Nhân Đọc Kinh Pháp Cú Tây Tạng Của Thiền Hữu Nguyên Giác

23/08/20194:03 SA(Xem: 9054)
Nhân Đọc Kinh Pháp Cú Tây Tạng Của Thiền Hữu Nguyên Giác

NHÂN ĐỌC KINH PHÁP CÚ TÂY TẠNG
CỦA THIỀN HỮU NGUYÊN GIÁC
Nguyễn Văn Sâm

kinh phap cu tay tangTập sách mỏng nhưng nặng ký Kinh Pháp Cú Tây Tạng do Nguyên Giác dịch và ghi nhận đến với tôi không gây bất ngờ vì Nguyên Giác viết về những vấn đềtính cách chuyên sâu về Phật giáo cũng đã nhiều. Cuốn nầy là cuốn thứ 9, đó là chưa kể những bài báo liên quan đến vài vấn đề thuộc về kinh kệ Phật giáo rải rác chưa in thành sách.

Kinh Pháp Cú tức là bản gom góp lại những câu ngăn ngắn lời Đức Phật dạy khi ngài còn tại thế. Những đệ tử của Phật sau đó kết tập lại và xếp theo từng loại cho người đời sau dễ học, đễ thấm. Với sự bành trướng của đạo Phật, Kinh Pháp Cú được viết lại, diễn dịch ra nhiều ngôn ngữchúng ta biết nhiều nhất  qua:

1.  Chữ Pali, Việt dịch có vài bản, bản quan trọng nhứt do Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, trước năm 1975.

2.  Chữ Hán, Việt dịch có thể tới mấy chục bản dịch, đầy đủ hay không, bản được chú ý nhứt là bản của Thiền Sư Nhất Hạnh, người nổi tiếng là có nhiều ảnh hưởng lên tín đồ Phật giáo Âu Mỹ.

3.  Chữ Sanskrit, chưa có bản Việt dịch trực tiếp hay gián tiếp nào, thiền hữu  Nguyên Giác - tôi thích gọi ông là thiền hữu vì ông có một đời sống và sự làm việc về Phật học quá hơn một cư sĩ - dịch gián tiếp qua ba bản Anh Ngữ.

Trong quá khứ và trong tương lai, những bản Kinh Pháp Cú xuất hiện nhiều, từ giới tu hành xuất gia cũng như từ những người ngoài yêu thích đạo Phật hay thuần túy thích văn chương tư tưởng. Chắc chắn rằng rồi sẽ có các bản dịch  từ  dòng Sanskrit, qua những bản tiếng Anh khác mà có thể thiền hữu Nguyên Giác chưa tìm thấy.

Với một sự suy luận bình thường, ta thấy ngay bản Kinh Pháp Cú nào cũng không thể đúng nguyên văn lời Phật dạy vì kinh qua sự nhớ lại, sự  kết tập, sự chuyển hóa từ ngôn ngữ nầy qua ngôn ngữ khác và qua cách dịch, cách xắp xếp nội dung của từng người có tham gia vào việc hình thành bản dịch  ra ngôn ngữ của quốc gia mình.

Thiền hữu Nguyên Giác dịch qua ba bản tiếng Anh mà ông có được và ông đã tham khảo cẩn thận. Người muốn hiểu Kinh Pháp Cú rồi đây chắc hẳn sẽ thích bản dịch nầy vì nó là văn xuôi, vốn dĩ dễ hiểu và khó đi lạc vào sự bóng bẩy mơ hồ của ngôn ngữ thi ca từ các bản Hoa ngữ.

Ấn tượng là sự xắp xếp nội dung của bản kinh từ dòng Sanskrit: Nhập tâm người đọc ngay, cái nguyên lý tinh túy của Phật đạo được đưa ra đầu tiên: Lý vô thường: Tất cả mọi vật trên thế gian này  đều chịu luật vô thường, sẽ bị hủy diệt, phải tan biến theo thời gian trước hay sau thôi. Một con người cụ thể nào đó, người danh tiếng, đương làm hùm làm hổ trên chánh trường, người bình thường như kẻ viết hay độc giả của bài nầy, rồi sẽ chết, sẽ biến mất khỏi trần thế sớm hay muộn.

Với nguyên lý đó người đọc sẽ chờ đón những ‘lời khuyên’ bằng các phẩm kế tiếp như đừng tham, đừng ái dục, nên thanh tịnh, nên khả ái, nên giới, nên thiện hạnh, nên giữ gìn lời nói, nên chính định việc làm, nên có lòng tin, nên có lối sống của người xuất gia hành chánh đạo…

Đó là những điều cốt tủy của chương Một với 12 phẩm, mà tôi nghĩ rằng tín đồ Phật giáo hay cư sĩ theo đó mà hành cũng đã đủ lắm rồi. Những chương tiếp theo, 2, 3, 4  bàn sâu hơn về những vấn đề căn bản - tiếng chuyên môn gọi là phẩm- của đạo như Niệm, Tạp, Tự Ngã, Niết Bàn, Như Lai, An Lạc, Tâm, Cái Thấy. Những phẩm khác như Danh Vọng, Ghét, Nước, Hoa, Ngựa, Sân, Số Lượng,  Tỳ Khưu, Bà La Môn… tôi cho là những phẩm phụ mà người tu hành hay khách tìm hiểu đạo có thể lướt qua khi đọc kinh nầy những lần đầu. Về sau, với thời gian dùng cho sự tinh tấn, những phẩm thứ yếu nói trên nếu được nghiền ngẫm cũng là rất hữu ích.

****

Thiền hữu Nguyên Giác nói với tôi ông khổ công tìm tòi mới biết được ba bản Anh dịch từ bản Sanskrit của Kinh Pháp Cú, ông cũng nói  là khi dịch mình tốn nhiều thời giờ và công sức, đến nỗi lắm lần nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc vì  quá mệt và xụi tay trong việc đánh máy tới lui sửa chữa. Rồi thì Trời cho, Long Thần Hộ Pháp đã giúp cho tay hết xụi, đã giúp ông có đủ sức khoẻ để hoàn thành  hạnh nguyện.

Ai cơ duyên sẽ sở hữu được quyển sách quí  Kinh Pháp Cú Tây Tạng nầy. Ai đạo Tâm sẽ đọc và thấm nhuần phẩm đầu và các phẩm căn bản  đã nêu trên, ai xuất gia nên đọc và nghiền ngẫm toàn bộ quyển kinh.  Nói chung kinh nầy đưa ra  triết lý của đạo Phật dưới hình thức đơn giản nhứt, dễ lý hội nhứt và theo một trình tự hợp lý nhứt. Ở đây ta không thấy sự bắt đầu bằng nguyên lý Tứ Diệu Đế: Sanh, Lão, Bịnh, Tử, và phương pháp diệt khổ, diệt tử bằng con đường Bát Chánh Đạo cao xa. Ở đây cũng không có mô tả Địa Ngục với những cuộc trừng phạt kinh rợn của Phật giáo biến thể thành Phật giáo bình dân. Ở đây là những nhận định xác thực và những lời dạy cho chúng sanh diệt trừ ham muốn làm cho con người bị phóng ngã, mê lầm trong cuộc đời vốn là ảo hóa, vô thường.

Để giúp bạn đọc chưa có sách, xin được trích ra vài câu kệ quan yếu ở phẩm  căn bản: Phẩm Vô Thường:

Kệ 3. Những gì hợp đều sẽ tan, những gì được tạo tác đều sẽ hư rã. Những gì được sinh ra đều sẽ chết. Chỉ trong tịch lặng mới có hạnh phúc.

Kệ 11. Tất cả trái chín đều sẽ phải rơi và hư vữa; tương tự, ai đã sanh ra cũng đều mang nỗi sợ chết.

Kệ 12. Đời người y hệt chiếc bình đất sét chói sáng từ người thợ gốm; tất cả cũng đều rồi bị tan vỡ.

Kệ 23. Cuối đời người là chết, tất cả chúng sanh rồi cũng sẽ lìa đời, trong khi đó, kết quả những việc thiện và ác  họ đã làm trong đời sẽ vẫn theo sát họ.

Kệ 24. Người làm ác sẽ rơi xuống địa ngục, người làm lành sẽ rơi vào cõi hạnh phúc. Người sống với chánh pháp  sẽ không phạm lỗi, sẽ thành tựu Niết bàn.

Cả quyển sách không thấy mô tả Địa Ngục như chỗ Âm Ti theo hình ảnh  trừ gian  diệt bạo của Tàu, cũng không có cảnh Niết Bàn với nhà vàng, cây ngọc, núi kim cương, nơi con người không cần làm việc cũng có thức ăn ngon, giàu sang, phú quí.  Ở  Kinh Pháp Cú Tây Tạng nầy Rơi xuống địa ngục, đã được giải thích bằng  cái tâm khổ não, cái cảnh khổ phải chịu của đời sau hay chính đời nầy (Xem chuyện Địa ngục ở miền Dương gian trong tập Chuyện Giải Buồn của Paulus Của, bản in Saigon, 1887).  Thành tựu Niết bàn được giải thích bằng cái tâm tĩnh lặng mà ta thấy rải rác trong toàn  quyển kinh, nhứt là phẩm  Tâm. Xin trích ra đây vài ba  bài kệ về vấn đề nầy.

Kệ 10. Người có tâm nghiêng về ác  sẽ tự mang sầu khổ tới…

Kệ 11. Người có tâm nghiêng về thiện  sẽ tự mang hạnh phúc tới; hạnh phúc đó không ai mang tới cho mình, dù là từ ba, mẹ và người thân khác.

Kệ 61. Người sống trong sạch sẽ được an lành; người có tâm được phòng hộ toàn hảo sẽ hạnh phúc, tất cả những ai chệch hướng theo bản năng thô bạo [tương lai] tương lai sẽ xuống cảnh giới quỷ đói.

Vậy thì  sung sướng hay sầu khổ, Địa ngục hay Niết bàn  cũng  từ cái tâm  sa đà  hay hướng đối nghịch với nó là tâm thiện, tâm tĩnh lặng, không tranh không tham.

Bao nhiêu đó đã đủ để người thiện tri thức nương theo mà sống đời sống đạo hạnh. Xin tán thán công đức của thiền hữu Nguyên Giác trong việc tìm kiếm  những bản Anh dịch để có thể hoàn tất công việc rất có giá trị của mình.

Qua bao nhiêu thời giankhông gian, những lời dạy của Đức Phật trong các bản Kinh Pháp Cú được suy diễn thêm, được bình dân hóa cho phù hợp với số đông người đời nên có  những hình ảnh cụ thể về cảnh giới trên trời (Niết Bàn), về địa giới dưới đất (Âm Ti, Địa Ngục), tôi nghĩ rằng đó cũng là lẽ bình thường  vì sự tạp đa của xã hội với biết bao nhiêu là mức độ của  sự Ngộ, sự Tĩnh Lặng, sự hành thiện, hành ác.. mà các nhà Phật học thường dùng hai chữ căn cơ để giải thích. Văn chương  có tính cách hướng về tu hành theo  căn cơ, tuy vậy cũng đã góp phần tích cực thiệt nhiều cho người đời. Tây Du Kýtrường hợp dễ thấy nhứt. Các tác phẩm nhỏ hơn, ngắn hơi hơn, chưa đi ra khỏi địa bàn nước Việt Nam như Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh,  như Chuyện Trương Thiện Hữu (NVS, phiên âm với tựa mới Tội Vợ Vợ Chịu), như Chuyện Trương Ngáo tức Người Đi Đòi Nợ Phật, như các truyện về Phật Bà Quan Âm, như các Giảng Xưa của ông Sư Vãi Bán Khoai… cũng đã góp phần làm lớn mạnh con người -về mặt đạo đức- của vùng đất mà các tác phẩm nầy xuất hiện.

Đọc Kinh Pháp Cú Tây Tạng để thấy rằng tại sao nguyên nước Tây Tạng trở thành nước của Phật giáo. Nhìn tổng quát hơn, đọc Kinh Pháp Cú các bản Pali, Hoa ngữ, Sanskrit để hiểu tại sao có những bản kinh khó như Kinh Hoa Nghiêm được lưu truyền bao ngàn năm nay, và cũng có những niềm tin bị coi là mê tín, dị đoan như Hồi Dương Nhơn Quả, như Nhân Quả Báo Ứng.  Sự khác biệt nầy theo tôi suy cho cùng sinh ra từ sự giải thích theo chiều hướng bác học hay bình dân mà thôi. Nói cách khác, Kinh Pháp Cú nói chung đứng ở giữa hai đối cực, một đầu là các kinh khó học, khó hiểu của các vị cao tăng, một đầu là các niềm tin về đầu thai trong Lục đạo, về Địa ngục, Niết bàn.

Chúng tôi, người biết quá ít về đạo Phật, chưa từng sống như một cư sĩ, xin không dám bàn thêm, chỉ xin  tán thán công đức của người giới thiệu bản Kinh Pháp Cú Tây Tạng nầy, nhờ đó được dịp đọc lại những lời giáo huấn của Đức Từ phụsám hối những lỗi lầm đã qua của  mình. Cũng xin nhân dịp nầy có mấy vần thơ (thẩn) được khơi nguồn từ một câu kệ trong sách, xin trình cùng chư độc giả:

Ngọn đuốc không buông bỏ,
Sẽ cháy tay người cầm.
Lòng tham cùng dục vọng,
Khác thể dây buộc thòng,
Trói thân kẻ mê tâm,
Đẩy hồn đời đời khổ.

Những sai lầm có trong bài giới thiệu nầy, xin được mang và thành thật sám hối.

Đạt Giả Nguyễn Văn Sâm (Victorville, CA, Aug.21, 2019)
_______________________

Quý độc gỉa có thể tiếp cận được sách qua ba nguồn sau: (1) Đọc online, (2) Download phiên bản PDF về máy nhà và (3) Đặt mua sách trên mạng Amazon:   https://www.amazon.com/dp/1077971230 hay: https://amzn.com/1077971230


Các bản dịch Kinh Pháp Cú:
Kinh Pháp Cú Tây Tạng (Nguyên Giác dịch và ghi nhận)
Sanskrit/Hán Tạng:
Kinh Pháp Cú Bắc Truyền (Thích Nguyên Hùng & Thích Đồng Ngộ)
Kinh Pháp Cú Hán Tạng (Thích Nhất Hạnh)

Pali Tạng:
Chú Giải Kinh Pháp Cú Nam Truyền Quyển 1, 2, 3 & 4 (Pháp Minh)
Kinh Pháp Cú Thích Minh Châu
Kinh Pháp Cú Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Kinh Pháp Cú Thích Thiện Siêu
Kinh Pháp Cú - Đa Ngữ: Việt - Anh - Pháp - Đức
Kinh Pháp Cú Song Ngữ Chú Giải
 Thích Phước Thái
Kinh Lời Vàng (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/01/2015(Xem: 10520)
01/12/2014(Xem: 10704)
16/10/2014(Xem: 25739)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.