- Lời Giới Thiệu của Đức Đạt-Lai Lạt- Ma thứ 14
- Lời Mở Đầu của Bhikkhu Bodhi
- Lời Giới Thiệu của Người Dịch
- Giới Thiệu Tổng Quát
- I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
- II. NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG
- III. TIẾP CẬN GIÁO PHÁP
- IV. HẠNH PHÚC THẤY RÕ NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI
- V. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SINH TỐT ĐẸP
- VI. TẦM NHÌN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
- VII. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
- VIII. TU TẬP TÂM
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP TUYỂN LỜI PHẬT DẠY
TỪ KINH TẠNG PALI
In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2015
VIII
TU TẬP TÂM
7. SÁU TÙY NIỆM
Một thời Thế Tôn trú tại Ka-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu ) ở Tu viện cây Banyan . Rồi người họ Thích Mahānāma đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn (22):
- Bạch Thế Tôn, khi một vị thánh đệ tử đã đắc quả và hiểu rõ giáo pháp, vị ấy thường an trú như thế nào ? ” (23)
- Này Mahānāma, khi một vị thánh đệ tử đã đắc quả và hiểu rõ giáo pháp, vị ấy thường an trú như thế này. Ở đây, vị thánh đệ tử tùy niệm Như Lai như vầy: ‘ Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn ”. Khi một vị thánh đệ tử niệm Như Lai như thế, vào lúc đó, tâm của vị ấy không bị ám ảnh bởi tham dục, sân hận và si mê; tâm vị ấy chánh trực, hướng đến đối tượng là Như Lai. Và một vị thánh đệ tử với tâm chánh trực sẽ đạt được cảm hứng về ý nghĩa Giáo pháp, đạt được hoan hỷ liên quan đến Giáo pháp. Khi vị ấy hân hoan thì hỷ sinh khởi; với người được hoan hỷ , thân vị ấy được nhẹ nhàng an tịnh, khi thân an tịnh nhẹ nhàng vị ấy cảm thấy hạnh phúc, với người hạnh phúc tâm sẽ được định tĩnh. Đây gọi là một vị thánh đệ tử sống an bình giữa đám đông không an bình, vị đã sống không phiền não giữa đám đông phiền não, vị ấy đã nhập vào dòng Pháp và tu tập niệm Phật.
Lại nữa, này Mahānāma, vị thánh đệ tử niệm Pháp như vầy: ‘ Pháp được Thế Tôn khéo giảng, trực tiếp rõ ràng, tức thời, mời người đến để thấy, xứng đáng được áp dụng, được người trí tự mình chứng nghiệm.’ Khi một vị thánh đệ tử niệm Pháp như thế, vào lúc đó, tâm của vị ấy không bị ám ảnh bởi tham dục, sân hận và si mê; tâm vị ấy chánh trực, hướng đến đối tượng là Pháp. Đây gọi là một vị thánh đệ tử sống an bình giữa đám đông không an bình, vị đã sống không phiền não giữa đám đông phiền não, vị ấy đã nhập vào dòng Pháp và tu tập niệm Pháp.
Lại nữa, này Mahānāma, vị thánh đệ tử niệm Tăng như vầy: ‘ Tăng đoàn đệ tử của Thế Tôn đang tu tập diệu hạnh, tu tập trực hạnh, tu tập con đường chơn chánh, tu tập con đường đúng đắn; đó là bốn đôi tám vị - Tăng đoàn đệ tử của Thế Tôn xứng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được đảnh lễ, là ruộng phước vô thượng ở đời. ’ Khi một vị thánh đệ tử niệm Tăng như thế, vào lúc đó, tâm của vị ấy không bị ám ảnh bởi tham dục, sân hận và si mê; tâm vị ấy chánh trực, hướng đến đối tượng là chúng Tăng… Đây gọi là một vị thánh đệ tử sống an bình giữa đám đông không an bình, vị đã sống không phiền não giữa đám đông phiền não, vị ấy đã nhập vào dòng Pháp và tu tập niệm Tăng.
Lại nữa, này Mahānāma, vị thánh đệ tử niệm Giới của chính mình như vầy: ‘ Ta giữ những giới luật thiết thân với các bậc thánh, không bị gãy vụn, không bị sứt mẻ, không bị lấm lem, không có uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí ca ngợi, không chấp thủ, đưa đến thiền định.’ Khi vị thánh đệ tử niệm Giới của chính mình như vậy, vào lúc đó, tâm của vị ấy không bị ám ảnh bởi tham dục, sân hận và si mê; tâm vị ấy chánh trực, hướng đến đối tượng là Giới đức… Đây gọi là một vị thánh đệ tử sống an bình giữa đám đông không an bình, vị đã sống không phiền não giữa đám đông phiền não, vị ấy đã nhập vào dòng Pháp và tu tập niệm Giới.
Lại nữa, này Mahānāma, vị thánh đệ tử niệm về hạnh Bố Thí của chính mình như vầy : ‘Thật là điều lợi cho ta, thật rất lợi lạc cho ta, rằng trong đám quần chúng bị tâm tham lam keo kiệt chi phối, ta sống trong gia đình với tâm không bị tham lam keo kiệt chi phối, ta bố thí rộng rãi, mở rộng bàn tay, thích thú với việc từ bỏ của cải, tận hiến cho việc từ thiện, thích thú trong việc cho đi và chia sẻ.’ Khi vị thánh đệ tử niệm về hạnh Bố Thí của chính mình như vậy, vào lúc đó, tâm của vị ấy không bị ám ảnh bởi tham dục, sân hận và si mê; tâm vị ấy chánh trực, hướng đến đối tượng là Bố Thí… Đây gọi là một vị thánh đệ tử sống an bình giữa đám đông không an bình, vị đã sống không phiền não giữa đám đông phiền não, vị ấy đã nhập vào dòng Pháp và tu tập niệm Thí .
Lại nữa, này Mahānāma, vị thánh đệ tử tu tập niệm Thiên như vầy: ‘ Có chư thiên trong nhiều cõi trời khác nhau.(24) Trong ta cũng có đức tin, giới đức, học hỏi giáo pháp, bố thí và trí tuệ giống như những đức hạnh mà chư thiên đã sở hữu, và bởi nhân duyên ấy, khi chư thiên mạng chung ở cõi đời này, họ sẽ tái sinh ở chỗ kia.’ Khi vị thánh đệ tử tu tập niệm về đức tin của chính mình, giới đức, học hỏi giáo pháp, bố thí và trí tuệ, cũng như những đức hạnh của chư thiên, vào lúc đó, tâm của vị ấy không bị ám ảnh bởi tham dục, sân hận và si mê; tâm vị ấy chánh trực, hướng đến đối tượng là chư Thiên… Đây gọi là một vị thánh đệ tử sống an bình giữa đám đông không an bình, vị đã sống không phiền não giữa đám đông phiền não, vị ấy đã nhập vào dòng Pháp và tu tập niệm Thiên.
Này Mahānāma, một vị thánh đệ tử đã đắc quả và hiểu rõ giáo pháp, vị ấy thường an trú như vậy.”
( Tăng Chi BKIII, Ch. Sáu Pháp-> (X) Mahānāma , tr 16-21 )