Khảo Về Tên Gọi Sa-môn, Bà-la-môn Và Những Phẩm Tính Của Bà-la-môn Trong Phật Điển

15/05/20184:35 SA(Xem: 13089)
Khảo Về Tên Gọi Sa-môn, Bà-la-môn Và Những Phẩm Tính Của Bà-la-môn Trong Phật Điển

KHẢO VỀ TÊN GỌI SA-MÔN,  BÀ-LA-MÔN
VÀ  NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA BÀ-LA-MÔN TRONG PHẬT ĐIỂN

Chúc Phú

Viết để tặng bạn tôi, nhà sư-họa sĩ.

sa mon ba la monTrong kinh điển Phật giáo, danh xưng Sa-môn, Bà-la-môn có tần suất xuất hiện rất cao và mang nhiều nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh. Có những trường hợp các danh xưng này chuyên chở ý nghĩa tích cực hoặc ngược lại. Tính đa nghĩa, tùy biến của hợp ngữ Sa-môn, Bà-la-môn đôi khi tạo nên những ngộ nhận không đúng về Phật giáo và cả Ấn giáo.

Nhằm tìm lại thực nghĩa và các nghĩa phái sinh của tên gọi Sa-môn, Bà-la-môn cũng như góp phần biện giải những cách hiểu chưa đúng về những danh từ này; đồng thời chỉ rõ những trị nhân bản tinh khôi của Ấn giáo ở thời kỳ đầu và tầm cao trí tuệ của Đức Phật… là những vấn đề trọng yếu sẽ được trình bày trong chuyên khảo này.

1. Từ nguyên và khái niệm


1.1. Sa-môn (śramaṇa: श्रमण)

Trước hết, Sa-môn (śramaṇa) là một thuật ngữ quan trọng trong lịch sử tôn giáoẤn Độ cổ đại. Thuật ngữ này bắt nguồn từ căn động từ √śram (श्रम् ), nghĩa là trở nên mệt mỏi (become weary)[1], hoặc quá chán nản để làm bất cứ điều gì (be tired of doing anything)[2]. Theo từ điển Phạn ngữ, Sa-môn (śramaṇa) là người chuyên cần (making effort)[3], hoặc là kẻ tinh chuyên tu khổ hạnh, một bậc khổ tu (one who performs acts of mortification, ascetic)[4].

Thứ hai, kinh Trường A-hàm[5], trong những chuyến xuất cung du ngoạn, thái tử Tất-đạt-da (Siddhattha) đã phát hiện ra bốn dấu hiệu (cattāri nimittāni) quan trọng trong đời sống nhân sinh và một trong số chúng chính là hình ảnh của vị Sa-môn qua định nghĩa ban đầu của người hầu Xa-nặc: Sa-môn là người xa lìa ân ái, xuất gia học đạo, chế ngự các căn, không nhiễm mê ngoại dục, có tâm từ đối với hết thảy, không làm tổn hại vật gì, gặp khổ cũng không buồn, gặp vui cũng không mừng, hay nhẫn như đất, nên gọi là Sa-môn (Tuệ Sỹ, dịch)[6].

Thứ ba, Sa-môn (śramaṇa) là một thuật ngữ đã tồn tại trước khi Phật giáo ra đời. Thuật ngữ này được nhiều tôn giáo sử dụng để chỉ cho các bậc xuất gia, từ bỏ đời sống thế tục. Luật tạng của bộ phái Tát-bà-đa (薩婆多) ghi nhận rằng: hết thảy hàng ngoại đạo xuất gia đều gọi là Sa-môn (一切外道出家皆名沙門)[7].

Như vậy, Sa-môn (śramaṇa) là một khái niệm chỉ chung cho hàng xuất giaẤn Độ cổ đại mà trong đó có cả Phật giáo

1.2 Bà-là-môn (brāhmaṇa (ब्राह्मण)

Trước hết, Bà-là-môn (brāhmaṇa) là một bậc thanh tịnh về huyết thống. Tính nghiêm khắc về huyết thống được kinh Tăng Chi (A.iii,223) ghi nhận: Vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh[8]. Ngay từ thuở xưa, quy định này đã được thể chế hòa bằng luật Manu (manusmṛti: मनुस्मृति. III.4)[9], thể hiện qua việc cưới một cô vợ có cùng đẳng cấp (sajāti सजाति)[10].

Thứ hai, là một bậc thông đạt có khả năng trì tụng kinh điển Vệ-đà[11]. Kinh Tăng Chi ghi: là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedā với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giảilịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế (tự nhiên học) và tướng của vị Đại nhân[12]. Tương tự, luật Manu (manusmṛti: मनुस्मृति. III.1) cũng quy định rằng: Phải học tập ba bộ Vệ-đà dưới sự hướng dẫn của một bậc Thầy với thời gian là 36 năm[13], hoặc phân nửa thời gian đó, hoặc một phần tư, hay cho đến khi thông thuộc hoàn toàn[14].

Thứ ba, cuộc đời của một vị Bà-là-môn (brāhmaṇa) phải trải qua bốn giai đoạn (āśramas:आश्रम) theo luật Manu (manusmṛti: मनुस्मृति). Thứ nhất là giai đoạn học tập kinh điển Vệ-đà như đã nói trên. Thuật ngữ gọi là giai đoạn Học tập (brahmacārin: ब्रह्मचारिन्). Người học trò trong giai đoạn này gọi là māṇava (मानव), ở Hán tạng gọi là Ma-nạp (摩納)[15], là vị Bà-la-môn trẻ tuổi. Thứ hai, sau khi học xong, trải qua một nghi lễ, gọi là Samāvartana (समावर्तन)[16], thì được trở về nhà, lập gia đình và sống bình thường như bao con người khác. Giai đoạn này, thuật ngữ gọi là giai đoạn Gia chủ (gṛihastha: गृहस्थ). Thứ ba, giai đoạn ba của cuộc đời được mở đầu bằng những dấu hiệu sinh động theo ghi nhận của luật Manu (VI.2):  Khi người gia chủ nhận thấy da dẻ nhăn nheo, tóc đã điểm bạc và con cái đã sinh con thì đó là lúc anh ta nên trở vào rừng ấn tu[17]. Thuật ngữ gọi là giai đoạn Ẩn cư sơn lâm (vānaprasthā:वानप्रस्था). Thứ tư, luật Manu (VI.33) ghi: Sau khi vượt qua giai đoạn thứ ba là sống trong rừng, anh ta sẽ sống như một nhà khổ hạnh (ascetic) trong suốt thời kỳ thứ tư của cuộc đời, sau khi từ bỏ mọi dính mắc của thế giới vật chất[18]. Không những vậy, luật Manu (VI.37) còn ghi: một vị đã được quán đảnh, sẽ tìm kiếm sự giải thoát tối hậu không phải do nghiên cứu kinh điển Vệ-đà, cũng không phải do sinh được con trai, hoặc do cúng dường tế tự, mà do sự tịch lặng (sinks downwards)[19]. Trong giai đoạn thứ tư này, nếu như nỗ lực tu tập, sẽ hoạch đắc nhiều kết quả tối thắng. Điều này, kinh Tăng Chi ghi:

Sau khi giao lại tài sản Đạo sư, cho bậc Đạo sư, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy, phương thứ hai, cũng vậy, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi... với hỷ... với xả. Cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy, sau khi tụ tập bốn phạm trú này, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú Phạm thiên giới[20].

Như vậy, trong phần lớn các trường hợp, tên gọi Bà-là-môn (brāhmaṇa) nhằm để chỉ cho một giai tầng đặc biệtẤn Độ thời cổ đại, với những tiêu chí được cho là trong sạchthanh tịnh, trong đời sống tại gia cũng như sau khi thành tựu mục tiêu tối hậu là được sanh về Phạm Thiên giới. Do vậy, khi phiên âm sang Hán tạng có lúc được dịch là Phạm-chí (梵志)[21]. Đặc biệt, người sống ở giai tầng đó phải tuân theo những cổ tục cũng như phải kiện toàn những phẩm hạnh cần thiết được quy định rõ trong kinh điển Vệ-đà và các kinh thư liên quan.

2.  Thực trạng Sa-môn, Bà-la-môn thời Phật và phẩm hạnh vốn có.

2.1 Thực trạng đạo đức của Bà-la-môn thời Phật.

Trong thời Đức Phật, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy phẩm hạnh đạo đức của tầng lớp Bà-là-môn (brāhmaṇa) đã xuống cấp đến mức báo động. Trong kinh Sa-môn quả, Đức Phật đã chỉ ra mười bảy dấu hiệu cho thấy các vị Bà-là-môn (brāhmaṇa) thời Ngài đã đi quá xa so với những nguyên tắc đạo đức do tổ tiên của họ để lại.

Chẳng hạn, đối với các vị Bà-là-môn (brāhmaṇa) thân tuy xuất gia, được thọ nhận vật dụng từ tín thí, nhưng các vị này đã làm thương tổn cỏ cây; tích lũy nhiều vật dụng của cải; đam mê du hí; tham gia cờ bạc; sắm sửa tiện nghi; trang sức và trang điểm; ưa thích tạp thoại; bàn luận tranh chấp; môi giới lọc lừa; tà hạnh và tà mạng…Thậm chí, chỉ vì xin năm trăm đồng tiền mà không được đáp ứng, một vị Bà-là-môn (brāhmaṇa) am tường về chú thuật sẵn sàng niệm chú để người bạn đồng tu đầu bị vỡ thành bảy mảnh (Sn.190).

Không những vậy, đối với các vị Bà-là-môn (brāhmaṇa) khi còn ở tại gia thì phẩm tính đạo đức xem ra khá tệ hại. Chỉ xét riêng việc quan hệ nam nữ, đã bộc lộ nhiều dấu hiệu suy bại qua đoạn kinh Tăng Chi (A.iii,221):

1. Có năm cựu Bà-la-môn pháp này, này các Tỷ-kheo, nay được thấy giữa các con chó (soṇa – người viết chú), không được thấy giữa các Bà-la-môn. Thế nào là năm?

2. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn chỉ đi đến nữ Bà-la-môn, không đến phi nữ Bà-la-môn. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn đi đến nữ Bà-la-môn, cũng đi đến phi nữ Bà-la-môn. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực chỉ đi đến con chó cái, không đi đến không phải con chó cái. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

2. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn chỉ đi đến nữ Bà-la-môn trong thời có thể thụ thai, không có đi trong thời kỳ không thể thụ thai. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn đi đến nữ Bà-la-môn trong thời có thể thụ thai và cũng trong thời không thể thụ thai. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực chỉ đi đến con chó cái trong thời có thể thụ thai, không đi đến trong thời kỳ không thể thụ thai. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

4. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn không mua, không bán nữ Bà-la-môn cọng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn mua và bán nữ Bà-la-môn, cộng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực không mua, không bán con chó cái cọng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

5. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn không cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các loài chó không cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn.

6. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn vào buổi chiều tìm đồ ăn buổi chiều, vào buổi sáng tìm đồ ăn buổi sáng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn ăn cho đến no nê thỏa bụng, rồi lấy các đồ ăn còn lại và mang đi. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó, vào buổi chiều tìm đồ ăn buổi chiều, vào buổi sáng tìm đồ ăn buổi sáng. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn[22].

Từ thực tế ảm đạm này, nhiều bậc trưởng lão Bà-la-môn mong muốn tìm lại những giá trị thánh thiện xưa cũ, gọi là cựu pháp Bà-la-môn.

2.2.  Những phẩm hạnh cơ bản của Bà-la-môn.

Từ sự thỉnh cầu của các vị trưởng lão Bà-la-môn được ghi lại trong kinh Tập qua bài kinh Kinh Pháp Bà-la-môn (Sn.50), Đức Phật đã tuần tự chỉ rõ những phẩm hạnh vốn có của các vị Bà-la-môn thời xưa qua những vần kệ sau:

284. Các ẩn sĩ thời xưa,

Chế ngự, sống khắc khổ,

Bỏ năm dục trưởng dưỡng,

Hành lý tưởng tự ngã.

285. Phạm chí, không gia súc,

Không vàng bạc lúa gạo,

Học hỏitài sản,

Họ che chở hộ trì,

Kho tàng tối thượng ấy.

286. Đồ ăn được sửa soạn,

Được đặt tại ngưỡng cửa,

Với lòng tin, họ soạn

Để cúng bậc Thánh cầu.

287. Với vải mặc nhiều màu,

Với giường nằm trú xứ,

Từ quốc độ giàu có,

Họ đảnh lễ Phạm chí.

288. Không bị ai xâm phạm

Phạm chí thời ấy,

Không bị ai chiến hại,

Họ được pháp che chở,

Không ai ngăn chận họ,

Tại ngưỡng cửa gia đình.

289. Từ trẻ đến bốn tám,

Các Phạm chí thời xưa,

Họ sống hành Phạm hạnh,

Tầm cầu minh và hạnh.

290. Các vị Bà-la-môn,

Không đến giai cấp khác,

Không mua người làm vợ,

Chung sống trong tình thương,

Họ đi đến với nhau,

Trong niềm hoan hỷ chung.

291. Ngoại trừ thời gian ấy,

Thời có thể thụ thai,

Là người Bà-la-môn,

Không đi đến giao cấu.

292. Họ tán thán Phạm hạnh,

Giới, học thức, nhu hòa,

Khắc khổ và hòa nhã,

Bất hạinhẫn nhục.

293. Vị tối thắng trong họ,

Phạm thiên, nỗ lực,

Vị ấy không giao hợp,

Cho đến trong cơn mộng.

294. Ở đời, bậc có trí,

Học theo hạnh vị ấy,

Họ tán thán Phạm hạnh,

Giới đứcnhẫn nhục.

295. Họ xin cơm, sàng tọa,

Vải mặc, bơ và dầu,

Thâu nhiếp thật đúng pháp,

Họ tổ chức tế tự,

Trong lễ tế tự ấy,

Họ không giết bò cái.

296. Như mẹ và như cha,

Như anh, như bà con,

Bò là bạn tối thượng,

Từ chúng, sanh được vị.

297. Bò cho ăn, cho sức,

Cho dung sắc, cho lạc

Biết được lợi ích này,

Họ không giết hại bò.

298. Họ đoan trang thân lớn,

Có dung sắc, danh xưng,

Bản tánh là nhiệt tình,

Trong hành thiện dứt ác,

Họ còn sống ở đời,

Dân chúng hưởng an lạc[23].

Có thể nói, theo kinh Subha, thuộc kinh Trung Bộ[24]bản kinh tương đương ở Hán tạng, kinh Anh-vũ[25], phẩm hạnh cơ bản của một vị Bà-la-môn có thể khái quát thành năm yếu tố, gồm: 1. Chân thực (hay Chân đế: Sacca: 真諦); 2. Khổ hạnh (Tapa: 熱行); 3. Phạm-hạnh (Brahmacariyā: 梵行); 4. Tụng đọc (Ajjhena: 誦習). 5. Thí xả (Cāga: 苦行).

Đặc biệt, chân-đế (Sacca: 真諦) theo giáo nghĩa của Bà-la-môn có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Theo kinh Tăng Chi (A.ii,176), có ba chân-đế theo quan điểm của Bà-la-môn, gồm:

Thứ nhất, "Tất cả loài hữu tình không được làm hại".

Thứ hai, "Mọi dục là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại".

Thứ ba, "Tất cả hữu là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại".[26]

Về phương diện giới luật, có bốn giới quan trọng mà một vị Bà-la-môn cần phải tuân hành. Theo kinh Ma-đăng-già, có bốn giới trọng, nếu phạm thì bị xem như là cực ác, không phải là Bà-la-môn, bao gồm:

Thứ nhất, không được sát hại Bà-la-môn. Thứ hai, không được thông dâm với vợ của thầy. Thứ ba, không được trộm cắp vàng bạc. Thứ tư, không được uống rượu[27].

Bốn giới trọng này với một vài thay đổi về trật tự còn được đề cập trong Tát-bà-đa-tỳ-ni-Tỳ-bà-sa (薩婆多毘尼毘婆沙), quyển 2[28]; kinh Phật khai giải Phạm-chí A-bạt (佛開解梵志阿颰經)[29]; kinh Xá-đầu-gián thái tử nhị thập bát tú (舍頭諫太子二十八宿經)[30].

Có thể nói, một vị Bà-la-môn sống đúng theo giới luật, sẽ thủ đắc những giá trị đặc thù về phương diện tâm linh.

3.  Quả vị tu chứng của Bà-là-môn và quan điểm của Đức Phật.

Theo truyền thống đạo đức được thể chế hóa bằng luật định, tầng lớp Bà-la-môn rất siêng năng tu tập trong giai đoạn ẩn cư sơn lâm. Kinh Trường Bộ ghi:

Các vị ấy loại bỏ các ác, bất thiện pháp, tức là Brāhmanà (Bà-la-môn), và chữ Brāhmanà là danh từ đầu tiên được khởi lên. Những vị nầy lập lên những chòi bằng lá tại các khu rừng và tu thiền trong những nhà chòi bằng lá ấy. Đối với họ, than đỏ được dập tắt, khói được tiêu tan, cối và chày rơi ngả nghiêng, buổi chiều lo buổi ăn chiều, buổi sáng lo buổi ăn sáng; họ đi vào làng, vào thị xã, vào kinh đô để khất thực. Khi họ xin được đồ ăn rồi, họ lại vào các chòi lá trong các khu rừng để tu thiền[31].

Nhờ kiểm thúc tự thân và miên mật thiền định, một vài vị trong số họ đã thành tựu tứ thiền Kinh Phúng Tụng đặc tả trạng thái tứ thiền mà một vị tỳ-kheo trải qua:

Ở đây, vị Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.[32]

Sau khi thành tựu tứ thiền, sẽ chứng đắc ngũ thông với những năng lực như:

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăngmặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

Với Đức Phật, con đường tu tập thực hành tứ thiền, chứng đắc ngũ thông, sanh Phạm Thiên giới không có gì xa lạ, như người sinh trưởng ở làng Nalakara tất sẽ biết rõ con đường dẫn đến Nalakara. Rõ ràng hơn, Ngài đã khẳng định:

Khi được hỏi về Phạm Thiên giới, hay về con đường đưa đến Phạm Thiên giới, Như Lai không phân vân hay ngập ngừng. Và này Thanh niên Bà-la-môn, Ta biết Phạm Thiên giớicon đường đưa đến Phạm Thiên giới, và Ta cũng biết phải thành tựu như thế nào để được sanh vào Phạm Thiên giới[33].

Trong một trường hợp khác, sau khi được ngài Xá-lợi-phất (Sāriputta) hướng dẫn tu tập theo tứ Phạm-trú (catasso appamaññāyo), Bà-la-môn Dhānañjāni nương đó tu tập và sanh lên cảnh giới Phạm Thiên[34]. Trường hợp này Đức Phậtquở trách ngài Xá-lợi-phất (Sāriputta), không phải vì việc trợ giúp này mà do Bà-la-môn Dhānañjāni hội đủ nhiều điều kiện để sanh vào những cảnh giới cao hơn.

Bằng tuệ giải thoát siêu thế, Đức Phật nhận thấy rằng, con đường truyền thống mà các vị Bà-la-môn đi qua tuy đạt được những sở đắc thù thắng, nhưng do căn bản phiền não vẫn còn nên đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Đức Phật khẳng định (A.iv, 428): "Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian"[35]. Tương tự, trong kinh Makhādeva, Đức Phật dạy rằng, truyền thống tốt đẹp ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ.

Từ thực tế các cao đệ của Đức Phật như ngài Xá-lợi-phất, tôn giả Mục-kiền-liên đều đi qua con đường thành tựu tứ thiền, chứng đạt thần thông nhưng đã không dừng lại ở đó. Rõ ràng hơn cả là vị Phạm-chí Lộc-đầu (鹿頭梵志), chỉ cần gõ vào đầu lâu thì sẽ biết kẻ kia chết do vì đâu và nơi chốn sẽ thác sanh về, tuy nhiên không thể biết được tâm của một vị A-la-hán sau khi nhập Niết-bàn[36]. Trường hợp Đề-bà-đạt-đa là minh chứng sống động về những giới hạn tâm linh tương tự như các vị Bà-la-môn đã chứng đạt. Vì lẽ, dù thành tựu Tứ thiền, sở đắc thần thông, nhưng do bị chi phối bởi tham dục nên tôn giả Đề-bà-đạt-đa đã đánh mất thần thông và từng bước chìm dần trong hố sâu tội lỗi[37].

Có thể nói, dù thành tựu tứ thiền khi theo Bà-la-môn pháp nhưng nếu không tu lên những bậc cao hơn thì sẽ bị đọa lạc, như bài kệ của tôn giả Tượng-Xá-lợi-phất (象舍利弗) trong kinh Tăng-nhất-A-hàm:

Thực hành thiền thế tục, chung cuộc không giải thoát./ Đạo diệt tận không thành, nên vương vào ngũ dục./ Củi hết lửa sẽ tắt, không rễ, cành không sanh./ Thạch nữ không hoài thai, La-hán lậu dứt sạch[38].

4.  Vài trường hợp lưu ý về thuật ngữ Sa-môn, Bà-la-môn trong kinh điển.

Trong kinh điển Phật giáo, các thuật ngữ Sa-môn, Bà-la-môn và Phạm-chí thường được sử dụng lẫn lộn, đôi khi nhằm chỉ cho các đạo sĩ Bà-la-môn và có lúc nhằm chỉ cho Đức Phật và các vị Thánh giả A-la-hán. Về phương diện văn bản, tên gọi Sa-môn, Bà-la-môn đi liền nhau trên bi ký số IV của vua A-dục, dường như chỉ cho hai đại diện tôn giáo lớn nhất thời bấy giờ là Phật giáo và Ấn giáo[39].

Trước hết, trong giai đoạn đầu khi mới thành đạo, Đức Phật thường tự nhận mình là một vị đại Sa-môn hoặc là một vị đại Bà-la-môn, hoặc Phạm-chí. Cần phải thấy rõ tính chất của danh từ gắn với từng giai đoạn lịch sử[40].

Trong kinh Phật tự thuyết, một vị tỳ-kheo đã hỏi Đức Phật:

- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Bà-la-môn, và có bao nhiêu pháp, tác thành Bà-la-môn?

Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

5. Sau khi loại ác pháp,

Ai thường hành chánh niệm,

Kiết sử đoạn, giác ngộ,

Những vị ấy ở đời,

Thật là Bà-la-môn.

Như vậy, một vị Bà-la-môn đã đoạn trừ hết phiền nãogiác ngộ thì được gọi là Bà-la-môn, tương đương một vị Thánh giả A-la-hán.

Thứ hai, trên một phương diện khác, xét về bản chất, đời sống tại gia cũng như xuất gia của các đạo sĩ Bà-la-môn nếu như tuân giữa theo giới luật thì chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, tạo nên truyền thống tốt đẹpĐức Phật đã từng ca ngợi. Do vậy, đôi khi Đức Phật tán thán Bà-la-môn như chính thực Bà-la-môn. Điều này được khẳng định rõ ràng hơn trong kinh Trung A-hàm[41]:

Thế nào gọi là “Sa-môn”? Là người đã đình chỉ các pháp ác bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Sa-môn.

Thế nào gọi là “Phạm chí”? Là người xa lìa các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế mà là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Phạm chí. (Tuệ Sĩ, dịch)[42].

Cần lưu ý rằng, Sa-môn hay Phạm-chí chỉ mới đạt được ngưỡng đình chỉ (息止) và xa lìa (遠離) ác pháp nên chính là Sa-môn, Bà-la-môn của Ấn giáo.

Tương tự, trong kinh Pháp Cú, có những đoạn ca ngợi tâm thế ẩn cư ly dục, ly bất thiện pháp, hành bất hại tương tự như hành hoạt của một vị Bà-la-môn, Phạm chí Ấn giáo. Cụ thể, kinh Pháp Cú ghi:

Tâm trút bỏ pháp ác

Giống như rắn thay da

Dục chẳng làm sa đà

Là xứng danh phạm chí[43].

Hoặc:

Bỏ gậy gộc, vũ khí

Tâm ý không hại ai

Chẳng tổn hại muôn loài

Là xứng danh phạm chí[44]. (Thích Nguyên Hùng, dịch)

Có thể nói, với bốn trọng giới của Bà-la-môn như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm và không uống rượu cùng với những thiết chế nghiêm ngặt về một đời sống thanh cao của Bà-la-môn theo luật Manu (manusmṛti: मनुस्मृति), quả đúng như Đức Phật đã từng tán thán:

Họ còn sống ở đời,

Dân chúng hưởng an lạc[45]

(Yāva loke avattiṃsu,

sukhamedhitthayaṃ pajā (Sn. 50)[46]

5.  Kết luận.


Có những thuật ngữ đặc thù được sử dụng với những nghĩa khác nhau, tùy theo cách hiểu của mỗi tôn giáo. Khái niệm Sa-môn, Bà-la-môn là những trường hợp như vậy. Việc hiểu không đầy đủ về khái niệm này sẽ dẫn đến những hệ luận sai lầm nghiêm trọng.

Xét về nguồn cội, Bà-la-môn là một cộng đồng dân cư với những nguyên tắc sống thanh sạch, có trách nhiệm, với lý tưởng vươn tới một cảnh giới tự tại an nhiên, vô dục như Phạm thiên. Hiện thực cuộc sống cũng như lý tưởng hướng về của Bà-la-môn giáo thời kỳ đầu đúng nghĩa với nguyên ngữ Phạm-hạnh (brahmacariyā).

Trong giai đoạn đầu của quá trình hoằng hóa, Đức Phật đã vận dụng những thuật ngữ có sẵn như Sa-môn, Bà-la-môn để nói về Ngài và chỉ cho các bậc đệ tử A-la-hán nhưng có những thay đổi cần thiết về nội dung. Nói cách khác, Đức Phật đã tái định nghĩa danh từ Sa-môn, Bà-la-môn bằng cách chuyển tải một chất liệu mới, chất liệu vô lậu giải thoát vào những danh xưng này.

Theo nhịp vận hành của lịch sử, Bà-la-môn với tư cách là một tôn giáo ở thời Đức Phật đã bộc lộ những dấu hiệu suy tàn. Quá trình tha hóa ngày càng gia tăng khi các vị Bà-la-môn ở thời Phật không hiểu rõ về nguồn gốc thủy tổ, không giữ được phẩm hạnh vốn có, ngay cả việc tế tự cũng thực hành sai lệch so với pháp cựu truyền, chưa kể đến những thủ pháp thấp hèn nhằm phương hại thanh danh Phật giáo. Do vậy, tên gọi Bà-la-môn ở thời kỳ này thường gắn với những giá trị tiêu cực, hủ bại.

Như vậy, trong kinh điển Phật giáo, tùy theo ngữ cảnh xuất hiện mà tên gọi Sa-môn, Bà-la-môn được hiểu theo ba khuynh hướng. Thứ nhất, chỉ cho những phẩm tính trong sạch của Bà-la-môn giáo thời kỳ đầu. Thứ hai, biểu thị cho Đức Phật và các bậc thánh giả A-la-hán. Thứ ba, dùng để xác định một mảng tối, tiêu cực trong hành hoạt của một bộ phận tu sĩ Bà-la-môn.



[1] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield,VA: Nataraj Books, 2014, p.1096

[2] Ibid.

[3] Ibid.

[4] Ibid.

[5]大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第一, 大本經. Nguyên văn: 沙門者,捨離恩愛,出家修道,攝御諸根,不染外欲, 慈心一切, 無所傷害, 逢苦不慼,遇樂不欣,能忍如地,故號沙門.

[6] Trường A-hàm, tập 1, Tuệ Sỹ dịch và chú. NXB. Phương Đông, 2008, tr.50.

[7]大正藏第 23 冊 No. 1440 薩婆多毘尼毘婆沙, 卷第七.

[8] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.804.

[9] Sacred Books of the East, Volume 25. George Bühler, trans. p.75. Cf: a twice-born man shall marry a wife of equal caste who is endowed with auspicious (bodily) marks

[10] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield,VA: Nataraj Books, 2014, p.1131.

[11] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield,VA: Nataraj Books, 2014, p.741. Cf: One who knows and repeats the Vedas.

[12] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.804.

[13] Kinh Doṇabrāhmaṇasuttaṃ ở văn hệ Pāli ghi nhận khoảng thời gian này là 48 năm: aṭṭhacattālīsavassāni. Tư liệu Hán tạng cũng tương tự: 行童真梵行四十八年. Xem tại, 大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經, 卷第四十, 頭那經.

[14] Sacred Books of the East, Volume 25. George Bühler, trans. p.74. Cf: The vow (of studying) the three Vedas under a teacher must be kept for thirty-six years, or for half that time, or for a quarter, or until the (student) has perfectly learnt them.

[15]大正藏第 54 冊 No. 2131 翻譯名義集, 一

[16] Sacred Books of the East, Volume 25. George Bühler, trans p. 75

[17] Sacred Books of the East, Volume 25. George Bühler, trans. p.198. Cf: When a householder sees his (skin) wrinkled, and (his hair) white, and. the sons of his sons, then he may resort to the forest.

[18] Ibid. p. 204-205. Cf: But having thus passed the third part of (a man's natural term of) life in the forest, he may live as an ascetic during the fourth part of his existence, after abandoning all attachment to worldly objects.

[19] Ibid. p. 205. Cf: A twice-born man who seeks final liberation, without having studied the Vedas, without having begotten sons, and without having offered sacrifices, sinks downwards.

[20] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.805-806

[21]大正藏第 54 冊 No. 2130 翻梵語, 卷第三. Nguyên văn: 梵志 舊譯曰. 梵者淨. 案梵志是此間語. 非外國音. 梵是訓淨. 如猶寂訓靜. 非異國音. 聲論者云. 外國呼梵為婆羅摩. 呼志為婆他刺.

[22] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 803-804

[23] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 392-394. Kinh Hán tạng tương đương: 大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經, 卷第三十九, 梵波羅延經.

[24] Kinh Trung Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 1012, tr. 253-254.

[25] Trung A-hàm, tập 3, Tuệ Sỹ dịch và chú, NXB. Phương Đông, 2009, tr.1573

[26] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 524-526. Hán tạng tương tương: 大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第三十五, 九七二.

[27]大正藏第 21 冊 No. 1300 摩登伽經, 卷上. Nguyên văn: 婆羅門法. 犯四種罪. 名為極惡. 非婆羅門. 何等為四. 一者殺害諸婆羅門. 二婬師妻. 三者盜金. 四者飲酒. 唯此四惡. 名之為罪.

[28] Nguyên văn: 外道亦制四重:一不婬師婦、二不盜金、三不殺婆羅門、四不飲白酒

[29] Nguyên văn:不得殺人,殺牛, 不得盜金銀, 不婬師家及弟子婦, 不得飲酒.

[30] Nguyên văn:不盜金飲酒.不為犯師婦.無害諸梵志.是為四句法

[31] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.554-555.

[32] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 653.

[33] Kinh Trung Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 1012, tr. 261.

[34] Kinh Trung Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 1012, tr.225-235

[35] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 500-502.

[36]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十, 四. Xem thêm, Trưởng lão Tăng kệ, Vangisa. Tích truyện Pháp Cú, phẩm Bà-la-môn.

[37] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.110-111.

[38]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第四十六, 四. Nguyên văn: 遊於世俗禪,至竟不解脫,不得滅盡跡,復習於五欲.無薪火不燃,無根枝不生, 石女無有胎,羅漢不受漏.

[39] Cunningham, Alexander. Corpus Inscriptionum Indicarum: Inscriptions of Asoka. Vol. I. Calcutta: Office of the Superintendent of Government Printing. 1877. p.69

[40]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十五. Nguyên văn: 如來成佛未久,眾人稱號名大沙門

[41]大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經, 卷第四十八, 馬邑經. Nguyên văn: 云何沙門?謂息止諸惡不善之法,諸漏穢污,為當來有本,煩熱苦報,生,老,病,死因,是謂沙門. 云何梵志?謂遠離諸惡不善之法,諸漏穢污,為當來有本,煩熱苦報,生,老,病,死因,是謂梵志.

[42] Trung A-hàm, tập 4, Tuệ Sỹ dịch và chú, NXB. Phương Đông, 2009, tr.1934-1935.

[43]Kinh Pháp cú Bắc truyền, Thích Đồng Ngộ-Thích Nguyên Hùng, dịch, NXB. Tôn giáo, 2017, tr. 171. Nguyên tác Hán tạng:大正藏第 04 冊 No. 0210 法句經, 卷下. Nguyên tác: 心棄惡法,如蛇脫皮,不為欲污,是謂梵志

[44]Kinh Pháp cú Bắc truyền, Thích Đồng Ngộ-Thích Nguyên Hùng, dịch, NXB. Tôn giáo, 2017, tr. 171. Nguyên tác Hán tạng:大正藏第 04 冊 No. 0210 法句經, 卷下. Nguyên tác: 棄放活生,無賊害心,無所嬈惱,是謂梵志.

[45] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 394.

[46] Suttanipātapāḷi. Xem tại: http://www.tipitaka.org/romn/
Thư Viện Hoa Sen

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/04/2011(Xem: 80172)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.