BỒ TÁT CÓ BỆNH
BIÊN SOẠN VỀ KINH DUY MA CẬT
Thích Nữ Như Đức
Chúc Lụy
1- Gởi gắm kỳ vọng vào tương lai
Chúc lụy là dặn dò giao phó gởi gắm. Vị Bồ-tát được Phật gởi gắm kinh này là Bồ-tát Di-lặc, vị Bồ-tát sẽ thành Phật tiếp theo đức Phật Thích-ca. Vị Bồ-tát này chủ trì của Duy thức, phân biệt rộng về những tầng tâm thức của chúng sanh. Tuy học hỏi phân biệt, nhưng rốt cuộc là để không còn lưu lại một chút gì phân biệt, đó mới là tánh thật của Duy Thức.
Hiện tiền lập
thiểu vật,
Phi thị Duy thức
tánh.
Muốn duy trì kinh này chúng ta cũng phải học hạnh Di-lặc, từ bi dung thông.
Đức Phật nói: Đời sau có những chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ưa thích đại pháp, nếu không nghe kinh này ắt là mất lợi ích lớn. Nếu những người như thế được nghe kinh này ắt là phát lòng tin, phát tâm hy hữu, sẽ lãnh thọ. Sau đó sẽ tùy chỗ lợi ích của chúng sanh mà giảng nói kinh này.
Như vậy đức Phật đã thổi một niềm tin vào tương lai, tin tưởng vào sự nghiệp lưu truyền chánh pháp được nối tiếp bởi vì luôn luôn còn có người tin hiểu. Lời dặn dò của đức Phật cũng đánh thức chúng ta tin vào khả năng của mình, dù đối với kinh điển Bất tư nghì cũng không mất phần tham dự.
2- Hai hạng Bồ-tát
Phật dạy tiếp có hai hạng Bồ-tát:
* Một là hạng ưa câu văn phức tạp hoa mỹ, hạng này là Bồ-tát Tân học.
* Hai là hạng không nhiễm không trước, không kinh sợ kinh điển thậm thâm, nghe rồi tin hiểu tu tập. Đó gọi là Bồ-tát đạo hạnh tu lâu.
Lại, về hàng Bồ-tát Tân học cũng có hai thái độ: Một là đối với kinh điển thậm thâm, khi nghe đến thì sanh nghi ngờ, chê bai chẳng tin. Đó là thái độ từ chối tiếp nhận nên không chịu tu tập để được lợi ích. Hai là đối với người hộ trì giảng thuyết kinh điển này, họ không gần gũi cúng dường mà trở lại chê bai nói xấu. Qua hai thái độ này thì thấy là không có lợi ích trên đường giải thoát vì có tính cố chấp.
Lại, có hai điều mà hàng Bồ-tát tiến bộ, tin hiểu pháp sâu mà vẫn làm tự hại mình: Một là khinh ngạo chỗ dở kém của Bồ-tát Tân học. Hai là tuy tin hiểu pháp sâu mà còn chấp tướng phân biệt. Bồ-tát tu lâu phải biết hai điều này để từ bỏ, và tiến đến Vô sanh pháp nhẫn.
Như thế dù mới học hay tu lâu vẫn có những thứ bệnh cần trừ dẹp, đó là Phật cho thuốc để ngừa bệnh về sau.
3- Bồ-tát phát nguyện
Nghe Phật dạy xong, Bồ-tát Di-lặc phát nguyện lìa xa những lỗi đã nêu trên và dùng sức thần của mình giúp đỡ hộ trì chúng sanh đời vị lai được gặp, nghe, thọ trì kinh điển này.
Các vị Bồ-tát trong hội cũng đồng nguyện ủng hộ lưu bố kinh này trong mười phương.
Các trời Tứ thiên vương – còn gọi là những vị trời hộ đời – cũng nguyện ủng hộ an lành cho những ai thọ trì kinh này.
Chính nhờ những sức hộ trì, những lời nguyện lành này mà chúng ta cũng còn được nghe, được gặp bản kinh thậm thâm này.
Có thiền khách
hỏi thiền sư:
- Ý nghĩa thâm sâu
của thiền là gì?
Sư nói:
- Thiền không che
giấu gì với ông.
- Tôi vẫn chưa
hiểu.
Sư bảo khách đi
theo mình ra sau núi và hỏi:
- Ông có nghe mùi
hoa quế không?
Khách còn ngẩn
ngơ. Sư tiếp:
- Thấy chưa, ta
không che giấu một điều gì.
Không có gì bí mật che giấu, như hoa quế vẫn thơm tự xưa nay, chỉ chúng ta không nghe ra được sự mầu nhiệm của Kinh.
A-nan hỏi Phật: “Kinh này tên là gì?” Phật dạy: “Kinh này tên Duy Ma Cật Sở Thuyết, cũng còn gọi là Pháp Môn Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì. Hãy thọ trì như vậy”.