Thư Viện Hoa Sen

Lời Dẫn

04/06/201012:00 SA(Xem: 15257)
Lời Dẫn

ĐỊA TẠNG MẬT NGHĨA
Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi Saigon Xuất Bản 1964
Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam-Hoa Kỳ Chùa Huệ Quang Tái Xuất Bản 1985

 

Lời Dẫn 

Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa, phẩm Phương-tiện, có câu: Xá-Lợi-Phất! Chư Phật tùy nghi thuyết pháp, ý thú nan giải. Sở dĩ giả hà? Ngã dĩ vô số phương tiện, chủng chủng nhân-duyên, thí-dụ, ngôn-từ, diễn thuyết chư pháp. Thị pháp, phi tư-lương, phân-biệt chi sở năng giải, duy hữu chư Phật nải năng tri chi... Nghĩa: Xá-Lợi-Phất! Các đức Phật tùy sự tiện lợi của mổi trường-hợp mà nói pháp, với những ý-tứ và ý-hướng khó giải một cách rõ ràng. Tại sao vậy? Ta dùng vô số phương-tiện, như mọi thứ nhân-duyên, thí-dụ, lời nói, mà trình bày các pháp. Không phải lấy trí óc suy lường, phân-biệt mà giải thích được các pháp ấy, chỉ có chư Phật mới năng biết rõ... 

Thuyết Pháp là trình bày Pháp (Dharma) hay Chân-lý (Vérité). Gồm các lối trình bày của Phật thành nền Giáo-lý của Phật (la Doctrine du Bouddha). Giáo-lý của Đức Phật rất là uyển-chuyển, hay nói một cách khác, đức Phật có nhiều phương pháp dạy dỗ. Tùy trình-độ của người nghe - trình-độ trí-thức, trình-độ sáng-suốt, trình-độ đạo-đức - mà đại, khái, đức Phật áp-dụng hoặc phương-pháp nhân-duyên, hoặc phương-pháp thí-dụ, hoặc phương-pháp giải-thích bằng lời nói. Tất cả những phương-pháp ấy, Phật gọi dưới một tên chung là phương-tiện (moyens). Phương-tiện rất nhiều, lại biến hóa, thay đổi tùy trường-hợp, còn Chân-lý Phật muốn chỉ dạy có một. Có thể lấy ngón tay hay cây gậy mà chỉ mặt trăng

Vậy phương-tiện dùng trong bài pháp gọi là "Địa-Tạng Bồ-tát Bổn-Nguyện" này là gì? - Là Thí-dụ, một trong ba phương-tiện nói trong câu Kinh dẫn chứng ở trên. 

Thí dụ hay tỷ-dụ là đưa ra một câu chuyện ngụ-ngôn, trong đó hàm chứa nhiều ý-nghĩa, nhiều chân-lý rất hay, rất đúng, mà người nghe, người đọc, cần phải công phuu đào sâu để hiểu, chớ không nên hiểu theo mặt chữ. Để chứng minh phương-tiện thí-dụ dùng ở đây, chúng ta hãy nghe bài Tựa xưng tán Bồ-tát Địa-Tạng: 

Chí tâm quy mạng lễ

U-Minh Giáo-Chủ, Bổn-Tôn Địa-Tạng Bồ-tát Ma-ha tát:

Khể thủ Từ-Bi Đại Giáo-chủ:

Địa ngôn: kiên, hậu, quảng hàm tàng.

Nam-phương thế-giới dỏng hương-vân,

Hương-võ, hoa-vân cập hoa-võ,

Bảo võ, bảo vân, vô số chủng,

Vi tường, vi thụy, biến trang-nghiêm,

Thiên, Nhân, vấn Phật thị hà nhân,

Phật ngôn: Địa-Tạng Bồ-tát chí!

Tam thế Như-Lai đồng tán ngưỡng,

Thập phương Bồ-tát cộng quy y.

Ngã kim túc thực thiện nhân duyên,

Tán dương Địa-Tạng chân công đức:

Từ nhân, tích thiện,

Thệ cứu chúng sanh.

Thủ trung kim tích, chấn khai địa ngục chi môn,

Chưởng thượng minh châu, quang nhiếp đại-thiên chi giới.

Diêm-vương điện thượng,

Nghiệp-kính đài tiền,

Vị Nam Diêm-phù-đề chúng sanh

Tác đại chứng minh công đức chủ.

Đại-Bi, Đại-Nguyện,

Đại-Thánh, Đại-từ,

Bổn-Tôn Địa-Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát! 

Sau đây là bản dịch ra Việt-văn của Ban Hộ-niệm Hội Việt-Nam Phật-Giáo (Chùa Quán-Sứ Hà-Nội): 

Dốc lòng quy mệnh lễ Đức Giáo-Chủ

cõi U-Minh, Địa-Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát!

Dập đầu kính lễ đức Giáo-Chủ

Đại từ-bi: đức độ của Ngài

Như đất dày bao hàm rộng khắp.

Thế-giới phương Nam tỏa mây hương.

Mưa hương, mây hoa cùng mưa hoa,

Mây báu, mưa báu vô số lớp,

Biến hiện điềm lành khắp trang-nghiêm.

Trời, Người hỏi Phật nhân gì vậy,

Phật rằng: Địa-Tạng Bồ-tát hiện,

Chư Phật ba đời đều tán ngưởng,

Mười phương Bồ-tát thảy quy-y.

Nhân xưa bồi đắp chút duyên lành,

Nay con tán dương chân công-đức ;

Địa-Tạng Bồ-tát đại từ bi

Góp tập thân lành độ chúng sanh:

Rung tích trượng mở toang địa-ngục,

Nắng minh châu soi khắp đại-thiên.

Trước đài "nghiệp kính", điện Diêm-vương,

Vì chúng-sanh ở cõi Nam-Diêm,

Làm Giáo-chủ chứng minh công-đức.

Nam-mô đại-bi, đại-nguyện, đại-thánh, đại-từ

Bản tôn Địa-Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát. 

Đây là một bài tán để ca ngợi (glorifier, rendre hommage) công-đức Bồ-tát Địa-Tạng. Vậy trong văn-từ, phải làm thế nào để cho người ta nhận thấy rõ là lời của người xưng tán nói. Vì vậy, xin đề-nghị bản dịch sau đây: 

Tôi hết lòng kính lạy

Đức Giáo-Chủ cõi U-minh Đại Bồ-tát Địa-Tạng Bổn-tôn.

Tôi cúi đầu trước Ngài

Là vị Đại Giáo-chủ của Từ-Bi mà chữ Địa (trong danh hiệu) có nghĩa là cứng rắn, sâu dày và ngậm chứa tất cả.

Từ thế giới phương Nam, không biết

bao thứ mây thơm, mưa thơm, mây hoa,

mưa hoa, mây báu, mưa báu nổi lên,

mang điềm lành làm đẹp khắp nơi.

Trời, Người hỏi Phật do nguyên nhân

nào mà có những điềm lành ấy.

Phật đáp vì có Bồ-tát Địa-tạng đến. 

Bạch Bồ-tát: 

Ngài là bậc mà chư Phật trong quá khứ, hiện

tại và vị lai đều khen ngợi và kính mến,

Ngài là chỗ mà chư Bồ-tát trong mười phương

đều quay về và nương tựa.

Con nhờ trước có gieo trồng duyên lành

cho nên nay mới được xưng tụng và đề cao

công đức chân thật của Ngài.

Ngài là hột giống Từ,

Ngài là Thiện dồn chứa,

Ngài là Lời Thệ cứu chúng sanh.

Ngài là chiếc gậy trong tay, đập phá cửa ngục

đùng đùng như tiếng sét,

Ngài là viên ngọc sáng trong lòng bàn tay, ánh soi

ba ngàn đại thiên thế giới.

Ngài là Vua Diêm ngồi trên ngai,

Ngài là Gương nghiệp đặt trước đài,

Ngài là chúa các bằng chứng rõ rệt về

công đức của chúng sanh cõi Nam Diêm Phù đề

Ngài là Lòng-Thương-Xót bao la,

Ngài là Lời Nguyện lớn,

Ngài là đấng Thánh Cao

Ngài là Lòng-Thương-Yêu tuyệt đối.

Ngài là Đại Bồ-tát Địa-Tạng, là cái Sẳn-Có đáng tôn đáng trọng nơi tôi.

Chắc quý vị đã nhận thấy sự sai biệt giữa hai bài dịch trước và sau. Xin đương cử một vài sai khác. 

a) Theo bản trước thì công-đức của Bồ-tát Địa-Tạng sâu dày như đất. Theo bản sau thì Bồ-tát là cái gì cứng rắn, sâu dày và hàm chứa tất cả như đất. 

b) Theo bản trước, Bồ-tát là đấng có lòng đại từ bi, đã góp tập nhân lành. Theo bản sau, Bồ-tát chính là cái Đại Từ-Bi, chính là cái Thiện được tích tụ

c) Theo bản trước Bồ-tát "rung tích trượng mở toang địa-ngục" và "nâng minh châu soi khắp đại-thiên". Theo bản sau, thì Bồ-tát chính là tích trượng, chính là minh châu

d) Theo bản dịch trước, Bồ-tát là nhân-chứng những công đức của chúng-sanh, trước đài "Nghiệp kính" và trước điện Diêm-vương. Bản dịch sau quả quyết Bồ-tát là Diêm-vương, là Nghiệp-Kính, là nhân-chứng cao cả nhất của công-đức chúng-sanh. 

e) Không phải Bồ-tát là đấng có lòng đại từ, đại bi... mà chính Ngài là Lòng Đại-từ, Đại-bi... 

Dịch hiểu theo lối sau, ắt phải làm phát sanh nhiều nghi-vấn. Phật dạy: Tiểu nghi, tiểu ngộ; đại nghi, đại ngộ (nghi ít, tỉnh thức ít; nghi nhiều, tỉnh thức nhiều). Cái nghi này là cái nghi của nhà triết-học (doute philosophique), của hàng trí thức không chịu tin càng tin bướng. Vậy những nghi-vấn ấy như thế nào? 

1. Giáo-Chủ cõi U-minh là gì? 

Đem ánh-sáng đạo-lý ra soi đường cho thế-nhân, gọi là Giáo-chủ. 

U-minh là nơi sâu kín tối tăm (ténèbres), cũng có nghĩa là địa-ngục (enfer). Tối tăm hay địa-ngục ám chỉ ngu-dốt vô-minh. 

Vậy Bồ-tát Địa-tạng là người đem ánh sáng vào chổ tối tăm, là tâm vô-minh của chúng sanh

2. Bổn-Tôn nghĩa là gì? 

Bổn là gốc (trái với ngọn), là vốn, là cái sẵn có, như vốn của nhà buôn là phần tiền của nhà buôn sẵn có, khi thiếu mới vay thêm. Cái gốc, cái vốn của chúng-sanh là cái mà Pháp-văn gọi là "le Soi" hay bản-thể, nếu muốn nói theo Hán-văn. 

Tôn là kính trọng

Vậy Bổn Tôn là Có Sẵn-Có đáng kính trọng nơi ta. 

3. Địa-Tạng nghĩa là gì? 

Bài Tựa đã trả lời câu hỏi này. Địa là ý nói cứng rắn, sâu dày, còn Tạng (cũng đọc la tàng, như nói tàng trữ) là ý nói ngậm chứa tất cả. 

Vậy vị Bồ-tát nói trong Kinh không phải là một nhân-vật lịch-sử như đức Phật Thích-Ca, mà là một nhân-vật tượng trưng (personnage symbolique) một tỷ-dụ (parabole, allégorie) để chỉ cái Bản-thể, cái "Soi" của chúng sanh. Bản-thể ấy thường được biết dưới cái tên là Tâm. 

Tâm vô hình, vô tướng, không ai đập phá được, do đó nói là cứng rắn. 

Tâm không thể dò lóng, đo lường được, cho nên nói sâu dày. 

Ngoài Tâm là cái vô cùng cực (l'illimité), không có một vật gì hết, hay không một vật nào có được ngoài cái vô-cùng, vô cực, cho nên nói ngậm chứa tất cả. 

4. Dựa vào đâu mà dám giải như thế? 

Xin thưa: dựa vào toàn bài Tựa chúng ta đang học và trọn bộ Kinhchúng ta sẽ học. 

Chúng ta hãy trở lại bài Tựa và tìm hiểu nghĩa ẩn của từng đọan. 

I. U-minh Giáo-chủ Bổn Tôn Địa-Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát ám chỉ Tâm mà ai cũng có, cho nên nói là sẵn có. Biết tôn trọng Tâm là người đã "minh tâm kiến tánh" và Tâm, trong trường-hợp này, là Giáo-chủ soi đường hắc ám (u-minh) cho mình. Các vị Thiền-sư dẹp qua một bên kinh sách và để hết thời giờ vào chỗ tiếp xúc với Tâm (tham thiền) hầu học hỏi với vị Giáo-chủ này. Lầm lẫn vì tâm, mà giác ngộ cũng nhờ Tâm. Trong khi bị u-minh che ám, muốn thấy đâu chân, đâu giả, đâu thiện đâu ác, hãy lắng lòng trong sạch sẽ thấy. Như thế Tâm không phải là vị Giáo-chủ trong cõi U-minh sao? 

II. Địa là đất, mà đất thì cứng rắn, sâu dày và dung chứa muôn loài muôn vật. Bất luận hột giống nào bỏ xuống đất là mọc. Vì vậy lấy đất mà thí-dụ cho Tâm (có chỗ Kinh dùng danh từ "tâm địa") [1]. Tâm vô hình, vô tướng làm sao đập vỡ được, cho nên nói là kiên (cứng rắn); cũng không thể dò lóng Tâm được. Tâm là một cái giếng không đáy, ai muốn đi sâu vào nội tâm đến đâu cũng được, vì vậy nói hậu (sâu dày); ngoài Tâm không có vật cho nên nói quảng hàm tàng (ngậm chứa rộng lớn, tất cả). 

III. Nam phương: chỉ Nam Diêm-phù-đề hay Ta-bà Thế-giới là thế-giới chúng ta đang ở đây. Nói Nam phương là chỉ chúng-sanh ta đây. Ở chúng-sanh nào mà có những đám mây thơm, mây đẹp, mây báu là những nhân Thiện-Mỹ-Chân, là có những đám mưa thơm, mưa đẹp, mưa báu tức là những quả Thiện-Chân-Mỹ. Nhân-quả ấy chỉ có được ở những người đã thức-tỉnh, đã trở về với Tâm, hay nói một cách khác, ở những người mà Chân-Tâm đã hiện, đã tới (Địa-Tạng Bồ-tát chí). 

IV. Tâm là Phật, Phật là Tâm, tại sao lại nói Địa-Tạng Bồ-tát - Đúng như thế, Tâm là Phật, Phật là Tâm, nhưng Tâm ở chúng-sanh chưa hoàn toàn thanh-tịnh như ở Phật, cho nên chưa gọi là Phật thật được. Tâm ở chúng-sanh thức-tỉnh là Tâm đang tu sửa như Bồ-tát đang tu sửa, cho nên ví Tâm này như Bồ-tát. 

V. Vì Bồ-tát Địa-Tạng tượng trưng cho Tâm, mà Tâm một khi hoàn toàn thanh-tịnh thì sanh Trí Bát-Nhã (sáng suốt tuyệt vời) cho nên chư Phật ba đời đều phải khen ngợi và kính mến (Tam thế Như-Lai đồng tán ngưỡng) - Trong Kinh Đại Bát-Nhã, Phật dạy: "Này Kiều-thi-Ca, ta nay đã thành Phật mà còn tuân theo Bát-nhã ba-la-mật-đa, ẩn náu và đứng vững nơi đây, hà huống những kẻ muốn cầu vô-thượng bồ-đề mà không hết lòng quay về và nương tựa vào đó để tinh cần tu học? (Kiều-thi-Ca, ngã dĩ thành Phật, thượng tuân như thị thậm thâm bát nhã ba-la mật-đa y chỉ nhi trụ, huống thiện-nam-tử đẳng dục cầu vô-thượng chánh đẳng bồ-đề, như bất ư thử chí tâm quy y, tinh cần tu học?). 

VI. Tại sao cũng đồng Bồ-tát như nhau, mà chư Bồ-tát trong mười phương lại cùng quy-y Bồ-tát Địa-Tạng? Chỉ vì Địa-Tạng là Tâm. Muốn thành Bồ-tát phải quy-y Tâm, Bồ-tát rồi mà muốn thành Phật, cần phải quy-y Tâm nhiều hơn, vì Tâm là Đại-Từ, Đại-Bi, Đại-Hỷ, Đại-Xả. 

VII. Phải là người đã trồng nhiều duyên lành trong tiền kiếp đời này mới chứng ngộ được Chân-tâm, mới thấy hiểu được thế nào là Đại-Từ, Đại-Bi... Có thấy hiểu như thế mới tán dương những công đức ấy của Tâm; bằng không thì theo thế nhân mà "tán dương" những mê lầm của tâm tham vọng

VIII. Chân-Tâm là Tâm Đại-từ, Đại-bi, cho nên nói Bồ-tát Địa-Tạng là nguyên-nhân, là hột giống của Lòng Từ (Từ nhân), là nơi tích tụ của những điều thiện (Tích thiện). Có từ, có thiện, tự-nhiên phải nghĩ thương đến người khác, đến chúng-sanh, như đức Phật lúc còn là hoàng-tử. Vì có nghĩ thương, nên mới "thệ cứu chúng-sanh", một lời thệ hết sức dũng mãnh đến thành một ý-chí cương nghị vô songSức mạnh đó là "dụng" (effet) của Tâm Từ-bi. 

IX. Lòng Từ của Phật quả đúng như vậy, nhưng Ngài phải nói lên một sự thậtSự thật ấy là Phật chỉ đường mà thôi, còn việc phá cửa ngục vô-minh để giải thoát; mỗi chúng sanh phải tự làm lấy. Phá bằng cách nào? Bằng cách dùng Tâm cương quyết đả phá mê mờ. Vậy Tâm là chiếc gậy sắt có khả năng đập phá cửa ngục, và phải đập đùng đùng như tiếng sét mới phá được. Nói một cách khác, phải có một ý-chí sắt đá (une volonté de fer). 

X. Nhưng ý-chí không, chưa đủ, phải có sáng-suốt phụ lực. Sáng suốt ấy là Trí Bát-nhã hay Trí-tuệ tuyệt vời (Intelligence supranormale), và Trí ấy do Tâm thanh tịnh làm phát sanh. Vậy Trí cũng là Tâm; vì vậy nên nói Bồ-tát Địa-Tạng là viên ngọc minh-châu sáng soi tam thiên đại thiên thế giớiMinh châu là thứ ngọc có khả năng chiếu sáng trong đêm tối thí dụ cho Trí-tuệ sáng soi lòng dạ vô-minh hắc ám của chúng-sanh. 

XI. Tâm chân-chánh là vị Diêm vương ngồi trên ngai xử tội. Ai biết tội lỗi của ta bằng ta, ai biết lòng ta bằng ta? Lòng ta là Tâm vậy. 

XII. Tâm ta cũng là đài gương để soi sáng những hành động thiện ác của ta. Tự vấn lương tâm (examen de conscience) là gì, há không phải ngó vào tấm gương lòng của ta để nhận thấy mọi "nghiệp" của ta? 

XIII. Ai làm chứng cho ta bằng ta. Biết bao công-đức âm thầm của những tâm-hồn cao cả mà thế-nhân không thấy, không biết? Thế nhân không biết mà lòng ta, Tâm ta biết. Do đây nói Bồ-tát Địa-Tạng là vị chúa chứng minh công-đức của chúng-sanh. 

XIV. Tâm chân chánh, là lòng Từ (Đại-Từ) lòng Bi (Đại-Bi), là nguyên nhân của lời thệ nguyện giải thoát giác ngộ (Đại-Nguyện), của sự thanh-tịnh (Đại-Thánh). 

Xin nói lại: không có Bồ-tát Địa-Tạng như một nhân-vật lịch-sử. Bồ-tát Địa-Tạng ở đây, tượng trưng cho Tâm quyết thoát ly địa-ngục tham, sân, si và những thống khổ, là Tâm thanh tịnh, sáng suốt, từ bi; là Tâm biết tự xét. 

Nếu tin có Bồ-tát Địa-Tạng thật và tin luôn rằng Bồ-tát có khả năng đập phá cửa ngục để giải thoát chúng sanh đắc tội, vậy luật nhân-quả, nghiệp-báo của Phật còn có giá trị nào? Và con người đâu cần "tự thắp đuốc lên mà đi" như đức Phật dạy, mà cứ tha hồ làm ác, miễn đừng quên kêu cầu với Ngài Địa-Tạng là Ngài sẽ cứu vớt cho... 

Chánh-Trí

[1] Trong Kinh Tâm-Địa Quán, quyển 8, có câu: "Tam giới chi trung, dĩ tâm vi chủ. Năng quán tâm giả, cứu cánh giải thoát. Bất năng quán giả, cứu cánh trầm luânChúng sanh chi tâm, do như đại địa, ngũ cốc ngũ quả, tùng đại địa sanh, như thị tâm pháp sanh thế xuất thế, thiện ác ngũ thú. Hữu-học, Vô-học, Độc-giác, Bồ-tát, cập ư Như Lai. Dĩ thử nhân duyên, tam giới duy tâm, tâm danh vị địa" - Dịch: Trong ba cõi (dục, sắc và vô sắc), tâm là chủ. Người quán sát được tâm, cuối cùng được giải thoát. Người không quán sát được tâm, cuối cùng chìm đắm vào biển khổ. Tâm chúng sanh giống như mặt đất, năm thứ lúa thứ trái, đều từ đất mà sanh, cũng như vậy, tất cả những lo nghĩ (tâm pháp) của chúng sanh còn kẹt trong thế-sự, hay đã vượt ra ngoài thế-sự, hoặc lành hoặc dữ, những ý niệm hướng về năm nẻo của lục đạo, những ý niệm của hạng Học, Vô học (A-la-hán), của hạng Độc giác, Bồ-tát, cho đến bậc Như-Lai, đều do tâm mà sanh. Bởi cớ, ba cõi chỉ do tâm và tâm được gọi là đất.

Tạo bài viết
07/06/2010(Xem: 60557)
09/06/2010(Xem: 33430)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: