtliên hệ với tà kiến.

Trong tám nhân sanh tà kiến, sự chấp thù năm uẩn là nguồn cho các loại khác, đồng thời vô minh che lấp sự thật góp phần làm tăng trưởng lầm lạc. Hai nhân quan trọng này đã bị trí đạo soi sáng, vô minh đưa đến tà kiến bị trừ diệt, do đó sự chấp thủ năm uẩn cũng không còn. Vì rằng sự chấp thủ năm uẩn có ái là gốc rễ.Vô minh – ái bị đoạn thì tất cả những nhân khác dẫn đến kiến cũng không còn.

Tuy còn có những loại tưởng sai biệt dẫn đến ái, mạn nhưng vị Thánh hữu học cũng không suy tưởng đến loại tưởng này, thì còn nói gì đến loại tưởng dẫn đến thân kiến đã bị từ bỏ, đã bị đoạn trừ.

Tưởng mà vị Thánh hữu học có là “vì mục đích muốn hiểu rõthành tựu pháp giải thoát khổ luân hồi” như vị A La Hán, nhưng vì còn bị trói buộc bởi các ách (yoga), nên không thể nhận rõ thực tính pháp cần biết, do đó nương vào tưởng để suy quán, tức là từ nền tảng trí văn dẫn đến trí tư và tiến hành tu tập Minh sát cho đến khi thành tựu trí tu sung mãn.

Có hai người cùng bị trói chặt cả tay chân, một người mang trên mắt cặp kinh màu, người kia thì không. Người có mang kính thấy cảnh vật theo màu kính, nếu kính màu xanh, cho dù cảnh vật có là vàng, đỏ, xanh, người ấy cũng chỉ thấy độc nhất màu xanh, người không mang kính thì nhận định rõ các màu sai biệt. Người thứ nhất ví như phàm nhân còn bị kiến ách che lấp sự thật, người thứ hai ví như vị Thánh hữu học đã thoát ra kiến ách.

Nhưng vì bị trói chặt tay chân không thể xoay trở, người này cố tìm vật cắt đứt dây trói nhưng không tìm thấy vật ấy ở đâu, chợt thấy bóng của vật ấy qua sự phản chiếu của vật khác, người ấy suy nghiệm chỗ có vật ấy, khoảng cách từ chỗ ấy đến người ấy bao xa... Rồi cố tìm mọi biện pháp nhặt lấy, cố gắng cắt cho được dây trói buộc để được tự do.

Cũng vậy, vị Thánh Hữu học còn bị trói buộc bởi những kiết sử nên không thể nhận thức rõ ràng các thực tính pháp, vị ấy nhờ trí văn để rồi suy quán qua tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã (ví như bóng ảnh) để thể nhập vào Bất tử pháp là Níp-Bàn, cho đến khi giải thoát hoàn toàn mọi ách phược (yoga).

Tất nhiên vị ấy có khả năng nhận biết “vũ khí” ấy vì đã có lần sử dụng, nghĩa là vị ấy tưởng nhớ lại Đạo lộ đã đưa vị ấy chứng đạt Níp-Bàn.

Nhờ có loại “tưởng đúng” (suy luận đúng) vị Thánh hữu học có khả năng hiểu được điều “cần phải hiểu rõ”, tưởng của vị Thánh hữu học không phát sanh theo đường lối mà chúng đã phát sanh đối với phàm phu, nó phải phát sanh theo đúng đường lối chân pháp mà vị ấy đã thành tựu. Ví như nhà khoa học nhìn nước = 2H+ O, không hề nghĩ cái tập hợp 2H+ O này là nước lạnh, nước nóng, nước ấm ..., khi nghĩ đến nước chỉ nghĩ là 2H +O mà thôi, cũng vậy, sự suy luận (do tưởng) của vị Thánh Hữu học theo đúng đường lối: vô thường, khổ, vô ngã, những tưởng sai biệt tạo ra thân kiến, mạn và ái cũng không thể chen vào. Chỉ khi nào vị ấy lìa bỏ những tưởng đúng, khi ấy những tưởng sai biệt tạo ra mạn, ái mới có cơ hội sanh khởi.

Còn vị Thánh A la Hán như người tự do không bị trói buộc, khi muốn xem xét vật nào đó, thì nhìn thấy như thật luôn cả những nét khuất lấp. Sự thấy này không cần có “suy luận” tham gia.

Tóm lại, vị Thánh hữu học hiểu rõ “đất” qua ba tuệ sung mãn: Văn – Tư – Tu vì đã đi vào thánh đạo Siêu thế.

Phàm nhân thì không hiểu rõ “đất”, vị Thánh hữu học chưa hoàn toàn hiểu rõ “đất”, vị Thánh A La Hán hoàn toàn hiểu rõ “đất”.

Lại nữa, “sự biết” của vị Thánh hữu học khác với phàm nhân là: sự biết của phàm nhân còn có thiên chấp (anuseti), còn chấp thủ, trái lại “sự biết “của vị Thánh hữu học không rơi vào thiên chấp, chấp thủ.

“Này các tỷ kheo, do có sắc, do chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc, (tà) kiến này khởi lên: “cái ấy là tự ngã, cái ấy là thế giới, sau khi chết cái ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại”.[17]

Do hiểu rõ tính chất vô thường của đất, không chấp thủ đất (nội thân), nên vị Thánh Hữu học “không nghĩ (tự ngã) ở trong đất”, “không nghĩ (tự ngã) là đất”, “không nghĩ đất là của ta”, “không hoan hỷ với đất”.

Ngã vốn không có, vị ấy đã chứng đạt như thật như chân rồi thì những gì liên hệ đến ngã, như tự ngã, tha ngã làm thế nào vị ấy có thể nghĩ tưởng đến được. Vị đã biết chắc chắn rằng “các pháp hữu vi đều vô thường”, sẽ không bao giờ nghĩ đến “thường” cùng những gì liên hệ đến “thường”.

“Vì nhân nào? Ta nói vị ấy có thể biết được đất (taṃ kissa hetu: pariññeyyaṃ tassāti vadāmi)”

Pariññeyya = pari + ñeyya, pariññeyya là điều nên hiểu trọn vẹn.

Bản Sớ giải có giải thích: “Bậc Hữu học hiểu rõ “căn bản của tưởng sai biệt là tưởng tri” qua ba tuệ sung mãn: văn – tư - tu, và vị ấy đã thể nhập vào đạo lộ Siêu thế. Vì thế vị ấy có thể hiểu rõ đất, không như phàm nhân hoàn toàn không hiểu, nhưng không như vị Thánh A La Hán hoàn toàn hiểu rõ”.[18]

Vị Thánh Hữu học tuy hiểu rõ ba đặc tính của đất là vô thường, khổ, vô ngã, nhưng thể bất tịnh của đất (nội thân) có thể chưa hiểu, do đó vị ấy có thể còn tham luyến sắc thân, có thể còn dính mắc trong dục lạc như Bà Thánh Nữ Visākhā chẳng hạn (bà có đến 20 người con). Tuy nhiên, sự dính mắc này không rơi vào đường lối sái quấy như phàm nhân.

Nữ cư sĩ Migasālā có bạch hỏi Đức Ānanda rằng:

-Thưa Tôn giả Ānanda, thân phụ của con là Purāṇa sống phạm hạnh, sống biệt lập, tránh xa dâm dục hạ liệt, khi mệnh chung được Đức Thế Tôn trả lời: “là bậc Dự lưu sanh với thân ở Tusitā (Đẩu Suất)”. Còn cậu của con là Isidatta, sống không phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung được Đức Thế Tôn trả lời: “Là bậc Dự lưu, sanh với thân ở Tusitā”.

Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ānanda, cần phải hiểu pháp này do Đức Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): “Cả hai sống phạm hạnh và không phạm hạnh đều đồng về sanh thú trong tương lai”.

- Này chị, chính như vậy là câu trả lời của Đức Thế Tôn.”[19]

Nữ cư sĩ Migasālā đã hiểu sai lời dạy của Đức Thế Tôn như trong kinh trình bày và Đức Thế Tônlời khiển trách nữ cư sĩ Migasālā. Nhưng ở đây không bàn về việc hiểu sai này, chỉ nêu lên vấn đề: “Bậc Thánh Dự lưu hay Nhất Lai tuy còn tham dục, nhưng không rơi vào sái quấy, tức là tà hạnh trong dục lạc (tự bằng lòng với vợ mình)”.

Lại nữa, tuy bậc thánh Hữu học hiểu biết các pháp hữu vi sanh lên do có nhân có duyên, nhưng cụ thể là loại nhân- duyên gì thì vị ấy có thể biết, có thể không biết. Tức là, nhân tập khởi của đất (nội thân) là gì? Nhân đoạn diệt của đất (nội thân) là gì? Có thể vị ấy hiểu, có thể hiểu không thấu đáo. Nhân tập khởi của đất chính là duyên Thân và các xúc trần khởi lên thân thức, ba pháp này dẫn đến ái (tham), nhân đoạn diệt của đất là ly (dục) tham và bao giờ còn tham là còn khổ.

Này các tỷ kheo.... do duyên ái nên có thủ, do duyên thủ nên có hữu, do duyên hữu nên có sanh, do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi,khổ, ưu, não sanh khởi. Này các Tỷ kheo, đây là thế giới tập khởi.

“Này các Tỷ kheo... do sự đoạn diệt ly tham ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy, đây là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.”[20]

Và:

“Này các Tỷ kheo, do không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ các sắc, nên không thể đoạn khổ đau”[21] (sắc ở đây chỉ cho sắc cảnh sắc, đối tượng của nhãn thức).

Cũng nên hiểu rằng; “Vị thánh Dự Lưu hay Nhất lai vẫn còn tham dục, nhưng các bậc này chỉ dính mắc vào “những pháp khả ái, khả hỷ, khả lạc liên hệ đến dục (kāma: chỉ cho sắc, thinh, hương, vị, xúc), hấp dẫn đến dục”, do đó gọi là tham dục hay dục thủ”.

Dứt phần Sắc pháp.

*

Về Nhân chế định (Danh-sắc pháp).

Những vấn đề còn lại cũng tương tự. Tức là do vị Thánh Hữu học đã diệt trừ được thân kiến, nên không còn nghĩ rằng: “chúng sanh do Đấng Sáng Tạo Chủ tạo ra, cũng không có một tự ngã nào trong chúng sanh, đơn thuần chúng sanh chỉ là danh sắc, sắc không là tự ngã, danh cũng không là tự ngã. Nghĩa là không còn cho: Thọ là ta, ta là thọ. Tưởng là ta, ta là tưởng, hành là ta, ta là hành, thức là ta, ta là thức.”

Vị ấy hiểu rằng: “chúng sanh được hạnh phúc hay đau khổ là do nghiệp điều sử, bao giờ còn tạo nghiệp bấy giờ chúng sanh ấy còn luân hồi, bao giờ còn danh sắc bấy giờ chúng sanh ấy còn nhận quả của nghiệp thiện hay bất thiện. Khi nào đoạn tận nghiệp luân hồi, chúng sanh ấy sẽ giải thoát”. Nhưng về vấn đề nghiệp báo thì vị ấy có thể hiểu, có thể không hiểu rốt ráo.

“Này Ānanda, giới như thế này Purāṇa được thành tựu, giới ấy Isidatta chưa thành tựu. Do vậy ở đây, Purāṇa có sanh thú khác với sanh thú của Isidatta.

Tuệ như thế nào, này Ānanda, Isidatta được thành tựu, tuệ ấy Purāṇa chưa thành tựu. Do vậy ở đây, Isidatta có sanh thú khác với sanh thú Purāṇa. Như vậy, này Ānanda, cả hai người này đều có thiếu sót một chi phần.”[22]

“Về Chư thiên, Sanh chủ.”

Vị Thánh Hữu học hiểu biết: “Chư thiên hay Sanh chủ chỉ là chúng sanh có nhiều phước báu, tích trữ nhiều hạnh lành, nhưng những chúng sanh này vẫn bị định luật vô thường chi phối, thậm chí ngay cả cõi ấy vẫn bị hoại do lửa, nước hay gió. Sự thường hằng nơi chư thiên, Sanh chủ, thiên giới không hề có”.

“Về Phạm thiên, Quang âm thiên, Biến Tịnh thiên, Quảng Quả thiên, Thắng giả”

Vị thánh Hữu học hiểu rằng: “Do năng lực các tầng thiền, khi mệnh chung chúng sanh này sanh về cõi thiền tương ứng đã chứng đắc. Và sau khi thiền lực hoại thì vị Phạm thiên ấy mệnh chung, những chúng sanh này vẫn bị định luật vô thường chi phối, vẫn phải rơi trở lại đau khổ, không phải là Đấng sáng tạo chủ hay trở thành một thực thể thường hằng”

Dứt phần Nhân chế định.

*

Về vấn đề Vô sắc.

Về bốn tầng thiền Vô sắc tương tự như phần lý giải về Phạm thiên, chỉ khác là những chúng sanh này không có sắc pháp.

Về sở kiến, sở văn, sở xúc, sở tri.

Vị Thánh hiểu là do năng lực thiền cùng với sự quyết định tâm làm duyên, các năng lục thần thông này hiện khởi, không có “người thấy, người xúc chạm, người nhớ lại quá khứ...”. Chính thông lực này khi hết nhân hết duyên cũng hoại, cũng bị vô thường chi phối,. Vị ấy không bám chấp vào một tự ngã thấy, một tự ngã nghe...

Về đồng nhất.

Khác với phàm phu hiểu “đồng nhất” là tự ngã (atman) hòa nhập vào Tạo chủ (brhaman), do vì phàm nhân chấp vào ngã, còn bị thân kiến trói buộc. Trái lại vị thánh Hữu học hiểu “đồng nhất” là: “khi thành tựu một pháp thượng nhân nào đó, thì các pháp phải đồng nhất”. Như muốn thành tựu Sơ thiền, các pháp như 5 chi thiền, 5 quyền (tín, tấn, niệm, định, tuệ)... phải ngang bằng nhau, không có pháp nào hơn pháp nào, khi ấy mới tiến đạt đến Sơ thiền, tương tự như vậy đối với Nhị thiền, ngoại trừ tầm - tứ đã được hành giả lìa bỏ, các pháp còn lại cũng phải đồng đẳng với nhau, khi ấy mới thảnh tựu được Nhị thiền.... .

Hoặc Sơ Đạo chẳng hạn, các pháp trong tâm Sơ Đạo đều đồng đẳng, tức là bát chi đạo, thất giác chi, ngũ quyền, ngũ lực... đều có sức mạnh như nhau, ngay cả tâm lực cũng như thế.

Về Sai biệt.

Phàm nhân hiểu sai biệt theo sự “chấp nhận một quan điểm (diṭṭhi nijjhāna khanti)”, sự chấp nhận quan điểm này không do lấy pháp làm chủ mà lấy “ta (atta)” hay lấy “đời (loka)” làm chủ. Trái lại bậc Thánh Hữu Học thì lấy “Pháp (dhamma) làm chủ, vì đã chứng thực pháp tính đồng thời chứng đạt pháp.

Đối với phàm nhân còn cho là “ta thấy”, “ta nghe”, “ta suy nghĩ”... Nhưng Bậc Thánh Hữu Học hiểu biết sự sai biệt của các giới. Trong sự thấy chỉ là hội nhân duyên của ba pháp: nhãn giới (thần kinh nhãn), sắc giới (sắc cảnh sắc) và nhãn thức giới (nhãn thức), trong sự nghe chỉ là nhân duyên hội tụ của ba pháp: nhĩ giới (thần kinh nhĩ), thinh giới (sắc cảnh thinh) và nhĩ thức giới (nhĩ thức), trong sự biết (đối với pháp trần) chỉ là hội đủ ba pháp: ý giới (2 tâm tiếp thâu, tâm hướng ngũ môn), pháp giớiý thức giới (tất cả các tâm còn lại ngoài ngũ song thức và 3 tâm ý giới)...

“Này các Tỷ kheo, thế nào là giới sai biệt? Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới. Nhĩ giới, thinh giới, nhĩ thức giới. Tỷ giới, hương giới, tỷ thúc giới. Thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới. Thân giới, xúc giới, thân thức giới. Ý giới, pháp giới, ý thức giới.”[23]

Những tưởng sai biệt sanh khởi lên là do có giới sai biệt là nhân là duyên. rồi những sai biệt này sẽ lần lượt sanh khởi theo duyên khởi.

“Này các tỷ kheo, do duyên giới sai biệt, tưởng sai biệt sanh khởi. Do duyên tưởng sai biệt, tư duy sai biệt sanh khởi. Do duyên tư duy sai biệt, dục (chanda -mong ước) sai biệt sanh khởi. Do duyên dục sai biệt, nhiệt tình (tapa) sai biệt sanh khởi. Do duyên nhiệt tình sai biệt, tầm cầu sai biệt sanh khởi.”[24]

Có lần gia chủ Ghosita đi đến bạch hỏi Đại Đức Ānanda rằng:

-“Sai biệt về giới, sai biệt về giới (dhātu - nānattaṃ), thưa tôn giả Ānanda, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa tôn giả Thế Tôn nói đến giới sai biệt?”

- “Này gia chủ, khi nào nhãn giới, sắc khả ýnhãn thức giới cùng khởi lên, do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ.

Này gia chủ. khi nào nhãn giới, sắc không khả ýnhãn thức cùng khởi lên, do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ.

Này gia chủ, khi nào nhãn giới, sắc trú xả (upekkhātthāniyā) và nhãn thức củng khởi lên, do duyên bất khổ bất lạc xúc, khởi lên bất khổ bất lạc thọ....”[25]

Đoạn kinh trên dã minh chứng cho sự hiểu rõ “về sai biệt” của vị thánh Hữu học.

Hoặc đối với những pháp chế định, vị thánh Hữu Học có thể hiểu danh từ này chỉ cho pháp, danh từ này chỉ cho nghĩa... Như Trưởng giả Citta (bậc Thánh A na Hàm) hiểu được ý nghĩa kệ ngôn:

Bộ phận được tinh thuần (nelanga)
Mái trần che màu trắng
Chỉ có một vành xe
Cổ xe liên tục chạy
Hãy xem và đang đến
Không vi phạm lỗi lầm
Chặt đứt được giòng nước
Không còn bị trói buộc

cư sĩ Citta hiểu được ý nghĩa khác nhau qua danh tự như sau:

Bộ máy được tinh nhuần” đồng nghĩa với các giới luật.

Mái trần che màu trắng” đồng nghĩa giải thoát.

Một vành xe” đồng nghĩa niệm.

Liên tục chạy” đồng nghĩa với đi tới đi lại.

Cổ xe” đồng nghĩa thân do tứ đại tạo thành.

“Lỗi lầmđồng nghĩa với: tham, sân, si.

Không vi phạm lỗi lầm” đồng nghĩa vị Thánh A La hán.

“Giòng nướcđồng nghĩa với khát ái.

“Trói buộc” đồng nghĩa với tham, sân, si.[26]

Hoặc vị Thánh Hữu học biết rõ sự sai biệt các pháp như: “Đây là pháp dục giới, đây là pháp Sắc giới, đây là pháp Vô sắc giới”, trng pháp Dục giới thì “đây là pháp bất thiện đây là pháp thiện Dục giới”.

Về vấn đề tất cả.

Là vị Thánh Hữu học hiểu rõ: “đây là đồng nhất, đây là sai biệt”. Sự hiểu rõ này cũng nương vào pháp, không còn bị nhầm lẫn như phàm nhân.

Như có lần Tôn giả Godatta hỏi gia chủ Citta rằng:

- Này cư sĩ, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát (akincannā), không tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát, những pháp này khác ngôn tứ, hay đồng nghĩa chỉ khác ngôn từ?

- Bạch Trưởng lão (thera), có pháp môn, theo pháp môn ấy, các pháp này khác nghĩa khác danh từ.

Bạch Trưởng lão, cũng có pháp môn, theo pháp môn ấy, các pháp này đồng nghĩa khác danh từ.[27]

Hay vị Thánh Hữu học hiễu rõ chúng sanh chỉ là sự hội hợp của 12 xứ, trong tất cả này có sai biệt lẫn đồng nhất.

“Này các tỷ kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả, hãy lắng nghe.

Và này các tỷ kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc, tai và các tiếng, mũi và các hương, lưỡi và các vị, thân và các xúc, ý và các pháp. Như vậy, này các tỷ kheo, gọi là tất cả.”[28]

Đoạn kinh trên cho thấy ý nghĩa “tất cả” là: chúng sanh chỉ là sự hội hợp của danh sắc, hoặc của ngũ uẩn, hoặc của 12 xứ, hoặc của 18 giới. Mỗi cách có sự giống nhau lẫn sai biệt, như: 12 xứ so với 18 giới thì: nhãn xứ đồng với nhãn giới, sắc xứ đồng với sắc giới... nhưng ý xứ thì sai biệt so với ý giới. Ý xứ là tất cả các tâm trong khi ý giới chỉ có ba tâm: 2 tâm Tiếp thâu và tâm hướng ngũ môn, ý thức giới là tất cả tâm trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới. Nói cách khác “ý xứ là nói lên ý nghĩa “đồng nhất” bao gồm “tất cả pháp biết cảnh”, còn ý thức giới có sự “sai biệt” trong “pháp biết cảnh”....

Hay giữa ngũ uẩn với 12 xứ có sự đồng nhất lẫn sai biệt như: Sắc uẩn bao gồm tất cả các sắc, trong khi 12 xứ thì phân ra nhãn xứ, nhĩ xứ, sắc xứ, thinh xứ... đó là sự sai biệt, còn bản thể “bất tri cảnh” là đồng nhất...

“Về vấn đề Níp-Bàn”

Vị Thánh Hữu học đã chứng thực Níp-Bàn, nên hiểu rõ Níp-Bàn, không còn lầm lẫn Níp-Bàn như những chủ thuyết Níp-Bàn hiện tại kiến.

Dứt phần vị Thánh Hữu Học.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.