11- Chương Viên Giác

05/06/201012:00 SA(Xem: 11725)
11- Chương Viên Giác

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG VIÊN GIÁC KINH LƯỢC GỈAI
Dịch giả: HT. Thích Giải Năng
Nhà xuất bản: Tôn Giáo PL. 2550 – DL. 2006

II. QUYẾT TRẠCH SÂU XA

BÀI THỨ MƯỜI HAI

 blank

blank

blank

blank

blank

 DỊCH NGHĨA

11- CHƯƠNG VIÊN GIÁC

a4- Phương tiện của Hạnh

b1- Lời thỉnh 

Khi ấy, ở trong Đại chúng, ngài Viên Giác Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, đi quanh bên hữu ba vòng, quỳ dài chắp taybạch Phật rằng : “Đại bi Thế Tôn ! Phật đã vì bọn chúng con rộng nói bao nhiêu phương tiện tịnh giác, khiến cho chúng sanh đời mạt được thêm lợi lớn. Thưa Đức Thế Tôn ! Chúng con nay đây đã được khai ngộ, nếu sau Phật diệt, chúng sanh đời mạt, người chưa được ngộ, làm sao an cư tu tập cảnh giới Viên giác thanh tịnh ? Ba loại Tịnh quán trong Viên giác này lấy đâu (pháp nào) làm trước ? Mong Đức Đại bi vì các đại chúngchúng sanh đời mạt, ban cho những lợi ích lớn”.

Nói lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất lập đi lập lại như vậy ba lần.

b2- Lời hứa

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo ngài Viên Giác Bồ-tát rằng : “Quý thay ! Quý thay ! Này Thiện nam tử ! Như các ông mới có thể hỏi nơi Như Lai phương tiện như thế, đem lại lợi ích cho các chúng sanh. Ông nay nghe kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói”.

Khi ấy, ngài Viên Giác Bồ-tát vui mừng vâng lời dạy bảo cùng các đại chúng yên lặng mà nghe.

b3- Lời đáp

c1- Hành tướng Đạo tràng

Này Thiện nam tử ! Tất cả chúng sanh hoặc Phật trụ thế, hoặc sau Phật diệt, hoặc thời pháp mạt có các chúng sanh đủ tánh Đại thừa, tin tâm Đại Viên giác bí mật (kín nhiệm) của Phật, khi muốn tu hành : Nếu ở già lam (chùa) vì có duyên sự trông coi đồ chúng, tuy phần quán sát, như Ta đã nói; nếu không còn có nhân duyên gì khác thì lập Đạo tràng, an trí chỗ tịnh (thanh tịnh); phải định kỳ hạn : Hoặc lập trường kỳ trăm hai mươi ngày; trung kỳ trăm ngày; hạ kỳ tám mươi ngày.

Như Phật hiện còn, phải Chánh tư duy; nếu sau Phật diệt, thiết trí hình ảnh, tâm ngưng mắt tưởng (Tâm ngưng tụ lại mắt nhìn mà quán tưởng), sanh lòng nhớ nghĩ một cách chơn chánh, y hệt những ngày Như Lai thường trú, treo các phan hoa, trải hăm mốt ngày, đảnh lễ danh hiệu mười phương chư Phật, ai cầu Sám hối, gặp cảnh giới tốt, tâm được khinh an, qua hăm mốt ngày, chuyên lo nhiếp niệm.

Nếu vào đầu hạ, an cư ba tháng, phải được cấm túc theo hạnh thanh tịnh của hàng Bồ-tát, tâm lìa Thanh-văn, không cần đồ chúng.

Đến ngày an cư, liền đối trước Phật, nói như thế này; “Con là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tên là… nương Bồ-tát thừa, tu hạnh tịch diệt, đồng vào trụ trì thật tướng thanh tịnh, lấy Đại Viên giác làm Già lam mình, thân tâm an cư trong Bình đẳng tánh trí, vì Tự tánh Niết-bàn không bị ràng buộc. Nay con kính xin, chẳng y Thanh-văn, chỉ y mười phương Như Lai và Đại Bồ-tát, an cư ba tháng là vì đại nhân duyên chuyên tu Bồ-tát Vô thượng Diệu giác, không cần ràng buộc bởi các đồ chúng”.

Này Thiện nam tử ! Đây là Bồ-tát thị hiện an cư, qua tam kỳ nhật muốn đi không ngại.

c2- Gia hạnh tu chứng

Này Thiện nam tử ! Nếu đời mạt pháp, chúng sanh tu hành cầu đạo Bồ-tát vào ba nhật kỳ, nếu kia chẳng phải tất cả cảnh giới của mình được nghe, hẳn không nên thủ.

Này Thiện nam tử ! Nếu các chúng sanh tu XA MA THA, trước thủ CHÍ TỊNH (rất vắng lặng) chẳng khởi tư niệm. TỊNH cực là GIÁC tịnh ban đầu như vậy, rồi từ nơi một thân đến một thế giới, giác cũng như thế. Này Thiện nam tử ! Nếu giác biến mãn cả một thế giới, trong một thế giới có một chúng sanh khởi ra một niệm, thảy đều biết hết; trăm ngàn thế giới cũng y như vậy. Nếu như chẳng phải tất cả thế giới của mình được nghe, hẳn không nên thủ.

Này Thiện nam tử ! Nếu các chúng sanh tu TAM MA BÁT ĐỀ, trước phải tưởng nhớ mười phương Như Lai, mười phương thế giới tất cả Bồ-tát, y mỗi mỗi môn, lần lượt tu hành Tam muội cần khổ, rộng phát đại nguyện, tự huân thành chủng. Nếu như chẳng phải tất cả cảnh giới của mình được nghe, hẳn không nên thủ.

Này Thiện nam tử ! Nếu các chúng sanh tu nơi THIỀN NA, trước giữ SỔ MÔN, trong tâm rõ biết niệm SANH, TRỤ, DIỆT chừng ngằn số lượng, như thế cùng khắp trong bốn Oai nghi, phân biệt niệm số thảy đều hiểu suốt, lần lượt tiến lên, cho đến biết được một giọt mưa trong trăm ngàn thế giới cũng như mắt thấy vật được thọ dụng. Nếu như chẳng phải tất cả cảnh giới của mình được nghe, hẳn không nên thủ.

Đây là phương tiện tối sơ của ba pháp quán, nếu các chúng sanh tu cả ba loại siêng làm tinh tấn, tức là Như Lai xuất hiện ở đời.

Nếu sau đời mạt, chúng sanh độn căn tâm muốn tầm đạo, chẳng được thành tựu, do nghiệp chướng xưa, phải năng sám hối, thường khởi hy vọng, trước đoạn yêu, ghét, ganh tỵ, dua nịnh, muốn tâm hơn lên. Ba loại tịnh quán tùy ý học một, quán này không được thì tập quán khác, tâm không buông bỏ, thứ lớp cầu chứng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này, nên nói kệ rằng :

Viên Giác ông nên biết !

Tất cả các chúng sanh,

Muốn cầu đạo Vô thượng,

Trước phải kết (hợp) ba kỳ,

Sám hối nghiệp từ trước (vô thỉ),

Trải qua hăm mốt ngày,

Sau mới Chánh tư duy.

Chẳng phải cảnh đã nghe,

Hoàn toàn không nên thủ,

Xa-ma-tha rất vắng (lặng),

Tam-ma-đề nhớ kỹ,

Thiền-na rõ sổ môn,

Ấy là ba tịnh quán.

Nếu hay siêng tu tập,

Gọi là Phật ra đời,

Kẻ độn căn chưa thành,

Thường phải chuyên tâm sám,

Tất cả tội vô thỉ,

Các chướng nếu tiêu trừ,

Cảnh Phật dễ hiện đến.

CHÚ THÍCH

Pháp mạt : Tức là mạt pháp, nhưng cuối đời mạt.

Già lam : Là tiếng Phạn, nói đủ là Tăng-già-lam-ma (Samgha(ra(ma) Trung Hoa dịch là Chúng Viên, là nơi vườn rừng của chúng Tăng ở, thường gọi là Tòng lâm tự viện.

Tư sát : Tư duyquán sát, cũng có thể nói : Dùng tư tưởng để quán sát, tức là tu tập Viên giác.

Đạo tràng : Tiếng Phạn gọi là Bồ-đề-mạn-noa-la (Bodhimandala) : Là chỗ Phật thành đạo. Đây chính là Kim cang tọa dưới cội Bồ-đề bên sông Ni-liên-thiền ở nước Ma-kiệt-đà thuộc xứ Ấn Độ.

Lại pháp thực hành để được đạo gọi là Đạo tràng, như ba mươi bảy phẩm trợ đạo chẳng hạn. Lại chỗ chứng Thánh đạo gọi là Đạo tràng.

Theo trong Kinh này thì chỗ kiến lập để tu Viên giác gọi là Đạo tràng.

Phan hoa : Tràng phantràng hoa (hay hương hoa) gọi là phan hoa.

Bình đẳng tánh trí : Một trong Như Lai tứ trí. Phàm phu chuyển ngã kiến của Đệ thất thức mà được trí này, vì do chứng cái lý tự tha bình đẳng, đối với Bồ-tát Sơ địa trở lên hiện ra thân độ Tha thọ dụng thường lợi ích thực hành hạnh Đại từĐại bi.

Theo trong Kinh Tâm Địa Quán quyển 2 thì : “Trí bình đẳng tánh do chuyển thức Ngã kiến mà được, vì thế có thể chứng tánh Tự tha bình đẳng nhị vô ngã”.

Trong Phật Trí Luận quyển 3 nói : “Bình đẳng tánh trí là quán tự, tha tất cả đều bình đẳng, thường tương ứng với Đại từ, Đại bi không bao giờ gián đoạn, thị hiện ra Thọ dụng thân độ, các thứ ảnh tượng, kiến lập Vô trụ Niết-bàn ở địa vị Phật, tùy chúng hữu tình ưa thíchthị hiện ra Tha thọ dụng thân độ các thứ ảnh tượng. Riêng Diệu quan sát trí thì không giống như trí này, nên gọi là Bình đẳng tánh trí”.

Trong Mật giáo thành lập năm trí thì Bình đẳng tánh trí còn được gọi là Quán đảnh trí, tức là trí của Bảo Sanh PhậtNam phương. Năm trí là : 

1- Thể Tánh Trí : Do chuyển Yêm-ma-la thức mà thành, tiêu biểu cho trí của Đại Nhật Như Lai, trụ ở bản vị thuộc về Trung ương.

2- Đại Viên Cảnh Trí : Do chuyển A-lại-da thức mà thành, tiêu biểu cho trí của A Súc Bệ Như Lai, thuộc về Đông phương, chủ về đức phát Bồ-đề tâm.

3- Bình Đẳng Tánh Trí : Do chuyển Mạt-na thức mà thành, tiêu biểu cho trí của Bảo Sanh Như Lai thuộc về Nam phương, chủ về đức tu hành.

4- Diệu Quan Sát Trí : Do chuyển Ý thức (Đệ lục thức) mà thành, tiêu biểu cho trí của A Di Đà Như Lai, thuộc về Tây phương, chủ về đức thành tựu Bồ-đề.

5- Thành Sở Tác Trí : Do chuyển Tiền ngũ thức mà thành, tiêu biểu cho trí của Bất Không Thành Tựu Như Lai, thuộc về Bắc phương, chủ về đức nhập Niết-bàn.

Tam kỳ nhật : Ngày ước định tu hành Viên giác, thành lập có ba hạn kỳ : 

1- Trường kỳ : 120 ngày.

2- Trung kỳ : 100 ngày.

3- Hạ kỳ : 80 ngày.

Gọi là Tam kỳ nhật.

Tư niệm : Tư tưởngý niệm, tức phân biệt hư vọng.

ĐẠI Ý

Chương này nói về “Nhập thủ phương tiện” tu tập Tam quánkiến lập Đạo tràng, ước định kỳ hạn, gia công tấn hạnh để cầu chứng nhập Viên giác của ba căn.

LƯỢC GIẢI

Bổn Kinh, nói về hạnh, trước có chương Phổ Hiền, Phổ Nhãn nêu lên những điều nghi ngờ để cầu xin thưa hỏi. Sau đó chương Oai Đức, Biện Âm phân rành đơn kép, đồng dị; nghĩa lý không còn chỗ nào ẩn khuất, chúng ta có thể theo đó mà thẳng đến cảnh giới Viên giác. Nhưng mà ngàn dặm lộ trình, chỉ vừa trở gót, thì Nhập thủ phương tiện rất cần có sự chọn lựa. Thí như muốn làm cái nhà, trước phải lo cho cái nền móng thật sự vững chắc, thì ngôi nhà mới mong kết quả.

Đại khái thì, những chỗ sâu xa của Pháp môn còn dễ quán thông, mà công phu thù đặc thay đổi ở nơi nhập thủ lại càng khó biện.

Bổn chương khai thị “Đạo tràng gia hạnh” chẳng những biết được nơi thân tâm dừng nghỉ mà ngay ở điểm quan hệ thiết bị và hoàn cảnh lúc bắt đầu tu, phải như thế nào cần được tỏ rõ; làm cho đời sau, những người cầu đạo tâm không còn vướng víu nghi ngờ. Bởi vì pháp môn của Kinh này là lúc nào cũng nhấn mạnh vào nơi khẩn yếu, đó chính là điểm đặc thù của pháp môn Viên giác, nên người phát lời thưa hỏi ở bổn chương phải là ngài Viên Giác Bồ-tát.

Bổn chương nói về “Nhập thủ phương tiện”, nên ý hỏi trong đoạn b1 là chú trọng ở điểm : “Nếu sau Phật diệt, chúng sanh đời mạt, người chưa được ngộ”. Lời hỏi gồm có hai ý : 

- Làm sao an cư tu hành Viên giác ?

- Ba loại tịnh quán dùng loại nào làm đầu ? 

Hỏi : “Làm sao an cư” có nghĩa là : Phải kiến lập Đạo tràng, an trí chỗ tịnh bằng cách nào mới được hợp pháp ?

Trong đoạn c1, từ : “Này Thiện nam tử ! Tất cả… đến… như Ta đã nói” là nói đến hạng người có lòng tin muốn tu Viên giác, nhưng vì bận việc lợi tha, như đang trụ trì một ngôi già lam (chùa), vì phận sự trông coi đồ chúng, nên không thể chuyên tu Tam quán một cách hoàn bị được, thì lại tùy sức tùy phầntư duy quán sát, như Phật đã nói ở chương Phổ Nhãn.

Nói : “Sau Phật diệt” đại khái là chỉ cho thời Chánh phápTượng pháp. Chữ Pháp mạt ở đây nghĩa như chữ “Mạt pháp” nhưng ý có đôi phần dị biệt. Nói “Mạt pháp” là chỉ cho cả ba thời mạt pháp là : “Mạnh, Trọng, và Quý”; còn nói Pháp mạt thì chỉ nói thời kỳ “Mạt của mạt” mà thôi, tức là “Quý mạt”, nghĩa là rốt thời mạt pháp”.

Nói : “Có các chúng sanh” là nói không cứ chúng sanh ở vào thời kỳ nào. Trong tất cả chúng sanh có một hạng người được tánh Đại thừa, ở đây bằng vào sự huân tập thành tánh mà nói, nghĩa là từ trước đã có chủng tử văn huân, đã đủ căn tánh tín tâm Đại thừa; tin cái tâm Đại viên giác bí mật của Phật. Tâm Đại viên giác này chính chúng sanh cùng Phật sẵn có, nhưng chúng sanh bị vô minh che lấp, tuy đầy đủ Viên giác mà chẳng tự biết, duy Phật mới có thể phát kiến, mới có thể chứng biết, mới có thể cùng tột và tưởng chừng như nó kỳ bí chỉ riêng mình Phật mới có thể được, nên gọi là : “Bí mật của Phật”. 

Nói “Bí mật” là đối với chúng sanh đứng về phương diện mê tình, chứ đứng về phương diện chư Phật thì trên cảnh Phật quả, Viên giác đã được hiển bày, tức nhiên không còn gì là bí mật cả.

Vả chăng, tâm Đại viên giác, tuy là chúng sanh cùng Phật đồng đủ, nếu không có chư Phật phát kiến thì nó hoàn toàn trở thành bí mật, vì nếu không đến địa vị Phật thì không thể chứng biết, nên nói rằng : “Tâm Đại viên giác bí mật của Phật”.

Người tin tuy tự mình chưa thể chứng biết, nhưng y giáo có thể chứng nhập. “Người muốn tu hành”, tức là phát tâm thượng cầu Giác đạo rồi sẽ từ sự khởi tu ở nơi hạnh Viên giác.

Trong đoạn này, từ : Thiện nam tử ! Tất cả… đến …khi muốn tu hành” là riêng chỉ một hạng người chưa ngộ.

Ý nói : “Trong tất cả chúng sanh, không luận là lúc Phật còn ở đời, hoặc sau Phật diệt, Chánh pháp, Tượng pháp cho đến thời Mạt pháp rất xa có một hạng người có được chủng tử văn huân từ kiếp trước, đã đủ căn tánh Đại thừa tuy chưa được ngộ Viên giác mà có thể tin tâm Đại viên giác bí mật của Phật, nay phát tâm muốn tu hành. Còn từ câu : “Nếu ở già lam… đến …như Ta đã nói” là kết thúc lời được trình bày ở trước. Nghĩa là hạng người này muốn tu hành, nếu phải trụ trì trong một ngôi chùa, do vì có nhân duyên trên, phải trong coi đồ chúng, bận rộn nhiều người, không thể chuyên tâm tu tập được, thì có thể tùy theo phần lượng mà khả năng của chính mình có thể làm được, đem ba loại pháp môn ra tư duy thể quán, như Ta đã nói ở chương Phổ Nhãn rồi.

Từ câu : “Nếu không còn có nhân duyên gì khác… đến …muốn đi không ngại” là nói đến việc an cư như thế nào để tu hành Viên giác.

Từ : “Nếu không còn có nhân duyên… đến …hạ kỳ 80 ngày” là chỉ rõ kỳ hạn Đạo tràng. Nói : “Nhân duyên khác” tức là chỉ cho việc “trông coi đồ chúng” ở trước và các việc lợi tha khác, cho đến khi gặp cơn “binh tản” ([1]) cũng gọi là “Nhân duyên khác”.

Chữ : “Đạo tràng” theo trong đây tức là chỉ cho trường sở hành đạo (chỗ tu hành). Nói : “Lập Đạo tràng” tức kiết giới đàn, chính là đứng về không gian mà lập giới hạn, “phải định kỳ hạn” là đứng về thời gian mà lập giới hạn.

Đã trang nghiêm KHÔNG GIAN lại quy định THỜI GIAN, chính là muốn cho không gian và thời gian đều có sự hạn chế, làm như vậy để tinh thần đủ hạn kỳ chuyên chú, thề chắc thành tựu. Như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lấy cội Bồ-đề làm Đạo tràng, và tự phát thệ nguyện : “Nếu Ta không thành Chánh giác thì không rời khỏi chỗ này”.

Lập kỳ hạn lâu, mau ngầm có hai ý :

1- Hạng thượng căn sức lực đầy đủ có thể chịu nổi được giới hạn trường kỳ 120 ngày, trung căn kế đó, có thể chịu đựng được trung kỳ 100 ngày; hạ căn sức kém, chỉ có thể chịu được hạ kỳ 80 ngày.

2- Hạng thượng căn trí lực linh mẫn (nhanh nhẹn), tu hạ kỳ 80 ngày có thể chứng được; trung căn thấp hơn, nên phải thêm hai tuần (20 ngày) nữa, tức là 100 ngày mới chứng được; còn hạ căn trí lực yếu kém phải 120 ngày, chịu khó cả một giai đoạn mới chứng được.

Nhưng theo ý Kinh văn, thì thành lập ba nhật kỳ đó là do Đức Thế Tôn quy định cũng có chỗ dụng tâm để tùy theo ý thích của mỗi người lựa chọn, nhưng có điều nên nhớ là chỉ định Hạ kỳ 80 ngày không thể nào bớt xuống ít hơn nữa và Trường kỳ 120 ngày không cần phải thêm nhiều lên nữa mà thôi.

“An trí chỗ tịnh” là trong vòng Đạo tràng tách riêng ra kết một tiểu giới, an trí một nơi tu hành sạch sẽ để khiến cho trong ngoài đều được thanh tịnh.

Từ câu : “Như Phật hiện còn… đến …chuyên lo nhiếp niệm” là nói về hành tướng bắt đầu tu tập. Đã thiết trí Đạo tràng lại lập kỳ hạn, thì có thể bắt tay vào việc tu tập.

Nói : “Như Phật hiện còn” tức là khi Phật còn trụ thế. Hành giả đã nhập Đạo tràng, không thể đi đến chỗ Phật để lễ bái, thì phải chánh niệm suy nghĩ, tưởng như Phật đang ở trước mắt, là sẽ được Phật hiện đến, bởi vì thân Phật biến tất cả chỗ, không vì không gian làm ngăn cách. 

Nói : “Nếu sau Phật diệt” thì không luận là trong thời Chánh pháp, Tượng pháp cho đến Mạt pháp, Phật đã không còn ở đời thì phải thiết trí hình tượng của Phật để làm chuẩn đích cho tâm mục chuyên chú vào, đối với hình tượng này, tâm giữ hình ảnh Phật, mắt nhìn quán tưởng Phật mà sanh khởi ra sự nghĩ nhớ chơn chánh. Nghĩ nhớ, như quán 32 tướng tốt của Phật tưởng nhớ không quên. 

Nói : “Tâm ngưng mắt tưởng” là vì tâm ngưng tụ mới khỏi tán động, mắt nhìn thấy mới có thể khởi tưởng được. Đây là hai yếu tố quan trọng trong pháp tu thiền

Hình tượng tuy bằng chạm khắc, tô đắp hay vẽ vời, nhưng cũng phải coi đồng với Phật hiện còn và đang ở trước mặt. Phải biết Pháp thân thường trú chẳng vì thời gian làm ngại, nên nói rằng : “Y hệt như những ngày Như Lai thường trú”.

Nói : “Treo các phan hoa” là chỗ Đạo tràng được thiết trí đó phải được treo các tràng phan và kết các loại hoa cho thật trang nghiêm, tốt đẹp để làm ngoại duyên.

Phải “Trải 21 ngày” là vì người mới bắt đầu, nền tảng của giới luật chưa được vững chắc, tâm chưa được thanh tịnh, chẳng thể vội vàng tu tập Định Huệ, nên dùng 21 ngày đầu vào đàn đó để lễ Phật sám hối. Sám là trừ khử tội trước, hối là thề chẳng tạo lại tội sau. 

Đảnh lễ mười phương chư Phật, chính là cầu mong Phật thương xót gia bị cho cái tâm sám hối của mình. Ở đây cũng như rửa bình cho sạch trước khi đựng món đề hồ. Trong hăm mốt ngày nhứt tâm thực hành như vậy, lý phải cảm ứng là tâm được tịnh. Như ở trong 21 ngày này mà được căn lành phát hiện, liền tự thấy tướng tốt, rồi tâm được khinh lợi an hòa. 

Nói : “Cảnh giới tốt” như là trong mộng thấy Phật, hoặc khi lễ thấy ánh sáng v.v… nên nói : “Gặp cảnh giới tốt tâm được khinh an”.

Đây là việc vào đàn 21 ngày đầu tiên; qua lần 21 ngày này thì có thể thẳng vào việc tu tập ba loại pháp môn, nên nói rằng : “Qua 21 ngày chuyên lo nhiếp niệm”.

Từ câu : “Nếu vào đầu hạ… đến …không cần ràng buộc bởi các đồ chúng” là nói trường hợp gặp đúng kỳ kiết hạ, không thể nhập chúng an cư không vì thế mà phạm luật

Nói : “Vào đầu hạ an cư ba tháng” là Phật dạy chúng xuất gia thường ngày đi hóa độ, ra ngoài đi khất thực, nhưng đến mùa hạ hơi nóng bốc lên làm cho mưa nhiều gây ra khó khăn trong việc đi đứng hóa độ, nên ba tháng mùa hạ, tập hợp một số người nhứt định, kiết giới an cư, đồng tu Thiền quán, còn tín chúng tại gia thì tùng sự cúng dường

“Đầu hạ” là mùa hạ vừa bắt đầu tức là ngày 15 tháng Tư đến ngày 15 tháng Bảy là ba tháng, nên nói rằng : “Đầu hạ an cư ba tháng”. Đến chừng ba tháng đã mãn, đại chúng xuất hạ thì tập hợp Tăng lại, mỗi người có lỗi tự mình thú nhậnphát lộ ra, cũng có thể chỉ bày những lỗi của kẻ khác với mục đích là để phát lồ sám hối, không che giấu, ấy gọi là Tự tứ.

Theo chế độ an cư trong luật có định rõ, Thanh-văn hẳn phải tuân giữ, còn Bồ-tát thì không phải bị ràng buộc bởi luật này, nay vì nói về kỳ hạn của pháp tu, nên phải có ít lời bàn đến cho được tỏ rõ.

Ý nói rằng : “Khi lập ra hạn kỳ chưa mãn, nếu gặp đầu hạ, tức là đã đến kỳ hạn an cư ba tháng của Thanh-văn, bấy giờ hành giả đã phát tâm Bồ-đề chuyên tu Viên giác, thì đó chính là pháp an cư của Bồ-tát, nó không bị ràng buộc bởi pháp an cư ba tháng hạ của Thanh-văn”.

“Cấm túc” chính là an cư. Vì Bồ-tát thì “Tâm tánh thanh tịnh” còn Thanh-văn thì “cảnh giới thanh tịnh” nên nói rằng : “Phải được cấm túc theo hạnh thanh tịnh của hàng Bồ-tát”.

Vì không cần phải bận tâm lo nghĩ đến Luật nghi của Thanh-văn quy định là tập chúng an cư, nên nói rằng : “Tâm lìa Thanh-văn, không cần đồ chúng”. Chỉ đến ngày đầu hạ, hành giả đối trước Phật (Phật điện hay bàn thờ Phật) tỏ bày lời nói để rõ ý mình là đủ.

Câu : “Con là Tỳ-kheo… đến …Ưu-bà-di, tên là…” là lời nói tỏ bày. Khi muốn bạch trước Phật thì phải tự xưng tên ra, như đã xuất gia : Hễ nam thì xưng : “Tỳ-kheo tên là…” còn nữ thì xưng : “Tỳ-kheo-ni tên là…” như còn tại gia : Hễ nam thì xưng : “Ưu-bà-tắc tên là…”, còn nữ thì xưng : “Ưu-bà-di tên là…”.

Ở đây vì an cư theo lối : Tùy thuận tâm tánh Bồ-đề thanh tịnh, không đồng với Tiểu thừa, nên cho hai chúng tại gia cùng được tham dự. Vì chỗ ta y cứ tu hành là pháp Đại thừa, nên nói rằng : “Nương Bồ-tát thừa”; cái hạnh được tu là “Chơn như vốn không sanh diệt”, nên nói rằng : “Tu hạnh tịch diệt”. Nói “Thật tướng” tức là “Chơn như thật tướng”, ở bổn Kinh là chỉ cho “Viên giác”. Vì khế nhập Viên giác mà làm pháp an cư, nên nói rằng : “Đồng vào trụ trì thật tướng thanh tịnh”. Ở đây giả định cho tánh Đại Viên giác là nơi chốn tu hành chứng quả của ta, nên nói rằng : “Lấy Đại Viên giác làm già lam mình”.

“Thân” là chỉ cho “Ngũ thức thân”, “Tâm” là chỉ “Đệ lục ý thức”. Đã trụ trì ở trong thật tướng thanh tịnh, tức là Ngũ thức không khởi vọng duyên ngoại trần; Đệ lục thức không còn vọng tưởng phân biệt, nên nói rằng : “Thân tâm an cư”. Ngã thức thân đã an, tức Thành sở tác trí, Đệ lục thức đã an, tức Diệu quan sát trí. Bình đẳng tánh trí là do Đệ thất chuyển thành Đệ thất thức chấp Đệ bát thức làm ngã, trái vớibình đẳng, cùng với Tiền lục thức như sóng phiền động, nay thì Tiền lục an cư, Đệ thất thức cũng chuyển làm Bình đẳng tánh trí, thì ba đào của Đệ thất đã hết phiền động mà Đệ bát thức cũng trở về với Thật tướng Chơn như; ở trong bốn trí đó là Đại Viên Cảnh Trí, cũng tức là “Tánh Đại Viên giác già lam của mình” vậy.

“Tự tánh Niết-bàn” tức là “Tự tánh Chơn như” không sanh không diệt, không bị câu thúc buộc ràng, nay xứng với Tự tánh Niết-bàn mà an cư, nên không giống như Tiểu thừa. Tiểu thừa an cư thì nhứt định phải giữ cái ý cho thanh tịnh tại một chỗ, nên bị bó buộc, còn Đại thừa an cư, thể theo Tự tánh Niết-bàn, không bị bó buộc, nên nói rằng : “Vì Tự tánh Niết-bàn không bị ràng buộc”.

Nay ta đối trước Phật cung thỉnh, chẳng y theo luật của Thanh-văn, ta nguyện cùng với mười phương chư Phật và các Bồ-tát đồng làm pháp an cư trong ba tháng. Ở đây sở dĩ không cần tụ hội đồ chúng, chính vì nhân duyên muốn tu Diệu hạnh Viên giác, do đó không câu tiểu tiết, nên nói rằng : “Vì Đại nhân duyên chuyên tu Bồ-tát Vô thượng Diệu hạnh, không cần ràng buộc bởi các đồ chúng”.

Từ câu : “Này Thiện nam tử ! Đây là… đến …muốn đi không ngại” là kết chỉ vẫn lấy ba nhật kỳ làm giới hạn. Vì Bồ-tát thị hiện an cư vốn không đồng với pháp an cư của Tiểu thừa y luật, nên không cần phải lấy đầu hạ đến ba tháng làm giới hạn, chỉ lấy kỳ hạn tự lập một trong ba nhật kỳ làm tiêu chuẩn; qua kỳ hạn này, dù chưa đến kỳ mãn hạ là ngày 15 tháng Bảy đi nữa, nhưng có thể tùy theo ý muốn của mình, ra đi chỗ này hoặc chỗ khác không bị ràng buộc bởi luật an cư kia, nên nói rằng : “Qua Tam kỳ nhật muốn đi không ngại”.

Đoạn c2 là nói hành giả chí quyết khắc kỳ, gia công dụng hạnh cố gắng mong cầu chứng quả làm sự nghiệp.

Trong đoạn này, từ câu : “Này Thiện nam tử ! Nếu đời Mạt pháp… đến …hẳn không nên thủ” là khuyên nhủ không nên chấp nhận tất cả cảnh là chứng ở trong Thiền quán, vì đó là ma cảnh.

Ở đây như trong Kinh Lăng Nghiêm Sao có dẫn câu chuyện như sau : 

Có một vị Thiền sư ở trong núi tọa thiền chợt thấy có một “hiếu tử” ôm một tử thi đến trước vị Thiền sư vừa khóc vừa bảo rằng : “Sao ông giết mẹ nuôi của tôi ?”.

Vị Thiền sư biết đó là ma, mới suy nghĩ, đây là ma cảnh, ta thử dùng búa chặt đứt may ra có thể giải thoát được chăng ? Nghĩ rồi liền lấy cây búa trên cột chặt cho một búa, người “hiếu tử” bỏ chạy. Sau đó vị Thiền sư cảm thấy trên áo mình bị thấm ướt mới xem lại thì thấy chỗ đó có máu chảy. Thật không ngờ là do mình tự chặt khi nãy !

Cũng có một vị Thiền sư khác, khi tọa thiền chợt thấy một con heo đi đến trước mặt, Thiền sư cho là ma liền nắm mũi heo dở lên và kêu to rằng : “Đem lửa lại đây !”. Chú tiểu nghe kêu chạy đến, lúc đó thấy Hòa thượng tự tay đang nắm mũi mình mà kêu.

Ở đây chỉ là do chính trong tâm của mình khi tọa thiền mà khởi ra, rồi cảm thấy ngoại ma đi vào. Do đây trong Kinh Lăng Nghiêm có nói 50 thứ ma thuộc về ngũ ấm để người tu thiền biết mà trừ diệt

Tuy chí quyết mong cầu chứng quả nhưng nếu tham lam chấp nhận tất cả cảnh giới, không biện chánh tà thì dễ chiêu lấy ma sự, nên chỗ chứng tất cần phải cùng với cảnh đã được nghe tương ưng mới gọi là chánh.

Nói : “Được nghe” tức là giáo pháp chính mình được nghe với Phật hoặc các vị Thiện tri thức, hay trong Kinh giáo đã chép.

Xét ra, người cầu đạo không ai là không nhân nơi nghe mà sanh tín, nhân nơi tín mà khởi tu, nhân nơi tu mà có chứng đắc, cho nên cảnh Sở chứng tức là cái quả của VĂN, TÍN và TU. Hạnh tu cũng tất cần phải cùng với sở văn tương ưng, nếu không tương ưng thì không luận là đã phát kiến ra tất cả cảnh giới thiện ác, đều là ma sự, nên nói rằng : “Nếu như chẳng phải tất cả cảnh giới của mình được nghe hẳn không nên thủ”.

Vì thế mà trước khi khởi sự tu chứng Đức Phật đã phải dạy răn cặn kẽ, thật cũng là một lý do chánh đáng vậy.

Từ câu : “Này Thiện nam tử ! Nếu các chúng sanh tu Xa-ma-tha… đến …hẳn không nên thủ” là nói về pháp tu CHỈ.

“Trước thủ chí tịnh” (rất vắng lặng) chính là nói khi tu CHỈ nhập thủ (bắt tay vào việc) bằng cách nào.

“Chẳng khởi tư niệm” chính là nói khi tu CHỈ phải dụng tâm ra làm sao.

“Tịnh cực là giác” tức là do lắng các vọng niệm mà tịnh huệ phát sanh, chính là cái tướng của quán này bắt đầu thành tựu. Xa-ma-tha (CHỈ) dùng TỊNH làm thể, lấy GIÁC làm dụng. Khi quán bắt đầu thành thì tướng TỊNH trên THỂ, trước từ một thân tịnh (lặng) rồi đến một thế giới tịnh; Giác cũng vậy, khi quán bắt đầu thành thì tướng GIÁC trên DỤNG cũng từ một thân giác rồi đến một thế giới giác. TỊNH cùng GIÁC tuy khác về lý thuyết, nhưng ước về Thể, Dụng thì không có quan hệ trước sau, vì khi một thân tịnh đương thể tức Giác, chính là một thân giác vậy.

Từ câu : “Này Thiện nam tử ! Nếu giác biến mãn… đến …trăm ngàn thế giới cũng y như vậy” là nói rõ về chỗ phát khởi công dụng, theo văn dễ nhận.

Trong Đại Sớ nói rằng : “Biết được niệm của chúng sanh là vì thế giới đã toàn thành Giác, chúng sanh toàn ở trong Giác, nên chúng sanh khởi niệm không đâu là không rõ thấu, như bóng hiện vào gương, gương chiếu không sót”. 

Từ : “Nếu như chẳng phải…” đến hết đoạn này là lời lập lại để khuyên răn chớ thủ vọng cảnh trong khi tu CHỈ.

Tóm lại : “Trước thủ chí tịnh” là y sanh diệt tâm, “Chẳng khởi tư niệm” là y thể yên lặng mà xoay hư vọng phân biệt trở về, tức là y Giác sanh Định; “Tịnh cực” là dứt hẳn phân biệt, niệm tịch không sanh. “Là Giác” là được Giác thể viên minh, tức là Định thành Giác hiển.

Từ câu : “Này Thiện nam tử ! Nếu các chúng sanh tu Tam-ma-bát-đề… đến …hẳn không nên thủ” là nói về pháp tu QUÁN.

Hai câu : “Trước phải tưởng nhớ… đến …tất cả Bồ-tát” là nói tu quán phải nhập thủ “bắt tay vào việc” bằng cách nào.

Trước tu CHỈ là quán VÔ TƯỚNG, nên trước “Thủ chí tịnh” (rất vắng lặng); nay tu QUÁN là quán HỮU TƯỚNG, nên “Trước phải TƯỞNG NHỚ tất cả chư Phật và tất cả Bồ-tát”. Nói “Y mỗi mỗi môn, lần lượt tu hành Tam muội cần khổ” là chỉ bày tu QUÁN phải dùng sức như thế nào.

Ở đây nói tu Quán thành tựu mà khởi ra tác dụng vì chương Oai Đức ở trước nói “Huyễn quán (Hữu quán) là đứng về tâm Đại bi hạ độ chúng sanh”, nay đây kiến lập Đạo tràng mà lại khắc kỳ tự tu, nên đó chính là đứng về hạng Đại trí thượng cầu mà nói, nhưng còn cần phải rộng phát Đại nguyện tự huân thành chủng, thì Đại bi hạ độ chúng sanh tự ở trong nguyện, hạn mãn đối duyên tức sẽ khởi ra dụng hóa độ chúng sanh.

Từ : “Nếu như chẳng phải…” đến hết đoạn này là lập lại lời khuyên không nên thủ lấy cảnh tà.

Tóm lại : Về tu QUÁN, “trước phải tưởng nhớ” là khởi tâm huyễn quán; “Mười phương Như Lai” là biến mãn Giác tâm; “Mười phương thế giới” là biến mãn Giác tướng; “Tất cả Bồ-tát” là biến mãn Giác hạnh. Đây là từ ba pháp Thể, Tướng, Dụng phi tức phi ly, lấy quán huyễn làm gốc.

“Y mỗi mỗi môn” là khởi các huyễn pháp; “Lần lượt tu hành” là thành tựu huyễn hóa; “Tam muội” là kham nhận (lãnh thọ) bất động, “Cần khổ” là dụng công độ sanh. Đấy là từ Thể, Tướng, Dụng xuất sanh các huyễn, lấy quán huyễn làm dụng.

Từ câu : “Này Thiện nam tử ! Nếu các chúng sanh tu nơi Thiền-na… đến …hẳn không nên thủ” là nói về pháp tu CHỈ QUÁN BẤT NHỊ

Câu : “Trước giữ Sổ môn” là trình bày pháp tu Thiền-na phải nhập thủ bằng cách nào. “Sổ môn” tức là pháp môn Sổ tức. “Trước giữ sổ môn” là nói người tu Thiền-na phải nhập thủ bằng pháp môn Sổ tức, chính là điều hòa hơi thở ra vào mà ghi nhớ rõ ràng cái số lượng của nó (pháp tu này nếu muốn biết tường tận nên nghiên cứu qua Lục diệu pháp môn của ngài Thiên Thai).

Câu : “Trong tâm rõ biết niệm Sanh, Trụ, Diệt chừng ngằn số lượng” là nói người tu Thiền-na phải dụng tâm cách nào. “Niệm Sanh, Trụ, Diệt”, Niệm là chỉ cho vọng niệm trong tâm; Niệm mới sanh là Sanh; Niệm đã sanh là Trụ, Niệm sắp diệt là Dị, Niệm đã diệt là Diệt. Trong tâm mỗi một niệm tất có đủ bốn tưởng : Sanh, Trụ, Dị và Diệt có thể quán sát. Trong Kinh văn không nói đến Dị vì có hai lẽ : 

1- Vì theo thể văn bốn chữ mà phải tĩnh lược nó đi.

2- Hoặc đem Dị quy nạp vào trong Trụ để thuận với ba đời (Quá khứ, hiện tạivị lai).

“Chừng ngằn” (Phần tể) là nói phần hạn dài, ngắn, lâu, mau của Sanh, Trụ, Dị, Diệt. “Số lượng” (đầu số) là nói về ranh giới nhiều ít của Sanh, Trụ, Dị, Diệt được rõ bày, ấy là đã ở vào trạng thái minh liễu (hiểu biết rõ ràng).

Câu : “Như thế cùng khắp… đến …thảy đều hiểu suốt” là chỉ bày cái tướng của quán này bắt đầu thành tựu.

Câu : “Lần lượt tiến lên… đến …vật được thọ dụng” là nói phát khởi sự dụng công.

Câu : “Nếu như… đến …hẳn không nên thủ” là lập lại lời răn không nên chấp thủ tất cả tà cảnh.

Bốn oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi.

Ý đoạn này nói : Người cầu đạo, nếu tu Thiền-na trước dùng “Pháp môn Sổ tức” mà nhập thủ, trong khi tịnh tọa điều hòa hơi thở, đếm hơi thở đó từ một đến mười. Nhân điều hòa hơi thở mà tâm được tịnh (sạch); nhân đếm hơi thở mà niệm được biết, nên trong tất cả vọng niệm thô, tế (Tam tế, Lục thô) có thể rõ được cái trạng thái Sanh, Trụ, Diệt của nó; chừng ngằn trước sau của nó; số lượng nhiều ít của nó.

Người mới tu dụng tâm trong khi tịnh tọa là như thế và khi quán này bắt đầu thành thì nó cùng khắp trong bốn oai nghi hằng ngày là đi, đứng, nằm và ngồi.

Nói một cách khác, ngay trong tất cả một cử một chỉ đều có thể phân biệt niệm Sanh, Trụ, Diệt và chừng ngằn số lượng của nó thảy đều rõ biết. Sau khi quán thành tựu lần lượt tăng tiến, dụng công đã đến, dù cho ở xa trăm ngàn thế giới đi nữa có một giọt mưa nhỏ bé đến đâu cũng có thể biết được. Ở đây không phải chỉ biết một cách mơ hồ, mà lại biết hết sức rõ ràng cũng như vật đang thọ dụng hiện ở trước mặt.

Từ câu : “Đây là phương tiện tối sơ… đến …Như Lai xuất hiện ở đời” là đáp thẳng câu hỏi : “Lấy pháp nào làm trước”. Nên biết trong ba mục trước chú trọng ở điểm chỉ bày “Nhập thủ phương tiện”.

Từ câu : “Nếu các chúng sanh… đến …xuất hiện ở đời” là nói tu cả ba loại Tịnh quán (tu cả ba loại gọi là viên tu ba loại). Trong khoảng khắc định kỳ hạn, nếu như khắp tu (Viên tu) Tam quán, siêng làm không bỏ, tinh tiến không lười, tức là hạnh Viên giác đã đủ. Người như thế gọi là “Quán hạnh tức Phật” nên nói rằng : “Tức là Như Lai xuất hiện ở đời”.

Đoạn chót từ “Nếu sau đời mạt… đến …thứ lớp cầu chứng” là đáp câu hỏi những người độn căn muốn tu Tam quán.

Người tu hành không được thành tựu là phần nhiều do nghiệp chướng đời trước, phải nên siêng năng tu pháp sám hối.

“Thường khởi hy vọng” tức phát nguyện thượng cầu, quyết tâm muốn chứng.

Vì “Yêu, ghét, ganh tỵ, dua nịnh” ngăn ngại đạo lực rất nhiều, nên phải trước đoạn trừ chúng nó, Đoạn hoặc sám nghiệp, tức là trừ khử nhân duyên chướng đạo. Nhân duyên chướng đạo đã trừ, tâm hy vọng lại thiết, tức có thể tùy mình tu tập một pháp ở trong ba pháp quán, nên nói rằng : “Tùy ý học một”. Như mình tu pháp môn này không thành tựu thì lại đổi tu pháp môn kia, nên nói rằng : “Quán này không được thì tập quán khác”.

Nói : “Tùy ý học một” có hai cách : 

1- CHUYÊN TU : Là ở trong một hạn kỳ chuyên tu một quán; kỳ hạn đã mãn mà không thành tựu, thì hạn kỳ kế đó lại tách riêng tu một quán khác.

2- TU THỬ : Là ở trong một hạn kỳ thử dùng một quán môn nào đó (một quán trong ba quán) tu tập, trải qua một số ngày tương đương với một hạn kỳ, tự biết pháp quán này chưa hợp, không kết quả được thì liền đổi tu một pháp quán khác. Như thế ba pháp quán xen lẫn tu tập không chút sụt lùi thì thời cơ được thuần thục tất được thành tựu, nên nói rằng : “Tâm không buông bỏ, thứ lớp cầu chứng”.




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/06/2010(Xem: 59934)
09/06/2010(Xem: 33245)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :