Có và không

29/12/20209:09 SA(Xem: 8558)
Có và không

CÓ VÀ KHÔNG
Thích Như Điển
Có và Không - Thích Như Điển

LỜI GIỚI THIỆU

 (Nhân lần tái bản năm 2020)


Tác phẩm này đã được xuất bản lần đầu vào năm 2000 tại Đức quốc. Đây là một đề tài sâu sắc về sự hiện hữunhận thức của con người đối với vũ trụ, thường được nhắc đến không chỉ trong giáo lý Phật-đà, mà còn trong cả mọi nền tư tưởngtriết học, văn học Đông, Tây. Tựu trung ai trong chúng ta cũng từng được nghe, đọc và chiêm nghiệm về đề tài này hằng ngày, nhưng có mấy ai trực nhận được chân tướng? Qua tác phẩm này, tác giả đã đề cập đến một số ý niệm về Có và Không qua những biểu hiện đơn giản ngay trong cuộc sống. Từ những chiêm nghiệm ý nghĩa “có, không” trong tình yêu lứa đôi, tình yêu đất nước, trong hạnh phúc và khổ đau… cho đến quan niệm về “có, không” trong tư tưởng Bát-nhã, trong Trung Quán Luận.

Trong Lời vào sách, tác giả viết:

“Tôi chọn đề tài “CÓ và KHÔNG” để viết lên tác phẩm thứ 29 này cũng có nhiều lý do, nhưng lý do chính vẫn là để cho mọi người hiểu rõ lý vô thường, sanh sanh diệt diệt của vạn hữucố gắng tu hành, cũng như nhận chân ra được đâu là chơn đế và đâu là thế đế, đâu là khổ đau và đâu là an vui tịch diệt v.v... Một tác phẩm mà muốn cho mọi người hiểu hết lý nhân duyên của cuộc đờivạn hữu thì thật là khó, nhưng mỗi tác phẩm chỉ đóng góp một vài khía cạnh để hội tụ đủ mọi nhân duyên thì tôi cũng mong rằng đây là một tác phẩm nhỏ để góp phần vào những cái siêu việt của vũ trụ qua nhãn quan Phật giáo mà thôi.”

Thiết tưởng, đó cũng là tâm niệm của tác giả khi bỏ công dịch bài kệ của Thiền sư Đạo Hạnh (1072-1127) đời Lý:

有空

作 有 塵 沙 有,
為 空 一 切 空。
有 空 如 水 月,
勿 著 有 空 空。

Hữu Không

Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.

Dịch nghĩa:

Bảo là “có”, thì nhỏ như hạt bụi cũng có,
Bảo là “không”, thì cả thế gian đều không
“Có” và “không” như trăng và nước,
Đừng cho rằng “có và không” là không có.

Đây là bài kệ được rất nhiều người đã dịch ra tiếng Việt. Ví dụ như bản dịch thơ của cụ Phan Kế Bính dưới đây:

Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Thử xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có, có không là gì?

Dịch thơ như vậy đã là quá hay, không thể chê vào đâu được. Nhưng vẫn chưa diễn đạt được ý của thiền sư trong lời nhắn gửi hết sức sâu xa ở câu cuối cùng: “Vật trước hữu không không.” Với bản dịch bài kệ trên bằng thể thơ lục bát Việt Nam, Hòa thượng Như Điển đã làm được điều đó:

Có không

Làm sao có được vi trần,
Có kia cũng chỉ một phần trần sa.
Không kia, không cả Ta-bà,
Mọi nơi, mọi cảnh đều là Chân Không.
Có Không ta chẳng nặng lòng,
Trăng kia, nước nọ cuối dòng cũng không.
Chớ nên dính mắc vào trong,
Có không, không có, đâu vòng tử sinh?

Nhận thức được ý nghĩa chân thật của “có và không” nhưng không “dính mắc”, không “nặng lòng” vì bản thể “có, không” của vạn pháp. Đó chính là điều thi kệ này muốn nói cùng chúng ta.

Viên Giác Tùng Thư xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Có và Không” của Hòa Thượng Thích Như Điển đến với quý độc giả gần xa.

Đức quốc, tháng 8 năm 2020
VIÊN GIÁC TÙNG THƯ

 

LỜI VÀO SÁCH
__________________________________________________
Tác phẩm thứ 29 này được bắt đầu viết vào lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 7 tháng 6 năm 2000, nhằm ngày mồng 6 tháng 5 năm Canh Thìn. Hôm nay trời không đẹp lắm, vì có nhiều cụm mây đen đang phủ kín đó đây phía bên ngoài. Tuy nhiên sau thời công phu khuya như thường lệ cùng với Đại chúng đã ngồi thiền và trì tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm xong, tôi cảm thấy như mình có một sức gia trì mãnh liệt nơi chư Phật và chư vị Bồ Tát; nên sau khi trở lại thư phòng, liền pha trà để uống và bắt đầu viết tác phẩm này.

Tác phẩm này được viết xong ngày nào, tôi chưa rõ; nhưng bao giờ cũng thế, tôi cố gắng hoàn thành trong mùa an cư kiết hạ. Vì lẽ những ngày tháng còn lại trong năm khó mà hoàn chỉnh được một tác phẩm. Nhìn lịch thì thấy mùa an cư đã trôi qua 20 ngày rồi. Nghĩa là tôi chỉ còn lại 70 ngày nữa thôi và trong 70 ngày đó cũng còn lắm công chuyện để phải giải quyết nữa. Mỗi ngày trung bình nếu viết được từ 1 đến 3 tiếng đồng hồ và mỗi tiếng viết tay chừng 4 đến 5 trang thì số lượng không ít cho một quyển sách. Có nhiều vị bảo rằng tôi nên dồn hết tâm lực để viết một tác phẩm thật có giá trị để lại cho đời, nhưng trong khả năng giới hạn của mình và hoàn cảnh cho phép, tôi chỉ làm những gì trong khuôn khổ có được mà thôi. Những tác phẩmtính cách nghiên cứu sâu sắc hơn, có lẽ phải dành cho thời gian sau này khi tôi có thì giờ nhập thất, không bận bịu với mọi chuyện bên ngoài. Còn bây giờ thật khó có được một cơ hội như thế.

Ai trong chúng ta khi đã cưu mang một đứa con tinh thần mà không mong được mọi người đón nhận một cách nồng nhiệt? Nhưng kết quả của một tác phẩm có nhiều cách nhận xét khác nhau tùy người đọc sách thuộc thành phần nào, khó mà kết luận được. Mỗi năm có những tạp chí, tổ chức ở Mỹ, Đức, Pháp v.v... đều tổ chức bình chọn những tác phẩm văn học hay và những tác phẩm bán chạy nhất. Đó cũng là kết quả của một việc làm đáng hoan nghênh, nhưng văn chương thì luôn luôn có chỗ đứng của nó. Ngoài ra, ngôn ngữ của Phật giáo mang vào đời không phải dễ, nhất là chuyển đạt những tư tưởng về tánh không, trung đạo đến với mọi người, không phải là chuyện dễ thực hiện. Tuy nhiên, cũng có một vài cảm tưởng vui vui khi nghe thiên hạ trích một câu nào đó trong tác phẩm của mình để bình chú, hoặc giả có nhiều bài thơ được nhiều người học thuộc lòng để ngâm vịnh. Như thế, ít ra cũng có một cái gì đó còn sót lại nơi tâm khảm của mọi người. Có thể nói đó là một chút thành công của người viết rồi.

Mới đây có nhiều người gọi điện thoại về chùa bảo rằng: “Con thấy Thầy trên truyền hình đang ngoắc con đó.” Tôi giựt mình hỏi lại: “Trong bối cảnh nào?” Đáp: “Lúc khai mạc Hội Chợ Thế Giới EXPO tại Hannover.” Đây là kết quả của truyền thông, của tin học. Tin tức đến với mọi người thật nhanh và những nhà làm phim làm báo không để lỡ một cơ hội nào để truyền đạt đến với mọi người, kể cả hai phương diện hay và dở. Hôm đó, có lẽ là ngày 31.5.2000, chúng tôi đã đi tham dự lễ khai mạc và khánh thành chùa Bhutan tại khu Messegelände. Ngồi hàng đầu danh dự có 6 vị từ trái kể qua như sau: Vị Đại Sư người Bhutan, Viện Chủ một tu viện lớn tại Paris, Ông Đại Sứ Bhutan tại Thụy Sĩ. Kế đó là ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Bhutan. Bên trái ông là ông Bergmann, Đại diện cho tổ chức EXPO; tiếp theo là tôi và bên trái tôi là vị Chủ Tịch các Hiệp Hội giúp đỡ cho các nước đến tham dự EXPO. Đây là một sự hãnh diện mà cũng là niềm tự hào của Dân Tộc và Đạo Pháp Việt Nam. Tuy chúng ta đang sống tỵ nạn tại xứ người; nhưng với lòng từ bi với giáo lý vị tha của Đức Phật, đem ra đối đãi với tha nhân, nên kết quả là thế đó.

Kế đó vào tối ngày 06.6.2000, tại chánh điện chùa Viên Giác có vị Đại Sư Khenpo Chödrak Rinpoche là Thầy của Ngài Karmapa ở Ấn Độ giảng Bát-nhã cho người Đức nghe. Có nhiều người đến gần tôi nói bằng tiếng Hoa, tiếng Đức và tiếng Anh rằng: “Tôi đã thấy Thầy trên báo Hannoversche Allgemeine vào ngày 3.6.2000, lần này rõ lắm và đặc biệt lắm...” Nguyên là có một nữ ký giả người Đức tại Hannover muốn biết rõ về Phật giáo và cách tọa thiền như thế nào, cũng như đời sống của một Tăng Sĩ ra sao. Do vậy mà tôi đã trả lời tỉ mỉ cho bà ta và bà ta đã viết rất hay; đồng thời cũng có phỏng vấn Giáo sư Baummann đang dạy tại Đại học Bremen cũng như Hannover và một vài vị Phật Tử khác nữa. Lần này nhân EXPO và ngày cuối tuần, mà báo Hannoversche Allgemeine đã đăng cả 3 trang lớn A3 như thế, chắc có ít nhất cũng trên vài trăm ngàn người đọc. Họ đọc để hiểu và để biết ít nhiều về Phật giáo. Do vậy mà một người Đức đã đến tham dự khóa giảng kinh Bát-nhã bằng tiếng Tây Tạng dịch ra tiếng Đức do Ngài Rinpoche, đã bảo với tôi rằng: “Càng ngày người ta càng biết đến chùa nhiều hơn.”

Đúng thật vậy, thêm vào đó có tờ Ursache und Mitwirkung xuất bản vào tháng 5 năm 2000 tại Áo, một quốc giaPhật giáo được công nhận là một tôn giáo (offenliches Recht) như những tôn giáo khác từ năm 1982 và mới đây tại Ý vào tháng 3 năm 2000, Phật giáo cũng đã được công nhận như vậy. Giáo sư Riedl sinh trưởng tại Hannover trước Đệ nhị thế chiến, sau đó di cư sang Áo và dạy học ở Đại Học cũng như làm Chủ Nhiệm tờ báo này, đã về lại thăm quê hương cũ và không ngần ngại cho đi một tựa đề lớn trên tờ báo này là: “Hannover, thành phố của Chùa Viện”. Mà thật thế, ngoài chùa Viên Giác ra, tại đây còn chùa Bhutan, chùa Népal, chùa Thái Lan, chùa Lào, chùa Cam Bốt, chùa Tích Lan v.v... Nhưng sau tháng 10 năm 2000 thì các chùa này phải thiên di đi nơi khác, trả lại khoảng trống không gian này cho Messegelände của Hannover để làm những triển lãm khác trong tương lai. Cuộc sống là thế, luôn luôn đổi thay, đâu có gì tồn tại mãi với thời gian, ngoại trừ chân lý!

Trong số báo tháng 5 năm 2000 này, Giáo sư Riedl cũng đã phỏng vấn tôi và với tựa đề đăng trên báo như sau: “Không là thời trang, mà là một chất liệu dưỡng sinh” (nicht Mode, sondern Medikament). Đúng vậy, người Âu Mỹ tin theo Đạo Phật, hay tìm đến với Đạo Phật vì nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là giải quyết những nội kết chất chồng trong con người của họ. Ví dụ như chuyện gia đình, chuyện xã hội, chuyện tâm lý v.v... Do vậy mà họ nghĩ rằng Thiền học sẽ giúp họ lấy lại thế quân bình, nên họ đã theo Đạo Phật. Từ đó có nhiều vị thiền sư đến từ Á Châu đã chiều theo thị hiếu này mà bày ra những phương pháp thiền mới, để giúp người Tây phương thoát hiểm. Hiển nhiên là tốt rồi, nhưng Đạo Phật không dừng ở đó. Điều căn bản của người theo Phật giáo là phải thoát ly sanh tử luân hồi, phải ra ngoài sự đối đãi của tam giới, chứ không phải chỉ xoa dịu, gỡ rối nội kết là đủ. Nếu ai dừng lại ở đó thì chơn lý của Đạo Phật còn xa lắm mới hiểu nổi.

Ngày nay tại Đức này nói riêng, tại Âu Châu hoặc Mỹ Châu nói chung, hiểu Đạo Phật như thế và hiểu Tăng Già trong ấy gồm có cả cư sĩ Phật Tử tại gia nên đã có lắm người miệng thì nói xuất gia, nhưng tâm và thân vẫn còn ở tại gia. Cũng trong tờ Ursache & Mitwirkung này đã tường thuật về một cộng đồng Tăng sĩ của Áo sống chung giữa nam và nữ với một đời sống dễ dãi như vậy. Thích thì đọc kinh, ăn uống và không thích thì tạo nên sự ái nhiễm giữa nam nữcuối cùng thì sinh con đẻ cái, để trên mình họ vẫn còn tưởng tượng họ vẫn là một người tu. Một người tu phải là một người độc thânsống không gia đình (Hauslosigkeit). Nếu vẫn còn gia đình và sống một đời sống không dứt trừ ái nhiễm thì không thể gọi là Tăng sĩ được.

Đức Phật đã chia ra đệ tử của Ngài thành hai hạng: Một là xuất gia, sống không có gia đình, thực hiện giới luật trang nghiêm, do vậy người tại gia mới có nơi chốn tin tưởngquy yđảnh lễ. Còn người tại gia thì có gia đình, có nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo. Không thể có một đoàn thể lẫn lộn giữa người xuất giatại gia được. Trường hợp những Tăng sĩ Nhật Bản lại khác. Trước đây họ vẫn có đời sống độc thân, nhưng kể từ năm 1868 khi vua Minh Trị (Meiji) duy tân đất nước Nhật Bản, họ bị bắt buộc phải sống như thế, và khuynh hướng có gia đình này cho đến ngày hôm nay vẫn không giảm mà lúc nào cũng tăng lên và kết cuộc là chùa viện chỉ để cha truyền con nối mà thôi.

Tôi cũng chẳng biết là Đạo Phật của Âu Châu rồi đây sẽ ra sao, nhất là sau khi các vị khai sáng ra nền đạo tại đây quá vãng. Nếu không có những giới luật buộc ràng và không có những vị Thầy theo truyền thống cũ, thì một mai đây, Đạo Phật sẽ biến thể như thế nào? Đành rằng Phật giáo phải thích nghi với phong tục, tập quán và nhất là thời đại, nhưng kết quả cuối cùng của sự đổi mới thì chẳng có. Vì lẽ nếu không có cái cũ thì sẽ không có cái mới được.

Ngày nay Phật giáo đã có mặt khắp năm châu bốn bể, đi đâu cũng được nghe tuyên dương giáo lý Phật-đà. Cho đến nay, dẫu có người khó tính mấy đi chăng nữa, vẫn chưa có ai chống đối một cách mãnh liệt. Vì họ biết rằng Phật giáo là một tôn giáolòng từ bi vô lượng, chối bỏ bạo lực và hận thù, lấy tình thươngtrí tuệ làm phương châm trong khi thực hành Đạo. Do vậy mà ai ai cũng mến chuộng. Có nhiều chính trị gia nổi tiếng; những tài tử, ca sĩ số một; những cầu thủ đá banh; những giáo sư, bác sĩ v.v... hầu như rất nhiều người đã, đang và sẽ hướng về Phật giáo một cách nhiệt tình. Bằng chứng là mỗi buổi giảng của những vị Đại Sư danh tiếng thì chánh điện và nhà giảng đều chật ních. Mà phải thành thật thừa nhận rằng tri thức của người Đức rất cao. Vì đa phần là dân chuyên nghiệp và dân tốt nghiệp Đại Học nghiên cứu về Phật học. Do vậy, ở những buổi lễ hội chúng ta cũng có thể quan sát tỏ tường hơn. Ví dụ, ở những dân tộc còn kém văn minh thì chú trọng về hình thức ăn uống. Còn người Đức họ ăn món ăn tinh thần nhiều hơn là những món ăn bình thường. Họ chỉ ăn bánh mì đen là chính. Còn tủ sách gia đình của họ về tôn giáo cũng khư khoa học kỹ thuật v.v... tốn rất nhiều tiền, nhưng họ không tiếc tiền khi mua một quyển sách giá trị. Trong khi đó, đa phần người Việt Nam chưa được như thế.

Người Việt chúng ta theo Đạo Phật cũng giống như một vài nước Á Châu khác, chỉ có tính cách truyền thống mà thôi. Vì lẽ cha mẹ, ông bà theo Đạo Phật nên con cháu cứ thế mà theo. Nhưng người Âu Mỹ thì khác, họ phải sáng tạo và có lòng tin vững chãi khi theo một tôn giáo đã chọn. Cũng có thể vì Phật giáo là một tôn giáo mới đối với họ. Khoảng 1.000 hay 2.000 năm sau nữa, Phật giáo tại Âu Mỹ này chắc cũng không khác gì Phật giáo tại Á Châu. Nhưng biết đâu lúc ấy sẽ xuất hiện một tôn giáo mới. Tôn giáo ấy sẽ phổ cập và nhanh hơn gấp năm, gấp mười lần hệ thống tin học ngày hôm nay nữa.



Kể từ năm 1984 đến nay, hơn 15 năm như thế, chúng tôi đã an cư kiết hạ tại chùa Viên Giác này và mỗi năm 3 tháng đều có lễ lạy kinh Ngũ Bách Danh, kinh Vạn Phật, kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bát Niết-bàn. Mỗi năm trung bình 15 đến 17 ngàn lạy và suốt trong vòng 15 năm ấy độ chừng 250.000 lạy mà cá nhân tôi cũng như Tăng chúngPhật Tử chùa Viên Giác đã hành trì. Đây là một công đức rất lớn, khó thể nghĩ bàn. Việc này đã đến tai nhiều người, trong đó có Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống. Mới đây, nhân việc cứu trợ nạn lụt miền Trung, Ngài có nói trong băng video tán dương công đức của chư TăngPhật Tử Việt Nam tại Đức đã hành trì pháp môn tu học cao cả phước đức như thế, ngay như ở quê nhà cũng ít ai hành trì được. Ngài cũng đã nói về một quyển sách nhan đề là “Sống và Chết” do tôi viết hiện đang ở thư phòng của Ngài và Ngài cũng đã bổ túc thêm cho những điều tế nhị sâu sắc, rằng Vua Khang Hy (có nơi nói Minh Thần Tông) vốn là một tăng sĩ của nước Việt chúng ta; nhưng sau đó tái sinh qua Trung Quốc làm vua, để rồi cuối đời của vị vua này đã than vãn với một bài thơ đại ý như sau:

“Thân của trẫm đây vốn là một tăng sĩ,
Sống và đến từ nước An Nam.
Tuy bên trên thân khoác áo cẩm bào,
Nhưng tâm thứcnội tâm luôn luôn khoác áo tăng sĩ.”

Cũng có lần nhà vua bảo rằng: “Cuộc sống của một vị vua không bằng nửa ngày an lạc của một người tu.” Điều ấy đúng. Bởi vì xưa nay đã có không biết bao nhiêu người bỏ ngôi vua để đi tu, chứ ít ai bỏ chuyện tu hành của mình để đi làm vua cả.

Đối với người không hiểu đạo thì tài, sắc, danh, thực, thùy là quan trọng, là đối tượng cần phải chiếm đoạt, chiến thắng. Đó không ngoài tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ v.v... Nhưng những loại như thế Đức Phật và chư vị Bồ Tát đã xa rời từ lâu và nhiều vị vua triều Lý như Lý Huệ Tông hay triều Trần như Trần Thái TôngTrần Nhân Tông của Việt Nam đã thể hiện được điều đó. Vua Khang Hy của Trung Quốc và có lẽ vua Chu Nguyên Chương sáng lập ra triều Minh cũng thế, đều xem ngai vàng quyền quý không bằng đời sống an lạc nửa ngày của một người tăng sĩ. Điều ấy rất đúng, không sai tí nào. Vì có nhiều ông vua đã nói và đã làm như vậy, nhưng đồng thời cũng có lắm người đang hì hục muốn bước vào con đường danh lợi. Quả thật là một vòng luẩn quẩn.

Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng thường nói: “Người ta không thể mua sự an lạc ngoài siêu thị.” Câu nói tuy đơn giản, có vẻ như khôi hài, nhưng ý vị thì rất thâm sâu. Muốn có được sự an lạc, chúng ta không thể trả bằng tiền. Nếu làm được thì các vua chúa đã làm rồi. Do vậy, là tăng sĩ hay cư sĩ, bất luận là ai cũng có thể tạo cho mình một sự yên tĩnh của tâm hồn, nếu mình muốn có. Điều ấy chẳng khó, nhưng cũng chẳng đơn giản chút nào. Nếu người có tâm thì mọi việc đều thành tựu. Còn người không hạ thủ công phu thì dầu sống lâu đi chăng nữa cũng vô tích sự đối với đời.

Tu là chỉnh sửa, gọt rửa, là cởi bỏ, là tự chiến đấu với chính mình, tự thoát ra khỏi ràng buộc thường tình của nhân thế. Đó là việc tự biết làm chủ mình và tự biết mình phải đối đầu với sanh tử, với khổ đau, với nội tâm như thế nào. Nếu người tu theo Phật giáo mà không hiểu được rốt ráo về những vấn đề này thì không hiểu gì về Đạo Phật - một chút an lạc cũng không có, đừng nói gì nửa ngày an lạc như vua Khang Hy đã nói bên trên.

Hòa Thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Quảng Độ, Thượng Tọa Tuệ Sỹ v.v... là những chiến sĩ áo nâu đã, đang và sẽ chiến đấu với bạo lực, với nhà tù, với tham vọng. Cái chết đối với quý Ngài không quan trọng. Họ chỉ sợ nhân sinh khổ sở nên đã hy sinh tánh mạng của mình, vào tù ra khám, mà tâm của những vị này vẫn an nhiên tự tại, giải thoát vô cùng. Vì họ đã liễu đạo. Còn những người dùng quyền uy để dọa nạt, dùng súng ống để hăm he, dùng tiền tài để uy hiếp v.v... chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ thành công. Vì lâu nay lẽ phảisức mạnh không nhất thiết phải nằm nơi người có ưu thế. Ví dụ như Thánh Gandhi, chỉ một mình với hai bàn tay không và một khối óc cho dân tộc Ấn Độcuối cùng Ngài đã giành lại độc lập từ thực dân Anh. Rồi đây Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng thế - với lòng từ bi và trí tuệ vô lượng ấy, với tâm an lạc của Ngài, sẽ chuyển động thế giớithời cuộc để rồi đất nước của người Tây Tạng phải trả lại cho người Tây Tạng. Chỉ đơn giản có thế thôi.

Tất cả trong chúng ta, ai ai cũng có cái xấu và cái tốt. Nếu chúng ta nhìn thật mặt mũi của cái xấu và gạn lọc trong thân tâm của mình thì cái xấu kia sẽ không còn hiện hữu nữa. Chúng tiêu dần như những bóng mây đen che mờ mặt trời hoặc mặt trăng vậy thôi. Trí tuệ chúng ta vốn có sẵn, nhưng bị vô minh, phiền não, chấp trước, tham đắm, ái nhiễm v.v... nên đã không còn cơ hội để tỉnh thức. Nếu mỗi người trong chúng ta đều can đảm nhận lãnh trách nhiệm soi sáng tự tâm ấy về phần mình thì chắc chắn thế giới này sẽ bớt đao binh và con người sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.

EXPO nguyên chữ bằng tiếng Pháp có nghĩa là triển lãm. Nói cho đủ là Exposition. Từ này được thông dụng khắp nơi trên thế giới. Từ ngày 1 tháng 6 đến 31 tháng 10 năm 2000, theo dự tính có khoảng 40 triệu người sẽ đến thăm Hội Chợ Triển Lãm này. Đây là hội chợ đầu tiên tại nước Đức kể từ khi có triển lãm thế giới gần 100 năm nay. Cứ 4 năm một lần và nhiều quốc gia đăng cai sẽ được tuyển ra một hoặc hai, như trường hợp Nhật và Hàn quốc trong 4 năm sau đó. Kỳ này tại Hannover có 155 nước tham dự và 18 đoàn thể độc lập cộng tác. Trên thế giới ngày nay có gần 200 quốc gia, mà đã có hơn hai phần ba tham gia Hội Chợ, như thế cũng đã thành công rồi. Vì lẽ nước Đức là nước giàu có, có thể bao thầu giúp đỡ cho các nước nghèo, nên nhiều nước nghèo mới có cơ hội đến tham gia hội chợ. Trong Halle 26 rộng mênh mông, cỡ mấy chiếc máy bay phản lực 747 đậu cũng còn thừa chỗ, chính phủ Đức đã tài trợ cho các nước Đông Nam Á Châu, mỗi nước một triệu Đức Mã, trong đó có Việt Nam. Nhưng so ra nước Việt Nam không sử dụng đồng tiền tài trợ ấy một cách xứng đáng như Lào và Cam Bốt là những nước nhỏ hơn mình.

Văn hóa của các nước Đông Nam Á Châu đều lấy Phật giáo làm tiêu biểu, trong khi đó Việt Nam vô hình trung đã lấy Nho giáo làm tiêu biểu, mặc dầu Phật giáo đã có mặt lâu đời hơn Nho giáo tại Việt Nam. Nơi hội chợ, Việt Nam trưng bày mô hình một tòa nhà Văn Miếu cổ ở Hà Nội. Đây là nơi thờ bia ghi danh những vị đã đậu Tiến Sĩ, chọn ra làm quan văn từ triều nhà Lý (1010-1222), nhưng triều đại này nếu khôngPhật giáo thì Việt Nam của chúng ta cũng sẽ không có độc lập từ phương Bắc và cũng chẳng có trường dạy học 3 tôn giáo chính, là Phật, Nho, Lão để quý vị tiến sĩ này thành đạt như vậy. Hà Nội đã chẳng đề cao một biểu tượng nào của Phật giáo cả. Có lẽ họ quên đi sự đóng góp tích cực của Phật giáo vào lúc bấy giờ chăng?

Ở giữa khu triển lãm của Việt Nam có mô hình cung điện Huế, tượng trưng cho thế quyền đời nhà Nguyễn từ chúa Nguyễn Hoàng lập quốc tại Phú Xuân năm 1600 cho đến hết đời Bảo Đại (1954) hơn 350 năm lịch sử. Kể ra cũng là một triều đại lâu dài với 9 vị Chúa và 13 vị Vua liên tục kế vị trong lịch sử Việt Nam, cũng lấy Nho giáo để cai dân trị nước, còn Phật giáo chỉ giữ vai trò tinh thần mà thôi. Vào đến miền Nam thì biểu tượng là chợ Bến Thành, nơi những người Việt đầu tiên đến đây 300 năm về trước. Như vậy một chiều dài lịch sử của Việt Nam trải dài từ Hồ Động Đình bên Trung Quốc 4.000 năm về trước và đàn chim Việt đã di chuyển về phương Nam, gần 4.000 năm sau để có một diện tích đất đai gần bằng nước Đức và dân số cũng như thế, nhưng khổ đau và nghèo đói chắc chưa có nước nào trên thế giới đã gặp phải như Việt Nam? Mặc dầu người Việt Nam hiếu hòa, nhưng chiến tranh và thù hận đã làm cho con người Việt Nam cứ mãi hận thù nhau. Vì vậy đất nước khó phát triển, nếu không dùng tình thương để xóa bỏ những dị biệt về tư tưởng cũng như chánh kiến đã vì lý do này hay lý do khác mà tồn tại từ bấy lâu nay.

Ủy Ban Tổ Chức Triển Lãm EXPO dự định có khoảng 260.000 người vào thăm mỗi ngày, nhưng kết quả của những ngày đầu khai hội là 150.000 người rồi sau đó còn 70.000 người và những ngày sau nữa thì tăng lên chút đỉnh, không biết tháng 7, tháng 8 là những tháng nghỉ hè có đông hơn không thì chưa rõ. Có lẽ khi viết lời kết của quyển sách này chúng tôi sẽ trình bày cặn kẽ để quý vị ở xa có thể theo dõi kỹ càng hơn.

Khi Hannover được chọn làm địa điểm triển lãm thì đã có không biết bao nhiêu người vui. Vì có thêm công ăn chuyện làm, thành phố mở mang thêm. Nhưng đồng thời cũng có lắm kẻ buồn, vì họ nghĩ sẽ không tốt đẹp cho một thành phố vốn yên tĩnh tại miền Bắc này. Do vậy mà ngày khai mạc cũng đã có gần 20.000 người đi biểu tình phản đối. Riêng tôi thì tán đồng quan điểm của chính phủ. Vì lẽ có như thế nước Đức mới nở mày, nở mặt với thế giới và địa phương Hannover khắp năm châu bốn bể đều hướng về. Phi trường được mở rộng, đường sá sửa sang, nhà cửa mới mẻ v.v... Chừng ấy thứ đã làm cho bộ mặt của thành phố này thay đổi rồi, nhưng sau 5 tháng triễn lãm xong, những tòa nhà này dùng để làm gì thì chẳng ai biết được, những khách sạn có lẽ sẽ trống chỗ nhiều hơn vì ít khách đến. Cũng giống như ngôi chùa Bhutan, Népal và các nước khác phải dỡ đi nơi khác. Chính phủ của các quốc gia này không muốn các chùa này trở thành những viện bảo tàng, mà họ muốn được chính phủ Đức hoặc các tổ chức Phật giáo sử dụng, nhưng một điều cũng oái oăm là không được bán, vì chính phủ Đức đã tài trợ mỗi nơi một triệu rưỡi Đức Mã rồi. Chẳng biết sau đó sẽ ra sao? Thôi hãy chờ xem.

Trong khu triển lãm rộng rãi này có 45 nước xây dựng riêng biệt những tòa nhà hoặc chùa chiền, nhà thờ để giới thiệu văn hóa riêng của nước mình và sau khi triển lãm xong, những tòa nhà này cũng phải dỡ đi nơi khác. Có như thế mới thấy sự thành hoại của một sự việc không cần chờ một thời gian dài trong 5, 10 năm hay lâu hơn nữa, mà có thể chỉ trong 5 tháng, hoặc có lúc chỉ mấy ngày, mấy giờ, mấy phút và mấy giây mà thôi. Ví dụ như thiên tai và động đất thì khỏi nói. Quả đất này đã hình thành hằng mấy tỷ năm, nhưng một trận cuồng phong, một cơn động đất lớn, một trận đại hồng thủy v.v... tất cả đều tiêu tán. Vì vậy cho nên Đức Phật vẫn thường hay nhắc đến vô thường, khổ, không và vô ngã là vậy.

Quyển sách này được thành tựu là nhờ nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ trong mùa an cư, tôi có nhiều thì giờ hơn để tập trung tư tưởng mà viết. Trong khi đó các cô, các chú, các anh em công quả trong chùa đều bận rộn suốt ngày chỉ vì việc chung, mà tôi có được bữa cơm đã dọn sẵn thì phải hiểu rằng đã có bao nhiêu người phải nấu cơm, lặt rau, nấu canh, cho vào bát... rồi bưng lên, dọn ra. Sau khi ăn xong lại phải rửa, lau chén, cất dọn v.v... Chừng ấy thời gian của mọi người cho những công việc như thế không phải là ít, mà mình đã thọ dụng. Do vậy mà tôi đã mang ơn tất cả là thế. Nếu có công đức nào trong tác phẩm này, tôi xin hồi hướng về san sẻ với những người làm những công việc không tên ấy.

Lại thêm từ phần thông dịch cho đến công việc đánh máy và in ấn, xếp vào thành sách, cắt xén v.v... đã trải qua không biết bao nhiêu là khổ công, mồ hôi nước mắt. Và điều cuối, nếu không có sự giúp đỡ của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức đặc trách về vấn đề văn hóatruyền thông, chắc chắn tác phẩm này cũng khó mà xuất bản được. Ơn đức này tôi xin ghi khắc mãi trong lòng.

Tôi chọn đề tài “CÓ và KHÔNG” để viết lên tác phẩm thứ 29 này cũng có nhiều lý do, nhưng lý do chính vẫn là để cho mọi người hiểu rõ lý vô thường, sanh sanh diệt diệt của vạn hữucố gắng tu hành, cũng như nhận chân ra được đâu là chơn đế và đâu là thế đế, đâu là khổ đau và đâu là an vui tịch diệt v.v... Một tác phẩm mà muốn cho mọi người hiểu hết lý nhân duyên của cuộc đờivạn hữu thì thật là khó, nhưng mỗi tác phẩm chỉ đóng góp một vài khía cạnh để hội tụ đủ mọi nhân duyên thì tôi cũng mong rằng đây là một tác phẩm nhỏ để góp phần vào những cái siêu việt của vũ trụ qua nhãn quan Phật giáo mà thôi.

Cuộc đời cứ thế mà lặng lẽ trôi qua, mới trẻ đó đã trưởng thành, mới thanh niên đó đã lão niên, rồi trở thành người thiên cổ... Thời gian không đợi chờ ai cả, có thể 100 năm, nhưng cũng có thể 50 năm hoặc ít hơn như thế nữa. Điều khác nhau chỉ là ở sự hiểu biết và tận dụng thời gian để làm một cái gì đó hữu ích cho đời mà thôi.

Xin chắp tay nguyện cầu cho thế giớinhân loại sống trên quả địa cầu này, hay ở những hành tinh khác, luôn luôn dùng tình thươngtrí tuệ để đối đãi với nhau. Có như thế, dầu sống trong cuộc sống hữu hạn này, nhưng nhiều kiếp sống như thế trong thế giới này sẽ tạo nên một cuộc sống vô cùng ở những thế giới cao siêu khác. Xin cảm ơn tất cả mọi người và mọi loài. Cầu nguyện cho tất cả sớm chứng vào trí tuệ của Như Lai.

Tại thư phòng Chùa Viên Giác
Mùa An Cư Kiết Hạ năm Canh Thìn
Phật lịch 2544
THÍCH NHƯ ĐIỂN


Lời vào sách
Chương 1 Có và Không theo quan niệm vê tình yêu và ái nhiễm
Chương 2 Có và Không theo quan niệm về hạnh phúc và khổ đau
Chương 3 Có và Không theo quan niệm về vũ trụnhân sinh
Chương 4 Có và Không theo tinh thần Bát Nhã
Chương 5 Có và Không theo tinh thầ Trung Quán Luận
Chương 6 Vô Thường
Chương 7 Thay lời kết


pdf_download_2
Có và Không - Thích Như Điển
 (Ấn bản năm 2000)
Có và Không - Thích Như Điển (Ấn bản năm 2020)

Bài đọc thêm:
Triết Học Có Và Không Của Phật Giáo Ấn Độ Thích Hạnh Bình


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
22/04/2011(Xem: 55836)
20/06/2013(Xem: 48228)
16/05/2012(Xem: 38622)
30/09/2012(Xem: 24369)
11/04/2013(Xem: 15439)
04/07/2017(Xem: 10271)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.