Chương Ii: Lễ HộiĐời Sống Qua Lời Phật Dạy

06/05/201212:00 SA(Xem: 19134)
Chương Ii: Lễ Hội Và Đời Sống Qua Lời Phật Dạy

DU HÓA TẬP 2
Huệ Giáo
PL. 2555 - DL. 2011

CHƯƠNG II
LỄ HỘIĐỜI SỐNG QUA LỜI PHẬT DẠY

TRÊN ĐỈNH NÚI CAO TẤT CẢ ĐỀU BÌNH YÊN


Học chữ Hán là một chương trình bắt buộc khi chúng tôi trở thành một chú Tiểu ở chùa, học kinh nhất là hai thời công phu để tụng đọc mỗi ngày, học chữ Hán để hiểu thêm nghĩa của kinh, luật và luận sau này. Một hôm, có một số chư Tăng từ Bình Định vào Nha trang thăm viếng, ghé Kỳ viên ngủ lại vài hôm. Trong số các Thầy đó có một Thầy còn rất trẻ, tất cả đều còn rất trẻ, nhưng tôi bảo Thầy đó trẻ hơn là vì Ông ta nhỏ con hơn tất cả. Chưa qua ba mươi tuổi nhưng Thầy tôi nghe đồn rằng, Thầy ấy viết chữ Hán rất đẹp, có thể nói là đẹp nhất trong giới Tăng sĩ trẻ tại Bình định lúc bấy giờ.

Ngưỡng mộ tuổi trẻ tài cao, Thầy tôi gợi ý với Thầy ấy rằng, những ngày còn ở lại chùa thăm chơi, rảnh rỗi nhờ Thầy viết cho một số chữ Hán mẫu để cho đệ tử của tôi nó đồ lại và tập viết chữ cho đẹp. Thế là, từ ngày đó tôi lại có thêm việc làm, mỗi ngày phải bỏ thời gian nhất định ra để mài mực và đồ chữ.

Cũng trong thời gian đó, một hôm tôi đi học về, nhìn thấy Quý Thầy lui cui đóng hai khung chữ Hán thật lớn lên vách tường ngay phòng khách. Ôi những dòng chữ đẹp thật, chữ nhỏ mà viết đẹp, chuyện dễ, nhưng chữ lớn mà viết cho ngay ngắn, bằng nhau, đẹp sắc sảo, có thần là không phải đơn giản, viết trong một bút pháp thật tài tình đầy hào hoa, điêu luyện và mạnh mẽ, tôi nghe nói vậy. Tôi chỉ biết ngắm nhìn chưa biết nhận định thế nào, và hỏi thăm âm Hán Việt của hai bài thơ và đọc thuộc một bài như sau:

Thiên phong đảnh thượng nhứt gian ốc

Lão Tăng bán gian vân bán gian

Tạc dạ vân điều phong vũ khứ

Đáo đầu bất tợ lão Tăng nhàn.

Phỏng dịch:

Chót vót đầu non một am cỏ

Nửa phần Sư ở nửa phần mây

Đêm qua gió cuốn mây đi hết

Vỏn vẹn thanh nhàn mỗi mình Sư.

Tôi không biết tác giả của bài thơ này là ai, cho đến hôm nay vẫn chưa có cơ hội biết ai là tác giả mà có được bài thơ hay đến thế, ý nghĩa dạt dào thâm sâu và tâm thái đắc đạo của một cao Tăng đã ghi dấu trong ký ức của tôi từ khi mới bước chân vào chùa học đạo. Bài thơ này tôi thuộc ngay lần đọc đầu tiên, hơn mấy mươi năm khi có dịp đọc lại vẫn còn nhớ. Tôi thuộc bài này rất nhanh, không phải tôi hiểu trọn vẹn ý nghĩa của chúng, thuộc nhanh bởi vì tôi đang ở chùa núi, nơi đây vào mùa đông có rất nhiều đêm mưa gió bão bùng, tôi cũng thấy mây đen mây bạc tìm tới rồi những khối mây bị cuốn đi như thế, khi mây đen trôi đi để lại một sự an bình, hình ảnh này gợi cho tôi nhớ thật nhanh và không gì khó khăn để tôi cảm nhận được cái thanh nhàn của lão Tăng mà bài thơ muốn nói đến.

Cũng vậy, chúng ta sẽ rất sợ, và có nhiều nỗi sợ quây quanh, sợ những khi mây đen kéo đến mang theo những trận mưa to, gió lớn, cây lá xơ xác ngả nghiêng, tàn tạ rơi rụng; Sợ những trận cuồng phong nghịch ngợm của đất trời để lại toàn bộ sự trấn động của tâm thức yếu ớt như một bãi chiến trường ngổn ngang, sau những trận tàn phá của nội tâmngoại cảnh. Tuổi trẻ và nhứt là những tâm hồn còn quá nhiều xáo trộn của nghiệp lực tiêu khiên, ở trong vọng thứcthường xuyên phải đối diện với sự tịch tĩnh, cô liêu quá yên lặng của núi rừng, bình an của đỉnh cao, sự yên tĩnh vượt trên cả những đèn hoa tụ hội giữa trần gian thế phược hào nhoáng.

Trên đỉnh núi cao tất cả đều bình yên. Đúng vậy, thật sự bình yên với tất cả huynh đệ của chúng tôi và một ai đó khi lên tới đỉnh núi này cất bước vào bên trong chánh điện hay ngồi nhẹ nhàng dưới tàn cây bóng mát nào đó, bên sân chùa hay hiên chùa. Tất cả đều bình yên khi chúng ta chấp nhận khép mình vào trong quy củ của thiền môn. Người xuất gia thì có quy chế của người xuất gia, tại gia thì có quy tắc của tại gia, tất cả có chung một lý tưởng là tạo dựng sự an bình trong nội tâm ngay hiện tại. Bản thể của núi là yên tĩnh. Sự bình yên của tâm thức, lòng trong sáng là sự bình yên bao la trên tất cả những đỉnh cao, nhưng lòng người còn phóng túng, vọng ngoại sống ngoài vòng nguyên tắc của thiền môn thì phiền nãobất an vẫn hiệu hữu, hơn thế nữa tâm thức chúng ta không cảm thụ được sự bình yên bao la trên đỉnh cao mà lại chợt nghe âm thanh đồng vọng đâu đây vô hình ám ảnh, đấy mới là nỗi khiếp sợ của con người trước sự yên lặng của núi rừng, của những người tập tễnh đi trên con đường mà phía trước nó dài thênh thang, rộng vời vời trải đầy hiểm nguy.

Thầy chúng tôi thường xuyên nhắc nhở chúng tôi rằng, hãy tự mình nên luôn ý thức niệm thân đâu tâm đó, đừng để thân thì tại núi cao nhưng tâm thì hạ sơn xuống phố, sống như thế thì bất an. Ở nơi an, mọi người bình an mà mình không an chính là như thế. Sống trong tình huynh đệ, trong sự thương yêu đùm bọc của Thầy tổ, trong nếp sống trong sáng của mọi người mà mình cứ ồn ào và bất ổn đó là kết quả của sự vọng ngoại tìm cầu.

Mây trắng, mây đen trong bản thể của vũ trụ bao la được hiểu như là những khói nguồn tương tác cát bụi phì nhiêu. Trong bản thể tâm thức các loại mây được ví như là những nghiệp thức tịnh và bất tịnh hỗn hợp của vi trần sa hoặc. Khi mây đen trôi đi nghĩa là nghiệp bất tịnh trôi đi, phiền não rơi rụng thì tâm thức bình an. Lúc nào, mây đen kéo đến, gió dục vọng vần vũ trong tâm thì bất an hiện hữu, không thể có thanh nhàn dù đang ở nơi chốn bình an. Bởi, chúng ta đã biết rằng một niệm tâm khởi thì thế giới khởi: Một là tất cả và tất cả là một. Tất cả trong một niệm. Trong hạt cải, cánh hoa chứa cả tam thiên thế giới. Trong thế giới hoa tạng, không có một ý niệm nào cả, dù đó là thánh là sư là trăng là gió, là biển bạc mây ngàn đều nằm trong một thể như như bất động. Chỉ một niệm tâm khởi thì chấn động cả rừng tâm im lá, mỗi bước chân đi là xào xạt nắng vàng. Sự chuyển động vi tế mầu nhiệm của thế giới hiện hữu chính là những giây phút an tĩnh nhứt của tâm thức loài người. Chúng ta sẽ không thấy cái đẹp nhiệm mầu của thiên nhiên vô tận, của kết tinh máu huyết, của âm dương hai đường khi tâm thức va chạm, phân biệt bỉ thử, tham trước đắm nhiễm. Mùa xuân không bất diệt khi có mùa xuân qua và mùa xuân sẽ đến. Mùa xuân vĩnh hằng là mùa xuân trong thánh tạng nhưng chưa bao giờ trôi trong dòng sanh diệt.

Hình ảnh rốt cuộc thanh nhàn chỉ mình sư mở ra một cái nhìn cao rộng cho loài người hướng đến, tựa như một ước vọng hạnh phúc mỏng manh của kẻ đắm mình trong buồn khổ, thành bại, được mất đến rồi cũng trôi qua. Hình ảnh này cho chúng ta biết rằng, đời sống hiện thực thật sinh động không phải là ngõ hẹp, tiêu cực, là một sự bế tắc phiền trược của con người lăn ba trong cuộc đời. Hình ảnh này cũng không còn giới hạn trong ngôn ngữ phàm trần diễn tả mà là chuyển tải một thông điệp, con người cần phải có và biết đắm mình trong sự cô liêu tịch tịnh, phải có một sức mạnh dấn thân đối diện cuộc sống trước mắt, biết kham nhẫn vươn lên phía trước bỏ lại tất cả những trói buộc đã qua và biết làm giàu sự sống trong giữa mây bay và gió thổi bên cạnh sự đơn độc.

Hình ảnh rốt cuộc thanh nhàn chỉ mình Sư toát ra từ cách sống và từng bước chân thảnh thơi có mặt trong mỗi chúng ta và sẽ hiện tướng nơi hơi thở. Sẽ không có hơi thở nhẹ điều, và không có tâm thể thoát tục khi con người không lìa được những vướng mắc nhỏ nhoi, những bám víu tham vọng, những ước ao thầm kín bởi tác động của tham ái. Bài thực tập để có được thanh nhàn giữa cuộc đời mê trược này là bắt đầu hãy trở về sống ngay giây phút hiện tại, trong giây phút nào có được và trong nhịp tâm luôn ý thức.

Đọc lại những điều gì đã hiểu và viết nó ra trên từng trang giấy cũng chỉ là một quyền xảo để diễn đạt mật ý của cuộc sống. Cuộc sống vốn thể nhứt như nhưng không nói lên thì cuộc sống hữu ý trở thành vô ý, vô ý trở thành đa ý. Bản thể của mọi pháp vốn như như bất động nhưng không diễn tả thì không thể va chạm đến nó được. Nhưng cứ níu kéo và vướng mắc trong cuộc sống này thì chúng ta không thể hiểu được những gì tri kiến nằm ngoài ngôn ngữ, màu sắc âm thanh. Mượn lời để hiểu ý, mượn ý quên lời cũng là trong muôn ngàn thể cách để đi đến đỉnh cao của bình yên. Cuộc sống có thể vươn tới bình an nội tại hay không thì cũng bắt đầu từ những cái nhìn theo thể cách này.

 

 


Ý NGHĨA VÀ SỰ MẦU NHIỆM CỦA XÁ LỢI

 

Theo sử thuyết cho chúng ta biết rằng, khi đức Phật nhập diệt sau lễ trà tỳ, Ngài có rất nhiều xá lợi và tất cả xá lợi đó được tôn trí trong 8 bình lớn rồi phân chia cho 7 nước láng giềng, những quốc gia đã có dấu chân Ngài đi qua, bây giờ là Ấn độ và Nepal để các nước ấy tôn thờ. Có thuyết còn nói rằng không những ở cõi người mà cả cõi trời, long cung cũng được chia xá lợi của Phật. Đến thời Vua A Dục, một vị vua Phật tử thuần thành đã cho khai quật 7 ngôi tháp thờ xá lợi của 7 nước lân bang, lấy xá lợi đựng vào 84.000 hộp nhỏ, rồi cho xây dựng 84.000 bảo tháp để cúng dường.

Vậy Xá lợi là gì? Xá lợi tiếng phạn là Sarira có nghĩa là tử thi, di cốt được dịch là thân thể, thân cốt, di thân. Và được hiểu thông thường là di cốt của đức Phật. Tuy nhiên, về sau ý nghĩa này lại ám chỉ cho di cốt của các bậc thánh tăng, cao tăng khi viên tịch được tìm thấy sau khi hỏa thiêu.

Dựa vào sự phân loại di cốt đó, chúng ta thấy có 3 loại xá lợi, được ghi chép trong Pháp Uyển Châu Lâm: “Xá lợi xương, xá lợi tóc và xá lợi thịt. Xá lợi xương có màu trắng, xá lợi tóc có màu đen và xá lợi thịt có màu đỏ”. Trong kinh Dục Phật Công Đức nói thêm xá lợi được chia làm hai loại: Sinh thân xá lợiPháp thân xá lợi. Sinh thân còn gọi là thân cốt xá lợi tức là di cốt của Phật. Pháp thân xá lợi còn gọi là pháp tụng xá lợi nghĩa là chỉ cho giáo phápgiới luật của đức Phật còn lưu truyền.

Mặt khác, khi nói đến xá lợi chúng ta thường lầm tưởng với những vật chất vô tri, bất động không có gì hấp dẫn chẳng hạn như áo quần, xương cốt hoặc các mảnh răng cỏ. Sự thật xá lợi không phải thế. Khi một cao tăng viên tịch và được hỏa thiêu người ta thấy trong tro cốt của quý Ngài có những hạt lóng lánh giống như hạt châu. Người Tây tạng gọi những hạt châu ấy là Ringsel. Ringsel rất đặc biệt vì chúng chứa đựng bản chất của vị cao tăng đắc đạo. Sự thuần khiết của bản thể các Ngài xuất hiện dưới hình thức xá lợi.

Xá lợi từ đâu mà có? Trong kinh Kim Quang Minh nói rằng: “Xá lợi là sự kết tinh công phu tu tập từ Giới- Định - Huệ, rất khó được, là phước điền tối thượng”. Với ý nghĩa này, chúng ta biết rằng được có nhân duyên lễ bái, đãnh lễ và chiêm ngưỡng xá lợi là một phước đức lớn lao. Xá lợi đem đến cho người chiêm bái một cơ hội được gần Phật và Bồ tát về phương diện tâm linh. Các Ngài có chủ ý lưu lại xá lợi để chúng tacơ duyên tạo hạnh phúc cho chúng ta.

Hiện nay, trong nước cũng như ngoài nước có rất nhiều Phật tử Việt Nam đủ điều kiện, đủ duyên lành dành nhiều thời gian trở về xứ Phật - Ấn Độ và những nước có bảo tháp thờ xá lợi PhậtThánh tăng để chiêm ngưỡnglễ bái, gieo những thiện căn lớn với toàn thân đức Phật như ở Srilanka, Miến Điện, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản v.v… Những nơi có tôn trí xá lợi và ở đó xá lợi được xếp hạng là quốc bảo, vật vô giá được bảo tồngìn giữ hết sức cẩn thận.

Đặc biệt, hiện nay chúng ta đựơc biết có cuộc triển lãm lưu động xá lợi khắp nơi trên thế giới, đi qua nhiều quốc gia thuộc Châu Mỹ, Châu Úc, Châu Á kể từ tháng 3 năm 2001 cho đến nay đang triển lãm các nước ở Châu Âu và vẫn còn đang tiếp tục thay vì theo truyền thống xá lợi được an trí trong bảo tháp, trong tượng phật hay trong bảo tàng được sự quản lý của nhà nước. Bộ sưu tập xá lợi vô cùng quý hiếm gồm hơn 1000 viên xá lợi của đức Thế tôn, các đại đệ tử của Ngài và nhiều thánh tăng như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, Nagarjuna, các vị thánh tăng Tây tạng như Ngài Yeshe Tsogyel, Lama Atisha, Milarepa, Lama Tsongkhapa, His Holiness the First Karmapa, Geshe Lama Konchog v.v... Xá lợi được tìm thấy trong cho cốt sau khi lễ hỏa táng của các đại sư và tương truyền là kết quả hiển nhiên sự đắc đạo của các Ngài. Trong số này có nhiều xá lợi được bí mật lấy đi từ những ngôi tháp, những pho tượng bị phá hủytây tạng, bộ sưu tập xá lợi này là sở hữu của Lama Zopa Rimpoche, một đại sư Tây tạng tu ở California.

Hạnh nguyện của Lama Zopa Rimpoche là ước mong mọi người trên thế gian này có cơ hội trực tiếp hưởng được sự an lạc do oai lực của xá lợi tạo nên. Thay vì chết bất động, những xá lợi này phát ra một năng lực từ bi phi thường. Có rất nhiều người sau khi thấy và đảnh lễ xá lợi tuyên bố cảm thấy tinh thần phấn khởi và khỏi bịnh hẳn. Một số khác phát tâm cầu nguyện cho thế giới an lạc và dốc lòng tu hành và cho tình thương nảy nở trong tâm hồn mọi người. Cũng có nhiều người sau khi chiêm bái xá lợi cảm thấy tình thương yêu chúng sanh đột nhiên rộng mở và trực tiếp kinh nghiệm ân lành của Chư Phật và được tiếp xúc với thần lực của Chư PhậtBồ tát. Trong suốt cuộc triển lãm lưu động ngọc xá lợi này, Lama Zopa Rimpoche nói đã có rất nhiều người được tiếp xúc trực tiếp với năng lực Từ bi phi thường phát ra từ các xá lợi. Chúng ta cảm thấy trí huệ phát triển, nhờ sự giao tiếp với một uy lực dịu dàng.

Khi đi chung quanh, tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo có thể chiêm ngưỡng, lễ bái xá lợi theo cung cách riêng thích hợp nhất của mình, tuy nhiên Lama Zopa Rimpoche chỉ yêu cầu mọi người tỏ lòng kính trọng và thật sự quan tâm khi chiêm bái xá lợi. Các xá lợi được đặt ở trong nhiều tủ kính quanh một ngôi tượng phật Di Lặc lớn.

Tại sao Xá lợi được đặt xung quanh một pho tượng Di lặc lớn? Di Lặc xuất xứ từ phạn ngữ “Maitri” có nghĩa là Từ Bi. Tượng Di lặc này là biểu tượng của một công trình vĩ đại gọi là Dự Án Di Lặc được thiết lập tại vùng Koshinagar bắc Ấn Độ. Tượng phật Di lặc tuyệt đẹp bằng đồng cao 152 mét, bên trong ngai bệ của pho tượng sẽ gồm nhiều thiền tự, phòng triển lãm, viện bảo tàng, thư viện, hí viện và nhiều cơ sở khác. Tất cả được an trí trong công viên thiết kế rất mỹ quan, tất cả là một tập hợp phong phú của mỹ thuật Phật giáo. Dự án này được thiết kế một cách hoàn hảo có thể tồn tại ít nhất một thiên niên kỷ để phụng sự nguồn tâm linh trong thời gian ấy. Pho tượng Phật Di lặc sẽ là một biểu tượng rất quan trọng cho thế giới trong thế kỷ 21 thể hiện tình thươnglòng nhân ái của con người. Mục đích xây dựng tượng Di lặc là đem lại lợi ích tâm linh vĩnh viễn cho tất cả mọi người, tạo cho khách tham quan và phật tử và các tôn giáo khác có một ấn tượng tâm linh sâu xa khó quên trong suốt cuộc đời sau khi viếng thăm hoặc thấy trên truyền hình. Lama Zopa Rimpoche đã nói: “Muốn có tự do phải thực hành hạnh từ bi”. Mục đích của chúng tôi không phải để xây dựng một pho tượng mà dùng pho tượng như là một phương cách phát triển tình thương của con người. Khi chúng ta thấy vào tượng Ngài thì chúng ta sẽ suy ngẫm thế nào là lòng từ bi và do đó chúng ta sẽ nhớ tới bản chất thuần khiết của chúng ta. Và chúng ta sẽ ý thức được tình thương quan trọng như thế nào. Chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc bằng cách chuyển hóa tâm ý của chính mỗi người, khi tìm được an bình cho tâm hồn thì sẽ tạo được an bình cho người chung quanh, cho xã hội và sau cùng cho thế giới. Sự giải thoát bên trong sẽ tạo ra sự giải thoát bên ngoài. Khi dự án Di Lặc được hoàn tất thì tất cả bộ sưu tập Xá lợi này được vĩnh viễn an trí trong đó.

Ánh hào quang phát ra từ xá lợi Phật ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay ảnh hưởng khá lớn đến đời sống tâm linh của con người và cũng là một minh chứng khác trong đời sống tu tập của người Phật tử.

* Nguồn từ www.reliques.org/.www.maitreyaproject.org


PHẬT GIÁO NAM TÔNG VIỆT NAM

 

Phật giáo Nam tông Việt Nam (PGNTVN) hiện nay có hai hệ chính: hệ phái của người Khmer ở các tỉnh phía Nam của đất nước và Phật giáo Nam tông (PGNT) trong cộng đồng người Việt. So với Phật giáo Bắc tông thì số lượng chùa chiền (tinh xá), tự viện, Tăng sĩ còn rất khiêm tốn. PGNTVN bắt nguồn từ Campuchia ở thập niên 1930, do một bác sĩ chuyên ngành thú y thế danh Lê Văn Giảng làm việc và sinh sống xuất gia tu học tại Campuchia, sau đó khi về nước đã trở thành một vị sư (Hòa thượng Hộ Tông) theo truyền thống Nam tôngtruyền bá rộng rãi PGNT. Có thể xem ngài là người đặt nền móng ban đầu cho PGNTVN hiện hữu và phát triển đến nay, bên cạnh sự nỗ lực của một số Tăng sĩ, cư sĩ Nam tông Việt Nam .

Cho đến hôm nay PGNTVN đã gần tròn 70 tuổi, phát triển cùng với khối Phật giáo các hệ phái thống nhất thành một Giáo hội hòa hợp trong hoạt động Phật sự.

Về tư tưởng - học thuật: PGNTVN vẫn một lòng chung thủy với truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, gắn bó vào đời sống của mình, đời sống thực tiễn xã hội, cũng như trong thiền môn. Tại Việt Nam, PGNT thiên về tu tập thiền quán, soạn dịch kinh điển, hướng dẫn Phật tử đi thẳng vào nội dung lời dạy của Đức Phật được kết tập trong Kinh tạng Pàli.

Tuy nhiên, so với các nước theo truyền thống Phật giáo Nam tông khác như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka và Myanmar, Tăng sĩ PGNTVN có cơ hội tiếp cận với nhiều hệ thống giáo lý Phật giáo khác nhau. Thực tế, nền giáo dục Phật giáo nước nhà từ thấp đến cao, mọi tu sĩ Phật giáo được học cả những tư tưởng của hai trường phái chính Phật giáo. Từ đó, có thể nói rằng tu sĩ PGNTVN có cái nhìn tư tưởng của Phật Đà toàn diện hơn so với các nước Phật giáo Nam tông khác, mặc dù nền giáo dục của họ về chất và lượng có trội hơn chúng ta. Qua thực tế cho thấy, họ xác nhận vẫn bị rơi vào lỗ hổng là phần lớn tu sĩ của các nước ấy bị hạn chế kiến thức đối với các hệ tư tưởng Phật giáo Phát triển, một nửa trái tim học thuật của Phật giáo. Đây là một trong những điểm đặc thù mà chúng ta có thể so sánh về PGNT giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trong châu lục.

Về thực tiễn sinh hoạt: Trên cơ sở tư tưởng tiếp thu nhiều nền giáo lý khác nhau, sự hành trì của PGNTVN đã có những nét khác biệt, có cái nhìn thông thoáng và dễ dàng hòa nhập với các hệ phái khác hơn, không câu nệ vào giới tướng, hình thức như Phật giáo Nam tông ở các nước khác. Đây là điểm đặc thù thứ hai mà chúng ta có thể thấy được, xuất phát từ nền tảng văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Mặc dù có truyền thống ứng phó khác nhau giữa các hệ phái, nhưng một mặt nào đó PGNTVN muốn phát triển thì phải phương tiện để hòa nhập là điểm tất yếu, chúng ta thấy rất rõ điều đó qua sinh hoạt của chư Tăng PGNTVN hiện nay.

Vai trò hiện tại: Từ khi PGNT có mặt tại Việt Nam, chúng ta đã thấy rằng ngay từ đầu có một sự hòa hợp sinh hoạt, ranh giới khác biệt trong ngôi nhà chung Phật giáo giữa Nam và Bắc tông là không đáng kể. Mối quan hệ giữa chư Tăng, cư sĩ cả hai phái đã thể hiện tinh thần lục hòa đồng trụ một cách nhuần nhuyễn, nói lên một sự nhất trí và dễ dàng hưởng ứng lời kêu gọi thống nhất PGVN ngay từ ngày đầu thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm, chúng ta đã thấy rõ, đây là một điểm mạnh mà tất cả những người con Phật cần phải phát huy. Cung cách biểu lộ sinh hoạt của PGNT từ nội dung đến hình thức có khác, tuy nhiên vai trò là một Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam được xem là bất biến, không gì thay đổi, hy vọng PGNTVN càng phát huy hơn nữa để hòa nhập trong xu hướng phát triển Phật giáo trong thời đại mới cùng với xu hướng phát triển chung của đất nước.

Từ những điểm trên, chúng ta có thể giới thiệu cho PGNT các nước bạn hiểu biết thêm về một nền PGNTVN đã hòa nhập vào ngôi nhà chung PGVN, vào dân tộc như nước với sữa. Mặt khác, chư Tăng Nam tông Việt Nam thấy được những điểm mạnh và những mặt hạn chế của mình để làm sao vừa không đánh mất đi lập trường của hệ phái mình, vừa có sự hòa nhập hơn nữa, hầu đóng góp cho Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh, vừa cống hiến đầy hương thơm cho dân tộc Việt. Thể hiện được những đặc trưng PGNT đang có trong thế giới Phật giáo tuy không đồng nhưng hòa. Điều này đã phần nào được thể hiện qua 70 năm tồn tại với thời gian trong dòng lịch sử Phật nước nhà, một chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển của PGNTVN.

 

 

 


THẾ GIỚI THIỀN TẬP

 

Để tránh những nhầm lẫn còn quá ấu trĩ với nhiều người, nhất là đối với giới trẻ ngày nay, tại sao khi chúng ta nói đến thực tập thiền hành trong cuộc sống là họ cứ liên tưởng ngay đến một việc gì khó làm, việc xét nghĩ không mấy liên quan đến đời sống thực tế đời thường, nếu thực tập như thế thì sinh hoạt của con người hiện nay có phải đã gắn sâu vào lĩnh vực tinh thầntôn giáo, điều mà nhiều người còn cho rằng chỉ dành riêng trong đạo giáo, trong các chùa viện và chỉ dành cho những người tu, cho các trung tâm sức khỏe để phục hồi những khả năng khiếm khuyết về cơ thể, và chỉ dành riêng một bộ phận nhỏ nào đó trong xã hội, chứ chẳng phải là một yêu cầu chung với tất cả mọi người, các tầng lớp con người trong xã hội, nơi mà hiện nay dung chứa đầy dẫy những tật bệnh và quá nhiều bạo động phức tạp. Xét nghĩ, trong một mức độ nào đó thì đây là thể hiện sự yếu kém về tư duy, nhiều người đã lầm lẫn khi tách rời nhu cầu của đời sống này thành hai mảng thế giới đối lập riêng biệt để phát triển, để mưu cầu sự sống và kiến tạo hạnh phúc.

Xét nhiều mặt khác nhau trong cuộc sống hiện nay, nơi tận cùng mọi ngõ ngách chúng ta thấy có quá nhiều hiện tượng tiêu cực biến tướng trong nhiều lĩnh vực, hầu như nơi đâu bất kể đó là môi trường giáo dục hay những trung tâm phục hồi chức năng thân thể và bất kể nơi đó dành cho người lớn hay trẻ em. Nhất là những trung tâm phục hồi nhân phẩm con người, ngày càng được xây dựng thêm nhiều nơi để dung chứa những phần tửlối sống sa đọa, bất hảo, chuyên bạo lực, khủng bố, chém giết, tranh giành, lừa đảo, kỳ thị, mãn tài, dục tính quan niệm thoái hoá v.v..., vô số hành động quái gở, tâm lý cuồng loạn, hiện thân của ma vương đọa xứ, đây là thực trạng và kết quả phổ biến trong xã hội ngày nay. Thế giới khoa học đang phát triển, lối sống con người được nâng cao, trí thức càng được gột rửa mỗi ngày mà ngược lại nhà tù thì thiếu chỗ chứa diễn ra trong đời sống song hành với khoa học hiện đại đang vươn tới, sự đối diện hậu quả đó không của riêng ai, không bất cứ giới nào mà tất cả con người đang sống điều phải nhận lãnh, suy nghĩ có phải là bất công lắm chăng.

Một điều nghịch lý nữa, hành động và tâm tưởng tạo tác hiện nay của đa phần thanh niên là do sự un đúc dài lâu, được nuôi dưỡng trong một hệ thống nhận thức phiến diện, bệnh hoạn, những kiến tạo cho một nhân sinh hủy diệt, lấy vật chất làm nền tảng, đã đánh mất đi giá trị tinh thần, đạo đức là xương sống xây dựng nên nhân cách con người và là sợi dây kết nối hành động có văn hóa. Nhưng hậu quả thì không phải dành riêng cho ai, và có sự tách biệt nào giữa bộ phận này hay bộ phận khác, ngược lại dành cho tất cả xã hộithế giới con người, đây là một cộng nghiệp chứ không còn là biệt nghiệp.

Giờ này không còn mới mẽ để nói lên, nhưng chỉ muốn nhắc lại chuyện cũ, chúng ta lại khẳng định rằng, chỉ có thế giới tâm linh, con đường đưa tinh thần con người đến tỉnh táo, trong sáng, lành mạnh, bình tĩnh, chủ động mới đủ khả năng chữa trị toàn diện môi trường sống hiện nay và có thể đưa nhân loại thoát ra chỗ hủy diệt mạng sống trong lúc đang sống khỏe, và tạo một môi trường thật sự hoà bình đến với thế giới này (Tâm tịnh quốc độ tịnh). Thử hỏi, tại sao con người phải vùi đầu vào những tranh giành miếng cơm manh áo, những xung đột, thù hận, nghèo khốn xung quanh đời sống và phải đối diện những hiện trạng lo sợ, ám ảnh bất thường của thời tiết mưa gió bão bùng như thế, lối sống ở đó bị hành động và ý tưởng tiêu cực phân hóa đến cực độ. Chúng ta đang sống trong xã hội mà thấy có quá nhiều niềm khao khát kiến tạo hạnh phúc trên sự thối nát nhân phẩm và bán đổi tán tận lương tâm, những hành động thiếu thân thiện, thiếu chủ lựctự chủ, chỉ dựa trên sự lừa đảo, áp phe, bè lũ sức mạnh và bạo lực, vũ lực giả dối để mưu sống. Cuộc sống hạnh phúc như thế nào mà khi nhắc đến thì con người hiện tại cảm thấy rùng mình, lắc đầu không dám bàn cãi và nghĩ đến, nhà nhà âu lo, âu lo cho hồn con trẻ vướng vào cạm bẫy trụy lạc không biết lúc nào, xã hội thì lại để tâm quá nhiều vào sự đã rồi sửa sai, chỉ toan tính bù đắp vào thiệt hại thiên tai và bệnh tật, có phải chăng đây là kết quả của một bộ phận con người quá khích, quá tham lamcuồng vọng gây ra, thay vì hãy gợi mở bung lòng thương người ẩn chứa tận đáy bên trong tâm khảm để kiến tạo hạnh phúcan bình, tăng trưởng đời sống cho nhân loại, họ lại trở nên đóng khung trong khuôn khổ phục vụ cá nhân.

Chúng ta thấy rằng hiện nay cả thế giới nhân sinhvũ trụ đâu đâu cũng bị đảo lộn và không an toàn! Nơi thì chiến tranh, khủng bố, nơi thì bệnh tật, thiên tai, bên này thì cướp bọc, kia thì lừa đảo tham ô. Nhưng thật sự thì thế giới này là một sự mầu nhiệm chứa đựng nhiều màu sắc sinh động có pha trộn cả cái thiện và cái ác, xấu và đẹp, hạnh phúcđau khổ, tiêu cựctích cực. Không phải con người bây giờ và hiện nay họ sống quá bi quan, bất cứ thời nào ai cũng mong muốn cầu tiến, hướng đến thiện mỹ, vẫn biết được bên cạnh những cái xấu luôn luôn hiện hữu cái đẹp, nhưng cái chính là con người không tin tưởng, không còn tin tưởng vào môi trường xung quanh họ đang sống và không biết làm sao để sống đẹp, bình an, muốn sống đẹp nhưng không biết có tồn tại được cỏi đời này hay không? Phải chăng, những hậu quả này là cặn bã của sự tham ái, dục vọng, đọa lạc chất chứa từ lâu trong tâm khảm con người để bây giờ là thời khắc nổ bung ra quá nhiều vào đời sống. Buổi sáng mở ti vi để xem tin tức, đọc báo chí để biết thông tin hôm nay, đến sự chia xẻ của hội đoàn, đồng nghiệp, đều toàn là những vấn đề chết chóc, vướng kẹt trong cơm ăn áo mặt, cái chết hiện đang còn sống khỏe và sống mạnh bởi thiên tai khắp nơi, bệnh hoạn bởi ăn uống, đe dọa bởi bạo lực, mất nhân tính bởi ma túy, dâm đãng bởi mê hoặc sắc dục, giết hại lẫn nhau bởi hơn thua lợi danh. Nhưng xét cho cùng chúng ta thấy vật chất chỉ là một phần của cuộc sống nếu không muốn nói là một phần phụ thuộc, là một phương tiện sống, nhưng bây giờ lại trở thành cứu cánh và là trọng tâm phát triển cho đời sống hiện tại, đây chính là kết quả biến tướng từ lòng tham vô đáy và khát khao ngông cuồng.

Có lẽ, chúng ta đã đánh mất và xem nhẹ hướng phát triển tinh thần của con người là một phần tất yếu của cuộc sống, chúng ta không nhận thức chính chắn ra được rằng chính phần tâm linh này mới tạo dựng được rất nhiều sức sống cho cuộc đời. Chính con đường yên tĩnh tâm linh mới có thể cứu vãn được thế giới này vượt ra khỏi những nguy biến do con người tạo ra. Và chính phần trong sạch trong suy nghĩ mới cung cấp cho con người biết được giá trị trong mọi mặt của đời sống, giống thể một buổi hòa nhạc được dàn dựng một cách hoành tráng với rất nhiều tiền của nhân lực, nhưng nội dung phần hồn không có mặt đã làm cho buổi hòa nhạc trở nên tre trẻn và vô ích. Sân khấu cuộc đời hôm nay cũng như thế thiếu phần hồn, do đó con người đã sống như cái máy, giống như ngày tận thế đã đến, như cây sậy chỉ biết vùi đầu và lao đầu một cách vô ý thức để tồn tại, mà tồn tại trong vô ý thức thì đâu còn gì để nói.

Tuy nhiên, chúng ta gây dựng lại cuộc sống hôm nay và tương lai trở nên bình an, như bình minh luôn đến với mọi người trong mỗi ngày, thiết nghĩ hành động này chưa hẳn là muộn màng, bởi lẽ, một ngày là một ngày mới (Nhựt tân nhựt tân hựu nhựt tân) thì tất yếu chúng ta phải cần tỉnh táo để tìm ra cho được đâu là cội nguồn sự sống và thấy được bản chất vấn đề xã hội đang diễn ra trước mắt, nguyên nhân nào đã đưa con người đến hậu quả như thế, đã dẫn thế giới này đi vào ngõ cụt, nếu chúng ta không hành động thay đổi và bắt tay vào chữa trị, ngăn ngừa ngay bây giờ.

Tham ái được hiểu như là lòng say đắm và khao khát vô hạn nhưng không hàm ý chia sẻ. Dục vọngý thức mong ước sinh tồn sai trái. Ích kỷtâm lý nhận thức hạn hẹp của con người tất cả những tâm lý bất thiện này gọi một cách tổng quát bản chất của chúng là vô minh nghĩa là tối tăm cùng tận. Nếu chúng ta sống mà những tính chất tâm lý này đầy ấp trong tư tưởng, trong cuộc sống giao tiếp cộng đồng thì đồng nghĩa là sống chung với vô minh, và chia sẻ sự tối tăm, ngu dốt mà đã sống chung với vô minh thì thế giới này trở nên đen tối, lầm thandĩ nhiên chúng ta nhận lãnh những hậu quả càng khiếp sợ hơn là những gì đang tận mắt đã thấy và nghe, nhận lãnh. Ý thức mong ước sinh tồn sai trái nghĩa là không muốn có sự sinh tồn nào hơn mình và đồng hành với mình nên phải đấu tranh tiêu diệt cho đến tán tận lương tâm và mất tâm thức tỉnh táo đã có trong mỗi con người. Lòng khát khao vô hạn trong cuộc sống vươn lên không phải là điều gì xấu xa, nhưng xấu xathối nát chính là không biết chia sẻ, khát khao chỉ dành riêng cho mình, và đáp ứng cho chính mình không biết bên cạnh có người khác cùng chung sống và tạo nên cuộc đời này. Tâm thức hạn hẹp chỉ biết hưởng thụ và đầy ắp thỏa mãn thấp hèn những gì đang có chứ không biết vươn lên cái bao la tuyệt đốicon ngườithể đạt tới. Đây chính là những biến tướng sản sinh hậu quảcon người đang đối diện.

Để giúp thay đổi bộ mặt hiện tại này, đạo Phật cung cấp cho chúng ta một con đường duy nhất không gì hơn là phải làm sao để bình tâm, sáng lòng đối diện với hiện thực sinh động đó một cách rõ ràng và chắc thật, chứ không dựa trên sự đã rồi và trên căn bản tham dục và khát vọng chiếm hữu. Con đường đó không gì khác chính là mỗi con người cần phảithực tập yên tĩnh tâm hành mỗi ngày. Thực tập yên tĩnh tâm mỗi ngày mặc dầu chuyên nhất chỉ có vài mươi phút, tuy nhiên đây chính là cách giúp cho chúng ta có được sức bình tĩnh để cởi tróigiải quyết các vấn đề khó tháo gỡ sẽ ập đến và chúng ta đủ khả năng vượt khỏi những cạm bẫy của chúng mang tới. Phương pháp thực tập yên tĩnh tâm có rất nhiều cấp độ khác nhau, chúng ta có thể thực tập cấp độ nào tùy ý, tùy thuộc vào hoàn cảnh và khả năng nhu cầu của từng đối tượng, chúng ta đừng lầm lẫn thiền định là cái gì cao xa và trừu tượng, nó rất gần gũi như mình hiểu.

Thực tập thiền định cao xa thì cũng thực là cao xa, vì đúng nghĩa tối hậu của thiền định Phật giáo là đưa chúng ta vượt ra khỏi khổ đau và hiểu rõ bản chất của vạn pháp, hướng đến an tĩnh ngay hiện tại. Nhưng gần gũi chính là để tâm và thân được thanh thản, nhẹ nhàng và hơn nữa là sáng suốt trước hiện tượng mọi vật, đó là nhiều cấp độ thiền tập chúng ta có thể giới thiệu cho tất cả mọi người, cả người lớn và trẻ em, mọi nơi mọi lúc, chứ không phải chỉ đóng khung trong tu viện, hoặc trong trung tâm huấn luyện, hay chỉ là trào lưu trong giới thượng lưu, nghệ sĩ v.v... như nhiều người đã lầm lẫn.

Không phải chỉ có người lớn mới có xung đột, giận dữ, mù quáng, tham lamích kỷ xâm chiếm, trẻ em cũng vẫn có những tâm lý này, thanh niên càng bộc phát đa dạng hơn nữa, do đó mỗi người cần phải có những thời khóa thực tập cho phù hợp để kiềm hãmchuyển đổi theo mức độ nhu cầu. Sự bình tĩnh và chủ động tâm trước mọi vấn đề trái nghịch mang đến, chỉ cần chúng ta có mặt trong hơi thở thì mọi vấn đề sẽ được mã hoá và giải quyết thật trong sáng. Nếu giả sử, lòng tham lam, giận dữ, ganh tị, hận thù trong con người nào đó luôn hừng hực và sẵn sàng thiêu đốt bất kể thứ gì thì hãy thực tập quán chiếu sâu vào bản chất của chúng thì cũng sẽ dễ dàng vượt qua những tâm lý đen tối đó mà thoát được những não loạn, phiền toái và những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho chính mình và những đối tác với mình, nếu sâu và rộng hơn là môi trường xung quanh.

Chúng ta đừng nhầm rằng phương pháp thiền định chỉ có mặt trong Phật giáo, có rất nhiều lý thuyết thiền tập có mặt trước và sau khi đạo Phật xuất hiện giữa đời, tuy nhiên đức Phật đã hoàn chỉnh phương pháp này rất hiệu quả cả hai mặt thân lẫn tâm, thế gianxuất thế gian. Bất kể người nào cũng có thể thực tập được không nhất thiết phải là Phật tử hay là không Phật tửgia công thực tập thì chắc chắn có nhiều kết quả. Con người đã sinh ra giữa cõi đời này thì đều có những khó khăn và khổ đau tuy nhiên khó khăn mỗi người không ai giống ai, nhưng để chữa trị những khó khăn đó thì chúng ta ai cũng cần phảiphương pháp nhất định. Phương pháp chúng ta áp dụng để chữa bệnh thối nát của tâm thì phải dùng đạo lý mới thật sự là đúng thuốc, đúng bệnh, nếu đem vật chất để chữa tâm hư thoái thì hoàn toàn trái ngược, nếu không muốn nói là sẽ bị phản ứng cực độ.

Ngày nay, thế giới đâu đâu cũng đã dần dà xác định giá trị thiết thực của sự bình tĩnh và chủ động tâm của từng cá nhân, con người đã nhận chân cội nguồn mọi đau khổ trong đời sống hiện nay là phát xuất từ tâm vô minh trong đó lòng tham ái và khát khao vô hạn của con người là chủ nhân. Sự cải tạo đời sống và môi trường có trở lại thăng bằng hay không chính là cái tâm con người có thăng bằng hay không, thiết nghĩ không gì hơn là sự bắt đầu thực tập giữ tâm của mỗi người, và nên phát triển phương pháp này đi sâu trong nhiều lĩnh vực, và nên tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng cộng đồng như là một yếu tố cần thiết, không thể thiếu được trong đời sống hiện nay.

 

 


TRĂNG – BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ GIÁC NGỘ

Trăng một hình ảnh rất quen thuộc và thân thương, gần gũi, có thể nói thi vị nhất trong đời sống của con người giữa trần thế. Trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, ánh trăng mặc nhiên tự nó đã có một mãnh lực vô hình hết sức hấp dẫn, đã làm thổn thức, điên đảo bao tao nhân mặc khách. Ánh trăng đã giải mã tục lụy niềm đau, đã vơi sầu cho những tâm hồn bị dày vò, đau đớn dường như khánh kiệt nhựa sống, đã tăng trưởng năng lực sống còn cho cành cây trĩu quả, cho chiếc lá xanh chuẩn bị héo tàn, cho ngọn gió nhẹ thêm sự trong lành, cho con sông xuôi về bến đỗ, cho tiếng ca đồng vọng cất cao ngất ngưởng, cho lòng người thổn thức thâu đêm giữa đường đi lối về, và cho cả trái tim yêu trong giấc mộng đan trường cất tiếng.

Để thăm dò trái tim người yêu, khẳng định tình yêu lứa đôi trong mức độ mặn nồng đến đâu, ánh trăng được thi hóa một cách đầy sức cảm ái, tha thiết:

Trăng lên đỉnh núi trăng tà

Mình yêu anh thật hay là yêu chơi

Trong hội họa, ánh trăng được đặt một vị trí trang nhã, cao mà không ngất ngưởng, khô cằn dưới bàn tay của các họa sĩ, trăng ở bên trên, gần gũi con đò nhỏ, lòng trong dòng sông, phản chiếu ánh sáng bạc ngàn trong đêm, tạo nên một bức tranh nức lòng người, tưởng chừng mình là một tay lái đò đang nằm vất vưởng nhìn sao trong đêm, không bao giờ chọn bến đỗ, lối đi, trở thành một bức tranh tuyệt tác, thêm chấm phá vào bức tranh đó đời thêm rộn, bỏ bớt đi bít lối nhìn, người ta gọi đó là thi trong họa, người trong tranh, và hồn trong gió cát nghìn năm.

Trăng là con người, trăng là một thiếu nữ đẹp, đẹp như mơ, đẹp tơ tưởng, đẹp như thật, đẹp như không còn gì đẹp hơn nên nhà thơ Đinh Hùng đã nói:

Chưa gặp em anh đã nghĩ rằng

Có người thiếu nữ đẹp như trăng.

Trăng cũng là thời gian. Trăng về, trăng lên, trăng lặn, trăng khuyết, trăng tàn… cũng là trăng, là thời gian của những tâm hồn tìm trốn nương tựa, một nơi để nhìn và một điểm hướng về. Cứ nhìn ánh trăng ta biết được rằng, đếm đời bao nhiêu tuổi, tháng ngày bao nhiêu. Do vậy, trăng cũng là niềm đau cho sự mong đợi, đợi chờ, là niềm vui cho sự tối tăm, và cho những trái tim luôn thổn thức, với ngoại cảnh, với thời gian và cũng là niềm hạnh phúc trong cõi hư thực:

Cái gì trong thiên nhiên

Cũng có thể là hẹn hò,

Tình yêu

Cả cái chết cũng vậy.

Về chơi bên ấy,

Gió trăng có vĩnh cửu không?

Như thế, Trăng tự thể bao hàm một triết lý nhân sinh phổ cập. Tùy theo cảm thức của con người, mà trăng tự nó biến đổi muôn trùng. Lúc thì kính cẩn nghiêng mình, vào ngày trăng giữa mùa đẹp nhất, người ta gọi là Tết trung thu. Trăng lắm lúc cũng bị đem ra làm vật đổi trác, mua bán bỏ đi: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Một cái nhìn tâm linh sâu sắc, ánh trăng quả thật thổn thức nghìn năm:

“Người về nghìn năm trước,

tìm về nghìn năm sau,

một tiếng kêu trong gió,

ánh Lăng già tỏa chiếu đâu đây”.

Trong đạo Phật, Chân lý chính là sự giác ngộ. Sự chiếu sáng không ngằn mé, bị ngăn che, vượt qua bao ngăn cách, chướng ngại, làm lây động tâm thức của chốn hữu tình, chúng sanh, bao la cùng tận như lưới trời lồng lộng trùm khắp của Ánh trăng là biểu tượng của ánh sáng giác ngộ, của trí tuệ. Vô minh là bóng đêm, ánh sáng vầng trăng là giác ngộ. Bóng đêm sẽ tan đi khi ánh sáng chiếu đến, nơi nào có vô minh, bóng đêm dằn vặt thì nơi đó sẽ bị ánh sáng trí tuệ thiêu đốt. Do vậy, trí tuệ của đức Phật được ví như ánh trăng tròn, chiếu sáng và có năng lực toàn diện, đồng nghĩa một con người không còn vô minh. Trí tuệ của các vị Bồ tát được ví như ánh trăng khuyết, năng lực chiếu sáng chưa toàn diện được hiểu rằng vô minh vẫn còn ẩn nấp trong tiềm thức sâu xa. Trí tuệ của các vị La hán, được ví như ánh trăng mờ ảo ẩn hiện soi bóng trên mặt hồ thu lặng, tựa như ánh sáng chưa thuần thục, tinh chất, trong vắt và còn nhiều ẩn khúc phải vượt qua:

Có, Không: Bóng nguyệt lòng sông

Ai hay không có, có không là gì?

Ánh trăng là bóng nguyệt lòng sông, cái thấy như vậy, sự trong sáng thuần khiết như vậy, thì ánh trăng chính là sự giác ngộ tối thượng. Cũng như, chúng ta thường học được, giáo pháp cao thượng cũng như ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng cũng chỉ là phương tiện, phương tiện để thấy có và không, để biết có và không trong sự ẩn hiện tùy duyên, tùy cơ, tùy cảnh, tùy nghiệp, tùy sự nhận thức, đó là mục đích, chân lý, để rồi thong dong đi vào đời, trong sự sanh diệt, nhằm trực nhận cái bất sanh bất diệt. Đó là sự giác ngộ của kẻ học đạo. Vậy, ánh trăng là biểu tượng của sự giác ngộ, trong con mắt của người giác ngộ:

Khi mê phương ngoại ngắm trăng

Tỉnh rồi vào tận cung hằng dạo chơi

Ngày đêm đi đứng nằm ngồi

Một vầng trăng tỏa sáng ngời tinh không

Mười phương pháp giới chung đồng

Cung vầng trăng ấy không trong không ngoài

Trăng này không của riêng ai

Chúng sanh chư Phật không ngoài trăng đây

Chưa từng thiếu vắng xưa nay

Dừng ngay tâm ấy bản lai hiện tiền

 

Thị Hiện Am, 09 – 2008


VƯỢT QUA DÒNG NƯỚC ĐỤC

 

Sáng ngày 03 tháng 11 năm 2009 (nhằm ngày 17 tháng 09 năm Kỷ Sửu), vào lúc 6giờ 30 chính thức Khai đàn Khảo thí Tuyển Người Làm Phật. Đại giới đàn Quảng Đức được Ban trị Sự Phật giáo tỉnh Khánh hòa tổ chức tại chùa Long Sơn - Nha Trang trụ sở tỉnh hội. Đây là ngày đầu tiên của đại lễ. Một đại lễ đặc biệt, mang tầm vóc lớn trong Phật giáo, cũng là một lễ hội đặc thù mang tính truyền thống, có thời gian tổ chức dài ngày và nhiều nhân sự góp sức, tạo nên. Thế mới biết một giá trị đặc biệt theo câu: “Giới luật còn Phật pháp còn”.

Ban tổ chức chọn ngày khai mở giới đàn đã nhiều tháng qua, có góp ý, tính toán kỹ lưỡng, nhưng cũng không thể tiên liệu được, “tính khí của trời”, mới biết rằng “mưu sự tại nhơn thành sự tại thiên”. Cơn bão số 09 và 10 đi qua các tỉnh miền trung - cao nguyên hồi tháng 10, tưởng chừng như đã để yên cho con người nhằm hồi phục lại những mất mát do thiên tai gây ra. Nào ngờ đâu bão số 11 được chính phủ, và Ủy ban phòng chống lụt bão quốc gia, báo động cảnh giác khẩn cấp trên khắp cả nước, trong đó các tỉnh nam trung bộ là những địa chỉ sẽ hứng chịu tính khí này.

Đại giới đàn Quảng đức không đi ngoài quy luật bị ảnh hưởng bởi cuồng phong bão tố của thiên nhiên, ngoại cảnh. Thầy trò chúng tôi đến giới đàn rất sớm để tham dự lễ khai đàn khảo thí. Mưa vẫn to, suốt từ tối hôm qua, dự đoán mưa sẽ không ngừng trong ngày nay. Quả đúng như thế, đoạn từ đầu đường Trần Quý Cáp nước mưa đã ngập cao tới nửa bánh xe honda tạo nên sự đi lại cực kỳ khó khăn. Đến chùa Long Sơn, không khí càng thê thảm hơn, vì nước cao như lụt trong sân chùa, bởi lẽ cổng tam quan đang xây dựng, ngổn ngang sỏi đá, hệ thống thoát nước chưa có thể thoát được một lượng nước mưa to đến thế. Tất cả cờ phướn dùng trang trí cho đại lễ cũng được thu dọn để khỏi bị hư hỏng, hầu hy vọng sẽ dùng được tiếp tục trang hoàng cho những ngày hôm sau.

Tất cả mọi người phải lội nước mang ô mà đi, chúng tôi đi thẳng vào hướng chánh điện chùa Long Sơn nơi diễn ra lễ khai mạc khảo thí. Một bất ngờ đến với chúng tôi, gần 400 giới tử Tăng Ni tại địa phương và các tỉnh lân cận tham gia thọ giới đã có mặt đầy đủ nơi phía trước chánh điện, một số đã được gọi tên vào đứng bên trong chánh điện, ban Quản giới tử đang điểm danh túc số. Hình ảnh thật thương và rất đáng phục trong sự chịu đựng, và tinh thần cần cầu giới pháp cao cả của những thanh nam, nữ tú trong đầu tròn áo vuông, trước mắt là tất cả giới tử đã uớt như chuột lội theo cách nói dân gian, nhiều thầy cô trong Ban giám khảo đã nói rằng ướt như thế này thì các giới tử sao có thể vào phòng thi để làm bài được, một vài vị giới tử mặt đã tái xanh, vì lạnh.

Không có một lựa chọn nào khác, các giới tử phải đến được với giới đàn, nhận giới xứng danh thích tử Như Lai, đã có rất nhiều giới tử ở các tỉnh xa cũng đã có mặt. Để giữ đúng theo chương trình đã vạch, các giới tử, ban kiến đàn, ban Giám khảo, ban Quản giới tử và các ban khác chỉ có một con đường duy nhất đó là “vượt qua dòng nước đục”. Hòa thượng trưởng và phó ban kiến đàn dù tuổi già sức yếu, đi lại khó khăn nhưng các Ngài cũng đã vượt qua để đến lễ khai mạc đúng giờ. Thật vậy, nếu tất cả những thành viên đang có mặt tại chùa Long Sơn để tham dự khai mạc lễ khảo thí mà không vượt qua dòng nước đục cao hơn đầu gối thì không thể đến được. Thế mà trong phút chốc, thời gian đã đến, bên trong chánh điện Chùa Long Sơn sự thiết trí vốn đã trang nghiêm, lại càng trang nghiêm hơn, với sự yên tĩnh tâm tư của hơn 400 con người lớn nhỏ khác nhau tạo nên một không khí im lặng hùng dũng và kính cẩn, trong sự an bình thanh thoát đang chào đón cung nghinh chư Tôn đức Tăng Ni trong ban quang lâm để tác pháp. Thượng tọa Tuyên luật sư người cầm cân nảy mực trong giới đàn tới lui trong mưa sa vần vũ, lòng đầy lo lắng, cầu mong mọi sự thành tựu.

Chỉ có sự yên tĩnh của tâm hồn, một sự cầu thoát vô hạn là năng lực, sức mạnh để thúc đẩy mọi người đến đây. Trường Tuyển người làm Phật, quả thật chỉ nghe danh xưng thôi thì bíêt được rằng đây là một ngôi trường đặc biệt, không phải ai cũng tham gia vào được bởi điều kiện để tham dự thật nghiêm ngặt, không phải chỉ có chữ nghĩa, kiến thức thì các giới tửthể tham gia vào ngôi trường này. Điều kiện người tham gia vào ngôi trường này, đòi hỏi nhiều yếu tố, cả tâm lựcthể lực, ở đây nói đến yếu tố dấn thân. Không có dũng lực, hùng lực, tâm lực dấn thân thì không thể có mặt tại giới trường. Bởi lẽ, ngôi trường này sẽ là nơi xác nhậncung cấp cho các giới tử sức mạnh của sự dấn thân từ hôm nay và mãi về sau. Không có sức mạnh của sự dấn thân thì không thể làm Phật, một chúng sanh phàm phu hiện tại không thể trở thành một vị Phật trong tương lai. Như một tâm nguyện ban đầu mà các giới tử cần phải có và mãi cả cuộc đời cần phải trau dồi và nuôi dưỡng sự dấn thân này lớn hơn:

Thiện tai đại trượng phu

Năng liễu thế vô thường

Khí tục thú nê hoàn

Công đức nan tư nghì

Hủy hình thủ khí tiết

Các ái từ sở thân

Xuất gia hoàn Phật đạo

Thế độ nhất thế nhân.

Thành Phật đạo để cứu độ chúng sanh đây là mục đích, lý tưởng cần có và hội đủ của các giới tử tham gia vào ngôi trường này nói riêng và chung cho tất cả những người xuất gia. Nếu trong gần 400 giới tử, ai đó không hội đủ yếu tố tiên quyết này, thì dòng nước lũ trước mặt do bão tố, và thời tiết vô thường đủ duyên hội tụ, cũng khó có thể lội qua, điển hình có vài giới tử đang ở những nơi lũ lụt không thể đến với giới trường được, huống hồ nước lũ của vô minhphiền não đầy dẫy trong cuộc đời, và trong tâm khảm càng ghê gớm hơn nhiều, và đầy chông gai, rào cản hơn, để khiến cho tâm lực con người thối thất. Vô minh nếu hiểu là những gì dơ bẩn, bất thiện làm vẩn đục tâm trí con người, thì dòng nước lũ chính là hình ảnh hiện thực thật sinh động cho chúng ta thấy được đều này. Nếu muốn làm cho dòng nước lũ dơ bẩn trôi đi nhanh chóng thì buột phải tháo gỡ tất cả những rào cản, thông thoát những hầm hố chứa đựng những thứ dơ bẩn đó, không để chúng tồn lưu.

Với năng lực tâm hội tụ của Ban kiến đàn, và hộ niệm của chư Tôn đức Tăng Ni các nơi, cùng với tâm thành thiết tha cần cầu giới pháp của các giới tử tạo nên một sức mạnh, dòng nước lũ của bão tố thời tiết mang đến cũng trôi đi để lại một mặt bằng xanh sạch của giới trường Long Sơn, và đáng nói hơn, dù bao nhiêu sự vần vũ của mưa gió bên trong tâm thức lẫn bên ngoài cũng ngưng đọng ngay thời khắc âm thanh buổi lễ diễn ra. Lễ khai đàn khảo thí của trường Tuyển người làm Phật đã diễn ra viên mãn, gần 400 Tăng Ni giới tử tham dự đã tề chỉnh và yên tĩnh hoàn thành xuất sắc vượt qua những thử tháchmong đợi của nhiều người sau buổi tụng giới trong đêm 18 của hai giới trường Tăng Ni.

Như thế, đây cũng mới chỉ là bước đầu mà các giới tử của ngôi trường này tiếp nhận nơi hội đồng thập sư, kết quả dấn thân có được hay không đòi hỏi các giới tử cần phải nỗ lực trau dồi, không thể thỏa mãn, và tự mãn để bị tiêu hủy theo dòng nước lũ vô minh. Dòng nước đục vô minh không thể cầm chân được những trượng phu thích tử thì sá chi dòng nước đục do bão tố, mưa gió mang đến cầm chân được chăng. Chỉ có những bậc trượng phu thích tử, những bậc giác ngộ, hiểu được cuộc đời vô thườngkiếp người mong manh khổ đau mới dám từ bỏ những ràng buộc gia duyên, danh lợi của cuộc đời, bắt đầu làm con của Phật và dự vào con đường thánh, gìn giữ gia sản của Phật. Những người đi qua dòng nước lũ vô minh, đi ngược lại dòng đời uế trược để thực hiện lý tưởng thanh tịnh giải thoát. Thật đáng để chúng ta cung kính lễ lạy.

Kỳ Viên, đêm 18 tháng 09 Kỷ Sửu

 

 


VU LAN: LỄ HỘI ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

 

Không phải tự nhiên Vu Lan Thắng Hội - Ngày rằm tháng bảy mỗi năm hiển nhiên trở thành một lễ hội lớn của dân tộc, mang một tính chất phổ cập sâu rộng trong quần chúng nhân dân, mặc dầu lễ hội này hiện nay có được ghi nhận là ngày nghỉ lễ của quốc gia hay không, thì nội dung của lễ hội, vẫn khiến mọi người hướng về, và tranh thủ ít nhiều thời gian để tham dự, hoặc làm một việc gì đó để thể hiện sự nhớ ơn và đền ơn của mỗi người. Sự chuyển tải đậm nét tính nhân văn của Ngày rằm tháng bảy, đã in đậm trong tâm thức của con dân đất Việt từ lâu đời, nên dân gian có thơ rằng:

Trung nguyên ngày hội Vu Lan

Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn

Những ai là kẻ mang ơn nặng

Đều vận lòng thành đón Vu Lan.

Lễ hội Vu Lan đã ca ngợi mối quan hệ sâu sắc, những chất liệu ân tình giữa con người với con ngườithiên nhiên, cùng vạn loài chúng sanh khác xuyên qua nhiều kiếp sống. Tính chất lễ hội Vu lan hiện nay cũng không đơn thuần là một lễ hội đã chuẩn hóa đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc một cách thuần việt, mà hơn thế nữa đó là tiếng nói của cộng đồng loài người, điểm tựa của chúng sanh hữu tình biểu lộ khả năng hiểu biết của mình, là hơi thở tạo nên chất liệu hạnh phúc trong cuộc sống. Phải chăng nội hàm lễ Vu Lan đã chứa đựng dạt dào tính chất ân tình đồng loại, sự duyên kết giữa vạn hữu chúng sanh, đã được đức Phật tóm tắt ngắn gọn và trở thành tiếng nói đỉnh điểm qua mọi thời đại, nâng cao tầm vóc nhận thức của con người, bất cứ ai cũng có khả năng hoàn thiện và vị đứng tâm hạnh cao cả này:

Hạnh Hiếu là hạnh Phật, Tâm Hiếu là Tâm Phật.

Thật vậy, xuyên qua nhiều thế giới và kiếp sống, dưới cái nhìn bạt ngàn trí tuệ của đức Phật, Ngài đã khẳng định thế giới chúng ta đang hội nhập sinh sống và phát triển đi trong một quy luật tương tức tương nhập, cái này là sự hỗ tương của cái khác để tồn tại, giữa sự sinh và sự diệt, cái này mất đi làm duyên cho cái khác sanh ra. Cha mẹ, Thầy tổ là nhân tố để con cái và học trò trưởng thành, ngược lại con cái và học trò là duyên tố để Cha mẹ, Thầy tổ thành tựu sự nghiệp, trong hai thiếu một thì hoàn toàn không thể xảy ra, trong quy luật này. Từ cành cây ngọn cỏ, cũng đều cần phảihơi thở của tâm và bàn tay vạn vật mới có thể lưu chuyển. Đây là một cái nhìn thấu suốt đến nhân sinhvũ trụ, là tiếng nói chung của cộng đồng người. Do đó, trong lời dạy của Ngài, đức Phật luôn đề cập và nhắc nhở hàng đệ tử nên lưu ý đến tất cả những ân tình nghĩa trọng dù hữu thức hay vô thức, lớn hay nhỏ mà đồng loại mang đến, dù kẻ ác tâm hay thiện tâm, dù súc vật, hay cây cỏ vạn loài, đều có chung một ẩn số là tình thương yêu bao la luôn ẩn tàng trong tiềm thức sâu thẳm của con người.

Những ân tình nghĩa trọng và sự quay mượn đó để chúng ta tồn tại, giáo lý đạo Phật đã tóm thâu vô vàn nghĩa cử đó thành Tứ Đại Trọng Ân, mà kẻ làm người không thể không lưu tâm, đó là: Ân Cha Mẹ, Ân Sư trưởng, Ân quốc gia thỉ thổ, và Ân đồng loại chúng sanh.

Không cần phải nói đến nhiều về lòng từ bi, không cần phải nói đến người có trí tuệ hay minh triết, thánh nhân, chỉ cần một cái nhìn lắng động từ tâm thức, con người cũng dễ dàng nhận thấy rằng “cây phải có cội, nước phải có nguồn” thì mới có cơ hội để tuôn trào tỏa khắp muôn nơi và trưởng thành vững chãi theo thời gian. Huống hồ, sự có mặt của chúng ta ở cõi đời này, chính là nhờ vào tâm thức, mồ hôi và nước mắt cộng với bao nhiêu ước mơ và hoài bão của Cha Mẹ. Sự hiểu biết tạo nên cách sống của chúng ta chính là tâm lực của những bậc Thầy. Sự an bìnhthịnh vượng, an lạchạnh phúc, trong hoàn cảnh của chúng ta đang sống, cũng chính là những gì mà quốc gia, đất nước mang lại, cũng như tất cả những phương tiện khác để tạo nên một thế giới hòa hợp phát triển, đó chính là từ đồng loại chúng sanh hữu tình và vô tình lưu xuất.

Nhận thức về tình yêu thương và biết quý nghĩa ân trọng cao cả đó của con người, cho nên từ xa xưa nền văn minh của quốc gia nào đều có chứa đựng những tuyệt tác văn học, và những lễ nghi, phong tục ca ngợi những con người biết quý trọng đền ơn đáp nghĩa trong kho tàng kiến thức của mình. Có thể nói rằng, những áng văn nội dung chứa đựng muôn vàn ân tình giữa người và người luôn là những đề tài đã và đang tiếp tục làm rung động trái tim con người, có thể nói nó luôn được trân quý và gìn giữ lâu dài.

Hiện nay, có rất nhiều hình thức tổ chức lễ hội để ca vũ, tôn vinh những người con hiếu hạnh, những người biết nhớ về cội nguồn, hành động biết tri ân đồng loại, trong và ngoài Phật giáo. Như trong Phật giáo có Lễ Bông hồng cài áo; Lễ Tri ân Cha Mẹ; Lễ Tưởng nhớ tổ tiên; Lễ Ân nghĩa sanh thành; Lễ Niềm vui dành cho Cha Mẹ, Lễ Chúc thọ ông bà; cho đến Lễ Cầu nguyện cho những người đã khuất v.v… Mục đích vẫn là để tôn vinh, nhắc nhở, gìn giữ, bản sắc văn hóa cao đẹp của loài người, bất kể là người đó có tôn giáo hay không tôn giáo, nguồn mạch văn hóa nào, đều có chung một chí hướng.

Đặt biệt, trong thời đại phát triển nhiều mặt, nhất là sự nhận thức vượt trội của giới trẻ, họ nắm bắt hiện tượng diễn ra của thế giới quanh họ rất nhanh. Do vậy, đôi khi sự hiểu biết của thế hệ đi trước không thể đuổi theo kịp, có thể những lễ hội nội dung rất phong phú nhưng không thể gây ấn tượng cho giới trẻ, và có khả năng dẫn dắt họ, bởi nhãn quan nhiều thế hệ có sự khác nhau. Bên cạnh đó, khi chúng ta nói đến việc gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp, đối tượng chính để giáo dụctruyền đạt là giới trẻ, chứ không phải là nơi để cho chúng ta những người lớn phô bày kiến thức của mình, càng không phải nơi chúng ta cứ bó buộc trong khuôn khổ nội viện, nơi chốn mà xưa nay được gọi là cần phải gìn giữ sợ tôn nghiêm. Đây là điểm cần lưu ý khi chúng ta đứng ra tổ chức lễ hội.

Lễ hội Bông hồng cài áo; Lễ Đền ơn đáp nghĩa, v.v… trong mùa Vu Lan, nói chung là Lễ hội Vu Lan là một lễ hội hết sức phong phú cả hình thức và nội dung, có rất nhiều mảng vấn đề giáo dục xã hội, cả trong và ngoài giáo lý, tầm ảnh hưởng rất nhiều đến đông đảo quần chúng, cũng là một lễ hội có sự thu hút mọi người nhất trong các lễ hội Phật giáo. Do vậy, thiết nghĩ rằng bất cứ thời giankhông gian nào nội dung của giáo lý không thay đổi, nhưng về mặt hình thức chúng ta cần phải cân nhắc chuyển đổi cho phù hợp để chuyển tải nội dung đó, ngoại trừ những hình thức mang đậm tính chất phi Phật giáo và không mang lại lợi ích cho sự hiểu biết đúng đắn của con người cần phải được loại trừ. Phật pháp không rời thế gian để phục vụgiác ngộ thì lễ hội Phật pháp cũng không phải chỉ mãi tổ chức ở trong tự viện và theo phong tục của tự viện xưa nay và chỉ có trong cộng đồng Phật tử, tựa như thực phẩm thì bất cứ ai cũng cần có để nuôi sống thể xác, thì đây chính là thực phẩm để nuôi dưỡng tinh thần, thì không nên mang ý tưởng dành riêng cho ai, đạo hay đời.

Từ đó, chúng ta thấy rằng, bản chất tình người, và tâm niệm đền ơn đáp nghĩa là nội dung dàn trải phong phú nhất của Lễ hội Vu Lan, và đây cũng chính là tính chất của lễ hội mà khi chúng ta tổ chức, làm sao người tham dự có thể ghi nhớ và học hỏi được, đặt biệt là rộng rãiphổ cập quần chúng, do vậy khi tổ chức chúng ta cần có sự uyển chuyển, không nên rập khuôn, xưa làm nay cũng làm vậy, để tôn vinh lễ hội thật sự là một lễ hội đền ơn đáp nghĩa chung của nhân loại, để không đánh mất đi ý nghĩa thiết thực đã tốt đẹp được lưu giữ từ xưa.


HOẰNG PHÁP

TRONG GIAI ĐOẠN HỘI NHẬP

 

Lời nói đầu:

Hoằng pháp là gì? Truy tìm một định nghĩa đầy đủ để rút ra một câu trả lời trong ý nghĩa ngôn từ thật khó khăn, chúng ta có thể nói một cách tổng quát, hoằng pháp nghĩa là mang ánh sáng giác ngộ đến với tất cả chúng sanh. Trở về con đường hoằng pháp của đức Thế Tôn, chúng ta biết rằng sau khi chứng quả dưới cội Bồ đề, đức Phật đã xác định công việc hoằng pháp trước hết và suốt trong 49 năm giáo hóa, bằng nhiều phương tiện khác nhau, Ngài đã không mệt mỏixao lãng một giây phút nào. Đức Phật không những đích thân làm công việc của mình, Ngài còn sách tấn hàng đệ tử hãy vận dụng khả năng của mình để làm lợi ích cho chúng sanh. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng, hoằng pháp là một hành động cụ thể chứ không phải đơn thuần là một lý thuyết, lý thuyết thì không thể nào diễn tả hết công việc này. Do vậy, trong phạm vi bài viết này, Ban Hoằng pháp tỉnh Khánh Hòa xin đề cập đến khía cạnh hành động của công việc hoằng pháp trong thời hội nhập và phát triển.

I/ Nhận định chung:

Những năm gần đây, Phật giáo Việt Nam đã có chuyển biến rõ nét, đánh dấu nhiều bước ngoặt quan trọng trong sự hội nhập với cộng đồng quốc tế. Nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam, nhiều tông pháiquốc gia Phật giáo vào Việt Nam giao lưu tìm hiểu. Phật giáo Việt Nam là thành viên trong các tổ chức lớn của Phật giáo thế giới, đó là dấu hiệu tiếng nói của Phật giáo Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có vị thế đứng trong cộng đồng loài người. Đây là hệ quả tất yếu trong xu hướng phát triển và hội nhập toàn cầu. Thế giới đang luôn mở, nếu một quốc gia nào đó tự khép mình, không hội nhập đồng nghĩa với sự chấp nhận nghèo nàn, lạc hậu cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Phật giáo là một cá thể trong một tập thể xã hội cũng không thể đứng ngoài quy luật toàn cầu hóa.

Hoằng pháp là một ngành trong nhiều lãnh vực của xã hội Phật giáo, tuy nhiên công việc hoằng pháp là công việc hết sức quan trọng, là tiếng nói, là nhân tố, hành động để quyết định sự tồn tại và phát triển của ngôi nhà chung. Chức năng hoằng pháp được vận dụng tối đa thì ảnh hưởng vào xã hội vô cùng phong phú. Lời dạy của đức Phật được lưu truyền rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay và được tiếp nhận một cách trân trọng từ nhiều thành phần trong xã hội, chính là hành động hoằng pháp thiết thực của hàng Phật tử.

Sự đa dạng và phong phú trong việc hoằng pháp, chúng ta học được khá nhiều từ nơi đức Thế Tôn. Đối tượng hoằng pháp không chỉ là con người, đức Phật cũng đã hướng đến các loài chúng sanh khác, từ súc sanh cho đến chư Thiên, Long thiênloài người. Ngôn ngữ hoằng pháp của đức Thế Tôn không giới hạn một ngôn ngữ chung. Phương pháp hoằng pháp của Ngài không chỉ là lời nói, hành động mà cả sự im lặng cũng là sự giáo hóa. Tâm niệm hoằng pháp là tâm tinh tấn không mệt mỏi. Tình thương được vận dụng hoằng pháp của Như Laitình thương vô hạn và sức nhẫn nại kiên cố… Có thể nói rằng, đây là đặc thù hoằng pháp của đức Thế Tôn cách thời đại chúng ta gần 3000 năm. Trải qua thời gian, tùy quốc độ, phương tiện hoằng pháp mỗi nơi mang nhiều cung cách khác nhau, nhưng phải nói rằng những bài học từ đức Thế Tôn là những bài học được xem là kim chỉ nam cho mọi thời đại.

II/ Hội nhập và phát triển:

Tưởng cũng nên xác định lại tư tưởng “Truyền thống và phát triển” trong cộng đồng Tăng già trước khi chúng ta bàn về việc “Hội nhập và phát triển”. Có rất nhiều ý kiến được bảo lưu từ xưa cho đến hôm nay, những gì cần bỏ, giữ lại bổ sung và những gì cần sáng tạo và phát triển. Đây là, những ý kiến được trăn trở qua mọi thời đại. Điều gì cần bỏ và điều gì cần bổ sung? Chắc chắn rằng, chúng ta chưa có một hội đồng đủ thẩm quyền để thẩm định nghiêm túc và được bàn luận. Có chăng cũng là tùy thuận cá nhân không phải là cộng đồng chấp thuận.

Có rất nhiều truyền thống trong Phật giáo mà nội dung của chúng mang tính bất biến, tùy biến thuộc về hình thức. Điển hình, sự truyền và thọ lãnh giới pháp, nội dung thì bất biến, nhưng hình thức tùy thuộc vào quốc độ. Nội dung truyền thống Phật giáo, chúng ta thử tạm chia thành nhiều cấp độ. Những truyền thống bất biến của Phật giáo chúng ta tạm gọi là truyền thống cấp độ I. Ngoài ra, những truyền thống Phật giáo đã được pha trộn tín ngưỡngtruyền thống văn hóa bản địa, đây là truyền thống cấp độ II. Truyền thống cấp độ III của Phật giáo là những truyền thống được sáng tạo để phù hợp với trào lưu và xu thế hòa quyện bởi tính đa truyền thống, bên cạnh có những nét truyền thống không có dấu tích trong lời dạy của đức Phật. Và cũng có thể còn nhiều cấp độ khác nữa, nhưng nơi đây chúng ta thử vạch định ba cấp độ trên.

Xét về khía cạnh truyền thống, thì truyền thống cấp độ I và II sẽ được sự quan tâm. Cấp độ I nếu tùy biến thì Phật giáo sẽ không còn là Phật giáo, vì dần sẽ mất đi tính nguyên thủy. Cấp độ II không tùy duyên thì không thể hội nhập, đặt biệt trong xu thế toàn cầu hóa xã hội. Lịch sử cho chúng ta thấy Phật giáo đến đất nước nào cũng nhanh chóng hòa nhập vào văn hóa bản địa để tồn tại và phát triển. Cấp độ III thì chúng ta phải cân nhắc, sàng lọc để giữ vững tinh thần trong sáng nguyên thủy lời dạy của đức Thế Tôn. Phật giáo đã là một tôn giáo của khoa học và là tôn giáo của toàn cầu thì những hình thức phi Phật giáo chúng ta cần nên loại trừ. Văn minh còn có nghĩa là những hành vi phù hợp với thực tế và cuộc sống hiện tại lành mạnh được đông đảo quần chúng cổ vũ.

Một nền văn hóa mà thiếu tính truyền thống thì nền văn hóa đó lai căn, mất gốc và có khả năng sẽ bị tiêu hủy, văn hóa Phật giáo cũng thế. Một nền văn hóa toàn là cổ xưa và cổ hủ thì có văn hóa nhưng thiếu văn minh cũng dễ dàng bị loại trừ và không phù hợp với thời đại.

Hội nhập và phát triển được cụ thể hóa như một hành động của con người đang ở trong ngôi nhà bước ra bên ngoài. Muốn tồn tại trong thế giới luôn biến chuyển thì người đó cần mở cửa và bước ra thế giới. Đóng cửa ở trong nhà thì không thể nói là hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, cách hội nhập và phát triển mang lại hiệu quả thì cần phải cân nhắc và sàng lọc. Đặc biệt, cá thể và tập thể đó phải biết tùy duyên nhi bất biến, tinh thần này là bài học lớn mà đức Thế Tôn đã để lại cho chúng ta từ lâu.

III/ Góp ý hành động:

Như trên chúng tôi đã nói, hoằng pháp muốn mang lại hiệu quả thì phải hành động. Trong mấy năm gần đây, ban Hoằng pháp cũng như nhiều ban ngành khác của Giáo hội, từ TW xuống tỉnh thành đã có rất nhiều chương trình khả thi, nhưng phần lớn vẫn còn nằm trong những trang giấy, nếu có hành động cũng chỉ là tạm thời, chưa đứng vững, ăn sâu gốc rễ, để đủ sức sinh trưởng hoa lá. Nhiều kỳ hội thảo, được sự quan tâm rộng lớn của Tăng Ni Phật tử, rất nhiều ý tưởng sáng tạo được đề xuất, nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa có thể làm được, có thể bị tác động bởi chủ quan và khách quan. Chúng ta cần kiểm định lại và mạnh dạn hành động đúng với tinh thần Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi. Ví như những vấn đề:

- Nhân sự thực hiện:

Con ngườiyếu tố quan trọng, xây dựng được con người để thực hiện một chương trình cụ thể thì sự thành công đã đến hơn 70%. Ở đây, chúng ta thấy nơi nào thiếu nhân sự thì nơi đó công việc hoằng pháp trở nên yếu kém. Một đoàn Giảng sư TW cũng đã được thành lập, có vài tỉnh thành cũng đã có đoàn giảng sư. Chức năng của đoàn giảng sư là mang giáo pháp phổ cập vào quần chúng, đem ánh sáng giác ngộ đến với tất cả mọi người. Đặc biệt, là những nơi xa xôi hẻo lánh. Tuy nhiên, chúng ta thấy các đoàn giảng sư vẫn đang tập trung ở các tỉnh thành lớn và còn trên giấy trắng, các địa phương xa xôi, hẻo lánh vẫn chưa có cơ hội để cung tiếp những đoàn giảng sư đó. Tổ chức đoàn giảng sư vẫn chưa đồng bộ và thiếu sự hỗ trợ của các cấp chức năng. Có người có tâm huyết, nhưng lại thiếu phương tiện, thiếu sự phân phối hợp lý và điều kiện vật lực để họ thực hiện tâm lực. Ban Hoằng pháp nên chú trọng đến vấn đề đạo tạo con ngườiđặc biệt là có những chương trình cụ thể dài hạn, ngắn hạn để đáp ứng với nhu cầu thực tế, từng địa phương và từng thời điểm. Cách đào tạo chung chung như hiện nay đã không còn phù hợp, mặc dầu mỗi năm chúng ta có thể đào tạo hàng trăm giảng sư cao cấp và trung cấp đi nữa, vẫn thiếu hụt và vẫn dư thừa.

- Truyền thông đại chúng:

Toàn cầu hóa mang thêm một ý tưởng thế giới này là một, cũng có nghĩa sự giao lưu giữa con người với con người, quốc gia này và quốc gia khác trong sự đồng bộ, tổng thể. Sợi dây để kết nối và truyền đạt với nhau trên toàn cầu hiện nay đã được công nghệ thông tin hỗ trợ rất nhiệt lực. Phật giáo Việt Nam sở dĩ ít được biết đến trong tâm khảm của quần chúng Phật tử trên thế giới, chính là thiếu cổng thông tin này. Phật giáo Việt Nam hiện nay chưa có một kênh truyền hình, truyền thanh để giới thiệu Phật giáo ra ngoài thế giới. Ngay trong đất nước cũng chỉ đơn thuần báo giấy và rất ít mạng lưới website. Tuy nhiên, những hoạt động thông tin này nếu có cũng nằm trong phạm vi địa phương và tầng lớp người trên, chưa thật sự phổ cập quần chúng. Chúng ta cần nên khai triển và tận dụng trợ thủ đắc lực này để ánh sáng đạo Phật đi vào tất cả mọi miền đất nước và quần chúng nhân dân. Tiếp đến là thế giới bên ngoài.

- Quốc độ hoằng pháp:

Đã có hơn 3 triệu Việt kiều đang sinh sống và học tập, làm việc ở nước ngoài, hầu như nơi đâu cũng có người Việt, và con số này tăng lên mỗi ngày. Nhu cầu tìm hiểutu học của kiều bào không thua kémPhật tử trong nước. Người dân Việt luôn luôn muốn gìn giữ bản sắc Việt, người Phật tử Việt Nam cũng luôn muốn tu học theo truyền thống Việt Nam, mặc dầu trên căn bản Phật giáo dù ở truyền thốngquốc gia nào chăng nữa nội dung vẫn không mấy khác biệt, mang sứ mạng hoằng pháp, chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội này. Đối tượng trao truyền đã có, thì chủ thể trao truyền rất dễ dàng thực hiện. Kiều bào luôn mở rộng tiếp nhận giáo lý Phật đà, thì đó chính là mảnh đất màu mỡ mà người hoằng pháp đã có thuận duyên. Ngoài ra, dù con người ở đâu chăng nữa, quốc tịch nào, theo như đức Phật thì tất cả họ đều có Phật tánh. Thế thì, không trao truyền Phật pháp đến cho họ, thì thiếu sót cả về chất và lượng.

Vùng sâu, vùng xa, cao nguyên, hải đảo tại quốc gia cũng là địa điểm mà ban Hoằng pháp cần phải lưu tâm. “Nơi nào cần chúng ta đến, nơi nào không cần chúng ta đi” đây là câu nói của một danh tăng thời hiện đại đã nhắc nhở chúng ta trong công việc hoằng pháp. Nơi đô thị, trung tâm văn hóa, chắc chắn là không thiếu, bởi vì họ có đủ điều kiện để tiếp cận nhiều nguồn thông tin. Do đó, ban Hoằng pháp cũng không phải đầu tư nhiều công sức vào những nơi này.

Để làm được việc này, ban Hoằng pháp phải có chương trình hành động cụ thể, có tuyển chọn, đào tạo, và tổ chức, cũng như tạo một hành lang pháp lý vững chắc, để tài trợ theo bước chân của người dấn thân hoằng pháp. Tự phát theo kiểu cá nhân mỗi chùa, mỗi tăng sĩ vẫn làm được, nhưng chắc chắn rằng kết quả không lớn bằng sự hợp tác và tổ chức. Chúng ta chưa có những khóa đào tạo những Tăng sĩ hoằng pháp quốc tế, thì làm sao chúng ta hoằng pháp ra thế giới bên ngoài được. Ngay bây giờ chúng ta nên hành động. Hành động chính là tiếng nói thiết thực trong công cuộc hội nhập và phát triển.

IV/ Kết Luận:

Chúng tôi xin được mượn lời văn của Hòa Thượng Thích Chơn Thiện viết trong Tiếng Hót Ca Lăng Tằng Già, về triết lý tùy duyên nhi bất biến của đạo Phật để kết thúc tham luận này: “Đức Phật đã dạy trong kinh tạng Nikaya rằng “Phật đến một hội chúng nào thì ứng xử theo cung cách, ngôn ngữ của hội chúng đó”: Nói chuyện với bác tiều phu, đức Phật dùng ngôn ngữ thường nhật gần gũi với bác tiều phu. Không phải vì thế mà đức Phật đánh mất mình, đánh mất giá trị của mình. Sự thật hệt như một đấng trượng phu: Ứng xử với vợ con thì khác với bàn dân thiên hạ, khác với cung cách mô phạm đứng trên bục giảng, cũng khác với thái độ ứng xử với bạn bè, thượng cấp…”.

Xin cám ơn và cầu chúc hội nghị thành công.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ tát Ma ha tát.


ĐẠO PHẬT - ĐẠO HIẾU VIỆT NAM

 

Khi chúng ta đề cập đến truyền thống hiếu thảo trong con người Việt Nam, không phải chỉ đơn thuần hiểu như là một thái độ hợp lý giữa Cha mẹ và Con cái, mà chính là nhắc đến một đức tính trọng yếu được kết tinh từ sự tiếp thu giữa các nền văn hóa khác nhau để hợp thành một hợp thể văn hóa truyền thống gọi là Đạo Hiếu Việt Nam.

Đạo Hiếu Việt Nam là kết quả một chuỗi mắt xích của sự biểu lộ lòng biết ơn, nhớ ơn, sự thương yêu, sự giao hảo giữa con người với con người. Một đức tính mà trong con người dù ở bất cứ ý thức hệ nào đều phải có, nếu trong con người không có đức tính này thì coi như không phải là con người, được hiểu như là chưa đầy đủ để thành người: Lòng Nhân. Cho nên, cụ Phan Bội Châu trong bộ sách Khổng học đăng giải nghĩa ý này: “Hiếu là gốc để hành đạo nhân”. Như vậy, chúng ta biết rằng để làm trọn tư cách của một con người theo quan niệm Khổng giáo xưa, đức tính đầu tiên cần phải có là hiếu để (Vạn thiện dĩ hiếu vi tiên). Hiếu để đối với người Việt trong ý nghĩa thông thường là hiếu thảo, cung kính với Ông bà Cha mẹ, hòa thuận với Anh Chị em. Nếu người nào đó không thương Cha mẹ, không thương anh chị em của mình thì nhất định người ấy sẽ không thương được người khác, một người không làm tròn bổn phận trong gia đình thì sẽ không giúp ích gì lớn lao cho xã hội. Do đó, Nho giáo bảo rằng đã bất hiếu trong gia đình thì không thể là người tốt trong xã hội, quy trình Tu thân- Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ cũng đã xác chứng điều này. Tu thân chính là xây dựng cho bằng được lòng nhân trong con người của mình, tức là phải có lòng từ ái, không ích kỷ. Khi thân của mỗi người được điều phụcvững chắc trong đạo đức, tác phong, nhân cách sống thì mới có thể làm gương cho người khác và làm rường cột để xây dựng gia đình tốt đẹp cũng như mới có thể trị quốc bình thiên hạ.

Tiếp thu từ tinh thần này, đạo hiếu Việt Nam một mặt nào đó nhấn mạnh đến đức tính tri ânbáo ân công ơn sâu dày của ông bà Cha mẹ, như là một chìa khóa mở ra nhiều đức tính phụ thuộc để hoàn thiện lòng nhân. Đọc lại sử sách, chúng ta biết có nhiều gương hiếu hạnh xưa thật sâu đậm, chắc có lẽ không có sự hiếu để nào ngày hôm nay có thể diễn tả và sánh ngang bằng như việc Thuý kiều đã bán mình chuộc cha, lòng hiếu này đã kinh động đến lòng trời, bởi một sự quên mình tuyệt đối của người con: “Bán mình đã động hiếu tâm đến trời”.

Tuy nhiên, hiếu để nằm ở phạm trù này một mặt nào đó chỉ xây dựng và hiểu được được trong phạm vi thế gian đối đãi, hiếu để được xét lượng như một sự công bằng của người trao và người nhận trên hành động thực tế, trong khuôn khổ hành xữ đạo nhân và do đó sẽ bị hạn chế nhận thứcchấp nhận trong những khả năng, hành vi vượt qua sự tầm thường của con người, trong quan niệm xuất thế gian. Mặt dầu, đựơc biết cung cách báo hiếu có thể tuỳ thuộc vào thời gian, không gian và cách suy nghĩ ứng xử của từng chủ thế và đối tượng, hoàn cảnh xã hội hiện tại. Ở trong tác phẩm Nhị thập tứ hiếu, có những mẫu chuyện con người không thể hiểu được tại sao Mạnh Tường muốn có canh măng cho cha ăn, nhưng giữa mùa đông thì không thể mọc măng, nên Ông ngồi ôm gốc tre mà năn nỉ, thì thấy măng đội tuyết mọc lên. Chuyện khác, Vương Thôi mỗi khi trời nổi sấm sét Ông ra ôm mộ Mẹ, vì biết Mẹ bình sanh rất sợ sấm sét.

Đạo Phật Việt Nam là sự hoà hợp hoàn thiện truyền thốngvăn hóa Việt Nam đã lột tả một cách xác đáng và minh chứng hùng hồn trong ý niệm hiếu để. Đạo Phật không chỉ nói về lòng hiếu thảo giữa con cái với cha mẹ trong phạm vi hạn hẹp của gia đình, giới hạn bởi thời giankhông gian. Đạo phật nói về sự tri ânbáo ân vượt qua cánh cửa gia đình, tổ quốc, rộng đến là chúng sanh, vượt qua thời gian hiện tại ngắn ngủi, đã nói đến tương lai trong nhiều kiếp sống, vượt qua không gian là bởi bất cứ nơi đâu quốc độ nào, hễ là con người Việt Nam đều được thấm nhuần sự tưới tẩm của tình thương đó. Trong kinh A Hàm đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, người biết đền đáp công ơn phụ mẫu, là người đáng kính mến. Giả sử người đó cách xa ta ngàn dặm trăm do tuần, mà rất gần ta vậy…”. Vượt qua con người, qua sự tôn thờ và kính ngưỡng, qua cả không gian dài vô tận đức Phật đã minh định tuyên thuyết: “Nếu chúng sanh nào gặp thời không thấy Phật, thì hãy xem Cha mẹ như Phật, gần gũi Cha mẹ như gần gũi Phật, tôn thờ Cha mẹ như tôn thờ Phật, vâng lời Cha mẹ như vâng lời Phật, như vậy mới gọi là hiếu”(Kinh Hiếu Tử).

Ý nghĩa báo hiếu trong đạo Phật không những chỉ trong phạm trù tri ânbáo ân Ông bà Cha mẹcung dưỡng món ngon vật lạ, tiền tài, vật chất trong phạm vi hiện tại để Cha mẹ được vui lòng, ấm no mà còn phải báo hiếu như thế nào để Cha mẹ đạt được cứu cánh giải thoát. Nghĩa là phải làm sao để Cha Mẹ chúng ta luôn được gần gũi với thiện hữu tri thức, luôn tránh xa điều tà và gần gũi với điều chánh. Ý nghĩa báo hiếu trong đạo Phậttoàn diệntriệt để, bởi vì không những chỉ tri ân đến Ông bà Cha Mẹ trong gia đình và những người có liên hệ ân tình với mình mà còn phải hướng đến thế giới rộng lớn là tổ quốc, chúng sanh, dĩ nhiên trong đó không chỉ là người có ơn với mình mà chính là những người không ơn nghĩa với mình cũng vậy. Ý nghĩa này nói lên lòng thương tưởng của con người khổ đau thì không phân biệt người này và người khác, cũng không nằm trong phạm vi phân biệt thường tình thế gian. Hành động báo hiếu của đức Mục Kiền Liên là một minh chứng hùng hồn diễn tả toàn bộ ý nghĩa báo hiếu của đạo Phật, không những Ngài chỉ cứu độ Mẹ mình mà còn cứu độ nhiều chúng sanh khác khổ đau trong chốn u đồ. Một gương hiếu hạnh khác trong đạo Phật nói lên ý nghĩa báo hiếu còn là sự biểu lộ lòng thương người chính là tấm gương của Lục tổ Huệ Năng, người đã quyết tâm xa Mẹ của mình đề tìm đường học đạo cứu độ chúng sanh, làm lợi ích cho nhiều người, và đưa nhiều người đến với đường đạo, trước khi đi Ngài đã vay mượn được mười lạng vàng để mua sắm thức phẩm y phục cho Mẹ già, rồi mới cất bước đến huyện Huỳnh Mai bái kiến Ngũ tổ Huệ Khả tu học sau trở thành Lục tổ Huệ năng trong thiền tông.

Như vậy, nói đến Đạo Phật - Đạo Hiếu Việt Nam là nói toàn bộ tư tưởng mà người dân việt đã hấp thu từ nhiều nền văn hóa khác nhau, và biết nhuần nhuyễn ứng dụng những phạm trù đó cho phù hợp với hoàn cảnh và cung cách ứng xử trên phương diện hiếu để tuỳ thuộc vào quốc độ hiện tại. Nếu chỉ xem chữ hiếu trong ý nghĩa đơn thuần là hành xử xã hội, là phép tắc để định lượng nhân phẩm của một con người, tưởng chừng như đây là một sự thiếu sót, và rất nhiều khiếm khuyết để diễn đạt ý tưởng này. Mặt khác, nếu áp dụng và nhìn nhận tích cách của một đơn thể nào đó trong sự tập hợp những gì đã tiếp thugạn lọc từ Ông cha ta thì đây là một nhận định đầy nhân bảntrí tuệ. Sự hạn hẹp từ một khái niệm hiếu để dựa trên căn bản của lòng nhân và lượng giá vào đức tính trung, nghĩa nơi con người, thì đạo Phật đã đóng góp vào sự thiếu hụt đó, hơn thế nữa chúng được triển khai rộng rãi hơn. Trong bốn ân nặng của đạo Phật đề cập đến đã nói đầy đủ ý nghĩa của Nhân - Trung- Nghĩa của con người Việt Nam khi tiếp thu qua nền văn hóa ứng xử xã hội của Khổng học trung hoa. Ngoài hiếu với Cha mẹ theo nghĩa hẹp, trung với nước nghĩa với dân mở rộng thêm là thương yêu tất cả chúng sanh hữu tình, từ hiện kiếp cho đến tương lai và trong đời sống dương thế hay đời sống âm cảnh, đạo Phật đã đề cập đến và hướng tới.

Nếu chúng ta áp dụng trọn vẹn tư tưởng này thì Đạo Phật - Đạo Hiếu Việt Nam sáng ngời trong truyền thống và chuyển tải nhiều ý nghĩa trong văn hóa cổ truyền. Đây là những điểm nổi bật trong văn hóa dân tộc chúng ta cần nên minh định và xác thực. Ngày Vu Lan báo hiếu gợi nhớ lại toàn bộ những tri ân, những quan hệ xuyên suốt diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi tâm niệm, hành động dù nhiệt huyết hay hoàn cảnh liên quan giữa người và người trong cuộc sống dưới con mắt giác ngộ đều thể hiện tính nhân quả, tương duyên trùng trùngcon người cần phải ý thức toàn bộ cơ cấu của nó, để phù hợp đạo lý uống nước nhớ nguồn, và thể hiện cung cách ứng xử trong nền văn hóa Việt Nam.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
22/04/2011(Xem: 55846)
20/06/2013(Xem: 48241)
16/05/2012(Xem: 38630)
30/09/2012(Xem: 24371)
11/04/2013(Xem: 15441)
04/07/2017(Xem: 10271)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.