Thư Viện Hoa Sen

Vài Điểm Tương Đồng Và Khác Biệt Trong Bố Thí Giữa Ấn Giáo Và Phật Giáo

24/11/20175:32 SA(Xem: 10159)
Vài Điểm Tương Đồng Và Khác Biệt Trong Bố Thí Giữa Ấn Giáo Và Phật Giáo

VÀI ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT TRONG BỐ THÍ
GIỮA ẤN GIÁO VÀ PHẬT GIÁO
Chúc Phú

 

Khi nhận ra sự khổ đau của kẻ khác thì con tim của người hiền thiện co thắt lại, gọi đó là lòng bi mẫn - Buddhaghosa.

(Paradukkhe sati sādhūnaṃ hadayakampanaṃ karotīti karuṇā - Visuddhimagga[1]).

bo thiGiúp đỡ người nghèo khó là một phẩm tính cố hữu của con ngườixã hội loài người. Phẩm tính này vốn tồn tại từ thời xa xưa và vẫn được duy trì trong xã hội hiện đại. Bằng chứng xưa nhất của phẩm tính này được tìm thấy trong các bộ cổ thư phương Đông như Veda, Upaniṣad, luật Manu và kinh điển Phật giáo.

Theo kinh Tăng Chi (A.iv,236), bố thí là một hành động giúp đỡ người khác mà động cơ của nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể vì bị đe dọa nên phải bố thí; vì mưu toan dục vọng nên bố thí; vì đó là truyền thống của gia phong nên bố thí; vì muốn sanh lên cõi Trời nên bố thí; vì muốn trang nghiêm tâm nên bố thí[2]…các dạng thức bố thí này vẫn có thể tìm thấy trong xã hội ngày nay.

Do xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau nên ý nghĩa của bố thí cũng hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt càng thể hiệntùy theo quan điểm của từng hệ tư tưởng, tôn giáo mà ở đây là giữa Ấn giáo và Phật giáo.

Về từ nguyên, Phạn ngữ ghi là dāna (दान), có căn ngữ (दा), nghĩa là cho, biếu, tặng[3]…Tùy theo nội dung, tính chất, quy mô của hoạt động bố thí mà có những thuật ngữ tương đương để mô tả như: bố thí lớn (mahādāna)[4]; hiến tế (yajñā)[5]; ngũ niên đại thí (pañcavarshikamahā)[6]…Trong khuôn khổ đề tài, chúng tôi tập trung khảo sát sự tương đồng và khác biệt trong hoạt động bố thí giữa Ấn giáo và Phật giáo.

1.    Những điểm tương đồng

1.1 Là bổn phận cơ bản của con người

Với Ấn giáo

Bố thí là một bổn phận (dharma) cần phải thực hành trong đời sống của con người. Theo Brihadaranyaka Upaniṣad (V.2.3), có ba đức hạnh cơ bản của con người, đó chính là kiểm thúc tự thân (dama), bố thí (dāna) và lòng thương yêu (dayā)[7]. Không những vậy, cũng theo Chāndogya Upaniṣad (III.17.4), có năm phẩm hạnh quan trọng, đó chính là tự chế (tapas), bố thí (dāna), thành thật (ārjava), bất hại (ahimsā) và nói sự thật (satyavacana)[8].

Tuân hành theo những phẩm tính đạo đức nêu trên, các vị khổ tu theo truyền thống Ấn giáo đôi khi thực hiện các phương cách dāna (दान) trong khả năng có thể. Vì lẽ, sau một quãng thời gian tu tập, các vị đó tích tụ nhiều phẩm vật cúng dường nhưng không sử dụng hết, tuân hành theo nguyên tắc thiểu dục thanh tu, họ đã thực hiện các nghi quy dāna như hiến tế, đại hiến tế (mahāyañña). Kinh điển Phật giáo ở hai truyền thống đều ghi nhận có một vị Bà-la-môn tên là Ba-bà-lê (波婆梨[9].Pāli: Bāvarī, Sn.190:[10]) đã tổ chức lễ bố thí theo phương cách đặc thù này.

Ngoài ý nghĩa là bổn phận đạo đức mang tính tự nguyện, bố thí còn được phát triển thành một quy định mang tính bắt buộc, mang tính hiến định. Điều thứ nhất, chương XI (XI.1) ở luật Manu (the Manusmṛti: मनुस्मृति) ghi:

Như kẻ cầu tự, những người khát vọng hiến tế, như một khách lữ hành đã trao tặng tất cả tài sản của mình cho những ai cầu xin, từ học trò, giáo thụ cho đến cha, mẹ hay kẻ bệnh tật.[11]

Có thể nói, bố thí được xem là một bổn phận đạo đức của con người theo truyền thống Ấn giáo, dù thường dân hay tu sĩ cũng phải tuân hành. Do vì kinh thư Ấn giáo đã quy định rõ ràng về phẩm chất đạo đức này, chính vì vậy việc bố thíphương cách sống đượm tính nhân văn xuất hiện rất sớm, trước khi Phật giáo ra đời.

Với Phật giáo

Với tuệ giác của bậc xuất thế, Đức Phật đã xác định bố thí cũng là một bổn phận quan thiết của con người. Theo kinh Tăng Chi (A.ii, 65), bốn phẩm chất: giới hạnh (sīla), lòng tin (saddhā), bố thí (dāna) và trí tuệ (pañña) là những chuẩn mực đạo đức quan trọng để góp phần thành tựu phẩm vị chân nhân (Sappurisa)[12]. Bốn phẩm chất này cũng là những điều kiện quan trọng để đem đến hạnh phúc cho một gia đình không những trong đời này mà còn cả đời sau. Kinh ghi:

Này các Gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.[13].

Trong hoạt động bố thí nói chung, tùy theo bối cảnh, phẩm vị mà việc bố thí được thể hiện qua những thuật ngữ đặc thù như hiến tế, cúng dường (yañña). Với người cư sĩ Phật giáo, sau khi thu hoạch tài sản đúng pháp cần phải thực hiện các loại hiến tế như: hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên[14].

Riêng đối với bậc lãnh đạo quốc gia thì tiêu chuẩn đầu tiên của một minh quân là phải biết rộng lòng bố thí. Theo kinh Tiểu Bộ (Ja.v.378), đây là tiêu chuẩn đầu tiên trong mười chuẩn mực đạo đức của một bậc quân vương, gọi là thập vương pháp (dasavidha-rājadhamma). Bao gồm: 1. Bố thí (dāna); 2. Giới hạnh (sīla); 3. Xả kỷ (pariccāga); 4. Chánh trực (ajjava); 5. Nhu hòa (maddava); 6. Khắc chế (tapa); 7. Không nóng giận (akkodha); 8. Không não hại (avihiṃsā); 9. Kham nhẫn (khanti); 10. Không sai lệch (avirodhana)[15].

Đối với những bậc xuất gia, trong sáu pháp vượt bờ (hoặc mười pháp) thì việc bố thí vượt bờ (dānapāramitā) không những là bổn phận cần thiết mà là tiêu chuẩn quan trọng đầu tiên. Câu chuyện bố thí vượt bờ của thái tử Tu-đại-noa trong Hán tạng[16], hoặc thái tử Vessantara trong kinh tạng Nikāya[17] đã phần nào cho thấy hạnh bố thí là chặng đường đầu tiên của con đường tìm cầu Thánh đạo.

Theo giới luật Phật giáo, khi một vị tỳ kheo tích trữ nhiều của cải thì cần phải tổ chức cúng dường, sẽ chia. Câu chuyện ngài Anan được cúng 1.000 thượng y và sau đó quân phân cúng dường cho chúng tăng là một  điển hình cụ thể (Ja.157).

Như vậy, bố thí là một bổn phận quan yếu của con người, dù đó là thường nhân, quốc vương hay sa-môn đạo sĩ.

1.2. Bố thí tạo phước thiện công đức, được sanh Thiên.

Với Ấn giáo.

Công tâm để nhận thấy rằng, trước khi Phật giáo xuất hiện, triết lý về bố thí của Ấn giáo đã có mặt trong đời sống xã hội. Sự hỗ trợ, cúng dường cho đạo sĩ nói chung đã trở thành một thói quen thường nhật trong sinh hoạt của người dân Ấn. Ngay như hành động cúng dường bát cháo sữa của nàng Sujāta với đạo sĩ Siddhārtha có cơ sở từ cội nguồn Ấn giáo. Xét về phương diện nhân bản, nhân sinh, đó là thành công của Ấn giáo trong lãnh vực phụng sự xã hội.

Trong triết lý bố thí của Ấn giáo nói chung, đã có một sự phân biệt khá rõ ràng  thể hiện qua những thuật ngữ chuyên môn. Cụ thể, khi nói dāna (दान), nghĩa là bố thí nói chung, hoặc cúng dường tiền bạc cho những tu sĩ Ấn giáo sau khi họ thực hiện một pháp thức nghi lễ, thì gọi là dakshina (दक्षिणा). Ngoài ra, khi làm các chương trình mang tính phúc lợi cho cộng đồng thì gọi là utsarga (उत्सर्ग), ở Phật giáo gọi là Trường cữu  thí (thāvaradāna).

Theo triết lý Ấn giáo, dāna có hai kết quả, hiện tại có được một cuộc sống dễ chịu, hạnh phúc và tương lại thọ hưởng nhiều phúc lạcthiên giới[18].

Với Phật giáo

Theo quan điểm Phật giáo, muốn có được đời sống hạnh phúc trong hiện tại, thì cần phảiphước thiện công đức. Theo kinh Tăng Chi (A.iv, 239) ghi:

1.- Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản làm phước. Thế nào là ba?

2. Căn bản làm phước do bố thí, căn bản làm phước do giới đức, căn bản làm phước do tu tập.

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô nhỏ, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô nhỏ, căn bản làm phước do tu tập trên một quy mô nhỏ. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh làm người không may mắn.

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô vừa, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô vừa, không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh làm người có may mắn.

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư ThiênTam thập Tam thiên[19].

Rõ ràng hơn, trong kinh Tăng Chi (A.iii,41), Đức Phật đã dạy:

 - Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của bố thí. Thế nào là năm? Được nhiều người ái mộ, ưa thích; được bậc Thiện nhân, Chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới [20].

Bên cạnh đó, việc bố thí những công trình phúc lợi cho cộng đồng, cũng có tác dụng sanh lên Thiên giới. Kinh Tương Ưng (S.i,33) ghi:

Ai trồng vườn, trồng rừng,
Ai dựng xây cầu cống,
Đào giếng, cho nước uống,
Những ai cho nhà cửa,
Những vị ấy ngày đêm,
Công đức luôn tăng trưởng,
Trú pháp, cụ túc giới,
Những vị ấy sanh Thiên[21]

Pháp bố thí này có ý nghĩa thiết thực, phổ dụng, vượt thời gian, không những được tuân hành tại Ấn Độ mà còn được thực hiện ở một số quốc giaảnh hưởng Phật giáo, cũng như được vài vị vua ở Việt Nam khuyến khích dân chúng thi hành[22].

1.3. Bố thí nuôi dưỡng lòng thương yêu bình đẳng.

Với Ấn giáo

Trong xã hội thời xưa, khi sự phân chia giàu nghèo diễn ra đến mức khắc nghiệt thì tình thương dành cho những người thiếu đói cũng là hạnh nguyện cần làm. Rig-Veda (X.117.1-3) ghi:

Thần linh không tiếp độ người chết đói, dù đó là kẻ biếng ăn hay bất kể hình hài nào.

Sự hào phóng của người giàu có không bao giờ lãng phí, nhưng với kẻ hà tiện thì không gì cả, dù chỉ là lời khuyên.

Với kẻ tích chứa vật thực, cần phải vượt thắng sự cứng rắn của con tim khi có kẻ khốn khó đến cầu xin vật thực.

Chiến thắng lòng bỏn sẻn, anh ta dốc lòng phụng sự đến lúc về già và mãi đến khi không còn ai để chia sẽ.

Bậc hiền thiện là kẻ giúp đỡ người ăn xin, hoặc bất cứ ai đến với anh ta vì thức ăn hay do khổ lụy.

Anh ta vươn tới thành công như tiếng thét trong trận chiến, biến những trở ngại ở tương lai trở nên thân thiện, hài hòa.[23]

Tương tự, theo Chāndogya Upaniṣad (IV.3-7) có hai vị hiền triết, Śaunaka Kāpeya và Abhipratārin Kākṣaseni đang sửa soạn bữa ăn thì nghe tiếng gõ cửa. Trước ngưỡng cửa hiện ra cậu học trò đói khát cần cứu giúp. Cậu học trò thoáng đỗi ngạc nhiên và không dám cất lời cầu xin những bậc tôn kính. Và rồi anh ta nhận ra rằng, cả ba đều tôn thờ thần Vāyu (वायु) – vị thần gió, cũng còn gọi là Prāṇa (hơi thở, sự sống). Khi ấy, người học trò liền khéo bẩm với hai vị hiền nhân rằng, sự sống ngập tràn vũ trụvũ trụ cũng đầy dẫy những kẻ chết đói. Bỏ bê kẻ nghèo khó thì không thể gọi là tôn kính đấng Sáng tạo (Brahman)[24].

Với Phật giáo

Từ tuệ giác: tất cả loài hữu tình do các món ăn (āhāra) mà an trú[25]. Nguyên tác Pāli ghi là: Sabbe sattā āhāraṭṭhitikā[26]; thế nên Đức Phật đã có những quan tâm cần thiết về vấn đề này. Cụ thể, Ngài đã thể hiện tình thương yêu không phân biệt, dù đó là người không cùng tôn giáo.

Đây cũng là những lời dạy của Đức Phật đối với tướng quân Sīha. Theo kinh Tăng Chi (A.iv,179), trước khi quy y Tam Bảo, tướng quan Sīha thường cúng dườngủng hộ giáo phái Niganthā. Sau khi nghe pháp, phát nguyện quy y, và ông thực sự bị chấn động khi nghe thêm lời dặn dò thân thương của Đức Phật:

Này Sīha, đã từ lâu gia đình ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Niganthā. Hãy cúng dường những món ăn cho những ai đến với ông[27].

Chính vì vậy, tướng quân Sīha đã nghiêm trang đáp lại rằng:

Bạch Thế Tôn, con lại bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con: "Này Sīha, đã từ lâu gia đình ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Niganthà. Hãy cúng dường những món ăn cho những ai đến với ông". Bạch Thế Tôn, con không nghe như sau, Sa-môn Gotama nói: "Chỉ bố thí cho Ta, chớ bố thí cho các người khác. Chỉ bố thí cho các đệ tử Ta, chớ bố thí cho đệ tử các người khác. Chỉ bố thí cho Ta mới có phước lớn, bố thí cho những người khác không có phước lớn. Chỉ bố thí cho đệ tử Ta mới có phước lớn, bố thí cho đệ tử những người khác không có phước lớn". Nhưng Thế Tôn lại khuyến khích con bố thí cho Niganthā.

Bạch Thế Tôn, và chúng con ở đây sẽ biết thời nên làm. Bạch Thế Tôn, lần thứ ba con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng[28].

Cũng trong bối cảnh như trên là trường hợp của gia chủ Upali được ghi nhận trong kinh Trung Bộ[29]. Qua đó, đã cho thấy tình thương yêu, sự lân mẫn của Đức Phật chất ngất biết dường nào.

Như vậy, trong ba phương diện vừa được tỉ giảo ở trên cho thấy, giữa Ấn giáo và Phật giáo có những điểm tương đồng trong quan niệm về bố thí. Sự tương đồng này tạo nên những ảnh hưởng quan trọng trong nhận thức về tình thương ở mọi thời kỳ, góp phần xây dựng hệ giá trị nhân bản mang tính toàn xã hội. Vì lẽ, với quần chúng nói chung, khi thực hiện một hành động bố thí, phần lớn họ có chung suy nghĩ: mong mỏi hiện tại gặp nhiều an ổn và sẽ gặt hái nhiều điều tốt đẹp ở kiếp lai sinh.

2.    Những điều dị biệt.

Thật sự có rất nhiều điều khác biệt trong quan điểm về bố thí giữa Ấn giáo và Phật giáo, trong khuôn khổ của chuyên khảo, chúng tôi chỉ xin điểm qua vài nét khác biệt căn bản.

2.1. Không phải mọi loại bố thí đều có công đức như nhau.

Theo cựu pháp Bà-la-môn, khi tổ chức bố thí thường chia sẽ đồng đẵng vật thí cho những người đến dự. Câu chuyện bà-la-môn Ba-bà-lê (波婆梨 .Pāli: Bāvarī) được nêu dẫn ở trên là một bằng chứng cho thể loại bố thí này. Pháp bố thì này cũng thường thấy trong những cuộc bố thí lớn như Ngũ niên đại thí (Pañcavarshikamahā), bố thí không ngăn ngại các đối tượng thọ thí.

Về cơ bản, Phật giáo không chống đối hình thức bố thì này nhưng có những khuyến nghị, bổ sung mang tính khác biệt. Điều này sẽ rõ ràng hơn nghi nghiên cứu về pháp thức bố thì qua trường hợp của vua Ba-tư-nặc.

 Bố thí là thường pháp của một bậc quân vương như vua Ba-tư-nặc trị vì nước Kiều-tất-la (Kosala). Ông đã theo cựu pháp Bà-la-môn tổ chức nhiều cuộc bố thí với tế đàn to lớn. Tuy nhiên, kể từ khi gặp Phật, vua Ba-tư-nặc đã nhận ra chân nghĩa của pháp bố thì theo quan điểm Phật giáo.

Cụ thể, đối với việc hiến tế thần thánh mà nội dung của nó chuyên chở đau khổ và tang thương, cho người làm và cả cho súc vật, ở kinh Tương Ưng (S.i,75), ông đã được Đức Phật dạy rằng:

Lễ cúng ngựa, cúng người,
Quăng cọc, rượu chiến thắng,
Không chốt cửa, đại lễ,
Chúng không phải quả lớn.
Chỗ nào có giết hại,
Dê, cừu và trâu bò,
Lễ tế đàn như vậy,
Bậc Đại Thánh không đi.
Tế đàn không rộn ràng,
Cúng dường được thường hằng,
Không có sự giết hại,
Dê, cừu và trâu bò,
Lễ tế đàn như vậy,
Bậc Đại Thánh sẽ đi.
Bậc trí tế như vậy,
Tế đàn vậy, quả lớn.
Ai tế lễ như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu,
tế đàn vĩ đại,
Được chư Thiên hoan hỷ[30].

Không những vậy, trong các bài kinh như: Cung thuật (S.i,98); Thanh tịnh thí vật (A.ii,80); Sumanā, con gái vua (A.iii,32); Thửa ruộng (A.iv,237); Phân biệt cúng dường (M.142); Jataka. 424… Đức Phật đã tuần tự sử dụng nhiều ví dụ để khẳng định rằng, bố thí cho những bậc giới đức mới có công đức lớn.

2.2. Ghi nhận tài thí nhưng chú trọng pháp thí.

Trong pháp thức bố thí của Ấn giáo, có thể thức bố thí lớn (Mahādāna)[31]. Trong lễ bố thí lớn này, có 16 tế vật (soḷasa parikkhāraṃ) được sử dụng. Cổ thư Agni Purāṇa của Ấn giáo ở chương 210 có đề cập[32]. Chúng bao gồm:

1. Tulāpuruṣadāna
2. Hiraṇyagarbha dāna,
3. Brahmāṇḍa dāna,
4. Kalpakavṛkṣadāna,
5. Gosahasradāna,
6. Hiraṇyakāmadhenudāna,
7. Hiraṇyāśva dāna,
8. Hiraṇyāśvaratha dāna,
9. Hemahastiratha dāna,
10. Pañcalāṅgalakadāna
11. Dhārādāna,
12. Viśvacakradāna
13. Kalpalatā dāna,
14. Saptasāgaraka dāna,
15. Ratnadhenu dāna,
16. Mahāpūtaghaṭa dāna[33].

Trong 16 tế vật này, vật dụng bao gồm từ voi ngựa, xe cộ cho đến nữ tỳ và đặc biệt nhất là một lượng lớn vàng, bạc, hoặc quý kim nặng tương đương một con người (Tulāpuruṣadāna). Kinh Velāma (A.iv,392)[34] đã mô tả một phần trong 16 tế vật đó.

Có thể nói, đây là những cựu pháp tế tự của Bà-la-môn giáo mà không phải mọi giáo sĩ Bà-la-môn nào cũng am tường. Trong khi đó qua bài kinh Velāma Đức Phật, được xem là người am tưởng và hiểu rõ hình thức đại thí của Ấn giáo. Chính vì vậy, trong một dịp khác, Bà-la-môn Kūtadanta đã tìm cầu, học hỏi về ba tế pháp cũng như 16 tế cụ[35].

Với Đức Phật, ngài không đặt nặng về phương diện vật chất, mà đã khéo léo dẫn dắt Bà-la-môn Kūtadanta để cuối cùng đưa ra một định nghĩa mới về 16 tế vật. Theo Đức Phật, tám đức tính của nhà vua, bốn đức tính của vị Bà-la-môn chủ tế và bốn sự tán thành, ủng hộ của đại chúng chính là 16 tế pháp theo cách thức của Như Lai.

Nói rõ hơn, theo quan điểm Phật giáo, phẩm tính đạo đức quan trọng hơn vật chất dùng để tế tự. Bằng chứng khả tín của quan điểm này có thể tìm thấy trong kinh Tăng Chi (Aiv,245)[36]: tuân giữ năm giới chính là thực hiện đại thí (Mahādāna).

Bên cạnh đó, ở kinh Tương Ưng (S.i,32), Đức Phật đã làm sáng tỏ thêm nhiều thể loại phước quả khi phát tâm bố thí:

Cho ăn là cho lực,
Cho mặc là cho sắc,
Cho xe là cho lạc,
Cho đèn là cho mắt.
Ai cho chỗ trú xứ,
Vị ấy cho tất cả,
Ai giảng dạy Chánh pháp,
Vị ấy cho bất tử[37].

Từ bài kinh Tương Ưng cho thấy, Đức Phật vẫn khẳng định rằng, bố thí tài vật vẫn tạo nên công đức nhất định, nhưng cao hơn tất cả, chính là bố thí pháp. Pháp thí, thắng mọi thí (Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti – Dhp. 354) Chân lý này cũng được tìm thấy trong kinh Tăng Chi (A.i,91):

Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí này. Thế nào là hai? Bố thí tài vật và bố thí pháp. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là các loại bố thí. Tối thắng trong hai loại bố thí này, này các Tỷ-kheo, tức là pháp thí.[38].

2.3. Bố thí với tuệ giác.

Trong tám phương cách bố thí thường thấy trong đời sống này được Đức Phật khái quát trong kinh Tăng Chi (A.iv,236) cho thấy, có những trường hợp bố thídanh vọng, lợi dưỡng, hy cầu … được xem là bố thí hữu lậu, hoặc còn gọi là bố thí có nắm giữ (parāmaṭṭha dāna). Bố thí của Ấn giáo và một phần của tín niệm Phật giáo dân gian bị ảnh hưởng bởi hình thức bố thí này.

Xét ở phương diện nhân sinh, những phương cách bố thí này cũng rất mực cần thiết. Vì nhờ nó mà khoảng cách giàu nghèo giữa con người bị thu hẹp lại, và đôi khi nhờ vậy mà những hạt giống hiền thiện nảy sinh trong đời.

Tuy nhiên, xét về phương diện lý tưởng, xuất thế, thì những phương cách bố thí trên cần phải vượt qua vì còn dính mắc đến mạn (māna), đến ái (taṅhā) đến lợi lộc (lābhāsakkāra) hay danh vọng (yasa)… Vì lẽ, khi con người bố thí nhằm để được ca tụng, tán dương, vì mong cầu hiện kiếp an lạc và tương lai sanh về cõi Trời… đều là những phương cách bố thí còn dấu vết hữu lậu. Chính vì vậy, Phật giáo đã đề xuất ra một hình thức bố thí mang tính lý tưởng, cao cả, vẹn toàn, gọi là bố thí không nắm giữ (aparāmaṭṭha dāna), cũng có thể gọi là bố thí Ba-la-mật (dāna pāramitā).

Đặc thù của bố thí Ba-la-mật (dāna pāramitā) là không nắm giữ (na upādiyissāmi)[39]. Không chấp thủ bản thân, ỷ lại rằng ta là người bố thì, đây là vật do ta bố thí và kia là người thọ thí của ta. Thí Ba-la-mật là sự triển khai tâm xả thí đến mức cùng tột.

Từ trường hợp của cư sĩ Cấp-cô-độc, một vị hộ pháp đã tận lực cúng dường Tam Bảo đến trọn đời. Khi lâm chung, ông được tôn giá Xá-lợi-phất (Sāriputta) đã liên hệ đến đời sống thực tế của vị cư sĩ này, để nhấn mạnh một yếu tố tối quan trọng trong giáo pháp của Đức Phật, đó chính là khái niệm không chấp thủ (na upādiyissāmi). Nguyên cả bài kinh Giáo giới Cấp-cô-độc trong kinh Trung Bộ[40], cụm từ này đã được lặp lại đến 48 lần, điều đó cho thấy khả năng bậc thầy của tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta), khi trợ duyên cho cư sĩ Cấp-cô-độc lúc ông lâm tử.

Do vậy, có thể nói, đặc thù và đồng thời là đỉnh cao trong bố thí của Phật giáo chính là bố thí không chấp thủ.

Đây cũng chính là trường hợp bố thí quốc thành, thê tử, voi ngựa… của thái tử Vessantara, một tiền thân của Đức Phật[41]. Bản kinh tương đương trong Hán tạng gọi là kinh Tu-đại-noa (須大拏經) thuộc kinh Lục độ tập, quyển hai, cũng chuyển tải nội dung tương tự.

Có nhiều luận giải về bài kinh này và các học giả chưa thống nhất với nhau ở một số chi tiết. Riêng với chúng tôi, bài kinh này có thể là phương cách biểu đạt lòng thí xả (muttacāga) đến mức cùng tột. Nói cách khác, bài kinh này diễn tả hạnh bố thí vượt bờ (dāna pāramitā), và người thực hiện được hạnh bố thí này đã đạt đến trạng thái tuệ hành xả (saṅkhārupekkhā ñāṇa)[42]. Là tuệ kể như từ bỏ là trí theo nghĩa xả ly. (Ps. i, 87)[43]. Với tuệ giác này, các hệ lụy về bản ngãsở hữu của bản ngã hoàn toàn vắng mặt. Câu chuyện tương tự cũng có thể tìm thấy trong kinh Tiểu Bộ, là trường hợp của tôn giả Sangamāji[44].

Có thể nói, Upekkhā là yếu tố cuối cùng trong Thất-giác-chi, của mười hạnh Ba-la-mật, của Tứ vô lượng tâm. Khi bố thí được dẫn đắt bởi tuệ hành xả (saṅkhārupekkhā ñāṇa), là dạng thức bố thí chỉ có trong Phật giáo, và người đầu tiên thực hiện chính là tiền thân Đức Phật Thích Ca qua câu chuyện thái tử Tu-đại-noa sống động.

3.    Nhận định.

Bố thíthái độ ứng xử mang tính nhân bản của con ngườixã hội loài người, là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển hài hòa của xã hội.

Bố thí là một liệu pháp chữa trị lòng bỏn sẽn cá nhân, góp phần xây dựng một xã hội lý tưởng, đáng sống. Sự phát triển đa dạng các tổ chức thiện nguyện, tâm lượng hào hiệp, sẵn sàng dấn thân vì người khác, là những dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ, văn minh của một xã hội

Trên phương diện phụng sự nhân sinh, giữa Ấn giáo và Phật giáo đều đồng tình và thúc đẩy sự lân mẫn giữa người với người thông qua lý thuyết bố thí. Việc gắn kết bố thí như một bổn phận đạo đức, cũng như chỉ ra những kết quả ưu thắng ở hiện tại và tương lai, là những bảo chứng khả tín, khuyến trợ con người thực hiện thiện sự. Trên phương diện đạo đức nhân loại nói chung, mà ở đây là phát triển lòng vị tha thông qua hành động bố thí, giữa Ấn giáo và Phật giáo đã gặp nhaugiá trị chung mang tính toàn nhân loại này.

Trên phương diện đặc thù tôn giáo, lẽ tất nhiên sẽ có nhiều điều khác biệt trong quan niệm về bố thí giữa Ấn giáo và Phật giáo, và sẽ rất khó chỉ ra sự ưu thắng của mỗi bên.

Từ thực tế các phong trào hành động mang hình thức thiện nguyện, vị tha, nhưng ẩn tàng sau nó là những toan tính nhuốm màu vị kỷ, đã cho thấy rằng, hành động bố thí xuất phát từ tình thương chân chính, không gắn với bất kỳ chủ ý gì, là phương cách bố thí đáng được ca ngợi. Phật giáo không những cổ súy phương thức bố thí này mà còn đề cao một dạng thức bố thí không còn dấu vết của bản ngãsở hữu của bản ngã, và đây là một trong những điểm đặc thù về bố thí của Phật giáo.



[1] Visuddhimagga, Brahmavihāraniddeso, Mettābhāvanākathā, Pakiṇṇakakathā

[2] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr. 352

[3] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.473.

[4] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.796.

[5] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.839.

[6] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p. 577.

[7] The Principal Upaniṣad. Edited by S. Radhakrishnan. London: George Allen & Unwin Ltd., 1968. p.290.

[8] The Principal Upaniṣad. Edited by S. Radhakrishnan. London: George Allen & Unwin Ltd., 1968. p.396.

[9] 大正藏第 04 冊 No. 0202 賢愚經, 卷第十二, 波婆離品.

[10] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015.tr. 531-533.

[11] SBE. Vol 25. p.430. Cf: Him who wishes (to marry for the sake of having) offspring, him who wishes to perform a sacrifice, a traveller, him who has given away all his property, him who begs for the sake of his teacher, his father, or his mother, a student of the Veda, and a sick man.

[12] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr.408-409.

[13]Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr.404. Nguyên văn: cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ

[14] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr.411.

[15] Kinh Tiểu Bộ, tập 6, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 58-59.

[16]大正藏第 03 冊 No. 0171 太子須大拏經; 大正藏第 03 冊 No. 0152 六度集經, 卷第二, 須大拏經

[17] Kinh Tiểu Bộ, tập 6, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.584-705.

[18] Sanjay Agarwal. Daan and Other Giving Traditions in India. New Delhi : AccountAid India. 2010. p.28.

[19] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr. 356.

[20] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr.639.

[21] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr77-78.

[22] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 2, NXB. KHXH, Hà Nội, 2004, tr. 13.

[23] The Rig Veda, Hymn 117, Ralph T. H. Griffith (Translator). Cf: 1; The Gods have not ordained hunger to be our death: even to the well-fed man comes death in varied shape.The riches of the liberal never waste away, while he who will not give finds none to comfort him. 2; The man with food in store who, when the needy comes in miserable case begging for bread to eat. Hardens his heart against him-even when of old he did him service-finds not one to comfort him. 3; Bounteous is he who gives unto the beggar who comes to him in want of food and feeble.

Success attends him in the shout of battle. He makes a friend of him in future troubles.

[24] The Principal Upaniṣad. Edited by S. Radhakrishnan. London: George Allen & Unwin Ltd., 1968. p. 405.

[25] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 647.

[26] Có thể đối chiếu bản Hán tương đương: 大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第八,眾集經第五

[27] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr.316

[28] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr.316

[29] Kinh Trung Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.463.

[30] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.145-146.

[31] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.796.

[32] The Agni Purāṇa. Trans. and ed by N. Gangadharan. Delhi: Motilal Banarsidass. 1985. p.544.

[33] Sanjay Agarwal. Daan and Other Giving Traditions in India. New Delhi : AccountAid India. 2010. p.112-117.

[34] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr.469-477.

[35] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.124

[36] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr.360

[37] Kinh Tương Ưng Bộ, chương 1, tương ưng chư thiên, Phẩm Thiêu cháy, Kinh Cho gì?

[38] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr.127

[39] http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sltp/MN_III_utf8.html#pts.258

[40] Kinh Trung Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.601-606.

[41] Kinh Tiểu Bộ, tập 6, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 705.

[42] Thanh Tịnh Đạo, tập 2, Thích Nữ Trí Hải, dịch, NXB. Tôn giáo, 2001, tr.1089-1111.

[43] Thanh Tịnh Đạo, tập 2, Thích Nữ Trí Hải, dịch, NXB. Tôn giáo, 2001, tr.1014.

[44] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Phật tự thuyết, chương một, phẩm Bồ đề, Ud.5, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Viện NCPHVN, 1999, tr. 124. Nội dung cơ bản đề cập đến câu chuyện tôn giả Sangamāji đã có gia đình rồi mới xuất gia, người vợ không hiểu đạo, đem con giao cho tôn giả, tôn giả không đoái hoài làm cho người vợ phải ôm con trở về, được Phật tự kể lại qua những vần kệ sống động trong kinh Phật tự thuyết:  Không hoan hỷ, nàng đến/ Không sầu muộn, nàng đi/ Giải thoát khỏi ái phược/ Là Sangamàji/ Ta gọi người như vậy/ Là vị Bà-la-môn

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen

Tạo bài viết
31/10/2010(Xem: 30422)
20/12/2019(Xem: 12183)
18/02/2020(Xem: 8830)
27/06/2021(Xem: 15280)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: