TẠI ĐẠI GIỚI ĐÀN TỈNH TRÀ VINH?
Pháp Đăng
Từ lá thư hoài nghi của một tân giới tử Tỳ-kheo-ni…
Vào một buổi chiều tháng 12 gần cuối năm dương lịch, người viết tới thăm Hòa thượng Luật sư Thích Minh Thông tại Giới đàn viện Huệ Nghiêm. Vì là chỗ Thầy trò, cũng là để học hỏi và trao đổi giới luật với ngài nên chúng tôi thường xuyên lui tới mỗi khi có dịp. Lần này vào thăm ngài, bàn trà chưa kịp rót ra như mọi khi thì Hòa thượng đã vội đến bàn làm việc, lục tìm trong chồng thư từ ra một bức thư chuyển phát nhanh. Hòa thượng trở lại bàn trà và mở lá thư ra đọc cho người viết nghe nội dung bức thư ấy.
“…Con có thắc mắc về giới luật mong Sư ông khai thị, chỉ dạy cho con được rõ. Vào ngày 18 - 20-11-2016, con được thọ giới Tỳ-kheo-ni tại Giới đàn Pháp Hải. Nhưng lúc làm phép yết-ma, xin cho được thọ giới Tỳ-kheo-ni thì tấn đàn một lúc 6 giới tử, cùng quỳ một hàng, để y bát trước mặt các vị thập sư. Thời gian bắt đầu là từ 9g30 đến 12g10, tức là 21g30 đến 0g10 của ngày 19-11. Sau đó giới tử được nghỉ ngơi 3 tiếng đến 3g30 sáng, chúng con được qua giới đàn bên Tăng cầu giới.
Sau khi giới đàn kết thúc, con về chùa thì các vị tôn túc trong chùa nói là con không đắc giới. Vì theo các vị tôn túc thì một lúc chỉ lên được 3 giới tử, còn lên 6 giới tử một lúc là thành Tăng, không truyền giới được nên không đắc giới. Có một số vị tôn túc cho rằng vì phương tiện nên không sao, vẫn đắc giới. Hiện tại con rất hoang mang, phân vân. Xin Sư ông cho con biết: con có đắc giới hay không? Nếu không được thì bây giờ con phải làm sao?...”.
Giới tử Tỳ-kheo-ni cầu thọ Chánh pháp Đại Tăng tại Đại giới đàn Pháp Hải
do BTS GHPGVN tỉnh Trà Vinh tổ chức tháng 11-2016 - Ảnh: nigioitravinh.com
Hòa thượng đọc cho tôi nghe với cảm xúc ngỡ ngàng về sự việc xảy ra này. Ngài cho biết không thể tưởng tượng được là trong thời buổi này, khi các Đại giới đàn đã được tổ chức thường xuyên, chư vị trong hàng thập sư cũng như các vị tôn túc đều có niên cao lạp trưởng, ắt hẳn các vị đã từng học giới luật, kinh qua các công việc truyền giới của các giới đàn trước tại tỉnh nhà, nhưng không hiểu vì sao lại để xảy ra sai sót nghiêm trọng đến vậy?
Chúng tôi thưa Hòa thượng, vậy cách giải quyết sẽ như thế nào? Ngài nói sẽ tổ chức cho các tân giới tử thọ lại Đại giới Cụ túc nếu có yêu cầu. Hòa thượng cũng cho biết khi các vị giới tử Ni kia thưa với các vị tôn túc của Ni bộ, các vị ấy hỏi lại “Tại sao nói đàn giới phi pháp? Giới đàn có giấy tờ hợp pháp, sao lại nói rằng phi pháp?”. Hòa thượng cười, nói với chúng tôi rằng, có lẽ họ không hiểu chữ “phi pháp” ở đây không có nghĩa là “hợp pháp - bất hợp pháp” theo kiểu giấy tờ thế gian, mà có nghĩa là “phi Chánh pháp, phi giới luật Phật chế”.
Vừa qua đã có 10 vị xin Hòa thượng tổ chức Đàn giới phương trượng nhị bộ Tăng Ni cho họ thọ giới lại theo đúng cách thức của giới luật Phật chế. Điều Hòa thượng trăn trở là số lượng giới tử còn lại sẽ như thế nào nếu họ sanh tâm hoài nghi về sự không đắc giới của họ? Sự hoài nghi này không được giải tỏa sẽ là rào cản trên con đường tu tập của một người xuất gia.
… đến các Tăng sự phi pháp, không đúng giới luật
Xã hội hiện đại, có người quan niệm thời gian là vàng bạc, do vậy những pháp Tăng sự - việc làm của chúng Tăng, rất quan trọng trong đời sống Tăng-già - nên rút ngắn, chỉ cần làm “phương tiện” là được. Phải chăng đó không còn là “phương tiện” mà là sự “tùy tiện”? |
Chúng tôi ngồi uống trà và cùng chia sẻ với Hòa thượng về các vấn đề về thực thi các pháp Tăng sự hiện nay. Thực lòng mà nói, không phải sự việc này mới diễn ra. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe vài vị Tăng Ni kể lại ở một số địa phương, những Đại giới đàn chỉ truyền đúng luật (tối đa 3 giới tử cho một đàn giới) vài ba đàn đầu. Sau đó thì truyền tập thể số lượng lớn giới tử. Lúc đó chúng tôi vì không có điều kiện để xác minh, nhưng có thưa với Hòa thượng để ngài lưu tâm chấn chỉnh nếu có xảy ra.
Hòa thượng cho biết ngài có nghe chuyện đó, nhưng… “không nói được họ” phần vì “chuyện đã xong”, phần vì không thuộc thẩm quyền của mình. Bộc bạch chuyện này, chúng tôi chỉ muốn xin ngài để ý những vấn đề, mà một số không nhỏ các vị lãnh đạo coi là “tiểu tiết” hay “phương tiện”, khi ngài được mời làm Tuyên luật sư tại các Đại giới đàn. Ngài cười hiền và tâm sự: “Nhiều khi họ mời mình làm Tuyên luật sư nhưng họ không cho mình quyền gì của một Tuyên luật sư cả. Chọn thập sư thanh tịnh cũng không - vì đa phần đã chọn từ trước. Điều tiết các pháp yết-ma cũng không. Thậm chí có những giới đàn bắt mình làm cho nhanh, lược bỏ nhiều phần quan trọng trong pháp yết-ma…”.
Tôi thưa với ngài, có lẽ các vị lãnh đạo Giáo hội cấp địa phương ấy không rõ và rành giới luật, nhất là vị trí quan trọng của vị Tuyên luật sư, nên hành xử đôi lúc vi phạm giới luật Phật chế. Vấn đề này thiết nghĩ cần có những buổi làm việc của Ban Tăng sự về công tác tổ chức giới đàn, cho đúng với những gì Phật chế về đàn giới dành cho các vị xuất gia.
Còn nhớ cách đây không lâu, khi chúng tôi gặp các anh em học tăng tại trường TCPH của một tỉnh miền Trung, các anh em cho biết vừa có một lễ tự tứ “khác những điều được học”. Lễ tự tứ tại một học viện PG lớn đã “tự tứ tập thể” vài trăm Tăng sinh. Một vị Phó Viện trưởng học viện đại diện cho tất cả Tăng sinh lên đọc danh sách toàn bộ Tăng sinh và tác bạch…tự tứ tập thể. Thầy cũng cho biết, tất cả tác pháp Tăng sự an cư và tự tứ của hai bộ Tăng - Ni mùa hạ đó đều làm “tập thể” như vậy.
Người viết nghe được những điều này mà ngỡ ngàng và không muốn tin vào điều mình vừa được nghe. Bởi đây là môi trường giáo dục cao cấp nhất hiện nay của PGVN. Học viên của HVPG đa phần là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Họ đã được học giới luật Tỳ-kheo hoặc ít hoặc nhiều từ các trường TCPH. Nhưng việc hành xử Tăng sự cho họ lại không được tôn trọng một cách triệt để đúng theo giới luật Phật chế. Khi sự việc diễn ra, một số Tăng sinh có thắc mắc về việc làm phi pháp trên, thì được các vị có trách nhiệm quản lý của học viện giải thích là… “phương tiện”. Tất nhiên, có thể nhận thấy rằng lỗi phần lớn ở đây thuộc về người làm công tác giáo dục ở cấp quản lý. Và có lẽ, như trong bức thư mà vị tân giới tử Tỳ-kheo-ni kia đã “hoang mang, phân vân”khi nghe nhiều vị cho đây là “phương tiện”.
Xã hội hiện đại, thời gian là vàng bạc nên những pháp Tăng sự - việc làm của chúng Tăng, rất quan trọng trong đời sống Tăng-già - cần phải rút ngắn, chỉ cần làm “phương tiện” là được chăng? Chúng tôi xin đặt câu hỏi cho các vị chủ trương trên: Đây là “phương tiện” theo tinh thần giới luật “khai giá - trì phạm” hay là sự “tùy tiện”?
Trong một lần ở một nước hải ngoại, người viết được một ngôi chùa cùng bang mời dự một “Đại giới đàn” truyền giới cho Tỳ-kheo giới tử là người Mỹ và Tỳ-kheo-ni cho giới tử người Việt. Sau khi thăm hỏi cách thức tổ chức và thành phần thập sư, người viết đã tế nhị từ chối. Bởi phần nghĩ mình chưa đủ giới đức để dự vào hàng Tôn chứng, quan trọng hơn là cách thức họ sẽ tổ chức là phi pháp - nếu so với giới luật. Chúng tôi từ chối vì: Tăng Ni truyền chung một giới đàn; Tăng Ni cùng làm tôn chứng cho nhau, truyền giới cho Ni mà không có đàn giới riêng cho Thập sư Ni và tất nhiên cũng không có Chánh pháp yết-ma… Ấy vậy mà có một số vị Tăng Ni được đào tạo bài bản từ các trường Phật học trong nước vẫn “cố” tham dự. Và khi người viết chất vấn thì trả lời rất “tỉnh” rằng: không biết điều đó là phạm giới luật, chỉ là “phương tiện nơi biên địa”…
Thỉnh thoảng ở đâu đó người viết vẫn nghe những kiểu làm phi giới luật về Tăng sự như vậy - trong cũng như ngoài nước. Những vụ việc ấy đã và đang diễn ra ngày càng nhiều, song chưa có một cuộc họp nào của Ban Tăng sự, Đặc trách Ni bộ hoặc vị Giám luật của HĐCM lên tiếng hay có động thái giám sát chỉnh đốn.
Giới luật - điều Phật chế để thực hiện, không phải trang sức cho có
Chúng tôi thường trao đổi với chư vị luật sư về các nạn hiện nay trong Tăng-già. Lẽ thường thì phần lớn mọi người khi nói đến giới luật đều chú trọng nhắc đến phần giới bổn - điều giới ngăn cấm chúng xuất gia làm việc này việc nọ, không đúng chuẩn mực. Những điều đó thuộc về phạm trù đạo đức, phẩm hạnh của một bậc xuất gia. Đây là nguyên tắc “chỉ trì, tác phạm”. Một nguyên tắc còn lại của giới luật là “tác trì, chỉ phạm”. Đây chính là phần trì luật của các “loại hình” Tăng sự - Tăng phải làm cho đúng pháp thì đó chính là trì luật.
Giới bổn là phần căn bản để một người xuất gia buông bỏ các tập khí, hành vi xấu để dần hoàn thiện mình thành một con người đạo đức, phạm hạnh. Bên cạnh đó hoạt động thường xuyên của chúng xuất gia cũng có những nguyên tắc sinh hoạt riêng trong cộng đồng Tăng-già. Tất cả các hoạt động ấy đều nằm trong nguyên tắc “tác trì”, mà thọ giới, an cư hay tự tứ… đều là các Tăng sự quan trọng của Tăng-già và của cả cá nhân người xuất gia. Theo nguyên tắc giới luật Phật chế, một người không rành những điều cơ bản như vậy thì buộc phải y chỉ vào một vị rành giới luật dù tuổi hạ vị này có nhỏ hơn.
Một thực tế mà người viết nhận thấy hiện nay, đa phần các trường Phật học chưa đặt nặng môn Giới luật. Có dạy đi chăng nữa cũng “lòa lòa” (chữ dùng của cố Hòa thượng Luật sư Thích Thiện Siêu khi nói về việc hành trì giới luật hiện nay), không chuyên sâu để các vị xuất gia nắm rõ mà hành trì. Từ đó dẫn đến những sai sót, phi pháp như những sự việc nêu trên trong hiện tại và cả tương lai là điều không thể tránh khỏi.
Người viết còn nhớ khi đi cầu học với các vị luật sư, một vị luật sư đã giãi bày ưu tư của mình khi đề cập đến những hoạt động của Tăng-già - các pháp Tăng sự - thường bị bỏ qua hoặc xem nhẹ. Đây là điều người viết có cùng mối suy nghĩ và chia sẻ với ngài. Đời sống sinh động nhất của Tăng-già theo giới luật chính là các pháp Tăng sự, mà ngày nay chúng xuất gia thường bỏ qua không làm hoặc coi nhẹ. Các pháp như thọ giới, an cư, tự tứ… nhiều nơi không được làm đúng theo các quy củ mà giới luật quy định; trong đó việc thọ giới đúng luật là quan trọng bậc nhất. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần gióng hồi chuông báo động về tình trạng này. Sẽ là quá muộn và gánh lấy hậu quả nghiêm trọng trong tương lai không xa, nếu nhắm mắt và im lặng cho qua. Liệu chúng ta có can đảm nhận sai và sửa chữa điều sai ấy?
Thay lời kết
Câu chuyện về những giới đàn tổ chức không đúng giới luật luôn là một câu chuyện dài. HT.Thích Minh Thông trong những lần trò chuyện với chúng tôi đều không tránh những cái thở dài. Hòa thượng cho biết, những giới đàn mà các tỉnh mời ngài làm Tuyên luật sư, có những nơi không rành rẽ về giới luật, không biết làm vậy thì “tội nghiệp” giới tử, giới tử không thể đắc giới, không thể sanh vô tác giới thể… Mà, ngài nói đùa với chúng tôi là giới đàn bây giờ cảm giác như là “thọ giấy” chứ không phải “thọ giới”.
Khi còn sinh tiền, đôi lần được hầu chuyện với cố Hòa thượng Luật sư Thích Đỗng Minh, người viết thỉnh thoảng bộc bạch suy nghĩ của mình, về các pháp Tăng sự thường nhật của các vị xuất gia trong truyền thống Bắc tông. Ngài luôn dạy chúng tôi câu “Giới luật là thọ mạng của Tăng-già…”.
Với chúng tôi, giới luật luôn là nền tảng, nó cũng như luật pháp của một quốc gia, có những điều có thể du di, song cũng có những điều luật bất di bất dịch. Giới luật Phật giáo là giềng mối, tạo ra cộng đồng Tăng chúng đúng như pháp và là sợi dây xâu kết Tăng-già lại với nhau. Ngoài các giới điều mà một người xuất gia hành trì để từng bước bước lên các nấc thang của bậc phạm hạnh giải thoát, thì các nguyên tắc tổ chức, sản sinh chúng xuất gia hợp pháp (thọ giới như pháp), tạo nên cộng đồng Tăng-già đúng như pháp, giữ sự hòa hợp… sẽ giúp cho Tăng-già tồn tại. Để làm được điều này thì các điều kiện và các pháp yết-ma phải được tôn trọng, hành xử đúng pháp Phật chế. Còn bằng không, chúng ta chỉ làm trên hình thức mà không có nội dung như tinh thần giới luật.
Chúng ta tổ chức các giới đàn đi chăng nữa cũng chỉ ở mức độ hành chính, mà không tạo được sự thiêng liêng khi sản sanh ra một bậc được xem là Chúng trung tôn. Ở điểm này, người viết chia sẻ sự ưu tư về khái niệm “thọ giấy” và “thọ giới” của Hòa thượng Luật sư Thích Minh Thông.
Pháp Đăng
(Giác Ngộ)
- Từ khóa :
- Thấy gì
- ,
- truyền giới Ni
- ,
- phi pháp
- ,
- Đại giới đàn tỉnh Trà Vinh