PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TÂM THANH TỊNH
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Be An Island The Buddhist Practice of Inner Peace
Wisdom Publications 1999
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2010
Kinh Từ Bi đã chỉ cho hành giả biết phải đối xử với tha nhân như thế nào - phải thương yêu họ như thương người thân. Nhưng kinh này không dạy chúng ta biết phải đối với bản thân phải như thế nào. Dĩ nhiên là ta phải đối với bản thân giống như ta đối với tha nhân.
Vì tất cả chúng sanh ai cũng lo cho chính bản thân trước hết, nên điều quan trọng là ta cần phải biết vấn đề mình đang đối đầu là gì. Với sự có mặt của tha nhân ở chung quanh, ta có ảo giác mình đang phải đối đầu với thế giới quanh ta. Trên thực tế, chính là chúng ta luôn phải đối mặt với tâm bất tịnh, hay thanh tịnh của mình. Tất cả mọi ngoại cảnh diễn ra quanh ta chỉ là một chuỗi những chất xúc tác làm ngòi nổ cho các hành động của ta.
Thế giới quanh ta có thể là các hoàn cảnh, kinh nghiệm hay con người mà ta tiếp xúc qua các giác quan. Một trong những giác quan nhạy bén nhất là tâm với khả năng suy tưởng của nó. Tiếc thay, tâm tưởng lại có khuynh hướng bay khỏi tầm kiểm soát của ta. Chúng ta thường không để ý đến cái trước mặt mà nghĩ tưởng đến cái có thể là. Chúng ta một là lo sợ cho tương lai, hay là mong mỏi những điều tốt lành nhất. Sự mong muốn chỉ là ảo tưởng, còn nỗi sợ hãi chỉ là những lo lắng không đâu. Cả hai đều dẫn đến phiền não, rắc rối. Vì có mong muốn, nên ta sinh lòng sợ hãi - sợ hãi rằng những mong ước của ta sẽ không thành tựu. Ngược lại vì sợ hãi, nên ta có ước mong - mong rằng nếu ta hành động khôn khéo thì những lo âu, sợ hãi của ta sẽ không biến thành hiện thực. Hơn nữa, ta còn lo sợ rằng mình không đủ sức chịu đựng những gì sẽ xảy ra cho mình.
Do đó ta tự cảm thấy lo lắng, bất an, trốn tránh các khổ thọ bằng nhiều hình thức như: ăn uống, tiêu khiển, chuyện trò, ngủ nghê, đọc báo, xem truyền hình, sử dụng điện thoại - bất cứ thứ gì trong tầm tay ta. Nếu không được như ý muốn, ta trở nên trầm uất hay sân giận.
Trên thực tế tất cả những biến thái này (papanca) đều do tính chất không thể kiểm soát của tâm. Chúng ta để nó đi tán loạn, nghĩ về tương lai với hy vọng và âu lo, nhớ tưởng quá khứ với niềm hối tiếc, xót thương, thay vì tập trung tất cả chú tâm vào những gì đang xảy ra trước mắt.
Chú tâm vào ngay giây phút hiện tại, đó là ý nghĩa của chánh niệm. Khó có thể có được tâm chánh niệm hoàn toàn vì tâm thường lăng xăng. Nhưng nếu chúng ta hoàn toàn chú tâm ở từng phút giây, thì làm sao lăng xăng xuất hiện. Nhưng chỉ tự nhắc nhở mình phải có chánh niệm không thôi, thì chưa đủ. Ta còn cần phải có các sự hỗ trợ khác. Biết chấp nhận, biết đánh giá cao bản thân là một sự hỗ trợ tinh thần không thể thiếu. Đó không phải là sự tự đề cao, phô bày tất cả những kiến thức mình có. Giữa hiểu biết đến hành động có thể cách nhau một khoảng xa. Nhưng nếu ta có thể tự đánh giá được những việc mình đã làm thì rất hữu ích. Không có gì đáng kể ngoài các hành động của ta. Hiểu biết của ta như thế nào không thành vấn đề, nhưng những gì ta thực sự làm sẽ đem lại hậu quả. Nếu cần phát triển cách đánh giá cao về mình, ta cần phải nhớ đến những nghiệp thiện của mình.
Ngoài ra, ta cũng cần biết bằng lòng với bản thân, nếu không ta sẽ không bằng lòng với bất cứ điều gì, bất cứ ai hay ở đâu. Trong hoàn cảnh hiện tại, ta đành chấp nhận còn phải bám víu vào 'cái tôi' này - bám víu vào cái vừa là thầy mình, mà cũng vừa là kẻ phá hoại mình. Điều quan trọng nhất là ta phải tự bằng lòng với mình, để từ đó có thể nhận ra được những bản tính thiện căn bản của nhân loại. Điều này đã được trình bày rất rõ trong kinh Từ Bi[1]. Kinh nói rằng chúng ta cần phải biết bằng lòng và dễ dàng chấp nhận. Kinh nói đến mười lăm điều kiện có thể mang đến cho ta sự bình an. Nếu chúng ta không thể tìm thấy những đặc tính này trong ta, thì sự bình an nội tâm không thể có được.
Biết an vui nghĩa là biết bằng lòng với những gì ta có, biết chấp nhận hình dáng, cách nói năng, cách sống, cách xử sự của mình. Điều ấy không có nghĩa là ta sẽ không phải sửa đổi cho tốt hơn. Nhưng nếu ta luôn mặc cảm về con người mình, thì sẽ ảnh hưởng đến thái độ, cách cư xử của ta. Người ta thường ước muốn được hơn cái mình có. Càng bỏ được các ước muốn này, ta càng bớt khổ. Nhưng muốn thực hiện được điều đó, ta cần phải biết bằng lòng với cái trước mắt, dầu cho đó không phải hoàn toàn như ý ta mong muốn. Chúng ta thường có những mong muốn, đòi hỏi nơi bản thân và ở tha nhân, dầu những điều đó không thực tế. Vì ta thường quên vạn pháp đều vô thường. Tất cả vạn vật đều luôn thay đổi. Có những điều hôm qua hoàn toàn đúng, thì hôm nay lại sai. Làm sao để sống an vui trong những hoàn cảnh ta cho là khó chấp nhận? Trước nhất, ta phải xét hoàn cảnh đó cho kỹ càng? Tại sao khó chấp nhận nó? Nó sai sót ở đâu? Không thỏa mãn bản ngã chăng? Không phải điều ta mong đợi chăng? Một khi đã hiểu rõ tại sao một việc gì đó không toàn hảo, ta sẽ thấy nó quá nhỏ mọn, không đáng để tâm.
Khi có những việc luôn tạo khổ đau trong ta, khiến ta không toại nguyện ước mơ, thì hãy tự nhủ: "Ta rồi cũng chết, ta không thể thắng được sự chết". Tại sao không luôn nghĩ về sự chết? Quán tưởng về cái chết sẽ không mang đến cho ta sự bi thương hay trầm uất, mà nó mang ta đến gần hơn với thực tế. Liệu chúng ta có còn cau có, bực bội khi biết mình chỉ còn mười phút nữa để sống? Nếu thật sự ta chỉ còn sống được thêm mười phút nữa, thì không ai trong chúng ta còn bực bội, khó chịu. Có thể do ghét, ta sinh lòng sợ hãi, nhưng tại sao phải ghét điều ta không thể tránh khỏi? Tại sao ta lại phải ghét cái điều chắc chắn sẽ xảy ra, vì nó sẽ xảy ra? Đó là một trong muôn vàn cái vô minh của ta.
Bằng lòng cũng hàm chứa ý nghĩa chấp nhận, chịu ơn chính bản thân mình. Khi tất cả mọi thứ quanh ta dường như đảo điên, hỗn loạn, chúng ta vẫn có thể quay về với nội tâm của sự thánh thiện, hoàn mỹ. Nếu chúng ta không có những sự thuần khiết căn bản trong nội tâm, thì không có lý do gì để ta tiếp tục tu tập nữa. Tuy nhiên, ta có thể nuôi dưỡng, vun trồng cho nội tâm trong sạch lớn mạnh thêm, và phát triển sự nhận thức về nó. Bất cứ khi nào có khó khăn, sợ hãi, bất như ý hay khổ đau vì những ước muốn không thành tựu, chúng ta đều có thể quay vào bên trong, nơi an vui trú ngụ.
Chúng ta thường lầm tưởng rằng sự an vui của mình tùy thuộc vào hoàn cảnh hay con người nào đó. Làm sao nó có thể tùy thuộc vào một điều gì đó bên ngoài chúng ta? Nếu chúng ta muốn được sự an vui thật sự, thì phải tùy thuộc vào những gì bên trong ta. Như thế ta có thể phát khởi sự an vui liên tục. Trái lại nếu phải tùy thuộc vào người hay hoàn cảnh để có được sự an vui, thì ta có khác nào là nô lệ cho chúng. Trong khi con đường đạo của Đức Phật là con đường dẫn tới tự do, giải thoát.
Cũng giống như sự an vui, lòng biết ơn cũng giúp rất nhiều cho cuộc sống của chúng ta. Lòng biết ơn không cần phải nhắm vào một người nào hay một điều gì đặc biệt. Có thể là lòng biết ơn đối với những duyên nghiệp khiến cho các nỗ lực của ta được thành tựu, hoặc có một sức khỏe khá tốt. Nó giúp ta không coi nhẹ những gì mình có được . Người càng giàu sang, càng coi những thứ họ có được là chuyện đương nhiên. Càng có sức khỏe hay nhiều may mắn, ta càng coi thường chúng. Thái độ đó sẽ không giúp ta biết an vui, bằng lòng. Chỉ có lòng biết ơn mới đem đến an vui.
Nếu không có thái độ đúng, biết tự bằng lòng, biết để lòng thanh thản, không vướng bận, ta sẽ không tìm thấy tổ ấm dù ở bất cứ nơi nào. Sự yên ổn, tổ ấm là ở nội tâm, chứ không phải ở bên ngoài. Khi ta biết mở lòng ra, để có lòng biết ơn, cảm nhận, bằng lòng với chính mình thì ta có thể tìm thấy tổ ấm, dù đang ở bất cứ nơi nào trên trái đất hay trong vũ trụ này.
Một căn nhà chỉ là một nơi chốn với bốn bức tường bọc quanh. Nhưng một căn nhà lý tưởng thì phải có sự ấm cúng, nhất là khi thế giới bên ngoài đầy lạnh giá. Sự ấm cúng từ đâu ra, nếu không phải từ trái tim chúng ta? Đó là nơi ta cần tạo ra sự thoải mái, hạnh phúc, an bình khó nắm bắt mà ta luôn tìm kiếm. Trái tim là trung tâm. Khi mọi việc êm thuận, ta coi đó như là chuyện phải thế, nhưng khi gặp trở ngại, đối đầu với khó khăn, thì ta lại quay ra tìm sự giúp đỡ ở bên ngoài ta, đâu biết rằng ta chỉ có thể tìm được lời giải nơi trái tim mình. Nếu chúng ta đã tạo ra được một nền tảng vững bền, ấm áp, đầy thương yêu ở nội tâm, thì ta luôn có thể nương tựa vào đó.
Phải dựa vào người khác để có được hạnh phúc, thì quá dại khờ; dựa vào họ để được bảo vệ, chở che thì thật kỳ quặc. Làm sao ta có thể dựa vào họ, khi chính họ cũng đang đi tìm hạnh phúc và sự chở che? Chỉ có những người đã tìm được kho tàng nội tại mới là người đã tìm được mái ấm của mình. Dựa vào chính hạnh phúc, sự chở che của bản thân, mới có thể giúp ta chịu đựng được mọi thử thách, khó khăn trong đời. Không có ai trên đời tránh khỏi khổ đau, nên khi đã có một mái ấm nội tâm, ta sẽ biết tìm về nơi đâu trong những khi căng thẳng. Những căng thẳng này có thể ở mức độ nhẹ như khi ai đó đòi hỏi ta điều gì hoặc khi những mong ước của ta không thành hiện thực. Lúc đó ta bước vào mái ấm trái tim của mình, nơi ta sẽ tìm được sự ấm áp, lòng biết ơn, cảm nhận và hoan hỷ, bằng cách diệt bỏ tất cả mọi ý tưởng bất thiện, để chỉ còn có tư tưởng tốt đẹp, hữu ích, tích cực đọng lại. Càng chất chứa nhiều tư tưởng ô uế, thì mái ấm trái tim ta càng hôi hám, ô nhiễm. Mỗi khi ta hủy diệt được một tư tưởng bất thiện, ta sẽ có thêm sức mạnh để bỏ nó lần sau, lần sau nữa. Bằng cách ấy ta đã tự dọn sạch ngôi nhà tâm của mình. Mỗi ngày ta đều quét phòng, quét ngõ. Hãy quét dọn tâm ta mỗi ngày như thế!
Mỗi khi ta dọn sạch cái gì đó - một khu vườn cỏ dại, nhà bếp, quần áo dơ - ta nên nhớ để dọn sạch tâm mình cùng lúc. Khi tâm ta đã thanh tịnh, bền vững, ta sẽ tràn đầy tình thương cho chính mình, cho mọi người chung quanh. Lúc đó ta không cần cố gắng để thương yêu tha nhân; lòng thương đã thành quán tính do ta biết yêu thương chính bản thân mình. Nhưng đó không có nghĩa là tự dễ dãi với chính mình. Mà chỉ là sự vun trồng tình yêu thương cho bản thân, để rồi ta có thể dễ dàng thương yêu người khác.
Tha nhân cũng được hưởng lợi lộc do sự vững chãi của chúng ta. Ta là cái neo, là hòn đá để cho người khác tựa vào. Vì dầu cho có gì xảy ra, chúng ta vẫn luôn cứng rắn, không lung lay.
Khi tình thương, sự vững chắc đầy trong tim, thì sự hành thiền của ta cũng được tốt đẹp và cuộc đời ta cũng thay đổi. Chúng ta sẽ cảm giác giống như trước đó cuộc sống của ta không trọn vẹn, nhưng giờ ta cảm thấy sung mãn hơn, tự do hơn. Và cuộc sống thánh thiện đâu có gì hơn là được sống trọn vẹn, tràn đầy.
Bạn có từng nghe nói đến tình thương yêu, sự chăm sóc chưa? Trẻ em sẽ không thể sống nỗi, nếu thiếu tình thương yêu, sự chăm sóc. Cả chúng ta cũng thế. Khi trẻ thiếu tình thương yêu, sự chăm sóc, thì dù có được nuôi bằng thực phẩm dinh dưỡng tuyệt hảo nhất, được chữa trị bằng các loại thuốc hay nhất, cũng không thể lớn lên một cách bình thường. Các mối liên hệ giữa con người với nhau cũng lụy tàn, nếu thiếu tình thường yêu. Thiền cũng không là một ngoại lệ. Thiền định khó thể phát triển nếu thiếu tình thương yêu, sự chăm sóc.
Trước hết, chúng ta cần phải thương yêu, chăm sóc tâm mình. Đừng để nó biến thành một chú bò hoang lạc vào thành phố, mà chỉ cần một hành động theo bản năng, không kiểm soát là sẽ tạo ra bao hỗn loạn. Những hành động thiếu chánh niệm, dù rất nhỏ, cũng là biểu hiện của sự thiếu thốn lòng thương yêu. Bất cứ khi nào ta không giữ được các giới luật, dù là trong những điều tưởng như rất nhỏ nhặt, cũng chứng tỏ là ta đã không biết thương yêu, chăm sóc bản thân.
Các giới luật không phải tự nhiên mà được bày ra. Mỗi giới luật đều được đặt ra vì một mục đích. Mục đích chính của các giới luật là để giúp chúng ta khỏi chìm đắm trong những lo nghĩ tầm thường, để quay vào quán sát nội tâm mình. Nếu ta coi thường một giới luật nào đó, thì công phu tu tập thiền của ta sẽ bị gián đoạn. Dầu là một lỗi nhỏ trong giới luật cũng thế, cũng chứng tỏ là ta đã để tâm chạy theo tập khí không vâng lời, dễ dãi của ta. Tâm đó sẽ không phát triển được tình thương yêu đối với tha nhân, do đó thiền định của người đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì nếu suốt ngày, ta để tâm tán loạn, thì làm sao ta đòi hỏi nó phải biết chú tâm trên chiếu thiền? Công phu tu tập thiền của ta chỉ có thể đem lại kết quả nếu như ta có thể làm chủ được tâm, sử dụng tâm đúng đắn trong ngày, và có lòng tin yêu, chăm chút đến sự hành thiền của bản thân. Khi ngồi xuống chiếu thiền, trong một tư thế đĩnh đạc, với một tấm lòng thương yêu đến với tất cả chúng sanh.
Nghi thức hành thiền ở một số nơi là trước khi ngồi xuống, thiền sinh cúi lạy trước chiếu thiền của mình, cũng như người ngồi đối diện. Cử chỉ lịch sự đó biểu lộ lòng cung kính và quan tâm đối với người và vật quanh mình, với tất cả những gì ở trong tầm quan sát của ta. Chúng ta cũng có thể hướng những tư tưởng thương yêu, trân trọng đến với hơi thở của mình trước khi bắt đầu thiền quán.
Tâm nghi hoặc, trách cứ, chống đối, lo âu hay xét đoán khó thể trụ trong thiền. Không phải vì khi đã ngồi xuống chiếu thiền là chúng ta sẽ có thể chấm dứt, buông bỏ được chúng.
Chỉ có một phương cách duy nhất để ngồi thiền cho tốt là: Hãy dẹp bỏ mọi ý nghĩ tầm thường thế tục. Thiền là một hoạt động tâm linh siêu việt, không thể chấp nhận các tâm tràn đầy thế tục. Khi mà những lăng xăng, lo nghĩ về chuyện thế tục còn quyến rũ được ta, còn đem đến cho ta lạc thú, thì ta không thể nào đạt được tâm siêu việt. Trong ngày, mỗi khi các tư tưởng thế tục khởi lên, ta cần quán sát xem chúng có bao giờ đem đến cho ta những niềm vui thường hằng không. Nếu câu trả lời là không thì ta có thể dễ dàng buông bỏ chúng.
Dầu làm bất cứ công việc gì, ta cũng có thể coi đó là một cách để thực hành thiền, nếu như ta làm với tâm hoàn toàn chánh niệm, chỉ chú tâm vào việc trước mắt, và buông bỏ tâm phân biệt, phán đoán. Ta không cần phải xét xem công việc đó có cần thiết, có quan trọng không; có khó khăn, phức tạp, hay nhàm chán? Điều duy nhất ta cần làm là chú tâm vào công việc trước mắt, và hãy thương yêu chăm sóc bản thân vì đã đang cố gắng hết sức mình. Thí dụ như công việc dọn dẹp vệ sinh. Nếu chúng ta có thể làm công việc đó với sự cẩn trọng, chăm chút cũng như với tất cả những công việc hằng ngày khác, thì khi ngồi xuống chiếu thiền, ta cũng có thể hành thiền với cùng tấm lòng thương yêu, chăm chút đó. Hai việc làm này thì có khác gì nhau?
Tâm ta đã chất chứa bao thói quen từ nhiều kiếp. Nếu ta có thể nhận biết được chúng để thay thế những cái xấu, cái dở bằng những cái hay hơn, tốt hơn. Chúng ta có thể làm được bằng tình cảm thương yêu, phục vụ người khác. Chúng ta có thể tự nhắc nhở mình nhớ đến những đau khổ của nhân loại, nhớ đến tính vô thường của vạn vật. Nếu ta có thể luôn tưởng nhớ đến những lời dạy này trong tâm, tức là ta đã dẫn dắt tâm đi đúng hướng, giúp nó thoát khỏi các lối mòn xưa cũ.
Khi hành thiền, nếu ta có được cảm giác thích thú thì công phu đó mới có kết quả, nếu không thì ta khó có cơ hội thành công. Lòng nghi hoặc, chán ghét, hay thờ ơ, lãnh đạm, đều cản trở con đường ta đi. Vì thế khi đã quyết thực hành thiền, ta cần phải chọn thái độ đúng đắn, với trí tuệ và lòng từ bi đối với bản thân.
Tâm ấu trĩ, chưa trưởng thành thì cũng giống như một đứa trẻ. Nó cần được dẫn dắt cẩn thận. Khi chúng ta còn chưa đạt được giải thoát Niết-bàn, ta còn phải chăm sóc cái tâm mong manh, dễ vỡ của mình. Chúng ta không nên ô nhiễm nó bằng lòng sân hận, chống báng, ghét bỏ, lo âu, sợ hãi, hay nghi hoặc; mà ta cần phải chấp nhận mọi khía cạnh cuộc đời, dầu đó là điều ta mong muốn hay không trông đợi. Nếu ta không chăm sóc tâm cẩn thận, nó sẽ ngưng phát triển, trong khi ta tu tập, thực hành là chỉ để tâm được phát triển, trưởng thành. Tâm trưởng thành không tùy thuộc vào tuổi tác nhưng tùy thuộc vào sự tu tập, thực hành của ta, trên chiếu thiền cũng như ngoài đời (làm sao mà tách hai thứ ra được chứ?)
Nếu không dốc cả tâm trí vào chuyện mình đang làm, là ta chưa thực sự nỗ lực hết mình. Không thể có chọn lựa. Nếu ta chỉ chọn thứ này, và bỏ qua thứ khác, ta đã tạo nên sự chia rẽ. Chúng ta không được lựa chọn người để thương yêu, không được lựa chọn giáo pháp để nhớ, hay giới luật để giữ. Mỗi khi ta chống đối, bỏ qua hay lơ là với một ai, với điều gì đó, ta đã cản trở việc hành thiền của mình. Phải thương yêu tất cả mọi người, phải chú tâm đến tất cả mọi công việc phải làm, phải giữ tất cả mọi giới luật.
Nếu ta không thể dốc tâm vào một việc, một cách tuyệt đối,thì tâm ta chỉ có thể hành động nửa vời. Có thể nó chỉ chịu được hai mươi phút hành thiền đầu tiên, mà chểnh mảng với bốn mươi phút còn lại. Có thể nó chỉ thích chủ tâm vào hơi thở, và không thể chịu được khi có ai gây ra tiếng động.
Một buổi hành thiền tốt đẹp là một khích lệ, nếu không muốn nói là động lực: "Nếu tôi có thể sống tốt đẹp trong ngày, tôi sẽ hành thiền tốt tối nay". Không ai biết tâm hoạt động như thế nào. Chỉ biết là nó diễn tiến đúng như thế. Tâm là dụng cụ duy nhất khiến mọi thứ đều là điều có thể, từ những ước muốn, hành động thấp hèn nhất, đến những ý tưởng cao cả nhất. Ta cần phải nhớ thế để thương yêu, chấp nhận tất cả những gì xảy ra như một phần trong quá trình tu tập thực hành.
Nếu chúng ta thích thở, thì ta dễ dàng trụ vào đó. Những gì ta thích có khả năng làm sức hút. Những gì ta không màng đến, không tạo ra hứng thú gì trong ta. Vì thế ta có thể quan tâm đến hơi thở của mình vì đó là chủ đề quán tưởng của ta hay chủ tâm đến tọa cụ vì nó nâng đỡ ta khi ta ngồi thiền. Chúng ta cũng cần để tâm, thương yêu người ngồi thiền quanh ta, và thọ ơn họ. Tình thương yêu, chăm chút có thể khiến mọi thứ đều đơm hoa kết quả, từ những hạt mầm nhỏ bé đến tâm chứng đạt thiền quả rộng lớn, hoàn toàn buông bỏ ngã chấp.
Chúng ta thường tự hạn chế trong nhiều công việc bằng cách nghĩ rằng việc này, việc nọ không thể thực hiện được hay khả năng chúng ta chỉ có giới hạn. Nhất là trong lãnh vực tâm linh. Thật ra, nếu chúng ta có thể bỏ qua ý nghĩ về công việc khó khăn không thể thực hiện, bỏ qua những đắn đo vụn vặt - cái ta thích hay không thích, những lo âu, sợ hãi, bất mãn - chúng ta có thể tiếp thu được bao bài học mới.
Chúng ta thật sự chỉ biết rất ít về những gì hiện hữu trên thế giới. Những gì chúng ta cảm nhận được qua các giác quan chỉ là một phần rất nhỏ trong cái tổng thể. Các chú ong có thể nhìn thấy được ánh sáng của những tia cực tím, trong khi ta không thấy được. Các chú chó có thể nghe được những âm thanh mà tai ta không thể nào tiếp nhận. Đó là những sinh vật kém hơn ta, nhưng đã có những giác quan vượt trội hơn ta. Và đó cũng chỉ là một vài thí dụ trong biết bao điều có thể xảy ra trong vũ trụ mà ta không hề biết tới. Sự thiếu hiểu biết khiến chúng ta tự hạn chế mình biết bao.
Chúng ta cảm thấy gần gũi với các phát minh tiến bộ khoa học, hơn là những tiến bộ tâm linh. Mọi người đều được hưởng ích lợi từ các tiến bộ khoa học. Năm mươi năm trước nói đến việc lên mặt trăng là điều không tưởng, một trò đùa. (Nhưng nếu các nhà khoa học không nghĩ điều đó có thể thực hiện được, họ đã không tìm tòi nghiên cứu để cuối cùng làm ra được các hỏa tiễn phóng lên cung trăng). Vậy mà bây giờ, chưa hết một đời người, ta đã coi việc thám hiểm không gian là điều tự nhiên. Một điều tưởng chừng không tưởng đã thành hiện thực.
Những điều tương tự cũng có thể xảy ra trong lãnh vực tâm linh và thiền định. Không ai có thể giới hạn những gì ta có thể đạt được trong thiền định, trong việc vun trồng ngôi vườn tâm linh hay lòng tin của chúng ta. Không có gì có thể ngăn trở chúng ta thực hiện điều gì - trừ sự ngăn trở từ chính chúng ta khi nghĩ rằng có bao chướng ngại không thể vượt qua đang bủa vây ta. Nhưng nếu ta có thể thay đổi cách nhìn, dám nghĩ đến những điều chúng ta có thể thực hiện được, thì không tưởng có thể trở thành hiện thực. Trong cuộc đời, cũng như trong thiền định, không có gì vượt quá khả năng của ta. Ta có thể nhiếp tâm, đi sâu vào nhiều trạng thái thiền định, một khi ta đã có thể vượt qua những chướng ngại.
Chúng ta cần biết chấp nhận những gì đang có, biết từ bỏ những thói quen cũ. Biết tùy duyên, biết buông xả là những yếu tố quan trọng giúp ta thiền quán thành công. Chúng ta nương theo hơi thở, buông bỏ những suy nghĩ theo thế tục, là những suy nghĩ tự nó cũng không thật. Trong khi sự thật là vô thường, khổ và vô ngã. Tất cả những thứ khác chỉ là tư duy, ý kiến cá nhân. Nếu tâm ta luôn chứa đầy tất cả những gì ta đã suy nghĩ, đã nói năng trong ngày, thì còn chỗ nào cho sự nhiếp tâm, cho thanh tịnh, và tri kiến? Nếu ta cứ để tâm luôn phóng theo điều này, ý nọ, thì làm sao ta có thể đột nhiên bắt nó ngưng lại, mỗi khi ngồi xuống chiếu thiền?
Có thể chẳng bao giờ chúng ta giải thích được. Nhưng chình lòng thiết tha được đạt đạo sẽ hướng dẫn chúng ta tìm đến sự hoàn mỹ. Nếu không có lòng thiết tha này, ta sẽ không bao giờ có thể chịu đựng nỗi những đau đớn, khó chịu nơi thân mà tiếp tục hành thiền. Không cần ai phải nhắc nhở, ta vẫn biết rằng có nhiều thứ ta chưa được nếm trải trong cuộc sống. Ta tự biết rằng còn có sự thanh tịnh, bình an sâu thẳm của nội tâm mà ta chưa đạt đến được.
Chúng ta cần phải phát huy tâm tối đa. Cần đạt đến một thế giới hoàn toàn khác, nơi mà tất cả những lo toan của cuộc sống thế gian không có mặt. Nói thế không có nghĩa là ta phải dẹp bỏ tất cả mọi công việc, bổn phận, trách nhiệm hay sinh hoạt hằng ngày của mình, nhưng ta không được để chúng ảnh hưởng đến ta. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục chăm sóc hoa cỏ trong vườn, vẫn nấu ăn, may mặc, làm việc. Đó là những việc cần phải làm trong cuộc sống, chúng ta vẫn làm như thường nhật, nhưng hãy giữ tâm trong sáng, không vướng mắc. Hãy để tâm không buồn giận, thắc mắc hay buông lung. Kinh Đại Phước đã diễn tả các vị A-la-hán như sau: "Dầu ở trong cuộc sống thế tục, tâm của các vị không hề bị ô nhiễm. Không vướng bận, không lo buồn, luôn vững chãi, đó là những phước báu cao cả nhất". Điều đó không có nghĩa là ta không được để tâm đến chuyện thế tục, nhưng phải có tâm phóng khoáng, không bị chướng ngại, ta sẽ có cái nhìn nội tâm hoàn toàn khác với người đời. Có được cái nhìn đó đòi hỏi nhiều công sức, vì chúng ta cần có khả năng xả bỏ mọi thứ. Có thể chúng ta cũng nghe tiếng pháo, nhưng xả bỏ không nghĩ đến tiếng pháo. Muốn làm được như thế, cần phải có sức mạnh tâm linh, một ý chí cứng rắn. Do đó, ta cần phải phát triển những sức mạnh đó -và cả lòng tha thiết, tin cậy vào sự tu tập của mình- nếu không, ta chỉ lãng phí thời gian, và sự hành thiền của ta cũng chỉ là hy vọng, cầu mong.
Khi diễn giải về các trạng thái thiền định (Jhana), Đức Phật luôn nhắc đến tâm thanh tịnh. Sự thanh tịnh là để bảo vệ, gìn giữ tâm, tạo cho tâm một không gian để phát triển, rộng mở. Nếu không được che chở để có thể phát triển, trưởng thành, tâm khó thể nở thành đóa hoa hữu ích.
Chúng ta cần chăm chút cho nội tâm, bảo vệ nó như một viên ngọc quý, để nó không bị trầy sướt, sứt mẻ. Người ta khó thể thiền định với tâm ố uế, không trọn vẹn. Nếu ta bảo vệ được tâm không khởi ác, tránh xa những hành động xấu, thì việc hành thiền của ta trở nên dễ dàng hơn. Đối với thân, ta cố hết sức để bảo vệ nó, để nó không bị phỏng, bị đánh, bị thương, bị đau đớn. Khi tai nạn xảy ra cho thân, ta vội vã cấp cứu, đi bác sĩ, bịnh viện. Nhưng lại để tâm bị đun nóng, trầy sướt bằng ngã chấp, ngã sở; để nó bị uế nhiễm với những tư tưởng thế tục của yêu, ghét, nóng giận, hờn lẫy. Những suy nghĩ này làm ô nhiễm sự trong sạch của tâm. Và khi ta tiếp tục làm tổn thương nó nhiều lần - điều này không ngoại trừ ai - thì các vết trầy sướt sẽ thành những vết sẹo sâu, khó thể lành. Những vết sẹo này là bằng chứng của các khuyết tất của ta. Tâm ta là viên ngọc quý, đẹp đẽ trong suốt. Làm trầy sướt tâm sẽ chỉ mang đau khổ đến cho ta.
Nhưng chỉ có ta mới có thể bảo vệ được tâm mình. Chỉ có ta mới ngăn được các tư tưởng ô uế không làm trầy sướt sự trong sáng như viên đá quý của tâm. Khi đã thực sự tu tập để có được nội tâm thanh tịnh, chúng ta không cần phải đổ thừa hoàn cảnh bên ngoài để biện minh cho các hành động của ta. Tự chúng ta phải là người bảo vệ, vun trồng tâm. Tâm ta ví như một cánh đồng bao la, chưa được khai khẩn gì ngoài một vài hạt giống đã được ươm mầm. Khi đã tìm ra được các hạt giống tốt, ta sẽ bắt đầu vun trồng.
Nuôi dưỡng, vun trồng tâm đòi hỏi thời gian, lòng kiên nhẫn, thiện nguyện và quyết tâm. Nếu không nuôi dường tâm, ta sẽ không tiến bộ, sẽ mãi ù lì trong mọi hoàn cảnh, sẽ chỉ có suy tưởng mà không có thiền định. Chúng ta sẽ tiếp tục bực tức vì đủ mọi thứ chuyện, mà đôi khi nhìn lại, ta thấy thật là nhỏ mọn. Chúng ta hoàn toàn lơ là, lãng quên sự hiện hữu toàn diện, sự chế ngự thần chết, sự giác ngộ của tâm không phân biệt, và sự giải thoát khỏi những khổ đau là điều có thể thực hiện được.
Tâm chỉ chú trọng đến những vấn đề thế tục tầm thường là tâm nhỏ hẹp, thường có cái nhìn nông cạn. Chúng ta cần có tâm nhuần nhuyễn, dễ uốn nắn, có thể chấp nhận mọi hiện hữu. Qua bao nhiêu kiếp, năm này qua năm nọ, ngày này qua ngày kia, chúng ta đã rập khuôn tâm theo những quy trình của thế tục -nhưng ta không thể tiếp tục thế mãi. Chúng ta may mắn đã có đầy đủ khả năng để tự lo cho bản thân, có khả năng làm việc kiếm sống. Chúng ta không cần phải phát triển những khả năng này thêm nữa. Giờ là lúc phải rèn luyện tâm giải thoát, dẹp bỏ mọi trở ngại, để dẫn ta đến hạnh phúc bình an không giới hạn. Điều cần nhấn mạnh ở đây là sự buông xả. Khi tất cả mọi suy nghĩ, vọng tưởng khác đã được buông bỏ, trí tuệ sẽ phát sinh, sự bình an sẽ tràn đầy trái tim ta.
Sự phiền muộn, đau khổ, than thở đều là cấu uế. Không có lý do gì ta phải ở trong những tình trạng đó. Khi Đức Phật sắp Niết-bàn, Ananda, thị giả của Ngài, chỉ mới đạt được quả Tu-đà-hoàn, là đạo quả thấp nhất trong bốn quả Dự Lưu. Ananda không giấu được nỗi khổ đau. Trong khi các huynh đệ, tất cả đã đạt được quả vị A-la-hán, chỉ ngồi im lặng, chấp nhận sự việc sẽ xảy ra. Đức Phật gọi Ananda đến, và hỏi ông: "Tại sao Thầy than khóc? Thầy khóc vì cái thân xác già nua, đáng bị vứt bỏ này sao?" Ananda trả lời: "Con khóc vì sắp mất một người thầy, người đã tận tụy chỉ cho chúng con con đường phải đi". Đức Phật đáp: "Ta đã chỉ cho Thầy tất cả những gì cần làm để đạt được giải thoát. Không còn gì phải thắc mắc. Thầy chỉ cần tinh tấn tu tập".
Đức Phật muốn truyền dạy một điều rằng chúng ta không cần phải lo lắng về những lựa chọn của mình. Chúng ta thường lãng phí thời gian để tìm xem tu hành cách nào thì tốt nhất. Điều đó dẫn đến những tranh luận, bàn cãi, nghi ngờ, làm lãng phí năng lượng đáng lý ra ta có thể dùng cho tâm linh một cách hữu ích hơn.
Nếu chúng ta ngồi xuống gối thiền với tâm của một đứa trẻ thơ, ta sẽ có thể dễ dàng quên thế giới bên ngoài hơn. Đôi khi đối với những việc chừng như không thể thực hiện được, ta cần có lòng tin của một đứa trẻ. Trẻ con tin vào ông già Noel, vào các chuyện thần tiên, vào những sinh vật bé nhỏ, vào tất cả những thứ dường như không thể có. Đó là lòng tin ta cần có khi tu thiền. Ta cần tránh nghi ngờ, tránh tìm những câu trả lời hợp lý, tránh tỏ ra mình thông thái. Chỉ có trí tuệ thật sự mới đáng kể, và điều đó thì chỉ có thể xuất phát từ một trái tim vô nhiễm. Thật sự, không có gì quan trọng để ta phải ghi nhớ. Nếu có gì quan trọng, ta có thể viết xuống để ghi nhớ, xong rồi thì hãy trở về với hơi thở, với sự chú tâm vào giây phút hiện tại.
Khi ta có thể bắt đầu hành thiền với tâm hoàn toàn cởi mở, không bị chi phối bởi thế giới bên ngoài, với lòng tin rằng ta có thể làm được điều đó, thì tâm cũng sẽ hưởng ứng theo một cách tích cực như thế. Từ đó, ta có thể bước vào thế giới của cảm thông, của chánh niệm; có thể phát triển các khả năng cần thiết cho cuộc sống tâm linh. Thêm nữa, chúng ta cần hoàn toàn tin tưởng vào tâm thanh tịnh của chính mình, mà không cần phải giày vò tự vấn hay mong chờ thái quá.
Đôi khi ta có thể nghi ngờ khả năng của bản thân, của người chung quanh, như thầy ta, các giáo lý hay cách thức tu hành. Trong vô thức, hình như có tiếng nói: "Tôi có thể làm tốt hơn". Nếu thế, thì hãy bằng mọi cách làm tốt hơn. Hãy tự tin và trân trọng những nỗ lực của chính mình.
Thiền có thể là điều tuyệt vời nhất đã xảy đến cho ta, nhưng chính ta phải có sự nỗ lực riêng. Giáo lý của Đức Phật đi vào mọi ngõ ngách tâm hồn của con người một cách thâm sâu; tâm bình thường khó thể nắm bắt hết mọi ý nghĩa của Phật pháp. Trừ khi tâm của ta cũng trở nên siêu việt qua thiền định, có lẽ chẳng bao giờ ta hiểu được hết những diệu pháp của Đức Phật . Tâm bình thường không có chiều sâu, không đủ uyển chuyển, phóng khoáng để chấp nhận trí tuệ siêu việt đó.
Hoàn toàn thể nhập thiền định là cứu cánh đưa ta tới mục đích của Giác ngộ. Nếu tâm tán loạn, không thể trụ vào đâu thì khó thể đạt được Giác ngộ. Tâm sẽ tiếp tục bị chi phối, u độn, trở ngại bởi các thử thách. Khi chúng ta có thể điều khiển tâm bất cứ lúc nào theo ý ta muốn, thì khi đó ta mới có thể phát huy tột bậc tất cả các khả năng của mình. Chỉ có lúc đó thì bao đau khổ, vô thường, ngã đều trở thành một thực tại nội tâm.
Chỉ trừ khi mọi phản ứng, mọi chướng ngại đã được diệt trừ khỏi tâm, thì mới có chỗ cho những khám phá, nhận thức mới thành hình trong tâm. Sự hiểu biết Phật pháp của ta bị trở ngại bởi chính những rào cản do chính ta dựng nên. Thiền định giúp chúng ta phá bỏ các rào cản đó, rộng mở những chân trời mới cho ta, đào sâu thêm những nhận thức của ta. Chúng ta cũng có thể đặt niềm tin vào những điều không có thể như trẻ con vẫn làm, và hãy tin tưởng vào mầm Giác ngộ đã có sẵn trong tâm ta.
Để có thể hoàn toàn hướng về con đường tâm linh, thong dong bước trên con đường đạo với lòng tự tin, ta phải biết buông xả. Buông xả không đời hỏi là ta phải mặc áo nâu sòng, phải cạo tóc. Mà chỉ có nghĩa là ta cần phải buông bỏ mọi vọng tưởng, mọi ước mơ mà tâm ta mong cầu, bám víu, chấp chặt. Tâm không bao giờ thỏa mãn với cái nó đang có. Lúc nào nó cũng muốn có thêm. Khi không được như ý, nó tự vẽ vời ảo tưởng, và sống trong thế giới huyễn hoặc đó. Nhưng tâm sẽ chẳng bao giờ được hạnh phúc, an nhiên tự tại thực sự, nếu không biết buông xả. Buông xả, dẹp bỏ tâm tham đắm là nét chính yếu của Phật giáo. Chúng ta cần nhận thức rõ ràng, dứt khoát rằng, có nhiều hơn chưa hẳn là tốt hơn. Sẽ không có điểm dừng khi còn muốn có hơn. Vì lúc nào ta cũng phải tìm kiếm thêm nữa. Trái lại ít có lòng ham muốn hơn sẽ khiến ta có lúc cũng thấy đủ, thấy có điểm dừng.
Thử hỏi tại sao ta phải ngồi thiền ở nơi vằng vẻ, bỏ qua bao nhiêu cơ hội, thú vui mà cuộc đời có thể dành tặng? Ta có thể đi du lịch, đảm nhận những trách vụ quan trọng, gặp gỡ, làm quen với người tâm giao, viết thư từ hay đọc sách báo, theo đuổi những cuộc vui ở đâu đó thật sự thoải mái, hoặc theo đuổi một con đường tâm linh khác. Khi chúng ta ngồi thiền mà không có kết quả gì, ta lại khởi tưởng: "Tôi đang làm gì đây? Tu tập như thế này có thật sự ích lợi gì cho tôi không? Tôi không thể tu thiền được, chắc là tôi phải tìm pháp tu khác". Đúng là thế giới hào nhoáng này hứa hẹn với chúng ta rất nhiều điều, nhưng chẳng bao giờ thực hiện lời hứa đó. Tất cả chúng ta đều đã từng chạy đuổi theo những quyến rũ của cuộc đời, nhưng chẳng có gì thật sự đem lại cho ta hạnh phúc hoàn toàn. Sự thỏa mãn hoàn toàn -một sự bình an tuyệt đối, hoàn toàn cảm thấy đầy đủ - khó thể tìm thấy trong cuộc đời này. Không có gì trong cuộc đời này có thể hoàn toàn thỏa mãn tham vọng của chúng sanh. Tiền tài, vật chất, người yêu, tất cả đều không thể đem lại cho ta sự bình an đó. Vậy mà lúc nào chúng ta cũng hy vọng: Có thể tôi sẽ tìm được điều gì đó dễ chịu hơn, người nào đó dễ thương hơn và tất cả sẽ mới mẻ, đẹp đẽ hơn.
Chúng ta cần phải nhận định rõ rằng tâm, cũng chỉ là một trong năm uẩn. Căn của tâm là não bộ, cũng như căn của sắc là mắt. Khi tâm xúc chạm với các trần, thì nó phát khởi các tưởng, nhưng chúng ta lại tin vào các tưởng đó, cho chúng chính là mình. Chúng ta rất coi trọng những suy nghĩ của mình. Bảo vệ chúng như bảo vệ của báu, dầu rằng chúng chẳng bao giờ mang lại hạnh phúc cho ta. Chúng chỉ mang lại ảo vọng, lo âu và nghi ngờ. Đôi khi chúng giải sầu cho ta, nhưng nhiều khi cũng khiến ta sầu não khôn lường.
Khi tâm nghi hoặc khởi lên, nếu ta bám theo, chúng có thể khiến ta bỏ cả con đường đạo. Trong khi cách duy nhất để chứng nghiệm rằng sự bình an, hạnh phúc mà đời sống tâm linh có thể mang đến cho chúng ta, là phải thực tu, phải xả bỏ những hy vọng, mong cầu đến độ ta không còn thấy có gì thiếu thốn, có gì cần phải lấp đầy. Muốn biết miếng bánh có thực ngon không thì phải tự ăn. Mong muốn một điều gì mà không thực chứng là một quan niệm sai lầm.
Mong mỏi tìm được sự thỏa mãn ở bên ngoài chúng ta cũng là một tà kiến: "Tôi cầu được có trí tuệ, hiểu biết, được yêu thương, thông cảm. Tôi cầu được giác ngộ". Nhưng chúng ta sẽ chẳng nhận được gì ngoài những lời dạy, các phương pháp tu học. Chính ta hằng ngày phải tu tập, thì mới được kết quả thanh tịnh. Chúng ta không thể bổ khuyết cho sự thiếu sót, thất bại của mình bằng sự mong mỏi điều gì mới lạ khác sẽ xảy ra? Điều đó sẽ từ đâu mà đến? Từ Đức Phật? Hay Pháp? Hay thầy tăng của chúng ta? Hay từ thiền định, từ các kinh sách?
Nhưng ở đây, điều ta đang bàn, không phải là để có được thêm điều gì mà là để dẹp bỏ các chứơng ngại. Ta cần dẹp bỏ điều gì trước hết? Có lẽ đó chính là tâm loạn động của ta. Cái tâm luôn thì thầm với ta về những chuyện không tưởng, khó đạt được. Nhưng một khi ta đã nghe, ta thường dễ tin vào chúng. Có lẽ cách tốt nhất để kiểm soát chúng, không đặt lòng tin vào chúng, là hãy viết chúng xuống giấy. Khi nhìn thấy chúng trên giấy trắng mực đen, ta sẽ nhận ra chúng thật là không tưởng. Tâm ta luôn có khả năng sáng tác hết chuyện này đến chuyện khác, không lúc nào dừng nghỉ. Vì thế buông xả, dứt bỏ là chìa khóa của vấn đề. Hãy từ bỏ. Hãy buông xả.
Buông xả cũng đồng nghĩa với chấp nhận rằng cách sống theo thế tục không phải là lối thoát, chúng ta cần phải tìm một phương thức khác. Thay vì làm cho cuộc đời của ta thêm nặng nề bằng những ham muốn, ta nên hạn chế tham cầu. (Nếu cuộc đời ta không thay đổi, mà ta lại muốn đeo thêm những cái mới, thì làm sao ta có thể cải thiện hoàn cảnh?) Giảm bớt ham muốn có nghĩa là chấp nhận rằng cách suy nghĩ cũ của chúng ta không đem lại kết quả gì, mà chỉ có đau khổ triền miên. Đôi khi ta nghĩ rằng: "Tôi đau khổ như thế này là do anh ấy (chị ấy)" hoặc "Có lẽ vì thời tiết". Nhưng khi thời tiết đã thay đổi, người gây chướng ngại cho mình đã ra đi, nhưng đau khổ vẫn còn nguyên vẹn. Thế là ta lại phải đổ cho một nguyên nhân nào khác. Thay vì tốn phí thời gian một cách vô ích như thế, ta cần phải trở nên uyển chuyển, cởi mở hơn để thật sự xét lại nguyên do chính của mọi khổ đau, mà không để tất cả những nội kết, những hoang tưởng của tâm dẫn dắt. Tâm ta có lúc thanh khiết, có lúc đầy cấu uế, vì thế ta cần phải biết cách điều khiển nó. Một khi ta đã bắt đầu biện hộ, lý giải cho các tâm hành, thì ta khó chấp nhận một phương hướng khác. Chúng ta không nên nghĩ rằng mình cần phải có thêm điều gì đó, mới có thể trở nên một người hoàn toàn. Trái lại ta cần phải đoạn diệt các chấp. Lúc đó ta sẽ trở nên một người hoàn toàn.
Chúng sanh luôn tham cầu: "Tôi cần được thông cảm, được biết ơn, được thương yêu, được tán thán". Hay: "Tôi cần phải mua cái này, phải sở hữu thứ kia, phải nếm trải thứ nọ". Còn ham muốn là còn khổ đau. Từ lúc có mặt trên cõi đời này, có lúc nào chúng ta ngừng đòi hỏi đâu. Dầu không bao giờ ta thỏa ước nguyện của mình, ta vẫn kiên trì theo đuổi chúng. Tuy nhiên, nếu từ bỏ được lòng ham muốn, dần dần ta sẽ tìm được sự bình an. Hãy buông xả, không chấp cả vào những suy nghĩ, các ý kiến của cá nhân mình. Đừng chấp vào con người mà ta tự nhận là mình. Con người đã thành hình trong quá trình khẳng định cái tôi của mình: "Ổn cả thôi. Hãy nhìn xem. Tôi vẫn bình thường". Vâng, có thể chúng ta vẫn bình thường, đời sống vẫn tiến triển tốt đẹp, nhưng một khi mà hạnh phúc, sự bình an tuyệt đối còn vắng mặt, thì vẫn còn thiếu một cái gì đó. Khi ta khẳng định rằng ta vẫn bình thường, hình như trong đó ngầm che giấu một điều gì đó. Nếu không, ta đã không nói như thế bao giờ.
Khi ngồi xuống chiếu thiền, ta cũng cần buông xả, nếu không ta khó thể có được kết quả gì. Chúng ta phải hoàn toàn quên mình, để chỉ biết có việc mình đang làm thì mới mong có được kết quả mỹ mãn. Không thể để cho lòng hoài nghi khởi lên rằng: “Không biết có việc gì tốt đẹp hơn, đáng làm hơn không?” Nếu ta không dốc lòng, dốc sức, thì việc hành thiền của ta trở nên nặng nề. Dốc lòng, dốc sức có nghĩa là ta bỏ hoàn toàn thời gian, tâm huyết, nỗ lực vào đó không đắn đo, hạn chế. Nếu không, ta chỉ làm cho có việc. Dốc tâm vào việc hành thiền cũng có nghĩa là ta chỉ biết có thiền quán, mà bỏ qua những suy nghĩ như phương pháp tọa thiền, hoặc các thầy, các sách đã nói gì về thiền. Tất cả những thứ đó phải được để qua một bên thì ta mới có thể hoàn toàn chìm đắm trong thiền định. Làm được như thế thì ta sẽ cảm thấy tự tại, chỉ biết ngay giờ phút hiện tại đó, và chỉ biết có những gì mình cần quán chiếu trong tâm. Khi có sự chú tâm sâu xa thì định sâu lắng mới có thế phát khởi, rồi khổ đau mới có thể chấm dứt.
Nhưng không chỉ có dốc lòng, dốc sức trong lúc hành thiền, mà cả trong những sinh hoạt hằng ngày, khi quan tâm chăm sóc người khác, khi chú tâm trong công việc mình đang làm. Có thế mọi việc ta làm sẽ dễ được thành tựu. Nhưng để có thể nhiếp tâm được như thế, ta cần phải biết buông bỏ ngã chấp của mình. Khi còn lo nghĩ đến cái ngã, thì không thể hoàn toàn dốc tâm vào một việc gì khác. Sự dốc tâm tuyệt đối cũng giống như sữa hòa tan trong nước - không thể còn có sự tách biệt. Ngã chấp không thể nào hoà tan trong thiền; nó luôn tách biệt rạch ròi.
Chúng ta cũng cần phải buông bỏ những suy nghĩ như hạnh phúc có thể tìm ở đâu, phải sống đời sống tâm linh như thế nào, phải hành thiền làm sao, các bậc pháp sư phải hành động, nói năng, cư xử như thế nào. Chánh niệm là biết mà không phán đoán. Có lần tôi được nghe một vị sư người Thái, vì sự hạn chế trong ngôn ngữ, đã nói: 'Chỉ biết, chỉ biết’. Lúc đầu tôi không hiểu ông muốn nói gì, cho đến lúc tôi chợt hiểu ra ông muốn nói về sự chánh niệm hoàn toàn. "Chỉ biết," hàm ý chỉ một sự buông xả, chấp nhận. Ngược lại chấp chặt vào suy nghĩ, quan niệm, ý kiến của mình chỉ tạo ra trở ngại.
Không gì có thể thành tựu được, nếu không có sự toàn tâm, toàn trí. Cần phải có sự hiểu biết cũng như lòng thương yêu. Sẽ không có thiền định, nếu không có mặt của cả tâm và trí. Ta có thể tọa thiền năm này qua tháng nọ, mà chẳng có kết quả gì. Phải dọn sẳn tâm kiên quyết buông xả trước khi hành thiền. Nếu không cái ngã sẽ cản trở việc hành thiền của ta. Nó sẽ ngọ nguậy lên tiếng: 'Tôi biết hơn. Có nhiều cách hành thiền khác nữa". Hoặc than phiền: "Tôi không thấy thoải mái, chắc cách tu này không đúng rồi. Tôi thấy khó chịu quá".
Nếu ta không thể buông bỏ được các ham muốn, triệt phá được những chướng ngại mỗi khi tọa thiền thì con đường tâm linh mãi mãi sẽ chỉ là một điều bí mật đối với ta. Tất cả những điều Phật dạy chỉ dẫn ta về một hướng - đó là dẹp bỏ mọi ngã tưởng. Muốn đến được nơi đó, ta cần phải luôn sửa đổi chính bản thân từng chút, từng chút.
Buông xả có nghĩa là buông bỏ những suy tưởng, buông bỏ tâm tự cao, tự đại, lúc nào cũng cho là mình hiểu biết. Có ai để biết người đang biết đó đâu? Tất cả chỉ là những suy tưởng quẩn quanh, khởi lên, rồi diệt. Buông xả không phải là một pháp hành ở bên ngoài ta. Nó thật sự là một chuyển biến của nội tâm mà ta cần phải thực tập. Thiếu nó, sẽ không có thiền định.
Một trong những điều chúng ta thấy khó làm nhất, dù nói ra thì nghe có vẻ rất dễ dàng, đó là thương yêu chính bản thân mình. Phần đông chúng ta nhận thấy mình có nhiều điểm rất khó thương. Trớ trêu thay ta cũng dễ nhận ra các cá tính đó ở người khác, khiến ta thấy khó chịu, khó chấp nhận, dẫn đến bất mãn với cuộc đời. Không chấp nhận tính này, tật nọ của người khác, không ích lợi gì, mà chỉ khiến ta thêm bực bội, khó chịu trong lòng. Các loại tình cảm này chỉ có hại cho ta. Chỉ làm cho mối liên hệ giữa ta và người xấu đi - sẽ chẳng bao giờ đem lại cho ta hạnh phúc hay chánh niệm.
Nhưng cách giải quyết tốt nhất không phải là đi tìm bạn mới, hay che giấu tình cảm của mình, mà phải thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn của ta về tha nhân. Đức Phật đã được gọi là vị Thầy của những chúng sanh có thể độ được, có thể được điều phục. Cái khó thể điều phục nhất là cái ngã của ta. Người chưa biết tu, sẽ không thể nhận thức rằng họ luôn biểu lộ điều họ thích hay không thích. Họ luôn nghe theo các kiến chấp của họ, không cần biết đến điều gì khác. Kẻ khác thì lại có thể biết rất rõ về ngã chấp của mình, nhưng không thể làm được gì vì chưa qua quá trình chuyển đổi tâm. Dầu họ biết rất rõ về những tánh chưa điều phục được -những phản ứng bản năng liên tục- họ vẫn không thể kiềm chế chúng. Rồi cũng có những người biết tự bắt đầu sửa đổi. Vì thế không nên xét đoán người khác một cách chủ quan, coi như cá tính của con người cứng nhắc, không thể thay đổi. Tất cả chúng sanh, ngoại trừ các bậc A-la-hán, đều tội lỗi, nhưng tất cả cũng đều có thể chuyển đổi, nếu họ thành tâm. Vì thế đối với tha nhân, ta cần phải xem nếu họ có muốn sửa đổi hay không, còn những người không muốn sửa đổi, thì đừng để ý đến họ.
Chính sự đòi hỏi, mong đợi khiến ta có những phán đoán tiêu cực về bản thân cũng như với người khác. Chúng ta không mong mỏi phải là người hoàn toàn tốt đẹp, thông mình, đẹp đẽ, giàu sang, thanh tịnh, thánh thiện, nhưng chúng ta lại đòi hỏi cái ngã của ta phải cứng rắn, hoàn hảo, vững bền. Đó là lý do tại sao chúng sanh muốn tích trữ của cải vật chất. Vì càng có nhiều của cải, ta càng nghĩ mình đặc biệt, như thể rằng sở hữu và hiện hữu là một. Nhưng điều ta thật sự kiếm tìm là sự bình an, không lo sợ, vì thế, khi không đạt được mục đích này, ta sinh ra phiền não.
Ngoài ra ta còn tìm sự thỏa mãn khi chấp vào hình tướng nam, nữ, làm mẹ, làm con, làm thiền sinh, hay là người thông minh, danh giá, đẹp đẽ, vân vân và vân vân. Dầu ta không ngừng tìm kiếm sự tự tin, tha nhân cũng không thể ủng hộ ta, vì họ đâu có biết thật sự ta muốn gì. Và vì người khác không thể ủng hộ, chấp nhận ta, lòng mong mỏi, chờ đợi của ta không thể được thỏa mãn. Do đó, ta sinh ra thất vọng, và càng thấy khó chấp nhận bản thân hơn.
Thêm nữa ta cũng mong mỏi được trở nên một người xứng đáng hơn, thánh thiện hơn con người hiện tại của mình. Lòng hy vọng đó tùy thuộc vào tương lai, vì thế hiện tại chưa thể khả thi, cũng là cơ hội để phiền não bước vào tâm ta. Tóm lại bất cứ điều gì chỉ nhằm mục đích củng cố thêm ngã chấp của ta, sẽ không thể thành tựu được, vì chúng có mặt phút này, phút sau đã biến mất. Vì thế, thay vì được hạnh phúc, bình yên, ta chỉ gặt hái sự sợ hãi, âu lo -sợ không đạt được điều mong muốn, lo âu, tìm mọi cách để đạt được điều mong muốn.
Khi chúng ta còn chấp vào ngũ uẩn - thân, thọ, tưởng, hành và thức - chúng ta còn đau khổ. Tuy nhiên, ngũ uẩn còn có hình tướng, còn hiện hữu. Tất cả các tướng chấp khác như sự sở hữu, danh tiếng hay gì đó, chỉ là ảo tưởng, hầu như không hình tướng. Do đó, những nỗi khổ đau do chúng mang lại cho ta càng sâu đậm hơn. Chúng ta càng chấp vào chúng, mà không ý thức được điều đó, càng khó rèn luyện được tâm biết thương yêu. Vì sự bám víu, cố chấp tạo ra ngăn cách, phán đoán, chia rẽ, ngăn trở tâm hỷ xả, cởi mở. Mà không có tình thương, lòng hỷ xả, ta càng thêm khổ đau, thiếu sáng suốt - một trái tim biết thương yêu và một cái đầu sáng suốt thường đi đôi với nhau. Khi nào ta còn kích bác, không chấp nhận chính bản thân và tha nhân, khi đó ta còn thấy khổ đau. Ta khó thể biết thế nào là sự bình an thanh tịnh.
Thanh tịnh, bình an không phải là sự vắng mặt của điên đảo. Sức khoẻ thực sự không phải là sự vắng mặt của bịnh hoạn. Thanh tịnh là trạng thái nội tâm tròn đầy, không có chỗ cho ngã chấp, tham muốn, hay lo âu, sợ hãi không đạt được những gì mình mong muốn, là khi ta nương trụ nơi chính ta. Phật giáo hướng ta đến buông xả, con đường tu tập để phá chấp -không tham, không chấp, không sở hữu.
Tâm thanh tịnh không phải tự nhiên mà có được. Phải tu tập, rèn luyện công phu mới có được. Chúng ta sinh ra mang theo những hạt giống của tham sân, nhưng cũng không thiếu các hạt giống độ lượng, nhân từ. Chúng ta cần nỗ lực vun trồng các hạt giống thiện, đào bỏ các hạt giống xấu. Nỗ lực này không thể được lơ là phút giây nào cả.
Khi có tâm từ, ta sẽ thấy lợi ích của tha nhân cũng là lợi ích của bản thân. Nếu lúc nào ta cũng chỉ biết có 'cái tôi' và 'cái của tôi', thì việc rèn luyện để khai mở lòng từ, càng quan trọng hơn nữa, vì khi tâm ta hẹp hòi, chấp chứa, thì trí ta cũng hoang mang, u tối. Tâm và trí không phải là hai cơ quan độc lập (trong tiếng Pali, cả hai đều được gọi là Citta). Nếu không bỏ công rèn luyện cả hai, sợ rằng ta đã bỏ qua một phần quan trọng trong giáo lý của Đức Phật. Thanh tịnh được các cảm thọ giúp đầu óc ta thêm sáng suốt. Ta cũng cần thanh tịnh hoá những tình cảm chấp ngã, muốn nhận vào, nhưng không muốn cho ra, và diệt bỏ những cấu uế trong ta.
Khó thể chấp nhận, thương yêu người khác cũng giống như khó thể chấp nhận, thương yêu bản thân. Nhưng thương yêu bản thân không có nghĩa là tự tôn, cảm thấy mình hơn người, cao ngạo hay hoang tưởng về các khả năng của mình. Thật ra đó là một tình cảm từ bi, tình cảm của người mẹ thương yêu con mình. "Như khi người mẹ không quản thân mạng thương yêu, che chở cho con mình, đứa con duy nhất của mình…”, như Đức Phật đã dạy như thế trong Kinh Từ Bi. Nếu chúng ta có thể phát khởi tình yêu thương đó đối với bản thân, ta cũng có thể nhân rộng đến với người chung quanh, và tình cảm hòa ái sẽ phát khởi trong ta. Khi đó cả hai, đời sống tâm linh và cuộc sống đời thường, thuận theo một dòng chảy. Khi ta theo dõi những biến chuyển trong tâm không chỉ bằng con mắt hiểu biết về sự sinh diệt của chúng, mà còn bằng lòng chăm chút, chú tâm sâu lắng, ta có thể làm tiêu giảm được những cấu uế, lầm lỗi của mình. Đưọc như vậy ta sẽ bớt trở ngại trên bước đường tu của mình.
Ta cần phải ít nhiều buông bỏ những tham cầu, bám víu. Vì tham muốn là gốc của khổ đau. Nên nếu ta thực sự muốn giảm bớt khổ đau, ta phải biết kiềm chế lòng ham muốn. Con đường tâm linh là con đường của nỗ lực nội tâm; không chỉ là việc ngồi xuống chiếu thiền. Cuộc hành trình tâm linh chỉ thật sự bắt đầu khi ta có thể ý thức được những gì đang dấy khởi trong nội tâm, và có thể buông bỏ chúng.
Thường chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các động lực hành động ở người hơn là của chính bản thân. Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy ở người khác chỉ là sự phản chiếu của bản thân, nếu không làm sao ta có thể hiểu được ý nghĩa của những gì ta quan sát thấy. Do đó, thay vì trách cứ, ghét bỏ người khác, chúng ta biết mình phải làm gì: Hãy coi tha nhân là tấm gương soi của chính mình. Nếu ta có thể nhận biết những gì xảy ra cho người khác đó là vì chúng ta cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm đó.
Hạnh phúc và bình an đồng nghĩa với nhau. Nhưng hạnh phúc và dục lạc thì trái ngược nhau. Dục lạc chỉ xảy ra trong thoáng chốc, do những xúc chạm nhất thời mang đến, trong khi hạnh phúc hay bình an là một trạng thái của bản thể. Nếu tâm ta không có bình an, ta sẽ không cảm nhận được hạnh phúc. Vì thế ta cần tìm hiểu tại sao nội tâm mình không được tự tại. Ta đã ước muốn điều gì mà không được thỏa mãn? Tại sao những hy vọng của ta không thành hiện thực? Ta bám víu vào gì ở tự ngã và ở tha nhân? Ta lo sợ mất mát điều chi? Có phải vì ta luôn đánh bóng cái ngã của mình, nhưng không được ai ủng hộ? Sẽ không thể có bình an, hạnh phúc trong những trạng thái tâm kể trên.
Nếu không có trực giác về những nội kết này, chúng ta không thể sửa đổi được gì. Trực giác đó chỉ có thể có được bằng cách quán xét nội tâm, tức là sati, hay là chánh niệm. Một chữ ngắn gọn đó bao gồm cả con đường, đạo và quả. Chánh niệm đó quy thẳng vào nội tâm, bằng sự nhạy bén của kính hiển vi, không phải bằng sự chú tâm hời hợt mà ta thường có đối với nhiều việc khác. Sự thật được bộc lộ rõ ràng, hiển nhiên đó đôi khi làm ta đau khổ, vì những điều ta khám phá ra có thể không đẹp đẽ chút nào; ta đau khổ vì sự phán đoán của chính mình, vì ta không thể chấp nhận một khía cạnh nào đó của bản thân. Nếu không tu tập để được thanh tịnh hóa, ta còn phải chịu nhiều đau đớn hơn thế nữa.
Trong giáo lý của Đức Phật đã nói rõ phiền não, cấu uế là bản tính của chúng sanh, nhưng chúng sanh cũng có thể tu tập , rèn luyện để được thanh tịnh hóa. Nhưng muốn được bước trên con đường thanh tịnh hóa, ta cần quán xét lại lòng ham muốn của mình. Hãy viết chúng xuống giấy, để tự hỏi xem mình có thực sự cần chúng không. Có thể ta cần được thương yêu, ngưỡng mộ, mang ơn; có thể ta cần sự thông minh, giác ngộ hay chỉ cần chút thanh tịnh. Sau đó, hãy tự hỏi tiếp: Làm sao ta có thể tìm được bình an trong nội tâm? Khi chúng ta viết xuống những kinh nghiệm của mình, rồi quán xét chúng, chắc rằng ta sẽ nhận ra sự thanh tịnh, an bình là kết quả của việc từ bỏ các ham muốn.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta có thể ngay lập tức từ bỏ mọi ham muốn, bám víu, nhưng có nghĩa là ta có thể bắt đầu con đường của buông xả, chuyển đổi. Khi lòng ham muốn nổi lên, hãy quán sát nó, hãy mỉm cười rồi nó sẽ biến mất, và thay vào đó là tâm độ lượng sẽ phát khởi trong ta. Khi tâm ta không còn đầy dẫy những ham muốn, ta có thể lấp đầy tâm với tình thương yêu.
Tình thương yêu chính là tâm độ lượng. Chúng ta không thể làm gì với tình thương yêu, ngoài việc ban phát chúng cho mọi người. Khi lòng ham muốn giảm bớt, thì tình thương yêu, lòng độ lượng tăng trưởng. Chúng ta cần nhớ là tình thương yêu chân thật không tùy thuộc vào sự dễ thương của người khác. Nếu ta chỉ thương yêu một người vì người đó tử tế với ta, thì loại tình thương đó cũng chỉ là một hình thức của chấp ngã. Tình thương yêu là đặc tính của trái tim mà không tùy thuộc vào đặc tính của người mình yêu.
Buông xả -không chấp- giúp chúng ta có thể thương yêu chính mình và tha nhân dễ dàng hơn, đưa ta đến sự bình an, tự tại. Tham muốn, ngược lại, vì luôn khiến ta phải tìm kiếm, chạy đuổi không ngừng, nên chỉ tạo ra những cuộc chiến trong tâm trí ta. Không có lòng ham muốn, sẽ không sinh ra sự sợ hãi vì không đạt được hay không giữ được điều mình mong muốn. Tâm sẽ không phát khởi âu lo, do đó ta có thể trụ ngay trong giờ phút hiện tại.
Nếu sự bình an tự tại của tâm hồn là mục đích sống của ta, thì buông xả là con đường phải chọn -không thể có lựa chọn nào khác. Hãy dẹp bỏ trong tâm trí ta những tham luyến, ngã chấp, mong cầu, và thay vào đó bằng lòng độ lượng, thì cánh cửa của lòng từ bi sẽ được mở ra. Nếu ta không làm được như thế, thì lòng từ bi sẽ mãi mãi chỉ là niềm hy vọng, một ước muốn chẳng bao giờ thành tựu.
Đức Phật không bao giờ ép buộc ai phải theo giáo lý của Ngài, nhưng chỉ khuyên ta hãy thực hành theo lời hướng dẫn của Ngài để tự chứng lời dạy đó. Đó là phương pháp của Đức Phật: rõ ràng, thẳng thắn và đã được bao nhiêu người tin theo qua hằng bao thế kỷ.
Chúng ta không phải là những bộ máy, và bộ óc con người không phải là chiếc máy vi tính đầy logic. Tâm ta có những tình cảm mà ta gắn bó mật thiết với chúng. Khi ta được nghe những lời dạy của Đức Phật, tâm ta cảm thấy xao động. Từ thâm sâu, dầu chưa tự chứng được kết quả, ta cũng hiểu rằng đó chính là chân lý.