Thư Viện Hoa Sen

Chương 4 : Tái Định Mục Tiêu

06/10/201012:00 SA(Xem: 24894)
Chương 4 : Tái Định Mục Tiêu
Chương 4
TÁI ĐỊNH MỤC TIÊU

Tôi đã quán sát thấy tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và tránh đau khổ một cách tự nhiên. Đó là điều chánh đáng, và theo ý tôi, từ đó có thể suy luận, một hành động luân lý là hành động không làm hại đến kinh nghiệm hoặc hy vọng hạnh phúc của người khác. Và tôi cũng đã mô tả một hiểu biết thực tế cho thấy sự hòa hợp tự nhiên của lợi ích hỗ tương giữa ngã và tha.

Giờ đây chúng ta quán sát bản chất của hạnh phúc. Điều trước tiên cần ghi nhận đó là một tánh chất tương đối. Chúng ta kinh nghiệm nó khác nhau tùy theo hoàn cảnh. Điều khiến cho một người hạnh phúc có thể lại là nguồn đau khổ của kẻ khác. Đa số chúng ta vô cùng hối tiếc nếu bị vào tù chung thân. Tuy nhiên, một kẻ trọng phạm bị dọa án tử hình, có thể rất vui mừng khi được giảm khinh qua một bản ánchung thân. Thứ đến, rất quan trọng phải nhìn nhận rằng, chúng ta dùng cùng từ "hạnh phúc" để mô tả rất nhiều trạng thái khác nhau; một điều ở Tây tạng rất rõ rệt, nơi đó cùng một chữ de wa được dùng cho mọi ý nghĩa "vui thích." Chúng ta nói đến hạnh phúc liên quan đến việc tắm mát vào một hôm trời nóng bức. Chúng ta nói đến nó liên quan đến vài trạng thái lý tưởng, như là khi bảo, "Tôi rất hạnh phúc nếu trúng số lớn."

Chúng ta cũng nói đến hạnh phúc liên quan đến những niềm vui đơn giản trong đời sống gia đình.

Trong trường hợp cuối, hạnh phúc rộng lớn hơn, như là một trạng thái tồn tục mặc bao thăng trầm và đôi lúc gián đoạn. Nhưng trong trường hợp tắm mát vào ngày nóng, vì đó là kết quả của sinh hoạt nhằm thỏa mãn xúc giác, cho nên cần phải ngắn tạm. Nếu ở trong nước quá lâu, chúng ta bắt đầu cảm thấy lạnh. Thật vậy, hạnh phúc đến từ các sinh hoạt như thế còn tùy thuộc vào sự ngắn ngủi của nó. Trong trường hợp trúng số nhiều tiền, vấn đề việc đó có mang đến hạnh phúc lâu dài hoặc chẳng bao lâu thì sẽ bị vượt qua bởi các vấn đề và khó khăn không thể giải quyết chỉ bằng sự giàu có, điều đó còn tùy thuộc vào người trúng số. Tựu trung, ngay dù khi tiền mang đến hạnh phúc cho chúng ta, chỉ nằm trong xu hướng những thứ gì tiền có thể mua được: đồ đạc vật chấtkinh nghiệm giác quan. Khi nào các sở hữu hiện tại còn dính dấp, ta phải nhìn nhận chúng thường tạo ra ít nhiều khó khăn trong cuộc đời. Chiếc xe bị hỏng, tiền của bị mất, các đồ đạc quý giá bị trộm, nhà cửa bị cháy. Hoặc dĩ như vậy, hoặc dĩ chúng ta đau khổ vì tiếc nuối trước các việc đã xảy ra.

Nếu chưa phải là trường hợp quá rõ rệt — nếu thật ra các hành động và hoàn cảnh không chứa đựng bên trong hạt giống khổ đau — thì khi chúng ta càng nhẹ nhàng, hạnh phúc càng dễ đến hơn; ngược lại sự đau đớn càng gia tăng thêm nếu chúng ta càng chú trọng hay chịu đựng nguyên do của nỗi đau. Nhưng đó không phải là trường hợp. Thật vậy, trong khi thỉnh thoảng chúng ta có thể cảm thấy như đã tìm ra hạnh phúc hoàn hảo loại đó, thì sự hoàn hảo đó lại trở thành mong manh như giọt sương trên lá, chiếu sáng chỉ một thời khắc ngắn ngủi, rồi tan biến mất.

Điều này giải thích tại sao đặt quá nhiều hy vọng vào phát triển vật chất là một sai lầm. Các vấn đề không thể được vật chất hóa như thế. Trong đó có một giả định tiềm ẩn rằng, sự toàn mãn không thể đến chỉ bằng sự thỏa mãn các giác quan. Không giống như thú vật chỉ đòi hỏi hạnh phúc hạn chế trong sự tồn sinh và đáp ứng tức thời của nhu cầu giác quan, loài người có khả năng kinh nghiệm hạnh phúctrình độ sâu xa hơn, và khi đạt đến, có khả năng vượt qua các kinh nghiệm trái ngược. Lấy trường hợp một người lính ra chiến trường. Anh ta bị thương, nhưng mặt trận được chiến thắng. Kinh nghiệm thỏa mãn vì chiến thắng sẽ khiến cho kinh nghiệm đau đớn vì thương tích của anh cảm nhận ít hơn của một người lính phía thua trận chịu cùng một vết thương.

Khả năng con người kinh nghiệm các trình độ sâu xa khác nhau của hạnh phúc còn giải thích tại sao có những thứ như âm nhạc hay nghệ thuật tạo được mức độ hạnh phúcthỏa mãn lớn hơn cả việc chiếm hữu được các thứ vật chất. Tuy nhiên, mặc dù các kinh nghiệm mỹ quan là nguồn hạnh phúc, chúng vẫn chứa yếu tố giác quan mạnh mẽ. Âm nhạc tùy thuộc vào tai, nghệ thuật vào mắt, khiêu vũ vào thân. Cũng thế, sự thỏa mãn đạt từ việc làm hay nghề nghiệp, thường được đạt đến qua các giác quan. Tự riêng chúng, chúng không thể mang đến thứ hạnh phúc mà ta mơ ước.

Bây giờ, chúng ta có thể lập luận rằng, sự phân biệt giữa hạnh phúc tạm thời cùng dài lâu, hạnh phúc phù du và chân thật là điều tốt; nhưng thứ hạnh phúc duy nhấtý nghĩa đáng nói khi con người sắp chết khát chỉ là gặp được nước. Điều đó không có gì để bàn cãi. Khi đụng vấn đề sống chết, tự nhiên nhu cầu trở nên quá cấp bách đến độ hầu hết khả năng của chúng ta đều nhắm vào việc trọn vẹn cho chúng. Lại nữa, vì sự khẩn thiết phải sanh tồn đến từ nhu cầu vật lý, tiếp theo sau sẽ là sự thỏa mãn của thân xác hạn định không thay đổi trong những gì các giác quan có thể cung ứng. Nhưng vì thế mà kết luận rằng ta phải tìm cách đáp ứng ngay các giác quan trong mọi trường hợp là điều khó thể xác nhận.

Thật vậy, nếu nghĩ kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy sự kích thích ngắn ngủi kinh nghiệm được qua sự làm lắng dịu thúc dục của giác quan không khác mấy với điều mà một người nghiện thuốc cảm thấy khi phải đáp ứng thói quen. Sự giải tỏa tạm thời tiếp theo sau chỉ là một sự đòi hỏi gia tăng. Và nếu ta chỉ nghĩ đến việc làm thỏa mãn các khát vọng cảm giác, kết quả sẽ cùng đường lối với sự dùng thuốc, cuối cùng chỉ mang đến tác hại. Điều này không có nghĩa sự thích thú ta có được trong vài sinh hoạt là điều sai lầm. Nhưng phải nhìn nhận không thể hy vọng làm thỏa mãn được các giác quan một cách thường trực. Chẳng hạn như, hạnh phúc tìm thấy từ việc ăn được một bữa ngon chỉ có thể tồn tại cho đến lần sau khi ta lại đói. Như một tác giả Ấn độ thời cổ nhận xét: Nuông chiều các giác quan và uống nước muối cũng giống nhau: khi càng đưa vào nhiều, thì ham muốn và khát khao càng gia tăng.

Thật thế, chúng ta thấy một số lớn của điều mà ta gọi là đau khổ nội tại có thể đến từ khuynh hướng thúc đẩy tìm hạnh phúc. Chúng ta không hề ngừng lại để quán xét sự phức tạp của một tình trạng xảy ra. Khuynh hướng của ta là vội vã chạy vào và làm bất cứ điều gì hứa hẹn như con đường ngắn nhất để thỏa mãn. Nhưng làm vậy, thông thường ta chỉ đánh mất đi cơ hội đạt đến một mức độ trọn vẹn cao hơn. Điều đó thật có vẻ kỳ lạ. Thường thì ta không chịu cho con mình làm bất cứ điều gì chúng muốn. Ta nhận biết nếu cho chúng tự do, chúng sẽ bỏ thì giờ chơi đùa hơn là học hành. Thay vào đó, ta bắt chúng hy sinh thích thú tức thời của việc chơi đùa và ép chúng vào học. Sách lược này khá kéo dài. Và trong khi khiến chúng bớt vui, lại tạo ra một căn bản vững chắc cho tương lai chúng. Trong khi đó chúng ta, như là người lớn, lại thường quên đi nguyên tắc này. Chúng ta bỏ quên sự kiện, chẳng hạn như, một người phối ngẫu dùng hết thời gian vào việc thỏa mãn các thích thú riêng tư, thì chắc chắn người kia sẽ đau khổ. Và khi chuyện đó xảy ra, điều không thể tránh là hôn nhân trở nên ngày càng khó chịu đựng hơn. Tương tự, chúng ta thất bại trong việc thừa nhận khi cha mẹ chỉ chú trọng lẫn nhau và lơ là con cái, điều đó chắc chắn sẽ mang đến hậu quả tiêu cực.

Khi chúng ta hành động cho thỏa mãn nhu cầu tức thời mà không lưu ý đến ích lợi của tha nhân, sẽ làm tổn hại khả tánh của thứ hạnh phúc lâu dài. Thử nghĩ nếu chúng ta sống trong một khu xóm với khoảng mười gia đình và chưa hề nghĩ đến sự an sinh của họ, tức là tự tước đoạt lấy cơ hội hưởng thụ các lợi lạc từ cộng đồng đó.

Mặt khác, nếu chúng ta cố thân thiệnlưu ý đến an sinh của họ, sẽ tạo cơ hội cho chính hạnh phúc của mình và của cả họ. Hoặc là, thử tưởng tượng một thời điểm nào đó ta gặp gỡ một người mới. Có thể cùng ăn chung với nhau. Điều đó khiến ta mất một ít tiền. Nhưng kết quả là có hy vọng tạo lập một mối liên hệ sẽ mang nhiều lợi ích trong nhiều năm sắp đến. Ngược lại, nếu gặp người nào đó mà lại thấy có cơ hội để lừa đảo họ, và ta làm như thế, mặc dù có thể kiếm được một số tiền tức khắc, nhưng hầu như đã hoàn toàn đánh mất khả năng hưởng lợi lâu dài trong sự giao hảo với họ.

Bây giờ thử quán sát bản chất của hạnh phúc chân thật. Ở đây kinh nghiệm cá nhân của tôi có thể dùng để phác lên trạng thái tôi muốn nói đến. Như là một tăng sĩ Phật giáo, tôi được huấn luyện về thật hành, triết lý và nguyên tắc của Phật giáo. Nhưng tôi không được nhận một loại giáo dục thực tiễn nào hầu đối phó cùng các yêu cầu của đời sống hiện đại. Trong cuộc đời tôi, tôi từng phải giải quyết vô số trách nhiệm và khó khăn lớn lao. Năm mười sáu tuổi, tôi mất tự do khi Tây tạng bị xâm chiếm. Năm hai mươi bốn tuổi, tôi mất cả quốc gia khi phải đi lưu vong. Bốn mươi năm qua tôi sống tỵ nạn trên nước ngoài, mặc dù đó là ngôi nhà của tâm linh tôi. Qua thời gian đó, tôi cố gắng phục vụ cho các đồng bào tỵ nạn, và cố nới rộng khả dĩ đến các đồng bào Tây tạng còn ở quê nhà. Đồng thời, quê nhà tôi còn phải chịu các sự tàn phá và đau khổ khủng khiếp. Tôi chẳng những bị mất mẹ và quyến thuộc, mà cả các bằng hữu. Đối với tất cả những chuyện đó, dù đương nhiên tôi phải buồn mỗi khi nghĩ đến, nhưng nhờ căn bản thanh tịnh được đào luyện, cho nên hầu như tôi thường an tĩnhhài lòng. Ngay khi các khó khăn nhất khởi dậy, tôi cũng không bị chúng làm xao động. Tôi không ngần ngại nói rằng tôi hạnh phúc.

Theo kinh nghiệm của tôi, đặc điểm chính yếu của hạnh phúc chân thậtan bình: an bình nội tại. Không phải tôi muốn nói đến một thứ cảm giác "lâng lâng" nào đó. Cũng không phải là một thứ thiếu vắng cảm giác. Trái lại, thứ an bình tôi mô tả bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác, và hàm xúc một mức độ cao về cảm tính, mặc dù tôi không thể tự cho là đã thành công khá xa trong việc đó. Hơn nữa, tôi đóng góp cảm thức an bình của mình vào nỗ lực phát huy mối quan ngại đến tha nhân.

Sự kiện về an bình nội tại là đặc điểm chủ yếu của hạnh phúc, giải thích sự nghịch lý mà ai ai trong chúng ta đều có thể nghĩ đến, của những người vẫn bất mãn mặc dù có đầy đủ các thứ tiện nghi vật chất, và những người vẫn thấy hạnh phúc dù đang sống trong tình trạng cực kỳ khó khăn. Lấy thí dụ của tám mươi ngàn người Tây tạng trong những tháng đầu tiên sau khi theo tôi lưu vong, đã bỏ nước để đi đến tạm trú nơi một ngôi đền do chính quyền Ấn độ tặng dữ. Tình trạng của họ lúc bấy giờ khó khăn tột điểm. Thực phẩm thiếu thốn và thuốc men còn thiếu thốn hơn. Trại tỵ nạn không tiện nghi gì hơn lều vải. Hầu hết mọi người đều không còn của cải gì hơn là quần áo mặc trên thân khi ra khỏi nhà. Họ mặc loại áo chubas (áo truyền thống của Tây tạng) dày nặng thích hợp cho mùa đông khắc nghiệt, trong khi đó thứ họ thật sự cần đến ở Ấn độ là loại vải mỏng nhẹ. Và còn các chứng bệnh khủng khiếp chưa từng được biết ở Tây tạng. Thế mà, qua bao nhiêu khổ nhọc đó, ngày nay các người sống sót kia biểu hiện rất ít dấu vết chấn thương. Ngay cả lúc đó, rất ít người bị mất lòng tin. Càng ít người bị rơi vào cảm nghĩ buồn phiềntuyệt vọng. Tôi còn có thể nói, một khi đả kích ban đầu đã vượt qua, thì phần đông đều tỏ ra khá lạc quan và, thật vậy, họ hạnh phúc.

Chỉ dấu ở đây là nếu chúng ta có thể phát huy được phẩm chất an bình nội tại, thì trước bất cứ khó khăn nào ta gặp trong đời sống, cảm thức căn bản về an sinh vẫn không bị hư hao. Điều tiếp theo là mặc dù không phủ nhận tầm quan trọng của các yếu tố bên ngoài mang lại, thật nhầm lẫn nếu giả thiết rằng chúng có thể khiến ta hoàn toàn hạnh phúc.

Đương nhiên sự cấu tạo của chúng ta, sự dưỡng dục, và hoàn cảnh tất cả đều đóng góp vào kinh nghiệm hạnh phúc. Và tất cả chúng ta đều có thể đồng ýthiếu thốn một số điều nào đó có thể khiến sự đạt đến khó khăn hơn. Vì vậy, hãy thử quán xét các điều này.

Sức khỏe, bằng hữu, tự do, và một mức độ thịnh vượng nào đó có thể quý báuích lợi. Sức khỏe tốt tự nó nói lên đầy đủ. Chúng ta ai cũng mong muốn nó. Tương tự, chúng ta ai cũng cần và muốn bạn bè, cho dù hoàn cảnh nào hoặc thành công ra sao. Tôi vốn ưa thích đồng hồ, nhưng mặc dù rất thích chiếc đồng hồ tay thường mang, nó không bao giờ cho tôi một thứ tình cảm nào. Để đạt được thứ thỏa mãn của tình thương, chúng ta cần bạn bè có thể đáp lại thứ tình cảm đó. Dĩ nhiên, có nhiều hạng bạn bè khác nhau. Có những người chỉ là bạn của địa vị, tiền tài và danh vọng, chứ không phải là bạn của người có các thứ đó. Nhưng tôi muốn nói đến các người bạn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta khi gặp một trạng huống khó khăn ở đời, chứ không phải những người có căn bản liên hệ giả tạm.

Tự do, trên ý nghĩa thứ tự do theo đuổi hạnh phúc và giữ được cùng trình bày được các quan điểm cá nhân, cũng góp phần vào ý nghĩa an bình nội tại của chúng ta. Trong các xã hội không cho phép tự do, chúng ta tìm thấy các tên mật vụ cứ rình rập đời sống trong các cộng đồng, ngay cả trong gia đình. Hậu quả khó tránh là người ta bắt đầu mất niềm tin vào nhau. Họ trở nên đa nghingờ vực động cơ của kẻ khác. Một khi cảm thức tin cậy căn bản đã bị hủy diệt, làm sao mong mỏi họ được hạnh phúc?

Thịnh vượng cũng thế — không quá nhiều trong ý nghĩa là có thật nhiều tài sản vật chất mà đúng hơn trên ý nghĩa đời sống tinh thần và tình cảm — sẽ đóng góp một phần có ý nghĩa vào an bình nội tại. Ở đây, chúng ta có thể lại nghĩ đến thí dụ của các người tỵ nạn Tây tạng vẫn cảm thấy hanh thông mặc dù họ thiếu thốn vật chất.

Thật vậy, mỗi yếu tố trên đóng một phần quan trọng nhằm xây dựng một ý nghĩa về sự an sinh cá nhân. Lại nữa, nếu thiếu một cảm giác an bình nội tại và an toàn, thì chúng cũng không có hiệu lực. Tại sao? Bởi vì, như chúng ta đã thấy, sở hữu là một nguồn lo khổ.

Việc làm của chúng ta cũng thế nếu còn cảm thấy lo sợ sẽ mất chúng. Ngay cả bạn hữu và thân thuộc cũng là nguồn phiền não. Họ có thể bệnh hoạn và khiến chúng ta phải nghĩ đến trong khi đang còn phải bận rộn với nhiều việc quan trọng. Họ có thể khó chịu hoặc lừa đảo chúng ta. Tương tự, thân thể chúng ta, dù lành mạnhđẹp đẽ trong hiện tại, sẽ dần dà đi đến lúc già nua. Cũng không bao giờ chúng ta tránh khỏi bệnh hoạnđau đớn. Do đó không có hy vọngđạt đến một hạnh phúc dài lâu nếu thiếu an bình nội tại.

Như thế, ở đâu mà tìm ra an bình nội tại? Không có câu trả lời độc nhất. Nhưng có một điều rất chắc chắn. Không có yếu tố ngoại lai nào có thể tạo ra nó. Vô ích thôi nếu yêu cầu một y sĩ tạo cho mình. Điều tốt nhất y sĩ có thể làm là cho chúng ta một liều thuốc an thần hoặc một viên thuốc ngủ. Tương tự, không có máy móc hoặc máy điện toán nào, dù cho tinh khôn và đa năng đến đâu, lại có thể trao cho chúng ta thứ phẩm chất trọng yếu đó.

Theo tôi, phát huy an bình nội tại — thứ hạnh phúcý nghĩa và dài lâu tùy thuộc vào đó — chẳng khác nào như bất cứ nhiệm vụ nào khác trong cuộc đời: ta phải phân định các nhân duyênđiều kiện của nó, rồi tinh tấn vun bồi chúng. Điều này đưa đến một khuynh hướng nhị phân. Một diện, phải canh phòng sự phá rối của các yếu tố nhiễu loạn. Diện kia, cần phải vun bồi các yếu tố có thể dẫn dắt an bình vào.

Khi các điều kiện của an bình nội tại còn được quan tâm đến, một trong những điều quan trọng nhất là thái độ nền tảng của chúng ta. Tôi xin giải thích điều đó bằng cách đưa ra một thí dụ cá nhân khác. Mặc dù tình trạng thanh tịnh thường trực hiện nay, trước kia tôi là người khá nóng tánh và dễ mất nhẫn nại, đôi khi còn đi đến chỗ nổi giận. Ngay cả hiện nay, đôi khi tôi cũng mất đi sự điềm đạm của mình. Khi điều đó xảy ra, một chút phiền não cũng làm mất đi sự thăng bằng và quấy rối tôi. Thí dụ như, tôi có thể thức dậy vào sáng sớm và cảm thấy chao động chẳng rõ vì sao. Trong trạng thái này, tôi thấy ngay dù các điều bình thường khiến tôi thích thú cũng có thể trở thành khó chịu. Chỉ cần nhìn đồng hồ là tôi cảm thấy phiền toái. Tôi thấy nó không là gì khác hơn một nguồn ràng buộc, và qua nó, một sự phiền não. Nhưng một ngày khác, tôi thức dậy và thấy nó như một vật gì đẹp đẽ, thật tinh xảo và vi tế. Dĩ nhiên, đó cũng chỉ là cùng một chiếc đồng hồ.

Cái gì đã thay đổi? Phải chăng cảm xúc cáu kỉnh ngày này và hài lòng ngày kế của tôi chỉ thuần túy là kết quả của một sự tình cờ? Hoặc có một cơ năng thần kinh nào đó mà tôi không thể kiểm soát được hoàn toàn? Mặc dù dĩ nhiên thể chất có thể có điều gì trong đó, nhưng yếu tố quản trị chính là thái độ tinh thần của tôi. Thái độ cơ bản — cách thức ta liên hệ cùng các hoàn cảnh bên ngoài — do đó phải là điều đáng đem ra thảo luận trước tiên trong sự khai triển an bình nội tại. Trong hạn định đó, vị thiền sư Ấn độ nổi tiếng Shantideva có lần quán sát rằng, trong khi chúng ta không có hy vọng tìm đủ da để phủ trùm quả đất hầu tránh khỏi bị đạp gai, thì thật ra cũng không cần thiết. Rồi ông tiếp, chỉ cần đủ da để che bàn chân của chính mình là đủ. Nói cách khác, trong khi chúng ta không thể thay đổi thường xuyên tình trạng bên ngoài cho phù hợp với mình, thì chỉ cần thay đổi thái độ là đủ.

Một nguồn chủ yếu khác cho an bình nội tại, từ đó phát xuất hạnh phúc chân thật, đương nhiên là các hành động ta làm trong khi theo đuổi hạnh phúc. Chúng ta có thể xếp loại các hành có sự đóng góp tích cực, các hành có ảnh hưởng trung hòa, và các hành có ảnh hưởng tiêu cực. Khi quán xét sự khác biệt giữa các hành có thể tạo thành một hạnh phúc lâu dài khác biệt với các hành chỉ tạo sự thỏa mãn ngắn ngủi của cảm giác dễ chịu, ta thấy trong trường hợp sau, các sinh hoạt tự chúng không có giá trị tích cực. Chúng ta có một ham muốn về một thứ gì ngọt dịu, chẳng hạn, hoặc vài món quần áo thời trang, hoặc kinh nghiệm về một thứ gì mới lạ. Chúng ta không thật sự cần đến nó. Chúng ta chỉ muốn vật đó hoặc cảm giác hoặc kinh nghiệm đó, và làm sao cho thỏa mãn sự ham muốn của mình mà không cần suy nghĩ nhiều. Tôi không phải đề thiết rằng trong đó nhất thiết có một thứ gì sai trái. Một sự thèm khát một thứ gì cụ thểthành phần của bản chất con người: chúng ta muốn nhìn, muốn sờ, muốn chiếm. Nhưng, như tôi đã đề nghị ở trên, điều quan yếu là chúng ta phải nhận thấy rằng, khi ta muốn vật gì không có một lý do thật sự nào ngoài sự vui thú chúng mang lại, cuối cùng chúng có thể mang đến nhiều phiền toái hơn cho ta. Hơn nữa, chúng ta nhận thấy, giống như vậy, các thứ hạnh phúc tưởng lệ các đòi hỏi cảm giác này mang đến, thật ra cũng chỉ là tạm bợ.

Chúng ta còn phải nhìn nhận rằng, chính sự thiếu quan tâm đến hậu quả nằm bên dưới các hành động cực đoan, như làm đau kẻ khác, thậm chí giết chóc — các điều này chỉ làm thỏa mãn nhất thời dục vọng của kẻ làm — mặc dù các dục vọng này vô cùng tiêu cực. Lại nữa, trong lãnh vực sinh hoạt kinh tế, sự theo đuổi tài lợi mà không cân nhắc mọi hậu quả khả dĩ tiêu cực chắc chắn có thể mang đến một cảm giác vui mừng khi thành công. Nhưng cuối cùng lại có sự đau khổ: môi trường bị ô nhiễm, các phương pháp thiếu thận trọng khiến cho kẻ khác bị mất việc, các khí giới sản xuất tạo chết chóc và thương tích.

Còn về các sinh hoạt có thể dẫn đến một cảm thức an bìnhhạnh phúc dài lâu, thử quán xét chuyện gì xảy ra khi chúng ta làm một việc được tin tưởnggiá trị. Có thể chúng ta thực thi một kế hoạch trồng trọt trên đất hoang, và sau đó, với nhiều nỗ lực, đã mang lại hoa màu. Khi phân tích hoạt động thuộc loại này, sẽ thấy chúng liên hệ đến sự nhận thức thông suốt. Chúng bao gồm sự cân nhắc các dữ kiện khác nhau, kể cả các hậu quả có thể xảy ra cho chính mình và người khác. Trong tiến trình lượng định đó, câu hỏi về đạo đức, về hành động đó có phù hợp luân lý hay không, sẽ tự động đặt ra. Như thế, trong khi động cơ đầu tiên có thể là hư ngụy vì chỉ muốn đạt đến thứ gì đó, chúng ta lý luận rằng mặc dù ta có thể hưởng hạnh phúc cấp thời bằng cách đó, thì hậu quả dài lâu của cách hành xử như vậy chỉ mang lại phiền phức. Bằng cách đó, ta đã đắn đo từ bỏ một số hành động nào đó vì ích lợi của người khác. Rồi qua sự thành đạt mục tiêu nhờ nỗ lựchy sinh; qua sự cân nhắc cả hai loại ích lợi ngắn hạn cho ta với loại ảnh hưởng dài hạn cho hạnh phúc của người, và hy sinh loại đầu cho loại sau; nhờ đó chúng ta đạt đến hạnh phúc có đặc tánh an bìnhthỏa mãn thật sự. Câu trả lời cho sự khó nhọc cũng xác định điều đó. Khi chúng ta đi nghỉ lễ, động cơ là giải trí. Khi đó, nếu vì lý do thời tiết xấu, mưa gió, sự ham muốn đi ra ngoài chơi bị dồn nén, và hạnh phúc dễ bị hủy diệt. Mặt khác, nếu chúng ta không phải chỉ tìm một sự thỏa mãn nhất thời, mà nỗ lực đạt mục tiêu nào đó, thì các sự đói, mệt, hay khó chịu có thể phải kinh qua không làm phiền ta được. Nói cách khác, vị tha là một thành phần chủ yếu cho các hành động dẫn đến hạnh phúc thật sự.

Có sự khác biệt quan trọng giữa điều mà chúng ta có thể gọi là hành động luân lý và hành động tâm linh. Một hành động luân lý là khi chúng ta tự chế không tác hại đến kinh nghiệm hoặc hy vọng hạnh phúc của tha nhân. Hành động tâm linh có thể mô tả trong hạn định của các đức tánh đã kể trên như tình thương, tâm từ bi, nhẫn nại, tha thứ, khiêm cung, bao dung, vân vân vốn hàm chứa một trình độ quan tâm nào đó đến sự an sinh của tha nhân. Chúng ta thấy rằng, các hành động tâm linh có động cơ không phải do ngã lợi hạn hẹp, mà do sự quan tâm đến tha nhân, thật sự mang lợi lạc đến cho ta. Không những thế, chúng còn khiến đời sống của ta có ý nghĩa hơn. Ít ra đó là kinh nghiệm của tôi. Nhìn lại đời mình, tôi có thể nói với đầy đủ tự tin rằng, những thứ như văn phòng của Đạt lai Lạt ma, quyền lực chính trị, ngay cả các sự giàu có vật chất tùy nghi sử dụng, đã không góp phần nhỏ nhoi nào vào trong cảm thức hạnh phúc của tôi, so với thứ hạnh phúc tôi thường cảm thấy trong các trường hợp tôi có thể làm lợi cho tha nhân.

Đề nghị này có thể dùng như sự phân tích được chăng? Có phải hành vi làm do ước vọng giúp đỡ tha nhâncon đường hữu hiệu nhất mang lại hạnh phúc chân thật? Thử quán chiếu như dưới đây. Chúng ta tất cả đều là con người xã hội. Chúng ta đến trong thế giới như là quả từ hành của tha nhân. Chúng ta tồn sanh nơi đây do tùy thuộc vào tha nhân. Dù thích hay không, rất hiếm có những giây phút nào trong đời mà ta không hưởng thụ từ sinh hoạt của người khác. Vì lý do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết sự hạnh phúc của chúng ta đều đến từ toàn bộ của các liên hệ cùng người khác. Cũng chẳng có gì đáng kể nếu niềm vui lớn nhất của chúng ta phải đến khi ta làm theo động cơ là sự quan tâm đến người khác. Nhưng chưa phải hết. Chúng ta thấy không những hành động vị tha chỉ mang lại hạnh phúc, mà còn làm giảm bớt kinh nghiệm đau khổ. Ở đây, tôi không đề ra rằng cá nhân hành theo động cơ mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân nhất thiết phải ít gặp vận xấu hơn là kẻ không làm. Bệnh, lão, và tai ương này khác đều tương đồng cho mỗi cá nhân. Nhưng sự đau khổ làm tiêu hao an bình nội tại của chúng ta — âu lo, ẩn ức, thất vọng — có thể tiết giảm được. Trong sự quan tâm đến người khác, ta bớt lo lắng đến mình đi. Khi ta bớt lo lắng về mình, kinh nghiệm đau khổ bản thân đỡ căng thẳng.

Điều đó nói lên được gì? Thứ nhất, bởi vì mỗi hành động của chúng ta đều có một tánh cách toàn cầu, một ảnh hưởng khả dĩ đến hạnh phúc của tha nhân; luân lý cần thiết như một phương tiện đảm bảo chúng ta không tác hại tha nhân. Thứ nhì, hạnh phúc chân thật hàm chứa các phẩm chất tâm linh của tình thươngtâm từ bi, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, khiêm tốn, vân vân. Đó là những điều mang đến hạnh phúc cả cho chúng ta và cho người khác.
Tạo bài viết
27/08/2014(Xem: 13241)
01/04/2017(Xem: 23020)
06/12/2022(Xem: 5714)
01/05/2017(Xem: 25043)
28/05/2016(Xem: 9588)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: