Mi Tiên Vấn Đáp: Một Thánh Điển Phật Giáo

12/11/20182:15 CH(Xem: 12461)
Mi Tiên Vấn Đáp: Một Thánh Điển Phật Giáo

MI TIÊN VẤN ĐÁP: MỘT THÁNH ĐIỂN PHẬT GIÁO
Thích Nhật Đạo

 

Về chùa công việc khá nhiều nên hôm nay mới viết bài giới thiệu sách đến mọi người. Cũng là cuốn sách mà có người gợi ý tôi viết bài giới thiệu. Một Thánh điển Phật giáo. Và tác phẩm tôi đang nhắc tới là Mi Tiên vấn đáp.

 

MI_TIEN_VAN_DAP__MILINDA_PANHA___Gioi_Nghiem“Bộ kinh Milindapanha (Mi Tiên vấn đáp) xuất hiện vào khoảng năm trăm năm sau Phật niết-bàn, do ngài Pitakaculabhaya ở trung Ấn trước thuật bằng tiếng Pali.” (trích Lời nói đầu).

Về dịch giả, Hòa thượng Giới Nghiêm (1922 – 1984), một vị trưởng lão sáng lập Hệ phái Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam, một người thầy với đạo hạnh nghiêm minh. Tại Việt Nam hiện nay, nhiều vị do Ngài tế độ hoặc hướng dẫn đã trở thành những bậc trưởng lão cho đồ chúng nương theo tu tập.

Về dịch phẩm Mi Tiên vấn đáp, trong Lời nói đầu, dịch giả đã thông tin cho chúng ta biết: “Phật giáo Miến Điện xếp bộ kinh Milindapanha (Mi Tiên vấn đáp) vào Thánh điển, và Phật giáo Tích Lan đặt chung với năm bộ Nikaya để tôn thờ và phụng hành”. Đủ biết giá trị của tác phẩm Mi Tiên vấn đáp là rất lớn về mặt nghiên cứu học thuật, luận giải.

Dịch giả cũng cho biết phải bỏ gần hai mươi năm để phiên dịch, vì công việc Tam Bảo bề bộn. Tất cả không ngoài mục đích “muốn phổ biến một tư liệu quý hiếm rất gần với giáo pháp uyên nguyên; giải đáp, tháo gỡ những thắc mắc cho kẻ hoài nghi để phá bỏ sở tri chướng cho người tu Phật.”

Tác phẩm Mi Tiên vấn đáp được chia thành 3 phần: Dẫn nhập, Nội dung Mi-lan-đà vấn kinh và Sau cuộc vấn đáp; gồm 244 câu hỏi và lời giải đáp. Đây thật sự là một tư liệu quý dành cho người học Phật.

Theo đó, rất nhiều câu hỏi đã được Đức vua Mi-lan-đà đặt ra và được Tỳ-kheo Na-tiên trả lời rất tường tận, khúc chiết, dễ hiểu với những ví dụ minh họa gần gũi và cụ thể.

Ví như câu hỏi về Trí và tuệ, số 18: “Trí và tuệ khác nhau như thế nào, thưa đại đức?” đã được Tỳ-kheo Na-tiên trả lời là: “Trí thuộc về nhận thức, kiến thức, hiểu biết; còn tuệ là thấy rõ vô thường, khổ nãovô ngã. Trí là thông minh mà tuệ là sáng suốt, vậy nó khác nhau, tâu đại vương!”

Về thời gian tái sanh, câu hỏi số 74, Tỳ-kheo Na-tiên đã trả lời: “Chúng sanh chấm dứt thọ mạng ở đây, dẫu hóa sanh lên cõi Phạm Thiên, dẫu đầu thai vào cảnh người thì thời gian vẫn đồng nhau, không có sau trước, tâu đại vương”. Để giúp Đức vua hiểu rõ, Tỳ-kheo Na-tiên đã lần lượt đưa ra ba ví dụ để minh họa. Rất dễ hiểu và sâu sắc.

Một vấn đề khác về nhân quả tội phước, Tỳ-kheo Na-tiên đã xác chứng cho vua hiểu: “Chuyện nhân quả xảy ra trên thế gian này nó muôn mặt, muôn chiều, chứ không đơn giản như thường nhân hiểu đâu! Điều lành nhỏ phước quả lớn, điều ác lớn tội báo nhỏ - mà ngược lại như thế cũng thường có đấy, tâu đại vương”. (Câu hỏi số 78)

Đến câu hỏi số 148, một vấn đề khá tế nhị đã được Tỳ-kheo Na-tiên trả lời khi Đức vua Mi-lan-đà đặt câu hỏi vì sao Đức Thế Tôn vẫn để những kẻ phàm tục xuất gia trong giáo hội? Tỳ-kheo Na-tiên đã trả lời: “Cũng là rất thường tình khi trong giáo hội ấy có những phàm phu tục tử vào tu không phải vì mục đích cao thượng, chỉ nhắm đến những mục đích hạ liệt như: kiếm miếng cơm manh áo, tích lũy tứ sự cúng dường, được thân cận bậc quyền quý, cao sang, tìm chỗ nhàn hạ, thảnh thơi, tham vọng lãnh đạo Tăng chúng…”. Đây có lẽ là vấn đề mà hiện nay rất nhiều Phật tử quan tâm; trong số đó, một số ít đã chê trách, dần đánh mất niềm tin vào Tăng đoàn. Và có lẽ những lời phân tích, biện luận của Tỳ-kheo Na-tiên thật sự có ý nghĩa để xác chứng niềm tin của tín đồ với hàng ngũ xuất gia. Giáo pháp cũng giống như một hồ nước trong mát, chúng ta không thể vì bảo vệ hồ nước mà yêu cầu mọi người “hãy tắm sơ sơ ở đâu đó… mới cho phép xuống hồ”. Tỳ-kheo Na-tiên cũng đã vì Đức vua và người đời sau mà xác tín: “Giáo hội không bao giờ cấu uế, bất tịnh đâu, đại vương chớ lo về điều ấy”. Hãy đến, đọc những lời chia sẻ của Tỳ-kheo Na-tiên để thấm nhuần hơn hương vị của Pháp giải thoátkiên định niềm tin với Tăng Bảo.

 

Còn rất, rất nhiều lời giải đáp vô cùng thiết thực với những ví dụ cụ thể đã được Tỳ-kheo Na-tiên trình bày mà trong giới hạn bài giới thiệu sách chúng tôi không thể đề cập hết được. Hãy đến với tác phẩm để cảm nhận sâu sắc những giá trị mà cuốn sách mang lại.

 

Vài lời giới thiệu. MI TIÊN VẤN ĐÁP, ngài Pitakaculabhaya trước thuật, Hòa thượng Giới Nghiêm dịch, tỳ-kheo Giới Đức hiệu chính. NXB. Phương Đông. 878 trang.

 

Bà Rịa, ngày 11-11-2018

Thích Nhật Đạo

Xem Thêm:

● MI TIÊN VẤN ĐÁP (MILINDA PANHA), Giới Nghiêm
 Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên, Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến
● KINH NA TIÊN TỲ KHEO, Cao Hữu Đính
 Kinh Tỳ Kheo Na Tiên, Thiện Nhựt
● Về niên đại Hán dịch của kinh Na Tiên Tỳ kheo (Đào Nguyên)





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2019(Xem: 8753)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.