Đây là Giới Thứ Nhất:
Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin
nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý
thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo
nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát
khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ,
nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.
Đây là Giới Thứ Hai:
Ý thức được những khổ đau do kiến chấp và vọng tưởng gây ra, con xin nguyện
thực tập để phá bỏ thái độ hẹp hòi và cố chấp, để có thể cởi mở và đón nhận tuệ
giác và kinh nghiệm của người khác. Con biết rằng những kiến thức hiện giờ con
đang có không phải là những chân lý bất di bất dịch, và tuệ giác chân thực chỉ
có thể đạt được do sự thực tập quán chiếu và lắng nghe, bằng sự buông bỏ tất cả
mọi ý niệm mà không phải bằng sự chứa chấp kiến thức khái niệm. Con nguyện suốt
đời là một người đi tìm học và thường trực sử dụng chánh niệm để quán chiếu sự
sống trong con và xung quanh con trong từng giây phút.
Đây là Giới Thứ Ba:
Ý thức được những khổ đau do sự cưỡng bức kẻ khác vâng theo ý kiến của mình, con
nguyện không ép buộc người khác, kể cả trẻ em, theo quan điểm của con, bằng bất
cứ cách nào: uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục
nhồi sọ. Con nguyện tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và sự tự do nhận thức
của họ. Tuy nhiên con biết con phải dùng những phương tiện đối thoại từ bi và
ái ngữ để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.
Đây là Giới Thứ Tư:
Ý thức rằng tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát
khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ, con nguyện không trốn tránh
thực tại khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc
sống. Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của
họ và để giúp đỡ họ. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm
thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung
quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới. Con biết
rằng sự thật thứ tư là đạo đế chỉ hiển lộ khi nào con quán chiếu và thấy được
tự tánh của sự thật thứ nhất là khổ đế, và con sẽ luôn luôn nhớ rằng mục đích của
sự tu tập là chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc.
Đây là Giới Thứ Năm:
Ý thức rằng hạnh phúc chân thực không thể đạt tới được bằng tiền tài và danh
vọng mà chỉ thật sự có mặt khi nào các yếu tố an ổn, vững chãi, thảnh thơi và
từ bi có mặt, con nguyện không tích lũy tiền bạc và của cải trong khi nhiều
người đang đói khổ thiếu thốn, không đặt danh vọng, quyền hành và sự hưởng thụ
dục lạc làm mục tiêu của đời mình. Con nguyện tập sống giản dị và học chia sẻ
thì giờ, khả năng và tài vật của mình với những kẻ thiếu thốn.
Đây là Giới Thứ Sáu:
Ý thức được rằng sân hận và oán thù có tác dụng cắt đứt truyền thông giữa người
với người và tạo ra đau khổ cho cả hai phía, con nguyện học hỏi phương pháp
chăm sóc và đối xử với năng lượng sân hận và oán thù khi chúng phát khởi trên ý
thức con và phương pháp quán chiếu để nhận diện và chuyển hóa hạt giống của sân
hận và oán thù trong chiều sâu tâm thức con. Con nguyện tập luyện để mỗi khi
cơn giận hoặc sự bực tức phát khởi, con sẽ không nói gì và làm gì cả mà chỉ thực
tập hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành ngoài trời để chăm sóc tâm niệm sân
hận và oán thù của con bằng năng lượng chánh niệm và để nhìn sâu vào bản chất
của các tâm niệm sân hận và oán thù ấy. Con cũng nguyện sẽ học hỏi nhìn sâu vào
tự tánh của người mà con nghĩ đã gây nên tâm niệm sân hận và oán thù của con và
để có thể nhìn được người ấy bằng con mắt từ bi.
Đây là Giới Thứ Bảy:
Ý thức được rằng sự sống chỉ có thể thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, và
ta chỉ có thể sống an lạc ngay trong giây phút ấy, con nguyện tập luyện để có
thể sống sâu sắc từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày của con. Con nguyện
không để cho những hối tiếc về quá khứ, những lo lắng về tương lai và những
tham dục, giận hờn và ganh tỵ đối với những gì đang xảy ra trong hiện tại lôi
kéo con và làm cho con đánh mất sự sống mầu nhiệm. Con nguyện thực tập giáo lý
hiện pháp lạc trú, sử dụng hơi thở và nụ cười chánh niệm để tiếp xúc với những
gì mầu nhiệm, tươi mát và lành mạnh trong con và chung quanh con, để liên tục
gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống an lành, hiểu biết và thương yêu trong
con, làm động lực chuyển hóa chiều sâu tâm thức và đi tới trên đường thành tựu
đạo nghiệp.
Đây là Giới Thứ Tám:
Ý thức được rằng những khó khăn trong việc truyền thông giữa người với người
luôn luôn đưa tới ngăn cách và khổ đau, con nguyện thực tập lắng nghe bằng tâm
từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ. Con nguyện học hạnh lắng nghe chăm chú mà
không phán xét và chỉ trích và không nói ra bất cứ một lời nào có thể tạo nên
sự bất hòa trong đoàn thể và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Con nguyện tu tập để
tái lập sự truyền thông giữa con và mọi người khác, và đề giúp giải quyết mọi
vụ bất hòa, dù lớn dù nhỏ.
(Làng Mai) Thứ tư, 21 Tháng 1 2009 21:56
Chú thích riêng của Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen:
Trên đây là 14 Giới Tiếp
Hiện do Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh sáng tác vào đầu thập niên 1960 tại Sài Gòn
Việt