Khảo cứu học thuyết “duyên khởi” trong Kinh Trung Bộ

27/11/20224:48 SA(Xem: 3394)
Khảo cứu học thuyết “duyên khởi” trong Kinh Trung Bộ
KHẢO CỨU HỌC THUYẾT “DUYÊN KHỞI”
TRONG KINH TRUNG BỘ 

Thích Nữ Mai An
Thạc sĩ Phật học khóa IV, Học viện PGVN tại TP. HCM

Mở đề
Toàn bộ quy luật vận hành của vũ trụ nhân sinh được đức Phật tóm lại trong một chân lý ngắn gọn:“Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sinh, cái kia sinh. Nếu cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt.” Đó là giáo lý duyên khởi.
Quy luật duyên khởi bao gồm 2 mặt: duyên sinh và duyên diệt, diễn ra đa chiều. Quá trình sinh – diệt, diệt – sinh này diễn ra liên tục và kéo dài từ vô thủy đến vô chung. Từ sự sinh thànhhoại diệt của thân thể cho đến tâm thức của con người nói riêng và chúng hữu tình nói chung; cho đến sự hình thành và tan hoại của trái đất và vũ trụ đều có thể được gói gọn trong quy luật ấy. Trí tuệ của Thế Tôn không chỉ khám phá ra quy luật mà còn chỉ ra cách vận dụng quy luật đó để con người có thể giải thoát khổ đau, đạt đến hạnh phúc. Nội dung bài viết sẽ khảo cứu về học thuyết duyên khởi chủ yếu qua Kinh Trung Bộ.

Qua khảo cứu ở Kinh Trung Bộ, người viết nhận thấy số lần từ “duyên khởi” xuất hiện như sau:

hoc thuyet duyen khoi 0

Ngoài ra có rất nhiều bài kinh tuy không đề cập đến chữ “duyên khởi” nhưng nội dung cũng có một phần bàn đến chu trình duyên sinh, duyên diệt.

Các khía cạnh của học thuyết duyên khởi

Nội dung

1. Học thuyết duyên khởi thể hiện trong thế giới quan

Đức Phật quan niệm không có một vị Brahma (Phạm Thiên) hay thần thánh nào sáng tạo ra vũ trụquyết định mọi thứ, vũ trụ không phải tự nhiên sinh ra không có nguyên nhân, cũng không phải từ một nguyên nhân đầu tiên là tâm hay vật chất, như những khuynh hướng tư duy triết học phổ biến trên thế giới. Nói tóm lại, đức Phật phủ định tất cả những thế giới quan đồng thời với Ngài.

Học thuyết duyên khởi chính là quy luật vận hành vũ trụđức Phật khám phá ra, vì thế nó mang tính chân lý. Theo đó, sự xuất hiện của một hiện tượng, sự vật đều liên quan đến rất nhiều nguyên nhân (duyên), và từ nguyên nhân đó lại liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nữa. Đồng thời, bản thân sự vật, hiện tượng đó lại góp phần làm điều kiện cho những sự vật, hiện tượng khác xuất hiện. Đó là theo chiều thuận, ngược lại theo chiều nghịch, nếu một sự vật, hiện tượng tan hoại, nguyên nhân là vì có sự tan hoại của những điều kiện (duyên) sinh ra nó, và sự tan hoại của bản thân sự vật hiện tượng đó sẽ kéo theo những sự tan hoại khác của các sự vật, hiện tượng khác.

Ảnh minh họa:

hoc thuyet duyen khoi 1

Qua biểu đồ minh họa trên, chúng ta thấy “cây lúa” là một sự vật, để ra “kết quả” là cây lúa, cần có rất nhiều tầng nguyên nhânđiều kiện (duyên). Rồi từ cây lúa như là một nguyên nhân, điều kiện (duyên), sẽ đóng góp cho sự hình thành của nhiều tầng sự vật, hiện tượng khác. Đó gọi là duyên khởi, theo chiều thuận. Ngược lại, nếu lấy đi một yếu tố trong các điều kiện hình thành cây lúa, cây lúa sẽ không thể phát triển tốt, hoặc sẽ chết; và thiếu cây lúa thì cũng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh khởi của các sự vật, hiện tượng khác, đó là chiều nghịch. Quy luật đó không chỉ diễn ra trên cây lúa mà diễn ra một cách phổ quát từ vũ trụ bao la cho tới một vi thể nhỏ bé.

Đó gọi là: “Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sinh, cái kia sinh. Nếu cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt.”(1)

Như vậy quy luật duyên khởi bao gồm 2 mặt: duyên sinh và duyên diệt, diễn ra đa chiều. Quá trình sinh – diệt, diệt – sinh này diễn ra liên tục và kéo dài từ vô thủy đến vô chung.

Chu trình hình thành và hoại diệt của thế giới:

Đối với thế giới, quá trình hình thành và hoại diệtdiễn ra 4 giai đoạn Thành – Trụ – Hoại – Không (Sinh – Trụ – Dị – Diệt). Chỉ trong giai đoạn Trụ mới có sinh vật tồn tại. Còn đối với chúng sinh thì 4 giai đoạn đó là Sinh – Già – Bệnh – Chết.(2) Người viết tạm minh họa như sau:

hoc thuyet duyen khoi 2
Và sự sinh diệt đó chỉ diễn ra trên bề mặt hiện tượng, còn xét về bản thể thì chỉ là sự thay đổi, chuyển hóa liên tục của những sự vật, hiện tượng đó (không sinh không diệt).

Các nguyên tố tham gia cấu tạo nên phần vật chất của thế giới:

Trong những nhân duyên cơ bản dẫn đến sự hình thành vũ trụ và muôn loài có các nguyên tố vật chất được đức Phật trình bày thành 4 giới: địa giới (đất, tính chất rắn, khối, có trọng lượng), thủy giới (nước, tính chất lỏng, dính, kết tụ), hỏa giới (lửa, tính chất nóng – lạnh, tính đốt cháy – làm teo lại), phong giới (gió, tính vận động, co giãn, dịch chuyển). Bốn nguyên tố này kết hợp hài hòa với nhau tạo nên phần vật chất của thế giới, và khi nó tan hoại thì vật chất cũng tan hoại.

hoc thuyet duyen khoi 3

2. Học thuyết duyên khởi thể hiện trong nhân sinh quan.

Các yếu tố tạo nên một con người/ một chúng sinh

Theo giáo lý duyên khởi, sự sinh thànhhoại diệt của một con người nói riêng và chúng hữu tình nói chung, đều do những điều kiện (duyên) đa chiều tạo nên, không thể nói chỉ do vật chất hay chỉ do tâm thức, và tuyệt đối không phải do sự sáng tạo của thần linh, càng không phải tự nhiên mà có không do nguyên nhân gì.

Đức Phật giảng chi tiết trong rất nhiều bài kinh, con người được tạo nên từ 2 nhóm yếu tố, nhóm vật chất (sắc pháp) do tứ đại kết hợp mà thành, gồm địa, thủy, hỏa, phong; nhóm tâm thức (danh pháp) do 4 nhóm tạo thành, gồm thọ, tưởng, hành, thức. Gọi chung sắc pháp và danh pháp là ngũ uẩn (sắc – thọ – tưởng – hành – thức). Chữ uẩn trong tiếng Pāli là “khandha” (sk. skandha) nghĩa là “đống”, “khối”, “nhóm”…(2) Tất cả là một sự tập hợp, có sinh, có diệt, nằm ngoài mong muốn chủ quan của ta, nên không có gì để gọi là ta, là tự ngã. Và cũng không có vị thần linh nào làm chủ cho quá trình sinh diệt đó. Tất cả theo luật duyên khởi của vũ trụvận hành.

Trong Đại Kinh Đoạn Tận Ái, đức Phật cho biết 4 điều kiện cơ bản dẫn đến sự sinh (tinh cha – trứng mẹ – ngày người nữ có thể thụ thai – hương ấm (Gandhabba)), trong đó, ngoài yếu tố vật chất còn có yếu tố tâm thức:

“Và này các Tỳ kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấmhiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình.”(4)

Qua thời gian ở trong bụng mẹ đến khi chào đời, cho đến lúc trưởng thành, các yếu tố sắc pháp (vật chất) phát triển được nhờ tứ đại (thông qua máu của mẹ nuôi khi trong thai, sữa của bà mẹ khi đứa bé chào đời, thực phẩm khi trưởng thành). Còn yếu tố tâm thức khởi đầu từ tâm tái sinh trưởng thành dần dần, qua tiếp xúc với cảnh trần mà biểu hiện thành thọ, tưởng, hành, thức rõ rệt.

Đức Phật giải thích chi tiết về các sắc pháp (nội sắc: nội địa giới, nội thủy giới, nội hỏa giới, nội phong giới; ngoại sắc: ngoại địa giới, ngoại thủy giới, ngoại hỏa giới, ngoại phong giới) trong bài Kinh Trung Bộ số 62. Đại kinh Giáo giới La Hầu La (Mahā Rāhulovāda sutta), theo cú pháp như sau: “- Này Rahula, cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ; như vậy, này Rahula, được gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới. Địa giới ấy phải được quán sát như thật với chính trí tuệ như sau: “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự là ngã của ta”. Sau khi như thật quán sát địa giới với chính trí tuệ như vậy, vị ấy sinh yểm ly đối với địa giới, tâm từ bỏ địa giới.”

Như vậy, nội sắc là những gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân của chủ thể; ngoại sắc là những gì thuộc vật chất bên ngoài chủ thể đó. Quán chiếu về nội sắc, ngoại sắc là một phần phải trải qua trong lộ trình tu tập của một vị đệ tử Phật: “Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Tám Giải thoát. “Tự mình có sắc, thấy các sắc”, đó là giải thoát thứ nhất. “Quán tưởng nội sắc, thấy các ngoại sắc”, đó là giải thoát thứ hai. “Quán tưởng (sắc là) tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy”, đó là giải thoát thứ ba. Vượt hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng đối ngại, không suy tư đến những tưởng khác biệt, với suy tư “Hư không là vô biên”, chứng và trú “Không vô biên xứ”, đó là giải thoát thứ tư.”(6)

Biểu đồ sau đây tạm mô tả chu trình sinh diệt của một con người – một chúng sinh hữu tình, cùng với phân biệt nội sắc và ngoại sắc.

hoc thuyet duyen khoi 4

Cứ như thế, từ lúc sinh ra đến chết, và tái sinh, dòng sông ngũ uẩn (sắc – thọ – tưởng – hành – thức) thay đổi liên tục, theo hướng hạ (đem lại khổ đau), hoặc hướng thượng (hạnh phúc, an lạc). Trong sự quan sát của đức Phật, không có sự thay đổi nào không có nhân duyên, và chính vì vậy nắm rõ quy luật vận hành của thân – tâm, con người sẽ chủ động tạo ra những nhân duyên tốt lành (tạo thiện nghiệp) cho danh và sắc của mình trong đời này và đời sau. (xem thêm “Kinh Tiểu Nghiệp phân biệt”, “Kinh Đại nghiệp phân biệt”(7)).

Phân tích về các dạng thức tồn tại của chúng hữu tình, đức Phật dạy có 4 chủng loại sinh (noãn – thai – thấp – hóa), tồn tại trong 3 cõi/ tam giới (dục giớisắc giớivô sắc giới), và tất cả đều ở trong thế giới đầy ô trược khổ đau gọi là ngũ trược ác thế (kiếp trượckiến trượcphiền não trượcchúng sinh trược – mạng trược).(8)

Mười hai nhân duyên – các mắt xích sinh tử của đời sống

Quy luật duyên khởi cũng thể hiện rất chính xác trên chuỗi sinh mạng của con ngườichúng hữu tình nói chung, từ nhân duyên này dẫn đến kết quả này, và kết quả này lại là nhân duyên để hình thành nên kết quả khác, cứ thế liên tục diễn biến từ sinh tới chết rồi tái sinh trở lại. Vòng đời của một con người hay của một chúng hữu tình đều xoay chuyển trong chuỗi 12 nhân duyên. Đức Phật mô tả 12 nhân duyên bắt đầu với vô minhkết thúc với lão – tử và sầu bi khổ ưu não – toàn bộ khối khổ đau sinh khởi. Mười hai nhân duyên được diễn giải theo hai chiều thuận, nghịch. Chiều thuận là: “(…) vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu; hữu duyên sinh; do duyên sinh lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh khởi. Như vậy, này Ananda, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.” Và chiều nghịch là: “do sự diệt trừ, sự ly tham hoàn toàn của chính vô minh này, các hành diệt; do các hành diệt, danh sắc diệt; do danh sắc diệt, lục nhập diệt; do lục nhập diệt, xúc diệt; do xúc diệt, thọ diệt; do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt; do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sinh diệt; do sinh diệt, lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt hoàn toàn của khổ uẩn này.”

Ở đây, theo người viết, chữ “duyên” có thể hiểu là “làm điều kiện/làm nguyên nhân/làm duyên khởi cho”, ví dụ “thọ duyên ái” sẽ được hiểu là “thọ làm điều kiện/làm nguyên nhân/ làm duyên khởi” cho ái; nghĩa là thọ khiến cho ái phát sinh. Hay nói ngược lại thì như đức Phật giảng trong “Đại kinh Đoạn tận ái”: “Ái lấy thọ làm nhân duyên, lấy thọ làm tập khởi, lấy thọ làm sinh chủng, lấy thọ làm nguyên nhân.”(9)

Để dễ nhìn thấy sự vận hành của 12 nhân duyên và các yếu tố liên quan, người viết xin trình bày dưới dạng biểu đồ sau:

hoc thuyet duyen khoi 5

Qua đó, chúng ta thấy rõ những mắt xích của 12 nhân duyên, cái này làm nhân cho cái kia, để tạo ra một chúng sinhtoàn bộ khối khổ uẩn (sinh – lão – tử – sầu bi khổ ưu não). Cũng qua biểu đồ, cho thấy sự liên kết giữa 4 loại thức ăn và ái. Vì có ái, mà có nắm bắt và tiêu thụ 4 loại thức ăn. Và do tiêu thụ 4 loại thức ăn mà nhiên liệu cho sự tồn tại của chúng sinh có mặt (điều đó không có nghĩa rằng bậc giác ngộ đã trừ bỏ nhân duyên của khổ đau thì sau khi nhập Niết Bànđoạn diệt, trống rỗng, không còn gì cả. Về vấn đề này, đức Phật giảng rõ trong một bài kinh khác, người viết sẽ phân tích ở phần sau.)

Do Tỳ kheo Sa-ti khởi tà kiến rằng “thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác” nên Thế Tôn đã gọi đến quở trách và khẳng định: “Ta đã dùng nhiều pháp môn nói là thức do duyên khởi, không có duyên, thì thức không hiện khởi” và phân tích sự vận hành của quy luật duyên khởi ở thức như sau:

“Này các Tỳ kheo, do duyên mà thức sinh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sinh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và các tiếng, thức sinh, và thức ấy có tên là nhĩ thức. Do duyên mũi và các hương, thức sinh, và thức ấy có tên là tỷ thức. Do duyên lưỡi và các vị, thức sinh, và thức ấy có tên là thiệt thức. Do duyên thân và các xúc, thức sinh và thức ấy có tên là thân thức. Do duyên ý và các pháp, thức sinh, và thức ấy có tên là ý thức. Này các Tỳ kheo, do duyên nào lửa sinh và lửa ấy có tên tùy theo duyên ấy: duyên củi, lửa sinh, lửa ấy gọi là lửa củi. Duyên vỏ gỗ bào, lửa sinh, lửa ấy gọi là vỏ bào. Duyên cỏ, lửa sinh, lửa ấy gọi là lửa cỏ. Duyên phân bò, lửa sinh, lửa ấy gọi là lửa phân bò. Duyên trấu, lửa sinh, lửa ấy gọi là lửa trấu. Duyên đống rác, lửa sinh, lửa ấy gọi là lửa đống rác. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, do duyên, thức sinh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy.”(10)
Nói tóm lại, thuyết duyên khởi áp dụng trên con ngườichúng hữu tình đã thống nhất với các giáo lý về mười hai nhân duyên, ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới một cách vô cùng chặt chẽ và toàn diện.

Và để chặt đứt vòng 12 nhân duyên, chấm dứt luân hồi sinh tử khổ đau, chỉ cần chặt đứt một mắt xích là các mắt xích khác tự tan rã. Vì vậy, có chỗ đức Phật dạy chặt đứt mắt xích “vô minh”, có chỗ là chặt mắt xích “ái”, có chỗ chặt mắt xích “thọ”,… Về sau, chư Tổ cũng tùy theo căn cơ của chúng sinh mà đưa ra các pháp môn để chặt đứt các mắt xích này (ví dụ: pháp quán thọ của Ngài Goenka lấy thọ làm đối tượng).

Kết luận

Trong Kinh Tạp A Hàm, có đoạn nói chuyện giữa Thế Tôn với chư vị Tỳ kheo như sau:

“Bạch Thế Tôn, pháp duyên khởi mà Ngài nói, là do Thế Tôn làm ra hay do người khác làm ra?”

Phật bảo Tỳ kheo: “Pháp duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Laixuất hiện hay chưa xuất hiệnthế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng chính giác, vì tất cả chúng sinhphân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bày; đó là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành, … cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt,… cho đến việc thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt.”(12)

Đó là lời khẳng định cho tính cách quy luật và tầm quan trọng của lý duyên khởi.

Đối với giáo lý duyên khởi khó mà dám khẳng định có thể hiểu trọn vẹn, chưa kể người viết chỉ là người đang tìm học, chưa phải là bậc chứng ngộ, chắc chắn trong cách hiểu, cách trình bày chưa thể hoàn thiện về một giáo pháp thâm áo như giáo pháp này.

Người viết nhận thấy sự học hỏi kinh điển là một quá trình văn, tư, tu lâu dài, không thể nào trong một sớm một chiều mà có thể lĩnh hội hoặc áp dụng được văn nghĩa của kinh. Đó là chưa kể sự cách biệt về thời gian, không gian, nhiều văn cảnh trong kinh trở nên quá xa lạ với người đương đại. Chính vì vậy, công trình học tập kinh điển đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn trong việc đọc đi đọc lại, tra cứu thuật ngữ, so sánh các bản kinh tương đồng Việt ngữ hay cổ ngữ, Anh ngữ,…

Tuy nhiên, ngày nay, người tu cả xuất gia lẫn tại gia còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc học hỏi kinh điển, với nhiều lý do như:

1/ Trình độ tri thức, năng lực ngoại ngữ, và điều kiện tiếp cận kinh điển trong đại bộ phận Phật tử còn rất hạn chế.

Phần nhiều các kinh điển, nhất là văn hệ Nikāya và Āgama, không được nhắc đến nhiều trên diện rộng, đối với người bình dân và cả trong nhiều đối tượng trí thức Phật tử, thậm chí trong các sơn môn. Trong những pháp thoại, phần nhiều chỉ được giảng dạy qua mấy chữ vỏn vẹn “lời Phật dạy” không rõ nguồn gốc, thậm chí có khi người trích dẫn cũng không nắm rõ nguồn. Trong những thời kinh Nhật tụng, hiếm thấy bóng dáng Kinh điển Nikāya hoặc Āgama.

Đôi khi ở một vài môi trường tu tập, thậm chí người tu còn được “ru ngủ” rằng chỉ cần tin, không cần hiểu, không cần biết nhiều; khiến cho Phật giáo không còn là đạo của trí tuệ, đạo đến để mà thấy, để mà chứng nghiệm nữa; mà đã trở thành đến để mà tin, tin không bàn cãi, tin vì chư tổ không thể nói dối, không khác gì các tôn giáo thần quyền khi xưa (!). Điều đáng buồn là điều này không phải để giảng dạy cho người già, mà rất nhiều người tu trẻ cũng chân thành tin tưởng như vậy, từ chối việc học hỏi, chiêm nghiệm thêm ngay cả khi mình còn rất non yếu trên đường đạo.

Nên chăng có những cuộc vận động đọc kinh, viết về kinh nghiệm tu học khi tiếp xúc kinh điển, như những cuộc vận động đọc sách do những nhà sách tổ chức, ít nhiều sẽ tạo ra sinh khí mới trong sự học hỏi kinh điển, dù rằng có phần hơi ồn ào như kiểu thế tục.

Bản thân những giảng sư thì cần tự trau dồi thêm kiến thức Phật họcchịu khó tra nguồn, nói rõ nguồn trong khi giảng dạy càng nhiều càng tốt, để huân tập cho người nghe về tên gọi kinh điển, chứ chưa nói đến nội dung kinh.

Và kinh Nhật tụng ở các chùa nên phong phú hơn, có sự “đổi món” nhiều hơn để tránh chai lỳ tâm thức, tránh trở thành tụng đọc máy móc và sáo rỗng, và giới thiệu kinh tạng Nikāya và Āgama nhiều hơn.

2/ Văn phong trong kinh tạng Nikaya và Āgama có phần hơi cổ, với nhiều người sẽ khó đọc, khó hiểu. Và chính vì vậy mà phần lớn giáo lý gần với tinh thần đạo Phật nguyên chất hơn cả lại trở nên xa lạ với số đông người con Phật. Đó là cơ hội cho sự thần thánh hóa, tín ngưỡng hóa Phật giáo trở nên thịnh hành, và trong một số trường hợp, dẫn con người đi xa khỏi chính pháp.

Nên chăng có những hoạt động làm rõ nghĩa kinh điển, chuyển thể nó sang những loại văn học, nghệ thuật khác để có thể đến gần hơn với đại đa số nhân dân. Ví dụ truyện tranh, kịch, phim, sân chơi Phật giáo,…

Ở trên chỉ là một vài phác thảo về việc tạo ra một môi trường học tập Phật giáo rộng mở, để những kinh điển quý giá không trở thành kinh viện, cũ kỹxa lạ với người tu. Hy vọng trong tương lai không xa, Phật giáo nước nhà sẽ thăng hoa không chỉ về số lượng con người và chùa chiền mà còn cả về chiều sâu tu họcthực chứng.

Thích Nữ Mai An
Thạc sĩ Phật học khóa IV, Học viện PGVN tại Tp.HCM
(Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2022)

***

CHÚ THÍCH:
(1) Sđd, “MN.115. Kinh Đa giới” (Bahudhātuka sutta).
(2) Tham khảo Từ điển Phật học, “Thành kiếp” https://vuonhoaphatgiao.com/tu-dien-phat-hoc, truy cập ngày 02.6.2021; xem thêm Trường A Hàm, “30. Kinh Thế Ký”, sđd.
(3) Từ điển Pāli, “khandha”, https://dictionary.sutta.org/vi_VN/browse/k/khandha, truyn cập ngày 03.6.2021.
(4) Trung Bộ Kinh, “MN.38. Đại kinh Đoạn tận ái (Mahatanha sankhaya suttam)”, HT. Thích Minh Châu dịch Việt, budsas.org, truy cập ngày Đại 03.6.2021.
(5) Trung Bộ Kinh, “MN.62. Đại kinh Giáo giới La Hầu La (Mahā Rāhulovāda sutta )”, HT. Thích Minh Châu dịch Việt, budsas.org, truy cập ngày 03.6.2021.
(6) Kinh Trung Bộ, “MN.77. Đại kinh Sakuludàyi (Mahàsakuludàyin sutta)”, HT. Thích Minh Châu dịch Việt, budsas.org, truy cập ngày 03.6.2021.
(7) Kinh Trung Bộ, “MN. 135. Tiểu kinh Nghiệp phân biệt (Cūlakammavibhanga sutta)”, “136. Đại kinh Nghiệp phân biệt (Mahākammavibhanga)”, HT. Thích Minh Châu dịch Việt, budsas.org, truy cập ngày 03.6.2021.
(8) Thích Nhật Từ (2015), fi e mp3 Thế giới quan Phật giáo, Khoa Đào tạo từ xa, HVPGVN TP.HCM, tlđd.
(9) Tlđd.
(10) MN.38. Đại kinh Đoạn tận ái, tlđd.
(11) MN.38. Đại kinh Đoạn tận ái, tlđd.
(12) Kinh Tạp A Hàm, Quyển 12, “Kinh 299. Duyên khởi pháp”, Tỳ kheo Thích Đức Thắng dịch Việt, HT. Tuệ Sỹ hiệu đính & chú thích, https://www.saigon.com/anson/uni/u-kinh-aham-tap/tap12.htm, truy cập ngày 05.6.2021.

 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
27/08/2014(Xem: 11799)
01/04/2017(Xem: 20897)
06/12/2022(Xem: 3756)
01/05/2017(Xem: 22175)
28/05/2016(Xem: 8438)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.