TIỂU THỪA PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN
Tác Giả:
Kimura Taiken
Hán Dịch: Thích
Diễn Bồi - Việt Dịch: Thích Quảng Độ
Xuất Bản: Viện
Đại Học Vạn Hạnh Việt
CHƯƠNG IV
SỰ KHẢO SÁT
VỀ PHẬT VÀ BỒ TÁT CỦA A-TỲ-ĐẠT-MA
Trờ lên, chúng tôi đã thuật qua về bối cảnh sự thực, sau đây, ta hãy nhìn qua sự khảo sát của A-Tỳ-Đạt-Ma luận.
Dùng Phật truyện được lược thuật ở chương trên làm cơ sở, dựa theo ý nghĩa, lý do và hành tích của nó để khảo sát về phương diện thần học: đó là mục đích của A-Tỳ-Đạt-Ma. Mà sự khảo sát này, giữa các bộ phái Tiểu thừa vì không nhất trí, nên sau này, Phật-đà-luận, Bồ-tát-luận đã trở thành điểm tranh luận chủ yếu giữa các bộ phái đó. Điểm này, như đã nói ở trên, trong Tôn-luân-luận, Luận-sự, Ba-hu-da (tham chiếu Locottaravàdin ‘s Mahavastu; Winternitz: Geschichte der Indischen Litterratur, II, s,187-193. Milindapanha, book IV; Phật-đà--luận phẩm S.B.E. part II, p,I-202), v.v… đã được luận cứu dưới nhiều hình thái. Dĩ nhiên, vấn đề này lấy Phật Thích Ca làm trung tâm, nhưng, như đã được trình bày trong tiết trước, trước Phật Thích Ca, còn thừa nhận có bảy đức Phật, hai mươi bốn Phật cho đến vô số Phật, ở quá khứ, do đó, lại cần phải khảo sát những sự tích của thời đại Bồ tát, và kết quả vấn đề này, cũng giống như vấn đề La hán, đã trở thành vấn đề pháp tướng, vì thế mà lại cần phải nghiên cứu A-Tỳ-Đạt-Ma luận.
Song, đối với vấn đề này, thái độ của các bộ phái như thế nào? Dĩ nhiên, nếu cử nhất nhất nói về mỗi phái thì tuy có nhiều ý kiến, nhưng nếu nhận xét mộ cách đại thể, thì: các phái thuộc Thượng-tọa-bộ-hệ vốn là hệ thống trọng sự thực nên cũng muốn giải thích nó theo sự thực; còn các phái thuộc Đại-chúng-bộ-hệ vốn là hệ thống lý tưởng nên muốn lấy Phật và Bồ tát làm lý tưởng để quan sát. Nói cách khác, Thượng-tọa-bộ-hệ phần nhiều nhận Phật và các kiếp Bồ tát tiền thân của ngài là yếu tố nhân gian; còn Đại-chúng-bộ-hệ thì lại muốn đặt nặng về phương diện siêu nhân gian để giải thích. Và vấn đề này đã được phát huy trong nhiều trường hợp, cho nên ta cần hiểu nó trước.
Vấn đề trên đây được chia thành hai: 1- Liên quan về Phật và các kiếp Bồ tát tiền thân của ngài. 2- Liên quan đến bản tính của chính đức Phật khi thành chính giác. Như đã nói ở trên, kiếp này thành Phật không phải chỉ kết quả của sự tu dưỡng trong kiếp này mà là kết quả của sự tu dưỡng trải qua vô số kiếp. Trong khoảng thời gian dài đặc ấy, thành tích, tư cách và trình của Bồ tát như thế nào? Đó là điều cần phải luận cứu trước khi đề cập đến Phật-thân-quan. Như vậy, bản tính của Phật sau khi thành chính giác như thế? Tác dụng ra sao? Và mối quan hệ hỗ tương dị đồng giữa chư Phật như thế nào? Đó là những vấn đề thuộc về Phật-đà-luận thuần túy. Phật-đà-luận của A-Tỳ-Đạt-Ma, như sẽ được trình bày sau, chia thành bốn giai đoạn tu hành của Bồ tát luận và bản tính Phật.