Phần 2 (Bài 11- Bài 20)

29/10/201012:00 SA(Xem: 13516)
Phần 2 (Bài 11- Bài 20)

TRUNG ĐẲNG PHẬT HỌC
GIÁO KHOA THƯ 
Tác giả: Sa Môn Thích Thiện Nhơn 
Thái Hư Đại Sư giám định 
Việt dịch: Thích Nguyên Liên

Quyển thứ nhất

 

Bài 11

KẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ NHẤT

Trong thời gian đức Phật nhập Niết bàn, tôn giả Ca diếp từ thành Ba phổ (Pava) trở về Câu thi na chịu tang. Trên đường đi trong hàng đệ tử của Ngài có Tỳ kheo Bạt nan đà tự lộ vẻ vui mừng bảo rằng: “Cù đàm mất đi là sung sướng bởi từ nay trở đi không còn ai trói buộc mình nữa”. Ca diếp sau khi nghe xong ngay trong lòng đã nảy sinh ý định kết tập kinh điển.

Đợi đến khi làm lễ trà tỳ đức Phật xong, trưởng lão Ca diếp liền cùng đại chúng bàn kế hoạch, nhóm đại chúng để đọc tụng lại những lời Phật dạy ngõ hầu hoạch định lại giềng mối Phật pháp, ngăn chặn những kẻ ngu si sau này khỏi làm ô trược chánh pháp.

Sau khi Ca diếp đưa ý kiến đại chúng thảy đều nhất trí, đồng thời chọn lựa những vị Tỳ kheo đã hoàn toàn giải thoát để đưa vào hội nghị kết tập. Trong hội nghị chỉ có 499 vị đại chúng xin mời A nan nhưng Ca diếp không chấp nhận.

Sau đó không lâu A nan đến thành Tỳ xá lyđắc đạo tại đây. A nan đắc đạo rồi đại chúng cung thỉnh Ngài vào dự pháp hội.

Ca diếp suy nghĩ nơi nào có thể nhóm chúng kiết tập, thấy thành Vương xá là nơi có đầy đủ phòng ốc vật dụng liền đến trước để điều đình với A xà thế, được A xà thế hoan hỷ hứa khả. Mọi việc xây dựng tu sửa phòng ốc đều do A xà thế lo liệu trong khoảng thời gian một tháng thì xong, Ca diếp bèn nhóm chúng kết tập kinh điển. Đại chúng nhóm họp đồng suy cử Đại Ca diếp làm Thượng toạ để chứng minh việc đọc lại Đàm ma (pháp) và Tỳ nại da (luật).

Ban đầu tôn giả Ưu ba ly thăng toà trả lời những câu chất vấn của Ca diếp, đọc ra bốn giới Ba la di và các giới khác, đại chúng đồng tụng lại từng câu và đều xác nhận đây là những điều Phật chế định. Kế đến A nan thăng toà trả lời những câu chất vấn của Ca diếp rồi đọc ra những kinh điển, đầu tiên là kinh Phạm võng được phân chia thành bốn bộ như sau.

Kết tập kinh điển lần thứ nhất.

1. Theo Thiện kiến luật (Nhị tạng).

a. Kinh tạng.

- Trường A hàm: bẻ gãy tà giáo.

- Tăng nhất A hàm: trình bày nhân quả nhân thiên.

- Trung A hàm: trình bày nhân quả xuất thế gian.

- Tạp A hàm: trình bày thiền định cõi Sắc, Vô sắc.

b. Luật tạng.

- Bát thập tụng luật.

2. Theo Thập tụng luật (Tam tạng)

a. Kinh tạng, b. Luật tạng, c. Luận tạng.

3. Theo Ngũ phần luật (Tam tạng)

a. Kinh tạng, b. Luật tạng, c. Luận tạng.

4. Theo Tứ phần luật (Tứ tạng)

a. Kinh tạng, b. Luật tạng, c. Luận tạng, d. Tạp tạng.

5. Theo Tăng kỳ luật (Tứ tạng).

a. Kinh tạng, b. Luật tạng, c. Luận tạng, d. Tạp tạng.

Đại chúng đồng tụng và xác nhận đây là những lời Phật dạy. Theo Tích lan đảo sử lần kiết tập thứ nhất về pháp là chín phần giáo về kinh là bốn bộ A hàm.

Khi kiết tập vừa xong A nan đối trước đại chúng thưa: “Trong thời gian Phật sắp nhập Niết bàn Ngài có dạy tôi: “Như lai chế giới là tuỳ theo căn cơ trình độ của chúng sanh mà chế, vì thế chẳng nên nhất nhất tuân thủ. Đối với các giới không quan trọng tuỳ theo hoàn cảnh mà có thể bỏ bớt””.

Ca diếp bèn hỏi: “Các giới không quan trọng là những giới nào ông đã hỏi Phật chưa?” A nan đáp: “Điều này tôi chưa hỏi”. Nhân đây Ca diếp quở trách A nan sai ra đối trước đại chúng sám hối.

Bấy giờ trong chúng có rất nhiều ý kiến sai khác, có ý kiến cho rằng chỉ cần lấy 4 giới Ba la di các giới còn lại là giới không quan trọng; có ý kiến lấy đến 13 pháp Tăng tàn các giới còn lại là không quan trọng; có ý kiến lấy đến hai pháp bất định các giới còn lại là những giới không quan trọng. Các ý kiến khác nhau tranh chấp không giải quyết được.

Cuối cùng Ca diếp đối trước đại chúng tuyên cáo: “Lấy tất cả những điều Phật đã chế khi Ngài còn tại thế làm chứng quyền tối hậu, không luận các giới không quan trọng như thế nào, hết thảy nên y theo giới Phật đã nghiêm khắc chế ra thi hành”. Đại chúng đều tán thành quan điểm của trưởng lão Ca diếp. Do vậy có thể nói giáo đoàn Phật giáo đối với việc hành trì giới luật, vốn theo chủ nghĩa bảo thủtuân thủ theo một tiêu chuẩn nhất định.

Lúc ấy Phú lâu na đang ở phía nam hay tin thành Vương xá có cuộc kiết tập kinh điển, Ngài bèn dẫn đồ chúng đến đại hội. Nhưng khi về đến nơi thì cuộc kiết tập cũng vừa xong, Phú lâu na xin được tụng lại Ca diếp y theo như trên mà tụng. Sau khi nghe xong Ngài bèn thưa: “Tôi hoàn toàn nhất trí với cuộc kiết tập duy trừ tám việc sau còn thiếu.

1. Tỳ kheo được quyền cất chứa thức ăn qua đêm.

2. Tỳ kheo được quyền nấu đồ ăn trong tự viện.

3. Tỳ kheo được quyền nấu ăn riêng.

4. Tỳ kheo được giữ thức ăn riêng.

5.Tỳ kheo được quyền ăn sáng.

6. Tỳ kheo được đem thức ăn từ nơi này sang nơi khác.

7. Tỳ kheo được quyền uống nước trái cây sau giờ ngo.ï

8. Những vật thực xuất phát từ ao hồ không làm pháp dư thực vẫn được ăn.

Tám điều này đích thân tôi đã nghe Phật chế nhớ rõ không quên”. Ca diếp đáp: “Với tám điều này gặp lúc mất mùa đói kém Phật tạm khai cho sau đó Ngài hoàn chế lại, vì thế chúng ta cần tuân theo những gì Phật đã nghêm khắc chế định mà phụng hành”.

(Cuộc kiết tập kinh điển của Phú lâu na có thuyết gọi là Quật ngoại kiết tập, điều này e không đúng với lịch sử).

Xét Tam tạng được kiết tập lần thứ nhất chính xácgiáo nghĩa căn bản của đức Phật, bởi vì ngoài giáo nghĩa này còn có các giáo nghĩa không căn bản khác có bằng cứ. Theo Kim cương tiên luận nói: “Ở tại núi Thiết vi có cuộc kiết tập kinh điển của Đại thừa” điều này e trái với lịch sử.

Vì thế xưa nay các bậc cổ đức đều tôn kinh Hoa nghiêm là: “Chư kinh trung vương” (vua trong các kinh) các kinh điển khác đều nương từ kinh Hoa nghiêm mà lưu xuất. Nay chúng ta cũng có thể nói một cách khác, kinh A hàm là: “Chư kinh trung vương” các kinh điển khác đều nương vào A hàmdiễn dịch, nói như thế không được hay sao?

Tuy nhiên bình tâm mà xét, chúng ta đối với các bộ kinh thuộc hệ A hàm xem đó là tạng Thanh văn thì có thể được, còn với tính châm biếm cho các kinh thuộc hệ A hàmTam tạng Tiểu thừa điều này không thể chấp nhận. Bởi vì các bộ kinh thuộc hệ A hàm cũng xuất phát từ kim khẩu của Phật tuyên nói ra.

 

Bài 12

KIẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ HAI

(Nguyên nhân phân chia hai bộ phái căn bản theo Phật giáo Nam phương)

Kiết tập kinh điển lần thứ hai còn có tên Thất bá kiết tập. Do vì trong cuộc kiết tập này có đến 700 vị Tỳ kheo tham dự. Nguyên nhân xảy ra cuộc kiết tập đại để như sau.

Sau cuộc kiết tập lần thứ nhất các địa phương đều nhen nhúm tư tưởng cải cách, đến khoảng 100 năm tư tưởng ấy lại càng chín muồi. Do đó trong tăng đoàn phân chia thành hai bộ pháiThượng toạ bộĐại chúng bộ. Nói một cách dễ hiểu là trong tăng đoàn đã xảy ra sự xung đột ý kiến giữa hai phái bảo thủcải tiến.

Lúc đầu do đệ tử đích tôn của tôn giả A nanDa xá nhân có công việc đến thành Tỳ xá ly. Tại đây Da xá thấy các Tỳ kheo phái Bạt kỳ (còn gọi là Bạt xà) mang bình bát lớn bằng vàng khất thựcKiều tát la. Lại vào ngày Bố tát các Tỳ kheo phái Bạt kỳ đổ nước đầy bát và khuyến khích tín đồ cúng tiền vào. Các Tỳ kheo này cho rằng người nào cúng dường như thế sẽ đạt được công đức rất lớn. Da xá thấy cảnh tượng sai trái như thế bèn công khai bài xích, cho rằng các Tỳ kheo phái Bạt kỳ làm vậy là phi pháp. Nhân đây Da xá yêu cầu những Tỳ kheo này trả tiền lại, vị nào cất giấu vào trong tay áo cũng phải đem ra trả lại cho tín đồ. Các Tỳ kheo phái Bạt kỳ liền phản đối trách mắng Da xá đã đứng trước tại gia cư sĩbộc lộ những lỗi lầm của hàng Tỳ kheo, đồng thời yêu cầu Da xá phải đối trước cả tăng lẫn tục để sám hối việc này.

Da xá vốn người nghiêm trì giới luật, trước sự yêu cầu của các Tỳ kheo phái Bạt lỳ, một mặt Ngài chấp nhận sám hối một mặt Ngài nói lên tính cách xử trí chánh đáng của mình, cho rằng tinh thần giới luật là không thể có như vậy, rồi từ đó Ngài ân cần giải thích từng điểm sai trái, khiến rất nhiều người nghe sanh lòng cảm kính.

Sau đó Da xá trở về đem những việc làm sai trái trên cùng mười điều phi pháp của các Tỳ kheo phái Bạt ky,ø trình bày với các bậc trưởng lão hai miền đông tây. Không bao lâu Da xá đã chiêu tập xong các bậc cao đức cả hai miền gồm 700 vị mở đại hội phán xét, hội trường của đại hội ở trong vườn Bà lợi ca thuộc thành Tỳ xá ly. Chư tăng hai miền đông tây mỗi bên đều cử bốn vị làm đại biểu cho vùng của mình.

a. Phương đông.

Bát xà tông, Tát bà ma ca (136 tuổi hạ), Sa lam, Bà xa lam.

a.Phương tây.

Tam phù đà (120 tuổi hạ), Ly bà đa (120 tuổi hạ), Tu ma na,Trường phó (có nơi ghi Da xá)

Hội nghị nhất trí bầu trưởng lão Ly bà đa làm chủ toạ, đưa ra mười điều của nhóm Bạt kỳ để xét hỏi. Trưởng lão Tát bà ma ca tùy theo mỗi sự việc mà trả lời, như vậy theo thứ lớp từng điều các trưởng lão đã chứng minh nêu các địa phương cùng với thời điểm Phật chế giới luật. Cuối cùng toàn thể đại hội đã đi đến phán quyết sau.

Mười điều phi pháp của Tỳ kheo nhóm Bạt kỳ.

1. Diêm khương hiệp cộng tịnh (muối gừng được phép để qua đêm), phạm giới để đồ ăn qua đêm, phạm Ba dật đề.

2. Lưỡng chỉ sao thực tịnh (được phép ăn sau giờ ngọ khi bóng mặt trời qua hai lóng tay), phạm giới không làm phép tàn thực, phạm Ba dật đề,

3. Phục toạ thực tịnh (ăn rồi nếu không quá ngọ đến nơi khác vẫn được ăn), phạm giới không làm phép tàn thực, phạm Ba dật đề.

4. Tô nhu thạch mật hoà hợp tịnh (sau giờ ngọ sửa không cần để lắng xuống vẫn được uống), phạm giới ăn phi thời, phạm Ba dật đề.

5. Ẩm xà lâu già tửu tịnh (khi bịnh được phép uống các thứ rượu xà lâu (rượu nấu chưa được chín) thành rượu thì không được uống) phạm giới ẩm tửu, phạm Ba dật đề.

6. Thứ tụ lạc thực tịnh (sau khi ăn rồi đến nhà khác vẫn được ăn mà không cần làm phép tàn thực), phạm Ba dật đề.

7. Tác toạï cụ tuỳ ý đại tiểu tịnh (được phép may toạ cụ lớn nhỏ tuỳ theo thân thể mình), phạm Ba dật đề.

8. Tập tiên sở tập tịnh (được phép làm những công việc khi còn tại gia), phạm giới có khi được có khi không được.

9. Cầu thính tịnh (ở cùng một trụ xứ đước phép rời khỏi chỗ đi nghe pháp rồi nhờ người khác hứa khả việc đó). Đại hội không đồng ý cho rằng việc này không đúng chánh pháp.

10. Thọ xúc kim ngân tiền tịnh (được phép thọ nhận và cất chứa tiền bạc) phạm giới Ni tát kỳ ba dật đề.

(Trên đây là sự phán quyết của 700 vị hiền thánh).

Đến đây mọi việc xử lý xong, sau đó các bậc trưởng lão đem tạng luật ra kiết tập lại một lần nữa (kỳ kiết tập này kinh tạngluận tạng không có kiết tập).

Lúc đó các Tỳ kheo phái Bạt kỳ đã thất bại và bị đại hội khiển trách, tuy họ không dám phản đối nhưng ý chí thì không cảm phục. Lại do có sự bảo hộ của vua Ca la a dục, họ bèn tập hợp một số người nhóm riêng nơi khác để kiết tập kinh điển. Cuộc kiết tập này gọi là “Đại đẳng tụng”. (cuộc kiết tập của phái Bạt kỳ có thể gọi là Quật ngoại kiết tập).

Do số lượng Tỳ kheo theo phái Bạt kỳ rất đông nên gọi là Đại chúng bộ, danh xưng Đại chúng bộ bắt đầu có từ đó. Các Tỳ kheo thuộc chánh hệ do giới cao lạp trưởng nên gọi Thượng toạ bộ, danh xưng Thượng toạ bộ cũng bắt đầu có từ đây.

Tóm lại nguyên nhân phân chia thành hai bộ phái lớn, theo Phật giáo Nam phương truyền lại đại để là như vậy.

 

Bài 13

NGUYÊN NHÂN PHÂN CHIA

HAI BỘ PHÁI CĂN BẢN THEO BẮC TRUYỀN

Căn cứ Dị bộ tông luân luận của Thế hữu trước tác Huyền trang dịch có đoạn: “Tôi nghe như vầy, sau khi đức Phật Niết bàn khoảng 100 năm cách thánh càng xa, như ánh mặt trời từ lâu đã lặn mất. Bấy giờ tại thủ phủ Cu tô ma thuộc Ma kiệt đà, có vua Vô ưu thống nhiếp xứ Chiêm bộ. Lúc ấy trong hàng tăng chúng của Phật giáo bắt đầu có sự phân chia. Sự việc là do trong chúng có quan điểm bất đồng về năm việc của Đại thiên mà chia thành hai bộ”.

Theo Dị bộ tông luân luận thuật ký của Khuy cơ dẫn Đại tỳ bà sa luận cho rằng: “Đại thiên khi tại gia đã từng loạn dâm với mẹ giết cha giết mẹ. Sau khi xuất gia lại huỷ báng Phật, vu cáo chúng tăng phạm đủ năm tội nghịchmười điều ác. Lại nói Đại thiên là người tạo đủ ác nghiệp nhưng đầu óc thông minh, xuất gia không lâu đã đọc tụngthông thuộc Tam tạng, tự xưng chứng A la hán nói ra năm việc như sau.

1. Dư sở dụ: Đại thiên nằm mộng xuất bất tịnh làm nhơ y, sai đệ tử giặt bị đệ tử cật vấn, Đại thiên đáp: bởi do thiên ma quấy rối nên Tứ quả không thể tránh khỏi xuất lậu bất tịnh.

2. Vô tri: Đại thiên vọng thọ ký cho đệ tử chứng thánh quả. Đệ tử bèn hỏi: “Tại sao chúng tôi chứng thánh quả mà không tự biết”. Đại thiên đáp: “Tứ quả mặc dầu không có Nhiễm ô vô tri nhưng vẫn còn Bất nhiễm ô vô tri”.

3. Do dự: đệ tử hỏi: “Chúng tôi đã chứng thánh quả sao lại còn nghi ngờ?”, Đại thiên đáp: “Tứ quả mặc dầu đã đoạn phiền não nghi ngờ nhưng vẫn còn nghi hoặc nơi lý và phi lý”.

4. Tha linh nhập: đệ tử hỏi: “Chứng đắc Tứ quả thì tự biết giải thoát tại sao chúng tôi lại không biết?”. Đại thiên đáp: “Như Xá lợi phất… còn đợi Phật nói mới biết các ông làm sao có thể tự biết được”.

5. Đạo nhân thanh: Đại thiên nhân nửa đêm tự trách than: “Khổ quá, khổ quá” đệ tử hỏi nguyên do. Đại thiên đáp: “Do cảm sâu nỗi khổ của Tam giới mà than khổ quá đó chính là thánh đạo”.

Lại cho rằng Đại thiên nhân năm sự việc này mà tự làm bài kệ: “Ma dụ hoặc, không biết. Nghi ngờ, người bảo chứng. Đạo nhân tiếng mà sanh. Đây chính là Phật giáo”. (Dư sở dụ vô tri. Do dự tha linh nhập. Đạo nhân thanh cố khởi. Thị danh chân Phật giáo).

Nhân đây trong chúng chia thành hai phái, đấu tranh liên tục không hoà hợp. Vua Vô ưu đích thân đến Kê viên để xử lý. Nhà vua lại nghe theo lời đề nghị của Đại thiên là nương theo số đông để quyết định đúng sai.

Do phàm chúng ủng hộ năm việc Đại thiên rất đông còn chúng hiền thánh phủ nhận rất ít, nhà vua bèn quở trách các Thượng toạ chúng hiền thánh. Nhân sự kiện này chúng hiền thánh quyết định rời chùa Kê viên thị hiện thần lực đến xứ Ca thấp di la. Nhà vua hay được tin ấy thỉnh cầu các Ngài trở lại chùa Kê viên nhưng các Ngài không chấp nhận. Tại Ca thấp di la các Thượng toạ hiền thánh xây chùa Cáp viên và cư trú tại đây. Nơi xứ này do đây mà thạnh hành sự hoá đạo của Thượng toạ bộ.

Bấy giờ vua Vô ưu ở thành Ba thác ly ủng hộ chư tăng Đại chúng bộ mà phụ hoạ theo năm việc Đại thiên ở chùa Kê viên. Nhân đây hai bộ Thượng toạĐại chúng đồng phân ranh giới hoằng hoá, mỗi bộ đều truyền bá riêng tông chỉ của mình.

Lại trong Dị bộ tông luân luận có nói: “khoảng thời gian Phật Niết bàn 200 năm, có một vị Tỳ kheo tên Đại thiên là bậc đa văn, tinh tấn đưa ra năm việc…”.

 

Bài 14

LUẬN BÀN VỀ NHÂN CÁCH ĐẠI THIÊN

Ấn độ Phật giáo sử (Cảnh dả hoằng dương (người Nhật) trước tác) nói: “Cuộc đời của Đại thiên khó có thể biết được rõ ràng. Căn bản Đại thiên là một vị tăng kiệt xuất điều đó không nghi ngờ. Nhưng các thuyết xưa nay đều nói Đại thiên là người ác phạm đủ ba tội nghịch, đây là từ ngữ của những người theo phái phản đối châm biếm. Như Từ ân đại sư, Gia tường đại sư đã từng vì việc này mà biện hộ cho Đại thiên” (như trong Du già lược toản của Cơ sư).

Lại trong Phân biệt công đức luận có nói: “Chỉ có (con người) Đại thiên là bậc đại sĩ ngoài ra (những hành vi của Đại thiên) đều là tiểu tiết)”. Với phương diện tán dương Đại thiên có phần cực đoan như thế, do đó chúng ta có thể biết được nhân vật Đại thiên là mấu chốt hình thành sự phận chia trong Phật giáo, bởi vì quá đề cao một con người tầm thường.

Năm việc phi pháp của Đại thiên, phái phản đối giải thích theo ý công kích như phần trên đã trình bày, đương nhiên là không chính đáng, nhưng cũng qua đó chúng ta có thể đoán biết được chủ trương của Đại thiên.

Trong điều thứ hai Nhiễm ô vô triBất nhiễm ô vô tri là bắt nguồn từ Đại thiên mà có. Theo đó thì việc chứng đắc thánh quả phải có lý trí nghĩa là có sự sai biệt giữa Bồ đềNiết bàn. Căn cứ vào sai biệt đó mà khuếch trương sự tròn đầy hạnh tự lợi lợi tha của Phật giáo Đại thừa. Và có thể nói Phật giáo Đại thừa do chính từ sự sai biệt này mà hình thành và phát triển.

Điều thứ ba nói về sai khác giữa Thuỳ miên và Xứ phi xứ, nghĩa là đứng trên quan điểm tri thức sai biệt thì gọi là Hữu lậu trí còn đứng trên mặt nhận thức bình đẳng tuyệt đối thì gọi là Vô lậu vô phân biệt trí. Tư tưởng này cũng là nhân tố căn bản để làm cho Phật giáo Đại thừa phát triển.

Tóm lại, với chủ trương của Đại thiên đem so với chủ trương của Thượng toạ bộ trước đây, còn rất nhiều vấn đề cần phải luận bànnghiên cứu. Còn như Thượng toạ bộ phản đối chủ trương của Đại thiên, chẳng qua là tư tưởng của họ hơi bảo thủ và nghiêng cứng quá vậy.

2. Tiểu thừa Phật giáo khái luận (Chu triều vĩnh trai người Nhật trước tác) nói: “Phương này (Ấn độ) có truyền Đại thiêncon người tánh tình cực ác đó là quan điểm của Hữu bộ, bởi vì tư tưởng của Đại thiên hoàn toàn trái ngược với tư tưởng của họ, do đó đã xảy ra việc chửi mắng Đại thiên sai với sự thật. Vì sao? Thực tế Đại thiên không phải là người ác như thế, chẳng qua ông ta hơi tự do bàn luận, ghét thấy những điểm cố chấp quá đáng của các nhà bảo thủ mà nói ra bài kệ như trên”.

3. Ấn độ Phật giáo sử (Lã trừng trước tác) nói: “Tông luân luận cho rằng có hai nhân vật tên Đại thiên. Đại thiên thứ nhất là con vị thương chủ tên Bạt chủ di đại thiên, Đại thiên thứ hai sau khi xuất gia nhưng vẫn chấp chặt tư tưởng ngoại đạo do đó có tên là Tặc trụ đại thiên. Hai vị này tên thì giống nhưng người thì hoàn toàn khác. Nhưng xét kỹ vấn đề thì Đại thiên thứ nhứt và Đại thiên thứ hai cũng chỉ là một người. Chẳng qua Tặc trụ đại thiên là nhân vật lịch sử còn Bạt chủ di đại thiên là nhân vật ảnh tả mà thôi”.

Theo Bắc truyền sau Phật Niết bàn 100 năm, trong nội bộ tăng chúng chùa Kỳ viên xảy ra sự tranh cãi, vua A dục quyết định can ngăn nhưng không biết phải làm bằng cách nào, do đó đem sự việc này hỏi Đại thiên. Còn theo Nam truyền thì Phật Niết bàn hơn 200 năm vào thời A dục, trong tăng chúng cũng xảy ra sự tranh chấp như vậy. Do đây chúng ta có thể suy đoán sự việc Phật Niết bàn 100 năm hay 200 năm của Bắc truyền và Nam truyền, thời điểm có sai khác còn sự kiện xảy ra chỉ là một mà thôi.

Theo bản dịch của Giác âm, thì năm việc Đại thiên là do 2 bộ Đông sơn và Tây sơn đề xướng, đó không phải là nguyên nhân căn bản khiến phân chia 2 bộ phái, chẳng qua mỗi bộ phái có chủ trương sai khác không đồng nhất mà thôi.

Lại theo thuyết của bắc phương cùng Bộ chấp dị luận bản dịch đời Lương đồng bản với Tông luân luận và cho đến Thập bát bộ luận của La thập, các bộ này đều không nói năm việc này là do Đại thiên đề xướng.

Nhân đây có thể suy đoán, năm việc Đại thiên đã manh nha trong khoảng thời gian Phật Niết bàn từ 100 năm cho đến 200 năm, còn Đại thiên chỉ là người tập hợp thành bài kệ mà đọc ra giữa tăng chúng vậy.

 

Bài 15

ĐẠI CHÚNG BỘ LẠI MỘT LẦN NỮA PHÂN BỘ

Sau Phật nhập diệt khoảng đầu 200 năm, từ Đại chúng bộ phân thêm ba bộ.

2. Nhất thiết bộ, 3. Thuyết xuất bộ, 4. Kê dẫn bộ.

Sau Phật nhập diệt giữa 200 năm, từ Đại chúng bộ lại phân thêm hai bộ.

5. Đa văn bộ, 6. Thuyết giả bộ.

Sau Phật nhập diệt cuối 200 năm, cũng từ Đại chúng bộ phân thêm ba bộ.

7. Chế đa sơn bộ, 8. Tây sơn trụ bộ, 9. Bắc sơn trụ bộ.

(niên đại phân chia các bộ phái trên là căn cứ vào Dị bộ tông luân luận).

Nguyên nhân phân chia các bộ phái trong Nam phương Phật giáo không ghi chép. Vả lại nếu có ghi chép thì cũng không rõ ràng, nên ở đây chúng tôi chỉ nêu ra khái lược mà thôi.

Nay căn cứ vào thuyết Bắc phương của Chân đếTam luận huyền nghĩa quan chú của Ngao đầu có dẫn, xem đó như là các truyền thuyết về sự phân chia các bộ phái còn lưu lại ngày nay, nêu đại khái như sau.

1. Đại chúng bộ: lúc đầu bộ này phát triển ở Anh quật đa la phía bắc Vương xá, có một số vị dẫn trong kinh Hoa nghiêm cùng các bộ kinh Đại thừa khác… có người chấp nhận nhưng cũng có người không chấp nhận, nhân đây liền chia thành hai phái. Trong số những người chấp nhận cũng phân chia ba bộ sau.

2. Nhất thuyết bộ: chủ trương các pháp thế gianxuất thế gian đều là giả danh khôngthực thể.

3. Thuyết xuất thế bộ: chủ trương các pháp thế gian là do từ điên đảo mà sanh, do điên đảo khởi phiền não do phiền não khởi hoặc nghiệp do hoặc nghiệp mà sanh quả báo. Như thế các pháp thế gian do nương điên đảo sanh nên chúng thuộc hư vọng thảy đều giả danh không thực. Ngược lại các pháp xuất thế gian chẳng phải từ điên đảo sanh, mà từ chân thật cảnh khởi chân thật trí từ chân thật trí lại khởi chân thật cảnh, cho nên pháp xuất thế gian là chân thât pháp.

4. Kê dẫn bộ: chủ trương hai tạng Kinh và Luật là do Phật phương tiện nói ra, chỉ có tạng Luận nhằm giải thích nghĩa lý tông thú của kinh luật mới là pháp chân thật. Trong kinh nói: “Tuỳ nghi che thân, tùy nghi chỗ ở, tuỳ nghi ăn uống, miễn sao mau dứt phiền não”, ý nói cơm ăn, áo mặc, nơi ở chỉ là hình thức không cần phải bó buộc, duy có việc đoạn trừ phiền não thoát ly sanh tử mới là quan trọng (chủ trương này đồng với chủ trương của Thiền tông, chỉ khác là bộ này lấy việc đoạn trừ phiền não làm quan trọng còn Thiền tông lấy việc đoạn trừ vô minh làm quan trọng).

5. Đa văn bộ: nhân duyên xuất phát là do bộ chủ tên Tử bì y, xuất gia khi Phật còn tại thế chuyên toạ thiền ở núi Tuyết. Sau Phật Niết bàn 200 năm mới xả thiền đến xứ Anh quật đa la thấy tín đồ Đại chúng bộ chỉ hoằng dương những nghĩa lý nông cạn trong Tam tạng, tâm vô cùng kinh ngạc. Nhân đây Ngài bèn đọc ra những nghĩa lý từ nông cạn đến thâm sâu của kinh điển, mà đích thân đã từng nghe Phật thuyết. Sau đó có một số người chấp nhậnnghĩa lý này trước đây chính họ đã từng nghe, số người này lập riêng ra một bộ gọi là Đa văn bộ.

6. Thuyết giả bộ: nhân duyên xuất phát là do Ca chiên diênMa ha la đà, trong khi đọc tụng Tam tạng phân chia ra cái là Phật chân thật thuyết cái là Phật giả danh thuyết, cái là tục đế cái là chân đế, cái là nhân cái là quả nên bộ này còn gọi là Phân biệt thuyết bộ.

7. Chế đa sơn bộ.

8. Tây sơn trụ bộ.

9. Bắc sơn trụ bộ.

Nhân duyên phân chia Chế đa sơn bộ có nói ở bài 23 phần đệ tam kiết tập. Kế đó do sự luận bàn lại năm việc Đại thiên để tránh sự tranh cãi mà phân chia thành ba bộ kể trên.


Bài 16

THƯỢNG TOẠ BỘ LẠI MỘT LẦN NỮA PHÂN BỘ

Sau Phật nhập diệt khoảng 300 trăm năm, từ Thượng toạ bộ phân thêm hai bộ.

1. Thuyết nhất thiết hữu bộ.

2. Tuyết sơn bộ: đây là Thượng toạ bộ dời đến tại Tuyết sơn.

Sau Phật nhập diệt khoảng 300 năm, từ Hữu bộ lại phân thêm hai bộ.

3. Độc tử bộ.

8. Hoá địa bộ.

Sau Phật nhập diệt giữa 300 năm, từ Độc tử bộ lại phân thêm bốn bộ.

4. Pháp thượng bộ.

5. Hiền trụ bộ.

6. Chánh lượng bộ.

7. Mật lâm sơn bộ.

Sau Phật nhập diệt giữa 300 năm, từ Hóa địa bộ lại phân thêm

9. Pháp tạng bộ.

Sau Phật nhập diệt khoảng 400 năm, từ Hữu bộ lại phân thêm hai bộ.

10. Aåm quang bộ.

11. Kinh lượng bộ.

1. Thuyết nhất thiết hữu bộ: ban sơ Thượng toạ bộ chỉ tôn sùng Kinh tạng cho rằng Luật tạng là tuỳ theo căn tánh mỗi người mà có sự khai giá bất định, còn Luận tạng chỉ là để giải thích ý kinh thường hay đi quá với sự thật. Do đây họ chủ trương trong ba tạng Kinh tạng là căn bản bởi không trái với sự thật, nên trong mỗi mỗi sự việc đều lấy Kinh làm tiêu chuẩn.

Nhưng thời gian về sau trong tăng chúng lần hồi xuất hiện khuynh hướng xem nhẹ Kinh đặt nặng Luận, đến khi Phật Niết bàn khoảng 300 năm có Ca chiên diên xuất hiện nỗ lực hoằng dương Luận tạng, lập riêng thành một bộ đặt tên là Tát bà đa bộ (Thuyết nhất thiết hữu bộ).

2. Tuyết sơn bộ: là biến cải tên từ bộ gốc Thượng toạ bộ do Thượng tọa bộ đã phân thêm Tát bà đa bộ, hai bộ này không chịu ở chung một trụ xứ nên Thượng toạ bộ dời về Tuyết sơn vì vậy có tên là Tuyết sơn bộ.

Có thuyết cho rằng nguyên nhân một số vị bỏ Tuyết sơn là bởi chuyển sang tin theo năm việc Đại thiên. Nếu quả như thế thì Nam truyền cho rằng trong Thượng toạ bộ có một phái thuộc Đại chúng bộ điều này cũng đáng tin vậy.

3. Độc tử bộ: bộ này nương vào A tỳ đàm do Xá lợi phất trước tác làm chỗ y cứ. Đệ tử của Xá lợi phấtLa hầu la, đệ tử La hầu laĐộc tử, bộ phái này do Độc tử hậu duệ Xá lợi phất lập thành. Sau do nghĩa lý của bộ chưa được hoàn chỉnh nên môn đồ lấy nghĩa lý kinh điển để bổ khuyết. liền trong bộ phát sinh ra các mối tranh chấp.

Nguyên nhân là do khi giải thích nghĩa lý bài kệ: “Dĩ giải thoát cánh đoạ. Đoạ do tham dục hoàn. Hoạch an hỷ sở lạc. Tùy lạc hành chí lạc” mà mỗi nhóm đều có quan điểm sai khác, liền từ Độc tử bộ phân thêm bốn bộ.

4. Pháp thượng bộ: bộ này giải thích về quả vị A la hán như sau.

- Khi tiến lên thì từ niềm vui này dẫn đến niềm vui khác.

- Khi trụ lại thì đạt được niềm vui của sự khinh an hỷ lạc.

- Khi thối tâm thì sự giải thoát sẽ bị lui sụt.

5. Hiền trụ bộ: giải thích ba quả vị tu chứng.

- A la hán mặc dầu đã giải thoát, nhưng vẫn còn bị đoạ lạc nếu tham dục tái khởi.

- Bích chi Phật đạt được sự an ổn trong niềm vui của mình.

- Phật Thế tôn thì từ niềm vui này đưa đến niềm vui khác.

6. Chánh lượng bộ: bộ này giải thích.

- Sơ quả: đã giải thoát.

- Nhị quả hướng: thêm đoạ.

- Nhị quả: trở lại.

- Tam quả hướng: đoạ do tham tái khởi.

- Tam quả: đạt được sự hỷ lạc.

- A la hán: từ niềm vui này đưa đến niềm vui khác.

7. Mật lâm sơn bộ.

- Thối: thêm đoạ

- Tư: đã giải thoát.

- Hộ: đoạ do tham.

- Trụ: trở lại.

- Kham viễn: được an vui trong niềm vui có sẵn.

- Bất động: từ niềm vui này đưa đến niềm vui khác.

8. Hoá địa bộ: bộ chủ tên là Hoá địa xuất thân từ dòng Bà la môn thông suốt bốn bộ Vệ đà. Sau khi xuất gia Hoá địa nhân lúc đọc kinh Phật thấy trong kinh có các điểm liên quan với Vệ đà, bèn lấy tư tưởng Vệ đàThanh văn ký luận (Phạm văn điển) để bổ khuyết nhằm làm phong phú lời Phật dạy. Những người chấp nhận theo quan điểm này bèn lập riêng ra một bộ gọi là Hoá địa bộ (Di sa tắc bộ).

9. Pháp tạng bộ: bộ chủ tên Pháp tạngđệ tử Mục kiền liên, sau khi Mục kiền liên thị tịch Pháp tạng tự tập hợp giáo điển phân thành năm tạng. Ngoài ba tạng Kinh, luật, luận còn thêm Chú tạngBồ tát tạng. Với thuyết Ngũ tạng này trong Hoá địa bộ có một số người tin theo, lập riêng thành một bộ gọi là Đàm vô đức bộ.

10. Ẩm quang bộ: Aåm quang tức là Ca diếp vị đại đệ tử của đức Phật, khi Phật còn tại thế Ca diếp tuyển tập những lời Phật dạy chia thành hai loại, một loại dùng để phá tà thuyết ngoại đạo, một loại dùng để đối trị phiền não chúng sanh. Sau khi Ngài tịch đệ tử tôn sùng thuyết này lập riêng thành một bộ gọi là Ca diếp di bộ.

11. Kinh lượng bộ: bộ này lấy tạng Kinh làm căn bản, không y cứ vào Luật tạngLuận tạng nên gọi là Kinh lượng bộ, lại còn gọi là Thuyết chuyển bộ. Sở dĩ có tên Thuyết chuyển là bộ này cho rằng mỗi loài hữu tình, nếu được nghe kinh pháp thì dù có chuyển sanh đời này sang đời khác, tuy chưa đắc đạo nhưng chủng tử ấy vẫn không mất.

 

Bài 17

QUAN ĐIỂM SAI KHÁC VỀ PHẬT THÂN QUAN

Trình bày giáo nghĩa của 20 bộ phái, qua đó để tìm ra những điểm sai biệt của chúng như thế nào đó là điều không phải đơn giản.

Ở những bài trước chúng tôi đã nêu ra một vài điểm sai biệt căn bản, tức nhiên nếu xét sự sai khác một cách chi ly, chúng tôi cũng không biết nương vào các tư liệu nào để làm sáng tỏ.

Trong các bộ phái chỉ có Nhất thiết hữu bộ là được truyền sang Trung hoa, Nhật bản… sớm nhất. Giáo nghĩa bộ này xưa nay đã được các học giả nghiên cứu so sánh có phần sáng tỏ.

Trong các tác phẩm Tông luân luận, Bộ chấp luận sớ… có ghi chép sơ lược giáo nghĩa 20 bộ phái. Ngoài các tác phẩm này ra chúng ta cũng không biết nương vào tư liệu nào để tra cứu. Vì thế ngày nay chúng tôi chỉ trình bày một vài điểm khác nhau căn bản, của hai bộ phái lớn là Thượng toạ bộĐại chúng bộ.

Trong Dị bộ tông luân luận có ghi lại những nghĩa lý liên quan về Phật thân của hai bộ. Quan niệm về Phật thân chia thành hai phần riêng biệt là Nhục thân và Thật thân.

Đại chúng bộ cho rằng Thật thân là thân hoàn toàn do kết quả Phật tu hànhđạt được, là bổn thân của Phật. Bổn thân vốn không hạn lượng không có điểm cùng cực, do vậy nên thọ mạng của Thật thân cũng không có hạn lượng.

Phật của nghĩa Thật thân trong khi hoá độ chúng sanh không có sự phân biệt tác động, suy nghĩ nhưng không tác ý, trong một sát na khéo hiện thân khắp mười phương thế giới.

Như vậy từ Thật thân thị hiện sức thần thông biến hiện ra Liệt ứng nhục thân, thân này hoàn toàncứu độ chúng sanhthị hiện, nên Liệt ứng nhục thân còn gọi là Hoá thân đây là thuyết Phật thân của Đại chúng bộ.

Quan điểm về Phật thân của Thượng toạ bộ thì ngược lại, họ cho rằng Thật thân của Như lai là Nhục thân có hình chất, do vì hoá độ chúng sanh mà Thật thân thị hiện ra các thân lớn nhỏ gọi đó là Hoá thân.

Theo quan điểm này, nên thọ mạng của Phật cũng có hạn lượng. Phật hiện sức thần thông thị hiện thân khắp mười phương thế giới không phải là không có tác ý. Phải có tác ý Phật mới có thể làm tất cả mọi công việc.

(Lập trường về Phật thân của Thượng toạ bộ đặt nặng lịch sử, còn Đại chúng bộ đặt nặng luân lý. Lập trường Đại chúng bộ gần với Đại thừa).

Đại chúng bộ cho rằng Phật hoàn toàn không có lỗi lầm, nhục thể của Ngài xa lìa mọi vọng chấp. Thân Phật không gây ác nghiệp bởi thân Ngài là thân vô lậu, không riêng thân Ngài như vậy mà lời nói ý nghĩ cũng đều như thế.

Phật không bao giờ thốt ra những lời nói vô ích, cho đến trong mỗi động tác nói năng im lặng đều làm lợi ích chúng sanh. Nghĩa là trong mỗi động tác của Ngài đều chuyển pháp luân. Lại trong mỗi lời nói của Ngài đều có diệu dụng thích ứng với mọi căn cơ trình độ của chúng sanh.

Trên đây là nói về thân nghiệpkhẩu nghiệp, còn liên quan đến ý nghiệp, Đại chúng bộ cho rằng Phật luôn luôn ở trong thiền định, Ngài thường trụ trong thiền định không có giây phút nào gián đoạn.

Hữu bộ quan niệm Phật khi trụ trong định tâm không duyên với cảnh vật bên ngoài, còn Đại chúng bộ lại cho rằng Phật ở trong định tâm Ngài cũng duyên được với cảnh vật bên ngoài. Do đó lúc Phật ở trong định vẫn có thể giải đáp những câu hỏi của chúng sanh, nghĩa là Phật luôn luôn nương vào sức tác dụng của trí tuệ. Phật đã trụ trong định nên Ngài không có thuỳ miên, sở dĩ thuỳ miên là do tâm phàm phu luôn bị tán loạnphát khởi.

Quan điểm của Thượng toạ bộ về Phật thân thì không phải như thế. Thượng toạ bộ cho rằng nhục thể của Phật là thân hữu lậu, mặc dầu tự thân Ngài không còn làm điều ác, nhưng những người khác đối với Ngài vẫn có sân hận hoặc tôn kính (nghĩa là vẫn có thể duyên với nhục thể của Phật mà phạm vào các điều ác).

Mọi lời nói của Phật không hẳn đều là chuyển pháp luân. Các việc nói năng, im lặng của Ngài không phải đều là tế độ chúng sanh mà còn thuộc nơi vô ký. Phật trong khi trả lời những câu hỏi của chúng sanh tuy không phải động não suy nghĩ, nhưng đều thuận theo thứ tự đạo lý mà nói đây là điều đáng lưu ý. Phật cũng có thuỳ miên. Quan niệm về Phật thân của Thượng toạ bộ là do nương theo sự thật lịch sửlập thành.

Ngoài ra còn có hai thuyết truyền, là Phật ở trong một sát na có thể biết rõ tất cả pháp và không biết rõ tất cả pháp. Do hai quan điểm này mà Tận tríù, Vô sanh tríù… của Phật có sự quan hệ hằng thường tuỳ chuyển và không hằng thường tuỳ chuyển. Trên đây là một vài điểm sai khác về Phật thân luận, do hai bộ phái căn bảnĐại chúng bộThượng toạ bộ chủ trương.

Chủ trương Đại chúng bộThượng toạ bộ.

1. Thân.

a. Đại chúng bộ.

- Chân thật thân là bổn thân không có hạn lượng.

- Liệt ứng thânhoá thân có hạn lượng.

Đặt nặng lý luận.

b. Thượng toạ bộ.

- Hữu chất thân là bổn thân có hạn lượng.

- Mỗi mỗi thân lớn nhỏ đều là hoá thân có hạn lượng.

Đặt nặng lịch sử.

2. Ngữ ý.

a.Đại chúng bộ.

- Suy nghĩ của Phật đều vì lợi người.

- Nói pháp khôngtác ý.

- Không thuỳ miên.

- Trong định vẫn thấy đước mọi sự vật bên ngoài.

- Trong một sát na rõ biết được khắp tất cả.

b. Thượng toạ bộ.

- Suy nghĩ của Phật thuộc về vô ký.

- Nói pháp có sắp đặt.

- Có thuỳ miên.

- Trong định không thấy được mọi sự vật bên ngoài.

- Trong một sát na không rõ biết được tất cả các pháp.

 

Bài 18.

NHỮNG ĐIỂM NẶNG NHẸ VỀ TAM TẠNG TAM HỌC

Hai mươi bộ phái trên mặc dầu mỗi bộ phái đều có chủ trương sai khác, nhưng xét một cách khái quát, chúng ta có thể thấy được sự sai khác đó cũng không đi ra ngoài việc đặt nặng nhẹ về tam tạngtam học.

Như Thượng toạ bộ kể từ Ca diếp, A nan đến nay, họ vẫn tuân theo quan điểm bảo thủ, chấp chặt vào một nguyên tắc nhất định, vì vậy các bộ như Nhất thiết hữu bộ, Hoá địa bộ, Pháp tạng bộ, Aåm quang bộ đều nghiên nặng Luật tạng. Các bộ này chẳng phải từ Đại chúng bộ mà từ Thượng toạ bộ lưu xuất, vì thế họ nghiên nặng về Luật tạng là điều có căn cứ.

Có thuyết cho rằng luật Tăng kỳ là bộ luật căn bản của Thượng toạ bộ điều này xét có cơ sở. Điểm căn bản Thượng toạ bộbộ phái nghiên nặng Luật tạng, vì thế Thượng toạ bộ phân bộ tức có thể biết đó là sự phân chia giới luật. Do đó niên đại phân bộ của Thượng toạ bộ so với Đại chúng bộ thì trễ hơn nhiều.

Đại chúng bộbộ phái đặt nặng trí tuệ thuộc trường phái đào sâu, nghiên cứu… trong tam tạng đặt nặng về Luận tạng. Vì vậy từ Đại chúng bộ đầu tiên phân ra Kê dẫn bộ thì bộ này đặt nặng luận và xem nhẹ kinh và luật. Việc đặt nặng luận và xem nhẹ kinh và luật không chỉ Kê dẫn bộ chủ trương, mà có thể suy biết đây cũng là chủ trương của Đại chúng bộ.

Đại chúng bộ chú trọng Luận tạng đặt nặng phần trí tuệ, y theo lập trường đó mà luận bàn sự sâu cạn của đạo lý. Vì vậy từ Đại chúng bộ phân chia ra các bộ phái lại càng nhanh chóng.

Ngược lại Thượng toạ bộ đặt nặng giới luật, so với Đại chúng bộ thì Thượng toạ bộ tợï hồ có sự thống nhất bền chặt không chạy theo xu hướng thời đại. Nhưng cũng nhờ ảnh hưởng luận nghị của Đại chúng bộ mà đến giai đoạn chủ nghĩa giới luật phân chia, các phái từ Thượng toạ bộ lưu xuất cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Ví như Tuyết sơn bộ lần hồi tin theo Ngũ sự Đại thiên, ngoài ra các bộ như Độc tử, Chánh lượng… cũng hấp thụ ít nhiều tư tưởng Đaị chúng bộ.

Kinh lượng bộ là bộ lưu xuất sau cùng của Thượng toạ bộ, bộ này chủ trương kinh tạng là nền tảng của Phật giáo, trong tam học thuộc phái thiền dịnh do đó Kinh lượng bộ cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Đại chúng bộ. Vì vậy Kinh lượng bộĐại chúng bộ, cùng với sự phát triển Đại thừa sau này chúng có mối liên hệ trực tiếp lẫn nhau.

Những điểm phân tranh hai mươi bộ phái, phần căn bản cũng không ra ngoài việc đặt nặng hay xem nhẹ về tam tạng, tam học mà xảy ra các cuộc luận chiến.

Chủ trương nặng nhẹ về tam tạng, tam học của hai mươi bộ phái, có thể tóm lược như sau. 

I. Kinh (tam tạng) – Định (tam học)

Kinh lượng bộ và các bộ như Độc tử, Pháp tạng, Hiền thủ, Chánh lượng, Mật lâm sơn… các bộ này đều từ Độc tử bộ mà lưu xuất .

Đa văn bộ (chịu ảnh hưởng của Đại chúng bộHữu bộ)

II. Luật (tam tạng) – Giới (tam học)

Ngũ bộ luật.

(trong năm bộ luật có thuyết cho rằng có Bà lô phú na luật, không có Tăng kỳ luật).

1. Ma ha tăng kỳ luật: luật của Tuyết sơn bộ (có thuyết cho là Đại chúng bộ). (Đa văn, Tuyết sơn thông cả hai tông Không, Hữu)

2. Tát bà đa luật (Thập tụng luật): luật của Nhất thiết hữu bộ (Hữu tông).

3. Di sa tắt luật (Ngũ phần luật) : luật của Hoá điạ bộ (xuất phát từ Hữu bộ) (Hữu tông) .

4. Đàm vô đức luật (Tứ phần luật) : luật của Pháp tạng bộ (xuất phát từ Hữu bộ) (Hữu tông).

5. Ca diếp di luật: luật của Ẩm quang bộ (xuất phát từ Hữu bộ) (Hữu tông).

III. Luận (tam tạng) – Huệ (tam học)

- Đại chúng bộ

Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê dẫn bộ, Thuyết giả bộ, Tây sơn bộ, Bắc sơn bộ, Đa văn bộ. (xuất phát từ Đại chúng bộ) (Không tông).


Bài 19

CHỦ TRƯƠNG PHÁP VÔ KHỨ LAI CỦA

ĐẠI CHÚNG BỘ VÀ CÁC BỘ THUỘC ĐẠI CHÚNG BỘ

Tám bộ Đại chúng, Kinh lượng, Kê dẫn, Chế đa, Tây sơn, Bắc sơn, Pháp tạng, Ẩm quang và một bộ phận Hoá địa (thuộc Thượng toạ bộ) đối với Hiện tượng giới, cho rằng các pháp đều vay mượn nhân duyên nên có sanh diệt, pháp quá khứ, vị lai thể dụng đều không, duy sát na hiện tại, hữu vi vô vi thể dụng là thật.

Đại chúng bộ cho rằng: tâm tánh chúng sanh xưa nay vốn thanh tịnh, chỉ do khách trần phiền não làm tạp nhiễm nên khởi tâm tánh bất tịnh, nhưng khách trần phiền não từ vô thỉ cùng với tịnh tâm đều là một thể. Cũng do từ nơi bản thể đó chúng sanh tạo nghiệp khiến bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Nếu chúng sanh hồi đầu tu tập thánh đạo, xa lìa tạp nhiễm phiền não thì tịnh tâm sẽ hiển lộ. Đại chúng bộ đối với Thật thể giới mà diễn bày chín món vô vi, tức là chỉ lý thể của các pháp xưa nay vốn tự nhiên, không do nhân duyên sanh khởi.

1. Trạch diệt vô vi: Niết bàn gọi là diệt, nghĩa là pháp Niết bàn vô vi này do sự phân biệt giãn trạch lìa các ràng buột phiền não mới có thể hiện.

2. Phi trạch diệt vô vi: Nghĩa là Niết bàn không do lực trí tuệ giãn trạch mà đạt được, chỉ vì nhân duyên không đầy đủ khiến không sanh không diệt.

3. Hư không vô vi: Nghĩa là tánh vô đắc, do nó không vay mượn nhân duyên xưa nay vốn tồn tại nên cũng gọi là vô vi.

4. Không vô biên xứ vô vi: Bởi hữu tình chán ghét thô sắc vật chất ưa thích không xứ do đây gọi là không. Cũng có sắc cực vi làm chỗ tinh thần nương tựa gọi là tâm thức cùng với sắc pháp giống nhau, ba món vô sắc sau (5, 6, 7) cũng như thế. Xứ có nghĩa là sở y, Không vô biên là chỗ nương tựa của hữu tình, nên là vô vi.

5. Thức vô biên xứ vô vi: Bởi hữu tình chán ghét Không vô biên xứ, ưa thích Thức vô biên xứ (ngoài ra như mục 4 đã trình bày).

6. Vô sở hữu xứ vô vi: Bởi hữu tình chán ghét Thức vô biên xứưa thích quán vô ngã, ngã sở, hai món này đều bình đẳng không có sai biệt (ngoài ra như mục 4 đã trình bày).

7. Phi tưởng phi phi tưởng xứ vô vi: quán sát các cảnh giới trước, như là ghẻ, mục… mà sanh ý niệm ưa thích tịch tịnh vi diệu (ngoài ra như mục 4 đã trình bày).

Bốn món vô vi 4, 5, 6, 7 mặc dù không có sắc chất thô phù nhưng có sắc chất vi tếtâm thức, nó đều thuộc quả báo Gia hành (do trong lúc tu nhân mà đạt được) ngoài ra các món 1, 2, 3 đều nương vào pháp vô vi mà sanh ra năm uẩn.

8. Duyên khởi chi tánh vô vi: nghĩa là mười hai pháp nhân duyên, mặc dầu thuộc hữu vi nhưng tướng trạng của nó trước và sau khi sanh khởi đều an nhiên không đổi, lý pháp của mười hai nhân duyên này nhất định tức là vô vi.

9. Thánh đạo chi tánh vô vi: nghĩa là tám thánh đạo mỗi món đều đầy đủ công năng xa lìa ô nhiễm, lý pháp của tám thánh đạo này là nhất định không biến đổi tức là vô vi.

Chín món vô vi trên đều là thiện pháp Phật giáo rất tôn trọng. Ở Trạch diệt vô vi do đoạn phiền não mà chứng Niết bàn, đó là mục đích tối hậu của đạo Phật. Muốn đạt mục đích đó cần phải được sự giáo hoá của Phật pháp, bởi Phật phápcông năng dẫn dắt phát sanh trí tuệ cho tất cả chúng sanh.

 

Bài 20

CHỦ TRƯƠNG PHÁP HỮU NGÃ VÔ CỦA

HỮU BỘ VÀ NHỮNG BỘ THUỘC HỮU BỘ

Thuyết nhất thiết hữu bộ cùng Tuyết sơn, Đa văn đối các pháp trong vạn hữu vũ trụ để quan sát nó mà chia thành năm phần như sau.

1. Sắc trần: như mắt, tai … tức ngũ căn. Sắc, thanh… tức ngũ trần, cùng với một phần vô biểu sắc.

2. Tâm pháp: tức tinh thần… còn gọi là tâm vương.

3. Tâm sở pháp: công dụng đặc thù của tinh thần như cảm giác, xúc giác, tri giác, tưởng tượng… mỗi loại đều có thể tánh riêng biệt, cùng tâm vương hoà hợp tương ứng mà khởi tác dụng.

4. Bất tương ưng hành pháp: hành nghĩa là tạo tác như là bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt; có điều nó không cùng tâm (vương, sở) tương ưng.

5. Vô vi pháp: có ba món Trạch diệt, Phi trạch diệtHư không. Pháp vô vi này chẳng phải là Trạch diệtHư không, đối với tri khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo của Tứ đế nó vốn không chỗ trú không hàm nhiếp trong Tứ đế, chỉ có Trạch diệt vô vi là hàm nhiếp trong Tứ đế.

Để thuyết minh năm phần vị trên, hoặc dùng Ngũ uẩn (uẩn nghĩa là tụ) để phân loại chúng, hoặc dùng Thập nhập để phân loại chúng, hoặc dùng Thập bát giới để phân loại chúng. Điểm căn bản, năm phần vị này đều hàm nhiếp trong pháp hữu vi. Ngoài pháp hữu vi thì không ra ngoài ba món vô vi, các món hữu vi, vô vi này bao quát hết thảy vạn hữu vũ trụ.

Trong năm phần vị này, mặc dầuhữu vi vô vi sai khác nhưng pháp thể của chúng trước sau vẫn thường hằng, chẳng qua tác dụng của năm pháp này có sai khác, là đã khởi (quá khứ) đang khởi (hiện tại) và sẽ khởi (vị lai). Vì vậy tông này chủ trương “Tam thế thật hữu, Pháp thể hằng hữu”.

Lại pháp thể mặc dầu là thật có nhưng thiếu duyên thì không thể khởi tác dụng. Ví dụ: mắt thiếu ánh sáng thì không thể thấy được vạn vật, bởi vì pháp tự thể đơn độc không thể khởi tác dụng, huống gì là chủ tể thường nhất mà gọi là ngã hay sao? Căn cứ vào quan điểm đó tông này được gọi là Pháp hữu ngã vô tông.

Xét ngã đã là không vậy năng lực nào có thể duy trì sự khổ đau, sanh thành tồn tại của các pháp trong thế gian? Đáp: Việc duy trì sự khổ đau sanh thành tồn tại của các pháp trong thế gian không ra ngoài nghiệp làm nhân, phiền não làm duyên, nếu ai đoạn trừ được hai món này thì khổ đau tiêu trừ sẽ chứng đắc được bản thể vi diệu Niết bàn.

Phương pháp để thành tựu đoạn tập, chứng diệt là Bát chánh đạo và Tam thập thất phẩm… do đó việc tu tập cũng không ra ngoài sự vận dụng trí tuệ hữu lậu của thế tụctrí tuệ vô lậu của thắng nghĩa. Trong đó thứ tự tu chứng phân biệt thành ba loại là Kiến đạo, Tu đạoVô học đạo.

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/08/2014(Xem: 27468)
24/05/2011(Xem: 24857)
18/10/2010(Xem: 41029)
18/10/2010(Xem: 44290)
18/10/2010(Xem: 40930)
05/07/2019(Xem: 8884)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.