Thư Viện Hoa Sen

19 Phẩm Pháp-sư Công-đức

24/05/201012:00 SA(Xem: 12005)
19 Phẩm Pháp-sư Công-đức

PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi 1962

 

PHẨM THỨ 19
PHÁP-SƯ CÔNG-ĐỨC

(Le Perfectionnement des sens)

Lúc bấy giờ, Phật bảo Bồ-tát Thường-Tinh-Tấn: “Nếu có trai lành gái tín nào lãnh giữ Kinh Pháp-Hoa này bằng cách hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì người đó đặng:

- 800 công-đức về mắt

- 1200 tai

- 800- mũi

- 1200 lưỡi

- 800- thân

- 1200 ý.

Dùng những công đức ấy mà trang nghiêm (làm cho tốt đẹp) sáu căn, thì sáu căn được thanh-tịnh.

1)Nhãn căn công-đức. Đôi mắt thịt cha mẹ sanh ra, nếu được thanh-tịnh, thì thấy được tất cả núi rừng, sông biển trong ngoài ba ngàn đại thiên thế giới, thấp đến địa ngục A-Tỳ (Avici), cao đến Trời Hữu-đảnh; cũng thấy được tất cả chúng-sanh trong các thế-giới ấy, cùng những nghiệp-nhân, nghiệp-báo và những nơi sanh do quả báo định. Tất cả những sự việc ấy đều thấy, đều biết với đôi mắt phàm thanh-tịnh

2)Nhĩ căn công đức. Đôi tai cha mẹ sanh ra, một khi được thanh-tịnh rồi, thì nghe được tất cả các thứ tiếng khắp ba ngàn đại thiên thế-giới, như:

· tiếng voi, ngựa, trâu, xe (thú vật)

· tiếng khóc la, buồn than

· tiếng trống, tiến loa, chuông lớn, chuông nhỏ

· tiếng cười, tiếng nói

· tiếng trai, tiếng gái, tiếng con nít nam nữ

· tiếng Pháp, tiếng chẳng phải Pháp

· tiếng khổ, tiếng sướng

· tiếng phàm-phu, tiếng Thánh-nhân

· tiếng đáng vui, tiếng chẳng đáng vui

· tiếng trời, tiếng rồng, tiếng các hàng A-tu-la

· tiếng lửa, tiếng nước, tiếng gió

· tiếng địa ngục, súc sanh,ngạ quỉ

· tiếng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật.

Tóm lại, tuy chưa được thiên-nhĩ, nhưng nếu đôi tai tầm thường của cha mẹ sanh ra mà thanh-tịnh rồi, thì tất cả các thứ tiếng trong ngoài ba ngàn đại-thiên thế-giới, đều nghe đượcphân biệt từng loại một, nhưng không vì đó mà “nhĩ-căn” phải bị hư hoai.

3)Tỹ căn công-đức. Lãnh giữ Kinh Pháp-Hoa thì mũi được thanh-tịnh, nhờ đó mà “nghe” được các mùi trong ba ngàn đại-thiên thế-giới và phân biệt được:

- mùi các thứ hoa tu-mạn-na, xà-đề, mạt-lợi,..v.v..

- mùi các thứ hoa sen xanh, vàng, trắng, đỏ

- mùi cây có hoa, mùi hoa cây có trái

- mùi các thứ hương.

Lại rõ biết các thứ mùi chúng-sanh, như:

- mùi thú vật (voi, ngựa, dê, trâu,..v.v..)

- mùi trai, gái, con nít nam, nữ

- mùi cỏ cây, rừng bụi, hoặc xa, hoặc gần.

Dầu ở đây, vẫn nghe:

- các mùi cây, hoa trên trời

- mùi nhân dân cõi trời ở các cung-điện hưởng phước, hoặc ở diệu pháp-đường nói pháp, hoặc khi dạo chơi.

Lại cũng nghe được:

- mùi hương của chư thiên đốt

- mùi Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát và Phật.

Nghe nhưng tỹ-căn không hư không lầm. Nếu muốn phân biệt nói cho người khác nghe, thì ghi nhớ không sai.

4)Thiệt căn công-đức. Trì Kinh Pháp-Hoa thì lưỡi được thanh-tịnh, nhờ đó mà:

_ cuối cùng không thọ ác vị.

_ tất cả các thức uống ăn đều xấu tốt, ngon dở, đắng chát đều biến thành vị ngon ngọt như cam-lộ.

_ thuyết pháp nói đến chỗ thâm diệu, thấu đến tâm người nghe, khiến họ vui mừng sướng thích, và cảm hoá được chư thiên và A-tu-la, hàng tu hành giàu có sang trọng.

- vì khéo nói pháp nên được hàng quyền quí, nhân dân theo hầu cúng-dường, và được chư Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật ưa thấy, và người nói pháp khéo ở đâu, thì được chư Phật xoay về phía đó mà nói pháp, nương đó mà có khả-năng thọ-trì tất cả các pháp Phật, lại có thể nói ra tiếng pháp thâm diệu.

5)Thân căn công-đức. Trì Kinh Pháp-Hoa, sau khi Phật diệt độ, thì thân được trong sạch như ngọc lưu-ly, làm cho chúng-sanh ưa nhìn xem thân ấy. Như mảnh gương sáng, thân ấy là thân thanh-tịnh của Bồ-tát, trong đó các sắc-tượng đều hiện mà chỉ riêng mình thấy mà thôi. Các sắc-tượng ấy hoặc là tất cả chúng-sanh trong sáu nẻo luân-hồi, hoặc cung-điện trên các cõi trời, hoặc địa ngục, hoặc Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật.

Tuy chưa được “Vô lậu pháp-tánh diệu thân”, nhưng nhờ thanh-tịnh, cho nên tất cả đều hiện được trong cái thân thương.

6)Ý căn công-đức. Sau khi Phật diệt độ mà Trì Kinh Pháp-Hoa thì được ý căn thanh-tịnh. Dùng ý-căn thanh-tịnh đó mà nghe một bài kệ, một câu kinh cũng đủ thấu suốt vô lượng nghĩa; hiểu rõ diễn nói cả tháng, cả năm cũng được; mỗi pháp nói ra có thể có những nghĩa thú riêng, nhưng tất cả đều đúng với “Thực-tướng” (Réalité). Thậm chí khi bàn nói đến sách vở ngoài đời, cách xử thế tiếp vật hay nghề nghiệp sinh-nhai, cũng vẫn thuận với Chánh-pháp. Lại nữa còn biết được những hành-động, lời nói đùa trong tâm của sáu đường chúng-sanh trong ba ngàn đại-thiên thê-giới.

Dầu chưa đặng trí-huệ vô lậu, nhưng nếu ý-căn thanh-tịnh như thế thì tất cả suy-nghĩ, tính lường, lời nói đều đúng với lời Phật dạy, không chỗ nào là không chân thật và đúng với lời nói của chư Phật trước (thời xưa).

 

Huyền nghĩa

Pháp-sư công-đức là những công-đức thu thập được bởi những người diễn đạt Kinh Pháp-Hoa bằng một trong những cách: đọc theo mặt chữ, tụng hay đọc thuộc lòng, giải thích bằng lời nói, hoặc biên chép.

Làm được những việc ấy gọi là trì-kinh, là nắm giữ Kinh cả về hai mặt văn-tự và nghĩa-lý (posséder). Mà nắm giữ là không rời. Vậy trì Kinh Pháp-Hoa có nghĩa là sống vì Kinh Pháp-Hoa và trong Kinh Pháp-Hoa.

Sống được như vậy, tất 6 căn trở thành lần hồi thanh-tịnh, không còn ô-uế, đầy lấm bụi trần như trước. Do đây Ô. Burnouf dịch “Perfectionnement des sens” (cải thiện 6 căn ngày càng hoàn mỹ).

Phẩm thứ 18 nói về công-đức (mérites, profits spirituels) của việc nghe Kinh mà lòng sanh hoan hỷ. Phẩm 19 này ghi công-đức của việc “thọ-trì”, nhờ đây mà những cái biết bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý trước kia eo hẹp, thấp thỏi, phù phiếm và nhất là chấp trước (mê luyến, say đắm) bao nhiêu, thì nay nhờ công-đức thọ-trì mà trở thành bao la, cao thượng, sâu xa, giải thoát bấy nhiêu.

Mắt trước kia chỉ thấy việc hiển hiện trong phạm vi thị-hiếu của mình, như anh ghiền rượu chỉ thấy rượu ngon thịt béo, anh mê cờ bạc chỉ thấy những cuộc đỏ đen…. Ngoài ra không còn thấy, còn biết gì nữa. Nay vì Kinh, theo Kinh không còn vì, còn theo những cái say đắm ấy nữa, nên cái thấy được mở rộng tầm quan-sát, chẳng những trong cõi thế-gian hữu-hình, mà còn trong cõi vô-hình, thậm chí thấy được nghiệp nào đã làm nguyên nhân, những nghiệp nào là quả-báo, luôn cả những nơi mà nghiệp-báo sẽ dắt dẫn tái sanh.

Nhờ công-phu thọ trì mà tai trở thành thanh-tịnh, nghe được khắp vũ-trụ vô biên, những tiếng tăm cả trong lẫn ngoài, của cầm thú, nhân loại, quỉ thần, hiền thánh. Nghe mà nhĩ-căn bất hoại, nghe mà hoàn toàn giải-thíat, không say đắm, trìu mến một thứ âm thanh nào.

Cũng nhờ công-phu thọ-trì mà mũi trở thành thanh-tịnh đến nghe được khắp vũ-trụ vô biên những mùi của chúng-sanh, của chư thiên, chư Thánh-hiền. Nghe hết, thơm cũng như thối, nhưng tỹ-căn không vì đó mà hoại, nghĩa là say đắm. Và nghe được là biết mùi ấy ở đâu.

Lại cũng nhờ công-phu tu trì mà lưỡi biến vị đắng thành ngọt, nói lời thâm diệu, làm thấu lòng người, khiến người sanh lòng vui mừng, sướng thích. Tiếng của người có lưỡi thanh-tịnh là Tiếng Pháp (Pháp âm: La Voix du Dharma, autrement dit de la Vérité).

Cũng thế nhờ công-phu thọ-trì mà trong thân thanh-tịnh hiện ra tất cả các sắc-tượng (phénomènes) của tất cả chúng-sanh trong sáu nẻo, tốt xấu, trên dưới, hoặc của các Thánh-hiền, Bồ-tát, Phật. Thân thanh-tịnh như thế, tuy chưa phải là Pháp-thân chứa đựng tất cả, vẫn có một sức chứa đựng gần bằng Pháp-thân, nghĩa là được “Thanh hoá” (sublimé) khá nhiều rồi.

Rốt hết, cũng nhờ công-phu thọ-trì mà ý-căn trở nên thanh-tịnh, nghe một hiểu mười, hiểu một cách sâu xa và đắc biện tài, muốn diễn nói bao lâu, bao nhiêu cũng được. Thậm chí khi bàn luận về việc đời cũng vẫn có mùi đạo và không sai với chánh-pháp (Người chánh nói pháp tà, pháp tà trở nên chánh). Lại trong chỗ suy nghĩ tính toán, không gì là không chân-thật và hiểu biết lời trong tâm chúng-sanh.

*

Sống với Kinh là sống trong Đạo, là sống xa đời và những ô-nhiễm của đời. Vì vậy tuy chưa chuyển hết 8 thức, vẫn chuyển được 5 thức đầu (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) thành “Thành-sở-tác-trí”, và thức thứ sáu lá ý-thức thành “Diệu-quan-sát-trí”, là bước đầu của người tu học.

Chí như công-đức ít nhiều, thức thì được 800, thức khác lại được 1.200, ấy cũng vì sự nhanh nhọn của mỗi thứ. Thức nào nhạy nhiều trong tội lỗi thì được công to khi chuyển hướng, thức nào nhạy ít thì được công nhỏ. Mắt đâu thấy xa bằng tai nghe, cho nên cách vách không thấy người khổ nhưng tai có thể nghe được tiếng than. Nghe mà cứu giúp, thì công-đức đó phải quy về cho tai. Hoặc nghe tiếng hát đàn mà cảm đến sanh tâm sái quyấy, tội cũng phải quy cho tai. Suy ra mấy thức kia cũng vậy. Vậy “lục tặc” chưa hẳn là kẻ cướp, tùy ta mà chúng sẽ giúp ích, chúng sẽ là “Pháp-sư”, nếu căn của chúng (tâm) được thanh-tịnh bằng nhiều phương pháp mà trì Kinh Pháp-Hoa là một.

Tạo bài viết
19/09/2013(Xem: 30372)
19/05/2010(Xem: 45825)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: