Toàn Không
1)- NHÂN DUYÊN:
Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, bấy giờ Ngài nói với các Tỳ Kheo (Tăng) rằng xưa khi chưa thành Phật đạo, ngồi dưới gốc cây Ta nghĩ: “Trong cõi Dục giới gồm có chư Thiên (Trời) và loài Người, ai hào quý nhất (tài trí nhất), Ta sẽ hàng phục”. Ta lại nghĩ: “Nghe nói, trong cõi Dục giới có Thiên Ma là ghê gớm nhất, ta sẽ chiến đấu với Ma ấy. Do hàng phục Thiên Ma, tất cả chư Thiên và loài người kiêu mạn đều sẽ bị hàng phục”.
Khi nghĩ như thế rồi, Ta ngồi nơi tòa ngồi (chỗ ngồi) mỉm cười, khiến cảnh giới Thiên Ma chấn động, rồi nghe tiếng nói trong hư không:
Bỏ ngôi Vua chân chính, Xuất gia học cam lộ, Nếu ai phát nguyện rộng, Chẳng ba đường ác này. Nay ta hợp binh chủng, Đến thăm Sa Môn kia, Nếu không theo ý ta, Nắm chân ném ra biển. Khi ấy Thiên Ma sân hận bừng bừng bảo Đại
tướng Sư Tử: “- Đại tướng mau tập hợp bốn bộ binh tướng đi dẹp Sa Môn, hãy quan
sát xem ông ấy có thế lực gì mà dám chiến đấu với ta?”
Ta lại suy nghĩ: “Giao chiến với người thường còn không thể im lặng, huống chi với Thiên Ma, nên tranh đua với Thiên Ma”. Nên Ta mặc áo giáp “Nhân từ”, tay cầm cung “Chính định”, tên “Trí tuệ” chờ đợi.
Chẳng bao lâu sau đó, Tệ Đại Ma, Đại Tướng, quân binh đủ loại đông đảo đến mười tám ức (Một triệu tám trăm nghìn), mặt mày mỗi mỗi khác nhau, đủ hình đủ dạng, vượn, khỉ, sư tử, v.v... đều đến chỗ Ta. Binh chúng hoặc La Sát, hoặc một thân có vô số đầu, hoặc nhiều thân có một đầu, hoặc hai vai ba cổ, hoặc ngay ngực có miệng lớn, hoặc một tay, hai tay, bốn tay. Hoặc hai tay bê đầu miệng ngậm thân rắn, hoặc trên đầu bốc lửa, miệng phun lửa, hoặc phanh bụng đi tới tay cầm dao tay cầm kiếm, tay cầm gươm tay cầm giáo, tay cầm cối tay cầm chày. Hoặc vác đá, vác cây, hoặc đi bằng hai tay, hai chân ở trên đầu ở dưới. Hoặc cưỡi voi, cưỡi sư tử, cưỡi hổ mang độc xà, hoặc đi hoặc chạy hoặc bay v.v.... Tất cả vang động rầm rầm chung quanh cây Đại thọ nơi Ta ngồi.
Thiên Ma đứng trước mặt phía bên trái nói:
“- Sa Môn, hãy đứng lên mau”
Ta im lặng chẳng trả lời. Thiên Ma nói như thế đến ba lần, rồi nói:
“- Sa Môn sợ ta chăng?”
Ta bảo Thiên Ma:
“- Nay Ta nhiếp tâm không có một chút kinh sợ”
Thiên Ma nói:
“- Ông có một thân một mình ở đây, không khí giới gậy gộc binh đao, thân trơ đầu trọc, lại nói: “Ta không sợ”, Sa Môn có thấy bốn binh chúng của ta không?
Ta liền nói kệ:
“Ta mặc áo giáp nhân từ,
Cung chính định tên trí huệ,
Dùng phúc nghiệp làm binh chúng,
Nay quân Ông sẽ bị hoại”.
Thiên Ma nói:
“- Nếu không nghe lời ta, Ông sẽ bị đốt cháy, mau rời chỗ này, Sa Môn dung mạo đẹp đẽ, dòng Sát Đế Lợi (Dòng Vua Chúa), ta sẽ đem đến cho Ông nhiều lợi ích, để ông làm Chuyển Luân Thánh Vương (Đại Vương)”.
Ta trả lời:
“- Những lời Ông nói đều là vô thường, thay đổi hư hoại, chẳng phải điều Ta ưa”.
Thiên Ma lại nói:
“- Sa Môn muốn điều gì, chí nguyện việc chi?”
Ta đáp:
“- Điều Ta ước nguyện là nơi không lo sợ được an ổn tịch tĩnh trong thành Niết Bàn, dẫn dắt chúng sinh đang trôi nổi chìm đắm trong khổ não được đến con đường chính đạo”.
Thiên Ma lại nói:
“- Nếu như Sa Môn không mau mau đứng dậy, ta sẽ nắm chân Ông ném xuống biển.”
Ta liền đáp:
“- Ta tự quán sát tất cả từ Trời, Ma, Người, Phi Nhân, và cả bốn chúng của Ông, chẳng thể động đến lông chân của Ta”.
LỜI BÀN:
Trước hết, chúng ta thấy đức Phật muốn tìm một nhân vật uy danh trí tuệ bậc nhất trong cõi Dục giới gồm 6 tầng Trời và loài người để thu phục, nên Ngài đã nhắm ngay Thiên Ma Ba Tuần có bản lãnh khiến chư Thiên Dục giới và loài người nể vì.
Khi đức Phật mới chỉ nghĩ tới cõi Thiên Ma là tầng trời cao nhất trong cõi Trời Dục giới, đó là cõi MA LA THIÊN và Ngài chỉ mỉm cười thôi đã khiến cõi Thiên Ma rung động. Tại sao mỉm cười lại làm rung động cõi Thiên Ma? Vì: cái cười có thần lực vậy; khi đó Thiên Ma biết tâm ý của Phật, nên đã tức thời điều binh khiển tướng đến liền.
Đức Phật đã sẵn sàng trong Định-Huệ và tràn đầy Phúc-Đức. Còn Ma quân đông đảo đủ hình đủ loại dữ dằn như muốn ăn tươi nuốt sống, và dùng lời đe dọa hòng làm lung lạc tâm Phật. Nhưng Ngài luôn luôn ở trong Đại định với Trí huệ sáng suốt, nên Ma Vương chẳng làm gì được.
Dùng khủng bố tinh thân để dọa không xong, Thiên Ma quay qua dụ ngọt rằng nghe lời sẽ được làm Đại Vương, nhưng Ngài từ chối vì làm Đại Vương cũng vô thường biến hoại khổ nên chẳng lợi ích gì, Ngài cho Ma Vương biết mục đích của Ngài là dẫn dắt chúng sinh ra khỏi khổ đau.
Sau Ma Vương lại dọa ném Ngài xuống biển, Ngài nói thẳng rằng trong Trời Người Quỷ Thần và tất cả binh quân của Ma không thể động đến Ngài được; chúng ta tiếp tục theo dõi phần dưới đây xem Thiên Ma sẽ tác oai tác quái gì?
2)- PHẬT ĐẤU TRÍ VỚI MA VƯƠNG:
Thiên Ma thách thức:
“- Ông muốn chiến đấu với ta chăng?”
Ta đáp:
“- Ta muốn cùng Ông giao chiến”.
Thiên Ma hỏi:
“- Ông ghét điều gì?”
Ta đáp:
“- Ta dẹp những điều kiêu mạn, như tăng thượng mạn, tự mạn, tà mạn”.
Thiên Ma hỏi:
“- Ông dùng điều gì để diệt các mạn đó?”
Ta đáp:
“- Thiên Ma Ba Tuần (tên của Đại Thiên Ma) nên biết, có Từ tam muội, Bi tam muội, Hỉ tam muội, Xả tam muội, Không tam muội, Vô nguyện tam muội, Vô tướng tam muội.
Do Từ tam muội được Bi tam muội, do Bi tam muội được Hỉ tam muội, do Hỉ tam muội được Xả tam muội. Do Không tam muội được Vô nguyện tam muội, do Vô nguyên tam muội được Vô tướng tam muội.
Do sức của các tam muội này chiến đấu với Ông”.
LỜI BÀN:
Không thể áp đảo tinh thần, Ma Vương quay qua hỏi “lý” đức Phật: “Ông ghét điều gì?”, Ngài bảo: “Đó là kiêu mạn, tăng thượng mạn, tự mạn, tà mạn”. Chúng ta thử phân tích những lời này của đức Phật:
Kiêu mạn: Nghĩa là kém người cho rằng mình cũng bằng người, hoặc bằng người lại cho mình hơn người.
Lòng kiêu căng ngã mạn này cần phải trừ khử bằng cách dùng “không mạn” để diệt mạn, vì cái kiêu mạn cũng như hư không, nó chỉ là hình bóng không có thực thể gì, nó như bóng trăng đưới đáy nước không thật; nếu biết sự kiêu mạn không thật, chẳng bổ ích gì thì nó sẽ chấm dứt dễ dàng.
Tăng thượng mạn: Có một ít cho rằng mình có nhiều, người tăng thượng mạn hay huênh hoang khoác lác, như tu hành chưa tới đâu, lại cho mình đã đạt quả này quả nọ chẳng hạn; người tăng thượng mạn thường là người có “ngã chấp” quá nặng, cho cái ta là nhất, thiên hạ không ai bằng mình, vì người này cố bám vào cái danh hão, nên vì cái ta mà sinh ra tăng thượng mạn.
Tự mạn: Kiêu hãnh vì cho rằng mình đã đầy đủ về một phương diện nào đó, ví như người tu mới đạt được chút ít đã cho rằng như thế là đủ, rồi tự kiêu với sự được đủ ấy; người này không nên tự mạn, mà phải tiếp tục tiến lên cho được tốt đẹp hơn.
Tà mạn: Kiêu mạn về sự quấy sự sai của mình, ví như có người kiêu hãnh về sự ăn cắp giỏi của mình, có người kiêu hãnh tin tưởng vào một vị Thần linh có thể chữa khỏi mọi thứ bệnh, hoặc tin tưởng cầu gì cũng được vị ấy giúp, những sự kiêu hãnh về sự tà này chẳng có gì đáng gọi là kiêu hãnh, vì sao?
Vì ăn cắp tài giỏi cách mấy đi nữa, vẫn không phải là nghề chân chính, và gây đau khổ cho người khác; còn người tin tưởng Thần Thánh cứu khỏi bệnh hoặc đáp ứng các điều cầu xin, phải hỏi người ấy trong mọi trường hợp bệnh hoạn hoặc cầu xin điều gì vị Thần Thánh ấy có cứu giúp hết được không, nếu không cứu giúp được hết thảy, mà chỉ có một vài người được khỏi bệnh hoặc vài trường hợp cầu xin được, thì chỉ là sự tình cờ mà thôi.
Tóm lại: chúng ta phải lấy chính để dẹp tà, lấy tỉnh để dẹp mê. --- :: ---
Sau khi đức Phật trả lời rằng các loại Mạn là không đáng ưa, Thiên Ma lại hỏi Ngài dùng cách gì để diệt các loại mạn đó, đức Phật bảo: “Có Từ, Bi, Hỉ, Xả, Không, Vô nguyện, Vô tướng tam muội. Do Từ tam muội được Bi tam muội, do Bi tam muội được Hỉ tam muội, do Hỉ tam muội được Xả tam muội. Do Không tam muội được Vô nguyện tam muội, do Vô nguyện tam muội được Vô tướng tam muội”, tại sao?
- Từ tam muội: Là có tâm định tĩnh trong khi cho chúng sinh vui.
- Bi tam muội: Là có tâm định tĩnh trong khi thương yêu cứu giúp chúng sinh.
- Hỉ tam muội: Là có tâm định tĩnh trong khi vui theo cái vui của chúng sinh.
- Xả tam muội: Bỏ qua, không nhớ việc đã giúp chúng sinh trong định tĩnh.
- Không tam muội: Tâm trống rỗng trong định tĩnh chẳng có một sự vật gì.
- Vô Nguyện tam muội: Không có một ước mong trong tâm định tĩnh.
- Vô Tướng tam muội: Không có một hình dáng trong tâm định tĩnh.
Tam muội có nghĩa là định tĩnh, không có một sự nhớ tưởng, suy nghĩ nào khác lọt vào tâm, cũng như chiếc gương sạch trong, không mờ, không có một hạt bụi nên có bất cứ hình ảnh to nhỏ nào trước gương đều thấy rõ ràng. Ví như: nước sạch trong hồ không gió, lặng sóng trong vắt, nên có thể nhìn thấy bất cứ vật gì dưới đáy hồ.
1- Do Từ tam muội được Bi tam muội là sao?
Là do muốn cho chúng sinh vui (Từ) nên hết lòng thương yêu cứu khổ (Bi), đó là do Từ tam muội được Bi tam muội.
2- Do Bi tam muội được Hỉ tam muội là sao?
Là do chúng sinh được thương yêu cứu khổ (Bi), chúng sinh được vui nên vui theo (Hỉ), đó là do Bi tam muội được Hỉ tam muội.
3- Do Hỉ tam muội được Xả tam muội là sao? Là do vui theo chúng sinh nên vui theo (Hỉ), nhưng rồi cũng quên luôn vì đã làm mà hình như không làm (Xả), tâm luôn luôn thanh tịnh không dính mắc một việc gì, đó là do Hỉ tam muội được Xả tam muội.
4- Do Không tam muội được Vô Nguyện tam muội là sao?
Là do tâm trống rỗng trong sáng (Không) nên không có một ước vọng nào trong tâm (Vô Nguyện), đó là do Không tam muội được Vô Nguyện tam muội.
5- Do Vô Nguyện tam muội được Vô Tướng tam muội là sao?
Là do không có ước vọng (Vô Nguyện) nên không có một hình bóng nào trong tâm (Vô Tướng), đó là Vô Nguyện tam muội được Vô Tướng tam muội.
Tuy nhiên không phải là không ngơ chẳng có gì, mà diệu hữu, nghĩa là không mà là có, Như khi có vật xuất hiện, hính bóng sẽ hiện trong chiếc gương trong sạch, như nhìn rõ vật dưới đáy hồ nước trong không gợn sóng. --- :: ---
Tại sao đức Phật nói câu: “Do sức tam muội này chiến đấu với Ông”?
Vì do sức tam muội, trong Đại định rải tâm Từ Bi Hỉ Xả, Không Vô Nguyện Vô Tướng tam muội ấy, Ma chẳng thể làm gì được, chẳng thể chen vào phá hại Ngài vậy.
3) MA VƯƠNG HÀNG PHỤC:
Ta nói tiếp:
“- Hành tận ắt khổ tận, khổ tận ắt kết tận, kết tận ắt Niết Bàn”.
Thiên Ma hỏi:
“- Có thể dùng pháp (sự việc) diệt pháp chăng?
Ta trả lời:
“- Có thể dùng pháp diệt pháp được.”
Tệ Ma lại hỏi:
“- Thế nào là dùng pháp diệt pháp?”
Ta giải thích:
“- Dùng chính kiến diệt tà kiến, dùng tà kiến diệt chính kiến; đối với chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạn, chính tinh tấn, chính niệm, chính định cũng như thế, lấy chính diệt tà, lấy tà diệt chính. Đó là dùng pháp diệt pháp”
Thiên Ma nói:
“- Sa Môn hôm nay tuy có những lời như thế, ở chỗ này khó khắc phục, Ông mau đứng dậy, đừng để ta nắm chân ném ra biển”.
Ta lại bảo Ma Vương:
“- Xưa kia Ta tạo công đức vô kể, còn Ông chỉ tạo phúc có một lần được làm Ma Vương cõi Trời Dục giới nên lời của Ông khó thực hiện được”.
Thiên Ma Ba Tuần đáp:
“- Ông tự xưng đã tạo vô số phúc đức, đó chỉ mình Ông biết, ai có thể chứng cho Ông?”
Lúc ấy, đang ngồi, Ta duỗi bàn tay phải thẳng xuống đất, đồng thời bảo Ma Vương:
“- Công đức Ta đã tạo, Địa Thần cũng biết”.
Ta nói dứt lời, Địa Thần từ đất vọt lên chắp tay thưa:
“- Bạch Ngài, con chứng biết công đức của Ngài”.
Địa Thần vừa nói xong, Ma Vương Ba Tuần buồn rầu khổ não, liền biến mất cùng với bốn binh chúng Ma.
LỜI BÀN:
Đức Phật nói: “Hành tận ắt Khổ tận, Khổ tận ắt Kết tận, Kết tận ắt Niết Bàn” là sao? Chúng ta thử phân tích:
- Hành tận: Là khi không còn tác ý, không có ý muốn, khi không suy nghĩ.
- Kết tận: Không bị ràng buộc dính mắc bởi một suy nghĩ nào nữa.
- Niết Bàn: Do chữ Nibbana Nam Phạn (Pali) và chữ Nirvana Bắc Phạn (Sanscrit), Chữ Ni là không, chữ Vana là dệt, ái dục. Niết Bàn là không dệt, diệt ái dục, tuyệt định tĩnh, tuyệt huệ, giải thoát v.v...
1- Hành tận ắt khổ tận là sao?
Là khi tiêu trừ hết các ý muốn, không còn ý niệm tạo tác suy nghĩ các việc ác nữa, không còn khởi sinh các việc điên đảo (Hành tận) như việc được mất, vinh nhục, hay dở, đúng sai, phải trái nữa thì làm gì còn tranh giành, sẽ hết khổ (Khổ tận).
2- Khổ tận ắt kết tận là sao?
Là khi hết buồn khổ rồi (Khổ tận) thì làm gì còn bị sự nọ sự kia dính mắc trói buộc (Kết tận).
3- Kết tận ắt Niết Bàn là sao?
Do không bị dính mắc ràng buộc (Kết tận) nên được giải thoát mọi sự (Niết Bàn).
Khi Ma Vương hỏi đức Phật “Có dùng pháp diệt pháp đước không?”, Ngài giảng cho Thiên Ma rằng có thể dùng pháp diệt pháp: “Dùng chính diệt tà, dùng chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạn, chính tinh tấn, chính niệm, chính định, để diệt tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạn, tà tinh tấn, tà niệm, tà định”. Chúng ta nên phân biệt sự khác biệt giữa chính và tà như sau:
1- Dùng chính kiến diệt tà kiến là sao?
Là thấy đúng sự thật (Chính kiến) để diệt trừ sự thấy sai thiên lệch (Tà kiến) do ái dục chấp chặt sinh ra.
2- Dùng chính tư duy diệt tà tư duy là sao?
Là suy nghĩ về lẽ phải (Chính tư duy) để diệt trừ ý nghĩ sai (Tà tư duy) do tham sân thúc đẩy.
3- Dùng chính ngữ diệt tà ngữ là sao?
Là: lời nói thật thà ngay thẳng công bình (Chính ngữ) để diệt trừ lời nói sai sự thật, nói dối, nói xuyên tạc, nói thêu dệt, nói ác (Tà ngữ).
4- Dùng chính nghiệp diệt tà nghiệp là sao?
Là hành động chân chính đúng với chân lý lẽ phải (Chính nghiệp) để diệt trừ những hành động sai quấy đưa đến khổ đau cho chúng sinh (Tà nghiệp).
5- Dùng chính mạn diệt tà mạn là sao?
Là vui với những gì mình thật có được người khen ngợi (Chính mạn) để diệt trừ sự khoe khoang tự kiêu của mình (Tà mạn).
6- Dùng chính tinh tấn diệt tà tinh tấn là sao?
Là siêng năng chuyên cần (Tinh tấn) trong việc lấy chính diệt tà, tránh sự giả bộ siêng năng chăm chỉ trong nhất thời (Tà tinh tấn).
7- Dùng chính niệm diệt tà niệm là sao?
Là nhớ nghĩ điều hay lẽ phải lợi người (Chính niệm) để diệt trừ những nhớ nghĩ phá người hại người (Tà niệm), v.v...
8- Dùng chính định diệt tà định là sao?
Là tập trung tâm ý, tư tưởng vào một mục tiêu như ly dục lìa ác, kiên cố nhiếp trì, nhất tâm thiền định (Chính định) để diệt trừ sự tập trung tinh thần vào các việc ác hại người (Tà định), v.v...
Mặc dù đức Phật đã nói những lý lẽ phải, Ma Vương không thể tranh cãi được, nhưng vẫn cố dùng lời đe dọa, hòng lung lạc tâm Phật. Lúc đó, Ngài cho Ma Vương biết rằng Ngài đã tạo công đức vô lượng, trong vô số kiếp, còn Ma chỉ mới tạo được một lần phước đức mà được làm Thiên Ma Vương, nên lời đe dọa không thể thực hiện được. Rồi Ngài dùng bàn tay phải duỗi chỉ xuống đất, thì Địa Thần hiện lên làm chứng cho lời nói của Ngài là đúng. Do đó Ma Vương thất bại, buồn thảm rút lui biến mất.
4)- CHÍNH PHÁP CÒN PHẢI BỎ HUỐNG CHI TÀ PHÁP:
Bấy giời đức Phật bảo các Tỳ Kheo:
- Này các Tỳ Kheo, nếu các thầy đi đường bị bắt giữ, nên nhiếp tâm ý, đừng khởi niệm ác. Giữ tâm như đất, đất nhận vật sạch cũng nhận vật dơ, phân tiểu dơ uế xấu xa đều nhận hết. Song đất chẳng khởi tâm, chẳng khởi tăng giảm, không nói rằng: “Đây là xấu, kia là tốt”. Ví thử: bị bắt giữ giam cầm, chớ suy nghĩ ác, chớ khởi tâm hơn thua, như đất, nước, gió, lửa, xấu tốt đều nhận không tăng giảm; khởi tâm Từ Bi Hỉ Xả đối với tất cả chúng sanh, tại sao? Vì thiện pháp còn phải bỏ, huống là ác pháp.
Ví như người có sự sợ hãi, đang khi muốn trốn gặp con sông sâu rộng, cũng không có thuyền bè qua lại để có thể sang bờ bên kia. Chỗ đứng bờ bên này rất nguy hiểm đáng sợ, bờ bên kia an toàn. Bấy giờ người ấy suy nghĩ tính toán: “Không có thuyền bè qua lại, ta không thể bơi qua con sông lớn như thế này, ta nên thu nhặt cây cối cỏ lá kết buộc lại thành bè để qua sông”. Bấy giờ người ấy liền thực hiện và từ bờ này sang được bờ kia.
Khi người ấy đã qua bờ bên kia rồi, lại nghĩ: “Cái bè này có nhiều lợi ích cho ta, do bè ta đã thoát khổ nạn, nay ta không nên bỏ bè, đi đâu ta cũng mang theo”.
Thế nào, người ấy có thể vác bè theo hay không nên?
- Bạch Thế Tôn, không nên. Nguyện vọng của người ấy đã xong, không nên vác theo làm gì.
Đức Phật bảo:
- Đó là pháp thiện còn phải bỏ, huống là pháp ác.
Đức Phật nói tiếp:
- Nghĩa là ngay nơi mạn diệt mạn, mạn đã diệt tận, không còn một niệm tưởng não loạn, ví như da con chồn thuộc kỹ, thuộc cho thật mềm mại, khi cuộn lại không còn tiếng kêu sột soạt, không còn chỗ cứng cộm nữa, Tỳ Kheo chấm dứt kiêu mạn cũng như thế.
Bởi thế cho nên Ta bảo: Ví thử bị giặc bắt giam cầm, chớ khởi tâm ác, nên đem lòng Từ ban khắp, bèn được chỗ Vô Vi lâu dài.
LỜI BÀN:
Đức Phật dạy: chúng ta phải có tâm nhu nhuyễn, không bực tức hận thù khi bị bắt bớ giam cầm. Đi xa hơn nữa trong bất cứ hoàn cảnh nào khi gặp những điều không tốt cho ta, cũng không nên tức giận thù hằn, mà sẵn sàng chấp nhận mọi sự, giũ tâm như đất nước gió lửa, vì đất nước gió lửa gặp vật gì cũng thu nhận hết, dù vật nặng nhẹ, đẹp xấu, to nhỏ, sạch dơ, có giá trị không giá trị v.v... đất nước gió lửa đều dung nạp hết, không nói thích hay chẳng thích, không nói yêu hay ghét, đó là có tâm không chấp mọi sự, có tâm bình đẳng. Đức Phật dạy không những khi gặp điều bất hạnh không khởi tâm ác, mà còn phải rải tâm Từ Bi Hỉ Xả, chấm dứt kiêu mạn nữa như đã giải thích ở phần trên, như vậy sẽ được lợi ích về lâu về dài, nhất là trên đường giải thoát.
Đức Phật dùng thí dụ “cái bè”, khi qua sông rồi phải bỏ đi, dù nó hữu ích đã giúp người bị nạn sợ hãi qua sông thoát khổ; đối với giáo pháp dù hay cũng chỉ là phương tiện giống như cái bè cho người học đạo, không nên chấp chặt. Thi dụ trong việc làm lành làm ác, làm lành là chính, làm ác là tà, nhưng nếu khi ta làm lành mà cứ để tâm dính mắc vào đó, thì sự dính mắc này sẽ cản trở trong việc đạt đạo; nếu cứ để tâm dính mắc vào việc làm thiện mà không lo tu hành thì không thể giải thoát, thành ra đức Phật bảo: “Chính pháp còn phải diệt, huống là tà pháp”, là vậy.
Toàn Không
(CÙNG TÁC GỈA)