ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ
KINH PHÁP HOA
Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism
For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose
Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997
TÙNG ĐỊA DÕNG XUẤT
Phẩm này gồm hai điểm quan trọng đặc biệt. Thứ nhất, đức Thế Tôn dứt khoát từ chối nhiều vị Bồ-tát từ các quốc độ khác đến cõi Ta-bà, xin được hợp tác với Ngài giáo hóa tất cả các chúng sanh ở đây. Thứ hai, Ngài bảo với nhiều Bồ-tát từ dưới đất nhảy vọt lên (tùng địa dõng xuất) rằng làm như thế là bổn phận của họ.
Đức Phật đã giao phó cõi Ta-bà cho các Bồ-tát từ dưới đất vọt lên, điều này dạy chúng ta rằng thế giới mà chúng ta đang sống cần phải được làm cho thanh tịnh và bình an bằng nỗ lực của chính chúng ta, những người đang cư ngụ trong thế giới và rằng chúng ta nên thể hiện hạnh phúc trong đời sống của chúng ta bằng nỗ lực của chính mình. Chúng ta có trách nhiệm về việc tạo ra cõi Tịnh Độ tại nơi chúng ta sống. Chúng ta nên tạo ra hạnh phúc của mình bằng nỗ lực của chính mình - thật là một giáo lý đầy thuyết phục và tích cực biết bao!
Chính đức Phật Thích-ca-mâu-ni cũng đã trải qua một quá trình khổ như thế và cuối cùng đạt Trí tuệ Tối thượng. Ở điểm này, Phật giáo khác biệt rõ rệt với các tôn giáo khác. Dù rằng các tôn giáo đều có giáo lý tốt đẹp, không có bằng chứng rõ rệt nào về một trường hợp khác, theo đó người sáng lập một tôn giáo lại đạt sự toàn giác của riêng mình và thiết lập tôn giáo của riêng mình. Một số tôn giáo tuyên bố rằng người sáng lập các tôn giáo ấy do Thượng đế gởi đến. Một số tôn giáo khác tuyên bố rằng Thượng đế mặc khải cho người sáng lập hay rằng Thượng đế từ trên trời xuống cõi đời này.
Không như những tôn giáo ấy, giáo lý Phật giáo là cái chân lý mà đức Thích-ca-mâu-ni, vị đã sinh ra là một con người như tất cả chúng ta và đã kinh qua sự khổ đau, lo lắng của con người, đã mong cầu giác ngộ, đã tu khổ hạnh và đã đạt Tuệ sau sáu năm nỗ lực tâm linh. Cái quá trình đạt chứng ngộ của Ngài có thể được thấy rõ ràng. Do đó, chúng ta có thể tin rằng cuối cùng, chắc chắn chúng ta sẽ đạt giác ngộ tối thượng, chỉ cần chúng ta theo giáo lý của đức Phật và đi theo con đường như thế. Cũng chắc chắn rằng vì đây là giáo lý phát xuất từ đất (cuộc sống thực sự) nên chúng ta, những kẻ đang thực sự sống trên đời này có thể theo giáo lý này được. Phẩm 15 nhấn mạnh điểm này.
Một điểm quan trọng khác là sự giới thiệu Bổn Pháp - giáo lý của đức Bổn Phật - ở nửa sau của phẩm. Sự khác nhau giữa đức Phật xuất hiện trong lịch sử (Shakubutsu - Tích Phật) và đức Bổn Phật (Hombutsu) đã được giải thích ở trang 35-36. Nửa đầu của phẩm 15 được định nghĩa như là phần giới thiệu về Bổn Pháp, và nửa sau của phẩm 15, toàn bộ phẩm 16 và nửa đầu của phẩm 17 là phần chính. Như thế, phẩm 15 chiếm một vị trí chủ chốt trong việc chia kinh Pháp Hoa và chúng ta nên đọc phẩm này một cách cẩn thận và chú tâm.
Khi đức Thế Tôn giảng xong phẩm “An Lạc Hạnh” vô số Bồ-tát từ các quốc độ khác đến đã đứng lên giữa đại chúng, chắp tay đảnh lễ và bạch đức Phật: “Bạch Thế Tôn ! Nếu đức Phật cho phép chúng con, sau khi Ngài nhập diệt, siêng năng, nỗ lực hộ trì, đọc tụng, sao chép và tôn thờ kinh này trong cõi Ta-bà, thì chúng con sẽ phổ giảng kinh này trong cõi này”.
Liền đó, đức Phật trả lời dứt khoát với chúng
Bồ-tát: “Thôi đủ rồi ! Này các Thiện nam tử ! Các Ông không cần phải hộ trì
kinh này. Tại sao ? Vì trong thế giới Ta-bà của Ta quả thực có rất nhiều Bồ-tát
và mỗi Bồ-tát này lại có rất nhiều tùy tùng. Những vị này, sau khi Ta nhập
diệt, có thể hộ trì, đọc tụng và phổ giảng kinh này”.
Sau khi đức Phật nói như thế, thế giới Ta-bà
chấn động, và ở giữa xuất hiện vô số Bồ-tát. Tất cả các Bồ-tát này có thân sắc
vàng mang các tướng tốt như đức Phật. Chư vị vốn ở trong không gian vô tận bên
dưới cõi Ta-bà. Nghe âm thanh giảng pháp của đức Thích-ca-mâu-ni, từ bên dưới
họ tuôn vọt lên.
Một số vị Bồ-tát này là những người cai quản các hội chúng lớn, mỗi vị lãnh đạo một đoàn tùy tùng mà họ giáo huấn; một số vị lãnh đạo vô số tín đồ và một số khác thì lãnh đạo ít hơn; cũng có những vị chỉ một mình, tu tập riêng biệt. Khi vô số Bồ-tát này từ dưới đất tuôn lên, tất cả đều lên đến Tháp Bảy Báu giữa không trung, tại đó đức Như Lai Đa Bảo và đức Phật Thích-ca-mâu-ni đang ngồi. Khi đến, các vị đảnh lễ và ca ngợi hai đức Phật bằng những bài ca của Bồ-tát theo đủ thể cách. Rồi họ đứng sang một bên, hoan hỷ nhìn lên hai đức Thế Tôn. Họ tiếp tục ca ngợi chư Phật như thế trong năm mươi tiểu kiếp. Trong suốt thời gian này đức Phật Thích-ca ngồi im lặng, bốn chúng cũng im lặng, nhưng nhờ thần lực của đức Phật, năm mươi kiếp đối với đại chúng có vẻ như chỉ nửa ngày.
BỐN ĐẠI NGUYỆN CỦA VỊ BỒ-TÁT:
Bấy giờ bốn chúng cũng nhờ thần lực của đức Phật mà thấy được chư Bồ-tát đầy khắp vô số quốc độ. Trong chúng Bồ-tát này có bốn vị Đạo sư: Thượng Hạnh (Jògyò), Vô Biên Hạnh (Mukengyò), Tịnh Hạnh (Jògyò) và An Lập Hạnh (Anryùgyò).
Như đã giải thích khi bàn về nguyện (gan) ở phẩm
9, tổng nguyện (Sògan) mà những người tu Phật đạo cần phát tâm gồm bốn đại nguyện
của vị Bồ-tát (Shi gu-seigan); tứ hoằng thệ nguyện) như sau đây, mỗi đại nguyện
được trỏ bằng một trong bốn vị đại Bồ-tát nêu trên.
1. Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ (Shùjò
muhen seigan-do): Dù chúng sanh là vô lượng, tôi nguyện cứu họ (An Lập Hạnh).
2. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn (Bonnò
mushù seigan-dan): Dù phiền não là vô tận, tôi nguyện đoạn tận phiền não (Tịnh
Hạnh).
3. Pháp môn vô hạn thệ nguyện học (Hòmon mujin seigan-gaku): Dù giáo lý của đức Phật là vô hạn, tôi nguyện học các giáo lý ấy (Vô Biên Hạnh).
4. Phật đạo vô thượng thệ nguyên thành (Butsudò mujò seigan-jò): Dù chân lý đức Phật là tối thượng, tôi nguyện đạt được chân lý ấy (Thượng Hạnh).
Bốn đại nguyện căn bản này được đại diện bởi bốn vị Bồ-tát trên. Ngược lại, có thể nói bốn vị Bồ-tát ấy tượng trưng cho những lời nguyện căn bản của tất cả Phật tử.
Mỗi vị đứng trước đại chúng của mình, bốn vị
Bồ-tát này chắp tay ngưỡng nhìn đức Phật Thích-ca-mâu-ni
và hỏi Ngài: “Bạch đức Thế Tôn ! Ngài có ít bệnh,
ít lo, Ngài có bình an chăng ? Những vị được Ngài cứu độ có sẵn sàng nhận giáo
lý của Ngài không ? Họ có làm cho Thế Tôn mệt nhọc không?”
Bấy giờ đức Thế Tôn nói với đại chúng Bồ-tát rằng: “Này các Thiện nam tử ! Như Lai được bình an, ít bệnh, ít lo. Các chúng sanh này dễ cải hóa và Ta không mệt nhọc. Tại sao ? Vì tất cả các chúng sanh này đã được Ta giáo huấn từ nhiều đời, đã tôn thờ, kính ngưỡng chư Phật trong quá khứ, đã vun trồng thiện căn. Tất cả các chúng sanh này mới nhìn thấy Ta và nghe Ta giảng đều chấp nhận giáo lý một cách thành tín và nhập vào Như Lai trí, ngoại trừ những người trước đây đã tu học Tiểu thừa. Những người như thế, Ta nay cũng đã khiến họ nghe kinh này và nhập vào Phật trí”.
Dù đức Phật đã già và đã gặp nhiều khó khăn khi giảng Pháp để giáo hóa tất cả chúng sanh, Ngài cũng không cảm thấy đây là một gánh nặng hay cho đây là khó khăn. Từ thái độ của Ngài, chúng ta có thể cảm nhận một cách sinh động lòng từ bi vô hạn của Ngài.
Bấy giờ các vị đại Bồ-tát này nói kệ như sau:
“Thiện lành ! Thiện lành
thay !
Bậc Đại Hùng, Thế Tôn !
Tất cả chúng sanh này
Dễ được Ngài cải hóa,
Và có thể đạt được
Trí chư Phật sâu xa,
Và nghe, tin, nhận rõ.
Chúng con chúc mừng Ngài”.
Thế rồi đức Thế Tôn khen ngợi các vị đại Bồ-tát Thượng thủ này rằng: “Hay thay, hay thay ! Này các Thiện nam tử ! Các Ông cứ tùy hỷ chúc mừng Như Lai”.
Thế rồi Bồ-tát Di-lặc và hội chúng của chư Bồ-tát khác đều suy nghĩ: “Từ xưa kia, chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy hoặc nghe nói về một chúng đại Bồ-tát từ đất vọt lên, đứng trước chư vị Thế Tôn, chắp tay đảnh lễ và thỉnh vấn đức Như Lai”. Bồ-tát Di-lặc muốn giải quyết mối nghi ngờ của chính ngài, liền chắp tay hỏi đức Phật bằng kệ:
“Vô lượng ngàn vạn ức,
Đại chúng Bồ-tát này,
Chúng con chưa từng thấy.
Bạch Thế Tôn, xin giảng,
Tụ tập để làm gì.
Thân lớn, có thần lực,
Trí tuệ không nghĩ bàn,
Chí và niệm kiên cố
Sức kiên trì rất lớn,
Chúng sanh mừng được thấy:
Từ đâu họ đến đây ?”
Bấy giờ chư Phật phân thân từ đức Phật Thích-ca, từ vô số quốc độ ở các nơi khác đến, thiết tha chờ mong đức Phật trả lời câu hỏi của Bồ-tát Di-lặc. Thế rồi đức Phật Thích-ca nói với ngài Di-lặc: “Lành thay ! Lành thay ! Này A-dật-đa !(1) Ông đã khéo hỏi đức Phật về một sự việc lớn lao như thế. Tất cả các ông hãy nhất tâm mặc chiếc áo giáp của sự kiên cố, thể hiện một ý chí mạnh mẽ, vì nay Như Lai muốn khai bày, tuyên bố về trí tuệ của chư Phật, sức thần thông tối cao của chư Phật, sức sư tử phấn tấn của chư Phật, và sức uy mãnh lớn lao của chư Phật”.
Thế rồi đức Thế Tôn muốn trùng tuyên giáo lý này, Ngài nói bằng kệ rằng Ngài sắp giảng những điều mà trước đây Ngài chưa từng khai thị và kêu gọi chư Bồ-tát chú tâm lắng nghe. Sau khi đã nói kệ, Ngài lại nói với Bồ-tát Di-lặc: “Này A-dật-đa ! Tất cả các đại Bồ-tát này, vô lượng và vô số, từ dưới đất tuôn vọt lên, và là những vị mà trước đây Ông chưa từng thấy - Ta ở trong cõi Ta-bà này, sau khi chứng Toàn Giác đã giáo hóa và dẫn đạo tất cả các Bồ-tát này, kiểm soát tâm họ, khiến họ hướng tư tưởng về Đạo”. Đức Phật đã ca ngợi sự việc các Bồ-tát này đã tu tập nhiều giới hạnh và có đức độ cao vời.
Thế rồi Bồ-tát Di-lặc, vô số Bồ-tát và các chúng
sanh khác sinh nghi ngờ, bối rối và ngạc nhiên về sự việc hy hữu này và suy
nghĩ: “Làm thế nào mà đức Thế Tôn, trong một thời gian quá ngắn ngủi, lại giáo
hóa vô lượng, vô số đại Bồ-tát và khiến họ trú trong Toàn Giác ?” Thế rồi họ hỏi
đức Phật:
“Bạch đức Thế Tôn, đức Như Lai khi còn là một thái
tử, rời bỏ cung điện của dòng họ Thích-ca, ngồi trên nền đất bồ-đề không xa
thành phố Già-da (Gayà) và đạt Chánh Giác. Từ đấy đến nay cũng đã trải hơn bốn
mươi năm. Bạch Thế Tôn! Trong một thời gian quá ngắn ngủi, làm sao Ngài lại làm
được các Phật sự lớn lao, và dùng năng lực của Phật, công đức của Phật mà giáo
huấn vô số Bồ-tát như thế đạt Toàn Giác ?
“Bạch Thế Tôn ! Chúng đại Bồ-tát này, dù cho một người đếm họ suốt vô số năm cũng không đếm dứt hay đếm tới giới hạn. Tất cả các vị này từ quá khứ xa xưa dưới thời vô lượng, vô số chư Phật, đã vun trồng thiện căn và thành tựu Bồ-tát đạo, luôn sống đời cao thượng. Bạch Thế Tôn ! Sự việc như thế này, người đời khó tin. Cũng như một người có hình sắc đẹp đẽ, tóc đen, hai mươi lăm tuổi, chỉ vào những người trăm tuổi mà nói: "Đây là các con tôi" và cũng như những người trăm tuổi kia cũng chỉ vào người trẻ ấy mà bảo: "Đây là cha của chúng tôi, đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng tôi". Điều này thật khó tin. Về phần đức Phật cũng vậy, Ngài quả thực đã đắc Đạo cách đây không lâu. Thế mà đại chúng Bồ-tát này, trong suốt vô số ngàn vạn ức kiếp, vì Phật đạo, đã nỗ lực tinh cần và đã lĩnh hội hết tất cả Phật đạo; chư vị ấy là kho báu của người và là sự hy hữu cùng tột trong khắp các cõi.
“Hôm nay đức Thế Tôn vừa bảo rằng khi Ngài vừa đạt Phật đạo thì từ đầu Ngài đã khiến họ mong cầu trí tuệ, giáo huấn, dẫn dắt và khiến họ tiến đến Toàn Giác. Đức Thế Tôn đã thành Phật cách đây không lâu, thế mà Ngài đã có thể làm được sự việc lớn lao, công đức này. Dù chúng con vẫn tin rằng những gì đức Phật phương tiện thuyết giảng và những lời đức Phật tuyên bố thì không bao giờ hư vọng; lại nữa, chúng con cũng lãnh hội hết sở tri của đức Phật; tuy thế, những Bồ-tát mới được giáo hóa mà nghe lời khẳng định ấy sau khi đức Phật nhập diệt thì họ không tín thọ và điều này sẽ phát sinh hành động sai lầm gây hư hoại cho Pháp. Cho nên, bạch đức Thế Tôn, xin Ngài giải thích rõ lời khẳng định ấy, để gỡ bỏ nghi ngờ của chúng con và khiến tất cả các thiện nam tử của Ngài trong đời sau khi nghe điều này cũng sẽ không phát sinh nghi ngờ”.
Thế rồi ngài Di-lặc lặp lại lời thỉnh cầu của ngài bằng kệ. Trong phẩm kế tiếp “Như Lai Thọ Lượng” (Khai tỏ về mạng sống của đức Như Lai), đức Thế Tôn sẽ trả lời cho chư Bồ-tát một cách chi tiết và soi tỏ cho họ về thực thể của đức Phật.
Trong bài kệ của Bồ-tát Di-lặc có các câu sau đây: “Họ học Bồ-tát đạo / Không nhiễm các việc đời/ Như hoa sen trong nước”. Những câu này diễn tả lối sống lý tưởng mà đức Phật dạy cho chúng ta trong kinh Pháp Hoa. Chúng ta không nên rút lui khỏi xã hội mà nên sống một cuộc đời đẹp đẽ, trong lành bên trong xã hội. Lý tưởng của kinh Pháp Hoa chính là làm cho tất cả xã hội trở nên trong lành đẹp đẽ. Nhan đề Diệu Pháp Liên Hoa Kinh biểu thị lý tưởng này.