Tĩnh Lặng

09/09/20213:21 CH(Xem: 20989)
Tĩnh Lặng
TĨNH LẶNG
SỨC MẠNH CỦA SỰ TĨNH LẶNG 
TRONG THẾ GIỚI HUYÊN NÁO
Thích Nhất Hạnh | Chân Hội Nghiêm chuyển ngữ
Nhà xuất bản Thế Giới
tinh lang - thich nhat hanh


Còn sống và bước đi trên mặt đất này là một phép lạ, nhưng hầu hết chúng ta lại chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó như thể là có một nơi tốt đẹp hơn để đến vậy. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được.

Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự tĩnh lặng. Nếu không có sự tĩnh lặng trong tự thân, nếu thân tâm ta đầy sự ồn ào, náo loạn thì ta không thể nghe được tiếng gọi của vẻ đẹp ấy.

Có một đài radio đang hoạt động trong đầu ta, đó là đài NST (Non Stop Thinking) – đài suy nghĩ liên tục không ngừng. Tâm ta đầy tiếng ồn) vì vậy ta không thể nghe được tiếng gọi của sự sống, tiếng gọi của tình thương. Trái tim ta đang gọi ta mà ta không nghe thấy. Ta không có thời gian để lắng nghe trái tim mình.

Chánh niệm là sự thực tập làm cho những tiếng ồn trong mình yên lắng lại. Không có chánh niệm, chúng ta có thể bị nhiều thứ lôi kéo, chẳng hạn như những tiếc nuối, buồn phiền trong quá khứ. Ta hồi tưởng lại những ký ức, hồi tưởng lại những gì đã trải qua, để khổ đi khổ lại, để đau đi đau lại những niềm đau mà ta đã đi qua. Chúng ta rất dễ bị kẹt vào ngục tù của quá khứ.

Chúng ta cũng có thể bị tương lai lôi kéo. Những người lo lắng, sợ hãi về tương lai cũng bị giam hãm trong tù ngục như những người bị quá khứ trói buộc. Sợ hãi, lo lắng, hoang mang ngăn cản ta, không cho ta nghe được tiếng gọi của hạnh phúc. Vì vậy, tương lai cũng trở thành ngục tù.

Dù ta cố gắng có mặt trong giây phút hiện tại thì tâm ta cũng tán loạn và thấy trống vắng như có một khoảng trống lớn trong ta vậy. Có thể ta chờ đợi, trông mong điều gì đó xảy ra cho cuộc sống của ta hào hứng hơn, sôi nổi hơn. Ta trông chờ điều gì đó có thể thay đổi hoàn cảnh của ta, vì cuộc sống hiện tại của ta quá chán nản, chẳng có gì đặc biệtthú vị.

Chánh niệm thường được mô tả như một tiếng chuông nhắc nhở chúng ta dừng lại và im lặng lắng nghe. Chúng ta có thể sử dụng tiếng chuông hay bất kỳ một tín hiệu nào giúp ta nhớ để không bị kéo đi bởi những tiếng ồn chung quanh và tiếng ồn trong mình. Khi nghe chuông, ta dừng lại, theo dõi hơi thở vào ra và tạo không gian cho sự yên lặng. Ta có thể tự nói với mình: “Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào.” Thở vào, thở ra trong chánh niệm, chỉ chú ý vào hơi thở, ta có thể làm yên lắng tất cả những tiếng ồn trong mình, những tiếng độc thoại về quá khứ, tương lai hay những mong cầu về điều gì đó.

Chỉ cần thở chánh niệm trong vòng hai, ba giây thôi là ta đã thức tỉnh, rằng ta còn sống và ta đang thở vào. Ta có mặt đây, ta đang tồn tại. Tiếng ồn bên trong sẽ biến mất ngay lập tức, nhường chỗ cho một không gian bao lasâu rộng. Rất hùng hồn và mạnh mẽ. Ta có thể đáp lại tiếng gọi của những vẻ đẹp chung quanh ta: “Tôi đang có mặt đây, tôi đang có tự do và đang nghe em đây.”

“Tôi đang có mặt đây” nghĩa là gì? Nghĩa là “Tôi đang sống. Tôi đang thật sự có mặt, bởi vì tôi không bị đánh mất mình trong quá khứ, trong tương lai, trong suy nghĩ, trong những tiếng ồn bên trong cũng như tiếng ồn bên ngoài.

Tôi đang có mặt.” Để thực sự có mặt, ta phải có tự do, vượt thoát những suy nghĩ, vượt thoát những lo lắng, vượt thoát những sợ hãi và mong cầu. “Tôi đang có tự do” là một lời tuyên bố rất hùng hồn, bởi vì sự thật là nhiều người trong chúng ta không có tự do. Ta không có tự do để nghe, để thấy và để có mặt.

Im lặng với nhau

Tại Làng Mai, một trung tâm tu học ở miền Nam nước Pháp, có thực tập Im Lặng Hùng Tráng. Phương pháp thực tập rất đơn giản. Khi cần nói thì nói. Nhưng khi làm những công việc khác như ăn cơm, đi lại hay làm việc thì ta chỉ làm những thứ ấy. Ta không vừa làm vừa nói. Ta làm những điều ấy trong sự im lặng hùng tráng, vui tươi. Như vậy, ta có tự do để nghe được tiếng gọi sâu sắc nhất từ trái tim mình.

Gần đây, có một buổi ăn cơm ngoài trời, cả xuất sĩ lẫn cư sĩ. Tất cả mọi người đi lấy thức ăn và ngồi xuống chung với nhau trên bãi cỏ. Chúng tôi ngồi thành những vòng tròn đồng tâm, vòng nhỏ bên trong rồi vòng lớn bên ngoài, nhiều vòng như vậy, rất yên lặng. Chúng tôi không nói gì cả.

Tôi là người đầu tiên ngồi xuống. Tôi ngồi xuống thở trong chánh niệm để thiết lập sự im   lặng trong mình. Tôi lắng nghe tiếng chim, tiếng gióthưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân. Tôi không đợi mọi người đến ngồi xuống để bắt đầu ăn cơm. Tôi chỉ ngồi yên buông thư, thưởng thức khung cảnh chung quanh khoảng 20 phút trong khi những người khác khất thực thức ăn và ngồi xuống.

Có một sự im lặng, nhưng sự im lặng này không sâu lắng như tôi từng trải nghiệm, có lẽ mọi người bị tán tâm trong khi đi qua đi lại lấy bát đĩa và thức ăn. Tôi ngồi im lặngquán chiếu.

Tôi mang theo một cái chuông nhỏ, khi mọi người ngồi xuống, tôi thỉnh một tiếng chuông. Vì ai cũng thực tập nghe chuông và thở trong chánh niệm cả tuần rồi nên tất cả mọi người lắng nghe rất nghiêm túc. Ngay sau khi tiếng chuông chánh niệm đầu tiên được thỉnh lên thì sự im lặng đã hoàn toàn khác rồi. Một sự im lặng đích thực bởi vì mọi người đã dừng suy nghĩ, tập trung tâm ý vào hơi thở vào ra. Chúng tôi thở với nhau trong im lặng và sự im lặng tập thể tạo ra một vùng năng lượng hùng hậu. Im lặng như thế có thể được gọi là im lặng sấm sét, bởi vì nó rất hùng và mạnh. Trong sự im lặng này, tôi có thể nghe được tiếng gió, tiếng chim rõ ràngsống động hơn. Trước đó, tôi cũng nghe được tiếng chim, tiếng gió nhưng không giống như vậy, bởi vì sự im lặng chưa đạt tới mức độ sâu lắng nhất.

Thực tập Im Lặng Hùng Tráng để làm tan đi những tiếng ồn trong mình thì không khó. Chỉ cần luyện tập một ít là ta có thể làm được. Thực tập Im Lặng Hùng Tráng ta có thể đi, có thể ngồi, có thể thưởng thức buổi ăn. Im lặng như thế ta có đủ tự do để sống vui và trân quý những mầu nhiệm của sự sống. Với sự im lặng này, ta có thêm khả năng để trị liệu cho thân tâm ta. Ta có khả năng sống, khả năng có mặt. Bởi vì ta thực sự tự do, vượt thoát được những nuối tiếc, khổ đau trong quá khứ, những sợ hãi, nghi ngờ về tương lai, vượt thoát tất cả những cuộc độc thoại trong đầu. Im lặng như thế một mình rất tốt, nhưng nếu ta im lặng chung với nhau sẽ tạo ra một nguồn năng lượng tập thể rất sinh động, có khả năng trị liệu rất lớn.

Âm thanh của vô thanh

Im lặng thường được mô tả là sự vắng mặt của âm thanh, tuy nhiên nó cũng là một âm thanh rất hùng hồn. Tôi nhớ mùa đông năm 2013 – 2014, ở Pháp không lạnh lắm, nhưng ở Bắc Mỹ thì rất lạnh. Năm ấy có nhiều cơn bão tuyết hơn mọi năm, và có khi nhiệt độ xuống âm 20 độ C. Tôi thấy hình ảnh của những thác nước Niagara khi trời lạnh nhất. Những thác nước đã đóng băng, nước không thể tràn xuống được. Thác nước ngưng bặt. Tôi thấy được hình ảnh đó và rất ấn tượng. Thác nước đã ngừng cùng với âm thanh.

Cách đây khoảng 40 năm, trong một khóa tu cho người trẻ ở Chiang Mai, miền Đông Bắc Thái Lan, tôi đang ở trong một cái cốc gần con suối và luôn luôn nghe được tiếng nước chảy. Tôi thưởng thức từng hơi thở của mình, giặt áo và nghỉ trưa trên những hòn đá lớn cạnh con suối ấy. Bất kỳ lúc nào có mặt, tôi cũng nghe được tiếng nước chảy. Ngày đêm tôi đều nghe được âm thanh giống nhau ấy. Tôi nhìn những lùm cây chung quanh và nghĩ: “Từ khi mới sinh ra, chúng đã nghe được âm thanh này. Giả sử âm thanh này ngưng lại, lần đầu tiên chúng nghe được âm vô thanh, âm thanh im lặng”. Nếu được, chúng ta hãy tưởng tượng về điều này. Bỗng nhiên nước ngưng chảy, tất cả những cây cối sinh ra từ dòng suối đã từng nghe tiếng thác đổ, nay không còn nghe gì nữa. Hãy tưởng tượng chúng ngạc nhiên đến mức nào khi lần đầu tiên trong đời chúng nghe được tiếng vô thanh.

Năm âm thanh đích thực

Bồ tát là một danh từ Phật học dùng để chỉ người nào có tình thương lớn, có từ bi lớn, dành trọn đời mình để cứu khổ cho chúng sanh. Đạo Bụt có nói đến Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát biết lắng nghe sâu. Quán Thế Âm nghĩa là người biết lắng nghe sâu tiếng kêu của muôn loài trên thế gian.

Theo truyền thống đạo Bụt, Bồ tát Quán Thế Âm có khả năng nghe được tất cả các loại âm thanh. Đồng thời Ngài cũng có khả năng phát ra được năm loại âm thanh khác nhau, có khả năng trị liệu cho thế gian. Nếu có khả năng lắng nghe sự im lặng trong tự thân, ta có thể nghe được năm loại âm thanh này.

Âm đầu tiên là Diệu Âm, âm thanh của những mầu nhiệm của sự sống đang gọi ta. Đó là tiếng chim, tiếng suối, tiếng mưa rơi, v.v.

Chúa là một âm thanh,

Đấng sáng tạo ra vũ trụ là một âm thanh.

Mọi thứ đều bắt đầu bằng âm thanh.

Âm thứ hai là Quán Thế Âm, âm thanh của người biết quán sát cuộc đời. Đây là âm thanh của sự lắng nghe, âm thanh của sự im lặng.

Âm thứ ba là Phạm Âm. Đây là âm thanh siêu việt, có một lịch sử lâu đời trong nền tư tưởng tâm linh Ấn Độ, âm thanh đó là tiếng “om”. Theo nền tư tưởng này thì tiếng “om” có một sức mạnh bẩm sinh tạo ra thế giới. Vũ trụ được tạo ra bởi âm thanh này. Trong Phúc Âm, John, cũng có một ý niệm tương tự: “Khởi đầu, có một từ” (“In the beginning was the Word”) (John 1:1). Theo kinh điển Vệ Đà, văn bản xưa nhất của Ấn Độ Giáo, từ tạo ra thế giới là “om”. Trong truyền thống Vệ Đà Ấn Độ thì âm thanh này là thực tại tối hậu hay là Chúa.

Nhiều nhà thiên văn học hiện đại cũng có niềm tin tương tự như vậy. Họ đi tìm cái khởi nguyên, cái bắt đầu của vũ trụ, và họ đặt giả thiết rằng khởi đầu của vũ trụ là “Big Bang”.

Âm thanh thứ tư là Hải Triều Âm. Âm thanh này tượng trưng cho tiếng gọi của Bụt. Giáo pháp của Bụt có khả năng lấy đi sự hiểu lầm, làm tan biến phiền nãochuyển hóa mọi khổ đau. Rất thâm nhậphiệu quả.

Âm thanh thứ năm là Thắng Bỉ Thế Gian Âm, là âm thanh vượt thoát những âm thanh của thế gian, vượt thoát mọi tiếng đời. Đây là âm thanh Vô thường, là một lời nhắc nhở chúng ta đừng để kẹt hoặc vướng mắc vào những âm thanh hay ngôn từ đặc biệt nào. Nhiều học giả đã làm cho giáo pháp của Bụt trở nên phức tạp và khó hiểu. Nhưng những gì Bụt dạy thì rất đơn giản và không kẹt vào ngôn từ. Vì vậy, nếu giáo pháp của Bụt mà quá phức tạp thì đó không phải là tiếng Bụt nói. Nếu những gì mình nghe quá lớn, quá ồn, quá chát thì đó không phải là tiếng gọi của Bụt. Bất kỳ ở đâu, ta cũng có thể nghe được loại âm thanh thứ năm này. Dù có ở trong tù, ta cũng có thể nghe được âm thanh vượt thoát tiếng đời.

Mối quan tâm sâu sắc nhất của ta

Khi nào ta có khả năng làm yên lắng những tiếng ồn trong đầu thì ta có thể thiết lập thân tâm trong sự im lặng, một sự im lặng sấm sét. Ta bắt đầu nghe được tiếng gọi sâu sắc nhất của ta. Trái tim ta đang kêu gọi ta nhưng ta không có khả năng nghe được bởi vì tâm ta đầy tiếng ồn. Đêm ngày ta luôn bị lôi kéo. Tâm ta suy nghĩ liên tục, đặc biệt là những suy nghĩ tiêu cực.

Trong đời sống hằng ngày, nhiều người trong chúng ta đã dành hầu hết thời gian của mình để đi tìm những tiện nghi sinh sống, như tiện nghi vật chấttiện nghi tình cảm, những thứ mà ta gọi là những quan tâm hằng ngày của ta. Chúng ta bận rộn với những thứ ấy: làm thế nào để có đủ tiền, đủ thức ăn, nhà ở và những vật chất khác. Bên cạnh những quan tâm vật chất, ta cũng có những quan tâm tình cảm: có người nào đó đặc biệt thương ta không, công việc của ta có an toàn không. Có thể ta đi tìm một mối quan hệ dễ chịu, thoải mái, không quá khó khăn, để tồn tại. Chúng ta đi tìm một cái gì đó để dựa dẫm và nương tựa. Ta lo lắng suốt ngày vì những vấn đề này. Điều đó lấy hết thời gian của ta.

Có thể chúng ta để hết 99,9% thời gian của mình để lo lắng cho những quan tâm hằng ngày này: những tiện nghi vật chất, những tiện nghi tình cảm. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì chúng ta cần có những nhu cầu căn bản đáp ứng cho những cảm giác an toàn của chúng ta. Nhưng nhiều người trong chúng ta đã lo lắng quá xa, vượt ngoài những nhu yếu của mình. Cơ thể ta khỏe mạnh, ta có đủ cơm ăn, có nhà để ở, ấy vậy mà ta vẫn không hết lo lắng.

Trong khi đó, mối quan tâm sâu sắc nhất của ta thì có thể ta không nhận ra, ta không thể nghe được. Mỗi người trong chúng ta có những quan tâm tối hậu không dính líu đến những quan tâm vật chất và tình cảm. Ta làm gì với đời ta? Ta có mặt đây, nhưng tại sao ta lại có mặt đây? Ta là ai? Đây là những vấn đề tiêu biểu nhưng ta không có thời gian để trả lời.

Đây không phải là vấn đề triết học. Nếu không có khả năng trả lời được những câu hỏi này thì ta sẽ không có bình an, không có niềm vui sống, bởi vì nếu khôngbình an thì cũng không có niềm vui. Nhiều người trong chúng tacảm tưởng là mình không bao giờ có thể trả lời được những câu hỏi này. Nhưng với chánh niệm, nếu ta có một ít im lặng bên trong, ta có thể nghe được câu trả lời. Ta có thể tìm ra được câu trả lời cho những vấn đề này và nghe được tiếng gọi sâu sắc nhất của trái tim ta.

Khi đặt câu hỏi: “Ta là ai?”, nếu có đủ thời gianđịnh lực, ta sẽ có câu trả lời đáng kinh ngạc. Ta có thể thấy được ta là sự tiếp nối của tổ tiên. Cha mẹtổ tiên ta có mặt trọn vẹn trong mỗi tế bào cơ thể ta, ta là sự tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên. Ta không có một cái ngã riêng biệt. Nếu lấy cha mẹtổ tiên ra khỏi ta thì ta cũng không tồn tại.

Ta có thể thấy được ta được làm bằng nhiều yếu tố, như nước chẳng hạn. Nếu lấy yếu tố nước ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại được. Ta được làm bằng yếu tố đất. Nếu lấy yếu tố đất ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại. Ta được làm bằng yếu tố không khí (gió). Ta cần không khí vô cùng, không có không khí ta cũng không thể sống được. Vì vậy, nếu lấy yếu tố gió ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại. Và trong ta cũng có yếu tố lửa, yếu tố làm nên sức nóng và ánh sáng. Ta biết rằng ta cũng được làm bằng ánh sáng. Không có ánh sáng mặt trời thì không có gì có thể tồn tại trên trái đất này. Nếu tiếp tục quán chiếu, ta sẽ thấy rằng ta được làm bằng mặt trời, một trong những vì sao lớn nhất trong dãy ngân hà. Chúng ta cũng biết rằng, trái đất, cũng như chính chúng ta, được làm bằng các vì sao. Vì vậy, chúng ta là những vì sao. Ta không chỉ là hình hài nhỏ bé như ta thường nghĩ về bản thân mình. Vào những đêm trời trong, nhìn lên trời, ta có thể thấy được ta là những vì sao trên trời.

Không cần phải chạy

Chánh niệm cho ta một không gian và một sự yên tĩnh bên trong, cho phép ta nhìn sâu để tìm ra được ta là ai, ta muốn làm gì với đời ta. Ta không còn thấy cần thiết phải chạy theo những mưu cầu vô nghĩa nữa. Ta đã chạy quá nhiều để tìm kiếm một cái gì đó vì ta nghĩ rằng cái đó quan trọng cho hạnh phúcbình an của ta. Ta tự ép mình đạt cho được cái này cái nọ để ta có hạnh phúc. Ta tin rằng bây giờ ta không đủ điều kiện để hạnh phúc, vì vậy, ta tạo ra một tập khí mà nhiều người vấp phải, đó là luôn chạy theo hết cái này đến cái khác. “Tôi không thể bình an bây giờ được, tôi không thể dừng lại để sống hạnh phúc được, bởi vì tôi cần thêm vài điều kiện nữa để có thể hạnh phúc.” Thực tế, ta đã dập tắt niềm vui sống, quyền thừa kế của ta. Tuy nhiên sự sống tràn đầy những mầu nhiệm, kể cả những âm thanh vi diệu. Nếu ta có khả năng có mặt, nếu ta có tự do, thì ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Ta không cần phải chạy nữa.

Thực tập chánh niệm rất đơn giản. Dừng lại, thở và làm cho tâm mình yên lại. Trở về ngôi nhà đích thực của ta để thưởng thức sự sống ngay bây giờ và ở đây trong từng giây từng phút.

Tất cả những mầu nhiệm của sự sống đã có mặt ở đây rồi. Chúng đang gọi ta. Nếu có khả năng lắng nghe chúng, ta sẽ có khả năng dừng lại. Cái ta cần là sự im lặng. Dừng lại những tiếng ồn trong tâm để ta có thể nghe được những âm thanh vi diệu của sự sống. Và ta có thể bắt đầu sống đời sống của ta một cách chân thành và sâu sắc.





.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.