Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (37)

21/09/20146:11 CH(Xem: 11951)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (37)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (37)


Hủy phá tượng Phật phải chịu tội 
Triều Thanh, vào năm đầu tiên niên hiệu Khang Hy, gỗ đàn hương rất có giá. Quận Tô có một hiệu buôn gỗ hương, bỏ ra 3 lượng bạc thỉnh về một pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Sau đó suy nghĩ tính toán rằng, nếu phá pho tượng này ra để bán gỗ vụn thì có thể được 16 lượng. Liền chuẩn bị chẻ tượng ra. Có một người thợ làm công sợ làm như vậy mang tội nên hết sức can ngăn, nhưng đứa con rể của ông chủ hiệu buôn lúc đó đến đón vợ, đang ở tại nhà cha vợ, liền chỉ mặt người làm công mà nói: “Mày chỉ là người làm công, đâu phải việc của mày. Cứ nghe lời mà làm đi.” 
Đêm hôm đó, người con gái của chủ hiệu buôn bỗng đau bụng không thể về nhà, phải ở lại ba hôm để trị bệnh. Qua hôm sau, trên đường phố có một đứa bé khoảng sáu tuổi đang đi theo cha, bỗng chỉ tay về phía hiệu buôn gỗ hương, hỏi cha: “Cha ơi, sao trên nóc nhà kia lại có niêm phong màu đỏ phong kín thế?” Người cha cho rằng đứa bé nói bậy nên cấm không cho nói nữa.
Đêm ấy, hiệu buôn gỗ hương bỗng tự nhiên phát hỏa, lửa thiêu duy nhất một nhà ấy thôi, cả nhà không ai sống sót. Đứa con rể của chủ hiệu định nhảy ra từ một lỗ thoát trên tầng lầu, nhưng bỗng thấy như có vật gì ngăn giữ lại, cuối cùng phải chịu chết trong lửa. Riêng người thợ làm công, ngay buổi sáng sớm hôm trước chưa xảy ra hỏa hoạn, bỗng có một hiệu buôn trầm hương khác đến khẩn thiết mời sang giúp họ hai hôm, nhờ thế mà thoát khỏi nạn này. 
Lời bàn
Hủy hoại tượng Phật, làm thân Phật chảy máu, là một trong 5 tội nghịch phải đọa vào địa ngục vô gián. Vì thế, nếu thấy việc như vậy mà không khuyên can ngăn cản, ắt sẽ gặp nạn dữ vào thân, còn nếu khởi dù một chút tâm lành, liền được thiện thần bảo vệ. Chỉ do tâm niệm của đứa con rể ông chủ hiệu buôn gỗ hương và người thợ làm công kia hoàn toàn khác nhau, nên một người vốn đang muốn rời khỏi hiệu buôn ấy để về nhà, nhưng lại khiến cho không về được; một người vốn không có ý muốn rời khỏi hiệu buôn ấy, nhưng lại khiến cho phải rời đi để tránh tai họa. Quả thật là: “Họa với phúc vốn không định sẵn, chỉ do người tự chuốc lấy mà thôi.” 
Bồi thường gấp mười lần 
Huyện Trấn Giang thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Lăng Khải, tên tự là Tử Chánh. Vào năm Quý Mão thuộc niên hiệu Khang Hy, ông ta vì ghét con chó của người hàng xóm hung dữ cắn người, liền dụ nó vào một ngõ hẹp rồi bít lối ra, muốn bỏ đói cho nó chết đi để dứt mối họa. Khoảng một tuần sau mở chỗ bít ra xem thử, thấy con chó chưa chết mà vẫy đuôi đi ra, từ đó không cắn người nữa, nhưng đống đất trên nền gạch trong ngõ bị chó ăn hết khoảng một nửa.
Hai tháng sau, chó tự nhiên chết. Đêm ấy, Lăng Khải nằm mộng thấy mình đi đến một phủ đường, có hai người dáng vẻ tôn quý ngồi hai bên. Người áo xanh hỏi: “Làm người mà không có lòng nhân hậu thì sao?” Người áo đỏ nói: “Phải đền lại gấp mười lần.” Liền sai quân dẫn Lăng Khải đến phía sau nhà, thấy trong vườn hoa mai nở rộ, dưới gốc cây có một chậu nuôi cá vàng, trong chậu nổi lên một con cá chết. Tên quân kia chỉ vào mà nói: “Chữ ‘ngục’ (獄) do từ chữ ‘khuyển’ (犬) là con chó mà ra, ông đã biết chưa? Mười năm sau sẽ ứng nghiệm.” 
Lăng Khải tỉnh mộng lấy làm lạ lùng, không hiểu được gì cả. Đến tháng giêng năm Quý Sửu, vì chuyện của người khác mà Lăng Khải lại bị vu cáo rồi tống giam vào ngục. Khi vào trong ngục cũng thấy hoa mai vừa nở, có con cá vàng chết nổi lên trong chậu, giống hệt như những gì đã thấy trong giấc mộng. Quả nhiên phải chịu đói đến 7 ngày, chỉ còn chút hơi thở thều thào sắp chết. Lại tiếp tục bị giam trong ngục đúng 100 ngày mới được thả, quả nhiên phù hợp với lời nói “phải đền lại gấp mười lần”. 
Lời bàn 
Quỷ thần nói trước việc mười năm sau sẽ có người vu cáo bị giam vào ngục, điều đó cũng không phải là khó lắm. Riêng những việc như hoa mai nở, cá vàng chết mà cũng có sự ấn định sẵn, ấy mới thật là kỳ lạ. Cho nên bậc đại A-la-hán chứng đắc thần thông tất nhiên có thể biết được những việc trước sau 84.000 đại kiếp, hoặc như tuổi thọ dài ngắn của chư thiên, thế giới thành hoại lâu hay mau, hết thảy những việc ấy đều có thể ngồi yên mà tự biết rõ ràng
Lăng Khải là người chất phác, thành thật, rất giỏi môn Hoàng cực số của Thiệu tử. Tôi với ông ấy từng gặp nhau nhiều lần, chính miệng ông đã kể lại đầu đuôi câu chuyện này cho tôi nghe. 
Mộng thấy xương gà 
Vào triều Thanh, vùng Tứ Xuyên có người tên Dương Lâm, tên tự là Hoài Mi, vào niên hiệu Thuận Trị thứ 13, vào làm trong kho lương ở Thái Thương, thuộc tỉnh Giang Tô, không lâu lại được thăng chức làm huyện lệnh Lâm An, thuộc tỉnh Triết Giang. Ông làm quan thanh liêm chính trực, chỉ có điều bản tính rất thích ăn thịt gà, trải qua đã nhiều năm. 
Vào niên hiệu Khang Hy năm thứ 16, Dương Lâm nằm mộng thấy mình bị bắt đến âm phủ, nhìn thấy một đống xương chất cao như núi, bên cạnh có người chỉ vào đó mà nói: “Đây là xương của những con gà mà ông đã ăn. Rồi ông sẽ phải đến đây để đền tội, nhưng vì nhân duyên xấu còn chưa dứt nên đợi ông ăn thêm 47 con gà nữa rồi sẽ bắt đến đây.” 
Dương Lâm tỉnh dậy lấy làm lạ, trong lòng cũng sợ, liền tự mình hạn chế, mỗi con gà chia ra ăn trong ba ngày. Nhưng miệng thèm không nhịn được, nên đổi thành hai ngày, rồi thì trở lại ăn như cũ. Ăn đến con thứ 45 thì bị ốm nhẹ, trải qua một đêm bệnh lại trở nặng, vừa ăn xong con gà thứ 47 thì chết, đúng như con số trong giấc mộng
Lời bàn 
Có người ngờ rằng, số gà bị ăn nếu đã định sẵn số lượng, ắt là những con gà đã ăn trước đó cũng có số lượng định sẵn, vậy sao còn có quả báo giết hại? Đó là vì không biết rằng số 47 con gà đó chỉ là âm ty dự đoán sẽ bị Dương Lâm giết hại, chứ không phải số gà ấy nhất định phải bị giết hại. Giả sử như sau khi nằm mộng mà Dương Lâm hạ được quyết tâm không giết gà nữa, thì con số đó tất nhiên không buộc được ông, mà số gà đã giết hại trước kia cũng có thể cầu nguyện cho được siêu độ
Sự tu hành cũng giống như vậy, nếu có thể phát tâm dứt khoát đoạn trừ tập khí phiền não xấu ác thì sinh tử làm sao trói buộc được ta? 
Làm quan tàn ác tự thiêu mà chết 
Triều Thanh, vào năm đầu tiên của niên hiệu Khang Hy, quan tri huyện Côn Sơn là Lý Khai Tiên, dung mạo xấu xítâm tính lại tàn ác, người trong huyện căm ghét nên gọi là ông “Lý mặt chàm”. 
Mỗi khi trưng thu các khoản thuế phí, đối với những người giao nộp thiếu hoặc không nộp, họ Lý nhất định sử dụng gậy lớn để đánh phạt, thường đánh người chết ngay dưới gậy, máu chảy nhuộm đỏ cả công đường
Đến khi họ Lý bãi quan rồi, không về quê, đến sống ở Tô Châu, chỉ trong khoảng 3, 4 năm mà người nhà tự nhiên dần dần chết sạch. Còn lại duy nhất một đứa con gái, lại tư thông với người đầy tớ rồi bỏ nhà theo anh ta trốn mất. Họ Lý còn lại một thân một mình, nghèo đói không đủ ăn, lại phải tự mình vào bếp nấu nướng. Một hôm, trong lúc cúi xuống thổi lửa, chúi đầu sâu vào cửa lò bị lửa thiêu đầu mà chết. 
Lời bàn
Xưa nay tuy cũng có những quan huyện tàn khốc bạo ngược, thật chưa thấy ai tàn khốc hơn ông này; nhưng ngay trong đời đã phải tức thời nhận chịu quả báo tàn khốc, cũng thật chưa thấy ai nhanh chóng hơn ông này. 
Phước báo xa thì ảnh hưởng đến cháu con
Giảng rộng

Đem việc đời sau mà nói với người, ắt chỉ có khoảng một nửa số người chịu tin, còn một nửa thì nghi ngờ. Nhưng đem việc con cháu nối dõi mà nói thì bất luận kẻ trí người ngu, ắt là tất cả đều tin chắc cả. Người không biết rằng thật có nghiệp nhân quả báo của chính mình quả là bất hạnh, nhưng vẫn còn chút may mắn là biết đến cháu con. Nhưng cháu con có được hiền lương hay không, thật cũng không thể biết trước chuyện về sau được. Tuy nhiên, những người con cháu có phẩm hạnh tài trí hơn người vẫn thường xuất hiện rất nhiều trong những gia đình đạo đức. Kinh Thi có câu: “Nhà có đức độ thì con cháu đều được tốt đẹp hưng thịnh.” Kinh Thư lại có câu: “Lấy công nghiệp với đức hạnh truyền lại cho con cháu về sau.” Những lời dạy của các bậc thánh hiền đời trước rất hiển nhiên, mà đến nay thì lại càng thêm rõ rệt hơn nữa.
Sự tốt đẹp nếu đến sau mười đời hoặc năm đời, tất nhiên gọi đó là phước báo xa. Nhưng nếu như được thật nhiều con cái tài năng đức độ, đông đúc một nhà, nhìn thấy ngay trước mắt, thì đó cũng vẫn gọi là phước báo xa. Vì sao thế? Ấy là vì lấy theo tự thân mình mà nói, nếu phước báo không phải đến với tự thân mình thì đều gọi là phước báo xa. 
Trưng dẫn sự tích
Đem hết lòng thành dạy dỗ muôn người 
Đời Bắc Tống, có người tên Đặng Chí, nhận học trò dạy tại nhà. Mỗi khi có người đưa con em đến xin học, ông đều hết sức thật lòng dạy dỗ, trước tiênlễ nghĩa, đức hạnh, sau đó là văn chương, tài nghệ. Học trò ông có rất nhiều người thành đạt. Con cháu ông cũng nhiều người đỗ đạt vinh hiển. 
Vào niên hiệu Hy Ninh năm thứ chín, hoàng đế Bắc Tống là Tống Thần tông ngự đến điện Tập Anh đích thân lựa chọn tiến sĩ. Lúc bấy giờ, con trai trưởng của Đặng Chí là Đặng Oản đang giữ chức Hàn lâm Học sĩ nên đứng cạnh hoàng thượng. Khi xướng tên những người được tuyển chọn, đến tên em trai ông là Đặng Tích, Oản bước xuống trước điện lễ tạ. Lại xướng đến tên hai đứa cháu của ông, Oản cũng bước xuống trước điện lễ tạ. Hoàng thượng thấy cảnh ấy rất hài lòng, nhìn ông cười lớn. Vương Cung Công đứng bên cạnh cũng ngợi khen rằng: “Ấy nhờ người cha là Đặng Chí đem hết lòng thành dạy dỗ muôn người nên kết quả cháu con mới được như thế!” 
Lời bàn
Người khác đã gọi mình là thầy, quay mặt về hướng bắc phụng sự tôn thờ mình, thì mình phải đem hết lòng thành ra mà dạy dỗ, như vậy mới không phụ lòng mong đợi của họ. Đặng Chí đã hết lòng giúp cho con em người khác được thành tựu, tất nhiên trời cũng giúp cho con cháu của ông được thành tựu, tiếp nối sinh ra những bậc tài trí đức độ. Đó cũng là lẽ đương nhiên phải vậy. 
Mất con rồi lại sinh con 
Vào đời Bắc Tống, ở Kiền Châu có người tên Vương Nhữ Bật, thường rất cẩn trọng trong lời nóiviệc làm. Khi ấy, ở thôn phía đông có người tên Lưu Lương, ở thôn phía tây có Hà Sĩ Hiền, cả hai đều có ông nội trước đây là người hết sức hiền thiện, thường làm nhiều việc tích đức. Vào năm Quý Mùi thuộc niên hiệu Sùng Ninh, hai nhà Lưu, Hà đều sinh con trai, cả hai đứa con lớn lên đều thông minh xuất chúng, hai nhà liền thỉnh Vương Nhữ Bật làm thầy dạy.
Lưu Lương với Hà Sĩ Hiền, tuy nhà giàu có nhưng đối đãi với người khác hết sức khắc nghiệt, khinh bạc, thật kém xa ông nội của họ. Đến tháng ba năm Tân Mão thuộc niên hiệu Chính Hòa, một hôm Vương Nhữ Bật đang đứng trước cửa bỗng thấy một đoàn người ngựa đi qua, dáng vẻ giống như quan quân. Họ đi về phía nhà Hà Sĩ Hiền, vào thẳng trong cửa rồi có người đưa ngón tay lên vẽ thành hình gì đó. Sau đó lại đi sang nhà Lưu Lương, cũng làm giống như vậy. Vương Nhữ Bật đến hỏi cả hai nhà, họ đều nói không thấy, không biết gì cả. Không bao lâu sau phát sinh nạn dịch, hai đứa con của Hà Sĩ Hiền và Lưu Lương đều chết cả.
Mùa thu năm ấy, Vương Nhữ Bật thấy mình bị bắt đưa đến minh phủ dưới âm ty, nhìn thấy Diêm vương đầu đội mũ miện ngồi quay mặt về hướng nam, gọi Vương Nhữ Bật mà hỏi: “Ông là Vương Nhữ Bật ở Kiền Châu thuộc tỉnh Thiểm Tây phải không?” Ông liền đáp: “Không phải, tôi là Vương Nhữ Bật ở Kiền Châu thuộc tỉnh Giang Tây.” Diêm vương liền lệnh Phán quan tra xét lại, thấy Vương Nhữ Bật này tuổi thọ còn dài, hóa ra đã bắt nhầm người. Vương Nhữ Bật nhân đó liền thưa hỏi về hai đứa con của Hà Sĩ Hiền và Lưu Lương vì sao đều chết yểu. Diêm vương đáp: “Hai đứa ấy, lẽ ra sau này sẽ là hai trụ cột phò tá triều đình, do thiên tào xét âm đức ông nội của họ rất lớn nên xứng đáng cho con cháu được hiển vinh, chỉ vì Lưu Lương với Hà Sĩ Hiền, hai người ấy tâm niệm không tốt, hành xử đối đãi hoàn toàn trái ngược với ông nội, vì thế mới thu hồi hai đứa con quý hiển. Không bao lâu nữa sẽ tước bỏ luôn toàn bộ sản nghiệp của hai nhà ấy.”
Vương Nhữ Bật được sống lại, mới biết đã chết hai ngày rồi. Vương Nhữ Bật liền gọi cả hai người Lưu Lương và Hà Sĩ Hiền đến, thuật lại tường tận mọi việc. Cả hai đều rơi nước mắt hối hận, từ đó đem hết sức rộng làm việc thiện, cứu người giúp đời. Đến năm Ất Mùi, cả hai nhà lại sinh được con trai, họ Lưu đặt tên là Lưu Triệu Tường, họ Hà đặt tên là Hà Ứng Nguyên, lại cũng thỉnh Vương Nhữ Bật làm thầy dạy. Đến năm Quý Sửu thuộc niên hiệu Thiệu Hưng, cả hai đều đỗ tiến sĩ, được ban phong địa vị cao quý, vinh hiển. 
Lời bàn
Nhờ có ông nội tích âm đức nên được ban cho quý tử, nhưng do tâm tính không tốt, đối đãi khắc nghiệt, khinh bạc với người khác mà còn bị mất con, huống hồ nếu không có ông nội tu nhân tích đức thì phải gánh chịu quả báo còn đáng sợ đến mức nào nữa? 
Lại ngay trong đời hiện tại đã bị báo ứng xấu mất đi quý tử, nhưng nhờ biết tu nhân tích đức nên lại sinh được quý tử, huống chi nếu người chưa bị trời khiển trách mà sớm biết tu nhân tích đức thì quả báo còn tốt đẹp đến mức nào nữa? 
Thế mới biết câu “Cầu con cái sẽ được con cái” quả là đúng thật, không phải lời hư dối, chỉ có điều là cần phải biết phương cách để cầu như thế nào mà thôi.
Thần chỉ đất chôn 
Vùng Kiến Ninh có quan Thiếu sư là Dương Vinh, gia đình nhiều đời làm nghề đưa đò để sống. Có một năm mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao, ngập trôi các vùng dân cư, khiến người đuối nước theo dòng trôi xuống rất nhiều. Các thuyền khác đều tham vớt tài vật trôi sông, chỉ riêng ông cố với ông nội của Thiếu sư đem hết sức chuyên tâm cứu người, tuyệt nhiên không vớt lấy bất kỳ món đồ vật nào, người làng đều cười chêngu dại
Đến khi cha của Thiếu sư sinh ra thì gia đình đã dần dần khá giả lên. Một hôm có vị thần hóa thành đạo sĩ, đến nói với cha Thiếu sư rằng: “Ông nội của ông có âm đức lớn, con cháu về sau sẽ được phú quý vinh hiển, nên cải táng nơi chỗ đất này.” Rồi chỉ cho một chỗ đất. Gia đình y theo đó mà cải táng. Thế đất ấy ngày nay các thầy địa lý gọi là gò bạch thố. Sau sinh ra Thiếu sư, hai mươi tuổi đã đỗ đạt, địa vị lên đến hàng Tam công, ông cố và ông nội cũng được triều đình truy tặng quan tước như vậy. Con cháu về sau nhiều đời đều được phú quý hưng thịnh.
Lời bàn 
Những cuộc đất chôn tốt hay xấu đều có quan hệ đến những nguyên lý nhất định, không phải con người có thể cố sức gượng ép mà cầu được. Người đời không lo tu nhân tích đức, chỉ lo cầu thầy địa lý giỏi, mong được chỉ cho chỗ đất chôn tốt lành, quan niệm như thế thật hết sức sai lầm
Nhưng nếu hoàn toàn không tin phong thủy, chẳng quan tâm đến phương hướng ngày giờ, nói rằng chỉ cần chọn chỗ ngày sau không làm đường sá, không xây thành quách là có thể an táng được, ắt có thể nhầm chôn thân nhân vào nơi cuộc đất hung sát tuyệt địa, như thế cũng là sai lầm.
Cứ xem như cuộc đất táng của nhà Thiếu sư phát khởi được sự tốt lành, ấy là có quan hệ đến việc được thần nhân mách bảo, thì thấy rằng thuyết phong thủy thật không thể không tin.
Nhưng lại xét việc ông cố, ông nội của Thiếu sư đã tu nhân tích đức như thế nên gia đình mới gặp được cuộc đất tốt lành như thế, thì biết rằng cũng không thể hoàn toàn dựa vào nơi thuyết phong thủy.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/01/2015(Xem: 10420)
01/12/2014(Xem: 10570)
16/10/2014(Xem: 25640)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.