6. Không thể nghĩ bàn (phẩm Bất khả tư nghì)

10/04/20163:37 SA(Xem: 12339)
6. Không thể nghĩ bàn (phẩm Bất khả tư nghì)

CÕI PHẬT ĐÂU XA 
THẤP THOÁNG LỜI KINH DUY MA CẬT 
(Viết về kinh Duy Ma Cật
Nhà xuất bản Văn Học 2016 
Đỗ Hồng Ngọc

6. Không thể nghĩ bàn (phẩm Bất khả tư nghì)

 

1. Lúc bấy giờ, ngài Xá-lợi-phất thấy trong thất (Duy-ma-cật) không có giường ghế chi cả, liền nghĩ rằng: “Chư vị Bồ Tát và các Đại đệ tử này rồi sẽ ngồi đâu?”

“ Rồi sẽ ngồi đâu?” rõ ràng là một vấn đề mấu chốt. Văn Thù và Duy-ma-cật đã tương tác, thuyết giảng về con đường tu tập: “Bồ-tát phải có nội lực (trí huệ), phải có chiêu thức (phương tiện), biết dùng «sức phương tiện»; đại bi mà không “ ái kiến ». Vô sở trụ. Vô sở đắc… Sống trong  thực tướng vô tướng mà vẫn thấy diệu hữu giữa chân không. Giữ lẽ bình đẳng, không phân biệt. Theo đúng lý mà thực hành nhưng không chấp pháp…” v.v…

“Rồi sẽ ngồi đâu?” đã đến lúc đặt ra để xác định vai trò, vị trí, nhiệm vụ của một Bồ tát tại gia tương lai cũng như các Đệ tử muốn đi vào Bồ tát đạo.

Tất cả thính chúng có mặt hôm đó đều có nỗi băn khoăn thắc mắc trong lòng chứ không riêng ngài Xá-lợi-phất. Rồi sẽ ngồi đâu? Có đủ sức ngồi chưa? Có lòng đại bi không phân biệt, không “ái kiến” chưa? Có đủ nhu hòa nhẫn nhục chưa? Và quan trọng, đã  thấy và sống với “nhất thiết Không” chưa để có thể “ngồi tòa Như Lai”?

 

Nhiệm vụ chủ yếu của Bồ-tát phải là truyền bá chánh pháp. Nếu giáo pháp không thông suốt, không trôi chảy, đọng lại như ao tù thì ích lợi cho ai? Bồ-tát đâu phải cứ chỉ biết bố thí thân mạng, bố thì tiền tài, nhà cửa, vợ con, ngựa xe, thành quách… Bố thí không khéo còn khiến người ta lệ thuộc, mất tự chủ, sinh lười biếng… Duy-ma-cật đã can ngăn Thiện Đức, khuyên nên bố thí pháp bình đẳng hơn là tài thí!

Bồ-tát trước hết phải là một Pháp sư chân chánh, truyền bá được giáo pháp của Phật. Những lời dạy của Phật ghi chép trong kinh sách không chỉ để “thọ trì, đọc tụng” mà còn phải “biên chép, giảng nói”. Phải hiểu rõ ẩn nghĩa từng câu từng chữ trong kinh, phải biết diễn giải tùy tình huống, tùy đối tượng. Phật “khai thị”, nhưng chúng sanh phải tự mình “ngộ nhập” mới xong.

Để có thể làm Pháp sư thì phải “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai” (Pháp Hoa). Vào nhà Như Lai là có lòng từ bi rộng lớn, thấy chúng sanh đều như cùng dưới một mái nhà, chung một mái nhà; mặc áo Như Lai là có đức nhu hòa nhẫn nhục, biết tôn trọng, chân thành và thấu cảm; và quan trọng nhất là thấu triệt tánh Không, duyên sinh, vô ngã, vô tướng… Bồ-tát “ hành tánh Không mà vẫn trồng các cội công đức, hành Vô tướng mà vẫn độ chúng sanh ?”.

Hôm đó ở Tỳ-da-ly, Phật đã dạy Bảo Tích và năm trăm con nhà trưởng giả, vương tôn công tử: “Khởi đi từ lòng ngay thẳng (trực tâm), mà được lòng sâu vững (thâm tâm), từ đó tâm ý được điều phục; tâm ý được điều phục thì theo đúng thuyết dạy mà thực hành; thực hành tốt thì mới có lòng chia sẻ, hồi hướng, nhờ sức phương tiện mà “thành tựu chúng sanh”…

 

Trong thất bấy giờ Duy-ma-cật đã cố tình bày biện trống huơ trống hoắc “không có giường ghế chi cả” để thể hiện “tánh Không” , và một khi đã thấu triệt tánh Không đó rồi thì vấn đề đặt ra hẳn phải là sẽ “làm gì” đây, nghĩa là sẽ “ngồi” ở đâu đây?

Nỗi băn khoăn là liệu rằng các Bồ-tát tại gia tương lai kia, vẫn sống đời sống thế tục, vật chất xa hoa liệu có “hành” nổi Bồ-tát đạo không, dù họ đều đã  “phát tâm Bồ-đề”.

 

2. Duy-ma-cật quay sang hỏi Văn-thù: “Nhân giả đã từng dạo chơi vô số nước, có biết cõi Phật nào có những tòa sư tử đủ các công đức, đẹp đẽ cao trọng, mầu nhiệm hơn hết?”.
”Tòa sư tử”? Phải, tòa sư tử chính là nơi chư Phật, chư Bồ-tát ngồi thuyết pháp. Lời thuyết pháp như sư tử hống, như tiếng rống của sư tử. Tòa sư tử thực tế có khi chỉ là một vệ cỏ, một gốc cây, một tọa cụ đơn sơ… nhưng nó trở thành “tòa sư tử” bởi chính Pháp sư ngồi thuyết pháp trên đó.

Duy-ma-cật đặt tin tưởng nơi các Bồ tát tương lai khi ông muốn phải có “tòa sư tử đủ các công đức, đẹp đẽ cao trọng, mầu nhiệm hơn hết” để cho họ “ngồi”. Nhưng mặt khác, đó cũng là một thách thức lớn đối với họ.
Văn-thù đáp: “Cư sĩ, từ đây đi về phương đông, vượt qua số cõi nước nhiều như số cát ba mươi sáu sông Hằng, có một thế giới tên là Tu-di Tướng. Đức Phật cõi ấy hiện nay hiệu là Tu-di Đăng Vương, thân cao đến tám mươi bốn ngàn do-tuần. Tòa sư tử của ngài cũng cao đến tám mươi bốn ngàn do-tuần, nghiêm sức bậc nhất.” …

Tức khắc, ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng nghiêm tịnh cao đến tám mươi bốn ngàn do-tuần đó bay vèo đến thất của Duy-ma-cật mà không hề gây chướng ngại chi cả, bốn cõi thiên hạ cũng không có sự dồn ép chật chội, vẫn y nguyên như cũ…

 

Duy-ma-cật bảo Xá-lợi-phất: “Thỉnh ngài lên ngồi tòa sư tử.”
Xá-lợi-phất đáp: “Cư sĩ! Tòa ấy cao rộng quá, tôi không thể lên ngồi.”
Duy-ma-cật nói: “Dạ, thưa ngài Xá-lợi-phất! Ngài hãy lễ bái đức Như Lai Tu-di Đăng Vương, rồi sẽ được ngồi.”
Lúc ấy, những vị Bồ Tát mới phát ý cùng các Đại đệ tử liền lễ bái đức Như Lai Tu-di Đăng Vương. Các vị liền được ngồi lên các tòa sư tử.

Xá-lợi-phất là Đại đệ tử trí tuệ bậc nhất của Phật mà còn nói “Tòa ấy cao rộng quá, tôi không thể lên ngồi” đủ để mọi người choáng váng. Bài học truyền trao ở đây cho các vị Bồ-tát tương lai là phải hết sức khiêm tốn, phải học hỏi không ngừng, không bao giờ tự mãn, ngã mạn!

“Lễ bái” là thực hành, là rèn luyện không ngừng để có trí huệ sáng suốt, rộng lớn (Tu di Đăng vương), để thấy biết, để sống trong Như Lai thì mới có thể lên tòa sư tử đó, mà ngồi để thuyết pháp.

3. Câu hỏi đặt ra tiếp theo: “Pháp là gì?” Thuyết cho ai, thuyết để làm gì? thuyết cách nào?… Sau bốn mươi chín năm đi khắp nơi giảng dạy cứu độ chúng sanh, Phật bảo: Ta không có “pháp” nào để “thuyết” cả!  Tại sao vậy? Tại vì “pháp” thì luôn sẵn đó rồi, nó Như- thị đó rồi, chẳng qua vì vô minh mà không thấy biết thôi. Phật là người vén màn vô minh giúp chúng sanh thấy biết. Một người lái xe, kiếng bị sương mù che mờ không thấy đường lái, cần có người giúp lau sạch sương mù. Người lau kiếng không lái giùm cho tài xế.

Duy-ma-cật nói. “Người cầu pháp thì chẳng tham tiếc cả thân mạng”

Đúng rồi. Phải “hành thâm Bát Nhã”, phải chiếu kiến “ngũ uẩn giai không” thì mới thấy được “pháp”: thị chư pháp Không tướng: bất sanh bất diệt…! Phải “bố thí thân mạng nhiều như cát sông Hằng, sáng trưa chiều tối…” như Bồ tát Dược Vương “… tự đốt thân mình”, lửa cháy đến một ngàn hai trăm năm mới dứt, sau đó còn “đốt hai cánh tay” mất bảy muôn hai ngàn năm mới cháy hết, cho thấy “nhân vô ngã ”  còn dễ hơn “pháp vô ngã” nhiều lắm. Khi chấp thủ pháp đã dẹp bỏ thì “hai cánh tay vàng của Phật” đã hiện ra cho Bồ-tát Dược Vương (Pháp Hoa).
Người cầu pháp thì chẳng cầu năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng cầu nhập và giới, cũng chẳng cầu ba cõi…
Khi đã thấy duyên sinh, vô ngã, thực tướng vô tướng thì cầu năm ấm, nhập, giới… làm chi?


“Người cầu pháp không cầu thấy lẽ khổ, không cầu đoạn lẽ tập, cũng không cầu sự chứng ngộ lẽ diệt, cũng không cầu tu tập lẽ đạo…”.

“Thị chư pháp không tướng” thì: Vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc! (Tâm kinh).

 

Pháp gọi là tịch diệt. Nếu hành lẽ sinh diệt, đó là cầu sinh diệt chứ chẳng phải cầu pháp. Pháp gọi là không nhiễm. Pháp không có chỗ hành…

Pháp không có việc lấy bỏ”. Qua sông thì bỏ bè. Vác theo làm chi.
Pháp không có xứ sở. Đã “vô sở trụ” chẳng lẽ còn có xứ sở? Ở đâu mà chẳng vô thường, vô ngã, duyên sinh? Ở đâu mà chẳng chân không diệu hữu. Trụ ở chỗ nào là còn bám chấp, còn giành giật, còn dán nhãn.
Pháp, gọi là không có tướng. “Pháp là bất khả trụ.“Pháp không thể thấy, không thể nghe, không thể nhận biết
“Pháp gọi là vô vi. Nếu mình hành hữu vi, đó là cầu hữu vi chứ chẳng phải cầu pháp. Ấy là mình bày đặt sanh sự, rồi đổ cho tại phương tiện nọ kia!
“ Bởi vậy, nếu mình cầu pháp thì đối với tất cả các pháp, nên không có chỗ cầu.”

Thấy Duyên sinh thì thấy Không.  Rõ lẽ không, thì vô tướng vô tác, vô cầu vô nguyện… cho nên Đối với tất cả các pháp, nên không có chỗ cầu.

 

Tóm lại, “Pháp thuận với không, tùy theo vô tướng, ứng với vô tác. Pháp lìa khỏi tốt và xấu. Pháp không có thêm và bớt. Pháp không có sinh và diệt…Tướng pháp là như vậy, há thuyết diễn được sao?”. .

Luận đến chỗ cứu cánh của thuyết pháp thì người nói không nói gì hết, không phô bày gì hết. Người nghe không nghe gì hết và không được có một sở đắc nào. Như nhà ảo thuật thuyết pháp với người ảo hóa…”.

Thời hiện đại, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, truyền thông tưởng dễ mà không dễ. Thông tin tràn ngập, thượng vàng hạ cám. Truyền thông là một khoa học, làm thay đổi hành vi, thay đổi lối sống, tác động rất lớn đến con người. Ai là người nói pháp? Ai là người nghe pháp? Tâm sinh lý của họ ra sao? Thông điệp thế nào? Kênh truyền thông nào hiệu quả? Rồi bối cảnh, rồi hồi báo (feedback)… May gặp Pháp sư chân chánh thì “giây lát nghe pháp liền đặng rốt ráo Vô thượng chánh đẳng chánh giác” (Pháp Hoa), còn không may thì rất dễ rơi vào mê tín dị đoan…

4. Xá-lợi-phất lên tiếng: “Cư sĩ, thật là việc chưa từng có! Như cái thất nhỏ này mà có thể chứa đựng các tòa sư tử cao rộng! Ở thành Tỳ-da-ly lại không có chi trở ngại. Lại các thôn xóm thành ấp trong cõi Diêm-phù-đề cùng các cung điện của chư thiên, long vương, quỷ thần trong bốn cõi thiên hạ cũng không bị sự dồn ép chật chội.”

Duy-ma-cật nói: “Dạ, thưa ngài Xá-lợi-phất! Chư Phật và chư Bồ-tát có một pháp môn giải thoát gọi là Không thể nghĩ bàn!

Thì ra còn một pháp môn gọi là “pháp môn giải thoát không thể nghĩ bàn” của chư Phật và chư Bồ-tát bây giờ mới chịu nói ra. Quả là bài học càng lúc càng trở nên hấp dẫn, sinh động. Nói không có pháp mà có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn mặc sức mà lựa chọn. Cũng như thầy thuốc có hằng trăm ngàn loại thuốc để lựa chọn, nhưng thiệt ra cũng chỉ có một số hoạt chất (pricipe actif) nhất định, có khả năng trị liệu, dù có thể mang nhiều tên biệt dược khác nhau. Vấn đề của thầy thuốc là chẩn đoán cho đúng bệnh chứ không phải thuộc lòng tên thuốc. Chẩn đoán chính xác, hiểu rõ “căn cơ” người bệnh thì nhiều khi chẳng cần dùng đến thuốc!
Duy-ma-cật giải thích: “Nếu một vị Bồ Tát trụ ở pháp môn giải thoát gọi là không thể nghĩ bàn ấy, thì có thể đem núi Tu-di cao lớn mà đặt vào trong một hạt cải, nhưng không có bên nào thêm hoặc bên nào bớt. Tướng trạng núi chúa Tu-di vẫn y nguyên như cũ”.

Núi Tu-di tướng trạng cao to cỡ nào thì cũng chỉ là một “pháp”, hạt cải tướng trạng  nhỏ bé thế nào thì cũng là một “pháp”… mà  “chư pháp Không tướng, bất sanh bất diệt, bất tăng bất giảm… “ nên Tu-di và hạt cải cũng đều là không. Thực tướng vô tướng, cái núi kia, cái hạt cải nọ chẳng qua là chút “diệu hữu” bày ra cho đẹp cuộc đời thôi. Không thấy cái đẹp đó thì thật đáng tiếc, mà bám chấp lấy cái tướng giả hợp đó cũng thật đáng tiếc. Nó diêu hữu đó mà vốn là chân không. Nó chân không đó mà…. vốn là diệu hữuSắc túc thị không/ Không tức thị sắc. Thấy được vậy là Bồ-tát có được pháp môn giải thoát bất khả tư nghì. Lý đã vô ngại thì sự vô ngại. Sự đã vô ngại thì lý cũng vô ngại. Lý lý sự sự đều vô ngại thì “tâm vô quái ngại, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng…” (Tâm kinh)!

Khi Einstein bảo Vật chất chính là Năng lượng, năng lượng chính là vật chất, rằng có hẳn một công thức (E=mc2) biến đổi vật chất thành năng lượngnăng lượng thành vật chất thì… không phải ai cũng có thể “nghĩ bàn” được. Khi nhà vật lý bảo khi vật chất không còn thì không có thời giankhông gian; khi nhà hoá học bảo  với ba nguyên tố Carbone (C), Hydro (H) và Oxy (O) sẽ “tùy duyên” mà thành đường, dấm hay rượu… ! Rồi các nguyên tố C, H, O…  đó cũng chỉ là những electron và neutron chạy xà quần, rồi hạt, rồi sóng, đến… không thì quả là thích thú vì “không thể nghĩ bàn”!
Bồ Tát ấy lại đem hết nước bốn biển cả mà để vào trong một lỗ chân lông, nhưng chẳng làm rối loạn những vật sống ở dưới nước…”.

Nước bốn biển cũng là… không mà lỗ chân lông cũng là không. Thực tướng vô tướng thì hòa nhập nhau có gì phải ngăn ngại? Pháp giới viên dung, vô ngại vì cùng bản chất, pháp tánh.  Lý vô ngại thì Sự vô ngại, Lý sự vô ngại, thì Sự sự vô ngại: nước bốn biển để vào trong một lỗ chân lông, nhét núi Tu di vào hạt cải, thâu ngắn một kiếp làm bảy ngày, kéo bảy ngày ra làm một kiếp… chẳng có gì ngăn ngại ở đây trong tâm Bồ-tát sống trong pháp giới sự sự vô ngại không thể nghĩ bàn đó.
Đại Ca-diếp khen: Nếu những ai tin và hiểu pháp môn giải thoát Bất khả tư nghị này, thì tất cả chúng ma không làm gì được mình!”

Dĩ nhiên rồi. Chẳng những chúng ma không làm gì được mình mà còn trở thành “thị giả” của mình nữa như Duy ma cật đã nói.
Duy-ma-cật thưa với ngài Ca-diếp: “Nhân giả, trong vô lượng vô số thế giới mười phương, những người làm Ma vương, đa số là những Bồ Tát trụ ở phép giải thoát Không thể nghĩ bàn. Vì dùng sức phương tiện để giáo hóa chúng sinh, nên các ngài hiện làm Ma vương”…

Nói khác đi, ngay cả Ma vương… cũng có khi là Bồ tát giả dạng. Ở đây, Duy-ma-cật chỉ muốn nhắc nhở với các Bồ-tát tại gia tương lai rằng chớ có thối chí ngã lòng khi gặp khó khăn trở ngại. Chẳng qua Bố-tát giả dạng Ma vương bức bách để thử thách đó thôi, khiến cho việc tu hành càng kiên cố, tinh tấn! Nhưng thời buổi bây giờ phải hết sức cẩn thận. Tôn Ngộ Không cũng phải trợn con mắt chính giữa lên mới phân biệt được Như Lai thật với Như Lai giả!
Bồ Tát trụ ở Phép giải thoát không thể nghĩ bàn có thể biến tất cả âm thanh trong thế giới mười phương thành tiếng của Phật, diễn ra những tiếng: vô thường, khổ, không, vô ngã.

Một tiếng chuông, tiếng mõ, một tiếng chim kêu, tiếng ngói vỡ, lá trúc reo… chẳng đã nói lên tất cả các pháp Phật rồi đó sao?

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.