Chân Hiền Tâm
Một ai đó đã viết : “Tôn giáo chỉ là một sự mê tín, ảo giác, huyền bí của con người tạo ra. Tôn giáo đưa ra những giáo điều và phương pháp tu tập để đạt được những năng lực phi thường, siêu việt như thần thông phép thuật, và hội nhập vào bản thể vạn vật hay về các cõi Thần, Thánh, Tiên, Phật v.v... Những điều trên đây khiến cho con người ham mê. Do ham mê nên phí công, phí sức, phí tiền của, nhưng cuối cùng chẳng làm ích lợi thiết thực gì cho mình, cho người, mà còn làm hao phí của cải tài chánh và công sức của mọi người một cách nhảm nhí vô ích[1].
Phật và Niết-bàn là những khái niệm thường được dùng trong Phật giáo. Nhận định thế nào về một tôn giáo là quyền tự do ở mỗi người. Có thể Phật giáo đã được biến thể dưới bàn tay của một ai đó, khiến nó trở thành mê tín, ảo giác như những liều thuốc phiện. Và con người, đã phí công, phí sức, phí tiền mà không nhận lại được gì như chính chủ nhân bài viết đã nói.
May mắn là tôi đã không gặp phải loại tôn giáo đó. Phật giáo tôi gặp là loại Phật giáo chân chính. Bạn sẽ hỏi điều gì khiến tôi tin đó là nền Phật giáo chân chính? Đơn giản vì, từ khi tôi có nó trong đời sống của mình, mọi thứ đều thay đổi. Cuộc sống chất đầy phiền não của tôi đã biến mất. Thay vào đó là sự an vui. Tôi an vui và người chung quanh tôi an vui. Tôi hạnh phúc trong trách nhiệm của một công dân và bổn phận của một người con Phật, hạnh phúc của tôi do chính tay tôi tạo dựng, đúng với tình thần mà Đạo Phật đã nói, giúp chúng sinh “lìa tất cả khổ và được cái lạc rốt ráo”[2]. Cái lạc tôi nhận được chưa phải là cái lạc rốt ráo nhưng đủ để tôi thấy hạnh phúc ở đời.
Đạo Phật mà tôi biết không lìa đời sống thường nhật.
Không mê tín vì nó nói lên đúng bản chất của mọi sự vật.
Không ảo giác vì nó luôn mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống hiện tại.
Không hao phí công sức và tài chánh vì nó luôn mang lại “lợi nhuận” gấp bội cho người đã ứng dụng được nó đời sống thường nhật của mình.
Phật, Pháp, Tăng không lìa đời sống thường nhật
Một số người đã nhìn các nghi lễ cũng như việc tụng niệm hay ngồi thiền của Phật giáo như những hành vi xa rời đời sống thường nhật của con người, nhìn đoàn thể Tăng Ni như những vị ăn bám làm hao tổn của cải xã hội. Có một sự nhầm lẫn không nhỏ ở đây…
Đời sống đương đại là một đời sống “hối hả” và đầy bất an. Ai cũng cần có những khoảng lặng trong chính mình để đương đầu với sự “hối hả” và bất an đó. Một đời sống, xoáy sâu vào nó thì dễ mà muốn dừng lại không phải dễ. Nó tạo ra khá nhiều áp lực cho con người. Lắng tâm trong các nghi lễ, tụng kinh, niệm Phật hay ngồi thiền giúp ta trở về với khoảng lặng quí giá ấy. Nó chính là trợ lực giúp ta thấy thanh thản hơn với những bận rộn đời thường. Thanh thản ấy nếu đủ, sẽ giúp ta không có cái nhìn hằn học đối với những bất như ý xảy ra quanh mình, đủ để mình tỉnh táo với những luận điệu bất lợi cho xã hội.
Pháp bảo nếu không có Tăng bảo, sẽ không được truyền bá ở thế gian. Những gì tôi đã trải qua, nó giúp tôi hiểu rằng đời sống “biệt lập” của Tăng Ni là cần thiết trong việc truyền bá giáo pháp. Không phải chỉ có những người thuộc các đạo giáo mới nói đến cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, lợi ích tha nhân hay lý tưởng cộng đồng. Những nhà lãnh đạo có lý tưởng Cộng sản cũng đã nói đến việc ấy. Nhưng thực tế thì chưa có một quốc gia nào hiện nay đã thực hiện được lý tưởng ấy. Nó bị phá vỡ bởi chính một bộ phận không nhỏ trong giai cấp chính quyền và kể cả người dân. Nhân duyên chính là do lòng tham và sự ngu muội. Ai cũng nghĩ đến chuyện thâu gom cho bản thân, không còn nghĩ đến nỗi khổ của đồng loại. Chúng ta chỉ làm sao để thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà quên mất sự sống còn của kẻ khác. Chính là do chúng ta không có được một đời sống “biệt lập” đủ lắng tâm để hiểu về lẽ thật ở cuộc đời này, không có được một đời sống bình yên đủ để hàng phục tham-sân-si và thấy rõ nguyên nhân cũng như hậu quả mà chúng đã, đang và sẽ gây ra. Chỉ giáo pháp của Phật và một số các triết gia nổi tiếng mới chú trọng đến tam độc. Socrate từng nói “Tất cả tội lỗi đều do vô minh mà ra. Người trí tuệ cũng bị cám dỗ bởi tham-sân-si, nhưng họ biết dùng trí tuệ chế ngự sự cám dỗ để không rơi vào vòng tội lỗi…”[3]. Tăng Ni là những vị có khả năng nắm vững ý chỉ đó và có nhiệm vụ truyền bá cho mọi người, giúp người đời buông bỏ tam độc, góp tay xây dựng một thế giới an bình.
Tuy có đời sống biệt lập không tham ái như thế, nhưng các hoạt động của Tăng Ni đoàn chưa bao giờ lìa khỏi dòng đời. Mọi hoạt động của chư vị đều tập trung phục vụ quần sinh để đời sống nhân loại được hạnh phúc hơn. Nó được thể hiện qua các hoạt động mà chư vị đang thực hiện.
. Thành lập chùa chiền, thiền viện hay mở các trường đào tạo Tăng Ni sinh, lập ban Hoằng pháp v.v… là nhằm phục vụ cho sinh hoạt Phật pháp ở các chùa, giúp chúng sinh hiểu biết về lẽ thật ở cuộc đời. Ngoài việc giúp họ giải quyết cái khổ ở bản thân mà có lẽ ngay cả những bác sĩ tâm lý cũng không làm được, chư vị còn giúp họ có một hướng nhìn tích cực đối với đời sống gia đình và xã hội. Những ai có thể ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống của mình, ở đó không chỉ có gia đình họ an ổn, mà họ còn có thể giúp gia đình những người hữu duyên với mình an ổn. Ở đó cũng không có những việc tiêu cực xảy ra như trộm cướp, sát sinh, tà dâm, uống rượu v.v… là nhân tố giúp xây dựng một đất nước giàu mạnh trong tương lai.
. Tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin truyền thông cho Tăng Ni không chỉ một lần, là nhằm “đóng góp lợi ích cho cộng đồng, nhằm chuyển tải giáo lý đạo Phật đến với tất cả mọi người”. Đó là mục tiêu mà Hòa thượng Thích Gia Quang đã nêu ra trong buổi khai mạc. Hòa thượng Phó pháp chủ cũng nhấn mạnh đến tính chính xác và mở rộng của việc thông tin. Ngài dạy: “Ngày xưa, đức Thế Tôn chuyển Pháp luân mang lại lợi ích lớn cho Trời và Người, vang đến Tam Thiên Đại Thiên. Ngày nay, khi làm truyền thông, chẳng những chỉ trên xa lộ thông tin nghe nhìn, mà mong thông tin sẽ lan tỏa khắp 64 tỉnh thành trong nước, lan tỏa ra năm châu bốn biển, đem lại lợi lạc cho số đông”[4].
. Ký kết chương trình về bảo vệ môi trường. Thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo về cuộc sống và môi trường để giúp mọi người thấu đáo hơn về trách nhiệm của bản thân đối với môi trường sống quanh mình. Bởi hủy hoại và làm ô nhiễm môi trường là hậu quả của tư duy hữu ngã. Một tư duy đi ngược với con đường hạnh phúc mà Phật Tổ đã dạy. Vì thế, Tăng Ni đoàn đã động viên Phật tử tham gia hưởng ứng các phong trào cải tạo và bảo vệ môi trường, vừa giúp Phật tử tiến dần về tư duy vô ngã mà Phật đã dạy, vừa đóng góp thiết thực cho lợi ích cộng đồng.
. Thành lập Tuệ Tinh Đường, Quán cơm xã hội, Viện nuôi người già, Trung tâm bảo trợ xã hội, làm các công tác cứu trợ và từ thiện xã hội như tổ chức phát quà cho các bệnh nhân, cho gia đình nghèo khó, phát quà cho các em thiếu nhi, xây dựng nhà tình thương v.v… không chỉ giúp những kẻ thiếu thốn đỡ được phần nào sự thiếu thốn, góp phần làm nhẹ bớt gánh nặng của chính quyền đối với người dân, nó còn giúp bộ phận “cho ra” mở rộng lòng từ, thấu cái lẽ “vì người mới chính là vì mình”, góp phần khai mở một xã hội với tiêu chí “yêu thương mọi người như chính mình”, cái nhân của một xã hội lý tưởng và hạnh phúc.
Phật pháp không mê tín
Giáo lý hay sự tu tập trong Phật giáo, ngoài việc giúp chúng sinh hết khổ, mục đích chính của nó là nhằm giúp chúng ta thấu được thực lý chi phối thế gian này. Đó là lý Duyên khởi, được khai triển thành lý Nhân duyên và Nhân quả, ở cả hai mặt vật chất và tinh thần. Nếu người dân nắm được lý này, tinh thần vì người sẽ xuất hiện, xã hội an bình, đất nước giàu mạnh. Nếu cấp lãnh đạo nắm được lý này, sẽ hạn chế được tham nhũng. Chư vị sẽ biết linh hoạt tùy duyên trong việc ứng dụng các học thuyết có lợi cho đất nước v.v… Điển hình là vào thời đại của Trần Nhân Tông. Nước giàu dân an. Chính là vì cấp lãnh đạo dụng được Phật pháp vào đời sống của mình.
Với các nhìn của đức Phật, không gì không là sở hiện (bóng giả) của tự tâm. Nói cách khác, những gì con người nhận được hiện này đều do thiện ác trong chính mỗi người mà ra. Nên giáo pháp của Ngài chỉ tập trung dạy người quay lại tự tâm thanh lọc ba nghiệp cho thanh tịnh.
Do chạy theo tham-sân-si nên chúng ta không thể nhận lại bản tâm dù lúc nào nó cũng sẵn đó, cũng không thể nhìn thấu được lý thật của cuộc đời. Cũng do chạy theo tham-sân-si nên quả khổ xuất hiện. Đó là lý do Đức Phật dạy chúng ta phá trừ tham-sân-si v.v... Song việc phá trừ này cũng có mức độ, tùy vào mong muốn của từng người. Bởi không phải ai cũng muốn giải thoát hay thành Phật. Có người chỉ muốn được hạnh phúc ở thế gian. Vì thế, giáo lý của đức Phật, được các bậc cổ đức phân thành mấy loại chính. Một là thực hành giáo lý để được cái quả Nhân Thiên thừa, hai là được cái quả giải thoát của Nhị thừa, ba là được quả Phật, thông qua con đường Bồ-tát đạo.
Cái gọi là thể nhập vảo bản thể hay đạt đến Niết-bàn chính là thẩm thấu được thực lý chi phối thế gian này, thẩm thấu đến tận cùng và nhận ra thể tánh của tất cả pháp. Đó cũng là đề tài mà các Triết gia đã đề cập đến, các nhà Vật lý học hiện đại đang trên đường tìm kiếm, cái gọi là hạt cơ bản.
Không có gì để gọi Phật giáo là mê tín.
Chỉ vì tánh dục và căn khí của chúng sinh không đồng, nên Phật pháp thấy có nhiều loại giáo lý và cách tu tập khác nhau. Là do ứng với vô vàn căn khí sai biệt của chúng sinh mà lập ra. Nhưng dù sai khác thế nào thì tinh thần chính vẫn là giúp chúng sinh hết khổ trong hiện tại và nhận ra đươc thực lý cũng như nguồn gốc của vạn pháp trong tương lai. Đó là lúc mà chúng ta thực sự “hết tất cả khổ”, như kinh luận đã nói.
Ở phương diện vật chất, lý Nhân duyên Nhân quả đã thể hiện rõ ràng trên từng sự vật, hiện tượng. Hạt mít là nhân, phải có các duyên như đất, ánh sáng mặt trời, nước v.v… mới cho cái quả là cây mít. Trong tất cả các lãnh vực, từ công nghệ, sinh học, giáo dục, pháp lý v.v… mọi ứng dụng của chúng không gì ra ngoài thực lý Nhân duyên Nhân quả nói đây.
Ở phương diện tinh thần, với tri thức thế gian của con người, chúng ta chưa thể nhận thức được vấn đề rõ ràng. Như Phật dạy Phật tử giữ ngũ giới, là để chúng ta có cái quả hạnh phúc cho bản thân. Không sát sinh là nhân cho ra cái quả không bệnh tật, không nạn tai, không chết yểu. Không nói dối để được cái quả gây dựng niềm tin v.v... Đa phần người đời chưa thể hình dung được mối liên hệ giữa nhân và quả này. Tuy vậy, những ai đã ít nhiều thẩm thấu được giáo lý của Phật, sống được với những gì đã học, sẽ nhận thấy việc này ứng hiện rõ ràng.
Tiến sĩ David Hawkins - một bác sĩ nổi tiếng tại Mỹ cho biết, chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân là ông biết người đó vì sao bị bệnh. Bởi trên cơ thể người bệnh không không xuất hiện chữ “yêu thương”, thay vào đó là “khổ, hận, phiền muộn v.v…”. Mọi kết luận hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học[5]. Việc này, tuy chỉ mới là mặt nhân quả thô, nhưng nó cũng cho thấy mối liên hệ nhân quả mật thiết giữa tâm thái và hoàn cảnh mà một người đang sở hữu. Đã gọi là nhân quả thô thì không tránh khỏi sự chi phối của vòng nhân quả tế.
Phật giáo không làm hao phí tiền của…
Một pháp thường được đức Phật dạy nhiều trong các kinh luận, đó là bố thí. Quả của nó là giàu sang phú quí. Tùy mức độ và tâm lượng bố thí mà quả sung túc theo đó hiện ra. Bố thí trong Phật giáo thường thông qua hai loại. Hoặc, cúng dường để xây dựng chùa chiềng, giúp Tăng Ni ổn định đời sống tu hành. Hoặc, bố thí cho người ngoài đời.
Bố thí cho người nghèo khó thì thuận với con mắt người đời, không có gì để bàn cải. Chỉ việc cúng dường là có thứ để bàn, vì có người vẫn nghĩ đó là việc làm hao tốn tiền của không chút lợi ích.
Với Tăng bảo chân chính, khi cúng dường không nhất thiết phải cúng bao nhiêu. Người nhiều của thì có thể cúng nhiều, cũng có thể không cúng. Người ít của thì không cúng hay cúng ít đều được. Nhưng việc đến chùa là bình đẳng, không mang tính chọn lựa. Việc nghe pháp hay dạo quanh dưới những rặng cây xanh cũng không dựa vào tiêu chuẩn cúng nhiều, cúng ít, hay không cúng. Dù là giàu hay nghèo, đều có thể đến thiền viện tìm chút không gian yên tĩnh, hoặc nghe một bài pháp hầu giải quyết những bất ổn trong mình. Như vậy, ngoài cái quả sung túc mà chúng ta nhận được trong tương lai, là cái quả mà đa phần chúng tôi đã cảm nhận và có niềm tin với nó, thì hiện tại chúng ta vẫn hưởng được rất nhiều lợi ích từ việc gieo duyên với Tam bảo. Không có gì gọi là hao tốn tiền của khi việc bỏ ra không bằng thu vào. Nếu việc bỏ ra trở thành hao tốn không chút lợi ích, là do nhận thức của chúng ta chưa tới, hoặc chúng ta cúng dường bằng tâm danh lợi mà không bằng tâm trong sáng, hoặc chúng ta cúng nhầm cho những vị chưa được chân chánh, nên cái quả nhận được thành hao hụt.
Mọi thứ đều mang tính lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội, nên không thể gọi Phật giáo là một loại ảo giác ru ngủ người đời.
Tích cực và tiêu cực
Giáo pháp của Phật nói chỉ nhằm mục đích giúp con người phá trừ những tật xấu trong mình, giúp con người có đời sống hạnh phúc hơn ở thế gian, mở ra một thế giới lý tưởng mà những người con Phật như chúng tôi ít nhiều đã cảm nhận được nó trong thế giới nhỏ hẹp của mình. Nhưng vì sao hiện nay vẫn có những cái nhìn không tốt đối với Phật giáo? Là do chúng ta, những người mang màu áo Đạo Phật, tư cách lại chưa hoàn chỉnh, từ sinh hoạt bản thân cho đến cách cư xử với người chung quanh. Không phải chỉ Phật tử tại gia mà cả với Phật tử xuất gia. Đó là do trình độ tiếp thu Phật pháp chưa sâu hoặc tiếp thu rồi mà thói đời còn sâu nặng, chưa thể ứng dụng Phật pháp vào đời sống thường nhật của mình, nên trên sự còn nhiều khiếm khuyết. Chưa kể trong đó còn có những kẻ cố tình mượn áo Như Lai để trục lợi và phá hoại. Chính những khiếm khuyết đó mà người đời có cái nhìn không đúng với Phật giáo. Bởi họ chưa đủ trình độ phân biệt được cái gọi là Phật giáo và những con người mang màu áo Phật giáo. Đó là việc không tránh khỏi ở thế giới Sa-bà này. Một thế giới mà với cái nhìn Duyên khởi, không có gì là tuyệt đối. Với cái tốt, chúng ta cũng chỉ có thể tìm thấy đa số, không thể có cái toàn triệt.
Song không vì mặt tiêu cực ấy mà chúng ta phủ nhận mặt tích cực Phật giáo đã mang lại cho con người, gia đình và xã hội hiện nay.
Platon, một triết gia nổi tiếng với chủ thuyết xây dựng một quốc gia rất “cộng sản” ở thế giới này, đã nói: “Chúng ta không thể mơ tưởng những quốc gia hoàn hảo hơn khi chúng ta chưa có những con người hoàn hảo… Song chúng ta phải xử trí thế nào khi mọi người đều tham lam, ganh ghét, dâm dật và ưa gây gổ? Phải dùng đến cảnh sát chăng? Đó là một phương pháp dữ tợn và tốn kém. Có một phương pháp khác tốt đẹp hơn, đó là sự chế tài của một đấng tối cao. Chúng ta cần có một tôn giáo”.
Platon cho rằng, một nước không có tín ngưỡng đối với một đấng tối cao thì không thể là một nước mạnh. Vì sao? Vì chỉ một đấng tối cao mới có thể bắt buộc những người ích kỷ phải dằn lòng để sống một cuộc đời tiết độ, kiềm hãm sự đam mê…[6]. Ý tưởng đó không phải không có giá trị trong thực tế. Thực tế thì pháp luật chỉ có thể làm giảm bớt một phần các tệ nạn trong xã hội. Pháp luật chỉ giải quyết được cái quả của tham-sân-si, không giải quyết được chính cái nhân tham-sân-si. Nên tệ nạn chỗ này dẹp, tệ nạn chỗ kia bùng phát, ngày một mạnh lên. Trong khi Tôn giáo có thể giúp con người giải quyết ngay cái nhân để cái quả không thành hình. Đương nhiên phải là những tôn giáo dạy con người hướng thiện, biết tiết chế lòng tham dục và đối xử với mọi người như anh em mình. Ở đâu có các Tôn giáo như thế xuất hiện, ở đó các tệ nạn xã hội giảm hẳn. Nói chung, mục tiêu của Pháp luật là xây dựng một xã hội ít có tệ nạn. Điều đó chỉ có thể thực hiện tốt khi có sự trợ giúp của Tôn giáo.
Đạo Phật không ngoại lệ. Kho tàng giáo pháp vô giá của ngài chính là công cụ giúp người người an định chính mình. Nó có tác dụng tích cực đối với việc an định một gia đình. Gia đình an thì xã hội an. Xã hội an thì đất nước an.
Cuối cùng thì…
Những gì mà Phật tử chúng con đã nhận được từ giáo pháp của đức Phật, chính là nhờ vào Tăng Ni bảo. Chúng con có được những khoảng không gian xanh để an ổn vui vẻ với bạn Đạo cũng là nương vào đức vị của chư vị, mới có thể có được chùa chiền rộng lớn, chánh pháp được truyền bá rộng rãi. Song, không có Giáo hội Phật giáo thì chúng con không có Tăng Ni bảo, không được Chính quyền nhà nước nâng đỡ thì Chánh pháp cũng khó có cơ hội được truyền bá rộng rãi, Phật tử cũng không có nơi để giải tỏa những áp lực trong đời sống của mình.
Chúng con có duyên lành được hội đủ các việc trên. Đó là phước báu mà chúng con có được. Nương phước báu có được đó, tăng trưởng tự lợi, lợi tha, để phước báu thêm nhiều, mà hồi hướng cho tất cả mọi người gặp được Chánh pháp và ứng dụng được Chánh pháp vào đời sống thường nhật của mình.
Cũng nguyện những tiêu cực như cúng sao giải hạn, bùa chú v.v… còn trong các chùa giảm hẳn, để Chánh pháp có thể lan tỏa rộng rãi, khiến người người được an vui, xã hội an bình, đất nước giàu mạnh.
Cuối cùng là hồi hướng phước báu đó, nguyện mình và người “đều trọn thành Phật đạo”.
[1] https://www.facebook.com/phu.nguyenvan.75436531?fref=ts
[2] Luận Đại Thừa Khởi Tín. Bồ-tát Mã Minh tạo luận.
[3] Câu Truyện triết học – Will Durant – Trí Hải và Bửu Đích dịch.
[4] Web Phật giáo Đồng Nai. http://phatgiaodongnai.vn/loi-phat-day/tp-hcm-ban-tttt-t-u-ghpgvn-khac-mac-khoa-boi-duong-nghiep-vu-thong-tin-truyen-thong-nam-2016-230.html
[5] Báo Sức Khỏe Nhi. http://www.suckhoenhi.vn/phat-hien-dang-kinh-ngac-cua-my-ve-dieu-ma-te-bao-ung-thu-so-nhat-d12088.html
[6] Câu chuyện Triết học – Chương I Platon – Will Durant – Trí Hải và Bửu Đích dịch.