Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (11)

21/09/20145:35 SA(Xem: 10804)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (11)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (11)


Hủy bỏ chính sách tệ hại 
Trong khoảng niên hiệu Tuyên Đức triều Minh, triều đình thường sai thái giám đưa người sang phương Tây tìm châu báu, tiêu tốn tiền bạc nhiều vô kể, lại khiến cho vô số người phải bỏ mạng trên đường. Đến thời vua Anh Tông niên hiệu Thiên Thuận, có người tâu lên vua xin lặp lại. Hoàng đế liền hạ lệnh cho Binh bộ Thượng thư là Hạng Trung tìm lại quyển sách ghi việc ấy để thực hiện. Bấy giờ, Lưu Đại Hạ đang giữ chức Lang trung, liền lẻn vào thư khố trước giấu sách đi, các quan lại đến sau không tìm được gì, việc ấy cuối cùng phải bãi bỏ. Về sau, Thượng thư Hạng Trung đem việc sách bị mất ra khiển trách các quan thuộc cấp, Lưu Đại Hạ liền cười mà nói rằng: “Ấy là chính sách tệ hại. Ví như sách ấy hiện còn cũng nên hủy đi để trừ bỏ cho tận gốc, huống chi lại còn truy hỏi sách còn hay mất để làm gì?”
Hạng Trung nghe nói hoảng sợ, tạ lỗi rồi nói rằng: “Âm đức của ông quả là cảm động thấu trời. Chức quan của tôi nên thuộc về ông mới đúng.”
Quả nhiên về sau Lưu Đại Hạ làm đến chức quan Thái Bảo Đại Tư Mã, con cháu nhiều đời sau cũng đều được vinh hiển phú quý. 
Lời bàn
Cứ theo như việc làm của Lưu Đại Hạsuy rộng ra cho đầy đủ thì những sách vở thế gian có hại cho người đều nên hủy đi, mà trong đó nguy hại nhất là những tiểu thuyết khiêu dâm, những sách hủy báng Phật pháp. 
Thường bình ổn giá lương thực 
Lúc Trương Quai Nhai làm quan tri phủ tại đất Thành Đô, một hôm nằm mộng thấy Tử Phủ Chân quân mời đến gặp mặt. Đến nơi chưa được bao lâu chợt nghe tiếng báo rằng: “Có Hoàng Kiêm Tế ở cửa thành phía tây đến.” Liền thấy một đạo nhân chít khăn trên đầu bước vào, Tử Phủ Chân quân dùng lễ tiếp đón người ấy hết sức cung kính
Sáng hôm sau, Trương Quai Nhai sai người đến cửa thành phía tây, quả thậtđạo nhân tên Hoàng Kiêm Tế, liền mời vào gặp mặt, hóa ra rõ ràng giống hệt như người đã gặp trong mộng. Trương Quai Nhai liền gạn hỏi đạo nhân xem bình sinh thường làm những việc thiện gì. Đạo nhân đáp rằng: “Tôi thật cũng chẳng làm được gì nhiều, chỉ mỗi năm vào mùa lúa chín đều bỏ ra 300 quan tiền mua lúa trữ lại, đến năm sau khi còn chưa đến mùa lúa chín, dân nghèo phần đông rất khó kiếm đủ miếng ăn, tôi liền bán số lúa ấy ra vẫn nguyên giá cũ. Như vậy phần tôi cũng chẳng mất mát gì, mà đối với dân nghèo lại được cứu giúp qua cơn nguy cấp. Tôi chỉ làm được mỗi một việc như thế mà thôi.”
Trương Quai Nhai nghe xong hết sức cảm phục tán thán, sai người thỉnh đạo nhân ngồi lên tòa cao rồi tự mình cung kính thi lễ. 
Lời bàn
Việc giữ bình ổn giá lương thực như thế, nơi nào cũng có thể làm theo. Chỉ cần một nơi dân chúng được hưởng ân huệ, bốn phương đều nên noi theo đó mà làm. 
Làm thiện tích phước
Giảng rộng
Những gì người thế tục tích lũy được, có những thứ người khác có thể cướp đoạt, mà bản thân mình không thể mang theo khi chết. Lại có những thứ người khác không thể cướp đoạt, nhưng bản thân mình cũng không thể mang theo khi chết. Lại có những thứ mà mình có thể mang theo khi chết nhưng người khác không thể cướp đoạt. 
Vàng bạc châu báu, nhà cửa ruộng vườn... đó là những thứ người khác có thể cướp đoạt, mà ta không thể mang theo khi chết. Học thức uyên bác, tài năng xuất chúng, đó là những thứ người khác không thể cướp đoạt, nhưng ta cũng không thể mang theo khi chết. 
Còn nói về những thứ mà ta có thể mang theo khi chết nhưng người khác lại không thể cướp đoạt, thì không gì khác hơn chính là những việc thiện đã làm, phước đức đã tạo. Làm thiện đạt đến mức cao nhất thì có thể giúp cho tổ tiên bảy đời đều được siêu thăng, thần thánh đều ủng hộ; tích phước đến mức cao nhất thì có thể khiến cho các nạn lửa cháy nước trôi đều không làm hại đến. 
Làm việc thiện chính là nền tảng của sự tu phước, mà phước đức có được lại chính là sự cảm ứng từ việc làm thiện. Nếu chỉ tu phước mà không tu trí huệ, mỗi khi hưởng phước lại nhân đó mà tạo thêm nghiệp xấu. Nếu chỉ tu trí tuệ mà không tu phước, e rằng đời sau phước mỏng, cuộc sống phải chịu nhiều khó khăn thiếu thốn
Xưa vào thời đức Phật Ca-diếp tại thế, có hai anh em nhà kia đều xuất gia làm sa môn. Người anh trì giới tham thiền, hết lòng cầu đạo, nhưng không tu hạnh bố thí. Người em lại siêng tu phước nhưng thường phạm vào giới luật. Về sau, khi đức Thích-ca Mâu-ni thành Phật, người anh chứng đắc quả vị A-la-hán, nhưng vì chưa từng tu phước nên thường đói thiếu, ăn chẳng được no. Người em do thường phạm giới nên phải sinh làm con voi. Tuy nhiên, do đời trước thường tu phước nên tuy sinh vào loài súc sinh lại được đức vua yêu thích, thường cho mang trên thân đầy những thứ vòng ngọc châu báu, lại ban cho thực ấp đến trăm hộ, thức ăn thường dư dật. Cho nên nói rằng: “Tu phước không tu huệ, thân voi mang chuỗi ngọc. Tu huệ không tu phước, La-hán thường đói thiếu.”
Chỉ duy nhất đức Phật được tôn xưng là bậc Lưỡng túc tôn, ấy là vì cả hai mặt phước, huệ của ngài đều đầy đủ. 
Trưng dẫn sự tích
Tạo lập nhiều ruộng nhân nghĩa 
Vào đời nhà Minh, ở huyện Hoa Đình có người tên là Cố Chánh Tâm, tên tự là Trọng Tu. Cha ông là Cố Trung Lập làm quan Tham Nghị ở Quảng Tây. 
Chánh Tâm thích làm việc thiện, thường quyên góp đến số 104.700 lượng bạc, mua ruộng đến 40.800 mẫu, dùng vào việc giúp đỡ người khác, gọi là nghĩa điền. Những ruộng ấy nằm phân tán trong 2 huyện Hoa Đình và Thanh Phố, lợi tức thu hoạch được đều dùng để cung cấp các khoản sưu dịch thuế má cho nhà nông gặp khó khăn, giúp họ không rơi vào cảnh khốn cùng.
Một năm nọ, vào khoảng gần cuối năm, có quan tuần tra đến phủ Tùng Giang, hạ lệnh nghiêm cấm người dân vào lúc giao thừa không được nhóm lửa, đốt pháo... Có người dân trong phố vi phạm lệnh cấm, quan sai người đến bắt, lại bắt nhầm Cố Chánh Tâm giam vào ngục. Nhân đó ông gặp được những tù nhân bị rách rưới rét lạnh, liền cấp phát quần áo cho; gặp những người đói khát, liền cấp phát cơm gạo; những người phạm tội có thể chuộc bằng tiền, liền xin nộp tiền thay cho họ; khiến cho trong nhà ngục được cứu ra hết gần như trống rỗng. Chánh Tâm lại còn giúp tiền để tu sửa lại nhà ngục. Ông thường thi ân cho rất nhiều người dù biết họ không có khả năng báo đáp
Sau khi ông chết, các quan địa phương đem những việc làm tốt đẹp ấy báo lên triều đình, Hoàng đế ban chỉ hết lời khen ngợi, cho được đưa vào thờ tự chung với các bậc tiền nhân hiền đức của địa phương. 
Lời bàn
Đời nhà Tống, Phạm Trọng Yêm mua ruộng để sử dụng hoa lợi thu hoạch vào việc giúp đỡ người trong họ Phạm, gọi là nghĩa điền, để lại tiếng thơm muôn đời. Nhưng nghĩa điền của họ Phạm chỉ giúp đỡ cho người cùng họ Phạm, không giúp được đến những người khác họ; ruộng ấy cũng chỉ khoảng trăm mẫu, không nhiều đến số hơn bốn mươi ngàn. Việc làm cao đẹp của Cố Chánh Tâm vượt xa người đi trước, thật hết sức phi thường. Cứ theo như phước báo của việc làm ấy mà xét thì hiện nay nhất định ông đang thọ sinh nơi cung trời Lục dục, bay lượn tự tại giữa không trung, thọ hưởng an lạc vô cùng tận
Một mình đảm nhận việc nghĩa 
Vào đời nhà Minh, tại Hồ Châu thuộc tỉnh Triết Giang có người tên Từ Nhữ Huy, nhà giàu có, thích làm việc bố thí giúp người. Bấy giờ, có ngôi chùa ở Hàng Châu tổ chức giới đàn, phí tổn rất lớn, quan viên cả hai ty Bố chánh và Án sát cùng họp lại, kêu gọi các nhà hào phú ở địa phương phát tâm đóng góp. 
Từ Nhữ Huy tự nguyện xin được một mình lo liệu tất cả. Vị Hiến trưởng là Dương Kế Tông gạn hỏi vì sao ông làm như vậy, Từ Nhữ Huy đáp: “Người ta dẫu có tích lũy được sản nghiệp, nếu có đứa con hư hỏng, ắt rồi tất cả cũng sẽ về tay người khác, sao bằng đem dùng vào việc tốt đẹp vượt trội này, đời sau sẽ mãi mãi được thọ hưởng phước báo? Huống chi tiền tài là đầu mối tụ tập oán thù, con tôi không có tiền tài thì không phải nhận lãnh oán thù, hẳn sẽ được người thương yêu.”
Nhữ Huy hiến cúng một ngàn nén bạc. Quan chức hai ty Bố chánh và Án sát đều ngợi khen sự sáng suốt hào phóng của ông, đặc biệt thiết đặt chỗ ngồi danh dự nơi hậu đường mời ông đến, tất cả quan thuộc đồng liêu cùng tụ họp chiêu đãi, lại kính tặng ông một bức trướng lụa và đưa tiễn về đến tận nhà. Ai nghe đến việc này cũng đều kính phục, ngưỡng mộ. 
Lời bàn
Kinh Đại Bảo Tích dạy rằng: “Nếu ta không bỏ được tiền tài, tiền tài cũng sẽ bỏ ta. Nay ta nên xả bỏ tiền tài giả tạm, nên tạo tác tài bảo bền vững.” 
Từ Nhữ Huy làm như thế chính là đã tạo tác tài bảo bền vững
Bố thí không mệt mỏi
Vào cuối đời nhà Minh, vùng Triết Giang có người họ Sử thích làm việc thiện, thường bố thí giúp người, lại rất hoan hỷ tổ chức trai tăng cúng dường. Bấy giờ có vị tăng hiệu là Đại Thành, thường xuống núi hóa duyên rồi mang về chùa cúng dường chúng tăng. Đường về chùa đi ngang qua nhà họ Sử, hôm nào thấy hòa thượng quay về cơm không đầy bát, Sử quân lập tức vào nhà lấy cơm thêm vào cho đầy. Cứ như vậy trải qua nhiều năm, chưa bao giờ sinh lòng chán nản mỏi mệt. 
Ngày kia, người vợ của Sử quân sắp đến ngày sinh nở, bỗng thấy hòa thượng Đại Thành đến nhà, xăm xăm đi thẳng vào phòng phu nhân. Mọi người nhìn thấy đều lấy làm kinh dị, vội đuổi theo vào thì không tìm thấy gì cả. Sau đó, phu nhân hạ sinh một bé trai. Sử quân cấp tốc sai người lên chùa dò hỏi về hòa thượng Đại Thành, mới hay trong cùng ngày hôm đó ngài đã viên tịch. Sử quân nhân đó liền đặt tên cho con trai là Sử Đại Thành. Đứa bé hết sức thông minh, từ lúc ở trong thai đã khiến người mẹ chỉ ăn toàn thức ăn chay lạt. Khi trưởng thành, văn chương ngày càng trác tuyệt phi thường. Đến khoảng niên hiệu Thuận Trị thì thi đỗ Trạng nguyên. 
Lời bàn
Chỉ biết làm việc thiện mà không tin Phật pháp, cách tu phước như vậy, bậc thức giả xem là đầu mối oan nghiệp của đời thứ ba. Vì sao vậy? Vì nhân việc làm thiện đó, trong hai đời được hưởng phước báo ắt không tránh khỏi tạo ra nhiều tội nghiệt, đến đời thứ ba hẳn phải nhận lãnh nghiệp báo khổ đau. Sử quân vốn là người trong Phật pháp, nên tuy được hưởng phú quý vinh hoa vẫn không vì thế mà đắm say mê muội
Chính trực thay trời hành đạo, dạy người
Giảng rộng
Nói “chính” tức là không có gì tà vạy, sai trái; nói “trực” tức không có gì yểm khúc, quanh co tránh né. Cho nên, chính trực là chuẩn tắc của đạo trời. Người tầm thường mà có thể hành xử chính trực, đó chính là thuận theo lòng trời mà dạy dỗ người khác, đâu cần phải là kẻ ngồi ở ngôi cao soi xuống muôn dân? Nếu muốn thay trời hành đạo, không cần phải là kẻ nắm quyền cai trị hoặc có nhiều thế lực, vì dẫu muốn cũng không thể có được. Thay trời hành đạo dạy người, chính là thuận theo trời đất mà cải hóa vạn vật, cùng dự vào với trời đất mà thành một trong ba thành tố của vũ trụ: thiên, địa, nhân. Muốn vậy thì trước hết phải chú tâm nỗ lực ở một chữ “hành”. Trong chữ “hành” đó, tất nhiên đã bao hàm hết thảy những việc kinh doanh, trù tính, kế hoạch, tùy thời mà biết sắp xếp, ứng dụng cho thích hợp. Bình tâm xét kỹ ý nghĩa của câu tiếp theo bên dưới: “mở rộng lòng từ, vì nước cứu dân”, thì đó cũng chính thật là thay trời hành đạo dạy người, nhưng lại có vẻ như chỉ muốn nói riêng với hàng quan gia khanh tướng đang giữ chức quyền. 
Những người khi sống thông minh chính trực, sau khi chết ắt sẽ là bậc thần linh, lý lẽ ấy đối với thế gianchắc chắn. Lại nói theo thế tục thì đó gọi là siêu thăng, nhưng dùng sự thấu hiểu sáng suốt mà quán xét thì đó chính là đọa lạc. Ấy là vì người thế tục chỉ biết đời thứ hai mà không biết được đến đời thứ ba sau đó. Một khi đã là thần linh, tất phải thọ hưởng những phẩm vật cúng tế, mà phần nhiều là do người đời sát sinh hại vật mà dâng cúng. Đã thọ hưởng những thứ ấy, ắt đời sau không tránh khỏi đọa vào các cảnh giới địa ngục, súc sinh, chỉ là việc đến ngay trong khoảng chớp mắt mà thôi. Cho nên, trong lúc thay trời hành đạo dạy người, phải luôn cảnh giác với mối nguy hiểm tiềm tàng là tái sinh vào cảnh giới thần linh, phải gấp rút cầu sinh Tịnh độ, xác lập rõ ràng định hướng cho đời mình. Phải thường xuyên phát khởi thệ nguyện rộng sâu, dựa vào đó mà làm kiên cố thêm nền tảng tâm đạo Bồ-đề, có như vậy thì mới tránh được mối nguy đọa lạc vào cảnh giới xấu ác. 

Ngày ngày đều mong cho người khác làm được nhiều việc thiện, tích âm đức, đó là thuận lòng trời. Một lòng lo lắng, chỉ sợ người khác rơi vào lầm lạc, tạo tác những nghiệp xấu ác, đó cũng là thuận theo lòng trời. Người ngu mê chỉ nhìn thấy khoảng không gian xanh thẳm trên cao kia mà cho đó là trời, đâu biết thật có những vị trời như ở các cõi Tứ vương thiên, Đao-lợi thiên, mỗi ngày đều quan sát theo dõi những việc làm thiện, ác của người thế gian. Việc thay trời hành đạo dạy người như thế, đâu dễ có lúc chấm dứt được sao? 
Trưng dẫn sự tích
Soát xét việc thiện ác 
Các vị Đế thích, Thiên vương cùng nhau lên Thiện pháp đường, có chư thiên cùng theo hầu chung quanh cung kính. Vào Thiện pháp đường rồi, Đế thích lên ngồi trên tòa sư tử, hai bên tả hữu mỗi bên có 16 vị thiên vương cùng an tọa, ngoài ra tất cả chư thiên cũng đều phân theo ngôi thứ mà ngồi xuống. Có 2 vị thái tử, một vị tên là Chiên-đàn, một vị tên là Tu-tỳ-la, chính là 2 vị Đại tướng quân của cung trời Đao-lợi, chia nhau ngồi hai bên tả hữu của 32 vị thiên vương. Bốn vị thiên vương chia nhau ngồi nơi bốn cửa. 
Bấy giờ, bốn vị thiên vương mang những việc thiện ác của người thế gian mà tấu trình lên Đế thích. Nếu nghe biết thế gian có nhiều người thọ trì Ngũ giới, Bát giới, hoặc đối đãi cung kính với cha mẹ, với các vị sa môn, các bậc sư trưởng, thực hành bố thí, tu phước, Đế thích liền hết sức hoan hỷ, biết rằng như vậy tương lai sẽ có nhiều người sinh về các cõi trời, mà ít người sinh vào cảnh giới a-tu-la. Nếu không được như vậy, Đế thích liền buồn rầu không vui. Vì thế, mỗi tháng vào những ngày lục trai, thập trai đều sai khiến các vị phi thiên thần tướng thường xuyên tuần du trong chốn nhân gian, xem xét theo dõi các việc thiện ác của người đời. 
Lời bàn
Người thế gian cho rằng Ngọc Đế có khi giáng trần, điều đó không đúng. Dưới mắt nhìn của chư thiên thì cõi thế gian này thật vô cùng ô uế, dẫu cách xa hàng trăm do-tuần cũng bốc mùi hôi thối đối với chư thiên, thật khó đến gần. Những vị tuần sát việc thiện ác chốn nhân gian chỉ riêng là những bậc quỷ thần nhiều phúc đức mà thôi. Tuy nhiên, việc thưởng điều lành, phạt điều ác luôn chính xác, không một mảy may sai lầm. Đến như những cõi trời Dạ Ma, Đâu-suất trở lên nữa, chư thiên đều vô cùng tôn quý, chẳng hề lưu tâm đến những việc của thế tục
Mở rộng lòng từ, vì nước cứu dân
Giảng rộng
Dân là gốc của đất nước. Gốc có vững thì nước mới yên, cho nên muốn cứu giúp nhân dân phải có lòng yêu nước; vì yêu nước nên phải tận trung với minh quân. Câu văn trước là nêu tổng quát để giáo huấn người đời, đến câu này là muốn răn nhắc riêng những kẻ đang nắm trong tay quyền chính. 
Người đời đều tôn kính gọi quan phủ là lão gia, điều đó có ý nghĩa gì? Ấy là muốn dùng cách xưng hô để nhắc nhở thức tỉnh kẻ làm quan, phải đối đãi với dân như bậc cha mẹ đối với con cái. 
Cha mẹ đối với con cái có bệnh thì lo âu. Sưu dịch thuế má nặng nề, ấy là bệnh của dân. Trộm cướp côn đồ ngày càng lộng hành, ấy là bệnh của dân. Mưa nắng trái thời, mùa màng thất bát, ấy là bệnh của dân. Kẻ giàu có bất lương thẳng tay bóc lột, bọn quan chức gian xảo lạm quyền hại dân, ấy là bệnh của dân. 
Khi dân phải gánh chịu một bệnh, kẻ làm quan phải có ngay một phương pháp cứu giúp, chữa bệnh. Phải hết lòng tận lực lo lắng, tìm mọi phương cách chữa dứt bệnh cho dân, có như vậy thì trên mới không phụ lòng người đứng đầu đất nước, dưới không phụ lòng muôn dân, mà tự bản thân mình cũng chẳng luống công học hành trau giồi tri thức. Được như thế thì “mở rộng lòng từ” đâu có gì là khó?
Trưng dẫn sự tích
Tìm cách cứu dân 
Đời vua Tuyên Tông triều Minh, quan tuần phủ Nam Trực là Chu Thầm (sau thụy hiệu Văn Tương) yêu dân như con, quản lý việc chi tiêu công thật chặt chẽ minh bạch không ai bằng. Lúc vừa mới đến nhậm chức liền soát xét những chỗ khó khăn khổ sở của dân tình, hết sức quan tâm lo lắng về việc thuế má ở 2 vùng Tô Châu và Tùng Giang quá nặng. Đến một năm được mùa, thu hoạch của dân chúng rất nhiều, ông liền xuất công quỹ mua lúa vào, tích trữ trong kho để phòng khi cần dùng cho việc cứu tế. Niên hiệu Tuyên Đức năm thứ 8, vào mùa đông dâng biểu xin chế định phương thức lập kho lúa cứu tế cho nông dân. Hoàng đế có lệnh chuẩn y, ông liền cùng với các vị thái thú Tô Châu là Huống Chung, tri phủ Tùng Giang là Triệu Dự, tri phủ Thường Châu là Mạc Ngu, cùng nhau bàn tính, nỗ lực thực hiện. Vùng Tô Châu thu mua vào được 300.000 thạch lúa, cùng với Tùng Giang, Thường Châu cũng thu vào rất nhiều, đều chia ra tích trữ trong kho lương thực. 
Năm sau đó vùng Giang Nam bị hạn hán, số dân đói thiếu ở Tô Châu và Tùng Giang lên đến hơn 3 triệu người, lúa cứu tế đã phân phát hết ra mà không đủ. Nhân đó, Chu Thầm lại nỗ lực suy nghĩ tìm cách làm sao để tích trữ dự phòng được nhiều lương thực hơn nữa. Xét lại trước đó, các phủ khi thu lương thực vào mùa lúa chín đều giao cho bọn lý trưởng ở các hương thôn, đa phần họ chỉ thu lương thực từ dân thường, không thu của những người có chức sắc trong làng. Do đó dân phải nộp nhiều hơn, khiến cho mỗi năm đều có rất nhiều người dân không đủ khả năng nộp thuế phải bỏ trốn đi sinh sống nơi khác
Chu Thầm liền thay đổi phương thức, ngay tại các phủ khắp nơi đều thiết lập những điểm thu lương thực, chọn người phụ trách từ việc thu vào cho đến vận chuyển về kho. Nông dân trực tiếp mang lúa thóc đến giao nộp tại các điểm thu, không còn thông qua bọn lý trưởng các hương thôn, nhờ đó giảm hẳn chi phí đến một phần ba so với trước kia. 
Ngoài ra, xem lại quy định trước đây thì hằng năm cả 3 phủ đều phải vận chuyển 1.000.000 thạch lương thực về kho ở Nam Kinh, sau đó dùng vào việc chi phí cũng như lương bổng hàng tháng cho quân binh quan chức tại Bắc Kinh. Như vậy, chi phí cho việc vận chuyển lương thực qua lại tính ra mỗi thạch lúa phải mất đến 6 đấu. Chu Thầm liền mời các ông Hứa Chung v.v... đến cùng họp bàn, nói rằng: “Quan chức tại Bắc Kinh nhận lương bổng sở phí đến từ Nam Kinh, tại sao không thể để ở đây mà tự cung cấp? Nếu để lương thực tại đây mà dùng vào việc cung cấp thì khỏi nhọc sức dân, lại còn giảm được chi phí đến 600.000 thạch lúa, có thể đưa nhập vào kho lúa cứu tế cho nông dân, giúp dân thoát được hoạn nạn.” Các ông Hứa Chung v.v... đều khen là ý kiến hay. Chu Thầm lập tức dâng biểu lên triều đình xin chuẩn y thực hiện như vậy. 
Riêng tại phủ Tô Châu, trước đó đã thu được 400.000 thạch lúa, cộng thêm số lúa mua vào lúc dân được mùa, lên đến hơn 600.000 thạch. Chu Thầm lệnh rằng: “Lúa ấy không chỉ dùng riêng cho việc cứu tế nông dân. Trong việc thu và vận chuyển lương thực, nếu có xảy ra thất thoát, thiếu sót thì có thể tạm mượn từ kho ấy mà điều tiết vào để giao nộp cho đủ số, đến mùa lúa chín lại y số đó mà trả lại vào kho công. Trong những trường hợp nông dân phải tu sửa đê điều, khai thông kinh rạch, dẫn nước tưới tiêu, thì có thể căn cứ vào số nhân khẩu của từng hộ mà cấp phát lương thực.” Triều đình phê chuẩn y theo tất cả những kiến nghị của Chu Thầm. 
Năm sau, Giang Nam lại bị hạn hán lần nữa. Chu Thầm lệnh cho tất cả các quận đồng loạt mở kho lúa cứu tế cấp phát cho dân. Nhờ đó, tuy đồng ruộng không thu được lúa mà nông dân không phải chịu cảnh đói thiếu, trước sau cứu sống đến hơn triệu mạng người. 
Vào năm đầu niên hiệu Chính Thống, Chu Thầm đặc biệt thẩm tra kiểm định việc quản lý ruộng đất cũng như tiêu chuẩn thu giao lương thực vùng Nam Kinh. Riêng một phủ Tô Châu, phát hiện việc thu lương thực vào kho trong mùa lúa chín đã giảm đến hơn 800.000 thạch so với quy định. Các địa phương khác cũng đều có sai biệt thất thoát. 
Vùng Tô Châu, Tùng Giang trong khoảng 300 năm trở lại đây, số quan chức có thể ban ân trạch đến cho muôn dân chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong đó phải thừa nhận Chu Thầm là bậc nhất. Dù vậy, Chu Thầm không tự hài lòng với những gì đã làm được, thường đối xử hòa nhã, gần gũi với mọi người. Bản tính ông ưa thích việc bố thí giúp người, mỗi khi chư vị tăng ni các nơi có việc tu sửa, kiến tạo chùa chiền, tự viện hay tô đắp tượng Phật, đều tìm đến ông quyên góp. Ông chưa một lần từ nan, thậm chí có nhiều khi quyên góp nhiều hơn cả số mà người ta mong đợi. Dù vậy, tiền tài chi dụng của ông vẫn thường luôn được sung túc. Người Giang Nam trong hơn 20 năm xem ông như vị cứu tinh, giúp đỡ muôn dân. Người dân được sống trong địa phương do ông cai quản thật may mắn biết bao!
Đế Quân ban sắc thư
Vùng Giang Tô, ở huyện Thái Thương có Hoàng Kiến An, tên húy là Lập Đức. Ông nhìn thấy nhân dân hai địa phương là Tô Châu và Tùng Giang phải khốn khổ rất nhiều vì sưu thuế quá nặng nên ngày ngày buồn khổ, lo nghĩ không yên. Mỗi buổi sáng ông đều thức dậy sớm lễ Phật, sau đó hướng lên trời cao mà cầu khấn, nguyện cho nhân dân hai quận này sớm thoát nạn sưu cao thuế nặng. Ông cũng đem nguyện vọng viết đầy đủ thành văn bản gửi lên quan nha đương thời, không một phương cách nào còn có thể mà không cố sức làm. Mọi người thấy ông như vậy đều cười nhạo
Vào mùa thu năm Canh Dần, Hoàng Kiến An ngã bệnh. Sang mùa đông, bệnh tình càng thêm nghiêm trọng. Đến ngày cuối tháng 11 thì Kiến An đã bỏ ăn bỏ uống trong nhiều ngày rồi. Đêm đó, vào khoảng canh năm, Kiến An hốt nhiên mộng thấy Đế Quân truyền ông đến dưới điện mà dạy rằng: “Số mạng của ông lẽ ra đã dứt rồi, nhưng nhờ ông một lòng cầu mong việc giảm sưu thuế cho dân, nên nay tuổi thọ được kéo dài thêm.” Nói rồi truyền cho một đạo sắc thư, Kiến An đọc lại ba lần thì nhớ hết. 
Kiến An khi ấy bỗng giật mình tỉnh giấc, mở mắt nhìn thấy thân đang nằm trên giường bệnh nhưng tinh thần tự nhiên sảng khoái mạnh mẽ, cơn bệnh vừa qua bỗng như đã hoàn toàn tiêu tan hết. Kiến An lập tức vùng dậy rửa tay rửa mặt, thắp đèn lên, lấy nghiên mực ra mài rồi cầm bút viết. Lúc ấy, người em gái Kiến An là Hoàng Tiết Mẫu vừa qua đời, người trong nhà đều theo đưa đám tang, chỉ còn duy nhất một bà cụ già giúp việc ở lại giữ nhà. Bà cụ nhìn thấy ông chủ nhà từ cả tháng qua nằm liệt trên giường bệnh, giờ bỗng nhiên ngồi ngay ngắn trước bàn, thắp đèn cầm bút viết, không khỏi một phen kinh ngạc đến sửng người. 
Sáng hôm sau, có người em họ của Kiến An là Quách Nhĩ Tiên cùng đi với Khổng Nhĩ Trung đến thăm bệnh, nhìn thấy Kiến An hốt nhiên khỏe mạnh thì hết sức kinh hãi. Sau đó, Kiến An lại ngồi kiệu đến nhà cô em gái để dự đám tang, cùng ngồi vào bàn thù tạc với quan khách, bằng hữu. Trên đường đi phải trải qua nhiều nơi vất vả nhưng ông không một chút gì tỏ ra mệt mỏi, mà việc ăn uống cũng hoàn toàn bình thường như trước đây. Những người biết chuyện, ai nấy đều cho là một chuyện tốt đẹp lạ lùng đáng nói. 
Đến năm 77 tuổi, Hoàng Kiến An dứt bỏ hết mọi việc thế tục, chuyên tâm ăn chay niệm Phật, học hỏi kinh điển trong nhiều năm nữa. Về sau không bệnh, an nhiên qua đời. 
Lời bàn
Đọc qua bản cáo sắc của Đế Quân, đại ý dạy rằng: “Xét trường hợp của Hoàng Lập Đức, bất quá chỉ là một kẻ thứ dân đơn độc, lại đang lúc tuổi già bóng xế, nhưng phát tâm muốn giải cứu mối nguy khốn đã tích lũy từ 300 năm qua, thề nguyện mong cầu sự lợi lạc cho hàng vạn hộ dân cùng khổ, khác nào như đem sức con phù du muốn lay động núi cao, như chim tinh vệ muốn lấp đầy biển lớn? Tuy nhiên, muốn đắp thành gò cao muôn trượng cũng phải dựa vào từng sọt đất nhỏ, kiên trì quyết sẽ thành công. Đạo lớn của trời đất quan trọng ở sự chí thành không gián đoạn, ắt làm nên công hạnh của bậc thánh hiền, chỉ tiến lên mà không thối chí. Phải nên gắng sức kiên trì, đừng để thối thất chỗ phát tâm ban đầu.” 
Xét kỹ thì hiểu rằng, việc sưu thuế nặng nề có thể giảm được hay không cũng là do sức người tác động, nhưng giống như việc leo núi, muốn thành tựu thì mỗi người đều phải tự nỗ lực, chẳng ai có thể thay cho người khác được. 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.